Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

THỂ LOẠI VÀ VẤN ĐỀ PHÂN CHIA THỂ LOẠI TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM


1.     Khái niệm thể loại văn học

Thể loại là nơi thể hiện rõ nhất đặc trưng loại hình văn học vì là nơi nhận ra diện mạo, đường nét của một loại hình văn học. Loại (loại thể văn học) nhằm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm. “Đó là sự tổ chức, sự sắp xếp các tác phẩm  có cùng phương thức tiếp cận đối tượng nghệ thuật, có chung phương thức cấu trúc hình tượng và chung phương thức cấu trúc lời văn vào thành từng loại hoặc từng thể” (TS. Lê Văn Dương) .

Thể là khái niệm nhỏ hơn loại, nằm trong loại hay còn gọi là thể loại. Thể loại văn học là một hình thức tổ chức ngôn từ theo một dạng thức nhất định nào đó thể hiện cảm xúc, tư tưởng của con người trước các hiện tượng đời sống.


2.     Vị trí của thể loại trong văn học

Thể loại giữa vai trò quan trọng trong văn học. Bakhtin đã từng khẳng định: “Đằng sau cái mặt ngoài sặc sỡ và đầy tạp âm ồn ào của tiến trình văn học, người ta không nhìn thấy vận mệnh to lớn và cơ bản của văn học và ngôn ngữ, mà những nhân vật chính nơi đây trước hết là các thể loại, còn trào lưu, trường phái chỉ là những nhân vật hạng nhì hoặc hạng ba”. Thể loại là “nhân vật chính”, nhân vật số một của tiến trình văn học, điều này càng đúng với văn học trung đại nói chung, văn học trung đại Việt Nam nói riêng.

Vị trí của thể loại trong văn học trung đại quan trọng đến mức nhiều khi tên tác phẩm gắn liền với tên thể loại: Thiên đô chiếu, Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng giang phú, Bình Ngô đại cáo,…Hiện tượng này đã cho thấy tên thể loại đã xác định tính quy phạm về chức năng và hình thức thể loại của tác phẩm. Đây là định hướng cho việc phân tích tác phẩm từ góc nhìn thể loại. Vị trí quan trọng của thể loại trong văn học trung đại còn được xem xét trên bình diện phong cách. Về đại thể, phong cách trong văn học thường được nhìn từ ba cấp độ: phong cách tác giả, phong cách thời đại, phong cách thể loại. Phong cách thể loại là vấn đề lớn, vấn đề quan trọng của văn học trung đại. một trong những đặc điểm cơ bản của văn học trung đại là tính quy phạm. Đặc điểm này chi phối thể loại, làm nên tính quy phạm về thể loại, dẫn đến sự chặt chẽ về phong cách thể loại. Mỗi thể loại là một phong cách, tồn tại khá bền vững trong suốt quá trình phát triển của văn học. Dù sáng tác trước hay sau, muốn đổi mới thì tác giả văn học trung đại về cơ bản phải tuân theo những quy phạm thể loại. Văn học hiện đại thường thoát ra khỏi tính chặt chẽ này, ranh giới thể loại cũng bị xóa nhòa, những quy phạm chặt chẽ về thể loại không còn như văn học trung đại.

3.     Quan điểm về thể loại
3.1.         Tiêu chí phân chia thể loại

Các thể loại văn học đã nhiều lại luôn ở trong sự vận động, thay đổi, pha trộn vào nhau.. Các hiện tượng đó làm khó cho công việc phân loại. Tiêu chí phân loại cũng rất nhiều. Phân loại về ngôn ngữ, về phương thức cấu tạo hình tượng, về dung lượng dài ngắn. Các tiêu chí làm cho việc phân loại không khỏi chồng chéo, và nhìn chung sự phân loại chỉ có thể mang tính chất tương đối.

            Cho đến nay phổ biến vẫn tồn tại cách chia ba có từ thời cổ đại. Từ thời Aristote, văn học được chia làm ba loại theo phương thức, phương tiện biểu đạt của chúng: tự sự, trữ tình, kịch. Vào thế kỉ XIX, nhà lí luận văn học Nga là Belinski cũng chia tác phẩm văn học thành ba loại: tự sự, trữ tình, kịch. Ông cho rằng, “chia thơ ca (văn học) làm ba loại: tự sự, trữ tình, kịch là xuất phát từ ý nghĩa của việc nhận thức chân lí, cũng tức là trên tinh thần nhận thức- xuất phát từ mối quan hệ qua lại giữa chủ thể với đối tượng- khách thể nhận thức. Thơ trữ tình biểu hiện phương diện chủ quan của một con người, đem con người bên trong phơi bày ra trước mắt chúng ta, do đó toàn bộ là cảm xúc, tình cảm, âm nhạc. Thơ tự sự là miêu tả khách quan một sự kiện đã hoàn thành, là nhà nghệ sĩ đã chọn cho chúng ta một điểm thích hợp nhất để bày tỏ tất cả mọi phương diện, làm thành một bức tranh cho chúng ta xem. Thơ kịch là sự điều hòa hai phương diện trên, chủ quan, trữ tình và khách quan, tự sự. Trình bày ra trước mắt chúng ta, không phải là sự kiện đã hoàn thành, mà là đang thực hiện; không phải nhà thơ đang thông báo sự việc cho ta, mà là từng nhân vật xuất hiện nói với chúng ta”.

Nhìn chung, có các tiêu chí cơ bản để phân chia thể loại như sau:
-  Hình thức lời văn: dùng để phân biệt thơ văn vần, truyện văn xuôi hay truyện thơ, kịch thơ hay kịch nói,…
-  Dung lượng tác phẩm: là căn cứ quan trọng để phân biệt thơ với trường ca, khúc ngâm, phân biệt truyện vừa, truyện dài, truyện ngắn,..
-  Cảm hứng, cảm xúc: là một trong những cơ sở để phân biệt bi kịch, hài kịch, chính kịch, ngụ ngôn và truyện cười….
-  Nội dung thể loại: tiêu chí này được các nhà nghiên cứu Xô viết như Pospelov, Sernhext đề xuất nhằm phân loại văn học dựa tên đặc trưng loại hình lặp lại có hệ thống của đề tài, theo đó có 3 nhóm nội dung thể tài chủ yếu là thể tài lịch sử, thể tài đời tư, thể tài thế sự.
Có thể nói không một tiêu chí phân loại văn học nào có thể loại trừ được các tiêu chí khác. Các thể loại và các loại văn học không ngừng xâm nhập vào nhau, tạo thành các loại trung gian. Chính vì vậy, các tiêu chí này cũng chỉ hợp lý ở một mức độ nhất định.

3.2.         Quan điểm thể loại trong văn học trung đại Việt Nam

Một trong những vấn đề khó khăn khi nghiên cứu văn học trung đại là xác định hệ thống thể loại, vì chính hệ thống này có vai trò cụ thể hóa khái niệm văn học. Có thể nói văn học là một cơ thể hoàn chỉnh mà các thể loại là các bộ phận của cơ thể đó. Trong suốt quá trình phát triển của văn học trung đại đường biên của hệ thống thể loại này có những biến động nhất định: thể loại này mờ đi, thể loại khác xuất hiện, thể loại này vào trung tâm, thể loại kia ra ngoài rìa, tạo thành một dòng chảy uốn lượn, biến đổi bất tận.

Thể loại văn học trung đại là một hiện tượng rất bề bộn, cách phân loại cũng bề bộn. Trong lịch sử văn học Việt Nam, thể loại đầu tiên được sưu tập là thơ (thế kỉ XV), tiếp đến là phú (cuối thế kỉ XV), rồi các văn tuyển của Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích, không kể các tập thơ, tập văn riêng của tác giả.

Bảng phân loại của Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử và của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí nếu xét một cách nghiêm khắc thì đều không phải là phân loại văn học. Mặc dù Lê Quý Đôn có ý thức rõ ràng về thể loại “Văn không thể tạp loạn, thể tài phải tự khác nhau” (Lời tựa Đại Việt thông sử). Nhưng phân loại là một công việc rất khó, đặc biệt là trong điều kiện văn sử bất phân.

Quyển sách đầu tiên trình bày các thể thơ văn cổ ở nước ta có lẽ là Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính, trong đó tác giả kể đến: thơ, phú, văn tế, minh, trâm, tán, ca ngâm khúc điệu, các ca khúc (gồm lục bát, song thất lục bát), các điệu ca khúc, diễn kịch, đối liên, kinh nghĩa, văn sách, tứ lục, hịch văn, văn xuôi, văn ký sự, tựa. Tiếp đến là Quốc văn cụ thể của Bùi Kỷ, giới thiệu các thể thơ văn sau: lục bát, song thất lục bát, hát xẩm, hát nói miễu, thơ cổ phong, Đường luật, minh, trâm, tán ,từ khúc, phú , văn tế, chiếu, biểu, cáo, hịch, trướng, kinh nghĩa, văn sách, tựa, truyện, ký, bia, luận, chèo, tuồng. Ở đây đã có mặt một số thể văn dân gian, nhưng lại thiếu vắng các thể ngâm, truyện Nôm, vãn, các thể truyền kỳ, thực lục, kệ, nhưng lại có văn kinh nghĩa. Có thể nói đó chưa phải là các công trình giới thiệu đầy đủ các thể loại văn học trung đại với một ý thức khoa học hoàn bị.

Công trình Thơ ca Việt Nam (hình thức và thể loại) của Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức đã giới thiệu có hệ thống các thể và hình thức thơ ca, nhưng chủ yếu mới tính riêng về thơ ca, mặc dù trong sách có bao gồm cả phú, văn, tế, văn xuôi cổ. Có thể nói cho đến nay một công trình nghiên cứu giới thiệu đầy đủ các thể loại văn học trung đại Việt Nam vẫn chưa có. Nhà Việt Nam học Nga Niculin trong sách Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX(1977) đã trình bày quá trình văn học Việt Nam trung đại theo tiến trình hình thành  một số thể loại theo quan niệm loại hình trung đại. Ông chú ý trước hết tới văn bia thời Lý- Trần. Thơ bang giao, văn chính luận, kệ (thế kỷ X-XII), thơ (thế kỷ XIII-XV), sử ký, truyện truyền kỳ, dã sử, kể vè, hát xẩm (thé kỷ XVI-XVII), truyện Nôm, vãn, ngâm khúc (XVIII-XIX), thơ, ca dao, vè, ca trù, văn tế, tiểu thuyết. Tác giả đã chú ý tới nội dung của hình thức trong quá trình phát triển của thể loại.

Nhìn chung bức tranh hệ thống thể loại văn học trung đại đầy mâu thuẫn, cần được hình dung trên hai mặt. Một mặt là hệ thống thể loại theo nghĩa rộng gồm tất cả các thể loại văn-sử-luận bất phân. Mặt khác, là hạt nhân thể loại văn học nghệ thuật sẽ phát triển và tồn tại như một hiện tượng thẩm mĩ. Sự mâu thuẫn trong hai cách nhìn nhận thể loại văn học trung đại của người đương thời và hiện đại là do thứ nhất, trong văn học trung đại không có một thể loại nào mang được tính chất thuần túy văn học. Không phải chỉ riêng cáo, chiếu, biểu, sử ký, kệ, … là như vậy mà ngay thơ, phú cũng vậy: thơ dâng tỏ chí, thơ bang giao, thơ mừng bạn lên chức, thơ mừng đẻ con trai…Nhưng mặt khác, thứ hai, không có thể loại nào là không thể đạt tới chất văn học, do khả năng tự biểu hiện và khă năng văn chương của ngôn từ, điều này tùy thuộc vào tài năng, mức độ biểu hiện tình cảm của tác giả. Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ đều là thiên cổ hùng văn mà không phải mọi bài cáo, hịch đều được như vậy. Thứ ba, chất văn học của chúng không nằm khít trong quy phạm thể loại mà nằm trong xu thế siêu việt các quy phạm ấy. Người trung đại thích noi theo, vay mượn các chất liệu truyền thống nhưng chính học cũng thích đổi mới. Nhiều tác phẩm truyện Nôm có chữ “tân” trong nhan đề để tác giả thông báo cho người đọc tính sáng tạo của mình: Bướm hoa tân truyện, Sơ kính tân trang, Đoạn trường tân thanh,… 

Do đó, thứ tư, việc phân loại tác phẩm văn học trung đại không thể tuân thủ giản đơn nguyên tắc  phân loại cổ điển có từ thời cổ đại: tự sự, trữ tình, kịch, bởi đó là các phương thức biểu hiện thuần túy được phân hóa từ nghệ thuật nguyên hợp cổ đại. Ở đây, cần tôn trọng sự tạo thành tự nhiên của các thể loại và tên gọi của chúng, đồng thời coi trọng cấu tạo loại văn, tiến hành miêu tả, phân tích đặc trưng nghệ thuật của chúng. Do đó, việc giới thiệu, mô tả sự xuất hiện các thể loại văn học trong trật tự thời gian lịch sử như các sách Việt Nam cổ văn học sử (Nguyễn Đổng Chi, 1944), Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX (Niculin, 1977) và sách của các nhà nghiên cứu Việt Nam khác là có phần hợp lý hơn. Nhưng mặt khác, việc xác định đặc trưng thể loại không thể chỉ theo hình thức quy phạm cổ truyền, mà cần xét chúng trong tính nội dung nghệ thuật, chức năng biểu đạt theo cấu trúc của văn bản biểu hiện.

Cho đến nay, vẫn chưa có một hệ thống phân loại văn học trung đại hợp lý được cả giới khoa học thừa nhận. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn tìm tòi không ngừng và đề xuất các phương án khác nhau.

Nguyễn Huệ Chi trong bộ sách Thơ văn Lý – Trần đã đề xuất mô hình phân thành năm loại: thơ ca, biền văn, tản văn, tạp văn, truyện kể. Đây là phân loại theo hình thức tổ chức ngôn từ là chính, phù hợp với đặc trưng của văn học trung đại.

Gần đây còn xuất hiện cách phân loại tác phẩm theo phương thức định hình văn bản. Theo phương thức, phương tiện định hình văn bản này, có thể chia ra thành văn bản viết tay, văn bản khắc, văn bản in và đã xuất bản tập văn khắc Hán-Nôm Việt Nam. Văn khắc bao gồm một phạm vi rộng, chẳng những bao hàm từ bia, minh, đối, liễn, biển…mà còn gồm cả thơ đề vịnh xướng họa khắc trên các di tích, hang động. Văn khắc tồn tại ở những nơi sinh hoạt công cộng như đình, chùa, đền, miếu, từ đường, cầu, điếm, chợ.. Cách phân loại này do V.Rogiodetxtvenxki đề xướng và Nguyễn Quang Hồng vận dụng để chỉ phương thức tồn tại, lưu trữ của văn học trung đại trong không gian, thời gian. Cách phận loại này tất yếu sẽ nêu lên một số thể loại đặc biệt mà trước giờ ít được nghiên cứu và chưa có vị trí trong văn học sử, như câu đối và hoành phi, những thể loại sáng tác không phải để chép vào sách.

Văn học trung đại trước hết là văn chương của ngôn từ, là nghệ thuật của từ ngữ. Do đó việc phân loại văn học trung đại gắn liền với việc phân hóa về thể loại văn – hình thức mang nội dung cố định để tổ chức văn bản.

Sách Thi pháp văn học trung đại của Trần Đình Sử dựa trên các yếu tố cấu thành nội dung và hình thức, mục đích sáng tác, phân chia văn học trung đại thành các nhóm : Nhóm 1: các thể thơ trữ tình, nhóm 2: phú và các thể văn, nhóm 3: thể loại truyện chữ Hán, nhóm 4: diễn ca lịch sử và truyện thơ Nôm. Chẳng hạn, nhóm các thể văn được chia thành 7 nhóm nhỏ gồm các thể loại như sau:

-  Các thể loại chiếu, cáo, sách, dụ, hịch,… mà chủ thể phải là thiên tử hoặc chủ tướng, dù người viết là ai
-  Các thể loại tấu, nghị, khải, biểu,… chủ thể là thần tử trình bày với thiên tử
-  Các thể loại thư, luận, thuyết, biện bàn về tư tưởng, đạo lý, chân ngụy
-  Các thể văn tế, ai điếu hướng tới người đã mất
-  Các thể bi, minh,chí viết để ghi nhớ lâu dài, khắc trên kim thạch
-  Các thể tự bạt
-  Các thể truyện, trạng ghi về hành trạng, sự tích của một con người
-  Các thể ký ghi đủ loại việc, cốt để ghi nhớ, từ du ký đến tạp ký, ký sự
Cách chia này cho phép giới thiệu khá toàn diện về các thể loại văn với diện mạo và đặc điểm của chúng, tuy nhiên cách phân chia thể loại văn học trung đại nào cũng chỉ đều là tương đối.


Nghiên cứu thể loại văn học có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đặc điểm loại hình của văn học và các đặc điểm ấy sẽ trực tiếp chi phối ý thức sáng tạo, phân tích và tiếp nhận văn học trên phương diên nội dung và hình thức chỉnh thể tác phẩm. Vấn đề phân chia thể loại văn học nói chung và văn học trung đại Việt Nam nói riêng vẫn cần có sự nghiên cứu liên tục trong đời sống văn học nước nhà.

Nhóm học viên
Lê Tấn Cường - Lê Thị Kim Cương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét