Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

VĂN HOÁ ỨNG XỬ TRONG THƠ NGUYỄN DU

1. Khái niệm văn hoá
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, là linh hồn sức sống của mỗi quốc gia dân tộc. Có rất nhiều khái niệm về văn hoá, như:
Phạm Văn Đồng cho rằng “Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… (văn hóa) bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh”

Hồ Chí Minh đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”
Trần Ngọc Thêm đã đưa ra một định nghĩa ngắn gọn và bao quát về văn hóa: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ có giá trị vật chất và tinh thần cho con người sáng tạo và tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”.
Tóm lại, Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.
2. Khái niệm văn hoá ứng xử
Một trong những biểu hiện quan trọng của văn hóa tinh thần là cung cách ứng xử của con người với môi trường sống. Đó là cách cư xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Văn hóa ứng xử thể hiện trong ngôn ngữ, giọng điệu, nét mặt, cử chỉ, hành động... 
Văn hóa ứng xử, trước hết là sự thể hiện triết lí sống của một cộng đồng người, và đã mặc nhiên trở thành quan niệm sống, quan niệm lí giải cuộc sống, mặt khác cũng trở thành lối sống, nếp sống, lối hành động của cả cộng đồng người. Do vậy, thế ứng xử quy định các mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với môi trường tự nhiên, xã hội. Như vậy, đề cập đến vấn đề ứng xử của người Việt cũng có nghĩa là chạm đến một vấn đề văn hóa cốt lõi, trong đó bao hàm tính khách quan về mặt triết lí lịch sử. Do vậy, có thể khái quát văn hóa ứng xử của người Việt trong ba mối quan hệ cơ bản: quan hệ với môi trường tự nhiên, quan hệ với xã hội và quan hệ trong gia đình.


3. Văn hoá ứng xử trong “Truyện Kiều”
3.1. Với môi trường tự nhiên
Trong bất kì môi trường nào, con người đều chịu ảnh hưởng, chi phối bởi điều kiện tự nhiên, môi trường sống và điều kiện sinh hoạt. Ta thấy, con người trong Truyện Kiều như hòa với thiên nhiên để thể hiện tâm trạng của con người.
            Thiên nhiên và con người thật sự giao hòa, trở thành những người bạn, trong Truyện Kiều có hơn hai trăm câu thơ miêu tả cảnh thiên nhiên, ta bắt gặp mùa xuân vui tươi: Cỏ non xanh dợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.; Sập xè én liệng lầu không/ Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày…
 Khi gia đình gặp tai biến, Kiều phải bán mình chuộc cha, ta thấy khung cảnh thiên nhiên trở nên: Trời hôm mây kéo tối sầm/ Dàu dàu ngọn cỏ, dầm dầm cành sương.
 Kiều trôi dạt chốn lầu xanh, cảnh thiên nhiên cũng như thấu hiểu tâm trạng nàng: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Thiên nhiên trong buổi Kiều chia tay với Thúc Sinh: Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh….
 Khung cảnh chứa đầy tâm trạng buồn hiu hắt, tê tái lòng người, ta thấy thiên nhiên như nhuốm màu chia ly, xa xôi cách trở: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
Đến khi cuộc sống khổ nhục, không lối thoát, Thúy Kiều chọn sông Tiền Đường gieo mình: Tấm lòng phó mặc trên trời, dưới sông/ Trông vời con nước mênh mông/ Đem mình gieo xuống giữa dòng tràng giang…
Như vậy, có thể nói thiên nhiên trong Truyện Kiều như là một sự đồng hành, chia sẻ với con người, nó làm cái cớ, là môi trường để con người bộc bạch tâm trạng, thân phận và thế ứng xử của họ. Thiên nhiên được miêu tả hết sức giản dị, hài hòa, điều đó cũng làm nên những cung bậc tình cảm của con người Việt.
3.2. Trong quan hệ xã hội
Cơ sở bản vị của thế ứng xử người Việt là gia đình, từ gia đình truyền thống, ảnh hưởng của thế ứng xử sẽ lan truyền ra xã hội cổ truyền Việt Nam, vốn được xác định bản chất văn hóa là xã hội nông nghiệp, với những hằng số văn hóa: Nhà- làng- nước. Con cái lấy chữ hiếu làm gốc với cha mẹ. Người Việt có cách ứng xử xã hội với hạt nhân tình cảm là chữ hiếu, chữ tình, chữ nghĩa. Đúng như triết lí dân gian Việt Nam Thương người như thể thương thân .
            Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã lột tả chân thực bộ mặt vô lương tâm, tàn ác, tham lam của bọn quan lại. Tất cả bọn chúng chỉ vì tiền mà làm hại đến người vô tội, chỉ vì tiền mà vùi dập số phận con người tài sắc như Thúy Kiều. Bọn quan lại, sai nha đã nghe lời vu oan của gã bán tơ mà kéo đến bắt cha và em, khiến gia đình Kiều gặp biến cố, Kiều phải bán mình chuộc cha và em: Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
            Ta thấy, trong cách cư xử người Việt luôn hướng về cái thiện, phê phán, lên án cái ác, những kẻ có tội, độc ác. Và hướng thiện cũng được xem là một sức mạnh của văn hóa truyền thống dân tộc. Trong hội Đạp thanh, trước nấm mồ vô chủ, Kiều đã thắp hương , nhỏ nước mắt khóc thương cho Đạm Tiên trong khi Thuý Vân, Vương Quan dửng dưng và trách Kiều : Khen cho chị cũng nực cười/ Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa. Chính giọt nước mắt khóc thương cho người xấu số của Kiều đã thể hiện một tấm lòng đầy trắc ẩn, ưu tư, ưu hoạn trước con người. Đó là một hành vi ứng xử văn hoá mà không phải bất cứ ai trong số chúng ta đều có được.
            Hơn nữa, trong các mối quan hệ xã hội, Nguyễn Du cũng đề cập đến việc báo ân báo oán. Kiều coi trọng, tri ân vãi Giác Duyên và sư Tam Hợp, những người đã giúp đỡ và cưu mang Kiều: Họa bao giờ có gặp người/ Vì tôi cậy hỏi một lời chung thân. Khi Kiều được vãi Giác Duyên cứu vớt và cho nương nhờ cửa Phật: Trùng sinh ơn nặng bể trời/ Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi. Cho đến khi Kiều đoàn tụ bên gia đình, nàng vẫn ghi lòng tạc dạ công ơn ấy:  Nhớ lời lập một am mây/ Kiếm người thân tín rước thầy Giác Duyên. Gia đình Kiều không quên ơn nghĩa của lão Chung đã đứng ra thu xếp việc hối lộ vụ năm xưa gặp tai biến để chuộc cha và em: Chàng Vương nhớ đến xa gần/ Sang nhà Chung lão ta ân chu tuyền/ Tình xưa ân trả nghĩa đền/ Gia thân bèn mới kết duyên châu trần.
            Tóm lại, họ là những con người tốt bụng, giàu lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ người khác trong hoạn nạn, khó khăn. Họ giúp không cầu mong được trả ơn. Đây là cách ứng xử đẹp của người Việt trong quan hệ xã hội: nếu đã chịu ơn ai, họ luôn khắc cốt ghi tâm đợi có dịp sẽ báo đáp. Họ đã làm đúng như truyền thống ông cha ta: Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo/ Nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo…
            Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến thái độ khoan dung độ lượng của người Việt trong quan hệ xã hội, chẳng hạn như với Thúc Sinh, Thúy Kiều vẫn thể hiện lòng bao dung vì tình nghĩa ngày xưa: Nàng rằng chữ trọng làm non/ Lâm Truy người cũ, chàng còn nhớ không?/ Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng/ Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân/ gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân/ Tạ lòng để xứng báo ân gọi là. Với Hoạn Thư, người luôn làm hại đến nàng nhưng Thúy Kiều vẫn độ lượng: Đã lòng tri quá thời nên/ Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.
Có thể thấy, trong quan hệ xã hội, cơ sở nền tảng của cách ứng xử của người Việt chính là triết lí tình nghĩa. Mọi người đều hành động và đối xử với nhau trên cơ sở trọng nghĩa trọng tình. Trong cuộc sống, người Việt Nam sống có lí có tình nhưng vẫn thiên về tình hơn: Hợp tình hợp lí, một bồ cái lí bằng một tí cái tình, Đưa nhau đến trước của quan- Bên ngoài là lí, bên trong là tình. Chính vì tình nghĩa mà người Việt không có tư tưởng “quân tử trả thù mười năm chưa muộn” như quan niệm của người Trung Hoa. Điều đó thể hiện lòng khoan dung, tha thứ, giữ được cái nghĩa cái tình, phúc đức sau này. Đây cũng là truyền thống nhân hậu trong ứng xử xã hội của người Việt. Chính triết lí này chi phối đến kết thúc có hậu theo quy luật nhân - quả.
3.3. Trong quan hệ gia đình
Gia đình là những người có cùng quan hệ huyết thống, gắn bó mật thiết với nhau. Gia đình chính là hạt nhân của xã hội. Gia đình của người Việt có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong tổ chức cộng đồng huyết thống và đời sống tinh thần cho nên gia đình rất gắn kết với gia tộc. Loại hình gia đình phổ biến ở Việt Nam thường gồm hai thế hệ: cha mẹ- con cái và gia đình mở rộng: ông bà- cha mẹ- con cái. Người Việt Nam có sức mạnh tinh thần đùm bọc, yêu thương, cưu mang, không chỉ trong gia đình mà trong cùng một dòng họ cũng có trách nhiệm cùng nhau: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Chúng ta còn rất coi trong gia đình, dòng tộc trong việc thể hiện cụ thể: trưởng họ, tộc trưởng, nhà từ đường, gia phả, giỗ tổ… trong phạm vi hẹp, chúng tôi đi vào cách ứng xử người Việt trong quan hệ gia đình nhỏ: quan hệ giữa cha mẹ- con cái, quan hệ anh, chị, em, quan hệ người yêu.
            Trong gia đình, tình nghĩa gắn bó với nhau. Tình nghĩa giữa cha mẹ, con cái, anh, chị, em. Nguyễn Du đã đề cao lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ và coi đó là nét ứng xử quan trọng của con người đối với bậc sinh thành. Khi gia đình Kiều gặp tai biến, Thúy Kiều đã quyết định bán mình chuộc cha và em: Sự đâu sóng gió bất ngờ/ Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai; Để lời thệ hải minh sơn/ Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Khi Kiều bán mình, Vương ông rất thương xót cho con: Thương tình con trẻ cha già/ Nhìn nàng ông những máu sa ruột dàu. Và Nguyễn Du đã ca ngợi tấm gương hiếu thảo của Thúy Kiều bằng tâm trạng cụ thể trong suốt mười lăm năm lưu lạc, nhưng lúc nào Kiều cũng đau đáu nhớ về cha mẹ, gia đình, không ai chăm sóc: Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giwof/ Sân lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm.  Khi ở lầu xanh, Kiều không nghĩ thương xót cho thân phận mình mà luôn nghĩ về thương cha mẹ: Nhớ ơn chín chữ cao sâu/ Một ngày một ngả bóng dâu tà tà/ Dặm nghìn nước thẳm non xa/ Nghĩ đâu thân phận con ra thế này/ sân hòa đôi chút thơ ngây/ Trân cam ai kể đỡ thay việc mình. Khi sống hạnh phúc với Từ Hải, Thúy Kiều cũng không nguôi nhớ về cha mẹ: Xót thay huyên cỗi xuân già/ Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
            Trong quan hệ anh, chị, em cũng ứng xử nghĩa tình. Khi gia đình Kiều gặp tai biến, Kiều là chị nên rất có trách nhiệm với gia đình. Thúy Kiều đã không nghĩ đến bản thân mình, sẵn sàng hi sinh mối tình đẹp đẽ của mình để cứu cha và em. Chính từ đây, dẫn đến bi kịch cuộc đời nàng: Cậy em em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa. Và Thúy Vân cũng vì chị mà chấp nhận thay chị trả nghĩa chàng Kim Keo loan chắp mối tơ thừa; Cơ trời dâu bể đa đoan/ Một nhà để chị riêng oan một mình.
            Và quan hệ người yêu với người yêu, thể hiện tình yêu chung thủy, sắc son: Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song; Ôi, Kim lang Hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Đến đoạn kết, khi gia đình đoàn viên, Thế nhưng bằng ý thức tuyệt vời về nhân phẩm và về giá trị của bản thân , nàng đã từ chối hạnh phúc: Thiếp từ ngộ biến đến giờ/ Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa/ Bấy chầy gió táp mưa sa/Mấy trăng cũng khuyết , mấy hoa cũng tàn/ Còn chi là cái hồng nhan/Đã xong thân thế còn toan nỗi nào. Kiều đã từ chối hạnh phúc, chỉ mong Đem duyên cầm sắt đổi ra cầm chì để mong còn giữ được mãi cái nghĩa sâu đậm.
            Tóm lại, qua một vài vấn đề được khai thác trong tác phẩm, phần nào chứng minh tất cả ứng xử của Kiều trong một chuỗi những tình huống khác nhau đều đem đến cho độc giả không ít những suy ngẫm , trăn trở trong sự trân trọng, nâng niu, cảm phục . Vì vậy , chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu hết các thế hệ độc giả , các đối tượng độc giả lại yêu Kiều đến thế. Kiều đã từ đời sống văn học bước vào cuộc đời của mỗi người dân Việt Nam bằng tầm cao, bằng chiều sâu của những ứng xử tuyệt vời của một người con mang tâm hồn Việt, cốt cách Việt, văn hoá Việt. Bài học từ những ứng xử của Kiều sẽ luôn mới, luôn sống mãi, có hồn đối với bất cứ ai muốn đạt tới đích của những người có khả năng ứng xử văn hoá.
4. Văn hoá ứng xử trong thơ chữ Hán
4.1. Ứng xử đối với bản thân
Nói đến văn hóa ứng xử thì trước hết phải nói đến văn hóa ứng xử với chính mình là biểu hiện rõ nhất, cơ bản nhất. Nguyễn Du sẵn mang trong mình dòng máu văn tài của cha ông, ông tỏ ra là một người đa tài. Ông ý thức tài năng của mình:
Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn?
 (Tự thán I)
(Chân hạc dài là do tính trời, sao chặt ngắn được ?)
Bản chất của hạc là do “vốn sẵn tính trời” chân dài không thể chặt ngắn đi. Nếu chặt ngắn chân hạc, thì hạc sẽ không còn là hạc nữa. Đôi lúc Nguyễn Du ý thức được bản thân mình, nói đến tài năng của mình một cách rất thầm kín khi ví mình như “cánh hạc biển”, có tài nhưng không muốn để người khác thấy tài năng của mình:
Hải hạc diệc hội vũ,/ Bất dữ thế nhân tri.
 (Khổng Tước Vũ)
(Hạc biển cũng biết múa, / Nhưng không cho người đời biết.)
Nguyễn Du sống trong thời đại “Có tài mà cậy chi tài, Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Ở Nguyễn Du hùng tâm tráng chí muốn phò vua giúp nước trước đây theo thời gần như lụi tàn, khiến thanh kiếm trở nên vô ích: “Liêu lạc tráng tâm hư đoản kiếm”. (Tạp ngâm) (Tấm lòng hùng tráng lụi tàn làm cây đoản kiếm thành vô dụng).
Tự tin, tự hào về giá trị bản thân nhưng trong mười năm lưu lạc gió bụi ấy, Nguyễn Du vẫn thường ôm mối hận của kiếp nam nhi.
Thập niên vị tiết nam nhi hận
 (Ninh Công thành)
(Mười năm chưa rửa được mối hận nam nhi)
Càng ý thức về thân phận con người, Nguyễn Du càng cảm thấy lẻ loi, cô độc nỗi niềm đó không biết chia sẻ cùng ai.
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ
 (My trung mạn hứng)
(Ta có tất lòng không biết nói cùng ai)
Ý thức được tài năng của mình, cái mà mình nâng niu, quý trọng lại không có nghĩa lý gì đối với cuộc đời, nhà thơ cay đắng suy nghĩ.
Nhất sinh từ phú tri vô ích, / Mãn giá cầm thư đồ tự ngu.
(Mạn hứng)
(Một đời từ phú biết là vô ích, / Sách đàn đầy giá chỉ làm cho mình thêm ngu.)
Đối diện chính bản thân mình, Nguyễn Du ý thức về mình ở nhiều khía cạnh. Đó là ý thức về giá trị bản thân, đề cao phẩm giá cá nhân mình ví mình như “cánh hạc biển”, sự ngắn ngủi của đời người trước vũ trụ vô cùng, về mọi nỗi thăng trầm bất hạnh của đời người...
4.2. Ứng xử với môi trường tự nhiên
Nguyễn Du cảm nhận thiên nhiên sau gần hai chục năm xa cách, Nguyễn Du trở lại Tiên Điền một mình đi lang thang trên cánh đồng và ra phía bờ sông Lam. Bến Giang Đình, một trong tám cảnh đẹp của Nghi Xuân mà sao thi sĩ cảm thấy vắng vẻ. Nguyễn Du đứng nhìn bến sông khói buổi chiều như từ những ngọn cỏ lan dần ra khắp cánh đồng rồi lan ra xa mặt nước.
Lưỡng đê yên thảo bất thăng bi.
 (Giang Đình hữu cảm)
(Khói trên ngọn cỏ hai bờ sông khiến lòng khôn xiết bi thương.)
 Vì quá nhớ sông Lam núi Hồng, Nguyễn Du viết:
Hồng Sơn sơn nguyệt nhất luân minh, / Thiên lý Trường An thử dạ tình.
 (Ký hữu)
(Một vầng trăng tròn trên núi Hồng, / Ở kinh đô Trường An nghìn dặm tình đêm nay)
Thiên nhiên qua cách nhìn của Nguyễn Du đâu đâu cũng hiện lên với một thần thái tươi sáng linh động tràn đầy sức sống. Nhưng dường như riêng đối với quê hương, ông có cái nhìn trìu mến đặc biệt như một ánh trăng, một đám mây trôi, một làn gió, hươu nai...
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên
(Quỳnh hải nguyên tiêu)
(Muôn dặm Quỳnh Châu đêm nay trăng tròn)
Quê hương Nguyễn Du ở làng Tiên Tiền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vùng đất có dòng sông Lam mượt mà, có ngọn núi Hồng hùng vĩ đã in sâu đậm vào ký ức của ông, đến nỗi những hình ảnh đó luôn theo sát ông trên mỗi nẻo đường, trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Nhà thơ lúc nào cũng canh cánh một nỗi nhớ quê da diết, một nỗi khắc khoải mong về. Về đêm trong không gian tĩnh mịch có mưa, có tuyết rơi, tiếng tù và, tiếng chuông, tiếng trống từ xa vọng đến lúc khoan lúc nhặt cùng với tiếng gió thổi xào xạc trên cây cũng dậy lên nỗi niềm nhớ quê, day dứt.
Tuyết ám cùng thôn hiểu giác ai.
 (Thu chí)
(Tuyết rơi mịt mù nơi thôn xóm hẻo lánh,
tiếng tù và buổi sớm bi thương)
Thêm vào đó trong không gian tĩch mịch có tiếng đàn bi ai, tiếng sáo thổi gấp trên thuyền vọng lại làm cho Nguyễn Du nhớ về quê hương một cách da diết.
Cấp quản bi ti vạn bất đồng.
(Ngẫu hứng II )
(Tiếng sáo gấp tiếng đàn bi ai không hợp điệu.)
Trên đường công vụ Nguyễn Du phải qua lắm thác nhiều ghềnh, ông tận mắt chứng kiến những cơn giận dữ của thiên nhiên.
Bạch ba chung nhật tẩu xà long, / Thanh sơn lưỡng ngạn giai sài hổ
 (Bất tiến hành)
(Sóng bạc suốt ngày như rắn rồng đua chạy,  / Hai bên bờ núi xanh như sói, cọp )
Thiên nhiên thật kỳ vĩ nhưng cũng thật đáng sợ. Đi trên thuyền lúc nào cũng có cảm giác thấp thỏm, lo âu. Lo bị sợ nước cuốn, lo bị thuồng luồng vồ, lo bị chìm không biết đâu là đáy, còn có mối lo, sợ sóng to gió lớn nước lũ tràn.
Con người không thể chống lại chỉ còn cách phải phó thác mệnh trời. Trước sự hung bạo của thiên nhiên, Nguyễn Du thấy lo lắng cho kiếp người mong manh của những con người đang sống. Vì cuộc sống nghèo khổ cho nên con người phải tìm kiếm miếng ăn trên sông hồ, đồi núi con người đâu biết nguy hiểm đang rình rập họ. Có lẽ vì thế ông đi đến đâu thường đốt nhang khấn vái trước các bậc thần minh, hiền nhân, thổ công ở địa phương đó để cầu xin sự bình an trên đường. Đó là văn hóa ứng xử của người Việt Nam.
Nhất bôi không điện lâm giang miếu
(Quá Thiên Bình)
(Một chén rượu làm lễ suông tại ngôi đền bên sông)    
Tình yêu thiên nhiên dường như trở thành một nét đẹp thẩm mỹ trong tình cảm con người Nguyễn Du. Có thể nói, Nguyễn Du không chỉ nhìn thiên nhiên như vốn có của nó, không chỉ dùng thiên nhiên để bày tỏ tình cảm mà còn bộc lộ tâm trạng, thân phận và thế ứng xử của mình trong mọi giai đoạn của cuộc đời.
4.3. Ứng xử với môi trường xã hội
4.3.1. Đối với vua quan
Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, vua chúa là những con người đầy tham vọng đáng lên án. Vua chúa tranh giành quyền lực dẫn đến chiến tranh xảy ra. Chiến tranh đưa đến sự tang thương, điêu linh, tang tóc đau khổ cho những con người.
                              “Dân tử tại tuế bất tại ngã / Vật đắc khi tâm tế thánh minh.
 (Trở binh hành)
(“Dân chết vì gặp năm hạn, đâu phải tại ta?  / Chớ nên dối lành mà che mắt vua thánh)
Bao nhiêu căm giận bao nhiêu uất ức của Nguyễn Du gởi vào thơ. Nguyễn Du thấy được cuộc sống của người dân sống trong xã hội lúc bấy giờ như chính bản thân mình. Điều đó chứng tỏ thái độ của ông căm ghét cái ác, cái tàn bạo lòng luôn hướng về cái chính, cái thiện vốn là ngọn nguồn của sức mạnh của con người. Chính vì thế mà trong cuộc sống hay trong chốn quan trường, Nguyễn Du luôn ứng xử hướng về cái thiện như làm điều tốt, sống có nhân nghĩa. Đó là nét đẹp ứng xử văn hóa của Nguyễn Du.
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du đề cập đến hai đối tượng: quan xấu có bản chất xấu xa, tàn ác và quan tốt có bản chất trung thần vì nghĩa lớn.
Đối với quan xấu, Nguyễn Du đã vạch trần những hành vi không biết bao nhiêu tên quan có tâm địa xấu xa, tàn ác như Tào Tháo, Tô Tần, Tần Cối… Bản chất xấu xa, tàn ác phải nói đến Tào Tháo, đây là một con người tung hoành ngang dọc, xem thường nhà vua, lấn áp các vương hầu, oai hùng một cõi… còn là một người gian xảo, có cơ tâm độc ác.
Tư nhân thịnh thời, thùy cảm đương ? / Diểu thị hoàng đế, lăng hầu vương.
 (Đồng Tước đài)
(Người ấy lúc thịnh, nào ai dám chống lại?  / Xem thường nhà vua, lấn lướt các vương hầu )
Đối với bọn quan xấu, Nguyễn Du có thái độ rõ ràng. Ông căm ghét những tên quan xấu tham lam, gian xảo hại những con người vô tội. Nguyễn Du có thái độ phê phán đối với bọn quan xấu. Nguyễn Du đã ứng xử theo đúng quan niệm “gieo nhân nào, gặp quả ấy” khi những kẻ độc ác, xấu xa bao giờ cũng phải nhận những hậu quả, những hình phạt thích đáng cho tội lỗi gây ra. Nhưng Nguyễn Du là một người sống có nhân có nghĩa, “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” đây là nét văn hóa ứng xử đáng quý của ông. Cách ứng xử của Nguyễn Du là bài học mà ông nhắc nhở mọi chúng ta biết trọng nhân nghĩa để sống có nhân có nghĩa.
Đối lập với những bọn quan xấu kể trên là hình ảnh của các quan tốt có bản chất trung thần vì nghĩa lớn. Nguyễn Du cảm thương cho số phận của họ như Liễu Tông Nguyên, Khuất Nguyên, Nhạc Phi, Giả Nghị… ở cốt cách tài đức vẹn toàn, nhưng bị bọn quan xấu đố kỵ, gièm pha, hãm hại, đọa đày, lưu lạc nơi đất khách.  Quan tốt Khuất Nguyên, với một tâm hồn thanh cao, tình cảm tha thiết với nước với dân. Cuối cùng cũng bị quan xấu hãm hại, bị lưu đày nơi đất khách. Nguyễn Du cảm khái về tài năng của Khuất Nguyên, ông viết:
Tông quốc tam niên bi phóng trục,
Sở từ vạn cổ thiện văn chương.
Ngư long giang thương vô tàn cốt,
Đỗ nhược châu biên hữu chúng phương.
(Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu I)
(Bị đuổi xa tổ quốc ba năm khôn xiết đau buồn,
Muôn đời Sở từ vẫn là áng văn chương tuyệt tác.
Trên sông đầy cá, rồng, nắm xương tàn không còn nữa,
Trên bãi sông chòm đỗ nhược có thêm những giống hoa thơm.)
Nguyễn Du lấy lòng mình ra để nghiền ngẫm cái tình, cái lòng của người xưa ấy. Đây là nét văn hóa ứng xử đáng quý của Nguyễn Du.
4.3.2. Với những người nghèo khổ
Hiện thực trước mắt ngay từ quê nhà đến khi đi sang Trung Quốc, Nguyễn Du nhận thấy những cảnh đời cơ cực, càng thấy rõ nỗi khổ đau ngập tràn trong đời sống nhân dân không riêng gì đất Việt. Nỗi đau đó thể hiện rõ trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nghe như những điệp khúc não ruột nát lòng điều đó nói lên tấm lòng lo đời, thương con người xót xa, mênh mông của nhà thơ. Nguyễn Du bộc lộ trực tiếp, rõ ràng cho những người nghèo khổ, tấm lòng của ông càng nặng trĩu hơn, chuyển hóa thành niềm cảm thông đồng cảm.
Hà xứ thôi xa hán  / Tương khan lục lục đồng
 (Hà Nam đạo trung khốc thử)
(Anh chàng đẩy xe kia quê ở đâu nhỉ ?  / Nhìn nhau thấy vất vả như nhau.)
Ông đau lòng trước cảnh đi xin ăn của bốn mẹ con hành khuất (Sở kiến hành) và ông lão ăn mày (Thái Bình mại ca giả) đi hát rong kiếm cơm. Em bé dắt ông vào thuyền ngồi hát. Ông hát khô cả cổ, mỏi rời cả tay, trước cảnh tượng ấy ông viết: Khẩu phún bạch mạt, thủ toan xúc (Thái Bình mại ca giả) (Miệng sùi bọt, tay rã rời).
Với những người nghèo khổ, Nguyễn Du ứng xử trọng tình trọng nghĩa chưa bao giờ ông cảm thông suông. Ông nghiêng mình xuống để sớt chia cùng họ, chưa bao giờ ông bước đi một cách thản nhiên, hờ hững khi nghe một câu chuyện thương tâm hay nhìn thấy một cảnh đau lòng. Đó là tình cảm tốt đẹp của Nguyễn Du đối với những người nghèo khổ, tình cảm ấy mang đậm dấu ấn triết lý tình nghĩa.
4.3.3. Với người hiền, người tài
Xưa nay, những người hiền tài thường hay bị trời đất ghen ghét. Điều này được Nguyễn Du nói trong Truyện Kiều “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Chính vấn đề này làm cho ông day dứt, xót thương và cũng đầy căm phẫn cho những bậc hiền tài. Vì họ là những người trung nghĩa, yêu nước thương dân, trọng dân, kính chúa, một đời vì nghĩa lớn. Nguyễn Du muốn bày tỏ tấm lòng của mình đối với những người trung nghĩa đã hy sinh cả cuộc đời, cả mạng sống của cá nhân và gia đình để bảo vệ cho lý tưởng, cho đạo đức. Đối với người hiền tài, Nguyễn Du yêu thương lẫn kính phục.
Những người trung nghĩa như Điền Quang, Phan Ô Kỳ vì nghĩa lớn đã hy sinh cả cuộc đời, cả mạng sống của mình để thực hiện lý tưởng lớn lao, cao cả. Ông càng thêm kính trọng và ngưỡng mộ người xưa. Tấm lòng ấy, Nguyễn Du viết:
Quái để hành tung nguyên thị ẩn
Tằng dữ Yên Đan vô túc phận       
Sát nhân chỉ vị thụ nhân tri
Đồ tắc Điền Quang khinh nhất vẫn
Khả liên vô cô Phàn Ô Kỳ,
Dĩ đầu tá nhân vô hoàn thì
Nhất triêu uổng sát tam liệt sĩ.
(Kinh Kha cố lý)
(Lạ thay, vốn giấu kỹ hành tung giữa chợ,
Không từng có duyên nợ từ kiếp trước với Yên Đan
Liều thân chỉ vì được người biết đến mình,
Luống được Điền Quang nhẹ nhàng đâm cổ chết
Khá thương Phàn Ô Kỳ chẳng có tội tình gì
Đem đầu cho mượn không hẹn kỳ trả lại
Một sớm ba liệt sĩ đã chết oan.)
Đây như một tiếng thét bi phẫn, căm hờn sôi sục cho những liệt sĩ. Họ là những người trung nghĩa đã chết đau đớn cùng một lúc, điều đó làm cho Nguyễn Du day dứt, xót thương cho họ.
Đặc biệt, trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du nói đến người hiền người tài không thể quên Đỗ Phủ, được xem là bậc thầy thiên cổ về văn chương. Niềm kính trọng ấy chưa từng thôi nghỉ:
Mỗi độc nho quan đa ngộ thân,
Thiên niên nhất khốc Đỗ Lăng nhân.
(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ II)
(Mỗi lần đọc câu “mũ áo nhà nho thường làm lụy thân mình”,
   Lại một lần khóc thương người đất Đỗ Lăng sống nghìn năm trước).
Trong cuộc sống xã hội, con người đều hành động đối xử với nhau trên cơ sở đạo lý là trọng tình trọng nghĩa. Có thể thấy cách ứng xử của Nguyễn Du chính là trọng tình nghĩa và đạo lý. Đây là nét đẹp ứng xử văn hóa của Nguyễn Du.
4.4.4. Ứng xử trong gia đình
Dọc đường đi sứ, nhà thơ lúc nào cũng nghĩ về quê hương và những người thân, lòng như thắt lại.
Biệt hậu quan sơn tư đệ muội,
Vọng trung nham tụ kiến nhi tôn.
Nhật tà mạc hướng Hoa Sơn quá,
Phạ hữu thanh thanh trường đoạn vôn (viên).
(Minh giang chu phát)
(Sau khi chia tay trên bước đường quan san
nhớ đến em trai em gái,
Nhìn giữa đá núi, tưởng như trông thấy đàn con cháu.
Mặt trời đã xế chớ có vượt qua Hoa Sơn,
Sợ nghe tiếng vượn kêu buồn đứt ruột.)
Đặc biệt, tình cảm của Nguyễn Du dành cho người cha thân yêu được ông gợi lại trong bài Giang Đình hữu cảm về hình ảnh lẫy lừng của phụ thân được tiếp rước trọng thể ở bến Giang Đình.
Phiêu phiêu bồ tứ thử giang mi
Tiên chu kích thủy thần long đấu
Bảo cái phù không thụy lạc phi
(Giang Đình hữu cảm)
(Ở bến sông này phơi phới xe bồ ngựa tứ
Thuyền tiên cuộn nước như rồng thần đấu nhau
Chiếc lộng quý phấp phới trên không như chim hạc lành bay.)
Đứng trước bến Giang Đình những hình ảnh đó, Nguyễn Du nhớ lại người cha đã từng đi xe, đi thuyền, đi ngựa cùng với chiếc lộng quý phấp phới tưng bừng tại bến sông này. Lòng hiếu thảo của Nguyễn Du thể hiện bằng lòng thương nhớ về cha mẹ. Đó là bài học về cách sống, về đạo lý làm người của ông đối với các bậc sinh thành.
Nếu như đối với cha mẹ Nguyễn Du là người con có hiếu thì đối với anh em, ông là người quan tâm, lo lắng. Từ xa xưa, trong các câu ca dao, tục ngữ của người bình dân mối quan hệ anh em, chị em trong gia đình đã được đề cập đến Chị ngã em nâng, Anh em như chân với tay, Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau… Đối với anh em, Nguyễn Du dành tình cảm chân thành thể hiện rất rõ trong thơ chữ Hán. Cuộc sống của Nguyễn Du phiêu bạt nay đây mai đó.
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán.
 (Quỳnh Hải nguyên tiêu)
(Chốn non Hồng không còn nhà, anh em tan tác)
Không nhà cửa, không người thân, anh em xiêu lạc mỗi người một ngã ông cảm thấy buồn vì đã lâu lắm rồi ông không có tin tức gì về Tiên Điền. Nguyễn Du chưa bao giờ sống lâu ở Tiên Điền nhưng hình ảnh nơi quê cha đất tổ cứ gợi dậy trong lòng ông những khoắc khoải. Điều đặc biệt trong thơ ông thường hay nhắc về họ, lúc nào cũng lo lắng, quan tâm. Không biết mọi người bây giờ ra sao? Đang làm gì?
Nguyễn Du cũng dành một phần thơ chữ Hán và tình thương đối với vợ. Vợ Từ xưa đến nay người Việt Nam cho rằng chữ thủy chung là yếu tố hàng đầu trong tình nghĩa vợ chồng”Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Nổi bật nhất trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du là tình nghĩa vợ chồng minh chứng rất rõ ràng cho văn hóa ứng xử tình nghĩa của người Việt. Đối với vợ, Nguyễn Du dành nhiều tình thương vì vợ ông để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Do đó tình cảm của ông đối với vợ cũng là tình cảm sâu đậm nhất. Mỗi lần nói tới vợ, ông đều nói với một giọng nói rất trìu mến, chân thành điều đó được thể hiện trong bài Kí mộng. Lâu năm xa cách vợ, khiến ông nhớ thương về người vợ hiền chắc chắn đang “chờ đợi héo hon. Ông đã hình dung ra điều ấy. Dẫu chỉ gặp vợ trong mơ nhưng lời thơ đầy hình ảnh và cảm xúc chân thành.
Mộng trung phân minh kiến,
Tầm ngã giang chi mi.
Nhan sắc thị trù tích,
Y sức đa sâm mi,
Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn,
Kế ngôn cửu biệt ly.
(Ký mộng)
(Trong mộng thấy rõ ràng, 
Tìm ta ở bến sông.
Nhan sắc vẫn như xưa.
Áo quần thì lếch thếch,
Thoạt đầu nói khổ vì bệnh hoạn,
Kế đó nói xa nhau lâu)
Nhớ thương vợ, Nguyễn Du càng không thể quên được tình nghĩa thủy chung. Đó là lý do mà ông thường nói đến sự chung thủy. Phải yêu thương vợ biết bao thì Nguyễn Du mới có những dòng chân thành, xúc động đến như vậy! Đối với vợ, Nguyễn Du là một người chồng thủy chung, nhân hậu. Vợ chồng sống với nhau phải nặng tình trọng nghĩa. Ông luôn coi vợ là điểm tựa tinh thần cho mình (điều mà ít Nhà nho cùng thời với ông có được). Đây cũng là tấm lòng đáng trân trọng như những lời tri ân, tri kỷ đối với vợ. Đó là ứng xử văn hóa của Nguyễn Du gởi đến cho chúng ta.
Đối với con, Nguyễn Du là một người cha rất mực thương con và luôn nghĩ đến trách nhiệm. Do đó tình cảm của ông đối với con cũng là tình cảm nhân ái, độ lượng. Có thể thấy rằng cái cốt lõi của mối quan hệ trong gia đình, với họ hàng, hàng xóm láng giềng... của người Việt đều xây dựng trên nền tảng lấy tình yêu thương làm cơ sở cho cách xử thế.
Khi những đứa con thơ của mình miệng rên rỉ kêu đói, kêu rét. Con người trong thơ đã quặn lòng khi bất lực nhìn cảnh đói rét của các con mình. Ông đã xót xa viết:
Thập khẩu đề cơ Hoành lĩnh bắc,
Nhất thân ngọa bệnh đế thành đông
 (Ngẫu đề )
(Mười miệng kêu đói ở cửa bắc Hoành Sơn,
Một thân nằm bệnh ở phía đông Hoàng thành)
Trong văn hóa ứng xử của Nguyễn Du, tình sâu nghĩa nặng, trọn tình vẹn nghĩa đã trở thành một trong những phẩm giá nhân văn cao quý nhất. Tình và nghĩa làm thành một hệ thống hai đầu mối, thường xuyên đi với nhau, quan hệ mật thiết với nhau. Đó là sự kết hợp hài hòa tình cảm thương yêu với tinh thần trách nhiệm. Sự bền vững của gia đình được duy trì bằng sự hài hòa tình nghĩa. Cái tình làm cho lễ giáo phong kiến gia đình luôn hướng vào sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của các thành viên. Tình nghĩa lại càng được trân trọng qua sự hiếu thảo hết mực của con cái với cha mẹ, qua tấm lòng thương yêu của cha mẹ dành cho con, qua sự yêu thương đùm bọc, kính trên nhường dưới của anh em, qua tình yêu chân thành và sự thủy chung son sắc của vợ chồng, qua sự yêu thương của người cha hiền từ, nhân ái, độ lượng đối với con… Nguyễn Du sống và cư xử đều thống nhất theo triết lý tình nghĩa.

KẾT LUẬN
Văn hóa ứng xử truyền thống Việt Nam có nguồn gốc từ lao động là một nước có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nền nông nghiệp truyền thống là trồng lúa nước, nên cộng đồng người Việt có mối liên hệ chặt chẽ tạo nên văn hóa ứng xử truyền thống tốt đẹp của người Việt. Văn hóa ứng xử Việt Nam mang đậm nét nhân ái “Thương người như thể thương thân”, “Uống nước nhớ nguồn”, người Việt Nam không bao giờ quên ơn cha mẹ, tổ tiên, người có công với dân tộc, với đất nước. Đồng thời văn hóa ứng xử của Việt Nam còn coi trọng sự hiếu hòa trong gia đình.
Truyền thống văn hoá Việt được thể hiện rõ nét, đa dạng qua sáng tác của Nguyễn Du. Những nét văn hóa của Nguyễn Du thể hiện ở nhiều mặt: ứng xử của bản thân, ứng xử với môi trường tự nhiên, ứng xử với môi trường xã hội và ứng xử với gia đình.
Tình nghĩa là truyền thống ứng xử của Nguyễn Du kết tinh thành một giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc - văn hóa tình nghĩa. Đạo lý của Nguyễn Du hết sức coi trọng con người, tất cả đều được nhìn nhận từ giá trị của con người đề cao con người và cuộc sống nên khả năng đồng cảm trước nỗi đau nhân tình thế thái.

Nhóm của 
Phạm Anh Tuấn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét