Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

SỰ KẾT HỢP TỰ LUẬN – THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP (Nguyễn Thế Thạnh)



  MỞ ĐẨU

Kể từ năm 1986, khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu trước văn nghệ sĩ "Hãy cởi trói cho văn nghệ" thì nền văn học Việt Nam có sự chuyển biến sâu sắc. Sự kiện văn học quan trọng đầu tiên có thể khẳng định là tiểu thuyết "Thời xa vắng" của Lê Lựu và "Mùa lá rụng trong vườn" của Ma Văn Kháng. Người ta buộc phải thừa nhận khuynh hướng "nhận thức lại" của văn học. Vương Trí Nhàn cho rằng: ""Thời xa vắng" là tiếng kêu của cả một lớp người cho tuổi trẻ của mình, cuộc đời của mình, ngay khi thành đạt trong lập nghiệp nữa, họ vẫn bất hạnh vì không biết sống" . Tác phẩm được coi như một cắm mốc cho sự chuyển mình của giai đoạn văn học mới. Đến năm 1987 xuất hiện "một hiện tượng văn học mới"- Nguyễn Huy Thiệp. Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp đã làm chấn động làng Văn. Một mình ông tạo nên một đời sống văn học sôi động kéo dài mấy mươi năm và còn nóng bỏng đến tận hôm nay. Cái hay của Nguyễn Huy Thiệp là cái lạ, cái độc đáo. Cái hấp dẫn ấy được thể hiện rõ trên tất cả các trang văn của ông. Tuy nhiên, với dung lượng hạn chế của một bài tiểu luận, chúng tôi không thể khảo sát nghiên cứu hết tất cả những yếu tố lạ và độc đáo ấy. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi khảo sát một khía cạnh nhỏ trong tài năng ấy của ông. Đó là "Sự kết hợp tự luận – thơ" ở một số truyện ngắn liên hoàn của ông: "Những ngọn gió Hua Tát", "Thương nhớ đồng quê", "Con gái thủy thần" "Chút thoáng Xuân Hương".

NỘI DUNG


1. Giới thuyết về truyện ngắn liên hoàn
1.1. Truyện ngắn liên hoàn và các tên gọi

Người ta gọi Truyện ngắn liên hoàn bằng nhiều cái tên khác nhau. Theo Henry James Review trong tiểu luận “Truyện ngắn chuỗi: Một cuốn sách mở” cho rằng: Người ta gọi hình thức văn học này bằng nhiều cái tên, nhưng không có cái tên nào nhấn mạnh đến vai trò độc giả trong việc phát triển ý nghĩa của truyện bằng cái thuật ngữ: Truyện ngắn chuỗi. Joel Silverman gọi là “Phức hợp truyện ngắn”. Pleasant Reed và Timothy Alderman gọi là “sưu tập truyện ngắn hòa nhập”. Còn Joseph Reed gọi là “Hợp chất truyện ngắn”.

Các tên gọi trên đều chỉ một "cụm truyện" gồm có nhiều truyện liên kết với nhau. Giữa các truyện có chung một khung cảnh, một số nhân vật. Tuy mỗi truyện một chủ đề và trong mỗi truyện có một nhân vật nổi lên, nhưng giữa các truyện cứ đan xen nhau, tác động lẫn nhau. Sự tác động đó đã tạo nên một cấu trúc mở, đặc biệt mở về chiều sâu của chủ đề, mở về phương diện xã hội, về nghệ thuật điển hình hóa, cả việc mở về trường liên tưởng của người đọc.

1.2. Truyện ngắn liên hoàn của Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp sáng tác hơn năm mươi truyện ngắn, trong đó có bốn truyện có thể gọi là truyện ngắn liên hoàn, đó là "Những ngọn gió Hua Tát", "Thương nhớ đồng quê", "Con gái thủy thần" "Chút thoáng Xuân Hương".

"Những ngọn gió Hua Tát" gồm mười truyện trong bản nhỏ. Bản nhỏ có tên là Hua Tát, là một bản của người Thái đen miền Tây Bắc. Từ những câu chuyện cổ của bản Hua Tát, Nguyễn Huy Thiệp cấu thành mười truyện nhỏ của mình. Cả mười truyện cùng chung nhau một không gian, địa điểm là Hua Tát huyền thoại. Các nhân vật: Pùa – Trái tim hổ, Nàng Bua- Nàng Bua, ông Pành- Đất Quên, Hà Thị E- Tiệc xòe vui nhất...đều là những nhân vật từng sống trong bản Hua Tát trước kia. Hàng loạt sự kiện: giết hổ dữ, săn thú, kén rể, dịch hạch...đều diễn ra ở bản. Trong thế giới nhân vật của "Những ngọn gió Hua Tát", có sự lặp lại nhân vật giữa các truyện: nhân vật có mặt ở hai truyện nhỏ trở lên. Là những con người của bản Hua Tát, các nhân vật xuất hiện ở từng thời điểm khác nhau của các câu chuyện khác nhau: có mặt ở truyện này, đồng thời có mặt ở truyện kia. Nhân vật Hà Văn Nó hiện diện với tư cách một trưởng bản sáng suốt, có trách nhiệm trong "Tiệc xòe vui nhất" "Chiếc tù và bị bỏ quên". Ông Pành- ông già nổi tiếng khắp bản trong "Đất quên" chính là người cha có đứa con cũng rất nổi tiếng Sạ trong "Sạ". Chàng Khó trong "Trái tim hổ"  giàu tình thương lại xuất hiện linh thiêng trong truyện "Nàng Sinh". Việc lặp lại sự xuất hiện của các nhân vật, từ mối dây liên kết giữa các nhân vật với nhau, giữa nhân vật với bản nhỏ, Nguyễn Huy Thiệp đã làm cho các truyện nhỏ có mối liên kết chặt chẽ hơn.

Việc bao trùm cùng một không gian, địa điểm lên các truyện nhỏ, việc lặp lại một số nhân vật giữa các truyện đã tạo nên một dung lượng lớn và một cái nhìn bao quát về chùm truyện "Những ngọn gió Hua Tát". Những vấn đề vĩnh cữu về cái thiện và cái ác, về số phận, nỗi đau khổ, dằn vặt, đau đáu muôn đời trong con người đều có mặt ở đây. Chuyện của bản nhỏ nhưng cũng cũng là chuyện của toàn nhân loại. Đời sống cộng sinh chứa đựng bao điều con người không thể phủ nhận. Những vấn đề muôn mặt của cuộc sống diễn ra cùng trong bản Hua Tát cho thấy điều đó.

Trong "Chút thoáng Xuân Hương" có ba truyện. Ba truyện diễn ra ở ba không gian khác nhau. Truyện thứ nhất và thứ hai diễn ra trong không gian mang không khí lịch sử bảng lảng cổ tích, huyền hoặc. Truyện thứ ba mang không gian của thời hiện đại. Tuy nhiên, cả ba không gian ấy đều là khung cảnh mà nhân vật chính Xuân Hương xuất hiện. Sự xuất hiện lặp lại những hình ảnh Xuân Hương trong cả ba truyện đã là sợi dây kết dính của ba truyện trong chùm truyện. Xuân Hương dù xuất hiện trong bảng lảng cổ tích (Truyện thứ nhất), đứng ngoài "tầm với" (Truyện thứ hai) hay gần gụi đời thường (Truyện thứ ba) đều là hình tượng biểu trưng cho cái đẹp. Sự liên kết đó còn làm cho người đọc có được sự nhìn nhận chỉnh thể về hình tượng. Qua đó, thể hiện rõ thông điệp về cái đẹp muôn thuở của con người.

Chùm truyện"Con gái thủy thần"  gồm có ba truyện. Trong chùm truyện, hình tượng nhân vật mẹ Cả dù xuất hiện mơ hồ hay cụ thể trong muôn vàn huyền thoại thêu dệt của người đời và trong tâm thức của nhân vật Chương, mẹ Cả luôn có mặt trong từng thời điểm trên hành trình kiếm tìm. Trong cả ba truyện nhỏ thuộc chùm truyện, có khi mẹ Cả hiện thân là hình ảnh các cô Phượng (Cô giáo tên Phượng- Truyện thứ nhất; Cô Phượng xứ đạo–Truyện thứ hai; Cô chủ tên Phượng- Truyện thứ ba), có khi chỉ là hình ảnh mơ hồ qua sự hình dung của Chương. Cái huyền hoặc ấy đã đưa Chương ra đi, đi tìm mẹ Cả, đi tìm tình yêu của mình. Chương ra đi trong một không gian rộng mở. Đích đến là biển nhưng trước khi đi đến biển vô cùng, nhân vật phải trải qua rất nhiều không gian, từ nông thôn cho đến thành thị. Như vậy, khung cảnh của truyện những không gian mà Chương đi qua. Chính độ mở về không gian này đã giúp tác giả mở rộng biên độ phản ánh và hoàn thiện chủ đề của các tác phẩm trong chùm truyện.

Với "Thương nhớ đồng quê", không gian được truyện phản ánh là một nơi thôn dã yên bình. Đó là nơi Nhâm sống và kể lại chuyện của làng và những người trong làng mình. Qua lời kể của Nhâm cho Quyên nghe, lần lượt những "Chuyện sư Thiều", "Chuyện ông giáo Qùy", "Chuyện chú Phụng"  được xuất hiện. Với câu chuyện về Nhâm, về Quyên, về sư Thiều, giáo Qùy, chú Phụng... bản chất của những người dân quê được lộ rõ và không gian vùng quê cũng được hiện lên thật đầy đủ. Đó là những mối quan hệ tình cảm, những cảnh đời khác nhau, những tính cách đa dạng, những suy nghĩ của từng lớp người...diễn ra trong không gian làng quê cứ hiện ra trước mắt người đọc. Qua từng truyện, chủ đề về cuộc sống của những người dân quê lam lũ, vất vả nhưng hiền hòa, cao thượng, đầy tình nghĩa được hoàn thiện một cách đầy đủ nhất.

Như vậy, xét về mặt nội dung, cách tổ chức các truyện trong cả chùm truyện của Nguyễn Huy Thiệp đã mang lại hiệu quả nghệ thuật cao. Tuy nhiên, trong các chùm truyện của Nguyễn Huy Thiệp, phương diện hình thức cũng đóng góp không nhỏ cho sự thành công của chùm truyện. Chúng tôi muốn bàn đến sự kết hợp yếu tố tự luận- thơ trong các tác phẩm văn xuôi ấy của Nguyễn Huy Thiệp.

2. Yếu tố tự luận trong các chùm truyện

Yếu tố tự luận trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đóng vai trò lớn cho sự thành công của tác phẩm và tạo nên sự khác biệt của Nguyễn Huy Thiệp. Yếu tố tự luận thường là những câu văn trữ tình ngoại đề mang tình triết lí về các vấn đề liên quan đến vấn đề được đề cập đến trong tác phẩm. Nếu như những tác phẩm trong văn học trung đại và cận hiện đại, người kể chuyện ở ngôi thứ ba nên lời trữ tình ngoại đề thường là lời phát biểu của tác giả, thì trong văn học hiện đại, người kể chuyện rất đa dạng và điểm nhìn cũng rất đa dạng. Điểm nhìn có thể là của tác giả, cũng có thể là của nhân vật. Vì vậy, những lời trữ tình ngoại đề không nhất thiết là của tác giả mà có thể là lời nhân vật phát biểu qua độc thoại nội tâm, qua đối thoại. Như vậy, lời tự luận hay là trữ tình ngoại đề không chỉ của tác giả mà cả ở nhân vật. Tác giả không toàn quyền phát biểu những sy nghĩ của mình mà nhân vật, tự thân nó có thể phát biểu những vấn đề mang tính triết lí bên ngoài cốt truyện.  Đây là đặc điểm nổi bật trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp nói chung và các truyện ngắn liên hoàn của ông nói riêng. Những câu tự luận trong tác phẩm mang  tính triết lí- chiêm nghiệm, tự vấn về gía trị, bản chất của cuộc sống. Trong các tác phẩm của mình, nhà văn Nam Cao cũng thường xuyên triết lí. Triết lí của Nam Cao thường được phát biểu rải rác trong lời kể của chính tác giả và cả trong những dòng độc thoại nội tâm của nhân vật. Đến Nguyễn Minh Châu, tính triết lí càng đậm đặc. Nguyễn Minh Châu gần như đã tiếp cận đến quy luật của cuộc sống, đặc biệt là quy luật của đời sống tâm hồn con người. Nguyễn Minh Châu triết lí thông qua những dòng độc thoại nội tâm, thông qua đối thoại của các nhân vật trải đời.... Nguyễn Huy Thiệp thì cũng thể hiện triết lí qua lời kể của mình và dòng độc thoại nội tâm của nhân vật. Nhưng điểm khác của Nguyễn Huy Thiệp so với hai nhà văn kể trên là chất triết lí được thể hiện rất nhiều ở những phát ngôn trực tiếp của nhân vật, và nhân vật nào cũng triết lí : từ quan lại cho đến thứ dân, từ những người trí thức cho đến những người vô học, từ già đến trẻ...

Triết lí của Nguyễn Huy Thiệp thường là những triết lí về văn chương, về bản chất con người và bản chất xã hội

2.1. Triết lí về văn chương, về nhà văn

Có thể thấy, hầu hết những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều chứa đựng một hoặc vài lời triết lý của ông về văn chương. Điều đó chứng tỏ, Nguyễn Huy Thiệp là người hay trăn trở về văn chương và ý nghĩa của nó. Những triết lý đó, được phát biểu gián tiếp qua các nhân vật, hoặc đôi khi phát biểu một cách trực tiếp. Như đã nói ở trên, Nam Cao cũng thường thể hiện những quan niệm của mình trên trang viết của mình. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương không đơn giản và rành mạch như Nam Cao. Cái nhìn của ông về văn chương có gì đó rất phức tạp - phức tạp như chính cuộc đời. Qua suy nghĩ của người nghệ sĩ, tác giả đã lên tiếng bình luận, triết lí : "Văn chương là thứ bỉ ổi nhất. Nó gây sự nổi loạn trong cuộc đời thường. Cuộc đời trôi đi đơn giản. Day dứt lại để làm gì?" (Chút thoáng Xuân hương). Ông đau đớn nhận ra thứ văn chương sự thật của mình đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho người đời. Nhưng rồi, ông không thể làm khác được. Ông không thể viết ra thứ văn chương dễ dãi, sẵn sàng ca ngợi, tung hô, sẵn sàng dối trá. Ông thà để người ta đau đớn trong đời thật còn hơn chìm đắm trong thứ hạnh phúc giả tạo. Đây là một sự lựa chọn đầy khó khăn của Nguyễn Huy Thiệp. Đó là cái lý của ông. Nếu cuộc đời cứ trôi đi đơn giản thì văn chương cũng đơn giản biết nhường nào, "Day dứt lại để làm gì?". Nhưng cuộc đời luôn hiện hữu những bất công, ngang trái, những thiện- ác, tốt- xấu, con người- thú vật, văn hóa- bản năng...mà những điều đó, với trách nhiệm của mình, văn chương mà cụ thể là mỗi nhà văn không thể làm ngơ. Cái "day dứt" với nghề, với đời buộc họ phải cầm bút. Nhà văn và văn chương phải tranh đấu cho sự lẽ phải, cho cái phần nhân bản trong mỗi con người và nhân bản cho cả xã hội. Đó cũng có thể là cái đích đến của mỗi nhà văn vậy.

Ngoài ra, ông còn để cho những nhà hoạt động chính trị lên tiếng triết lí. Khi thống kê các quan niệm về văn chương trên trang viết của Nguyễn Huy Thiệp, có một điều rất bất ngờ mà ít ai để ý đến, đó là hầu hết những quan niệm văn chương của ông đều được thể hiện qua cái nhìn của những nhà chính trị. Trước hết là lời của tri huyện Thặng trong Chút thoáng Xuân Hương: “Hách chứ, Thặng giơ ngón tay như quả chuối nắm ra trước Ấm Huy. Không hách để văn chương các chú làm loạn à? Văn chương là miếng đất nghịch”. Văn chương làm loạn”.  Nó làm loạn trong tiềm thức của con người, một cuộc nổi loạn mà không có một thế lực nào có thể dập tắt được. Chính Thặng đã khẳng định: “Dân quen nô lệ, luật cứ ngặt nghèo, nghiêm khắc là xong. Không có bàn bạc gì cả”. Nhưng Thặng lại phải “hách” với văn chương,  tức là Thặng sợ! Thể hiện những quan niệm văn chương qua con mắt của những nhà chính trị, Nguyễn Huy Thiệp không hề có ý muốn đối lập chính trị với văn chương. Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp luôn ý thức văn học phục vụ chính trị. Nhưng phục vụ chính trị không đơn thuần là là truyền bá những tư tưởng chính trị "Dân ta cực khổ. Tôi trông vào đâu cũng thấy xót xa. phải lấy lẽ văn chương và sự công bằng pháp luật hướng đạo dân mình" (Chút thoáng Xuân Hương). Như vậy, với Nguyễn Huy Thiệp, ý nghĩa cao nhất của văn học đối với chính trị là ở chỗ: Văn học giữ gìn lương tri cho chính trị. Văn học phải tác động vào chính trị để có sự công bằng cho mọi người, để không phải thấy những cảnh xót xa, tủi nhục trong cuộc đời.

Lời của các nhân vật đều công nhận sức mạnh của văn chương. Văn chương phục vụ chính trị nhưng không truyền bá tư tưởng chính trị mà văn chương hướng đến cái phần nhân văn, nhân bản cao đẹp của con người. Tác giả còn muốn nói: lí lẽ của văn chương luôn song hành với cán cân công lí của chính trị. Văn chương hướng đến tính nhân bản của công lí. Chính trị phải vì hạnh phúc của con người. Vì thế, nếu người nắm luật pháp mà không hành xử đúng cái phần nhân bản của luật pháp thì văn chương trở thành "miếng đất nghịch" cho cá nhân ấy.

2.2. Triết lí về bản chất con người

Mặt đất của chúng ta vẫn còn đang đầy rẫy những thói dối trá ti tiện, những bất công độc ác, “những giáo điều đạo đức... giản dị, ngây ngô, buồn cười, sơ lược thậm chí còn đểu giả nữa(Những người thợ xẻ). Vẫn còn đó những con người “đầy những thành kiến ngộ nhận”, những “những đố kỵ, hằn thù, ganh ghét, những định kiến hẹp hòi và đạo đức giả” đã làm thoái hoá bản chất của con người lương thiện, của phần người trong mỗi một con người. Nguyễn Huy Thiệp là người đi nhiều, biết nhiều nên những vấn đề về con người và cuộc sống của họ được ông đưa vào văn mình với bao trăn trở khôn nguôi. Trong những truyện ngắn liên hoàn của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã bình luận rất nhiều về bản chất con người.

Bản chất của con người thể hiện trong tình yêu thường được phân biệt rất rạch ròi như lời của Chương "Tôi chưa yêu. Nhưng tôi nghĩ nếu ai phản bội tình yêu thì xấu xa lắm". Phản bội tình yêu là sự xấu xa, bạc tình bạc nghĩa. Nhưng xem Nguyễn Huy Thiệp nhận xét "Anh chẳng hiểu gì, kẻ phản bội cũng là người tốt, có điều người ta không dám hi sinh" (Con gái thủy thần). Có một sự đánh giá toàn diện cho những con người phụ bạc ấy. Họ phụ bạc chưa hẳn là xấu. Điều quan trọng là họ sống trong cái xã hội này, cái ích kỉ, cái tôi của họ quá lớn. Con người sinh ra vẫn có ở trong họ đức tính hi sinh. Nhưng xã hội đã thay thế nó khi con người ta lớn lên. Cái đức tính biết hi sinh đã nhường chỗ cho thói ích kỉ. Vì vậy, họ vẫn là người tốt. Điều căn bản là họ không thể vượt qua cái thói ích kỉ của xã hội.  Đến chuyện tình ái, ông cũng triết lí : "Chuyện tình ái, giống đực thường khôn ngoan và vô trách nhiệm, giống cái thì nhẹ dạ và tận tụy quá" (Những ngon gió Hua Tát). Rồi ông lại cho rằng "Đàn ông các anh không chịu nổi những người đàn bà rất tốt, tâm hồn người đàn bà phải hơi nhom nhem thì mới sống được. Bao giờ cũng thế. Khi người đàn ông bất lực, thấy những kẻ khác to lớn hơn mình thì họ gây sự" (Chút thoáng Xuân Hương). Bản chất của họ là thói gia trưởng. Họ cho rằng họ có sức mạnh và có quyền. Nhưng rồi ông hạ bệ cái sức mạnh ấy "Đàn ông các anh hư trẻ con cả" . Tệ hại hơn "Cũng giống hệt như đàn lợn của tôi. Khi nào được ăn thì phởn..."

Bản chất của con người là phải sống giả dối "Giả dối thì đúng là đức tính...không thể giàu có mà không giả dối". Còn mọi đức tính đáng quí khác chẳng thể làm nên sự giàu có "Những người khôn ngoan bao giờ cũng sẽ đau khổ, thậm chí bất hạnh. Họ biết quá nhiều [...]  [...] Trung thực bao giờ cũng chịu đau khổ thiệt thòi" (Những ngọn gió Hua Tát). Khôn ngoan và trung thực là những đức tính đáng quí trọng trong mỗi con người. Nhưng trong xã hội này nó bị bài xích. Vì khôn ngoan và trung thực chỉ mang lại sự đau khổ, bất hạnh và thiệt thòi cho cuộc đời con người. Chỉ có giả dối mới sống được. Chỉ có giả dối mới không phải chịu những đau khổ trên mà còn được giàu có sung sướng. Lời trữ tình ngoại đề tuy có vẻ vô lí, trái khuấy, nhưng đó là bản chất cần có của con người trong cuộc sống này. Mọi phẩm chất tốt đẹp hình như dần dần bị loại bỏ. Lời triết lí này, có thể khẳng định là một hồi chuông cảnh báo cho sự bào mòn nhân cách của mỗi con người.

Sự giả dối thể hiện ra cả bề ngoài của họ "Ông không chịu được cái vẻ sạch sẽ gớm ghiếc của người đời. Nó chán chết". Chán đến nỗi, ông muốn vứt tất cả nó đi. "Ông thích những gì ào ạt của cuộc sống thực trần tục" (Chút thoáng Xuân Hương). Cuộc sống trần tục đối với Nguyễn Huy Thiệp là thanh sạch nhất, đáng trọng nhất. Chỉ có cuộc sống trần tục mới giữ được những bản chất truyền thống trong mỗi con người Việt Nam.

Ông cũng triết lí về sự sung sướng của người đời "Tất cả bí mật của vũ trụ, xã hội, công danh, tiền bạc, nghệ thuật...kể cả tôn giáo, chính trị- là tình dục"  là "ăn ngon. lời tâng bốc và sex", là ở chữ "Sướng". Tình dục là cái đáng trân trọng, nâng niu nhất "Những tiếng kêu ấy chính là ngôn ngữ nguyên thủy, tinh khiết. Nó trong sáng hơn mọi thứ tiếng ru, thơ phú và nhã nhạc". Quan niệm hưởng thụ như trên là quan niệm của những con người trẻ sống trong xã hội hiện đại. Lí tưởng, hoài bão, công danh, tiền bạc đều không là gì so với tình dục. "Tình dục là văn hóa" của mọi thứ văn hóa.

Qua việc khảo sát triết lí về bản chất con người trong ba chùm truyện của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi nhận thấy những triết lí ấy là những dự báo về sự suy thoái về đạo đức, về quan niệm sống của những con người hiện đại. Tác giả chỉ triết lí chứ nó chưa phải là chân lí nhưng sẽ gợi cho người đọc sự suy nghĩ về tương lai của con người trong cuộc sống tương lai.

2.3. Triết lí về bản chất xã hội         

Bản chất xã hội được Nguyễn Huy Thiệp miêu tả là một xã hội "loạn cờ" bởi một chữ tiền. Vì vậy, Nguyễn Huy Thiệp đã triết lí về sức mạnh của đồng tiền trong nền kinh tế thị trường rất nhiều trong các tác phẩm của mình. Khi bản chất của con người bị phân hóa của đồng tiền, tức là lúc đồng tiền đã được đặt lên ở vị trí tối thượng. Đến những kỉ niệm ông cũng "nhổ toẹt" vào. Bởi vì: "Mẹ khỉ! Tôi nôn mửa vào kỉ niệm. Nó không sinh ra tiền bạc, nó chẳng mảy may mang lại cho tôi một nụ cười nào. Ở đấy không có hi vọng"(Con gái thủy thần). Kỉ niệm chẳng là gì khi nó chẳng sản sinh ra tiền bạc. Tiền bạc là trên hết đối với con người. Con người ngoài việc sống trong hiện tại và sống cho tương lai thì còn phải sống với những kỉ niệm của mình. Những kỉ niệm ấy sẽ giúp con người sống tốt hơn. Nhưng ở đây ông đã phủ nhận tất cả. Cái trên hết là tiền bạc trong hiện tại. Tuy triết lí của ông thật phũ phàng, nhưng đó là những nỗi cay đắng trong sự thay đổi trong bản chất con người trong cuộc sống hiện tại, mà với tư cách của một nhà văn, ông không thể im lặng. Tiền bạc đã ảnh hưởng lớn đến cái nhìn của con người "Anh thấy tôi giàu, anh tưởng tôi đẹp. Anh thấy tôi học thức, anh tưởng tôi đẹp" (Con gái thủy thần). Con người đẹp hay xấu hãy nhìn vào tài sản, học thức của họ. Quan niệm thẩm mĩ với chữ tiền đã bị chi phối đáng kể. Nếu anh không có tiền "nghĩa là anh không có gì cả. Anh là kẻ yếu". Xã hội so bì nhau bằng chữ tiền. "Anh không có của cải, không có sở hữu cá nhân" đồng nghĩa với việc "anh không có quyền sĩ diện, không nên tự ái, không nên phản kháng". Tiền bạc đã tạo nên sự phân cấp rõ nét trong quan hệ xã hội. Nếu có tiền, anh là kẻ mạnh, còn không có tiền thì ngược lại. Không có tiền đồng nghĩa với không có bất cứ một quyền nào cả. Quyền cá nhân tối thiểu nhất của con người là tự ái cũng không còn.

Xã hội này còn là xã hội của những kẻ không có lương tâm. Nguyễn Huy Thiệp nhìn xã hội và thấy toàn "một lũ vô học và vô lương tâm vẫn đang nhởn nhơ ăn sung mặc sướng. Như thể ông hoàng, bà chúa". "Ông thấy trong đời toàn những thằng ác, thằng hèn nhưng lại ranh khôn như cáo" (Chút thoáng Xuân Hương). Một xã hội đày rẫy những gương mặt nhưng "chẳng có gương mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ" (Con gái thủy thần). Một xã hội đầy rẫy những gương mặt thú, những gương mặt không ra con người.

Một xã hội mà ở đó các vấn đề mang tính kiến trúc thượng tầng bị coi rẻ. Quy luật phát triển "phủ định của phủ định" mang tính trừu tượng đã được hiện thực hóa một cách rõ ràng "Quy luật phủ nhận, tôi nghĩ nó giống như trâng đòn thù đê tiện của bọn đô Thi, tôi căm ghét nó, nó thành quy luật thì phải trả thù, phải nện đau hơn nó đã nện mình" (Con gái thủy thần). Quy luật cái sau phủ định cái trước những vẫn kế thừa những yếu tố tích cực của cái trước trong quá trình phát triển của xã hội đã trở thành quy luật của sự thù hằn, trở thành quy luật giải quyết mâu thuẫn một cách tệ hại của con người với con người. Muốn mình phát triển thì mình phải mạnh hơn kẻ khác. Rõ ràng, vấn đế mang tính tư tưởng cao siêu, là thành tựu của cả nhân loại đã bị dung tục hóa. Điều đó càng được khẳng định rõ hơn qua lời của nhân vật Thặng "tất cả mọi thứ thanh cao hoang tưởng vẫn chết trong cõi dung tục như thường" (Chút Thoáng Xuân Hương). Mọi thứ cao quý đều bị "nhổ toẹt vào...thậm chí tình yêu, đạo đức, tình bạn, sự tín nghĩa, lòng trung thực, cả tôn giáo nữa. Nó biết tất cả những điều ấy chỉ là ước lệ, không chính xác bao nhiêu, độ bền vững thấp" (Con gái thủy thần). Con người đã mất lòng tin thì những thứ được cho là cao quý cũng không còn gì là cao quý. Con người sẽ 'nhổ toẹt" vào tất cả. Bản chất xã hội mà Nguyễn Huy Thiệp triết lí đã mang đến cho người đọc suy nghĩ về sự xuống cấp của nó. Khi bản chất xã hội xuống cấp thì những vấn đề thuộc kiến trúc thượng tầng nói trên đáng để mang ra phỉ báng.

Tóm lại, yếu tố tự luận trong văn Nguyễn Huy Thiệp, trước tiên đã mang đến những nội dung triết lí phong phú và đa dạng trên trang văn của ông. Những câu triết lí được tác giả là người phát ngôn hay nhân vật là người phát ngôn đều mang đến hiệu quả nghệ thuật to lớn. Với những lời văn triết lí dày đặc trong tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp xứng đáng là nhà văn triết lí. Nhưng cái hay trong việc kết hợp yếu tố tự luận với tự sự là ở việc, tác giả đã để những câu tự luận mang tính triết lí xen vào mạch truyện một cách tự nhiên, không hề có sự gượng ép gượng gạo nào. Những câu tự luận như gắn liền mạch với những câu văn tự sự. Phải đọc kĩ, đọc nhiều mới thấy được những câu triết lí ấy. Đôi lúc, khi đọc tác phẩm của ông, với câu văn tự luận, người đọc cứ ngỡ đó là chi tiết của cốt truyện, lại có lúc tưởng rằng đó là câu tự luận. Có sự hòa nhập như thế là một sự thành công về việc tổ chức lời văn nghệ thuật của tác giả.

3. Yếu tố thơ trong các chùm truyện

Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: "Từ những trang văn xuôi ngổn ngang bề bộn, thậm chí còn xô bồ, tục tỉu và đầy khinh bạc của Nguyễn Huy Thiệp nhiều khi thấy vút lên những tứ thơ thật trong trẻo, những âm điệu thật thiết tha. Và bao giờ cũng mênh mang buồn. Buồn thương xót xa vẫn là âm hưởng bao trùm lên mọi trang viết của Nguyễn Huy Thiệp". Đỗ Đức Hiểu cũng cho rằng: "Giá có ai tập hợp tất cả các câu thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta sẽ có một tập thơ Nguyễn Huy Thiệp. Những câu thơ không vần ấy vừa gợi mở, vừa đóng kín, nó bí ẩn và tiên tri, người đọc nghĩ đến những chân trời khác". Với hai ý kiến trên đã cho thấy rõ vai trò của thơ, cái hay, cái độc đáo của thơ trong tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Huy Thiệp. Rõ ràng, đối với Nguyễn Huy Thiệp việc sử dụng thơ, đó không phải là điều ngẫu nhiên mà là do nhu cầu do tư chất tài năng của tác giả gây nên, một nhu cầu đòi hỏi phải thoát ra.

Thơ xuất hiện trong các tác phẩm có nhiều nguồn gốc khác nhau. Thơ mượn của các nhà thơ khác: "Chút thoáng Xuân Hương" mượn thơ của Hồ Xuân Hương. Thơ do chính Nguyễn Huy Thiệp sáng tác như trong "Thương nhớ đồng quê". Những câu thơ dân gian được nhà văn sử dụng lại theo cách của mình, điển hình như truyện "Con gái thủy thần".

Thơ được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng sáng tạo và được đặt đúng vị trí trong tác phẩm.

3.1. Thơ được dùng làm đề từ.

Trong chùm truyện "Con gái thủy thần", mở đầu cho mỗi truyện là những câu thơ. Mở đầu "Truyện thứ nhất", tác giả lấy một lời hát cổ:
                                      "Cái tình chi
                                      Mượn màu son phấn ra đi"
Lời ca đã gieo vào lòng người những suy nghĩ bâng khuâng. Tứ thơ cũng là nội dung chính của truyện. Nhân vật Chương trong suốt hành trình của mình đã vin vào tình yêu bất di bất dịch của mình với mẹ cả. Câu hát ngân nga đã thâu tóm phần hồn của tác phẩm. Đó chính là nỗi trăn trở thường trực trong tâm hồn Chương: "Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? [...] Để tôi mượn màu son phấn ra đi".

Mở đầu cho "Truyện thứ ba", tác giả lấy hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính
                                      "Giang hồ sót lại mình tôi
                                 Quê người đắng khói, quê người cay mưa"
Lời thơ cũng là sự "rút ruột" nội dung của truyện. Chương trong hành trình của mình đã đến làm thuê cho nhà cô Phượng. Chương bị bóc lột về thân xác đến mức "bất lực". Đắng cay trăm bề. Cuối cùng Chương phải tủi nhục ra đi.

Trong chùm truyện "Chút thoáng Xuân Hương", Nguyễn Huy Thiệp đã lấy ngay câu thơ của thi sĩ làm câu đề từ
                                      "Chành ra ba góc da còn thiếu..."
đã khái quát được số phận nghiệt ngã của Xuân Hương . Xuân Hương đã rất khát khao tình duyên, trân trọng tình duyên, cố gắng gìn giữ nó. Nhưng số phận cứ nghiệt ngã cứ đeo đẳng nàng.

Như vậy, việc tác giả chọn những câu ca cổ hay là những vần thơ trung đại, hiện đại làm câu thơ đề từ là có dụng ý rõ rệt. Người đọc trước khi tiếp xúc với văn bản, trước tiên phải tiếp xúc với câu thơ đề từ. Qua câu thơ đề từ, người đọc đã bước đầu định hình được nội dung tác phẩm. Và khi tiếp xúc với văn bản xong, đặt văn bản trong sự tương tác với câu thơ đề từ sẽ thấy được cái tài năng của Nguyễn Huy Thiệp. Câu thơ đề từ như là nội dung tác phẩm đã được tác giả chắc đọng lại thành sự tinh túy trong văn vần vậy.

3.2. Thơ được dùng làm lời hát của các nhân vật

Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, các nhân vật chính hoặc các nhân vật phụ hát những bài ca, nhất là những câu ca riêng lẻ, phần lớn do Nguyễn Huy Thiệp đặt ra. Trong "Truyện thứ nhất" trong chùm truyện "Chút thoáng Xuân Hương", người chồng đầu của nữ sĩ là Tổng Cóc nghe thấy thằng mõ xướng bài ca, gọi là vè thì đúng hơn
                                      "Chiềng làng, chiềng chạ...
                                      Trên ngược dưới xuôi
                                      Làng ta có người
                                      Không chồng mà chửa...ửa.."
Bài vè nói về cô thôn nữ tên Huệ không chồng mà chửa. Khi đọc đến chi tiết này, ta bất giác nhớ lại bài thơ nổi tiếng của Hồ Xuân Hương, mà trong đó nhân vật trữ tình cũng "không chồng mà chửa". Biết đâu rất có thể Hồ Xuân Hương, cũng như chồng bà, đã nghe thấy bài vè này, và nó đã gợi ý cho bà viết ra bài thơ đó? Bài ca này đóng vai trò quan trọng trong việc cấu thành cốt truyện. Có bài ca này, người đọc mới thấy được suy nghĩ và cách ứng xử khôn khéo, hiểu đời, hiểu người của Tổng Cóc.

Như vậy, những bài ca được tác giả sử dụng trong những truyện ngắn của mình là một chi tiết quan trọng cấu thành nên cốt truyện.

3.3. Thơ là dòng suy nghĩ của nhân vật

Thơ xuất hiện nhiều trong suy nghĩ của nhân vật. Đó là thơ của Nguyễn Huy Thiệp trực tiếp tạo ra. Đó là những dòng tâm tưởng của nhân vật, có khi đó là những triết lí về cuộc đời, con người và về văn chương.

Trong "Thương nhớ đồng quê" , thơ hiện ra trong suy nghĩ của Nhâm. "Con đường đất men theo rìa làng, qua đình làng, qua đám sen rồi theo bờ mương ngược về huyện lỵ. Tôi nghĩ. Những ý nghĩa của tôi mông lung
                                      Tôi nghĩ
                                      Tôi nghĩ về sự đơn giản của ngôn từ
                                      Sự bất lực của hình thức biểu đạt
                                      Mà nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất
                                      Sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt đất
                                      Những số phận hiu hắt đầy mặt đất
                                      Bao tháng ngày trôi đi
                                      Bao kiếp người trôi đi
                                      Sự khéo léo của ngôn từ nào kể lại được
                                      Ai nhặt cho tôi buổi sáng mai này
                                      Nhặt được ánh hoang vắng trong mắt em gái tôi
                                      Nhặt được sợi tóc bạc trên đầu mẹ tôi
                                      Nhặt được niềm hi vọng hão huyền
                                      trong lòng chị dâu tôi
                                      Và nhặt được mùi vị nghèo nàn trên
                                      cánh đồng quê?
                                      Tôi rốt ráo bắt tỉa từng ý nghĩ
                                      Tìm cách suy nghĩ cho nó vào chuồng
                                      Và tôi hú gọi trên cánh đồng lòng
                                      Tru lên như con sói hoang
                                      Tôi gắng gặt một lượm sống
                                      Bó buộc lỏng lẻo bởi dải băng ngôn từ
                                      Tôi hú gọi trên cánh đồng người
                                      Tôi nhặt những ánh mắt đời
                                      Hòng dõi theo ánh mắt tôi
                                      Dõi vào cõi ý thức
                                      Cõi ý thức mênh mông xa vời
                                      Dầu tôi biết vô nghĩa, vô nghĩa, vô nghĩa mà thôi"

Qua dòng suy nghĩ của Nhâm hay chính là suy nghĩ của tác giả, triết lí về văn chương về cuộc đời đã hiện lên rõ ràng. Dù có phần hơi gượng ép trong việc đặt những dòng thơ vào đoạn văn trên, nhưng ý nghĩa của dòng thơ thì không thể phủ nhận. Khi nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất, nỗi khổ đau đầy mặt đất thì người nghệ sĩ như bị bất lực về ngôn từ. Bởi ngôn từ không thể thể hiện đầy đủ những đau khổ ấy. Văn chương là phải phản ánh được những đau đớn ấy. Văn chương là hiện thực cuộc đời đầy mênh mông, rộng lớn. Đoạn thơ cũng gởi gắm tâm trạng tuyệt vọng của tác giả khi không thể hiện được hết nỗi đau của con người. Cả bài thơ không theo một hình thức biểu đạt cụ thể nào của thơ. Nó cũng tự do, mông lung như những suy nghĩ của nhân vật.
          Rồi cuộc đời hiện sinh hiện lên trong chuỗi triết lí
                                       "Trăm năm lẫn lộn khóc cười
                                      Kiếp ếch kiếp người cay hỡi đắng cay..."
Nhà thơ Nguyễn Công Trứ ngày xưa đã từng bộc bạch:
                                      "Kiếp sau xin chớ làm người
                                      Làm cây thông đứng giữa trời mà reo"
Có lẽ cũng vì nỗi "cay hỡi đắng cay" này. Kiếp người chẳng khác các kiếp vật. Kiếp người khổ sở vật vã trong kiếp đời , không thoát ra được. Trong xã hội hiện đại thì nỗi khổ lại càng day dứt hơn. Triết lí về kiếp người được thâu tóm trong hai dòng thơ ngắn gọn. Có thể khẳng định tài năng của Nguyễn Huy Thiệp vậy.

Tâm trạng của Nhâm trong tác phẩm cũng được thể hiện bằng thơ: "Chúng tôi chào ông giáo Qùy rồi ra đồng. Quyên bảo: "Cánh đồng rộng quá...Anh có biết cánh đồng bắt đầu từ đau không?"
                             Cánh đồng bắt đầu từ nơi rất sâu trong lòng tôi
                             Trong máu thịt tôi đã có cánh đồng
                             Đứng bên ni đồng mênh mông bát ngát
                             Đứng bên tê đồng bát ngát mênh mông
                             [...]"
Cứ như tự nhiên mà thoát ra thành thơ vậy. Đoạn thơ trên đã có sự kết nhịp nhàng với những dòng tự sự, phù hợp với dòng tâm trạng của nhân vật. Đoạn thơ đã nhấn mạnh, tô đậm chính cái cần thiết về mặt cốt truyện của "Thương nhớ đồng quê".

Như vậy, trong văn Nguyễn Huy Thiệp, việc vận dụng thơ của mình hát những lời đồng dao, lời hát cổ, hay của các nhà thơ khác đều có ý nghĩa. Thơ dù đặt ở vị trí nào trong bài thơ thì cứ tuôn chảy tự nhiên như thế. Đặt làm câu thơ đề từ thì làm toát lên được cái chủ đề của truyện. Đặt ở giữa truyện thì là một chi tiết quan trọng trong diễn tiến câu chuyện. Thơ làm tăng sắc điệu trữ tình cho tác phẩm. Thơ khắc họa nội tâm nhân vật rõ nét hơn, tạo ra rung động cho người đọc nhiều hơn. Vậy là, thơ có đóng góp quan trọng trong sự thành công văn xuôi của Nguyễn Huy Thiệp

 KẾT LUẬN

Qua khảo sát yếu tố tự luận và yếu tố thơ trong các truyện ngắn liên hoàn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi nhận thấy: những yếu tố này được thể hiện xen kẽ một cách tự nhiên trong tác phẩm, bộc lộ được chủ đề tư tưởng của truyện và tạo ra được những điểm mới về hình thức cho những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Huy Thiệp. Có lẽ, cái lạ, cái độc đáo của Nguyễn Huy Thiệp đã được thể hiện rõ nét ở những yếu tố này. Những yếu tố trên đã góp phần tạo nên "hiện tượng" Nguyễn Huy Thiệp những năm 80 của thế kỉ XX.

                                      TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Xuân Nguyên, Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.

2. Nguyễn Huy Thiệp, Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, NXB Văn học, 2000.


Nguyễn Thế Thạnh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét