Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

ĐÒ LÈN (NGUYỄN DUY) – TỪ GÓC NHÌN GIẢI THIÊNG, GIẢI ẢO (ThS. Hà Thị Hoài Phương)




Nguyễn Duy được độc giả yêu thơ biết đến với chùm thơ nổi tiếng từ trước năm 1975 như “Tre Việt Nam”, “Hơi ấm ổ rơm”, “Bầu trời vuông”. Sau một giai đoạn chững lại tìm tòi, đổi mới, năm 1978, Nguyễn Duy xuất bản tập thơ Ánh trăng đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng. Vẫn là Nguyễn Duy “thảo dân” đấy (chữ dùng của TS Chu Văn Sơn) nhưng giờ lắng lại trong những suy tư, chiêm nghiệm về thế sự, cả những trăn trở đớn đau về đất nước, nhân dân ở giai đoạn chuyển mình... 

Bài thơ “Đò Lèn” mới đọc tưởng nhà thơ đi theo mạch tình cảm gia đình như nhiều bài trong tập Cát trắng (xuất bản năm 1973), có độc giả còn nhận định “Đò Lèn” hao hao “Bếp lửa” của Bằng Việt vì đều viết về tình cảm bà cháu trong cảnh chiến tranh, nhưng đọc sâu, xét kĩ thì hoàn toàn không phải giản đơn như thế. Thực chất, bài thơ là cả một cuộc đốn ngộ đầy đau đớn. Không phải là lẽ Satna (chỉ trong khoảnh khắc đã bừng ngộ ra chân lí) mà phải đi gần hết cuộc đời, phải trả giá bằng sự ân hận muộn màng, nhà thơ mới nhận ra những điều lẽ ra phải biết từ lâu. Với Đò Lèn, Nguyễn Duy đã tự mình giải thiêng, giải ảo cho chính ông, cho bao nhiêu con người từng ru mình trong ảo vọng mà quên đi những điều thiêng liêng bình dị, gần gũi quanh mình.

ĐÒ LÈN

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần.

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực
giữa bà tôi và tiên phật thánh thần
cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm.

Bom Mỹ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn!

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!

Xét về mặt hình thức, bài thơ gồm 6 khổ, viết theo thể thơ tự do, những câu thơ không được viết hoa đầu dòng, nối nhau như dòng tâm tư, kí ức trải suốt cuộc đời tác giả. Điểm đặc biệt là sự xuất hiện rất dày các địa danh trong hầu hết các khổ thơ mở ra trước mắt người đọc một không gian làng quê đất Việt rất thân thương, gần gũi. Nhan đề “Đò Lèn” đã định hướng miền quê cụ thể đó là miền Hà Trung, Thanh Hóa giáp với Ninh Bình. Qua hệ thống địa danh rải rác trong toàn bài, người đọc có thể hình dung về miền đất nơi tác giả từng có một tuổi thơ nghèo khó bên cạnh người bà tần tảo. Nếu chỉ có thế cũng chưa có gì đáng nói. Điều đáng nói là đằng sau hệ thống địa danh đó, nhà thơ đã khắc họa nên hai thế giới, hai cõi: trần gian và tiên giới, thực và hư. Thế giới thực, thế giới của cõi trần lam lũ, cơ cực gắn với những địa danh: Cống Na, chợ Bình Lâm, Đồng Quan, Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Giao, ga Lèn cùng tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo của người cháu và những vất vả lặn lội của người bà. Thế giới huyền hoặc, hư ảo, chập chờn trong nghi ngút khói hương gắn với niềm tin thơ ngây của đứa cháu hiển hiện qua các địa danh: Chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng. Trong kí ức người cháu, tuổi thơ trôi qua bên cạnh người bà ngoài những trò nghịch dại: bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật / và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần, còn có gì đó rất mê hoặc khi “lên chơi đền Cây Thị / chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng / mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm / điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”. Đứa trẻ không đến với thần phật bằng sự sùng tín nhưng trong đôi mắt trẻ thơ tò mò, trong tâm hồn sáng trong, thánh thiện, mùi hương nồng nàn của hoa huệ, của nhang trầm, dáng điệu lảo đảo của cô đồng trong tiếng nhạc chầu văn vẫn như một thứ thuốc mê, có ma lực dẫn dụ đứa trẻ chìm đắm trong thế giới hư ảo, làm ru quên cõi đời thực đầy vất vả, cơ cực của người bà:

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở Đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

Từ láy “thập thững” mô tả rất đắt bước thấp bước cao, đôi gánh trĩu nặng trên hai vai bà trong những đêm đông buốt giá. Đứa cháu ngây thơ đã không nhận ra bà như một vị Phật sống giữa bao nhiêu tiên, Phật, thánh thần được người đời tôn thờ trong khói hương nghi ngút. “Tôi đâu biết” được thốt lên như một sự thanh minh về lỗi lầm của mình nhưng vẫn nghe trĩu nặng nỗi niềm ân hận xót xa. Đứa cháu cứ sống hồn nhiên giữa hai thế giới:

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực
giữa bà tôi và tiên phật thánh thần

Có điều cái thế giới hư ảo ngấm sâu vào tâm thức đến mức trong đói khát “củ giong riềng luộc sượng” người ta “vẫn nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm!”. Trớ trêu thay, điều tưởng tồn tại vĩnh cửu lại rất mong manh, cái tưởng chừng mong manh lại hóa ra bền bỉ! Cái ngỡ có thể cứu vớt con người rốt cuộc rất hư vô, chỉ có con người mới đủ khả năng chèo chống và tự cứu lấy mình:

Bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất
Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn! 

Có gì rất chua chát pha sắc thái giễu cợt đằng sau cách sử dụng từ ngữ của nhà thơ. Động từ “bay” được lặp lại ba lần, nhất là từ “bay tuốt” không chỉ nhằm để nói lên sức tàn phá, hủy diệt của bom Mỹ mà còn nói lên sự dễ dàng bị tiêu biến của những giá trị tưởng không gì tàn phá nổi. Màn sương huyền ảo bị xé toang! Khi con người bị đặt giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, niềm tin tôn giáo không lên ngôi mà nhường chỗ cho một niềm tin khác, mạnh mẽ, bền bỉ: Đó là niềm tin vào sự sống con người. Khi cái Ác hiện hữu và săn đuổi, bà là hiện thân của cái Thiện và cái Thật bảo bọc, chở che cho đứa cháu. Dẫu cho sự sống mong manh biết nhường nào, nhưng còn gì thật hơn hình ảnh con người bằng xương bằng thịt tồn tại giữa bão táp chiến tranh, chống chọi với đói khát chết chóc như một đấng cứu khổ cứu nạn. Cõi hư huyền rốt cuộc chỉ là những ảo tưởng xa vời, ru mê những tâm hồn bé dại, chỉ có cõi đời vất vả, khổ đau mới gần, mới thực mới khiến ta tỉnh ngộ. Mới nhận ra đâu là Thực và hư, Thiện và Ác, vĩnh cửu và hư vô, bền bỉ và mong manh, hữu hạn và vô hạn...Dẫu cho cái sự nhận ra ấy đến rất muộn màng! 

Trên góc độ hình tượng, người bà là một điểm nhấn của bài thơ, có thể sánh với mọi hình tượng người phụ nữ đẹp nhất trong văn học từ xưa đến nay. Khác với người bà trong bài “Bếp lửa” của Bằng Việt – tiêu biểu cho văn học sử thi, người bà trong “Đò Lèn” của Nguyễn Duy tiêu biểu cho văn học thế sự. Người bà nào cũng tần tảo, lam lũ vất vả, đáng kính trọng và đầy yêu thương. Nhưng người bà của Bằng Việt mang tầm vóc của hậu phương trong những tháng năm chống Mỹ cứu nước, là một phần của cuộc chiến, người giữ và truyền lửa yêu thương và căm thù; còn người bà của Nguyễn Duy là nạn nhân của cuộc chiến, mang thân phận thảo dân bé nhỏ. Dù vậy, giữa cuộc chiến tranh khốc liệt, bà vẫn tần tảo can trường. Quán Cháo Đồng Giao thập thững những đêm hàn. Ở thời bà tác giả sống, đây là vùng hoang sơ, rậm rạp, nơi rừng thiêng nước độc; thú dữ rất nhiều, kẻ cướp lục lâm thảo khấu hoành hành. Thời tiết khắc nghiệt, một người phụ nữ già nua, một thân một mình lặn lội, chống chọi với tất cả. Thập thững là dáng điệu vừa mệt mỏi, vừa gắng gỏi, bộc lộ nỗi xót thương của người cháu sau bao nhiêu năm nhớ lại hình ảnh người bà. 

Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

Thân phận thảo dân của người bà hiện lên rất đậm. Không gian ở đây là cõi trần (Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết), một không gian không có sự che chở nào cho người dân đen. Bom Mỹ dội, ngôi đền thiêng không còn tồn tại. Niềm tin vào những đấng tối cao cũng sụp đổ theo. Chẳng còn nơi nương tựa, con người bé nhỏ phải tự cứu lấy phận mình. Hình ảnh người bà đi bán trứng trong mưa bom bão đạn mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Ngoài nét nghĩa là một cuộc mưu sinh mong manh, bấp bênh còn là chủ nghĩa lạc quan vô bờ bến. Dù trong hoàn cảnh nào, những người dân bé nhỏ không chấp nhận đầu hàng số phận, vẫn gắng gượng, vẫn chống chọi để bảo trì sự sống. 

Ở cấp độ khái quát hơn, bài thơ là sự ân hận, sự trưởng thành muộn màng của người cháu, sự trưởng thành được trả giá vô cùng đắt, giá của sự mất mát. Nhìn lại tuổi thơ bằng cái nhìn của người trưởng thành, đứa cháu mới nhận thấy hết sự vô tư, vô tâm, vô minh rất đáng trách của mình. Sống bên bà nhưng vô tâm với nỗi khổ của bà, sống bằng sự chăm sóc, yêu thương vất vả của bà mà cháu không hề biết. Đáng ra phải sớm biết, sớm dành tình cảm cho bà nhưng lại dành trọn niềm say mê, niềm tin ngây thơ cho một đối tượng là thánh thần không hề xứng đáng. Nói cách khác, đứa cháu đã sống rất thực với cái hư và sống rất hư với cái thực. Chữ hư mang hai nghĩa: hư ảo và hư đốn. Nó chi phối quyết định đến mạch tâm sự mang màu sắc triết luận, thể hiện quá trình giải thiêng, giải ảo. Nhìn ở góc độ tình cảm, đó là quá trình rời khỏi niềm tin ngây thơ dành cho Thánh, Phật để đến với tình thương dành cho người bà, từ đối tượng mơ hồ đến đối tượng thực. Nhìn từ góc độ đời sống, đó là cuộc rời bỏ những đối tượng không xứng đáng để đến với đối tượng xứng đáng hơn. Chính người dân kia mới làm nên hiện thực đời sống. Chỉ hai chi tiết “hư” – “thực” đã nói lên sự sụp đổ niềm tin của tác giả, rời bỏ thế giới của đức tin đơn thuần để đến với hiện thực cuộc đời gần gũi, đáng tin hơn. 

Bài thơ là sự kết hợp của 3 yếu tố: tự sự, trữ tình và triết luận. Nó chi phối bố cục bài thơ thành lời tâm tình, cuộc giãi bày của con người về nhân sinh, thế sự. Những suy tư sâu sắc, những xúc cảm dồn nén ẩn chứa bên trong những bài học thiết thực và thấm thía. Con người đôi khi vẫn sống với ảo tưởng xa vời, có khi quá ngây thơ, dễ dãi để bị cuốn vào, đắm chìm trong những ảo tưởng ngọt ngào viển vông đó. Đôi khi ta sống giữa cuộc đời nhưng vì những lí do gì đó mà chẳng nhìn thấy hết sự thật cuộc đời, vẫn ngăn cách với cuộc đời bằng một màn sương lí tưởng. Và sự hối hận vẫn thường đến rất muộn màng...

Bài thơ không chỉ có ý nghĩa giáo dục nhân sinh sâu sắc về đạo làm người trong tình ruột thịt, mà còn là lời cảnh tỉnh với những ai vẫn ru mình trong cõi u minh, sống mãi với “ngôi đền thiêng” chỉ là huyền thoại!

H.T.H.P


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét