Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

TIẾP NHẬN SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN DU TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

1. Mở đầu
          Là những tác phẩm xuất sắc của văn học dân tộc, ngay từ khi Nguyễn Du còn tại thế, các sáng tác của ông đã được nhiều người thưởng thức, phẩm bình. Trải qua hơn hai thế kỉ, các sáng tác này vẫn luôn có một sức sống mãnh liệt, trở thành một trong những bộ phận quan trọng nhất của văn học dân tộc.
          Vượt ra ngoài phạm vi của trang giấy, các sáng tác của Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều từ lâu đã trở thành những người bạn tinh thần của người Việt qua bao thế hệ. Những sáng tác ấy được nhân dân ta yêu quý, trân trọng, truyện tụng; chúng trở thành niềm tự hào, nơi gởi gắm tâm tư tình cảm của người Việt. Có thể nói, tác phẩm của Nguyễn Du là những sáng tác in đậm dấu ấn trong tiến trình văn hóa dân tộc, trở thành một trong những bản sắc độc đáo của văn hóa người Việt ta. Điều này thể hiện rất rõ qua các hình thức tiếp nhận tác phẩm của Nguyễn Du hết sức phong phú, độc đáo của người Việt, điều mà ở các dân tộc khác, những tác phẩm vĩ đại của họ không làm được.


          Trong các tác phẩm còn để lại của Tố Như tử, Truyện Kiều Văn chiêu hồn là hai bộ phận được truyền tụng phổ biến nhất trong dân gian. Những hình thức tiếp nhận độc đáo đậm bản sắc văn hóa các sáng tác của Nguyễn Du chủ yếu gắn liền với hai tác phẩm này. Cho nên, tiểu luận chỉ tập trung vào tìm hiểu việc tiếp nhận dưới góc nhìn văn hóa hai tác phẩm thơ Nôm này.

2. Tiếp nhận Truyện Kiều

Truyện Kiều được tiếp nhận bởi nhiều hình thức phong phú và đặc sắc. Theo thời gian, sự tiếp nhận đó mở rộng đến qui mô quốc gia và quốc tế. Ban đầu, Truyện Kiều được một số nho sĩ chuyền tay nhau đọc, sau đó, hình thức tiếp nhận phát triển thành các phong trào xướng họa, ngâm vịnh, bình phẩmkể cả mang hình thức các cuộc thiĐó là sự tiếp nhận trong phạm vi trí thức nho sĩ, bao gồm cả phạm vi cung đình. Nhân dân đọc Kiều, ngâm Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều…Mở rộng ra xã hội, các nhân vật Truyện Kiều bước lên sân khấu, tuồng chèo, cải lương, và đến thời hiện đại, điện ảnh đã khai thác Truyện Kiềudựa vào thế giới nhân vật và tích truyện, các họa sĩ vẽ tranh, điêu khắc; để phục vụ cho thú “chơi” sách đẹp, đã từng có các bản in được trình bày đẹp, in trên giấy tốt; các nhà thư pháp viết thư pháp Truyện Kiều … Trong giới nghiên cứu phê bình có những học giả chuyên nghiên cứu văn bản và các phương diện khác nhau của Truyện Kiều.

2.1. Bình Kiều

          Bình là bàn tán. Bình Kiều là bình luận, tán thưởng cái hay, cái đẹp trong Truyện Kiều, một trong những thú chơi tao nhã của văn nhân, trí thức ngày trước. Bình Kiều có một lịch sử lâu dài. Ngay từ khi ra đời, tác phẩm đã được nhiều người yêu thích, ngâm ngợi và luận bình. Cho đến nay, bình Kiều vẫn còn được tiếp tục, trở thành một trong những nét đẹp trong văn hóa người Việt.
Hai cái tên được nhắc đến đầu tiên Trong lịch sử phê bình văn hoc trung đại Việt Nam là Vũ Trinh (anh rể Nguyễn Du) và Nguyễn Lượng (con thư 9 của Nguyễn Nghiễm). Những lời bình tỏ ra ra rất tinh tế, chẳng hạn hai câu : “Kiếp hồng nhan có mong manh / Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương”, Vũ Trinh phê: “Nơi tự sự còn mang theo giọng bi thảm, càng cảm thấy có ý vị”.
Hay như trong đoạn Kiều mơ thấy Đạm Tiên, Vũ Trinh lại phê: “Có nghiệt căn ấy thì có mộng ảo ấy. Chẳng phải Đạm Tiên tìm đến Kiều mà chính tự trong lòng Kiều không có phút giây nào không có Đạm Tiên”.
Hoặc như cảnh Kiều đánh đàn hẩu rượu Hồ Tôn Hiến, Nguyễn Lượng phê: “Chỉ thử nhất cú vô hạn thương cảm, tưởng đương nhật Thúy Kiều ngũ chỉ thượng huyết thanh đô tùng tác giả nhất chi bút đầu tâm huyết trung xuất lai” (Chỉ một câu thơ này mà lòng thương cảm vô hạn, tưởng như ngày ấy những tiếng đàn đẫm máu trên năm đầu ngón tay của Thúy Kiều do từ tâm huyết của tác giả mà trào ra đầu ngọn bút).
Đây là những lối phê bình khá tự do và linh hoạt, không phải viết thành bài nên nhiều khi gặp những ý hay là ghi ra không cần phải mở bài hay kết luận dài dòng mà cũng không cần phải câu nệ về mặt nào.
Bài Tựa Truyện Kiều của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân viết cho bản Kiều năm 1820 được coi là bài bình Kiều hoàn chỉnh đầu tiên còn lại đến nay, trong đó có đoạn: “Trong một tập thủy chung lấy bốn chữ “tạo vật đó tài” tóm cả một đời Thúy Kiều: khi lai láng tình thơ, người tựa án khen tài châu ngọc, khi nỉ non tiếng nguyệt, khách dưới đèn đắm khác tiêu dao; khi duyên ưa kim cải, non bể thề bồi; khi đất nổi ba đào, cửa nhà tan tác, khi lầu xanh, khi rừng tía, cõi đi về nghĩ cùng chồn chân, khi kinh kệ, khi can qua, mùi từng trải nghĩ mà tê lưỡi. Vui, buồn, tan, hợp, mười mấy năm trời, trong cuốn văn tả ra như hệt, không khác gì một bức tranh vây. Xem đến chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn duyên gỡ vẫn chưa rồi; khuc đàn bạc mệnh gẩy xong, mà oán hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên Đoạn Trường Tân Thanh cũng phải….”
Thể loại bình điểm này rất phổ biến trong thời trung đại với thú chơi thơ của tao nhân mặc khách ngày trước, về sau không thấy tiếp tục. Người đời sau vẫn say mê Kiều, tiếp tục Bình Kiều ở việc chú giải, chú thích hệ thống từ ngữ, điển cố, văn liệu. Vô vàn bài viết bình giảng Kiều làm cho tác phẩm đạt được kỉ lục tác phẩm có số lượng trang viết bình luận, nghiên cứu về nó nhiều nhất.

2.2. Vịnh Kiều

Ngay từ thời trung đại, đã có nhiều tác giả sáng tác thơ văn vịnh về các nhân vật, tình tiết trong Truyện Kiều. Nguyễn Công Trứ vịnh về Kiều : “Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa / Đoạn trường cho đàng kiếp tà dâm”. Nguyễn Khuyến vịnh về nhân vật Kim Trọng : “Khăng khăng giữ lấy một phần đuôi”. Nguyễn Cư Trinh làm riêng một tập thơ bàn luận về cuộc đời của nàng Kiều đặt tên Thanh Tâm tài nhân thi tập
Ở thời hiện đại, có nhiều tác giả vịnh Kiều. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu : “Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng / Nửa đám ma chồng, nửa tiệc qua / Tổng đốc có thương người bạc mệnh / Tiền đường chưa chắc mả hồng nhan”. Tố Hữu : “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân / Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều”. Chế Lan Viên cảm thương cho số phận nàng Kiều : “Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc / Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên”. Trương Nam Hương xót xa cho tình cảnh vợ hờ của nàng Vân : “Lấy người yêu chị làm chồng… Kiều ơi em biết bao giờ được yêu”….
Truyện Kiều sẽ còn sống mãi trong đời sống văn học dân tộc, trở thành cảm hứng cho người đời sau sáng tác. Bình Kiều, vịnh Kiều vì thế cũng sẽ vẫn còn là món ăn tinh thần mang đậm đã bản sắc dân tộc của người Việt Nam ta.
           
2.3. Tập Kiều, lẫy Kiều
          Tập Kiều, lẫy Kiều là học tập lại Truyện Kiều, vận dụng những câu thơ của Kiều vào trong sáng tác văn chương, trong đời sống sinh hoạt, đời sống ngôn ngữ. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng của người Việt. Hình thức tập Kiều, lẫy Kiều rất phong phú, có từ lúc Truyện Kiều mới ra đời.
          Từ rất sớm, trong ca dao dân ca, tác giả dân gian đã biết lẫy Kiều, tập Kiều thành những câu thơ đặc sắc trong kho tàng văn học dân gian nước nhà. Số lượng những bài ca dao tập Kiều, lẫy Kiều rất lớn. Có thể kể ra một số bài tiêu biểu như : “Thức khuya, dậy sớm chuyên cần / Quạt nồng ấp lạnh, giữ phần cho con”, “Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng”, “Sen xa hồ, sen khô hồ cạn / Liễu xa đào, liễu ngã đào nghiêng / Anh xa em như bến xa thuyền / Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi”…
          Thời trung đại, có Nguyễn Công Trứ là người tiêu biểu cho việc học tập Kiều trong sáng tác của mình. Trong thơ ông có những câu là nguyên văn hoặc một phần của câu thơ Kiều, chẳng hạn như : “Dập dìu những văn nhân tài tử… Chơi cho đài cát cho người biết tay… Trong ngọc đá vàng thau ai biết thử… Đem ngàn vàng mua lấy tiếng cười…”.
          Thời hiện đại, tập Kiều, lẫy Kiều được nhiều tác giả vận dụng thành công vào sáng tác của mình để tạo nên những tác phẩm có giá trị. Tố Hữu trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du có những câu thơ học từ Kiều, chẳng hạn : “Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương / Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Bác Hồ là một tác gia tiêu biểu nhất cho việc học tập Truyện Kiều. Trong các sáng tác bằng văn xuôi (truyện, kí, văn chính luận…), trong thơ tuyên truyền, thậm chí trong các bài báo, các bài nói chuyện…
          Trong đời sống sinh hoạt của người Việt, tập Kiều, lẫy Kiều rất phát triển. Hầu như người Việt nào cũng thuộc dăm ba câu Kiều. Thậm chí có những cụ già ở quê không biết chữ nhưng lại có thể thuộc hàng trăm câu Kiều. Mặt khác, tiếng Việt vốn giàu nhạc tính và hình tượng, người Việt lại yêu chuông văn thơ. Cho nên việc tập Kiều, lẫy Kiều trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân có điều kiện phát triển. Chẳng hạn ngày nay ta hay bảo những người đàn ông trăng hoa hay đi lừa tình người khác là “thằng Sở Khanh”. Hay như để miêu tả nhan sắc người phụ nữ, ca dao hiện đại có câu : “Trong xa thì tưởng Thúy Kiều / Lại gần mới biết người yêu Chí Phèo”…

2.4. Câu đối Kiều

          Viết, tặng câu đối khi có những sự kiện trọng đại (hôn lễ, tân gia, đỗ đạt, tang gia…) nhằm bày tỏ tình cảm (chia vui, chúc phúc, chia buồn…) là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Đặc biệt trong thời trung đại, khi mà chữ nghĩa, đạo lí thánh hiền được đề cao, câu đối thể hiện sự uyên bác, tài hoa rất được chuộng, trở thành một trong những cách để thử tài trí và khả năng ứng biến của người có học. Người được xem lại học rộng, biết nhiều, có tài văn chương là người phải biết làm câu đối, ứng lại câu đối của người khác một cách tài tình.
          Trong kho tàng câu đối của người Việt, có một bộ phận khá lớn là những câu đối liên quan đến các tích hoặc câu chữ trong Truyện Kiều mà người ta gọi là Câu đối Kiều. Đây là một trong những cách tiếp cận Truyện Kiều độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa của dân tộc ta. Có thể kể ra vài câu đối Kiều tiêu biểu như :
         
Dán vườn hoa :
Dường gần rừng tía, dường xa bụi
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng


          Dán cửa vườn :
Sửa chốn thanh nhàn, có cây có đá sẵn
Vui trông phong cảnh, khi thầy khi tớ xem


          Mừng đám cưới :
Gieo cầu đáng nơi, xuân lan thu cúc mặn mà cả
Trao tơ phải lứa, trai tài gái sắc xuân đương vừa

          Cháu khóc chú dượng:
Giao loan chắp nối tơ thừa, một phút nào ngờ cô rước dượng
Thu ba e nề sóng lệ, trăm tình nỡ để cháu nuôi con 
(Cô chết trước, sau đó chồng cô cũng chết theo).

          Viếng cụ Phan Chu Trinh :
     Cá chậu chim lồng chi bõ, gươm đàn nửa gánh. Chốc mười năm trời rộng bể khơi . Kể từ khi bước chân, trông vời cố quốc xiết bao, sẵn mối thương tâm, sau trước cười rằng tri kỷ mấy .
    Ve kêu vượn hót nào tày, tuyệt bút một thiên . Suốt năm canh mưa sầu gió thảm . Hãy còn nhiều nợ lắm, nặng mối oan gia sao đã, rớt thầm giọt lệ, xa xôi ai có thấu tình chăng
.

          Dán cửa vườn hoa nhà cô dâu :
Tuyết điểm sương che, xuân lan thu cúc mặn mà cả;
Gió quang mây tạnh, thanh thiên bạch nhật rõ ràng

          Đề nhà cô dâu :
Ngày xuân em hãy còn, còn non còn nước còn nhớ đến;
Làng chơi ta phải biết, biết người biết mặt biết lòng sao


2.5. Câu đố Kiều
 Đố Kiều là một trong những lú chơi văn chương chữ nghĩa ta nhã của người Việt ta xưa. Đó là hình thức thử trí tuệ, khả năng ứng biến cũng như sự tinh thông của về Truyện Kiều. Người đố đưa ra một câu hỏi thủ vị liên quan đến một vấn đề nào đó của tác phẩm, người đáp nhớ lại Truyện Kiều, chú ý đến các “mưu mẹo” và vận dụng sự hiểu biết của mình để đưa ra đáp án chính xác nhất bắt nguồn từ trong tác phẩm này.
Trong kho tàng câu đố Việt Nam, câu đố Kiều không chỉ có số lượng lớn mà còn là một trong những bộ phận giá trị. Bởi nó không chỉ thông minh, sâu sắc, hóm hỉnh mà còn phản ánh được truyền thống văn hóa Việt trong việc tiếp nhận tác phẩm vĩ đại nhất của văn học mình. Có thể kể ra vài câu đố Kiều như :
Đố : Truyện Kiều anh đã thuộc làu / Đố anh tìm được 1 câu 6 người
Đáp : Này chồng này mẹ này cha / Này là em ruột này là em dâu
Hay
          Đố : Truyện Kiều anh đã thuộc lòng / Đố anh tìm được 1 dòng toàn Nho
          Đáp : Hồ Công quyết kế thừa cơ / Lễ tiên binh hậu khắc cờ chờ công
Hoặc
          Đố : Truyện Kiều anh đã thuộc làu / Đố anh giảng được 1 câu 4 mình
          Đáp : Oan kia theo mãi với người / Một mình mình chịu, 1 mình mình hay

2.6. Bói Kiều
          Bói toán có nguồn gốc từ Đạo giáo của Trung Quốc, khi du nhập vào Việt Nam, nó được tiếp thu và phổ biến trong giới bình dân. Ngày nay, bói vẫn tồn tại và có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của một bộ phận người Việt.
          Xem bói trong những dịp lễ tết (đầu năm, trước khi làm việc gì lớn…) trong đó có bói Kiều là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Việt. Có được điều này trước hết có lẽ do bản thân tác phẩm có sức khái quát lớn về cuộc đời, con người mà ở đó ai cũng có thể tìm thấy bóng dáng vận mệnh của mình trong đó.
Tiện ích của bói Kiều được xây dựng trên cơ sở những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, người xưa thường dùng câu Kiều để đoán định về tương lai. Đó là cách thức an ủi về tinh thần, đồng thời giải đáp những khúc mắt trên cơ sở giảng giải câu thơ Kiều. Truyện Kiều có đến 3254 câu thơ, trong đó nhiều câu đều có thể “vận” vào đời sống con người, do đó, hình thức bói Kiều cũng rất đa dạng. Có thể kể ra một giai thoại bói Kiều tiêu biểu như sau :
Năm 1944, phát xít Nhật sợ thực dân Pháp bắt Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Trần Văn Ân, Đặng Văn Kí nên đã đưa các ông này sang Singapo. Tại đây, cuộc sống quá khổ cực nên sau một thời gia các ông muốn về nước. Dương Bá Trạc nói : “Tôi không tin bói toán nhưng nghiệm thấy bói Kiều hay lắm. Khi xưa tôi đi thi Hương, bói một quẻ nói sẽ đỗ không ngờ đỗ thật. Sau này bị đày ra Côn Lôn, bói một quẻ báo sẽ sớm được về nhà thì đúng mấy hôm sau được về”. Trần Trọng Kim bảo hãy bói cho một quẻ. Dương Bá Trạc bá được hai câu : “Việc nhà đã tạm thong dong / Tịnh kì giục giã đã mong đồ về” và nói : “Chúng ta sắp được về rồi”. Và quả thật không lâu sau đó, họ được về nước.

2.7. Hậu Truyện Kiều
Trên thế giới có nhiều tác phẩm xuất sắc, sau khi ra đời được người ta viết thêm, viết lại. Chẳng hạn ta có Hậu cuốn theo chiều gió, Hậu Tây du kí. Các bộ tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc như Tam quốc, Hồng lâu mộng… sở dĩ hoàn chỉnh như bây giờ là do được chắp bút viết thêm. Ở nước ta, sau khi Truyện Kiều ra đời, cũng có Hậu Truyện Kiều. Thế nhưng khác biệt ở chỗ, nếu như các tác phẩm khác người ta viết lại, viết thêm một lần, nhiều lắm thì đôi lần; còn Truyện Kiều của chúng ta vẫn được yêu thích, viết lại rất nhiều lần. Có thể kể ra những tác phẩm chính sau đây :
1. Đào Hoa Mộng ký, với khoảng 3.000 câu thơ lục bát; tác giả là Mộng Liên Đình, được phát hiện năm 1993, do giáo sư Trần Nghĩa dịch, in trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam - Tập 4 (NXB Thế giới, 1995).
          2. Đào Hoa Mộng ký Diễn Ca, với 1.910 câu thơ lục bát; tác giả Hà Đạm Hiên, do Phạm Văn Phương dịch ra chữ Quốc ngữ từ bản chữ Nôm, Mạc Đình Tư xuất bản tại Hà Nội năm 1917.
          3. Kiều Tân thời, với 304 câu thơ lục bát; tác giả Bạch Diện, nhà in Trung Bắc, Hà Nội 1935.
          4. Kiều Bình dân học vụ với 2.050 câu thơ lục bát; tác giả Nguyễn Văn Trinh, Sở Giáo dục Hà Nội, 1958 – 1985.
          5. Đoạn Trường Vô Thanh, với 3.296 câu thơ lục bát; tác giả Phạm Thiên Thư, NXB Nến Hồng, Sài Gòn 1972.
          6. Đoạn Trường Nhất Thanh, với 1.028 câu thơ lục bát; tác giả Trần Thanh Vân, NXB Kiên Giang, 1990
          7. Truyện Kiều đọc ngược, với toàn bộ 3.254 câu Kiều xếp dần ngược lại; tác giả Phạm Đan Quế, NXB Thanh Niên, 2002.
          8. Xung quanh vấn đề Hậu Truyện Kiều, ông Phạm Đan Quế đã bàn bạc trong quyển Lục bát Hậu Truyện Kiều (NXB Thanh Niên, 2002).
9. Đoạn trường vô ngôn của Phạm Thiên Thư. Tác phẩm gồm 27 chương, 3.296 câu thơ lục bát. Tác phẩm này đã đoạt giải Nhất văn học miền Nam năm 1971.
10. Nguyễn Viện Việt lại Truyện Kiều
Và ta tin rằng, không chỉ dừng lại ở con số 10, Truyện Kiều trong tương lai sẽ còn được viết tiếp, viết thêm, viết lại.

          2.8.Các hình thức tiếp nhận khác
          Còn rất nhiều hình thức tiếp nhận Truyện Kiều trong dân gian, trong các lĩnh vực nghệ thuật khác mang đậm dấu ấn văn hóa người Việt mà ở đó, Truyện Kiều không chỉ là phương tiện để người ta gởi gắm tình cảm, thể hiện thái độ… mà còn là đối tượng để người ta thưởng thức. Chẳng hạn :
1.     Thư pháp, tranh chữ Truyện Kiều
2.     Vẽ tranh mô tả nhân vật, sự tích Truyện Kiều
3.     Cải lương, tuồng, chèo lấy cảm hứng từ Truyện Kiều hoặc dựng lại các tích trong tác phẩm này.
4.     Làm phim về Truyện Kiều
5.     Dựng kịch về các câu chuyện trong Truyện Kiều
6.     Nhạc kịch về Truyện Kiều
7.     Tạc tượng (điêu khắc) về các nhân vật trong Truyện Kiều
8.     Làm thơ ngâm vịnh về các nhân vật, tình tiết trong Truyện Kiều
9.     Nghiên cứu Truyện Kiều, thành lập hội Kiều học,…

          Có thể nói, cùng với việc dịch và phát hành Truyện Kiều ra nhiều nước trên thế giới, trong nước, các hình thức tiếp nhận Truyện Kiều cũng hết sức phong phú, có nguồn gốc từ thời tác phẩm mới ra đời và vẫn còn phát triển tiếp tục trong tương lai. Có một điều đáng chú ý là, các hình thức tiếp nhận ấy mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Điều này nói lên rằng, nhân dân ta đã yêu quý, trân trọng, nâng niu Truyện Kiều, tác phẩm được mệnh danh là “Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ” như thế nào.

3. Tiếp nhận Văn chiêu hồn

          Trong lịch sử văn học dân tộc, thậm chí trên thế giới, ít có những tác phẩm từ một sáng tác văn học trở thành kinh sách của một tôn giáo nào đó. Ở Việt Nam, người ta xem Văn chiêu hồn như là một trong những bộ kinh của đạo Phật. Và cũng từng có ý kiến cho rằng, nước ta có một vị Quan âm tên là Thị Kính và một bộ kinh Phật tên là Văn chiêu hồn.
          Văn chiêu hồn được tiếp nhận rộng rãi trong dân gian và phạm vi nhà chùa. Hằng năm cứ đến rằm tháng bảy cúng cô hồn, ở nhiều ngôi chùa, Văn Chiêu hồn lại được đọc lên. Đây là một hình thức tiếp nhận mang dấu ấn văn hóa dân tộc rất rõ nét mà không phải tác phẩm nào cũng có được.

4. Kết luận

          Có thể nói, trong lịch sử văn học nước ta, hiếm có tác phẩm nào có sức sống lâu bền, gần gũi với đời sống tinh thần người Việt, được người Việt yêu mến, trân trọng như các sáng tác của Nguyễn Du. Đó là niềm vinh dự, cũng là sự đền đáp xứng đáng cho những gì Nguyễn Du đã đau đời mà viết lên.
          Từ lúc ra đời, các sáng tác của Nguyễn Du đã vượt ra ngoài khuôn khổ chập hẹp của bộ phận văn học quý tộc, được nhân dân đón nhận rộng rãi, trở thành món ăn tinh thần, người bạn đường trong những lúc vui buồn, sướng khổ của người Việt ta.
          Sáng tác của Nguyễn Du được tiếp nhận với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và độc đáo, trong đó có nhiều hình thức mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa dân tộc như bình kiều, vịnh kiều, đối kiều, đố kiều, bói kiều… Điều này nói lên rằng, các sáng tác ấy được nhân dân ta yêu mến, trân trọng và Nguyễn Du có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học, trong lòng nhân dân, có được những người khóc cùng ông, khóc cho ông như chính ông từng băn khoăn : “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Bài của nhóm
Trần Thị Yến


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét