Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan (2.3.1916 - 2.3.2016) : BẾN MY LĂNG: BẾN THƠ VÀ BẾN TÌNH CỦA YẾN LAN


Nói đến thơ Yến Lan là dường như người người nghĩ ngay đến bài thơ Bến My Lăng và ngược lại khi nhắc đến cái địa danh rất thơ ấy không thể nào không nhớ đến một hồn thơ rất tình - Yến Lan . Bài thơ được tác giả thực hiện vào thuở 16, 17 tuổi (khoảng năm 1933). Hoài Thanh đã từng phê là… có cái không khí lạ nhưng nhẹ nhàng dễ khiến người ta thích….


BẾN MY LĂNG - THỰC VÀ THƠ

Các nhà địa chí dù có đi dọc sông Côn và hỏi khắp Bình Định cũng không thể tìm ra một địa danh nào có tên Bến My Lăng. Bến My Lăng là cái tên huyền ảo đầy vang bóng trên thi đàn mà người ta không thể quên mỗi khi nhắc đến Yến Lan. Chính thi sĩ đã sáng tạo ra một bến sông phi thời gian, phi không gian. Nó là bến đợi ai và ai đợi cũng không rõ nữa. Dù vậy, cũng giống như những hình ảnh Linh Sơn của Cao Hành Kiện, lá Diêu Bông, bến Cô Mưa trong thơ Hoàng Cầm, , bến My Lăng của Yến Lan cũng làm người ta tốn khá nhiều giấy mực. Bến My Lăng là một địa danh hay chỉ là một biểu tượng thi ca ?...

Từ một bến sông có thật…

Yến Lan (1916 - 1998) tên thật là Lâm Thanh Lang, quê tại làng An Ngãi, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, Yến Lan sống bằng nghề dạy học tư và viết văn. ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành nhóm Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó. Những năm ấy, văn đàn Thơ mới rộ lên hình ảnh Bến My Lăng trong thơ Yến Lan.

BẾN THƠ VÀ BẾN TÌNH CỦA YẾN LAN

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Ông không muốn rung người ra tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh,
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng… trăng.
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy ngành trăng.

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…

(Bến My Lăng - Yến Lan)

Theo nhiều nguồn tài liệu, đó chính là bến đò Trường Thi trên sông Cửa Tiền. Chính Yến Lan cũng nhiều lần giải thích rằng nó bắt nguồn từ một bến đò thật, bến Trường Thi, cách thị trấn Bình Định nơi ông ở khoảng mấy dặm đường. Cửa Tiền nằm ở phía Tây Nam thành Bình Định. Gọi là Cửa Tiền bởi vì cửa chính của thành Bình Định nằm ở mặt này. Con sông chảy trước mặt Cửa Tiền cũng mang luôn cái tên Cửa Tiền, có người gọi là sông Tân An một chi lưu của sông Côn đổ ra đầm Thị Nại. Bên kia sông là xã Nhơn Hòa, bên này là xã Nhơn Hưng, đều thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bến đò Trường Thi, nằm ở phía Cửa Tiền, hình thành vào mùa nước nổi, từ tháng chín cho đến tháng chạp âm lịch. Sau đó, đò được dời đoạn sông sâu hơn, người lái đò cũng chuyển nghề khác chờ mùa nước lớn năm sau. Chính cậu ruột Yến Lan cũng là một người lái đò. Bên bờ có một khoảnh đất trống thuở xưa là trường thi Hương, cũng là nơi gặp gỡ của các nhà Chí sĩ yêu nước. Đến thời Pháp, trường bị bỏ hoang và việc thi cử cũng bị bãi bỏ. Vì bến đò nằm gần đó nên gọi là bến Trường Thi như một niềm hoài niệm. Trường Thi đẹp mà buồn đến nao lòng. Cha Yến Lan đã bao lần vượt qua bến sông, lần theo câu hát để đến với một thôn nữ dệt lụa, sau này chính là mẹ ông. Mối tơ duyên đầy thi vị ấy đã cho chúng ta một thi sĩ ngay từ thuở lọt lòng:

Quê ngoại bên kia bãi cát vàng
Mẹ tôi về lỡ chuyến đò ngang
Cơn đau trở dạ không giường chiếu
Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng.

                   (Bệnh Trăng)

Còn cái tên Bến My Lăng? Đây chỉ là một hồi ức được biến hóa. Thời điểm Bến My Lăng ra đời cũng là thời điểm nhà thơ có người yêu tên là Lan (tình yêu đã đi đến kết quả thành hôn nhân) thì chữ Mê Lan đến My Lăng cũng không phải là xa. Xét theo sự tương ứng của âm Việt và Hán Việt thì có sự trùng hợp: Âm Việt là Ê thì chữ Hán là I, rõ nhất là trong chữ Nôm, chữ Mê với My là một, cũng như chữ Lan hay Lăng là một.

… đến một bến thơ

Những năm cuối đời, ông vẫn còn thường nhắc đến bến My Lăng niềm mong mỏi được đắm mình trong bến sông xưa:

Thăm quê về lại bến trăng xưa
Còn tưởng đêm nay đứng gọi đò
Chưa kịp nhớ ra lòng có hẹn
Chèo ai cập bến đã vang khua.

                     (Nhớ bến My Lăng)

Ông thừa nhận rằng bài thơ Bến My Lăng của mình ra đời trong lúc xuất thần, mang ấn tượng tiếng gọi đò thuở bé: Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngàn trăng. Cũng có khi Yến Lan nhập hồn vào ông lái đò ở bến sông u uẩn: Ông lão vẫn say trăng nằm gối sách/ Để thuyền hồn rời khỏi Bến My Lăng. Ông lái đò cũng là một nghệ sĩ đích thực: đọc sách, rồi buông câu, uống rượu, có khi thổi sáo nhưng vẫn cô đơn trên cái bến sông đìu hiu mênh mông đến rợn ngợp. Trên bến sông ấy, xuất hiện ánh trăng ma quái, lúc ẩn lúc hiện với muôn hình vạn trạng. Ở đây, bến sông là biểu tượng cho bến bờ hạnh phúc, con đò là giấc mơ về sự ra đi, đi để tìm cho mình những chân trời mới, gặp những con người mới. Nỗi lòng của người lái đò chỉ còn biết thổ lộ với trăng mà thôi! Và trên bến sông huyền thoại ấy, Yến Lan là ông lái đò đã đưa thơ của mình cập bến, neo vào lòng độc giả sau này…

Như vậy, Bến My Lăng vừa là không gian thực vừa là không gian tâm tưởng mang màu sắc huyền thoại. Tìm hết tất cả những bến sông ở Bình Định và khắp đất nước mình, khó có cái bến sông trăng lạnh buốt nào mà lại mê hồn đến như thế như trong thơ của Yến Lan. Chàng thi sĩ của trường thơ Loạn đã ra đi cùng bạn hữu nhưng cái bến My Lăng do ông sáng tạo ra thì vẫn cứ ám ảnh người đọc cho đến tận hôm nay. Nhà thơ Thanh Thảo từng nói: Bến My Lăng- hình như ở trong mơ, dưới ánh trăng bạc xám, ám ảnh trên Thành cổ Đồ Bàn. Có thể là một bến sông của một cô gái người Chàm, của một ông lái đò không tên, không tuổi, quên quá khứ, không nghĩ tới tương lai, ông lái đò của thời khắc hiện tại, của dòng sông trôi chảy. Bến My Lăng ở đâu? Có lẽ bến sông ấy chỉ có trong thơ Yến Lan, trong những tầng sâu nhớ quên của nhà thơ. Đừng giải thích, đừng định vị.

BẾN MY LĂNG - TRĂNG VÀ TÌNH

Cũng như bến, trăng là một hình ảnh quen thuộc trong văn học và đặc biệt trở thành nàng thơ của hầu hết các thi sĩ. Trăng là tri kỷ, tri âm, có lúc sẻ chia bầu bạn và cũng có lúc trách móc giận hờn, có lúc sâu sắc mặn mà và cũng lắm khi vô tình hờ hững. Trăng là bạn nhưng có khi trăng chỉ là trăng thôi! Người ta nhớ mãi hình ảnh trăng tuyệt đẹp trong câu thơ của Bàng Bá Lân:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.

Trăng đẹp hay cô thôn nữ đẹp? Có lẽ trong con mắt si tình kia, trăng cứ mãi đầy mà cô gái cứ mãi vô tư, anh cứ mãi yêu mà nàng cứ mãi giả vờ không biết. Trăng giúp anh gởi tình và cũng là chứng nhân duy nhất cho tấm lòng anh. Yến Lan khi viết Bến My Lăng cũng đã ướp trăng trong từng câu chữ. Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy ở mỗi khổ thơ đều có sự hiện hữu của trăng: trăng thì đầy, rơi vàng…, bến trăng cao, trăng…trăng, nhúng đầy trăng, trăng vàng, say trăng, ngành trăng, suốt bao trăng. Mỗi lần hiện diện là mỗi lần trăng rất đẹp và rất mới. Trăng cùng với ông lái đò và chàng kỵ mã đã làm nên một bức tranh thơ rất sinh động. Trăng thì đứng yên mà kỳ thực như đang làm trò ảo thuật qua cái nhìn của hai nhân vật một già, một trẻ.

Tất cả không gian đều rất tĩnh mịch, chỉ có trăng là căng tràn, đầy sức sống. Trăng dịu dàng rơi vàng trên mặt sách, khơi gợi ở ông lái đò hưởng thụ cái thú tao nho. Thế nhưng ô kìa: Ông lái buồn để gió lén mơn râu. Lúc này, chỉ có trăng mới đánh thức cái động trong con người kia khi mà cảnh vật xung quanh đang rất tĩnh. Đó chẳng phải là người bạn tâm giao hay sao? Nào có phải ông lão hững hờ ánh trăng đầy mời gọi, chỉ là vì mãi chờ mà hồn vượt cả bến trăng cao. Hình ảnh trở nên rộng lớn vô cùng. Và chính vì thế, khi ông quay về với con đò nhỏ đìu hiu, với chiếc lá vàng quá lạnh thì nhìn trăng mà chỉ thấy cô đơn: Tìm mặt trời, những chỉ giải trăng…trăng. Có vẻ như đã lâu lắm rồi, chỉ có trăng mới gọi đò trong những chuyến đêm. Đêm lạnh mà trăng cũng lạnh hỏi sao không khiến lòng người ta thấy cô liêu.

Thế rồi chàng đến, chàng kỵ mã đẹp rạng người bởi sắc áo ngập màu trăng. Cả không gian như bừng tỉnh bới tiếng gọi hối hả của chàng. Chàng cũng yêu trăng, chàng sợ nếu không kịp chuyến đò, trăng vàng sẽ rơi mất mà chàng vẫn chưa kịp chuyến đi. Chàng gọi hoài, oán trách mà thiết tha, tiếng gọi như xé lòng nàng trăng tri kỉ: gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

Cuộc sống có những nghịch lí vô thường mà con người không thể nào nắm bắt hết được. Ông lái thì buồn đợi khách suốt bao trăng, ngày qua tháng lại chỉ có trăng và trăng. Nhưng khi có người gọi đò thì ông cứ mãi say trăng. Trăng ru ngủ con người hay lòng người không dám tỉnh? Chàng kỵ mã đã đi rồi, người lái đò vẫn đó, chỉ có trăng là tiễn đưa chàng và ru hời ông lão. Cuộc sống cứ an bình như thế có phải là tốt không khi nghĩ rằng không có hội ngộ thì sẽ không có chia ly. Họ sợ chia ly? Thế nhưng con người vẫn cần lắm những phút giây hội ngộ để mà hạnh phúc dù chỉ là trong một giây phút ngắn ngủi như Xuân Diệu đã từng: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.(Giục giã - Xuân Diệu).

Đó là tâm tình chung của các nhà Thơ Mới lúc bấy giờ và Yến Lan cũng không đi ra khỏi những khát khao ấy. Chỉ có trăng lúc nào cũng lung linh như thấu hiểu. Trăng mê hoặc con người và đưa gót những chàng thi sĩ vào chốn mộng mơ. Chính vì thế nói Bến My Lăng là Bến Trăng cũng không có gì là quá, huyền hoặc, mê hồn là trăng trên bến My Lăng.

BẾN MY LĂNG - TÌNH QUÊ VÀ TÌNH NGƯỜI

Khi giải thích về sự tích bến My lăng, nhà thơ Yến Lan đã từng nói: vốn trong lòng của những ai từ tuổi thơ đã có diễm phúc được sống bên cạnh một dòng sông... Những ai đã có lần đứng lại đợi một chuyến đò ngang... và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải chờ đợi... để rồi suốt đời chờ đợi... đợi chờ.Câu nói xuất phát từ một hoàn cảnh tuổi thơ đầy kỉ niệm. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê với cánh đồng bát ngát và bến sông chia thành bên lở- bên bồi. Nơi đó có người mẹ hiền nhưng lại sớm chia xa. Mồ côi mẹ, sống với kế mẫu, dù bà là người độ lượng khoan dung đến đâu cũng không thể nào xóa nhòa nổi lòng thương nhớ mẹ. Đó là chưa kể tâm trạng muôn thuở của con người, càng trưởng thành càng hoài niệm về tuổi thơ. Kí ức bao giờ cũng đẹp và mỗi người chúng ta ai cũng cất giữ một miền nhớ, chỉ cần có một cơ hội nhỏ thì tất cả lại ùa về, trong trẻo, ngây thơ. Hiện tượng quay về lòng mẹ là một nhu cầu bản năng thấm đượm mọi nẻo đường đời và xâm nhập trong mọi hành động. Chính niềm thương nhớ khôn nguôi về tình mẫu tử, tình cha, tình cậu, tình chị và với cả hai cô bạn thân tình của Yến Lan đã kết đọng và chợt vỡ òa hóa ra cảnh sông nước thơ mộng.

Người ta kể lại rằng, khi mẹ mất, chú bé Yến Lan đi cùng người láng giềng đưa tin về quê ngoại. Đến đoạn đường qua Gò Tập, nơi bị đồn đại rất nhiều ma đưa võng, Yến Lan sợ đến cuống chân. Người láng giềng cất tiếng gọi đò khắc khoải, ông cậu của Yến Lan nằm ngủ trong thuyền, giật mình, hớt hải chống đò sang. Ấn tượng về tiếng gọi đò não ruột trong đêm trăng lạnh lẽo ấy đã ám ảnh Yến Lan suốt một đời. Sau này, có lần tác giả tâm sự: … Đêm mẹ tôi mất, cha tôi đã nhờ người hàng xóm dẫn tôi ra bến đò để gọi cậu tôi qua giúp việc chôn cất. Nhà cậu và chiếc đò thì gác mái bên kia sông; chúng tôi ở bên này gọi mãi, gọi mãi, gọi trong một tâm trạng xót xa, bồn chồn, hãi hùng nữa…. Hình ảnh, âm thanh gọi đò đó hẳn đã ăn sâu, trở thành nỗi ám ảnh trong đáy lòng về sự chia ly vĩnh viễn, về niềm khát khao hội ngộ để rồi sau mười năm sau nhà thơ mới có thể trải lòng mình trong cái tên Bến My Lăng.

Đã 80 năm kể từ khi cái tên Bến My Lăng hiện hữu, thời gian đã trôi xa nhưng sự ám ảnh về một bến sông trăng đầy chất thơ, những bóng hình thân thuộc vẫn còn mãi. Và câu nói: vốn trong lòng của những ai từ tuổi thơ đã có diễm phúc được sống bên cạnh một dòng sông... Những ai đã có lần đứng lại đợi một chuyến đò ngang... và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải chờ đợi... để rồi suốt đời chờ đợi... đợi chờ như là một triết lí sống ở đời.

NGUYỄN THỊ THÙY NHÂN
Nguồn: Tầm nhìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét