Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG NGÂM KHÚC



Là thể loại ra đời, phát triển trong thời trung đại, ngâm khúc mang những đặc trưng thi pháp chung của văn học trung đại, trong đó có những các kiểu thời gian nghệ thuật phổ biến như thời gian chu kì, thời gian ước lệ, thời gian sinh hoạt,… Thế nhưng, ngâm khúc là một trong những thể loại sớm ổn định và đạt trình độ phát triển cao, là thể trữ tình trường thiên với nội dung chủ yếu là thể hiện tình cảm buồn sầu của con người trong những hoàn cảnh bi kịch. Do đó, thi pháp thể loại của ngâm khúc, trong đó có phương diện thời gian nghệ thuật có những đặc trưng riêng. So với các thể loại trữ tình khác như thơ Đường luật, vịnh khúc,… thời gian nghệ thuật trong ngâm khúc phong phú hơn. Có những kiểu thời gian nghệ thuật chính của thể loại này như sau.

1. Thời gian mở

Khác với thời gian trong truyện thơ là thời gian khép kín (thời gian phong bế), thời gian trong ngâm khúc là thời gian mở. Ở loại hình tự sự, thời gian gắn liền với cốt truyện (thường là thời gian tuyến tính), tác phẩm kết thúc, mọi việc đã được giải quyết xong cũng là lúc thời gian kết thúc. Bởi tự sự hướng về quá khứ, sự việc được kể lại nghĩa là đã diễn ra trong quá khứ. Câu chuyện kết thúc đồng nghĩa với việc thời gian truyện kết thúc trong quá khứ.

Ngâm khúc là thể loại trữ tình, nó hướng vào hiện tại của chủ thể trữ tình đang triền miên trong tâm trạng đau khổ. Do đó, kết thúc tác phẩm ngâm khúc, câu chuyện tâm tình của nhân vật vẫn chưa kết thúc. Tác phẩm dừng lại, nhưng tương lai của nhân vật như thế nào không ai biết, vì thế, thời gian tương lai vẫn chưa được xác định.

Trong Chinh phụ ngâm, tác phẩm kết thúc nhưng chinh phu chưa về, tương lai chinh phu chinh phụ có được đoàn viên hay không vẫn còn là một câu hỏi. Kết thúc Cung oán, liệu rằng nhà vua có hồi tâm chuyển ý quay lại sủng ái cung nữ hay không, ta không thể biết. Tự tình khúc, Thu dạ lữ hoài ngâm kết thúc nhưng số phận có được minh oan trong tương lai hay không của Cao Bá Nhạ và Đinh Nhật Thận vẫn là điều còn bỏ ngõ. Rõ ràng, số phận của nhân vật chưa được làm rõ, tác phẩm kết thúc nhưng câu chuyện của nhân vật vẫn chưa được kết thúc. Thì tương lai chưa được xác định, cho nên thời gian chưa kết thúc và mang tính chất mở.

2. Thời gian mơ hồ, mang tính ước lệ, tượng trưng

Trong tác phẩm ngâm khúc, không có kiểu thời gian lịch sử, sự kiện như trong tiểu thuyết lịch sử. Ở thể loại này, thời gian chính xác không được quan tâm đến, cho nên không hề có những mốc thời gian chính xác kiểu như tháng giêng năm Minh Mệnh thứ hai, mùa thu năm Canh Dần… Tất cả thời gian trong ngâm khúc đều mang tính chất phiếm chỉ, do đó rất mơ hồ, tượng trưng.

Chẳng hạn, mở đầu Chinh phụ, tác giả viết “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”, ta không thể xác định thời gian có biến cố to lớn ấy là khi nào. Thậm chí khi tác giả cho biết chính xác thời đoạn như trong câu “Nước thanh bình ba trăm năm cũ” thì ta cũng không thể biết ba trăm năm đó là ba trăm năm nào, bắt đầu từ thế kỉ nào và kết thúc ở thế kỉ bao nhiêu. Hay như trong Văn chiêu hồn, Nguyễn Du mở đầu bằng một thông tin về thời gian “Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt” thì đó cũng là thời gian rất mơ hồ. Tháng bảy đó là tháng bảy của năm nào, ta không xác định được.

Thời gian trong ngâm khúc không phải để mang chức năng thông tin chính xác mà đó chỉ là cái cớ để tác giả phát triển tác phẩm của mình. Mặt khác, để đặc tả tâm trạng của chủ thể trữ tình, tác giả cần phải làm cho thời gian mờ nhòe đi, bởi thời gian chung chung, ước lệ tượng trưng có sức khái quát tâm trạng cao hơn thời gian cụ thể, chính xác rất nhiều. Thời gian trong thể ngâm khúc luôn mơ hồ, mang tính ước lệ có nguyên nhân từ yêu cầu đặc tả tâm trạng của nhân vật, phù hợp với yêu cầu nội tại của thể loại.

3. Thời gian tâm lí và thời gian ba chiều mang tính đồng hiện

Thời gian theo dòng tâm trạng triên miên của chủ thể trữ tình là đặc trưng của thời gian trong ngâm khúc. Ở đó, nhân vật luôn hồi tưởng về quá khứ, tưởng tượng đến tương lai để nhìn lại hoàn cảnh hiện tại trong ý thức đối chiếu, so sánh. Trong đó, chủ yếu là hai chiều đi về giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ hạnh phúc bao nhiêu thì hiện tại đau khổ bấy nhiêu. Càng hồi tưởng về quá khứ rực rỡ, nhân vật càng rơi vào bi kịch trong hoàn cảnh hiện tại bế tắc. Đó là lí do để các nhà nghiên cứu cho rằng, chủ yếu và đặc trưng trong ngâm khúc là kết cấu hồi cố bi ai, hồi tưởng lại quá khứ để đau khổ trong hiện tại.

Tác phẩm ngâm khúc tập trung khắc họa tâm trạng của chủ thể trữ tình trong thời hiện tại là thời điểm nhân vật đang sống và đang tự giãi bày tâm trạng của mình. Tâm trạng ấy bao giờ cũng là kết quả được dồn nén trong một thời gian khá dài sau biến cố lớn nào đó trong đời sống nhân vật để rồi bật lên thành những lời than vãn, những tiếng kêu thương trong một khoảnh khắc nhất định. Trong Chinh phụ, biến cố là chiến tranh nổ ra, tâm trạng cô đơn, đau khổ của chinh phu được dồn nén trong ba, bốn năm (Kể năm đã ba tư cách diễn) để rồi bùng nổ trong một ngày đêm (Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước / Ngoài rèm thưa thước chẳng mách tin). Trong Cung oán, biến cố là việc quân vương bở rơi. Cung nữ sống trong cảnh lẻ loi, dồn nén tình cảm trong vài năm trời để rồi trút mọi nỗi niềm trong một đêm (Đêm năm canh lần vương vách quế). Trong Thu dạ, biến cố là sự kiện bị bắt giam một cách oan uổng, nhân vật dồn nén tâm trạng trong mấy tháng ở tù để rồi tự giãi bày tất cả trong một ngày một đêm (Khi ngày mong bức xá thư / Khi đêm than bóng, khi trưa mỏi lòng).

Theo đó, thời gian để nhân vật tự mở lòng bộc bạch tâm sự là hiện tại, một hiện tại bi kịch không tìm ra lối thoát. Bế tắc trong thực tại, chủ thể trữ tình tìm đến những ngã đường khác nhau để giải thoát. Nhân vật hồi tưởng về quá khứ, gặm nhấm hạnh phúc của ngày xưa; liên tưởng về tương lai tốt đẹp để tìm cho mình ánh sáng hi vọng. Thế nhưng quá khứ đã lùi xa, tương lai thế nào chưa biết, tất cả đều không có lối thoát, chủ thể lại trở về với hiện tại và càng khắc sâu hơn nỗi đau trong hoàn cảnh bi đát của mình. Trong Cung oán, cung nữ hồi tưởng lại những ngày hạnh phúc tột đỉnh khi mới vào cung được quân vương yêu chiều (Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt / Lúc cười sương cợt tuyết đền phong) để thấm thía hơn bi kịch bị bỏ rơi trong hiện tại (Trong cung quế âm thầm chiếc bóng / Đêm năm canh trông ngóng lần lần). Trong Khóc Dương Khuê, chủ thể trữ tình nhớ lại những kỉ niệm đẹp bên bạn hiền ngày trước (Nhớ từ thuở đăng khoa khi trước / Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau… Cũng có lúc chơi nơi dặm khách / Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo / Có khi từng gác cheo leo / Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang) để xót xa, thương nhớ trong thực tại khi bạn không còn (Tuổi già hạt lệ như sương). Trong Ai tư vãn, Lê Ngọc Hân tưởng nhớ lại được Nguyễn Huệ yêu thương, chăm sóc để càng thấy mình cô đơn, lạc lõng khi chồng không còn trong thực tại nữa.

Quá khứ không thể níu kéo, hiện tại không tìm thấy lối ra, nhân vật hướng về tương lai. Người thì mong được ân xá như Ca Bá Nhạ và Đinh Nhật Thận trong Tự tình và Thu dạ, kẻ thì mong đến ngày chinh phu trở về như trong Chinh phụ, người thì hi vọng một ngày nhà vua đổi ý trở lại với mình như trong Cung oán. Tuy ở trong những cảnh ngộ và nỗi đau khác nhau nhưng các nhân vật trong ngâm khúc đều có chung một cách tri giác về thời gian là đối chiếu, so sánh giữa ba chiều thời gian. Đó là cách để chủ thể trữ tình bộc bạch tâm trạng của mình. Qua đây, nhà văn đi sâu hơn vào việc khám phá ý nghĩa cuộc đời. Đó là câu hỏi lớn muôn đời của con người, hạnh phúc có thật hay không, làm sao để tìm được hạnh phúc. Trong ngâm khúc, hạnh phúc là có thật nhưng nó chỉ có trông quá khứ, hiện tại đã đổ vỡ và tương lai chỉ là niềm mơ ước mong manh.

Có thể nói, dòng thời gian ba chiều mang tính đồng hiện được đặt trong quan hệ đối sánh quá khứ - hiện tại, hiện tại - tương lai là một trong những kiểu thời gian độc đáo, chủ đạo và mang giá trị thẩm mĩ đặc biệt của thể loại ngâm khúc. Kiểu thời gian này thật ra vẫn có biểu hiện trong truyện thơ ở những đoạn nhân vật độc thoại nội tâm (chẳng hạn những đoạn độc thoại của Thúy Kiều [Khi sao phong gấm rũ rà / Giờ sao tan tác như hoa giữa đường], Từ Hải [Một tay gây dựng cơ đồ / Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành / Bó thân về với triều đình / Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu]). Thế nhưng, biểu hiện đậm đà nhất, mang lại những giá trị sâu sắc nhất, có vai trò quan trọng nhất trong việc khắc họa nhân vật và thể hiện nội dung tác phẩm phải kể đến kiểu thời gian này trong thể loại ngâm khúc.

4. Thời gian mùa thu

Mùa thu là kiểu thời gian xuất hiện trong nhiều thể loại văn học trung đại (trong Truyện Kiều có 7 lần nhắc tới mùa thu, trong thơ chữ Hán có nhiều bài viết về mùa thu như trong sáng tác chữ Hán của Nguyễn Du, trong thơ Nôm Đường luật, mùa thu lại càng được viết nhiều hơn). Thế nhưng, mùa thu với vai trò là một kiểu thời gian quan trọng, có giá trị đặc biệt trong việc phản ảnh tâm trạng nhân vật và phát triển mạch cảm xúc trong tác phẩm phải chờ đến thể loại ngâm khúc. Điều đó lí giải tại sao trong ngâm khúc, thời gian mùa thu xuất hiện với tần số rất cao. Cung oán dài 356 câu có tới 7 lần thời gian mùa thu. Chinh phụ dài 108 câu mùa thu xuất hiện 4 lần. Trong Văn chiêu hồn thời gian xuyên suốt là mùa thu (Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt / Toát hơi thu lạnh buốt như đồng).

Mùa thu trong quan niệm của người phương Đông thường gắn với nỗi u buồn. Thu hành kim, thuộc về phía tây, gắn liền với sự khô tàn, héo úa, chết chóc, hoang vu. Cảm xúc của con người thường gắn với nỗi buồn. Ta nhớ lại chữ Sầu trong tiếng Hán được tạo thành theo phương thức hội ý trên chữ Thu dưới chữ Tâm, tâm trạng của người ta trong mùa thu là buồn sầu.

Mùa thu gắn liền với tâm trạng buồn sầu của con người, phù hợp với tâm trạng triền miên đau khổ của chủ thể trữ tình cho nên phù hợp với ngâm khúc, được ưu tiên sử dụng và tỏ ra đắc lực trong việc phục vụ ý đồ nghệ thuật của tác giả trong thể loại này. 

Tóm lại, thời gian nghệ thuật là một phương diện quan trọng trong thi pháp thể loại ngâm khúc. Với đặc trưng nội dung tập trung vào việc khắc họa tâm trạng triền miên trong buồn sầu, đau khổ của nhân vật, thời gian nghệ thuật trong ngâm khúc gắn với tâm thức thẩm mĩ buồn sầu. Bốn kiểu thời gian trên là bốn kiểu đặc trưng của thời gian nghệ thuật trong ngâm khúc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

     Thầy Nguyễn Ngọc Quang, Bài giảng Chuyên đề ngâm khúc. Đại học Quy Nhơn

Học viên
Phạm Tuấn Vũ



1 nhận xét: