Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI TRONG BÀI THƠ "TRÀNG GIANG"


1. Khái lược chung
1.1 Mở đầu

Mỗi nền văn học tồn tại trong rất nhiều các mối quan hệ. Các mối quan hệ có sự chi phối lớn đến giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong các sáng tạo văn học của một dân tộc. Văn học Việt Nam cũng vậy. Một trong các mối quan hệ đó trong văn học Việt Nam, đó là sự ảnh hưởng. Văn học Việt Nam trong cả mười thế kỉ tồn tại trong sự ảnh hưởng sâu sắc của văn học Trung Hoa. Đến đầu thế kỉ XX, Văn học Việt Nam có sự ảnh hưởng của văn học phương Tây. 

1.2 Cơ sở của sự ảnh hưởng

Nếu trong khoảng mười thế kỉ trong chế độ phong kiến, văn hóa việt Nam tiếp xúc nhiều với văn hóa Trung Hoa. Trong sự tiếp xúc ấy, văn hóa Việt Nam đã tiếp thu những yếu tố tích cực của văn hóa nước bạn. Trong đó có văn học. Trong văn học, thể loại chịu ảnh hưởng nhất là thơ, đặc biệt là thơ Đường. Ảnh hưởng từ nội dung đến hình thức nghệ thuật. Cả trong giai đoạn đầu thế kỉ XX sự ảnh hưởng ấy vẫn tồn tại. Nhưng đến đây, sự ảnh hưởng có phần mờ dần hoặc đã có sự sáng tạo để tạo nên cái riêng cho các tác phẩm. Nó là phương tiện để biểu lộ cái tôi của tác giả, một cái tôi hiện đại.

Lại nữa, Trong những thập kỉ đầu của thế kỉ XX, sự gặp gỡ với các thi sĩ Pháp đã đem tới cho tác gia Việt Nam nguồn cảm hứng mới và những hình thức biểu đạt mới. Ngay từ năm 1942, Hoài Thanh - Hoài Chân đã có nhận xét khái quát trong bài  tiểu luận “ Một thời đại trong thơ ca” : “Ảnh hưởng của Pháp cũng có chia đậm lạt khác nhau... Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách của thơ Pháp lối tượng trưng. Nhưng còn dè dặt... Có thể nói hầu hết các nhà thơ kể trên, không nhiều thì ít đều bị ám ảnh vì Baudelaire”. Nhưng thơ văn Việt Nam cũng đã có tiếp thu văn học nước ngoài theo cách riêng của mình. Hoài Thanh đã viết về phong trào Thơ mới “ Hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ tiếng Việt đã là Việt hóa hoàn toàn...Thi văn Pháp không làm mất bản sắc Việt Nam”. 

2. Cơ sở ảnh hưởng của văn học nước ngoài đến bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận

Là một nhà thơ sống vào đầu thế kỉ XX, Huy Cận vừa có sự kế thừa những yếu tố truyền thống của văn học Trung Quốc, cụ thể là Đường thi. Ngoài ra, Huy Cận cũng chịu ảnh hưởng của thơ tượng trưng phương Tây thế kỷ XIX. Chính vì vậy trong sáng tác của ông người đọc ít nhiều cảm nhận được dấu ấn của Đường thi cũng như thơ tượng trưng Pháp. Có điều đáng chú ý là chúng đã được Việt hoá một cách nhuần nhị theo cách riêng của Huy Cận. Bài thơ “Tràng giang” của thi sĩ là một bài thơ như thế. 

“Tràng giang” là một trong những thi phẩm tuyệt tác của phong trào Thơ Mới. Trong tư cách là một bài thơ mới, “Tràng giang” có nhiều cách tân, tìm tòi mới mẻ. Chẳng hạn, một phong thái diễn đạt cảm xúc mới, một điệu hồn sâu lắng, rợn ngợp cô đơn của cái Tôi hiện đại, những cách tân trong nhịp thơ để tăng chất nhạc và những lựa chọn táo bạo về hình ảnh, ngôn ngữ gây ấn tượng sâu sắc.

Tuy nhiên, Tràng giang còn là một thi phẩm được viết trên tinh thần không khước từ với truyền thống. Trái lại, tác giả vận dụng được nhiều nét tinh hoa của văn chương trung đại và tạo cho bài thơ một vẻ đẹp hài hoà giữa màu sắc cổ điển và màu sắc hiện đại phù hợp với phong cách thơ giàu suy tưởng của chính mình.

2.1. Màu sắc cổ điển: (ảnh hưởng Đường thi) Màu sắc cổ điển tạo nên vẻ độc đáo của một bài Thơ Mới.

2.1.1. Cổ điển ở nhan đề:

Bài thơ mới lại có nhan đề bằng chữ Hán gợi một không gian cổ kính, trang trọng, bát ngát như trong Đường thi, gợi nhớ câu thơ nổi tiếng của Lý Bạch: “Duy kiến trường giang thiên tế lưu” ( Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng)

2.1.2. Cổ điển ở đề từ:

“Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”.

Trời rộng gợi cảm giác về sự vô biên của vũ trụ. Sông dài tạo ấn tượng về cái vô cùng của không gian. Trời rộng và sông dài mở ra không gian ba chiều gợi cảm giác rợn ngợp của con người cô đơn, bé nhỏ trước cái mênh mang, bất tận của trời đất. Tâm trạng này từng được diễn tả một cách sâu sắc trong những vần thơ cô đọng, đầy ám ảnh của Trần Tử Ngang trong “Đăng U Châu đài ca”:

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ

( Người trước không thấy ai
Người sau thì chưa tới
Ngẫm trời đất thật vô cùng
Một mình xót xa mà rơi lệ ) 

2.1.3. Cổ điển ở nghệ thuật đối:

Nghệ thuật đối của thơ Đường đã được vận dụng hết sức linh hoạt, chủ yếu về đối ý chứ không gò bó về niêm luật như thơ cổ. Chẳng hạn “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” đối với “Con thuyền xuôi mái nước song song”; “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót” đối với “Sông dài, trời rộng bến cô liêu”,… Nghệ thuật đối trên một mặt làm cho giọng điệu bài thơ uyển chuyển, linh hoạt; mặt khác vân phát huy được những thế mạnh của thơ Đường, tạo không khí trang trọng.  Nhưng đóng góp quan trọng hơn cả là nghệ thuật đối được sử dụng một cách triệt để bằng hai hệ thống hình ảnh mang tính tương phản giữa một bên là những sự vật nhỏ bé, gợi suy ngẫm về cái hữu hạn của kiếp người: thuyền, củi, bến, bèo, cánh chim…và một bên là những hình ảnh lớn lao, hùng tráng gợi liên tưởng về cái vô hạn của vũ trụ: sông dài, trời rộng, lớp lớp mây cao, núi bạc…

2.1.4. Sử dụng hệ thống từ láy gợi âm hưởng cổ kính: (10 lần/16 dòng thơ, cách ngắt nhịp truyền thống: 3/4)

Hệ thống từ láy trải khắp bài thơ: Tràng giang, song song, lơ thơ, đìu hiu, chót vót, mênh mông, lặng lẽ, lớp lớp

Ngoài ra tác giả còn mượn các thi liệu của Đường thi như: Cánh chim, chòm mây gợi nhắc đến những câu thơ “Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn” của Lý Bạch hay “Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản/ Bạch vân thiên tải không du du” của Thôi Hiệu. Việc mượn những thi liệu này nhằm gợi ra được một không gian thì rộng lớn vô biến, bất tận còn con người là một sự lạc loài, nhỏ bé và cô đơn. Huy Cận còn mượn từ đùn trong ý thơ Đỗ Phủ: “Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng; Tái thượng phong vân tiếp địa âm” (Lưng trời sóng sợn lòng sông thẳm; Mặt đất mây đùn cửa ải xa) để tạo ấn tượng về sự hùng vĩ của thiên nhiên. Đặc biệt hai câu kết mượn thẳng ý thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” ( Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai).

2.1.5 Sử dụng ý thơ của nhà thơ đời Đường

Kết thúc bài thơ, tác giả còn mượn ý thơ của nhà thơ Thôi Hiệu trong bài “Hoàng Hạc lâu để kết thúc cho bài thơ của mình

“Nhật mô hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Một sự kết hợp tài tình giữa yếu tố cổ điển và sự sáng tạo của nhà thơ 

2.2. Màu sắc hiện đại: 

Dù bài thơ “Tràng giang” có in đậm màu sắc cổ điển trên một số phương diện như trên thì hiện đại vẫn là nét chính của thi phẩm này. Bởi cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn mênh mang, sâu lắng của cái tôi cô đơn trước vũ trụ được bộc lộ một cách trực tiếp qua một cách diễn đạt cô đọng và hàm súc. 

2.2.1. Ảnh hưởng của thơ tượng trưng phương Tây

Cũng như các nhà Thơ mới khác, Huy Cận cũng ảnh hưởng lối thơ tượng trưng của phương Tây. “Tràng giang” ảnh hưởng phong cách thơ tượng trưng theo cách thể hiện của Huy Cận.

2.2.1.1 Sử dụng nhiều hình ảnh tượng trưng

Trong bài thơ của Huy Cận các hình ảnh tượng trưng sử dụng khá dày đặc. Mọi hình ảnh hiện lên trong thi phẩm đều mang những nghĩa tượng trưng nhất định của nó. Con thuyền xuôi mái, thuyền về nước lại, cành củi khô, bến cô liêu, cánh bèo trôi dạt..Tất cả gợi lên một sự tan tác chia lìa, một sự lẻ loi, đơn độc, một sự nổi trôi, chông chênh, lạc loài…Chính những hình ảnh này đã khái quát được thần thái của cảnh vật cũng như sự chông chênh, buồn thảm trong lòng người

2.2.1.2 Thủ pháp tương phản

Thủ pháp tương phản kết hợp với nghệ thuật đối trong thơ Đường đã tạo nên sắc thái vừa cổ điển vừa hiện đại cho bài thơ. Thủ pháp tương phản ở đây không chỉ xét như ở thơ Đường là trong một dòng thơ hay giữa hai dòng thơ với nhau. Thủ pháp tương phản được xét trong tổng thể bài thơ. Trong tổng thể bài thơ sẽ có những hình ảnh tương phản nhau để làm nổi bật được nội dung tác phẩm. Trong “Tràng giang” thủ pháp tương phản được vận dụng triệt để. Giữa không gian rộng lớn mênh mông với những hình ảnh như: tràng giang, trời rộng, sông dài, nắng xuống trời lên, sâu chót vót, lớp lớp mây cao…là những hình ảnh chỉ sự nhỏ bé, lẻ loi, đơn độc, lạc loài như: con thuyền, cành củi khô, cồn nhỏ, vãn chợ chiều, bến cô liêu, cánh bèo, cánh chim… Sự tương phản này đã tạo ra một khoảng trống vô biên của thiên nhiên và của lòng người.

2.2.1.3 Sử dụng ngôn ngữ

Đặc điểm nổi bật của thơ tượng trưng phương Tây là dùng những lớp từ cổ trong nền thơ ca của dân tộc. Trong “Tràng giang” lớp từ cổ mang tính dân tộc cũng được thể hiện thật rõ. Với những từ lơ thơ, đìu hiu, hoàng hôn.. đã đưa người đọc trở về với thơ ca dân tộc

“Lơ thơ tơ liễu buông mành”

(Nguyễn Du)

“ Non Kì quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”

(Bà Huyện Thanh Quan)

“ Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn”

(Bà Huyện Thanh Quan)

Việc vận dụng lớp từ này đã tạo “lớp lớp” nỗi buồn của cái ngày xưa vọng về trong lòng người hôm nay

2.2.1.4 Âm thanh- nhạc điệu

Nhà thơ tượng trưng Poe đã từng bày tỏ ý kiến: “ Âm nhạc mà không có ý tưởng chỉ đơn thuần là âm nhạc, còn ý tưởng mà không có âm nhạc thì chỉ là văn xuôi

Nhà thơ tượng trưng rất coi trọng nhạc điệu. Vần và nhịp chính là hai yếu tố quan trọng tạo nên nhạc điệu cho bài thơ. Trong bài “Tràng giang” vần và nhịp cũng là hai yếu tố tạo nên âm thanh và nhạc điệu cho bài thơ.

Nhịp điệu và vần được vận dụng rất hay và đẹp. Ngay ở câu thơ đầu, nhịp điệu đã có sự chuyển biến rất mới. Câu thơ:

“Sóng gợn/ tràng giang buồn/ điệp điệp”

Từ nhịp 4/3 trong thơ Đường, câu thơ đã vận động thành 2/3/2. Mà quan trọng hơn là nhịp được gắn với vần rất rõ. Hai nhịp hai ở đầu và cuối câu thơ là vần trắc để diễn tả những đợt sóng luôn được “gợn” lên, xao lên một cách liên tục. Nhịp ba ở giữa với ba chữ “tràng giang buồn” đều là vần bằng đã diễn tả nỗi buồn lan tỏa khắp không gian tràng giang. Nhạc điệu chính vì vậy cũng có sự biến tấu rất rõ.

Rồi cách hiệp vần lưng với những âm tiết khép, chỉ sự nhỏ bé cũng được thể hiện. Câu thơ:

“Lơ thơ cồn nhỏ giò đìu hiu”

Vần lưng “nhỏ- gió” đã tạo nên sự nối tiếp về nhạc điệu cho câu thơ. Giọng buồn, mênh mang trong câu thơ đã tạo nên những nốt trầm trong lòng người đọc về sự nhỏ bé, thưa thớt của cảnh vật và không gian rộng lớn đến vô cùng

Những sựu thể hiện trên đây chứng tỏ Huy Cận đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của thơ tượng trưng phương Tây

2.2.2. Cách thể hiện sáng tạo:

Nói như thế không phải nói rằng Huy Cận là người “bắt chước” một cách rạp khuôn, máy móc. Nếu như thế thì không có nhà thơ Huy Cận trong nền văn học Việt nam hiện đại. Huy Cận ngoài việc kế thừa những yếu tố của thơ Đường và thơ ca Phương Tây thì bản thân nhà thơ cũng đã tạo nên những sáng tạo riêng của bản thân. Những sáng tạo đó đã khẳng định nét mới của Huy Cận trong nền thơ nca Việt Nam

Nét sáng tạo của bài thơ thể hiện ở hình ảnh, tư liệu, ở những cái nhỏ nhoi, bình dị: “củi một cành khô”, “bèo”, “cánh chim nhỏ”. Đấy là những hình ảnh mới mẻ trong thơ, khác xa với thơ truyền thống, gợi lên nỗi buồn về kiếp người nhỏ bé, vô định.

Nhà thơ đã vận dụng các thi liệu Đường thi và cách xây dựng hình ảnh hiện đại theo những nét độc đáo riêng:

Câu thơ Nắng xuống trời lên sâu chót vót thực sự gây ấn tượng mạnh bởi cách sử dụng nghệ thuật tiểu đối, bởi lối dùng từ mới mẻ, táo bạo (cách dùng hình dung từ sâu chót vót thay cho cách diễn đạt thông thường cao chót vót ) vừa mở ra chiều cao mênh mang đến thăm thẳm của bầu trời vừa diễn tả nỗi cô đơn của cái tôi trữ tình, đặc biệt là cảm giác rợn ngợp của con người hữu hạn trước một vũ trụ vô biên. Sử dụng nhịp 2/2/3 cùng hàm ý nhấn mạnh vào các tính từ miêu tả không gian: sông dài/ trời rộng/ bến cô liêu… nghe tựa như một tiếng thở dài đầy bâng khuâng và sầu muộn của cái tôi trước thiên nhiên rộng lớn. 

Hình ảnh “chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa” không còn là cánh chim mang tính nghệ thuật thuần tuý duy mĩ như trong Đường Thi: “ Chiếc cò bay với ráng pha/ Sông xanh cùng với trời xa một màu – Vương Bột ”. Cánh chim ở đây chứa đựng cái tôi rợn ngợp trước hoàng hôn, gợi ám ảnh về cái hữu hạn của kiếp người trước cái vô hạn của tạo hoá.

Ở hai câu kết, Huy Cận đã sử dụng sáng tạo ý thơ Thôi Hiệu để bày tỏ tâm trạng của mình. Điểm khác biệt ở hai tác giả là : Nỗi nhớ nhà của Thôi Hiệu được gợi từ hình ảnh “khói sóng” còn nỗi nhớ của Huy Cận không cần tác động của ngoại giới ( không khói hoàng hôn) vì đã là một yếu tố nội tâm thường trực. Đây cũng là nét khác biệt cơ bản của hai cách phô diễn cảm xúc tạo nên đặc điểm riêng của thi pháp thơ trung đại và thi pháp thơ hiện đại.

Đi suốt bài thơ là một nỗi buồn triền miên, vô tận. Đó cũng là nỗi buồn của các nhà thơ mới, nỗi buồn của cả một thế hệ lúc bấy giờ. Dường như theo họ cái đẹp thường đi sóng đôi với cái buồn. Như Baudelaire đã từng có câu thơ nổi tiếng: “Em cứ đẹp, và em cứ buồn”. Cái buồn của Huy Cận trong bài thơ này, trước sau, vẫn là cái buồn trong sáng, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn người đọc.

3. Bài Tràng giang đã kết hợp được thơ ca truyền thống, những nét cổ điển của thơ Đường, với những nét hiện đại trong thơ phương tây. Những hình ảnh “con thuyền xuôi mái”, “củi một cành khô”, “bèo dạt về đâu hàng nối hàng” mang tính chân thực của đời thường, không ước lệ. Và cũng có những hình ảnh mang vẻ đẹp tượng trưng. Sự kết hợp hài hoà hai yếu tố đó đã tạo nên nét đặc sắc không trộn lẫn của Huy Cận trong “Tràng giang” nói riêng và tập “Lửa thiêng” nói riêng trong phong trào Thơ mới: vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại.

Nhóm tác giả :
Nguyễn Thế Thạnh
Phạm Anh Tuấn
Lớp Cao học Văn k 16


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét