Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

THẾ GIỚI NHÂN VẬT GẮN VỚI GIÁO LÝ NHÀ PHẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA HỒ ANH THÁI (Học viên Nguyễn Thị Thanh Thúy)



Hồ Anh Thái là một nhà văn Việt Nam đương đại đặc biệt quan tâm đến Phật giáo. Trở về Việt Nam sau sáu năm sinh sống và làm việc trên đất Ấn, nhân sinh quan và thế giới quan nhà Phật chi phối sáng tác của ông trên cả phương diện nội dung lẫn hình thức biểu hiện. Về mặt nội dung, hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái là sự thể hiện đậm nét tinh thần, giáo lý của Phật giáo. Qua mỗi nhân vật là một bài học về sự sống và chân lý ở đời được gởi gắm.

1. Con người là nạn nhân của chính mình

Trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, loài người được ví như “lũ cá đè nhau trong tấm lưới trời”đang làm tổn thương lẫn nhau và tự chuốc lấy bi kịch cho chính mình. Nhân vật không chỉ làm nhiệm vụ dẫn truyện mà còn tham gia vào tiểu thuyết như những bằng chứng về sự vô minh nối dài của kiếp người.

Nhân vật Savitri (Đức Phật, nàng Savitri và tôi) là chìa khóa mở cánh cửa lịch sử một cách thần tình có liên hệ với thuyết luân hồi của đạo Phật. Tác giả đã lấy ngay giọng Savitri hiện tại để kể về Savitri quá khứ - kẻ đốn ngộ đang kể lại quá khứ của mình như một sự sám hối. Trong quá khứ, Savitri là kẻ vô minh, là hiện thân của sự ham muốn được cụ thể hóa qua ham muốn xác thịt. Dục Lạc Kinh đã trang bị cho cô đầy đủ kiến thức gối chăn, biến cô thành kẻ chỉ biết chạy theo và đuổi tìm dục lạc: “Những là thắt nút. Những là chơi đu. Những là khuấy sữa. Những là giã gạo. Là những bandhura, prenkha, dadhyataka, mausala…”[6, tr.119]. Trên hành trình sáu mươi năm đeo đuổi bóng hình Phật, tham vọng chiếm đoạt thân xác Phật ở cô không ngừng nghỉ. Và trong hành trình đó, Savitri luôn có “những miếng bánh ăn tạm cho đỡ đói lòng”[2]. Chung cuộc, nàng được cái gì? Các bạn tình lần lượt rời bỏ nàng ra đi, kẻ thì chết vì sắc dục quá độ, người thì trở thành khất sĩ trong giáo đoàn của Đức Phật. Đến cuối đời, Savitri phải sống trong cô đơn: “Lần lượt từng người đàn ông đến rồi đi. Đi hết. Rồi người đàn bà duy nhất cũng bỏ đi nốt, khép trọn một cuộc đời cô độc”[5, tr.396]. Savitri của ngày hôm nay cũng phải gánh chịu cái Nghiệp của tiền kiếp. Chính cái nhân dục vọng đã tạo quả ở kiếp sau: Savitri trở thành Nữ Thần Đồng Trinh. Mà Nữ Thần Đồng Trinh giải nghệ rồi sẽ chẳng lấy được chồng, không ai dám cưới nàng vì các chàng trai đều sợ sẽ chết bất đắc kỳ tử. Sự trừng phạt còn kinh khủng hơn vì Savitri không thể gần gũi những người đàn ông mình yêu thương.

Lòng dục vô độ của Savitri có sự đồng lõa của vị tiểu vương chồng Savitri. Ông chấp nhận bỏ các buổi thiết triều chỉ để thỏa mãn dục vọng đang đốt cháy thân thể. Sự thỏa mãn quá mức khiến ông phải trả giá: "Ông vua già mỗi khi ra triều phải có hai người xốc nách. Ông ngồi xuống là dính bết vào ngai vàng. Ông vung quyền trượng lên theo nhịp câu lệnh thì chỉ có cây quyền trượng vung lên, còn tay ông đã tuột ra khỏi quyền trượng, rơi trở xuống. Ông cất tiếng sang sảng thì từng tiếng đứt đoạn văng ra trong hơi thở khò khè. Ông chống tay đứng lên thì toàn bộ xương cốt rít lên kèn kẹt. Khô dầu. Hoàn toàn khô dầu ở các đầu khớp tay khớp chân" [5, tr.128]. Savitri với nghệ thuật ái ân đã đưa Đức vua vào một vòng xoáy không lối thoát. Ngay cả khi sắp gần đất xa trời, những cuộc hoan lạc bất tận vẫn không ngừng cắn rứt và để lại trong ông những nuối tiếc: “Tiếc quá. Đời còn bao nhiêu lạc thú. Ta muốn hưởng đến vô cùng tận”[5, tr.131]. Cuối cùng, nhà vua đã băng hà trong một trận mây mưa. Rõ ràng sự đam mê vượt ngưỡng đã đẩy con người đến chỗ tha hóa.

Phật giáo quan niệm mọi hành động mà mỗi cá nhân thực hiện đều để lại kết quả và kết quả đó được quy định bởi bản chất của hành động, cái đó gọi là Nghiệp (Karma). Khi làm điều xấu thì anh sẽ phải chịu đau khổ, khi làm điều tốt thì anh sẽ được thọ hưởng niềm vui và hạnh phúc. Có nghĩa là chính bản thân anh quyết định số phận của anh. Điều này hoàn toàn đúng khi mà cái chết của ba nhân vật trong tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế đều là hậu quả do chính họ tạo ra. Cốc, Bóp, Phũ lần lượt tự chuốc lấy cái chết vì chính hành vi dục tính và sự mê muội ham muốn trả thù của mình. Nhìn lại hành động của Cốc, Bóp, Phũ ta mới hiểu rõ điều mà Phật gọi là Vô minh – điểm nút đầu tiên đưa người ta vào đau khổ trong cuộc đời. Cốc chết vì Tham - ham muốn chiếm đoạt thể xác cô gái; vì mất bạn, Bóp và Phũ tức giận tới mức hận thù một cách hung bạo (Sân); lòng sân hận làm tâm trí mê muội, không thể phân biệt được lẽ phải trái (Si) vì thế cả hai đã phải trả giá. Đó là hiện thân của Tam độc theo quan niệm của Phật giáo.

Khắc họa tính cách nhân vật, Hồ Anh Thái cũng không bỏ qua bình diện còn lại của chữ Tham, đó là lòng tham đối với quyền lực, của cải. Thông qua nhân vật Đạo sư (Đức Phật, nàng Savitri và tôi), người ta thấy sự suy đồi của đẳng cấp giáo sĩ Bà La Môn lúc bấy giờ. Đạo sư có thừa mưu mô, thủ đoạn để xác lập vị trí tối cao trong vương quốc, sự tham lam, tàn ác trong hành nghề. Là quốc sư triều đình, lão không từ một cơ hội nào để bày vẽ tế lễ, “tế lễ là dịp giáo sĩ vơ vét tài sản của đất nước và con dân”[5, tr.160], “ông xây dựng một dinh thự nguy nga ở gần hoàng cung…Thu nhập từ thuế má và những lễ tế tốn kém làm tăng đàn gia súc của ông. Bò cừu dê của nhà ông ngốn sạch những cánh đồng cỏ gần kinh thành”[5, tr. 163]. Một khi vị trí tối cao bị đặt câu hỏi, tế sư đàn áp và truy đuổi ngay cả công chúa Savitri. Các lễ vật rất đắt giá nạp cho lễ sư để rửa tội cho Savitri vì những sự việc không thành lỗi. Ông còn lợi dụng hủ tục trà tì (người vợ phải bị thiêu sống để chết theo chồng) ngầm nhổ cái gai trong mắt. Nhưng nhân nào quả đó, “chư thiên đã ra tay trừng phạt kẻ dối thần lừa dân, kẻ ngạo mạn ăn lộc thánh mà không coi thần thánh ra gì”[5, tr. 326]. Sự thật bị bại lộ, “tràng hạt thiêng và hòn đá thần saglarama là của giả, không đúng như lời quốc sư vẫn khoe khoang. Hai báu vật rởm không thể bảo vệ được danh dự cho quốc sư được nữa rồi”[5, tr. 332]. Kết cuộc quốc sư bị lột mất tước bậc phẩm hàm, chỉ còn một danh xưng là đạo sư, bị giáng xuống làm thường dân và phải nhận cái chết không thanh thản.

Không chỉ là nạn nhân của lòng Tham ái, con người trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái còn bị xoay vần trong Sân hận. Ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện về tên cướp Ahimsaka (Đức Phật, nàng Savitri và tôi). Lòng đố kỵ của đám bạn học, sự hồ đồ của thầy dạy, sự khước từ của người cha, thái độ ruồng rẫy của người yêu – tất cả là nhân đẩy Ahimsaka vào biển thù hận, ngày càng xa cách loài người. Ahimsaka trở thành kẻ giết người cướp của khét tiếng ở Kosala chuyên chặt ngón tay út của nạn nhân xâu thành vòng cổ. Người ta gọi anh là Anguli Mala, Mala là tràng hạt, Anguli là ngón tay út. Nhưng không một ai tránh khỏi vòng bánh xe của vận mệnh và nhân quả. Có người nhận ra Anguli Mala trong cái lốt khất sĩ. Hận thù cũ vẫn chưa xóa được, người gậy gộc người gạch đá ào ào xông tới trút hờn căm xuống đầu khất sĩ. Ahimsaka ngửa mình đón những cú đánh của đám đông cho đến khi ngã xuống. Anh ngồi trong tư thế tọa thiền, hứng chịu tất cả. Anh bò về thiền viện với thân hình đẫm máu và phục xuống dưới chân Phật. Đến lúc chết anh mới hiểu được giáo lý của Người. Đạo Phật nhấn mạnh đặc tính thứ ba trong bốn đặc tính của luật nhân quả: trong nhân có quả, trong quả có nhân. Chính trong nhân hiện tại đã hàm chứa quả vị lai; cũng chính trong quả hiện tại, đã có hình bóng của nhân quá khứ. Nhân và quả nối tiếp nhau, đắp đổi nhau như những vòng dây chuyền. Triết thuyết này thể hiện ấn tượng qua câu chuyện về cuộc đời Ahimsaka.

2. Thái độ an nhiên của kẻ khuyết tật

Thằng Cá (Mười lẻ một đêm) sinh ra đã bị tật ở chân:“Đúng là một con cá. Đôi chân của nó dính làm một từ trên xuống đến tận mắt cá. Chỉ có hai bàn chân là tách rời. Hai chân mà là một. Một tấm vải quấn quanh cặp chân dính. Đẻ con xong, người mẹ kinh hãi bỏ đi ngay” [6, tr. 296]. Bị mẹ vứt bỏ từ khi mới chào đời nhưng thằng Cá không lấy đó làm nỗi hận, dường như nó hiểu vì sao mẹ trốn chạy khỏi nó. Nó biện hộ cho việc làm tàn nhẫn ấy bằng câu chuyện mang màu cổ tích rằng nó là một con cá đi lạc, một người đàn bà thấy con cá đẹp bà ta không nghĩ đến việc mang về nuôi mà chỉ muốn ăn ngay. Nó bị bà ta nuốt chửng vào bụng, “nó mới đập cửa thình thình đòi ra... Nó đập mạnh quá, bà kia buồn nôn mới nôn phịch nó ra. Phịch một cái ra mặt cát. Vừa lúc ấy có mấy người đi qua chứng kiến. Bà kia vừa nôn con cá ra tức là bà vừa đẻ ra cá. Bà ta vừa đẻ ra nó. Thế là pháp luật bắt bà ta đem con về nhà mà nuôi. Bà mẹ đem cá về nuôi nhưng cứ nghĩ đến việc mình vừa đẻ ra cá thì lại sợ. Sợ lắm ấy. Thế là một đêm thằng Cá đang ngủ thì người mẹ bỏ đi”[6, tr. 295].

Nó chỉ còn lại hai người thân trên đời: bố và mẹ kế. Nhưng bố cuốn theo những cuộc ngoại giao của bậc Cốp, Víp còn mẹ kế lại bị xoáy vào cuộc tình “mười lẻ một đêm”, người ta quên rằng nó vẫn đang sống, nó hoàn toàn bị bỏ rơi. Là nhân vật cô đơn nhất tiểu thuyết nhưng nó không tuyệt vọng mà trái lại, nó có cách đem lại niềm vui cho mình: “Nó thèm chuyện. Không có người kể thì nó phải tự nghĩ ra chuyện. Kể một mình”[7, tr. 297]. Nó tự tìm cho mình người bạn là con chó bécgiê to tướng, cứ chiều thứ bảy và chủ nhật, con chó lại bứt chủ chạy đến chuyện trò với nó. Trong tình huống sống chết bị rơi xuống bể bơi Thằng Cá không ngừng động viên bản thân: “Cố gắng lên. Nó tự động viên. Bàn tay ta làm nên tất cả. Hai tay bám chắc vào thành bể không để trơn tuột ra. Giọng khàn đi run rẩy. Không thể gọi ai vào lúc này. Gọi cũng không ai nghe thấy. Cố gắng lên. Nó động viên mình để hãm cho cơn động kinh không xảy ra”[6, tr. 282]. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, nó không vật vã đau đớn cũng chẳng oán hờn trách cứ. Sự thật là trong lòng nó không có chỗ cho thù hận. Nó vẫn xem mẹ kế như cô tiên kể chuyện ngày nào. Nó bao dung với chị kể cả khi chị không cần đến nó, dù chị chỉ xem nó như một nấc thang lên thềm thượng lưu.

Mặc dù giọng hài hước là chủ đạo trong Mười lẻ một đêm nhưng đến những trang viết về Thằng Cá, giọng hài hước không còn nữa. Buông chùng trước thế giới trẻ thơ trong trẻo đến mủi lòng, cả người viết lẫn người đọc cùng cúi đầu bên giường bệnh của thằng bé những phút cuối cùng. Giữa thế giới ngả nghiêng kia, cổ tích phải cuốn gói đến vùng trời khác. Như người cá, em thánh thiện và trong veo, có lẽ em không thể thở chung một buồng phổi với chúng sinh. Cát bụi rồi sẽ về lại với cát bụi, chân lý ấy được thông tỏ trong trí óc của một đứa trẻ để nó tự thấy an nhiên và sớm ý thức được rằng“là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

Chàng Giám đốc trong tiểu thuyết Dấu về gió xóa trở thành kẻ tật nguyền chỉ sau một đêm. Cuộc vờn đuổi giữa hai con tàu nằm trong một âm mưu sát hại Giám đốc. Chàng không chết nhưng bị chấn thương cột sống, hậu quả là Chàng chỉ có thể nằm hoặc là đứng: “Không bao giờ ngồi được nữa. Người ta phải thiết kế cho chàng một cái giường đồng thời là ghế đứng và một cái xe lăn đứng”[7, tr. 234]. Nhưng điều đó chưa chắc đã đáng sợ bằng những gì diễn ra trong buồng ngủ. “Cái tháp nghiêng Pisa không nghiêng nữa mà đã hoàn toàn đổ oặt xuống. Bất kể mọi cố gắng chiều chuộng hỗ trợ”[7, tr. 242]. Chàng chấp nhận làm “một vị khách thăm viếng”, làm “người quan sát” hai người “bạn tình” của mình. Trở lại cuộc sống, người tàn phế ở hoàn cảnh tương tự Người Đứng có lẽ phải bật khóc tuyệt vọng. Nhưng chàng thì khác, “chàng vẫn trở lại cái tính dễ cởi mở như trước”, “chàng vẫn cười đùa pha trò kể chuyện tiếu lâm tháp nghiêng Pisa giễu mình giễu người”, tự an ủi“tháp nghiêng Pisa một khi không cứu được nữa thì hãy lấy ngọn tháp đổ làm thắng cảnh”[7, tr. 242]. Tham dự bữa tiệc tại nhà ông trưởng khoa Truyền thông của trường đại học Đảo Xanh, một mình chàng đứng yên một góc nhấm nháp ly rượu vang, chẳng mảy may quan tâm đến đám người kia đang diễn đủ trò ngoại giao nhằm đạt được mục đích - Một thân đứng và một tâm đứng. “Kẻ ấy vẫn đứng ngây ra đó chiêm ngưỡng cảnh bắn nhau loạn xạ” mặc đạn bay veo véo xung quanh và nhiều viên đạn trong đó được định vị vào Chàng. Kẻ vô ưu không hề nhận ra sự hiện diện của một thế lực bí ẩn muốn thủ tiêu mình. Kẻ vô ưu lại là kẻ đứng ngoài cuộc bí mật kinh động mặc dù đang nắm giữ chức vụ giám đốc xí nghiệp – vỏ bọc của nhà tù Đảo Xanh, nơi giam giữ bao kiếp người sống không bằng chết.

Savitri (Đức Phật, nàng Savitri và tôi) là một nhân vật đặc biệt với dấu hiệu khuyết tật dấu vào trong đời sống ái ân - cô không thể gần gũi bất cứ người đàn ông nào. Ngược lại với bóng tối đồng lõa cho chuyện phòng the, Savitri bỗng bật cười không sao cưỡng nổi: “Cười khanh khách. Cười lanh lảnh. Cười mãi đến phát ho. Sặc sụa. Như ma cười”[5, tr. 282]. Tiếng cười như dội nước lạnh vào dục vọng cháy đùng đùng của đám đàn ông. Thứ siêu lực nhìn xuyên bóng tối của Savitri lại khiến cô nhìn thấy tất cả những khiếm khuyết ở chỗ vẫn thường được che đậy, thấy rõ cái trần trụi của người đời. Vì thế “Cô cứ ì ra lạnh ra không đáp ứng”, lòng cô không “thôi chán chường giễu cợt”. Nỗi đau khuyết tật vì thế lại nhân đôi. Nhưng thay vì tuyệt vọng chán chường, người đọc lại thấy một Savitri bình tâm chấp nhận: “Biết làm sao. Savitri tự lòng bảo dạ nhiều lần rằng không thích thì thôi. Lặng lẽ mà đi ra. Không việc gì phải vô duyên”[5, tr. 284]. Khó có một cô gái nào có thể tự tại đến vậy khi rơi vào hoàn cảnh éo le này. Đó là thái độ chỉ có ở người đã thấu rõ chấp mê bất ngộ từ tiền kiếp. Cô không chấp ngã vào bất hạnh mà bám víu vào những thứ mình không có được. Kiếp này cô chỉ say sưa, toàn tâm với những câu chuyện của mình theo đúng tinh thần thiểu dục và tri túc. Thiểu dục là muốn ít - Savitri kể chuyện không vì bất kỳ nhu cầu hay mục đích cá nhân nào. Tri túc là biết đủ - cô hài lòng với vai trò người kể chuyện, không tham cầu nhiều hơn nữa. Muốn ít và biết đủ thì gặp hoàn cảnh nào cũng an phận tùy duyên. Bởi vì, tất cả sự vật là vô thường, chúng sanh là vô ngã, thân thể là bất tịnh, mọi sự lãnh thọ đều là khổ. Chỉ có một con đường giải thoát – hãy vô ưu giữa đời bất định.

Nhân vật khuyết tật của Hồ Anh Thái phải gánh chịu nhiều khổ đau và oan nghiệt nhất nhưng họ không trốn chạy, ở họ không thấy sự hiện diện của nỗi khổ đau mà trái lại có sự an nhiên bình thản đến lạ kỳ. Phải chăng khi nỗi bất hạnh quá lớn, các nhân vật đã nhìn thấu chân lý “thành, trụ, hoại, không”của cuộc đời.

3. Con người với tinh thần phản kháng

Một số quan niệm thiển cận phê phán đạo Phật triệt tiêu tinh thần đấu tranh, kêu gọi con người sống an phận thủ thường. Tuy nhiên, từ sơ khai, Phật giáo đã chứa đựng tinh thần phản kháng với mọi bất công, ràng buộc vô lý. Bằng chứng là, ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VI TCN ở miền Bắc Ấn Độ, Phật giáo là sự “nổi loạn” về mặt tư tưởng mang tính hòa bình chống lại những giáo điều lỗi thời của Đạo Bà La Môn. Hồ Anh Thái đã dày công nghiên cứu, xử lý nhiều tài liệu và chuyển hóa những tư tưởng này qua hình tượng văn học.

Nàng Savitri của Hồ Anh Thái là một hình tượng độc đáo với cá tính mạnh mẽ luôn muốn "tháo cũi sổ lồng" ra khỏi những khuôn phép. Vai trò của Savitri trong tác phẩm có thể xem là đại diện cho những con người thức thời sớm nhận chân bản chất phản động và suy đồi của đạo Bà La Môn. Nàng căm ghét Đạo sư, phủ nhận những lời thần thánh mà bao đời người dân tôn sùng:“Vẫn là lời lẽ trong kinh Vệ Đà của thánh hiền đấy thôi, nhưng hiểu theo cách nào, vận dụng cách nào là tùy tâm của đạo sư, kinh Vệ Đà trở thành công cụ thao túng cả một xã hội hay sao?”[5, tr. 71]. Nàng đứng bên ngoài thứ chủ nghĩa đẳng cấp của Đạo Bà La Môn, không hề thấy mình có khoảng cách chủ tớ với nàng hầu Juhi hay anh tiện dân Kuma. Ở nàng, người đọc thấy rõ khát khao bình đẳng giới, Savitri “ước được đi đó đi đây như những du sĩ, tự do như gió như mây, không bị cầm chân ở một nơi một chốn như ta bây giờ. Ước không phải là phận gái, được bắn cung cưỡi ngựa thỏa thích mà không bị người đời cười chê”[5, tr. 56]. Khi biết lễ cưới của mình bị sắp đặt, nàng đã có dự tính phản kháng: "Ta đã định thu vén đồ đạc nửa đêm phi ngựa trốn đi như hoàng tử Siddhattha. Giá mà biết được chính xác chàng đang ở trong cánh rừng nào, ta đã bỏ ngay đến đó, tình yêu của ta sẽ lôi kéo được chàng về lại cõi tục" [5, tr. 108]. Cũng chỉ có nàng bất bình trước hủ tục trà tì mà quyết định cùng Juhi trốn thoát khỏi giàn thiêu, chấp nhận bị truy nã mấy chục năm trời. Tinh thần phản kháng của Savitri nói lên một thực tế: tư tưởng Bà La Môn bén rễ rất sâu trong đời sống tinh thần Ấn Độ đến lúc ấy đã trở nên phản động, cản trở sự tiến bộ, và trong cơn suy đồi, nó sẵn sàng truy đuổi, đàn áp và triệt hạ tất cả những trào lưu muốn chất vấn và nghi ngờ quyền lực của mình. Đây chính là điều kiện cần thiết để Phật giáo ra đời và được đón nhận.

Cách trở về thời đại nhưng tinh thần phản kháng của nàng công chúa cổ đại lại có sự gặp gỡ với vị Hoàng tử Đảo Xanh ở thế kỷ XXI (Dấu về gió xóa). Nếu Savitri nổi loạn chống lại thần quyền thì Hoàng tử lại đấu tranh quyết liệt với chính quyền. Phát hiện bí mật kinh hoàng về nền dân chủ ảo của Đảo Xanh, Hoàng Tử thất thần khi biết ra sự thật bị che giấu lâu nay, giữa thời tiết lạnh “nhưng toàn thân Hoàng Tử như sắp cháy bùng lên vì một nhiệt lượng đột ngột”. Chàng phản kích lại chính cha đẻ của mình, bất chấp những lời “báng bổ người cha, báng bổ nguyên thủ quốc gia, báng bổ đấng thiên tử” vì “lửa phải đẩy về phía nó được đốt lên”. Chàng từ chối làm đứa con mà nhà vua đặt nhiều hy vọng sẽ tiếp nối triều đại gia đình, tiếp tục cầm quyền ở Đảo Xanh vì một mong muốn ngày hôm nay của Đảo Xanh không còn là ngày hôm qua. Hoàng Tử trở thành người báo hiệu giờ hành động cướp chính quyền và tuyên bố thiết lập một nền cộng hào dân chủ thực sự. Hơn ba trăm tù nhân đã được giải phóng khỏi cái “siêu nhà tù” sau nhiều năm sống không bằng chết. Hoàng tử trực tiếp lên truyền hình tuyên bố với toàn thể dân chúng Đảo Xanh thiết lập một nền cộng hòa dân chủ thực sự, “tất cả những danh xưng tàn tích thời chế độ quân chủ đều phải bị thủ tiêu. Hãy ném vào sọt rác lịch sử những danh từ hoàng gia, triều đại, Nhà vua, Hoàng tử... dù chỉ là thói quen”[7, tr. 309]. Hoàng tử đã phản kháng lại nền dân chủ ảo tưởng để đấu tranh vì nền dân chủ đúng nghĩa, ở đó con người được đảm bảo tự do và nhân quyền.

Trong tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế, kiểu con người phản kháng thấp thoáng sau những biến điệu tinh vi trong tâm hồn Mai Trừng. Cô đối trị cái ác với đầy mặc cảm để rồi từ chỗ là người trừng phạt cái ác, Mai Trừng lại muốn được trở thành người bình thường. Hành trình tìm về mộ cha mẹ là hành trình Mai Trừng tìm đường giải thoát khỏi sứ mệnh đi trừng phạt cái ác. Cô không cam chịu một lời nguyền nghiệt ngã bởi “chừng nào còn cõi người thì còn cái ác, cũng như cái thiện vậy thôi”[4, tr. 227]. Cái cách mà Mai Trừng hoảng hốt cuống quít xin cha mẹ gỡ bỏ cho mình sứ mạng để trở về kiếp người bình thường mang một hàm nghĩa: nhân vật phản kháng để đi tìm bản thể của chính mình. 

4. Con người hướng thiện

Chất nhân văn đằm sâu tạo thành thương hiệu của Hồ Anh Thái là ở chỗ đằng sau những bi kịch nhân sinh, nhà văn không mất đi niềm hy vọng vào con người. Sau quá trình trôi nổi ngỡ vô định, người viết đã đưa nhân vật của mình quay lại cái phương Đông thuần hậu chất phác. Trong Cõi người rung chuông tận thế, Hồ Anh Thái đặt nhân vật Đông vào vị thế đồng hội đồng thuyền với cái ác để thực hiện hành trình hướng thiện. Nhân vật đã có một quá trình tự vấn chênh vênh giữa hai bờ thiện - ác để sám hối và quyết định tuyệt giao với cái ác - vứt viên thuốc độc vào cống nước “để thanh lọc cái tâm hồn tội lỗi của mình”. Hành trình phục thiện cũng là hành trình diệt trừ Vô minh, Tam độc trong tâm hồn anh. “Kẻ làm ác vẫn còn cơ hội được giác ngộ, được đón nhận trở lại cõi người, chứ không phải bao giờ cũng bị trừng phạt”[4, tr. 261], đó cũng là quan niệm bao dung của triết học Phật giáo.

Viết về cuộc đời Đức Phật, Đức Phật, nàng Savitri và tôi có lẽ là cuốn tiểu thuyết xây dựng kiểu con người hướng thiện nhiều nhất trong các sáng tác của Hồ Anh Thái. Cuộc đời là một dấu chấm hỏi lớn, không ai có thể tin được một công tử ăn chơi bốc giời như Yasa sau này đã quy y cửa Phật. Chàng bước theo giáo đoàn nhẹ nhàng, trút bỏ hết những gì trần tục nhất để đi tìm sự yên bình trong đời sống tâm linh. Nàng hầu Juhi tưởng chừng suốt đời chìm đắm trong mê cung dục lạc nhưng cuối cùng nàng cũng nhận ra “người đời đau khổ vì thích quyền sở hữu, yêu mến một cái gì là thích ràng buộc mình vào đó. Gỡ được ra khỏi mọi ràng buộc và sở hữu là được giải thoát”[5, tr. 400]. Nào ai ngờ một kẻ giết người không gớm tay như Anguli Mala lại có ngày chịu cải tà quy chánh. Bắt đầu từ cái “cái ma lực hút Anguli Mala lại gần và chắn gió cho Phật cùng mặc cảm tội lỗi khi ngồi bên Người”, anh dần được soi sáng trước những lời giáo hóa của Phật: “Ngươi hãy đi đi trong cõi đời này rồi sẽ thấy những người biết yêu con người nhiều hơn cả cát sông Hằng kia”[5, tr. 357]. Anh không thể chần chừ trước lời thôi thúc của Người: “Không đâu, làm việc thiện bỏ điều ác không bao giờ quá muộn. Bể khổ thật bao la, song hễ muốn nhìn thấy bến, ta chỉ việc quay nhìn lại”[5, tr. 358]. Từ giờ phút đó Ahimsaka “được phục sinh trong đạo pháp của lòng yêu mến con người”. Anh quyết định quy y, trở thành Phật tử đi khất thực hàng ngày. Hành trình của chàng công tử hào hoa Yasa, nàng Juhi, tướng cướp Anguli Mala đều dần dần vuột khỏi thế giới của Savitri để quy tụ dưới bóng cây bồ đề giác ngộ.

Có lần Phật tổ dạy đồ đệ rằng: “Phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật”, có nghĩa là: vứt bỏ con dao đồ tể xuống đất, mọi người đều có thể trở thành Phật. Xuyên suốt các tiểu thuyết vừa nêu, nhân vật của Hồ Anh Thái đã thực hiện một cuộc hành trình ngược hướng đầy vất vả để tìm lại cái “bản lai diện mục” của chính mình. Đây chính là tư tưởng bao dung của đạo Phật đã được Hồ Anh Thái triển khai qua kiểu nhân vật hướng thiện.

5. Con người của tình thương và trí huệ

Đức Phật, nàng Savitri và tôi là tác phẩm mang đến không gian Phật giáo đậm đặc từ nhân vật cõi Phật đến tinh thần, quan điểm giáo lý của Phật. Tinh thần Phật giáo được thể hiện trước tiên thông qua hình ảnh Đức Phật. Đây có lẽ là con người đẹp nhất, toàn bích nhất mà Hồ Anh Thái đã dành tất cả tấm lòng tôn kính để xây dựng nên. Mong muốn có một cái nhìn sinh động chân thực, Hồ Anh Thái đã tái tạo một nhân vật Đức Phật gần gũi với trí huệ sáng suốt và trái tim rộng lớn có sức chứa vô bờ bến, hóa giải bao dung. Hoàng tử Siddhattha không chỉ xót xa khi chứng kiến sự đau khổ của đồng loại trong vòng sinh-lão-bệnh-tử mà còn dành tình thương bao la cho muôn loài có sự sống:“Thay cho việc bắn cung vào một mục tiêu di động là con chim đang bay, chàng chỉ chấp nhận bắn tên vào một mũi tên người khác bắn lên trời. Thay cho việc phóng lao vào một con dê, chàng chỉ chịu phóng lao vào hình nộm di động. Một trận đấu kiếm với người bạn học khiến tay bạn chảy máu cũng làm cho hoàng tử xuýt xoa mãi”[5, tr .36]. Đi tới đâu Phật cũng khuyên mọi người không nên giết súc vật để cúng tế, bởi “nếu ta cư xử bằng tình thương và lòng tốt đối với mọi sinh linh, thì chính các vị thần lại phải phụng thờ ta đó”[5, tr. 295]. Tình yêu thương vô tận ấy đã biến thành động lực cho những hành động cao cả của hoàng tử, chàng muốn cứu con người ra khỏi bể khổ. Hoàng tử của một vương quốc giàu mạnh, được tận hưởng một cuộc sống bình yên vô tư đến tuyệt đối lại sẵn sàng từ bỏ tất cả chỉ vì một câu hỏi giản đơn nhưng không phải ai cũng quan tâm và không phải ai quan tâm cũng có thể trả lời được. Trước Siddhattha cả ngàn ẩn sĩ đã không thể giải đáp nổi: Làm sao để chấm dứt mọi khổ đau cho chúng sinh? Ở tuổi hai mươi tám, dưới gốc cây bồ đề, Hoàng tử đã tìm được câu trả lời và đúc kết thành Bốn chân lý diệu kỳ. Đức Phật vĩ đại, hơn người là ở chỗ đó. Đức Phật chính là người đầu tiên tỉnh thức bước vào hành trình đánh thức “cả thế gian đang mê muội say ngủ”. Tôn giáo của Người chính là sự hòa hợp giữa tuệ giác và tình thương đã giúp chúng sinh gắn bó thêm với cuộc đời, đưa con người sống thiện ngay trong cõi người ta. Tám mươi năm Phật viếng thăm cuộc đời trần thế đã được tác giả sử dụng để làm nổi bật tuệ đức, tâm đức và hạnh đức ngời sáng của Người.

Trong cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của Hồ Anh Thái - Dấu về gió xóa, nhân vật Giáo sĩ là một hình tượng nghệ thuật đặc sắc chắp cánh cho những tranh luận về tôn giáo bay lên tầng ngụ ngôn. Cương vị giáo sĩ khiến ông nhiều lần là trung tâm của những vụ xìcăngđan nhưng “bậc chân tu không bao giờ lảng tránh mà chọn cách đối mặt. Bậc chân tu không cắt ngang mà chọn cách tiếp nhận như một thử thách”[7, tr. 213]. Trong ngôi đền Đa giáo, ngài đã từng đạt đến tầm cao của phép nhẫn.Ngài đã tự nguyện dùng khẩu trang tự bịt miệng mình để đạt mức vô ngôn. Ngài đã tự nguyện để người ta tống giam bàn tay của mình để đạt mức vô vi. Hành động của ông tưởng là đồng lõa “chìa má phải cho kẻ đã tát vào má trái của mình được thỏa dục tát nốt. Đưa dao cho kẻ muốn đâm mình để hắn khỏi mất công đi tìm dao”[7, tr. 218] nhưng không phải, bởi theo ông “bại liệt nhiều khi là cách lựa chọn của đức tin”. Phải chăng, một khi ta làm cho kẻ cuồng si được thỏa mãn theo cách dễ dàng nhất thì kẻ ấy sẽ chẳng còn tha thiết với cái ý đồ của mình nữa? Tôn giáo nhiều khi chọn hướng đi thật bất ngờ.

Con người có thể không ngả mũ trước một trí tuệ vĩ đại, nhưng trước một trái tim vĩ đại, tất thảy đều cúi đầu. Và trái tim ấy vẫn đập những nhịp yêu thương trong lồng ngực Giáo sĩ. Trước những trải nghiệm thực tế về nỗi thống khổ, đắng cay, sự đày đọa tinh thần trong cái “siêu nhà tù quốc tế”, ngài đã ngộ ra: “Tốt đạo phải đẹp đời. Ta không thể ngồi yên nhìn sự ngang trái mà tự bảo rồi cái ngang trái sẽ bị phủ định bằng cái ngang trái khác, rồi sự ngang trái khác sẽ hủy diệt cùng vòng quay trăm năm một kiếp người. Tôn giáo khoanh tay đứng nhìn không phải là tôn giáo, mũ ni che tai bịt mắt che miệng không phải là tôn giáo. Và đã đến lúc người muốn điếc muốn mù muốn câm cũng phải đứng lên hành động”[7, tr. 267]. Động lực của tình thương đã đưa Giáo sĩ đến quyết định chấm dứt mười hai năm tịnh ngôn để cất tiếng nói trở lại vì cuộc triệu tập bí mật bàn chuyện giải phóng Đảo Xanh.

Có thể dễ dàng nhận ra hình bóng của tinh thần từ bi hỷ xả thông qua hai hình tượng nhân vật Đức Phật và Giáo sĩ. Ở đó, tình thương có vai trò dẫn dắt cho trí tuệ đi đến sự giáo hóa nhẹ nhàng mà hiệu quả. Kiểu nhân vật đại diện cho tình thương và trí huệ như ngọn đuốc ở giữa tỏa sáng, soi chiếu dẫn lối vận động của những nhân vật còn lại. Khai thác kiểu nhân vật này, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái vừa có sự đậm đà của những lớp trầm tích trí tuệ văn hóa, vừa có vị thanh nhẹ của những suy tư, nỗi niềm, vừa có vị cay cay của những chiêm nghiệm cuộc đời khổ đau mất mát. Và cũng vì thế, chúng mới có vị ngọt ngào đến từ những giá trị vĩnh hằng của con người.

“Thoát khỏi hình tức kinh viện của những giáo lý, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái đã mang đến sự trải nghiệm, thấu hiểu, gần gũi, tự nhiên bằng chính hành trình tâm lý của các nhân vật”[3, tr.162]. Ông đã đưa người đọc đến trạng thái đứng ngoài tôn giáo để cùng cảm nhận, cùng mổ xẻ và cùng xác quyết về tính thiết hữu, tính thực hành vị nhân của Phật giáo trong hành trình mưu cầu hạnh phúc của con người. Ở đó, niềm tin vào giáo lý nhà Phật, vào quy luật Nhân quả, Nghiệp báo và lòng từ bi trước dòng chảy vô thường là cơ sở hướng dẫn con người sống thiện lương. Chừng nào còn tin vào tâm linh, vầng ánh sáng ấy sẽ còn tiếp tục chỉ lối để con người vượt lên muôn loài tìm ra những giá trị phổ quát tất yếu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hòa thượng Thích Thiện Hoa (2002), Phật Học phổ thộng quyển I, II, III, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội.

[2] Võ Anh Minh (2007), “Chiêm nghiệm theo con lắc thời gian”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 36.

[3] Phùng Phương Nga, Nguyễn Thị Thu Thảo (2012), “Phật giáo trong tác phẩm Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái”, Tạp chí Khoa học và công nghệ ĐH Thái Nguyên, tập 94, số 06, trang 161-168.

[4] Hồ Anh Thái (2003), Cõi người rung chuông tận thế, NXB Lao động, Hà Nội.

[5] Hồ Anh Thái (2007), Đức Phật, nàng Savitri và tôi, NXB Thanh niên, Hà Nội.

[6] Hồ Anh Thái (2009), Mười lẻ một đêm, NXB Lao động, Hà Nội.

[7] Hồ Anh Thái (2012), Dấu về gió xóa, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.


Nguyễn Thị Thanh Thúy
Học viên Cao học Văn học Việt Nam K15
Dẫn theo : Khoa Ngữ văn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét