Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

SỰ KẾT HỢP TỰ LUẬN – THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP (Trần Thị Ngọc Lê)


Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện như một giọng văn lạ của văn học Việt Nam ngay sau thời kỳ đổi mới. Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành một hiện tượng độc đáo của sáng tạo văn học và trở thành đối tượng của những cuộc trao đổi tranh luận quyết liệt trong lí luận phê bình văn học.

Với tập truyện đầu tay Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp đã chính thức bước chân vào văn đàn Việt Nam. Những truyện giả cổ của ông có nhiều cách tân trong lối viết, cách nhìn khiến người ta ngỡ ngàng: Trái tim hổ, Con thú lớn nhất, Nàng Bua, Tiệc xòe vui nhất, Sói trả thù, Đất quên, Chiếc tù và bị bỏ quên, Sạ, Nạn dịch, Nàng sinh… Rồi những truyện giả huyền thoại hư hư thực thực như: Tâm hồn mẹ,  Chảy đi sông ơi, Muối của rừng, Trương Chi, Giọt máu, Con gái thủy thần,… đến những truyện giả lịch sử như Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… thì Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một trận “sóng thần” trong đời sống văn chương thời đó. Dù khen chê thế nào thì người ta cũng phải thừa nhận tài năng nổi bật của Nguyễn Huy Thiệp. Không thể phủ nhận đây là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trên văn đàn Việt Nam giai đoạn những năm cuối thế kỷ XX.

1. Nguyễn Huy Thiệp và sự thâm nhập các thể loại khác vào truyện ngắn hiện đại

Nếu các tác phẩm văn học thời kì trung đại, sự có mặt của lối văn tổng hợp trong cùng một tác phẩm là biểu hiện của tính bất phân giữa văn – sử – triết. Và sự kết hợp giữa tản văn, vận văn, biền văn với lời bình thể hiện rõ chính kiến tác giả ở cuối truyện không chỉ làm gia tăng chất thế sự mà còn khiến cho truyện ngắn trung đại vốn có tính chất bất biến trong cấu trúc trở nên linh hoạt, uyển chuyển, hấp dẫn hơn thì ở truyện ngắn hiện đại, sự hợp lưu của những lối văn khác nhau lại tạo ra sự đa âm, đa thanh trong giọng điệu của tác phẩm. Ở một phương diện nào đó, đây là sự cách tân trong kỹ thuật tự sự, như một sự đối thoại với giọng điệu đơn âm trong truyện ngắn truyền thống. Và như thế, truyện ngắn hiện đại là một thể loại cộng sinh của nhiều thể loại: trong truyện ngắn có chất văn xuôi của tiểu thuyết, chất trữ tình của thơ, chất thoại của kịch, và thậm chí có cả chất báo chí, thời sự của phóng sự, tin tức... Lối viết phá vỡ cốt truyện đầy chủ ý trong truyện ngắn hiện đại như: Phiên chợ Giát - Nguyễn Minh Châu, Tướng về hưu, Trương Chi- Nguyễn Huy Thiệp… khác hẳn cách xây dựng những truyện ngắn “phi cốt truyện” truyền thống. Vì ở đó, người kể chuyện chủ động phá vỡ mối dây liên hệ tuyến tính hoặc nhân quả của các sự kiện.

Sự thâm nhập các thể loại khác vào truyện ngắn như thơ, tiểu thuyết, báo chí... cũng là  một nhân tố làm co giãn cốt truyện. Truyện ngắn có thể chứa trong chính nó: nhật kí, chuyện kể, thơ, thư từ, tin tức, huyền thoại, điển tích, cổ tích... Những hình thức văn bản trong văn bản góp phần tạo thành những tiếng nói khác nhau trong truyện ngắn hiện đại, nới rộng cấu trúc thể loại, mở rộng trường nhìn. Như vậy, cốt truyện truyện ngắn Việt Nam hiện đại không biến mất mà ở từng phần cụ thể, mỗi người viết có thể sáng tạo ra nó bằng nhiều cách thức, kiểu dạng mà mục đích cuối cùng là thể hiện ý đồ nghệ thuật một cách có hiệu quả hơn.
Sự kết hợp hài hoà giữa chất tự sự và chất thơ vừa như một lực nam châm hút văn xuôi về phía cuộc sống, là đôi cánh nâng chất liệu tự sự vút lên những tầm cao, làm giàu thêm xúc cảm thẩm mĩ của người đọc hôm nay. Sự kết hợp giữa thơ và văn xuôi trong nhiều truyện ngắn sau 1975 khiến truyện trở về với dáng dấp thể tài biền văn của văn học trung đại. Nếu chất văn xuôi góp phần thể hiện chất liệu tự sự, là sợi dây kết nối văn học với thực tại thì thơ nâng chất liệu này lên hình thức tinh luyện, mở rộng biên độ tưởng tượng ở độc giả.

Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn tiêu biểu nhất cho những cách tân văn học cuối thế kỷ XX ở Việt Nam, đặc biệt là trong truyện ngắn. Những yếu tố mới trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp rất phong phú, đa dạng, thể hiện một nội lực lớn lao về tư duy nghệ thuật trong những tìm tòi, thể nghiệm, tạo ra những tác phẩm có tính khai phá, được xem là sự chuyển tiếp giữa hiện đại và hậu hiện đại. Đặc biệt,  một khía cạnh độc đáo trong phong cách của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, sự kết hợp giữa tự luận và thơ, thơ trong văn xuôi đã làm nên nét độc đáo trong các tác phẩm của nhà văn.

Trong số các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hầu hết tác giả đều đưa thơ vào trong tác phẩm. Điều này cho thấy, việc đưa thơ vào văn xuôi có thể được xem là một đặc trưng trong phong cách của ông. Sự kết hợp trên nhiều phương diện giữa thơ và văn xuôi (truyện ngắn) trong cùng một tác phẩm tiềm tàng khả năng mang lại sự đa dạng về sắc thái thẩm mỹ cho tác phẩm. Tất nhiên, sự đa dạng ấy có thực là một giá trị hay không và giá trị đến đâu thì còn phụ thuộc vào năng lực của chính người viết. Sự kết hợp độc đáo giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn đã giúp Nguyễn Huy Thiệp khẳng định giá trị của tác phẩm và năng lực của chính mình.

2. Sự kết hợp tự luận – thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
2.1. Thơ trong truyện ngắn hiện đại

Rất nhiều truyện ngắn vào loại đặc sắc của Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Không có vua, Huyền thoại phố phường, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê...) đều có thơ - hoặc của người khác, hoặc của chính Nguyễn Huy Thiệp sáng tác - như là những văn bản khác kiểu được “cài” vào văn bản văn xuôi.
Về hình thức, nhà văn đã sử dụng từ những mẩu thơ hai câu đến cả những bài thơ dài; về nguồn thơ, có truyện ngắn nhà văn mượn thơ của các nhà thơ khác, hoặc những truyện ngắn có thơ do chính ông sáng tác. Ngoài ra, còn có các câu ca dân gian được nhà văn sử dụng nguyên văn hoặc được chỉnh sửa lại theo cách của mình.

-                     Thơ của các nhà thơ khác

Trong số các truyện ngắn mà Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng thơ của các tác giả khác, tiêu biểu ở các truyện: Nguyễn Thị Lộ (mượn thơ Nguyễn Trãi), các truyện Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết (mượn thơ Nguyễn Du), Sang sông (mượn thơ Nguyễn Gia Thiều), Chút thoáng Xuân Hương (mượn thơ Hồ Xuân Hương), Giọt máu (mượn thơ Trần Tế Xương), Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt ( mượn thơ Nguyễn Bính), Thương nhớ đồng quê (mượn thơ Bùi Văn Ngọc), Đưa sáo sang sông (mượn thơ Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh, Vũ Toàn)…

 “Một đóa đào hoa khéo tốt tươi
Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười
Động phong ắt có tình hay nữa
Kiện tiển mùi hương dễ động người.
Động người hoa khéo tỏ tinh thần
ít bởi vì hoa, ít bởi xuân
Rỉ sứ chim xanh đừng chuốc lỗi
Bù trì đã có khí hồng quân.
Khí hồng quân hãy sá tài qua
Chớ phụ xuân này chớ phụ hoa
Hoa có ý thì xuân có ý 
Đâu đâu cũng một khí dương hòa.
Nguyễn Thị Lộ (mượn thơ của Nguyễn Trãi – Đào hoa)

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Kiếm sắc (mượn thơ Nguyễn Du)

Chữ trinh đáng giá ngàn vàng...
Chữ trinh còn một chút này...
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đuờng...
Phẩm tiết (mượn thơ Nguyễn Du)

 “Chành ra ba góc da còn thiếu
Chút thoáng Xuân Hương (mượn thơ Hồ Xuân Hương – Cái quạt)

Chén ứa men, lành lạnh ngón tay
Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây
Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt ( mượn thơ Nguyễn Bính – Trời mưa ở Huế)
Những một mình em uống rượu hồng…
Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt ( mượn thơ Nguyễn Bính – Xuân tha hương)

Bài thơ “Ðám Ma Trinh Nữ Trên Ðồng” của nhà thơ Bùi Văn Ngọc trong truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp:
Tôi đi đưa đám ma trinh nữ trên đồng
Cái chết trắng, cái chết trắng xoá
Những con bướm trắng, những bông hoa trắng
Những tâm hồn trắng, những cuộc đời trắng.
Ơi hời, tôi đưa đám ma trinh nữ trên đồng
Tôi đào huyệt, dài một mét tám, ngang bảy mươi phân
Tôi đào huyệt, sâu một mét rưỡi
Ơi hời, tôi chôn vào đây tinh thần sơ nguyên
Ơi hời, này là vật hiến tế cho đất đai
Trinh nữ vẹn tuyền, cái chết trắng xóa
Những con bướm trắng, những bông hoa trắng
Những tâm hồn trắng, những cuộc đời trắng
Ơi hời, tôi lót vào ngực bài thơ trắng tinh
Bẻ một cành xanh mà che mắt nhìn
Gió phơ phất, hồn bay phơ phất
Hồn bay lên, trên cánh đồng người
Tôi đi đưa đám ma trinh nữ trên đồng
Trong ngày như thế, trong một ngày dưng
Trong ngày như thế, trong một ngày thường
Ơi hời, tôi đi lẫn trong đám đông, trong số đông,trong lòng người, trong nỗi đau thương, trong thê lương…”
Thương nhớ đồng quê (mượn thơ Bùi Văn Ngọc)…

-                     Thơ của chính tác giả
Các truyện ngắn có thơ do chính Nguyễn Huy Thiệp sáng tác, tiêu biểu là ở các truyện: Huyền thoại phố phường, Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê, Tướng về hưu, Chảy đi sông ơi, Thiên văn, Mưa ở Nhã Nam, Trương Chi, Truyện tình kể trong đêm mưa, Chăn trâu cắt cỏ, Không khóc ở California, Sống dễ lắm
Xổ số đặc biệt 
Giải bảy trăm nghìn 
Món quà phẩm hạnh 
Lộc của thần linh 
Số trời may mắn 
Đâu đến chú mình 
Đỏ đen nhân thế 
Hữu sự hữu tình
(Huyền thoại phố phường)

Tôi nghĩ 
Tôi nghĩ về sự đơn giản của ngôn từ 
Sự bất lực của hình thức biểu đạt 
Mà nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất 
Sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt đất 
Những số phận hiu hắt đầy mặt đất 
Bao tháng ngày trôi đi 
Bao kiếp người trôi đi 
Sự khéo léo của ngôn từ nào kể lại được 
Ai nhặt cho tôi buổi sáng mai này 
Nhặt được ánh hoang vắng trong mắt em gái tôi 
Nhặt được sợi tóc bạc trên đầu mẹ tôi 
Nhặt được niềm hy vọng hão huyền trong lòng chị dâu tôi 
Và nhặt được mùi vị nghèo nàn trên cánh đồng quê 
Tôi rốt ráo bắn tỉa từng ý nghĩ 
Tìm cách săn đuổi cho nó vào chuồng 
Và tôi hú gọi trên cánh đồng lòng 
Tru lên như con sói hoang 
Tôi gắng gặt một lượm sống 
Bó buộc lỏng lẻo bởi dải băng ngôn từ 
Tôi hú gọi trên cánh đồng người 
Tôi nhặt những ánh mắt đời 
Hòng dõi theo ánh mắt tôi 
Dõi vào cõi ý thức 
Cõi ý thức mênh mông xa vời 
Dầu tôi biết vô nghĩa, vô nghĩa, vô nghĩa mà thôi.
(Thương nhớ đồng quê)

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi
(Chảy đi sông ơi)…

Nỗi buồn của ta ơi
Như cục đá đè nặng tim ta
Nào ai thấu 
Phía xa kia là quê nhà
Tuổi trẻ mờ sương
Những ký ức mờ sương
Những ước mơ đâu cả rồi?
Những mơ ước của ta 
Ta đã mơ rất say đắm
Mơ hoa lá, những bài ca,
Những tiếng đàn,
Những nụ cười, những đồng lúa chín,
Những lâu đài rực rỡ,
Ta đã mơ thấy nàng
Trong suốt và đỏ chói
Những mơ ước đâu cả rồi?
Những mơ ước của ta
Có ai về đó không? 
Về quê nhà ta
Chào giúp một câu
Cho bớt nỗi đau
Chào giúp một câu
Cho bớt nỗi sầu
Những mơ ước đâu cả rồi? 
Những ước mơ say đắm khôn nguôi
Nỗi buồn của ta ơi
Như cục đá đè trĩu tim ta
Ai thấu chăng tình ta?”

“Đêm nay là đêm nao
Này người tình ơi 
Rồi nàng cũng thành một bà lão
Lụ khụ, đáng kính và cô đơn thôi!
Bây giờ nàng cứ cười đi 
Ta đâu mếch lòng
Nàng còn trẻ tuổi.
Nàng hiểu làm sao
Những khao khát nực cười của ta
Ta vốc một nắm gió
Ném vào khoảng không kia
Nheo một bên mắt
Tay đút túi
Ta không khiến nàng bận tâm
Gió đi đâu
Dạt đến chân trời nào
Nàng biết quái gì? 
Gió đi đâu?
Đến bao giờ thành bão?
Trên con thuyền này
Ta bắt quyết
Luyện phép một mình
Ai thấu lòng ta?
Nàng cứ cười đi
Và chớ có tin
Nàng có tin ai đâu
Thói của nàng là thế
Nàng được giáo dục như thế từ bé tí
Nàng chỉ tin ở bạo lựcTa biết thừa
Ai thấu lòng ta
Những khát khao của ta
Những cuồng vọng của ta
Những tín ngưỡng của ta
Với con thuyền này
Ta chèo qua số phận
Ta chèo qua thời gian
Ta chèo một mình...”

“Chàng hát:.
Tình yêu, bài ca mà Trương Chi hát 
Cất lên từ trái tim bị thương tổn
Ngọn cờ nàng phất trên ta là tình yêu
Và tiếng trống trận là nhịp tim ta
Kẻ thù của ta
Chúng sẽ bôi nhọ tên ta
Còn ta
Ta sẽ vung ra trước chúng
Lưỡi mác của tình yêu
Xuyên qua tim ta
Và qua tim nàng
Này người tình ơi
Thực ra, nàng còn rỗng tuếch và tẻ nhạt
Tâm hồn nàng có những con rắn hoài nghi trơn tuột nằm phục
Nàng gian lận trong bài bạc
Nàng đánh giá điều thiện như cách nàng đánh giá đồ trang sức và tài sản
Nàng ngờ vực ngọn gió 
Và gieo gặt nhờ kích thích thói xấu
Mồi thính của nàng 
Là quyền lợi và danh dự hão huyền
Ta đâu cần một bữa cơm 
Đâu cần một manh áo
Cơm ta thiếu gì? áo ta cần chi?
Ta ở trên đất đai của tổ tiên ta 
Và quăng lưới trên dòng sông của tổ tiên ta
Những khao khát của ta
Hướng về tuyệt đối...
Ta là Trương Chi
Ta ca ngợi tình yêu
Nở từ hạt thiện
Và bông hoa của tự nhiên
Là sự chân thực lạnh buốt…”

“Chàng hát:
Hãy ca hát tình yêu
Hỡi những trái tim lãnh cảm
Những trái tim sắt đá
Bạo lực chỉ gây oán thù
Nòi giống phải trả giá
Ta là Trương Chi
Ta hát cho tình yêu
Vẻ đẹp tự nhiên
Sự chân thực lạnh buốt…”

“Chàng hát:
Ta là Trương Chi
Ta hát cho tình yêu
Đây là thanh danh ta
Và thanh danh nàng…”

“Chàng hát:
Ta là Trương Chi
Ta hát cho tình yêu
Tình yêu không xúc phạm được
Bởi nó kiêu hãnh và tinh tế…”

“Chàng hát:
Ta là Trương Chi
Ta hát cho tình yêu
Tình yêu cần hy sinh
Bởi nó không khoan nhượng…”

“Chàng hát:
Sự ngu ngốc hay khôn ngoan với tình yêu đều như nhau
Sự ràng buộc hay không ràng buộc cũng thế…”

“Chàng hát:
Tình yêu không mất đi và không sinh ra
Tình yêu tuyệt đối…”

“Chàng hát:
Ta là Trương Chi 
Bài ca ta cât lên từ trái tim bị thương tôn
Này người tình ơi
Xin đừng vì sự thương tổn trái tim ta mà tổn thương trái tim nàng
Chúng ta đi qua cuộc đời bạc bẽo này, giả dối này
Nàng cứ sống đi rồi sẽ hiểu 
Những chân trời nào nàng sẽ qua...
Và những gì làm trái tim ta đau
Ghi dấu trên thanh danh ta...
Và trên cả thanh danh nàng
Có một thứ tình yêu bất tử...”
(Trương Chi)

- Những câu thơ ca dân gian được nhà văn sử dụng lại theo cách của mình, điển hình trong các truyện: Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ
Cái tình chi
Mượn màu son phấn ra đi...
(Lời hát cổ - Con gái thủy thần)
Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Thì về cơm vua
Ông thợ nào thua
Thì về bú tí...
(Hát dỗ em – Những người thợ xẻ)
Tần số xuất hiện của thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khiến người đọc phải ngạc nhiên. Phạm Xuân Nguyên nhận ra: “Trong truyện anh có thơ, nhiều thơ”, còn tác giả Đỗ Đức Hiểu viết: “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều bài thơ”. Mức độ dày đặc của những bài thơ trong truyện có thể tập hợp, sắp xếp để in thành một tập thơ đầy đặn: “ Tôi còn nghĩ: Giá có ai tập hợp tất cả các câu thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta sẽ có một “tập” thơ Nguyễn Huy Thiệp. Những câu thơ không vần ấy vừa gợi mở vừa đóng kín, nó bí ẩn và tiên tri, người đọc nghĩ đến những chân trời khác”.
2.2.         Vị trí, chức năng của thơ trong truyện ngắn
- Thơ được dùng làm đề từ

Thơ được dùng làm đề từ, theo thông lệ được đặt ở đầu truyện. Thông thường, người đọc ít chú ý đến mục này, vì tâm thế tiếp nhận của họ là đón đợi nội dung câu chuyện. Đây là hạn chế của đa số người đọc, vì lời đề từ có chức năng dẫn dắt, định hướng cho họ. Mặt khác, lời đề từ còn có nhiệm vụ tạo ra sự gián cách giữa văn bản và người đọc, nhắc nhở người đọc, báo trước cho họ rằng đây là câu chuyện được viết ra, được kể bởi tác giả và người kể chuyện. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, việc sử dụng thơ làm đề từ không nhiều, nhưng nó gợi cho ta nhiều suy nghĩ về nghĩa của văn bản và tính liên văn bản trong cấu trúc truyện. Trước hết, thơ đề từ luôn gắn với một tâm sự mà nhà văn gửi vào truyện. Trong 10 truyện có thơ đề từ, ngoại trừ truyện Nguyễn Thị Lộ sử dụng một ý thơ của Maiacopxki (nhà thơ Nga) : “Vấp phải đời phàm tục / Chiếc thuyền tình vỡ tan.... Còn 9 truyện khác đều sử dụng thơ của các nhà thơ cổ điển Việt Nam hay lời ca cổ và chúng đều thể hiện một nỗi niềm u hoài nào đó. Mặt khác, thơ đề từ tạo nên hình thức liên kết văn bản. Do chỗ nhà văn sử dụng lời thơ đề từ có xuất xứ từ bên ngoài, nên buộc người đọc phải tìm hiểu và kết nối tinh thần của hai văn bản theo cách hiểu “tác phẩm văn học như một quá trình”.

Từ những điều trên, chúng ta thấy giữa văn bản trích (lời đề từ) và văn bản nguyên (truyện ngắn) có một sự gắn kết, mà văn bản trích được xem như bước đệm để xâm nhập vào văn bản nguyên. Vì vậy, việc đọc lời đề từ buộc người đọc phải tìm hiểu văn bản nguyên của nó, gắn văn bản này với văn cảnh đã tạo thành nó. Điều này sẽ góp phần tái lập nghĩa từ việc lý giải văn bản trước, đặt văn bản sau lên văn bản trước để thấy được sự vận động của cuộc sống, của kinh nghiệm thẩm mỹ, kinh nghiệm văn hóa trong tính liên tục của dân tộc và nhân loại.
- Truyện ngắn Con gái thủy thần:
Cái tình chi
Mượn màu son phấn ra đi…
( Lời hát cổ )
- Truyện ngắn Giọt máu:
Đem chuyện trăm năm giở lại bàn
( Trần Tế Xương ).
- Truyện ngắn Chút thoáng Xuân Hương:
 “Chành ra ba góc da còn thiếu
( Hồ Xuân Hương )
- Truyện ngắn Mưa:
 “ Phong vận kì oan ngã tự cư” 
( Nguyễn Du )
- Truyện ngắn Kiếm sắc:
 “ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
(Nguyễn Du)
- Truyện ngắn Vàng lửa:
 “ Rầu lòng vậy…Cầm lòng vậy…
                   ( Dân ca )
- Truyện ngắn Phẩm tiết:
 “ Chữ trinh đáng giá ngàn vàng…
Chữ trinh còn một chút này…
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường...
(Nguyễn Du)
- Truyện ngắn Nguyễn Thị Lộ:
Vấp phải đời phàm tục
Chiếc thuyền tình vỡ tan
(Từ một ý thơ của Maiacopxki).
- Truyện ngắn Trương Chi:
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu hát thì thậm hay
( Truyện cổ)
- Tryện ngắn Những người thợ xẻ:
Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Thì về cơm vua
Ông thợ nào thua
Thì về bú tí…
( Hát dỗ em )
-         Thơ được “mô típ hóa” và thơ “như những đoạn trữ tình ngoại đề”
Nhà nghiên cứu người Nga, T.N.Filimonova, ở bài viết Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, NXB Văn hóa Thông tin, 2001) đã phân biệt hai cách tác giả đưa thơ vào truyện ngắn. Cách thứ nhất, đó là khi thơ được mô típ hóa theo cốt truyện: các nhân vật hát những bài ca, hoặc đọc những bài thơ có chức năng nhấn mạnh chính cái cần thiết về mặt cốt truyện, trên bình diện tư tưởng, hoặc theo quan điểm tính cách nhân vật. Cách thứ hai, đó là khi thơ xuất hiện như những đoạn trữ tình ngoại đề, hoặc như giọng nói bên trong của nhân vật, hoặc như giọng của người kể chuyện, mà thường các giọng này hòa quyện với nhau. Trong cả hai cách, những câu thơ, hay những đoạn thơ, những bài thơ được đưa vào truyện đều có một giá trị riêng, và ít nhất thì chúng cũng đã gặp nhau ở điểm: tạo nên một trong những sự khác lạ cho truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trên mặt bằng truyện ngắn cùng thời.

Như đã nói, thơ trong văn là chuyện không hề mới, vấn đề là ở giá trị của việc sử dụng. Kết quả khảo sát của T.N.Filimonova trong Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp cho thấy, trong 24 truyện thì có đến 21 truyện có sử dụng thơ, nhiều trường hợp, thơ chiếm dung lượng lớn . Hơn thế, thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ nhiều mà còn rất đa dạng. Ông khẳng định: “Rõ ràng, đối với Nguyễn Huy Thiệp việc sử dụng thơ - đó không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà là một nhu cầu đòi phải được thoát ra”. Quả thực như vậy, trong văn học, có những bài thơ được đưa vào truyện ngắn hoàn toàn mang tính khách thể. Thế nhưng, trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những câu thơ, bài thơ dù ngắn, dù dài đều nhằm trực tiếp bộc lộ ý chỉ của tác giả hoặc khúc xạ ý chỉ của tác giả. Phải nói rằng, những câu thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đều phải “làm việc”. Trong nhiều truyện, những bài thơ đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc cấu thành cốt truyện, nó kết hợp một cách logic và hết sức tự nhiên, nhuần nhuyễn với cấu tứ của truyện. Đó là trường hợp của các truyện: Chút thoáng Xuân Hương, Trương Chi, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Huyền thoại phố phường, Chảy đi sông ơi, Đời thế mà vui... Ở những truyện này, luận đề của truyện lại được thể hiện một cách đầy cô đọng, súc tích trong những bài thơ, những câu ca dao, những bài đồng dao... Ví như những câu hát trong truyện ngắn Thương nhớ đồng quê. Khi Quyên bảo: “Cánh đồng rộng quá... anh có biết cánh đồng bắt đầu từ đâu không?”. Đúng là một câu hỏi khó, nếu trả lời bình thường, tác giả phải mất vài trang giấy nhưng chắc chắn sẽ không hiệu quả bằng. Nguyễn Huy Thiệp để nhân vật Nhâm trả lời bằng một đoạn thơ, đoạn thơ bắt đầu bằng:
Cánh đồng bắt đầu từ nơi rất sâu trong lòng tôi 
Trong máu thịt tôi đã có cánh đồng 
Đứng bên ni đồng mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng bát ngát mênh mông...
Đặt những câu thơ vào tình huống này, trong lúc này là hết sức đắc dụng. 
Thế nhưng, giá trị hơn cả là nhiều truyện mà trong đó, những bài thơ “làm việc” như những đoạn trữ tình ngoại đề, nó thể hiện tiếng nói bên trong đầy tinh tế của nhân vật. Cũng trong Thương nhớ đồng quê, khi cái chết đến với hai cô em gái Nhâm quá oan nghiệt, Nguyễn Huy Thiệp khéo léo mượn lời bài thơ “Đám ma em gái trên đồng” để bộc lộ tâm trạng của các nhân vật. Bài thơ có đoạn: 
Tôi đi đưa đám ma em gái trên đồng 
Cái chết trắng, cái chết trắng xoá 
Những con bướm trắng, những bông hoa trắng 
Những tâm hồn trắng, những cuộc đời trắng 

Có thể thấy, việc sử dụng thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một kỹ thuật viết rất riêng của ông. Chính vẻ đẹp đầy bí ẩn của những truyện ngắn này làm cho Đỗ Đức Hiểu “tò mò” đi tìm nguồn gốc: “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”. Ở đó, ông thấy “những giọt vàng”  thơ ca và triết lí. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chứa đựng những bí ẩn. Nó có nhiều bài thơ. Bằng sự tương tác đó, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đạt được tính “lợi hại” của sự kết hợp mà Kuranốp - nhà nghiên cứu người Nga từng đề cập: trong nền văn học hôm nay, chúng ta chứng kiến sự xích lại gần nhau  giữa thơ và văn xuôi... Sự xích lại này làm cho văn xuôi chúng ta thêm nồng ấm, run rẩy, nhiều chất hội hoạ, cô đọng hơn trong những ẩn dụ thấm vào từng câu, từng đoạn. Việc xích lại gần với thơ làm cho văn xuôi vừa trở nên sâu sắc hơn, vừa dễ hiểu hơn. Thứ dòng chảy ngầm này cần cho mọi truyện ngắn. Nó giúp cho truyện có thể ngắn gọn mà vẫn súc tích.

Huyền thoại, bản thân nó đã là những biểu tượng, những bài thơ trữ tình đẹp về “thời kì một đi không trở lại” của nhân loại. Huyền thoại tạo nên những “giấc mơ ban ngày” trong trí tưởng tượng bay bổng của người nghệ sĩ. Khi truyện ngắn phủ lên lớp sương mù của huyền thoại sẽ làm cho tác phẩm tiến gần đến thơ. Trong truyện Con gái thuỷ thần, huyền thoại về Mẹ Cả ám ảnh nhân vật “tôi” không dứt. Truyện kết cấu bằng một cuộc đi tìm, đi tìm Mẹ Cả, cũng là đi tìm cái đẹp, đi tìm giấc mơ tuổi thơ, đi tìm chính mình. Thế rồi “tôi” cứ đi, cứ đi với bao câu hỏi luôn khắc khoải: 
Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? 
Bởi lẽ gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi...
Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? 
 Bởi lẽ gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi...

-         Thơ trong cấu trúc song hành với văn xuôi

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang cảm quan của thơ ca. Một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất thơ và truyện ngắn trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn Lê Minh Hà gọi đó là những truyện ngắn “dữ dội và hết sức thơ”. Cảm quan thơ thể hiện bàng bạc trong tác phẩm của nhà văn: từ ngôn từ đến cấu trúc, từ huyền thoại đến những bài thơ, từ tiêu đề đến những kết thúc.

 Cảm quan ấy trước hết thể hiện ở cái tôi đầy chất thơ. Trong truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn không có ý định che dấu cái tôi của mình. Nhưng như Nguyễn Đăng Mạnh từng nói, có một cái tôi lưỡng phân trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, một cái tôi của văn xuôi và một cái tôi của thơ. Cái tôi thứ hai giàu suy tư và bao giờ cũng mênh mang buồn “Buồn thương, xót xa vẫn là âm hưởng bao trùm lên mọi trang viết của Nguyễn Huy Thiệp”. Cái tôi thứ hai luôn khắc khoải đi tìm, đi tìm cái đẹp, đi tìm tình yêu, đi tìm thiên tính nữ và tìm lại những chân trời huyền thoại trong vô thức tuổi thơ của mỗi con người.

Cảm quan đậm chất thơ trước thiên nhiên thể hiện thành hình ảnh trở đi trở lại đầy ấn tượng trong Những người thợ xẻ. Những bông hoa ban trắng luôn xuất hiện cùng những câu hỏi day dứt của nhà văn - thi nhân này:
Bạt ngàn là hoa ban trắng, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng.
Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?”.
Vài trang sau, tác giả lại băn khoăn:
 “Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng.
Này hoa ban, một nghìn năm sau mày có trắng thế không?”.
Giai điệu man mác ấy cứ lặp lại như giục giã con người hãy rũ bỏ cái “vô tâm” mà sống, vì như ông vẫn băn khoăn “Người vô tâm nhiều như bụi đường”.

Âm hưởng thơ ca còn được tạo ra bởi một đặc trưng rất độc đáo: thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp. Việc sử dụng thơ trong văn không phải là hiện tượng lạ, đặc biệt là đối với văn học Việt. Thơ trong cấu trúc song hành với văn xuôi là một đóng góp mới của Nguyễn Huy Thiệp.Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp nằm trong làn ranh giới thời gian giữa “cũ” và “mới”. Vào thời điểm Nguyễn Huy Thiệp sáng tác, văn xuôi đã hầu như cạn kiệt về khả năng sáng tạo cái mới. Mức độ đậm đặc của những bài thơ trong truyện ngắn cùng “chất lượng” của nó đem đến nhiều điều mới mẻ và làm cho nhiều người đọc nghĩ đến một chuyện khá thú vị: nếu tập hợp tất cả các bài thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta sẽ có được cả một tập thơ hết sức đầy đặn. Thơ trong cấu trúc song hành với văn xuôi là một dạng cấy ghép về thể loại. Trong văn bản, thơ tồn tại song song với văn xuôi và không hoàn toàn phụ thuộc vào văn xuôi, thậm chí, nó mang tính đồng đẳng.

Trong những truyện ngắn giàu chất thơ ấy, người viết có ấn tượng đặc biệt với Chảy đi sông ơi. Một điều thật thú vị là truyện ngắn này chứa đựng tất cả những yếu tố làm nên chất thơ như vừa trình bày ở trên. Tác phẩm ngắn, rất ngắn. Một truyện ngắn có sức nén và độ dư ba lớn. Ngắn đối với tác phẩm này đúng là một phẩm chất. Chất thơ làm nên sự cô đặc, hàm súc, đến lượt nó, sự ngắn gọn làm toả ra chất thơ. Nhan đề tác phẩm đầy chất nhạc: “Chảy đi sông ơi”. Và quả thực, có một dòng sông của thi ca chảy vắt qua tác phẩm. Đó là một dòng sông có linh hồn “Con sông tựa như giật mình phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng đang mải mê suy nghĩ, chẳng cần mà cũng chẳng thèm biết đến xung quanh chộn rộn những gì”. Con sông ấy chứa đầy thi vị khi ôm ấp trong lòng những huyền thoại hằn sâu vào kí ức tuổi thơ “tôi”. Ở đó, tác giả gửi gắm ước mơ đầy kì ảo về con trâu đen đem lại sức mạnh phi thường cho những người may mắn. Con sông càng đầy tâm trạng khi trên sông luôn ngân nga một giai điệu trầm buồn: 
Ở  bên kia sông có tiếng ai hát một bài rất lạ, tiếng hát thật buồn. 
Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi?...
Những dòng văn xuôi tuôn dài êm dịu như tiếng thơ, tiếng nhạc dìu dặt, mênh mang. Để rồi truyện ngắn kết thúc bằng tiếng gọi thao thiết, vang vọng chất thơ, gieo vào lòng người đọc bao khắc khoải suy tư không dứt: “Đò ơi... ơi đò! Đò ơi! Ơi đò!” 

Nhiều người cho rằng Nguyễn Huy Thiệp lạnh lùng, vô cảm khi có những đoạn “giọng văn nén chặt, rất cọc, vẻ như triệt tiêu mọi cảm xúc”. Nhưng may thay, những dòng văn ấy không bị rơi xuống cái âm vực sắc lạnh của sỏi đá khi bên cạnh nó có những đoạn vút cao, chảy tràn chất thơ. Đó chỉ có thể là chất thơ ấm nóng được thốt lên từ tiếng lòng, tiếng lòng của “hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”, của “những tiếng lòng líu la líu lo”. 

Khi chất thơ kết hợp với những tố chất thể loại khác sẽ làm cho tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp có được sự rậm rạp trên bề mặt và chiều sâu trong việc thăm dò vào đời sống nội tâm của con người. Bằng cách ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã đi được rất xa, đã làm một cuộc bứt phá trong nỗ lực cách tân văn xuôi Việt Nam hiện đại. Với chất thơ hòa trộn song hành trong truyện ngắn, sự kết hợp hài hòa giữa tự luận và thơ một cách nhuần nhuyễn, thậm chí có thể nói nó mang tính đồng đẳng dường như khiến người đọc khó có thể nhận ra đây là sự kết hợp hoàn hảo thơ trong văn xuôi hay chính văn xuôi trong thơ. Tính chất ấy càng làm tăng thêm giá trị của tác phẩm và tính đa thanh trong phong cách sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

3.     Kết luận

Việc để cho thơ xâm nhập ồ ạt vào văn xuôi, từ lời đề từ, lời hát của nhân vật đến những bài thơ được cấy ghép song hành vào trong truyện, đối với Nguyễn Huy Thiệp là một sự giải phóng hình thức thể loại ra khỏi những khung hình, những quan niệm truyền thống, là những cái đang giết chết nghệ thuật thời bấy giờ.


Thơ trong văn xuôi, vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ, nó vẫn luôn chứa đựng những khả năng mở rộng hình thức diễn đạt của văn học. Trong thời điểm khủng hoảng truyện ngắn tự sự ở Việt Nam những năm sau 1975, thì chính Nguyễn Huy Thiệp, chứ không phải ai khác, đã làm nên sự biến động trong văn học Việt Nam, để từ đó tạo đà cho những thế hệ nhà văn tiếp theo tự tin và vững vàng trong sáng tạo. Thơ trong văn xuôi, hình thức diễn đạt này, tùy theo những mức độ khác nhau, chúng ta tiếp tục bắt gặp trong văn xuôi của những nhà văn thế hệ thứ kế tiếp, thế hệ mạnh bạo hơn trong việc chuyển đổi văn học Việt Nam từ hiện đại đến hậu hiện đại tiêu biểu như Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương…

Trần Thị Ngọc Lê


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét