Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

ÔNG THƯỜNG ĐIÊN (Truyện ngắn Hoa Sầu Đông)




Ngày nào cũng vậy, sáng tinh mơ đã thấy ông lang thang trên những con đường phố huyện. Bất kể là nắng hay mưa, mùa hè cũng như mùa đông, lúc nào ông cũng mặc một bộ đồ lính, bộ đồ đã quá cũ, sờn rách, không còn ra bộ quần áo. Ông cứ đi, đi một cách vô định. Mà ông cũng lạ, cứ đi nhặt nhạnh đủ thứ, toàn những thứ người ta vứt đi, Chẳng ai biết ông nhặt làm gì , người ta chỉ biết, nhờ ông, phố huyện với những quán hàng chợ búa, trở nên sạch sẽ hơn.

Không ai biết ông ở đâu, tên gì. Người ta chỉ thấy ông làm cái việc “kỳ quặc” ấy, nên gọi ông là “ông Thường điên”. Thấy ông tội nghiệp, người thì cho tấm bánh, kẻ cho trái cây, ly nước. Ông nhận với vẻ cảm kích, cúi đầu tạ ơn. Có người còn cho ông tiền, ông quay mặt bỏ đi. Ông cứ sống như thế suốt bấy nhiêu năm qua.


* * *

Ông nội tôi, một cựu chiến binh, sống cuộc sống bình lặng, ở một góc phố huyện. Sống như vậy, nhưng dường như ký ức ông vẫn luôn bị ám ảnh chiến tranh. ông hay ôm tôi vào lòng và kể cho tôi nghe đời lính của ông. Ông kể về những trận đánh ác liệt, những cuộc ra đi của đồng đội, và những kỷ niệm vui ở nơi đóng quân. trong những câu chuyện của ông, tôi luôn thấy xuất hiện một người lính. Một người lầm lì ít nói, một người lính trinh sát đi đầu mỗi trận đánh. Một người lính luôn nhận về mình những nhiệm vụ nặng nề nhất, mà luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhưng chiến tranh luôn mang lại những điếu bắc trắc. Trong một trận đánh giáp lá cà, người lính ấy vì che cho ông nội khỏi một lưỡi lê, đã phải mãi mãi rời bỏ cây súng …

Ông nội tôi có một thói quen đắc biệt, cứ mỗi cuối tuần, ông lại bận bộ quân phục giữ từ hồi còn trong quân ngũ, gọi tôi đi theo, đi thăm những đồng đội xưa. Cũng có một người như ông cũng bộ quân phục cũ, bộ quân phục sờn rách, đi thăm đồng đội. “ông già điên nhặt rác”. Hai người không hẹn mà gặp, cùng ở một nơi duy nhất, nghĩa trang liệt sĩ. Hai người đồng đội, cùng ôn lại những năm tháng đã qua.

Tôi lúc ấy còn là một cậu bé con, ngây ngô ngồi bên ông, nghe ông với “ông già điên nhặt rác ” trò chuyện. Chuyện của người lớn tôi không hiểu, cứ tò mò hỏi đủ thứ. Và người kiên trì giải thích cho tôi không ai khác là “ông già điên nhặt rác”. Ông luôn kể về những câu chuyện chiến tranh, vừa kể vừa xoa đầu tôi rất thân mật, như ông nội tôi vậy. Nghe chán, tôi lại chạy khắp nghĩa trang hái hoa, ngắm bức ảnh “mấy chú”. Có những ngôi mộ không có ảnh, chỉ để hai chữ ngắn, mộ nào cũng thế. Tôi hỏi, ông xoa đầu nhìn tôi “đến một lúc nào đó cháu sẽ biết, cháu ạ !”. Rồi ông cười, người đồng đội bên ông cũng cười, những bức ảnh “mấy chú” cũng cười. Nụ cười phơi phới …

Thời gian trôi …

* * *

Một ngày cuối đông, những cơn gió lạnh đem theo mưa phùn thổi qua từng cành nhánh khô gãy của cây bàng già nua, cuốn đi nốt vài chiếc lá vàng còn sót lại. Trong cái lạnh tê tái, tôi lặng lẽ đi theo ông nội, dìu ông đi thăm đồng đội .

Nghĩa trang lạnh lẽo, không một bóng người. Tôi dìu ông đến bên chân tượng đài, chỗ ngày xưa ông hay cùng ông Thường trò chuyện. Hai ông cháu ngồi một lúc lâu không thấy ông Thường điên đến, tôi tò mò hỏi

- Ông Thường đâu mà không đến hả ông ?

Ánh mắt của ông đã mờ đi vì thời gian, nhìn ra xa xăm khoảng trống trước mặt. Ông im lặng như để đè nén một cái gì xuống, rồi chậm rãi ông trả lời :

- Ông ấy đến rồi, đến từ rất lâu rồi, cháu không thấy sao ?

Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Từ lúc hai ông cháu vào, có thấy bóng người nào đâu mà ông lại nói ông Thường đã đến trước. Tưởng ông đùa tôi cười :

- Ông ơi ! Ống có nhìn nhầm không đấy ? Nãy giờ cháu có thấy ai ngoài hai ông cháu mình đâu mà ông bảo ông Thường đã đến.

Vẫn giọng buồn buồn và ánh mắt mờ mờ nhìn ra xa xăm, ông nói :

- Cháu đi học xa lâu ngày nên không biết. Ông Thường đã mất từ năm trước. Mộ của ông ấy được chôn ở cạnh hàng cây tùng trước mặt cháu đấy.

Theo hướng tay ông chỉ, tôi vội chạy đến và ngỡ ngàng trước tấm bia có hình ông Thường. Tôi ngoái lại nhìn ông nội thấy hai hàng lệ đục, chảy dài trên gò má gầy nhăn nheo. Tôi nhẹ nhàng đến bên, nắm đôi bàn tay gầy nhăn nheo của ông ngặm ngùi …

- Bây giờ cháu đã hiểu, người lính ông hay kể cho cháu nghe hồi bé là ai rồi đấy chứ ? – ông quay sang hỏi tôi. Tôi khẽ cúi đầu , nhìn về phía ngôi mộ ông Thường.

Tôi nhớ những ngày còn bé. Nhớ về những câu chuyện bi thương ngày ấy tôi được nghe. Những câu chuyện lúc đó tôi còn chưa hiểu là gì. Tôi mường tượng một chiến sĩ xông pha lửa đạn , một người không gia đình, lấy hòa bình làm niềm vui cuộc sống, quên mất mình. Mặc dù , điều đó đánh đổi bằng xương máu… Người ấy nay đã ra đi, đã mãi mãi trở về với đất mẹ. Không còn ai “nhặt rác” nơi phố huyện tôi xưa. Không còn ai ngồi trò chuyện cùng ông nội, cùng ôn lại những ký ức đã lùi xa mấy chục năm Giờ đây, chỉ còn một con người duy nhất, con người già nua, đang ngồi lặng lẽ một mình giữa không gian mênh mông, bên cạnh những tấm bia câm lặng, dưới góc những cây tùng bao năm xanh tươi

* * *

Chiều đã muộn. Sau khi thắp hương cho đồng đội, hai ông cháu lặng lẽ đi về, trên con đường quen thuộc. Mỗi người một nỗi niềm riêng, hai mái đầu, một đen , một trắng.

Hoa Sầu Đông
Bùi Văn Quang
Tổng hợp Văn K32 B
Bài đăng trên
Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 131


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét