Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

ĐẶC ĐIỂM THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU


Chương 1
Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du

1.  Cuộc đời
Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765), niên hiệu Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông. Nơi sinh là phường Bích Câu, thành Thăng Long (Hà Nội). Lúc bấy giờ, cha là Nguyễn Nghiễm đang làm tể tướng. Bốn năm trước, người anh cùng mẹ Nguyễn Nễ cũng sinh tại đây. Mẹ đẻ của Nguyễn Du là Trần Thị Tần vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm. Bà là con gái thứ ba của một vị quan nhỏ coi việc sổ sách kế toán (chức Câu Kê) dưới trướng Nguyễn Nghiễm, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Hương Mặc, huyện Từ Sơn). Bà Trần Thị Tần sinh năm Canh Thân (1740) và mất ngày mùng 6 tháng 7 năm Mậu Tuất (1778) thọ 39 tuổi. Năm đó Nguyễn Du mới 13 tuổi. Bà Trần Thị Tần thuộc dòng dõi Trần Phi Chiêu (1549 – 1623), ông đậu tiến sỹ năm Kỷ Sửu (1589) làm quan đến chức thượng thư bộ Hộ, kiêm Đô Ngự Sử, tước Diên Quận công. Bà là một phụ nữ nết na, thông minh, và xinh đẹp, lại sinh ra tại xứ Kinh Bắc vùng quê quan họ. Điều đó ảnh hưởng tốt đến hồn thơ Nguyễn Du từ những ngày còn bé.

Lên sáu tuổi Nguyễn Du bắt đầu đi học. Những năm tuổi nhỏ nhà thơ sống trong vàng son, nhung lụa của một cuộc sống quý tộc, giàu sang.

Nguyễn Du mười tuổi thì mồ côi bố, mười hai tuổi mồ côi cả bố lẫn mẹ. Bốn anh em cùng mẹ với Nguyễn Du chưa một người nào đến tuổi trưởng thành, gia đình bên ngoại không phải nơi quyền quý, nên anh em Nguyễn Du phải đến ở với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản, bấy giờ đang làm Tả thị lang Bộ Hình kiêm Hiệp trấn xứ Sơn Tây. Năm 1780, Triều đình có biến, Nguyễn Khản về quê ở Hà Tĩnh. Năm 1783 Nguyễn Du mười tám tuổi, đi thi hương ở Sơn Nam, đậu tam trường.

Một ông quan họ Hà, làm việc dưới triều Nguyễn Nghiễm giữ chức Chánh thủ hiệu đội quân hùng hậu ở Thái Nguyên, không có con trai, trước đây có xin Nguyễn Du làm con nuôi. Sau khi người họ Hà mất, Nguyễn Du được kế chân làm chức ấy.

Năm 1789, Tây Sơn kéo quân ra Bắc đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, Nguyễn Du trở về quê vợ ở xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Sơn Nam (Thái Bình), vài năm sau ông về quê ở Hà Tĩnh sống thời gian khá dài. Trong thời gian “mười năm gió bụi” và những năm về quê sống “dưới chân Hồng Lĩnh”, nhà thơ có dịp hiểu biết quần chúng, sống gần gũi quần chúng, ngọn nguồn của mọi giá trị tinh thần cao quý nhất của dân tộc.

Có thể nói, thiên tài lỗi lạc của Nguyễn Du, những gì là của hồn thơ bất diệt ấy đã được ấp ủ và nảy nở chủ yếu trong những năm tháng buồn vui lẫn lộn này.

Nguyễn Du sống ở Hồng Lĩnh cho mãi đến mùa thu 1802, Triều Gia Long, tháng 8 năm này Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung (thuộc Khoái Châu, Sơn Nam, nay là tỉnh Hưng Yên). Tháng 11 đổi làm Tri phủ Thường Tín. Năm 1803 ông được cử lên cửa Nam Quan tiếp sứ thần Trung Quốc. Năm 1805 Nguyễn Du được thăng Đông các điện học sỹ, phong tước Du Đức hầu. Năm 1807 được cử làm giám khảo trường thi hương ở Hải Dương. Năm 1809 được bổ làm Cai bạ dinh Quảng Bình. Nguyễn Du giữ chức này trong bốn năm liền. Gia phả chép: “Phàm những việc công trong hạt như lính tráng, dân sự, kiện thưa, tiền nong, lương thực và các hạng thuế, ông đều bàn bạc thương thuyết với các quan lưu thủ, ký lục để thi hành. Ông giữ chức Cai bạ bốn năm, chính sự giản dị, không cầu tiếng tăm, nên được sĩ phu và nhân dân yêu mến”.

Năm 1813, Nguyễn Du thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Sau khi về nước, năm 1815 ông được thăng Hữu Tham tri Bộ Lễ. Năm 1820 Minh Mệnh lên ngôi, định cử ông làm Chánh sứ sang Trung Quốc lần nữa, để cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì ngày 10 tháng 8 năm Canh thìn, tức ngày 16 tháng 9 năm 1820 ông mất đột ngột trong một nạn dịch ghê gớm làm chết hàng vạn người.

2.     Sự nghiệp văn chương
2.1.         Tác phẩm bằng chữ Nôm

Những tác phẩm bằng chữ Nôm của Nguyễn Du gồm có:
- Đoạn trường tân thanh  còn có tên gọi khác là Kim Vân Kiều truyện, (Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột. Tên phổ biến là Truyện Kiều), được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Nội dung của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Nội dung chính của truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều, nhân vật chính trong truyện, một cô gái có tài sắc. Về thời điểm sáng tác, Từ điển văn học (bộ mới) ghi: "Có thuyết cho rằng Nguyễn Du viết ra sau khi ông đi sứ Trung Quốc (1814-1820), có thuyết cho nói ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Thuyết sau được nhiều người chấp nhận hơn”.

- Văn chiêu hồn (tức Văn tế thập loại chúng sinh, dịch nghĩa: Văn tế mười loại chúng sinh), còn có tên gọi khác là Văn chiêu hồn, Văn tế chiêu hồn. Tác phẩm hiện chưa rõ thời điểm sáng tác. Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ông Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Ông Hoàng Xuân Hãn cho rằng có lẽ Nguyễn Du viết Văn chiêu hồn trước cả Truyện Kiều, khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812). Tác phẩm được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm, nhằm mục đích gọi hồn những người đã khuất, nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ giúp họ thoát khỏi cảnh bơ vơ lạc lõng của kiếp cô hồn để được tới cõi thiên đường.

- Thác lời trai phường nón, 48 câu, được viết bằng thể lục bát. Nội dung là thay lời anh con trai phường nón ở làng Tiên Điền làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải ở làng Trường Lưu. Bài thơ tình mang âm hưởng của vè, ca dao rất đậm nét.

- Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, 98 câu, viết theo lối văn tế, để bày tỏ nỗi uất hận vì mối tình với hai cô gái phường vải khác.

2.2.         Tác phẩm bằng chữ Hán

Thơ chữ Hán giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du, bởi nó vừa là nhật ký tâm trạng, vừa là nhật ký có tính hành trình của chính đại thi hào trong suốt một thời kỳ dài. Đó là mảng thơ ông sáng tác gần như trọn đời (khoảng trên dưới 30 năm), qua nhiều vùng lãnh thổ khác nhau.  Những tác phẩm bằng chữ Hán của Nguyễn Du rất nhiều, nhưng mãi đến năm 1959 mới được ba nhà nho là: Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh sưu tầm, phiên dịch, chú thích và giới thiệu tập: Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn hóa, 1959) chỉ gồm có 102 bài. Đến năm 1965 NXB Văn học đã ra Thơ chữ Hán Nguyễn Du tập mới do Lê Thước và Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp, gồm 250 bài như sau:

- Thanh Hiên thi tập còn gọi là Thanh Hiên tiền hậu tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 67 đề mục, cộng là 78 bài thơ trong giai đoạn 1786-1804, gồm 10 năm gió bụi, ông sống ở Thái Bình quê vợ, 6 năm trở lại nhà dưới chân núi Hồng, và 2 năm làm quan ở huyện Bắc Hà. Tập thơ là các bài viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn.

- Nam trung tạp ngâm (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 27 đề mục, cộng là 40 bài, giai đoạn 1805-1812, ông được thăng hàm Đông các đại học sĩ, làm quan ở Kinh Đô 5 năm và làm cai bạ ở Quảng Bình 3 năm.

- Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 132 bài thơ, giai đoạn 1813-1814, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc.

Chương 2
Đặc điểm thơ chữ Hán Nguyễn Du

2.1. Nội dung thơ chữ Hán Nguyễn Du
2.1.1.Thanh Hiên thi tập và những bi kịch cá nhân

Thanh Hiên thi tập ghi lại tâm sự của một con người đầy hùng tâm, tráng chí nhưng gặp nhiều cảnh ngộ không như ý nên phải ôm trong lòng mối u uất không thể giải tỏa. Bao trùm tập thơ là điệp khúc buồn, u uẩn, day dứt khôn nguôi.

Nguyễn Du nói mình có một tâm sự không thể ngỏ cùng ai. Tâm sự của Nguyễn Du vào thời điểm đó cũng như tâm sự của các nhà thơ cổ Việt Nam dưới triều đại phong kiến suy tàn, nhưng ở Nguyễn Du có phần sâu sắc, dằn vặt hơn. Từ cuộc sống phong lưu, Nguyễn Du bị đẩy ra giữa gió bụi cuộc đời, sống cuộc sống ăn nhờ ở đậu, nghèo túng đáng thương:
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên (Quỳnh Hải nguyên tiêu)
(Chốn non Hồng không còn nhà, anh em tan tác,
Đầu bạc nhiều giận dỗi tháng ngày trôi)
Nhà thơ ở vào hoàn cảnh khó khăn đã có những câu thơ tràn đầy sự day dứt, băn khoăn về số phận, xen lẫn cả nỗi bi phẫn:
Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp
Tất cánh phiêu linh hà xứ quy? (Tự thán)
(Một nhánh cỏ bồng đứt gốc trước gió tây thổi gấp
Cuối cùng sẽ trôi giạt về đâu?)
Cũng có lúc, thi nhân muốn tìm đén một sự giải thoát, tìm đến cuộc sống an nhàn nhưng càng muốn thoát khỏi vòng trần tục càng bị siết chặt, nên đành đối diện với chính mình với một nỗi u uẩn trĩu nặng tâm tư.
Nhà thơ như không dám tin tưởng vào điều gì ở phía trước, không tìm được cho mình chút hy vọng và niềm vui sống... Nhưng qua nỗi đau riêng của một tâm hồn lớn, ta vẫn thấy được nỗi đau chung của con người trong thời đại Nguyễn Du. Trái tim người nghệ sĩ ấy không chỉ tủi buồn cho thân phận của mình mà còn đau đớn trước những đổ vỡ, tan hoang của quê hương, đất nước:
Thập tải trần ai ám ngọc trừ,
Bách niên thành phủ bán hoang khư.
Yêu ma trùng điểu cao phi tận,
Trỉ uế càn khôn huyết chiến dư.
Tang tử binh tiền thiên lí lệ...
                                                                         (Bát muộn- Xua nỗi buồn)
(Bụi trần mười năm che tối thềm ngọc,
Thành phủ trăm năm một nửa thành gò hoang.
Những côn trùng, chim chóc nhỏ bé đều bay đi hết,
Đất trời nhơ nhớp sau cuộc huyết chiến.
Giọt lệ nơi nghìn dặm khóc cho cuộc binh đao ở quê hương)
Nguyễn Du chán chường, thất vọng đâu chỉ vì sự dở dang của cuộc đời ông mà còn vì bao ngang trái, bất công của một xã hội đang thời hỗn loạn: "Bốn bể gió bụi, lệ rơi vì tình nhà nợ nước" (My trung mạn hứng), "Đêm tối sói hổ kiêu ngạo/ Trăng sáng chim hồng chim nhạn tản tác" (Biệt Nguyễn Đại Lang)... Ông bàng hoàng, tiếc nuối không chỉ vì sự đổ vỡ của gia đình, của dòng họ mà còn vì cảnh thương hải tang điền của cuộc đời:
               Nhất tự y thường vô mịch xứ,
               Lưỡng đê yên thảo bất thăng bi.
               Bách niên đa thiểu thương tâm sự,
               Cận nhật Trường An đại dĩ phi.
                                                            (Giang Đình hữu cảm)
 (Từ khi áo xiêm không còn tìm đâu thấy,
Khói trên ngọn cỏ hai bờ sông khiến lòng khôn xiết bi thương.
Trăm năm của cuộc đời biết bao việc thương tâm,
Ngày gần đây Tràng An đã khác xưa nhiều).
Như vậy, bao trùm Thanh Hiên thi tập là nỗi đau buồn của một con người bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời dâu bể. Tâm hồn Nguyễn Du chìm trong những bàng hoàng, day dứt, sầu muộn mênh mông. Song chính niềm thương thân ấy đã khơi nguồn cho sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ về những mất mát, khổ đau của con người  trong thời đại mình.

 2.1.2.Nam trung tạp ngâm và nỗi thất vọng về chốn quan trường

Năm 1802, Nguyễn Du bắt đầu ra làm quan cho nhà Nguyễn, Nguyễn Du thăng chức nhanh và có lúc giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Nhà thơ không còn chìm trong bế tắc, tuyệt vọng như trước. Song tác giả cũng chưa từng có được sự thanh thản khi bước chân vào chốn quan trường. Nguyễn Du luôn cảm thấy day dứt, ân hận, luôn bị giằng xé trong nhiều mâu thuẫn nội tâm. Dường như ông thấy mình đã chọn lầm đường- con đường mà càng dấn thân vào, con người càng mất dần đi thiên tính tốt đẹp.

Dạ tú vinh hoa thân ngoại huyễn(Đại tác cửu thú tư qui)
(Vinh hoa như mặc áo gấm đi đêm, chỉ là ảo mộng ngoài thân)  

Ông không còn phải khóc thương cho sự cùng đường, bế tắc của một con người lỡ thời, thất thế nhưng lại phải đau xót, tủi thẹn vì nguy cơ đánh mất mình. Ông thất vọng về mình - vì đã không giữ vẹn được tấm tình thủy chung với non xanh, với tùng cúc, hươu nai. Ông thất vọng về chốn quan trường - vì những tưởng khi nhập thế sẽ làm nên sự nghiệp, sẽ giúp ích cho đời nhưng cuối cùng cũng chỉ là kẻ bị trói buộc bởi năm đấu gạo. Ông giống như một người không muốn trôi theo dòng chảy kia nhưng chẳng thể nào thoát khỏi được vòng xoáy dữ dội của nó nên đành chấp nhận. Điều đau xót nhất là, khi bước chân vào nẻo thanh vân cũng là khi hoài bão, ước mơ dần nguội tắt.

Nhưng trong chính khoảng thời gian này, tác giả Nam trung tạp ngâm bắt đầu có những nhận thức sâu sắc về bản chất xã hội đương thời. Đó không phải là nơi cho những con người có hùng tâm, tráng chí cất cánh bay cao. Người nghệ sĩ trong ông khi nhìn lại những biến động của thời đại đã không thể không đau đớn cho cuộc đời trong cảnh “Hán cướp Tần tranh”: Tạc giả đại khuy sinh vật đức (Trước kia đã thương tổn rất nhiều đến cái đức hiếu sinh của tạo hóa - Pháo đài), Tam quân cựu bích phi hoàng diệp/ Bách chiến tàn hài ngọa lục vu (Trên lũy cũ ba quân lá vàng bay lả tả / Xương tàn trăm trận đánh vẫn nằm trong bãi cỏ xanh - Độ Linh giang), Khoáng dã biến mai vô chủ cốt (Trên đồng ruộng khắp nơi vùi thân vô chủ - Ngẫu đắc), Phong xuy cổ trủng phù vinh tận/ Nhật lạc bình sa cốt chiến cao (Gió thổi vào nấm mồ xưa, vinh hoa hư ảo tan hết/ Mặt trời tà trên bãi cát, đống xương chiến trận đã cao - Ngẫu thư công quán bích)... Tâm sự của Nguyễn Du trong Nam trung tạp ngâm đã không còn giới hạn trong những bất hạnh, đổ vỡ riêng tư mà phản chiếu cách nhìn nhận, đánh giá về bản chất của một xã hội trong chiều đi xuống.

2.1.3. Bắc hành tạp lục và niềm trăn trở trước số phận con người

Với đề tài hiện thực, Nguyễn Du từ cõi lòng đầy những thất vọng khổ đau của riêng mình đề cập đến những trăn trở trước số phận của cõi người. Xuất hiện trong tập thơ là hiện thực nhân dân cùng khổ, Nguyễn Du đã vẽ nên những bức tranh sông động về tình cảnh những người dân nghèo trên bước đường tha phương. Bước vào thế giới đó là bức tranh hiện thực về một em bé và cụ già mù lòa hát rong kiếm ăn ở thành Thái Bình:
Khẩu phún bạch mạt, thủ toan súc 
Khước tọa, liễm huyền, cáo chung khúc
Ðàn tận tâm lực cơ nhất canh 
Sở đắc đồng tiền cận ngũ lục 
Tiểu nhi dẫn đắc há thuyền lai 
Do thả hồi cố đảo đa phúc (Thái Bình mại ca giả)
(Miệng sùi nước bọt, tay mỏi rã rời 
Ngồi xuống, xếp đàn, nói rằng hát đã xong 
Hết lòng hết sức đàn gần một trống canh 
Văy mà chỉ đuợc năm sáu đòng 
Ðứa bé dẫn ra khỏi thuyền
Còn quay đầu lại chúc lành )
Một cảnh thương tâm khác là bà mẹ dắt ba con đi ăn xin mà Nguyễn Du gặp trên đường:
Kiến nhân bất ngưỡng thị 
Lệ lưu khâm lang lang 
Quần nhi thả hỉ tiếu 
Bất tri mẫu tâm thương (sở kiến hành)
(Thấy người không ngẩng nhìn 
Nước mắt chảy ròng ròng trên áo 
Lũ con vẫn vui cười 
Không biết lòng mẹ đau )
Nếu như ở hai tập thơ trên thi nhân rơi vào trạng thái u uất triền miên đến nỗi có lúc muốn quay lưng với thực tại  thì ở tập thơ này, ta đã thấy một Tố Như gắn bó với cuộc đời, tâm hồn nhà thơ đã rộng mở để đón nhận những vang động của đời.

Cũng trên con đường đi sứ, Nguyễn Du đã phát hiện nhiều điều mới mẻ về thiên nhiên, con người và cuộc sống trên đất nước Trung Hoa. Có lúc nhà thơ không khỏi bàng hoàng trước cảnh sóng thác gầm thét dữ dội: "Mọi người đều nói đường trên đất Trung Hoa bằng phẳng/ Hóa ra đường Trung Hoa lại thế này/ Sâu hiểm quanh co giống lòng người" (Ninh Minh giang chu hành). Có lúc, ông thảng thốt trước những điều trông thấyhoàn toàn tương phản với những gì mình hằng nghe nói:  "Ai cũng bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa/ Sao ở đây hương khói lạnh lẽo thế này?" (Quế Lâm Cù các bộ)... Đặc biệt, Nguyễn Du đã tìm thấy trên những nẻo đường đầy cố cảnh, cựu tích kia lời giải đáp cho nhiều câu hỏi lớn về cuộc đời, về thân phận con người từng khiến ông day dứt... Ông không ngợp mắt trước  phồn hoa, không đắm mình vào cảnh đào hồng, liễu lục nơi xứ lạ mà thường kiếm tìm dấu cũ, bia xưa... của những con người có phẩm cách phi thường, có số phận  bất hạnh. Dường như với Nguyễn Du, Trung Hoa trước hết là đất nước của những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Dự Nhượng, Nhạc Phi... Cho nên, cái nhìn của người nghệ sĩ trong ông đã xuyên qua lớp vỏ của thực tại kia để thấu suốt bản chất của hiện thực - một hiện thực được phản chiếu rõ nét qua từng dấu tích đau thương, oan trái từ quá khứ. Để rồi từ đó, nhà thơ cất lên tiếng nói cảm thương, đau đớn, phẫn uất cho thân phận con người trên suốt dòng thời gian kim cổ. Cái tôi trữ tình Nguyễn Du luôn xuất hiện với trái tim mang nhiều cung bậc của niềm thương cảm: liên, sầu, bi, cảm, ai, thán, trướng, bồi hồi, thương tâm, kham ai... Vì vậy, khả năng khái quát hiện thực của Bắc hành tạp lục là rất to lớn - vượt xa tất cả các tập thơ đi sứ thời trung đại. Đồng thời, tập thơ này còn thể hiện cảm hứng nhân đạo độc đáo, cao cả của tác giả . Nguyễn Du đã đi từ cõi lòng ngổn ngang những thất vọng, khổ đau của riêng mình để đến với bao nhiêu khắc khoải của nhân sinh và cõi người. Trong đó, cung bậc buồn thương, đau đớn nhất chính là nỗi tiếc hận muôn đời trước số phận của những kiếp tài hoa, trung nghĩa.

Như vậy, ba tập thơ cho ta thấy những chặng đường sáng tác tương ứng với những chặng đường tư tưởng của tác giả, trong đó nội dung xuyên suốt là tiếng nói trữ tình, tiếng nói nhân văn, khắc khoải tìm về ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người.

2.2. Đặc sắc nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du
2.2.1. Hình tượng nghệ thuật về con người

Hình tượng nghệ thuật về con người trong thơ chữ Hán Nguyễn Du là tương đối phức tạp. Nó lung linh bàng bạc, ẩn hiện mơ hồ như sương khói. Những mâu thuẫn đan chéo nhau tạo nên một mạng lưới mỏng manh nhưng chắc bền không dễ gì gỡ ra được. Chỉ thấy thấp thoáng trong lời thơ là nỗi đau nhân thế, là những lo âu vụn vặt đời thường và mập mờ giữa các lằn ranh của tâm trạng là những dự định nhập cuộc không thành, những bước đi tự tìm mình khắc khoải…Có thể nói đó là hình tượng con người vừa có tầm nhìn cao rộng thoáng đạt, khao khát hiểu biết chiếm lĩnh thế giới vừa lê gót chân chậm chạp nặng nề giữa nhân gian để có thể hội nhập vào thế giới của đói nghèo, bệnh tật, chết chóc, phóng tầm mắt rà sát lại những cay cực phong trần mà kiếp người phải nếm trải, để đặt câu hỏi tại sao và vì sao?

Có lẽ bao trùm lên tất cả là sự tự ý thức: ý thức về cá nhân mình, ý thức về con người và thế giới chung quanh. Sự tự ý thức ấy nó chi phối tất cả các mặt tâm trạng thể hiện trong tác phẩm. Để giải mã được hình tượng nhiều rắc rối phức tạp kia có lẽ phải thâm nhập thật sâu vào thế giới trữ tình của tác giả.

2.2.1.1 Con người lãng mạn

Thơ được hình thành từ những cảm xúc lãng mạn của cuộc đời. Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những trang nhật kí ghi lại những hình ảnh, từng chi tiết, từng cảm xúc trong cuộc đời sóng gió của ông. Trong đấy có cả nét bi, hùng để làm nên khúc ca bi tráng của một con người suốt đời mang nặng tâm tình đối với cuộc đời mà vẫn hoàn toàn cô độc, âu lo trước những biến chuyển hóa sinh của trời đất, trước những được mất của cuộc đời. Chính ở đây nét thơ thể hiện một con người vũ trụ mà Nguyễn Du không tránh khỏi ảnh hưởng, một mặt cũng cho thấy con người đời thường với tầm suy nghĩ không thực tế. Đó là những ước mơ bay cao, bay xa với lí tưởng hoài bão và sự thất vọng, chán chường, cô đơn, bế tắc khi khát vọng ấy không thực hiện được.
Sinh vị thành danh thân dĩ suy (Tự thán I)
( Sống chưa làm nên danh người đã suy yếu)
Hư danh vị phóng bạch đầu nhân (Mạn hứng I)
(Hư danh vẫn chưa buông tha người đầu bạc)

2.2.1.2 Con người lo âu

Hiện thực cuộc sống luôn hiền hòa dễ dãi với số ít người giàu, người sang trọng nhưng lại rất khắc nghiệt tàn nhẫn với số đông người nghèo, người bất hạnh. Nguyễn Du rơi từ địa vị một người sang trọng xuống hạng cùng dân rồi từ vị trí của người cùng dân được trở lại địa vị cao sang. Nhưng ở bất cứ thời điểm nào, Nguyễn Du cũng rất ý thức về cái nghèo. Ý thức từ cái ấm êm của chăn nệm đến cái rét buốt của người không áo, từ miếng ăn béo bở thừa mứa no nê đến cái thắt ruột thắt gan của người sắp chết đói.

Nghèo đói thương đi chung với bệnh tật. bệnh tật cũng là mối lo khác của con người. bệnh tật làm con người héo mòn dần. Lại không phải bệnh một ngày một bữa mà là bệnh kéo dài mấy tháng, có khi mấy năm. Đôi khi cái bệnh thật của con người được dâng lên thành tâm bệnh. Thời thế đổi thay, lòng người dâu bể, bản thân không làm được gì, nghèo đói cứ triền miên…làm sao con người có thể khỏe mạnh về mặt tinh thần được? Sự thất vọng chán chường thường làm cho con người mỏi mệt suy yếu. Không phải con người không có nghị lực để vượt qua, không đủ dũng khí để chống chọi mà là thác quá cao, ghènh quá sâu, con người nhỏ bé không thể làm gì, đành ngồi chờ lắt lay bên bờ vực. Tâm sầu dẫn đến tâm bệnh. Con người tự nhân thấy như thế.
Đa bệnh đa sầu bất khí thư (Ngọa bệnh I)
(Nhiều bệnh nhiều sầu tinh thần không được thư thái)
Ý thức được sự già nua chính là dự cảm được cái chết. con người cảm thấy thời gian trôi nhanh, đời người ngắn ngủi chưa kịp làm gì, cái già đã đến.
Ảnh lý tu mi khan lão hỷ (Lạng sơn đạo trung)
(Soi gương mày râu xem ra đã già rồi)
Nhất sinh u tứ vị tằng khai (Thu chí)
(Suốt đời ôm mối u sầu chưa từng gỡ ra được)
Bách chủng u hoài vị nhất sư (Bát muộn)
(Trăm nỗi u buồn chưa một lần được giải thoát)
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ (Mi trung mạn hứng)
( Ta có tấc lòng không biết nói cùng ai)
Nỗi niềm ấy không thể chia sẽ cùng ai, nỗi sầu cứ mãi lắng vào chìm sâu tận trong máu thịt bởi vì nó không thoát được ra ngoài.

2.2.1.3 Con người đau khổ

Thế kỉ XVIII, XIX, dưới sự bùng nổ dữ dội của ý thức cá nhân, con người vươn lên để tìm hiểu để nhận biết về bản thân mình và cộng đồng. trong quá trình vươn lên đó, họ nhận rõ số phận hết sức mong manh của mình và người. Họ nhìn thấy những cuộc đời đau khổ đang rên la, đang kêu gào, những bất công đang đe dọa, đang truy bức, những khoảng không, thời gian vô hình đang siết chặt dồn ép con người vào chốn hủy diệt, tan rửa…Bản thân mình cũng đang trôi trong dòng đời nghiệt ngã đó. Con người cảm thấy xót xa, thương mọi kiếp đời, thương chính mình. Con người buộc mình với những nỗi đau ấy và luôn cảm thấy có gì động thấu vào tận bên trong, cho nên chỉ cần gợi lại một câu chuyện cũ củng đủ để thấy nặng lòng.
Vãng sự bi thanh trủng (Thu chí)
(Chuyện cũ bi thương nấm mồ cỏ xanh)

2.2.2. Thời gian nghệ thuật

Với thơ chữ Hán Nguyễn Du, thời gian cũng được vận hành theo suy nghĩ, cảm xúc chủ quan của tác giả và đồng thời qua đó thể hiện quan niệm, thể hiện sự nhận thức tư duy của nhà thơ.

Điều nhận ra ngay ở thơ chữ Hán Nguyễn Du là ông ít nói về tương lai, lại càng không khẳng định một điều gì ở tương lai, tốt xấu hạnh phúc hay khổ đau. Toàn bộ 250 bài thơ chữ Hán chỉ có hai lần đề cập đến tương lai mà lại là một tương lai gần, tương lai cá nhân chứ không phải là tương lai chung, có tác dụng an ủi khuyên nhủ bạn, chưa phải là ý khẳng định.(Biệt Nguyễn Đại Lang I) (Đại tác cửu thú tư quy I).

Nguyễn Du thường nói đến hiện tại – một hiện thực quá lớn quá rộng chứa tất thảy những biến thiên, vận động không phải đi lên mà là đi xuống, đang phủ chụp mọi kiếp đời đau khổ. Cái hiện tại ấy, nó đầy ắp căng tức trong lồng ngực không thể không nói đến và cái được nói đến cũng chỉ là một vài khía cạnh trong trăm ngàn khía cạnh của hiện thực lớn lao kia.

Nếu đem so sánh hiện thực với quá khứ thì quá khứ có sự hơn hẳn. Quá khứ vàng son tươi đẹp luôn gợi dậy ước mơ từ thực tại phủ phàng. Vì vậy dòng thời gian quá khứ được Nguyễn Du chọn để gửi gắm hoài vọng của mình, hoài vọng về tuổi trẻ, về cái đẹp, về thời gian vàng son để so sánh một cách tiếc nuối với thời hiện tại héo úa, tàn rữa…

Và thời gian với ông còn là một kết thúc nhanh chóng, nhanh chóng đến không ngờ. Thời gian trôi đi từng ngày từng giờ vẫn theo chu kì tuần hoàn của trời đất nhưng ông cảm thấy nó nhanh quá, nó lấp lánh hiện ra để rồi mất hút trong cõi vô hình.

Như vậy thời gian trong thơ Nguyễn Du vận hành tất yếu trong quá trình nhận thức và cảm xúc của nhà thơ. Có thể gọi thời gian nghệ thuật trong thơ ông theo ba tên gọi như sau: Thời gian úa tàn, thời gian kí ức, thời gian-khoảnh khắc.

2.2.3. Không gian nghệ thuật

Thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng nằm trong khuôn khổ của nền văn học trung đại, cho nên chắc chắn không gian nghệ thuật trong thơ của ông cũng là không gian vũ trụ.

Khảo sát toàn bộ thơ chữ Hán của Nguyễn Du chúng ta sẽ nhận thấy ngay một điều là có hai khoảng không gian tồn tại, tạm gọi là không gian rộng lớn và không gian nhỏ hẹp.

2.2.3.1 Không gian nhỏ hẹp

Không gian nhỏ hẹp trước hết được biểu hiện qua ngôi nhà. Trong cuộc đời của mình, Nguyễn Du sống hầu hết là trên đường đi, làm thân lữ khách. Nhà cửa đối với ông chỉ là tạm bợ qua ngày, tất cả đối với ông đều là tạm bợ , ngắn ngủi và chóng vánh.

Khi nhận xét chung về không gian nghệ thuật trong thơ cổ, Trần Đình Sử có nói: “Do có sự tương thông giữa không gian con người với không gian vũ trụ nên cách miêu tả trong thơ cổ cũng rất đặc biệt – chẳng hạn trong thơ cổ không miêu tả ngôi nhà, người ta miêu tả ngôi nhà bằng cái cửa. Vì sao? Bởi chính cái cửa vừa mở vào thế giới con người vừa mở vào vũ trụ. Cho nên trong thơ cổ cửa không đóng(để con người giao tiếp với vũ trụ) song cũng là song thưa, để thế giới vào với con người”.

Thơ chữ Hán Nguyễn Du không giống với cảm hứng trên, Nguyễn Du cũng viết về cánh cửa nhưng cánh cửa của ông thường ở trang thái đóng, ít khi ở trạng thái mở.
Bế môn cao thẩm ngọa kì trung(Kí hữu)
(Đóng cửa, đầu gối cao, nằm trong nhà)
Sài phi dạ tĩnh bế thân ngâm(Ngọa bệnh II)
(Cửa sài đóng kín trong đêm vắng nằm rên than)
Chỉ một lần duy nhất Nguyễn Du nói đến cánh cửa mở với tâm thái phấn khởi tươi vui trong bài thơ cũng có tựa đề là mở cửa (Khai song).
Nhàn nhật khai song sinh ý đa
(Ngày nhàn mở cửa sổ thấy nhiều sinh ý)
Trong nhà quan trọng nhất là cái cửa. sự đóng cửa của cánh cửa góp phần quyết định sự vui buồn, đầm ấm hạnh phúc hay lạnh lẽo cô đơn. Cửa đóng tất nhiên tạo thêm dáng vẻ bẩn chật, tối tăm. Không gian đã nhỏ hẹp, cửa đóng càng thấy  nhỏ hẹp hơn. Nhỏ từ cái cổng ngoài đơn sơ bằng tre nứa, từ cái vách nát đến con giun, con dế rắn mối leo quanh.
Phế táo tụ hà ma
Thâm đường xuất khâu dận (Bất mị)
(Cóc nhái nhóm quanh bếp vắng
Giun từ góc nhà bò ra)
Không gian nhỏ hẹp còn được biểu hiện thông qua một loại không gian có mái che khác, đó là không gian của mồ mả, đình đền, gò đống…Có 84 lần Nguyễn Du nhắc đến điều này trong thơ chữ Hán của mình. Con số không phải là nhỏ. Đây cũng là loại không gian có mái che nhưng khác với nhà cửa, nó vừa rộng hơn vừa hẹp hơn. Rộng hơn là vì thông qua mồ mả còn có sự thăng hoa tới một đỉnh trời nào đó. Còn hẹp hơn là do kích thước đã thấy rõ ràng. Một điểm khác nữa là tuy cả hai cùng là không gian có mái che nhưng một bên là của người còn sống và một bên là của người đã chết.

Như vậy, một lần nữa chúng ta cảm thấy không gian nhỏ hẹp mà Nguyễn Du muốn cắm cái mốc vào đó không hoàn toàn là không gian tương thông với vũ trụ. Nguyễn Du như muốn đặt dấu hỏi với trời đất. Ông không tự giải thích được, nhưng cũng không muốn hòa nhập vào cái thế giới mù mịt bao la chứa bao điều bí ẩn mà con người không thể vươn tới được.

2.2.3.2 Không gian rộng lớn

Trong thơ chữ Hán nếu như không gian có mái che làm cho con người cảm thấy ngột ngạt tù túng và bế tắc thì đường đi vạn dặm mở ra cho con người một khoảng không gian rộng lớn, nhìn hút tầm mắt. ở đó con người sẽ không còn cảm thấy ngột ngạt bức bối nữa, nhưng lại rơi vào một trạng thái khác, đó là cảm giác chới với mất điểm tựa và chìm sâu vào cõi mênh mông vô tận. Không gian xa cách chiếu ứng từ không gian lữ thứ, không gian gió bụi mờ mịt xuất phát từ đường xa nghìn dặm, không gian lạnh lẽo cô đơn nảy sinh từ đất khách muôn dặm một mình.

Trước hết là không gian xa cách, cả cuộc đời Nguyễn Du như con thuyền trôi ngược xuôi sớm tối, như ngon cỏ bồng lìa gốc lăn lốc bên trời, như cánh chim hồng lạc đàn lẻ bạn kêu thương. Có một không gian xa cách như thế giành cho người viễn khách, đi xa là điều bất hạnh.

Làm bạn với không gian xa cách là không gian mờ mịt gió bụi. đường Nguyễn Du đi cát bụi đầy trời, không gian mờ tối hiu hắt. bụi cát có khi là bụi cát trên đường đi nhưng hầu hết là gió bụi trong mắt Nguyễn Du. Ông không nhìn thấy gì ngoài gió bụi. gió bụi là muôn thuở, nó che lấp cả thành quách che lấp cả mặt trời.

Một không gian khác cũng xuất hiện bao quanh con người là không gian lạnh. Con người hàng ngày hàng giờ đã phải tiếp xúc với gió bụi lại phải nhận lãnh thêm cái giá buốt lạnh lẽo của đất trời. đi đến đâu hoặc dừng lại ở một địa điểm nào, con người vẫn thấy không gian lạnh lẽo bao trùm. Có 47 lần Nguyễn Du nhắc đến cái lạnh, cái lạnh của thịt da và cái lạnh của tâm hồn cùng tồn tại. Cái lạnh mang theo cảm giác buồn cô đơn, trống vắng. ngược lại con người cô dơn thì cảm giác lạnh lẽo lại càng gia tăng. Cảnh vật mang không khí lạnh cũng thấm một màu thê lương tràn lan mênh mông. Ngôi nhà lạnh, trăng sông lạnh, ngọn đèn lạnh, sắc xuân lạnh, hơi thu lạnh, buổi sáng lạnh…cả dãi cát, làn khói, tiếng sóng, đóa mai thấy đều run rẩy theo cái lạnh của con người.

Không gian lạnh lẽo không những thấm sâu vào con người mà còn làm héo úa tàn tạ cả ngoại cảnh.

Nhìn chung không gian nghệ thuật trong thơ chữ Hán Nguyễn Du dù ở bình diện khoáng đạt rộng lớn hay trong khuôn khổ hạn hẹp thì nó vẫn toát lên cái không khí thâm trầm, u ám ngột ngạt, bế tắc, lạnh lẽo, mờ tối…Trên cái nền chung ấy, con người biểu hiện khát vọng khám phá hiểu biết, tự đối lập mình với vũ trụ thiên nhiên để kêu gọi đồng cảm, biểu hiện sự cam chịu nhẫn nhục khi cảm thấy mình không vượt được không gian hiện thực để đạt tới được một lí tưởng vạch sẵn cho mình. Con người không có sự tương thông với vũ trụ dù đã nhiều lần “đăng cao” mắt dõi khắp “ thiên nhai hải giác”. Vũ trụ chừng như cũng quay lưng lại với con người, chỉ đem lại cho con người những gì con người không thích ứng nỗi, chết chóc,tàn úa, xa cách, lạnh lẽo và những bí ẩn muôn đời con người không giải thích được.

Kết luận:

Xin mượn lời của giáo sư Nguyễn Huệ Chi để có những khái quát về giá trị thơ chữ Hán của Nguyễn Du:

“Khác với Truyện Kiều, một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn, và Văn chiêu hồn, một bài văn tế thay lời nhà Phật kêu gọi chúng sinh, thơ chữ Hán Nguyễn Du chủ yếu là những vần thơ tâm tình. Truyện Kiều và Văn chiêu hồn nếu có bao hàm tâm sự của Nguyễn Du cũng phải thông qua số phận khách quan của các nhân vật chính - những hình tượng nghệ thuật kết tinh từ cuộc sống. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, trái lại khắc họa hình ảnh trữ tình của chính Nguyễn Du, một hình ảnh rất động trước mọi biến cố của cuộc đời.

 Nhưng một nghệ sĩ vĩ đại, mỗi khi nói về mình không phải đơn thuần chỉ biết có mình mà thôi. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, đằng sau hình ảnh Nguyễn Du với cõi lòng ủ ê tê tái, với cá tính rõ mồn một, một Nguyễn Du nghìn lần thực hơn cái con người chỉ biết vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện trước mặt Gia Long mà sử sách từng ghi lại, ta còn thấy một điều gì lớn hơn nữa; ấy là những suy nghĩ nung đúc của nhà thơ về con người, về xã hội, là cái nhìn phanh phui đến đáy những nhân cách lịch sử, cũng là sự chiêm nghiệm sâu kín và đầy trắc ẩn về những ba động thời cuộc diễn ra trước mắt ông. Có thể nói, khác với những tác phẩm khác, thơ chữ Hán Nguyễn Du là một cách Nguyễn Du đặt vấn đề trực tiếp về số phận của mình, gắn liền với vận mệnh chúng sinh trong nhiều thời đại, nhất là thời đại ông đang sống.
Cuộc đấu tranh không tự giác trong tư tưởng Nguyễn Du đã ảnh hưởng rất rõ đến thái độ sống của nhà thơ. Ông đau khổ, dằn vặt mình rất nhiều, thậm chí suốt đời mang một tâm hồn u ám. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, nếu những mặt bế tắc trong tư tưởng Nguyễn Du muốn dắt Nguyễn Du đến chỗ buông xuôi theo định mệnh, thì những mặt lành mạnh trong tình cảm của nhà nghệ sĩ lại kéo Nguyễn Du về với cuộc sống, giúp ông phát hiện ra cái đẹp rực rỡ của tạo vật và con người, cũng như làm cho ông thao thức không nguôi trước mọi nỗi thống khổ của quần chúng.


          Chính trên cơ sở này mà trong thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của bức tranh đời sống đa dạng. Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, con người nhà thơ sẽ hiện ra: vừa dạt dào yêu thương vừa bừng bừng căm giận. Đấy là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du, từ thơ chữ Hán đến Truyện Kiều, nó tạo nên cái sức sống kỳ lạ của hầu hết tác phẩm của ông mà ngày nay chúng ta vẫn đọc mải mê không biết chán.”

Nhóm học viên
Lê Thị Kim Cương - Lê Tấn Cường - Lê Văn Định


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét