Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

VẺ ĐẸP THƠ TRỮ TÌNH A.X.PUSKIN (Hà Thị Hoài Phương)



Macxim Gorki – văn hào lớn của nước Nga từng nói: “Mỗi khi đọc một tác phẩm nghệ thuật chân chính, tôi lại thấy tâm hồn dào dạt một niềm cảm phục hân hoan, một lòng ngưỡng mộ hầu như tôn giáo đối với vẻ đẹp và sự sáng suốt của trí tuệ con người”. Điều ấy thật đúng khi dành để nói về Alecxanđơ Xecgheievis Puskin – nhà văn Nga vĩ đại – tác giả của những vần thơ trữ tình tuyệt diệu với cảm xúc mãnh liệt và đằm thắm, người sáng tạo những thiên trường ca hùng tráng và đầy trí tuệ, người viết nên những câu truyện cổ đẹp tựa giấc mơ, người khơi dòng cho sự ra đời những tác phẩm văn xuôi bất hủ…

Nhân dân Nga đã tự hào và kiêu hãnh biết bao khi gọi tên Puskin như người Anh tự hào về Sêcxpia, người Đức tự hào về Gơt và người Pháp tự hào khi nhắc tên Vôn te, Bandac, HuyGo vậy. Sự nghiệp sáng tác của Puskin như một dòng thác thơ văn chói lọi, khơi nguồn cho dòng chảy của văn học Nga về sau. Ông được coi là “Mặt trời của thi ca Nga” – là vầng dương trên đất nước Nga lạnh giá mà ánh hào quang còn tỏa rạng muôn đời.

Nói riêng về thơ, những vần thơ trữ tình của Puskin có sức hấp dẫn và lôi cuốn kì lạ. Nó dẫn ta đến với nước Nga xa xôi, tươi đẹp, cho ta hiểu rõ hơn về tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga, tính cách Nga kì diệu. Những vần thơ của ông “dịu dàng, ngọt ngào, mềm mại, giống giọng thì thầm của sóng, đàn hồi đậm đặc như nhựa cây, sáng chói như ánh chớp, trong trẻo và thanh khiết như pha lê, thơm tho như mùa xuân và mạnh mẽ như nhát chém của thanh gươm trong tay chàng dũng sĩ” (Bielinxki). Thơ ông là sự kết tinh nghệ thuật ở mức độ cao nhất, giản dị mà vô thường.

Trước khi đề cập đến những vẻ đẹp thơ trữ tình của Puskin xin được nói đôi điều mang tính cảm nhận chủ quan về những nhân tố hình thành nên thiên tài vĩ đại này.

I. Những ngọn nguồn sáng tạo

1. Gia đình

Alecxand Xecgheievis Puskin sinh ra trong một gia đình dòng dõi quý tộc lâu đời và có truyền thống văn chương. Song thân của ông được lĩnh hội một nền văn hóa hoàn hảo kỉ cương theo lối giáo dục quý tộc thế kỉ XIX, là những con người tài hoa, am hiểu và yêu thích nghệ thuật. Puskin sớm được tiếp nhận một nền giáo dục của con em dõng dõi trâm anh thế phiệt, được dạy dỗ kĩ lưỡng về thơ ca, nhạc, họa. Văn chương bác học sớm ngấm vào tâm hồn cậu bé xinh xắn có mái tóc đen quăn tít, có cặp mắt vừa hồn nhiên vừa ưu tư.

Tuy nhiên, mảnh đất thật sự vun trồng tài năng và nhân cách của nhà thơ tương lai là nền văn học dân gian Nga sống động, đẹp đẽ. Thuở thiếu thời, Puskin đã luôn gắn bó, quấn quýt bên những người thuộc lớp bình dân. Đó là nhũ mẫu Arina Rô đi ô nốp na, lão bộc Ni ki ta Cozlop. Họ là những “con người bé nhỏ”, những người đồng hành thủy chung của nhà thơ trong suốt cuộc đời ngắn ngủi kì diệu. Nhũ mẫu A ri na – người đàn bà nông nô không những đã cho Puskin dòng sữa mát lành mà còn là người tưới đẫm tâm hồn mộng mơ, đầy nhạy cảm của cậu bé – nhà thơ tương lai – bằng dòng văn học dân gian với những khúc hát dân ca, những câu chuyện cổ muôn màu muôn vẻ. Puskin càng thêm yêu mến thiên nhiên Nga, con người Nga, văn hóa Nga và đất nước Nga. Hồn thơ của Puskin có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn chương bác học sang trọng và văn chương bình dân giản dị, sống động. Điều đó là một trong những nhân tố làm nên vẻ đẹp cho thơ trữ tình của Puskin.

2. Tổ quốc

Nếu gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tài năng thì tổ quốc là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn lao của thiên tài vĩ đại này. Từ khi còn là một cậu bé học trường Lixe, Puskin đã làm kinh ngạc những người thầy lỗi lạc của mình bằng bài thơ “Hồi ức Hoàng thôn” – một bài thơ dạt dào lòng ái quốc và tràn đầy niềm kiêu hãnh về nhân dân Nga. Bài thơ ấy khiến vị thần đồng trẻ tuổi được coi là “người khổng lồ trong tương lai” – là cánh én báo hiệu một mùa xuân của thi ca dân tộc.

Giã biệt trường Lixe, giã biệt thời niên thiếu “tuổi hoa cười” với những “giờ vàng tư lự”, hai mốt tuổi đời, Puskin bị đày về phương Nam, nơi có biển Odexa bao la chói ngời sóng biếc, có dãy Kapka hùng vĩ quanh năm tuyết phủ, có những vườn nho xứ Môn đa vi trĩu quả…Tất cả như cùng réo gọi tình yêu tự do, tiếp thêm sức sống và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo ở chàng thanh niên Puskin. Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và tình người nồng ấm của phương Nam đã tạo nên những vần thơ cháy bỏng, rực lửa và sục sôi nhiệt huyết của Puskin. Như cánh chim bay trong bầu trời bao la và làn nắng ấm, cất cao tiếng hót, Puskin trở thành ca sĩ của phương Nam, lời ca của ông ngập tràn khát vọng tự do và tình yêu Tổ quốc. 

Nhưng phương Nam đã sớm phải giã biệt người con ưu tú của nước Nga khi Nga Hoàng lần thứ hai xuống chiếu buộc Puskin phải trở về phương Bắc để chịu sự quản thúc gắt gao ở làng Mikhailopxkoie hẻo lánh. Rời phương Nam, Puskin viết bài thơ “Gửi biển”như một lời giã biệt ánh mặt trời chói lọi, biển Odexa ngời xanh sóng biếc.
Hỡi thiên nhiên tự do, thôi từ biệt
Trước mắt ta đây là bữa cuối cùng
Người xô ngọn sóng xanh bát ngát
Chói lên vẻ đẹp tráng hùng.
[Thúy Toàn dịch]

Phương Bắc giá lạnh đón chàng trai hai mươi lăm tuổi vào một ngày mùa thu năm 1924.Những cánh rừng tại ga bạt ngàn tuyết phủ - những “con đường mùa đông” vắng vẻ xa xôi khiến Puskin cảm thấy thật nặng nề, cô lẻ – Nhưng tình yêu thiên nhiên, tình yêu Tổ quốc và niềm khao khát tự do đã giúp Puskin vượt qua được khủng hoảng tinh thần, đứng cao hơn hoàn cảnh và lại ngạo nghễ cất tiếng ca yêu đời:
Trái tim lại rộn ràng náo nức
Vì trái tim sống dậy đủ điều
Cả thiên thần, cả nguồn cảm xúc
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu… 
(Gửi K…- Thúy Toàn dịch)

Hạnh phúc thay cho Puskin khi được sinh ra, lớn lên trên đất nước Nga tươi đẹp. Vinh quang thay cho nước Nga khi sinh ra người con ưu tú là Puskin – người đã làm đẹp thêm đất nước Nga, tâm hồn Nga, làm rạng rỡ nền văn học Nga.

Puskin đã bị sát hại khi chưa tròn 38 tuổi, giữa lúc “tràn đầy sức lực, còn chưa hát hết những bài ca, còn chưa nói hết những điều có thể nói” (Ghecxen). “Mặt trời thi ca Nga” vụt tắt nhưng với hơn hai mươi năm sáng tạo nghệ thuật, Puskin đã làm nên một đại lộ thênh thang để văn học Nga bước vào kỉ nguyên hoàng kim rực rỡ nhất của mình.

Gia đình và Tổ quốc chỉ là một trong những ngọn nguồn sáng tạo của thiên tài vĩ đại Puskin. Lớn hơn tất cả là ở nhà thơ có một trái tim giàu cảm xúc và khát vọng, một trí tuệ thông minh và nhạy bén. Trái tim ấy đập vì tổ quốc, vì nhân dân, vì tự do đến hơi thở cuối cùng. Trí tuệ ấy làm nên những vần thơ ngọt ngào và cháy bỏng, đằm thắm và sâu sắc, giản dị, tự nhiên và tràn đầy niềm kiêu hãnh.

Trái tim ấy, trí tuệ ấy làm nên vẻ đẹp thơ trữ tình Puskin.

II. Vẻ đẹp thơ trữ tình Puskin

1. Vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước Nga

Ngay từ lúc còn là học sinh trường Lixe – 15 tuổi – Puskin đã thể hiện rõ xu hướng thiên về đời sống tự nhiên, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên đồng nội. Ông yêu vẻ đẹp đầy sức sống của bông bách hợp, đặt nó trong sự tương phản với bông hồng quý tộc, đài các nhưng dễ úa tàn. Ông nhận ra cái đẹp ở ngay trong những cái bình thường, cái cao quý ngay trong cái vẫn bị coi là thấp kém. Trong thơ ông có bông hoa ép bị lãng quên, có tiếng hót của con chim sơn tước, có bầu trời “thoang thoảng hơi thu”, có con đường mùa đông tuyết phủ trắng nỗi buồn da diết khắc khoải, lại có cả những gì rất đỗi bình dị thân thương như túp lều tranh, đống rạ hay tấm lưới dân chài…Thiên nhiên Nga đã tràn vào thơ ông với vẻ đẹp tự nhiên, chân thật của nó mà không hề cần đến sự thi vị hay lãng mạn hóa.

Đó là vẻ đẹp của bầu trời mùa thu, của không gian thu “yên tĩnh ngọt lành”:
Thiên nhiên tàn úa bỗng tươi
Rừng thay áo mới cả trời vàng au
Ồn ào hơi gió thổi mau
Bầu trời gợn sóng như màu khói sương
(Thu vàng – Hồ Quốc Vĩ dịch)

Thu đến, đất trời như xao động, cả cánh rừng rực màu vàng của lá. Màu vàng như nhuộm thắm không gian, ánh hắt lên cả bầu trời. Cảnh đẹp như bức họa Mùa thu vàng của Levitan. Còn hơn thế bởi sau cảnh là phập phồng cảm xúc con người. Có gì như sự bồi hồi xao xuyến, như sự nồng nàn say đắm của con người trước vẻ đẹp mùa thu.

Dòng sông Đông êm đềm mà sau này đã trở thành nhan đề cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Solokhop đã hơn một lần chảy trên những dòng thơ của Puskin:
Ngời lấp loáng giữa đồng mênh mông
Kìa dòng chảy!... Xin chào, sông Đông!
…Khắp nguồn sông ai mà chẳng biết
Đông êm đềm là anh cả uy danh
Từ Aracxo và Ơphorat
Ta đến đây ngả mũ xin chào 
(Sông Đông – Phạm Thị Phương dịch)

Sông Đông trong cảm nhận của Puskin không còn là dòng chảy giữa đôi bờ cát êm đềm phẳng lặng mà dũng mãnh, oai phong, hào phóng tựa vị thần. Cái lấp loáng, ngời sáng của mặt sông chói lên niềm vui hân hoan, niềm tự hào của tác giả. Nhà thơ “ngả mũ” trước dòng sông như trước một con người đáng kính tôn, ngưỡng mộ.

Trong thời gian bị lưu đày tại phương Bắc, Puskin đã cho ra đời chùm thơ viết về mùa đông: Con đường mùa đông, Buổi sáng mùa đông, Buổi tối mùa đông. Đó thực sự là những tuyệt tác trữ tình về thiên nhiên của Puskin. Trong bài “Buổi tối mùa đông”, nhà thơ đã miêu tả chân thực cái âm u và dữ dội, giá băng và lạnh lẽo, buồn bã và thê thiết của mảnh đất cô đơn:
Đầy trời bão nổi sa mù
Xoáy sâu từng cơn lốc tuyết
Lúc như thú rừng gầm thét
Lúc òa tiếng khóc trẻ thơ
(Buổi tối mùa đông – Bằng Việt dịch)

Âm thanh của tiếng gió cuồn cuộn thổi trong lốc tuyết, lúc “lay lắt tầng tranh than thở, lúc đập gấp vào cửa sổ” được nhà thơ cảm nhận không chỉ bằng xúc cảm cô đơn của “con đại bàng non trẻ” khao khát khí trời mà bằng cả tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sỹ lắm gian truân.
“Con đường mùa đông” tuy cũng ra đời trên mảnh đất phương Bắc giữa những tháng ngày cô lẻ của thi nhân nhưng cảnh sắc không dữ dội mà chìm lấp trong làn sương huyền ảo, đượm nỗi buồn xa vắng mênh mông và trong sáng tuyệt trần. Bài thơ được coi là bức tranh phong cảnh Nga đặc sắc:
Xuyên những làn sương gợn sóng
Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua
Buồn rải ánh vàng lai láng
Lên cánh đồng buồn dăng xa
(Con đường mùa đông – Thúy Toàn dịch)

Một không gian mờ sương, lai láng ánh trăng. Bao phủ con đường và cảnh sắc quạnh hiu là làn ánh sáng mờ ảo của trăng, lọc qua màn sương đêm làm nên những gợn sóng bàng bạc. Khung cảnh thật buồn nhưng cũng thật đẹp, thật nên thơ. Không gian mờ ảo đó trải khắp chiều dài tít tắp tưởng chừng vô tận của con đường. Càng buồn hơn khi cảnh đó không dấu vết con người, không dấu hiệu sự sống, không đốm lửa hi vọng:

Không một mái lều ánh lửa
Tuyết trắng và rừng bao la
Chỉ những cột dài cây số

Tất cả thật mông lung và quạnh quẽ. Tuyết trắng mênh mông, rừng tai ga bạt ngàn, cỗ xe tam mã băng đi trên đường, tiếng lục lạc lanh canh, bài dân ca trầm bổng của người xà ích làm cho bức tranh im lìm của mùa đông phương Bắc cựa mình, phả hơi thở, hương vị màu sắc Nga rõ rệt. 

Không cần đến những gam màu sặc sỡ, thiên nhiên trong thơ trữ tình Puskin vẫn đẹp, chân thực tự nhiên và sinh động đến lạ thường. Dù đó là mặt biển phương Nam chói ngời sóng biếc hay con đường phương Bắc tuyết phủ mùa đông, dù “trên đồi Gruzia đêm xuống” hay “Buổi sáng mùa đông” ở Mikhailopxcoie, Puskin vẫn nhìn ra vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước Nga. Những vần thơ đã làm sống dậy hồn xứ sở, hồn dân tộc Nga sâu kín, mãnh liệt vô cùng. Đằng sau vẻ đẹp thiên nhiên là tình yêu tha thiết của thi nhân đối với thiên nhiên và xứ sở.

2. Vẻ đẹp tâm hồn nhân vật trữ tình

Thật khó có thể nói hết vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong thơ Puskin chỉ trong vài trang giấy ngắn ngủi. Chưa nói đến tầm vóc những khát khao hoài bão và lí tưởng nhà thơ dành cho nhân dân và tổ quốc, chỉ riêng những xúc cảm vui buồn, yêu ghét của Puskin trong những vần thơ cũng đủ để chúng ta khâm phục và ngưỡng mộ. Trong khuôn khổ giới hạn đề tài, chỉ xin đề cập đến vẻ đẹp tâm hồn nhân vật trữ tình qua hai bài thơ tiêu biểu: Con đường mùa đông và Tôi yêu em.

Ta đã thấy, đã bắt gặp tình yêu trong trẻo, thuần khiết của thi nhân đằng sau cảnh sắc thiên nhiên bởi thiên nhiên trong thơ Puskin không bao giờ là thiên nhiên thuần túy. Nó còn là khung cảnh của tâm trạng con người, nơi kí thác cái tôi trữ tình của tác giả. Ở bài thơ “Con đường mùa đông” cũng vậy. Tràn ngập bài thơ là nỗi buồn sâu lắng. Mới đầu chỉ là cái buồn vô cớ, mông lung trước cảnh vật. Rồi nỗi buồn định hình hơn qua sự cảm nhận âm thanh khắc khoải buồn tẻ của nhạc ngựa. Nỗi buồn trở nên da diết hơn khi hòa nhập vào cảm xúc của khúc hát dân ca:
Bài ca của người xà ích
Có gì phảng phất thân yêu
Như niềm vui mừng khôn xiết
Như nỗi buồn nặng đìu hiu

Khúc hát dân ca đã làm đêm đông bớt quạnh quẽ, bớt lạnh lẽo và sưởi ấm lòng người. Nhân vật trữ tình tìm thấy nguồn an ủi thân thương trong khúc hát dân ca. Con người mang nỗi sầu riêng tư đang đi trên con đường mùa đông nước Nga lạnh lẽo ấy vẫn gắn bó xiết bao với cuộc sống, với hồn dân tộc, vẫn tha thiết biết nhường nào với ngọn nguồn di sản văn hóa dân gian. 
Trên hành trình xa tắp, giữa sự vắng vẻ im lìm của cảnh vật, thốt nhiên con người ao ước về một hạnh phúc đơn sơ, trong căn phòng ấm áp, cạnh lò sưởi, bên người bạn gái dịu hiền:
Trở về với em ngày mai
Nhi na bên lò lửa đỏ 
Ngắm em ngắm mãi không thôi

Niềm khát khao ấy trở thành bến đợi, thành ngọn lửa sưởi ấm lòng người, sẻ chia và an ủi nhân vật trữ tình trên đường đời sóng gió gian truân. Bài thơ trước hết nói về một không gian cụ thể, một con đường xa lăng lắc, nhưng đồng thời cũng là tiếng thở dài của nhân vật trữ tình khi bất chợt nghĩ về quãng đời mình đã đi qua, mình sắp đi tới mà không khỏi xót xa, đượm buồn. Con đường trở thành hình ảnh phúng dụ. Puskin tự gọi mình là người gieo giống tự do trên đồng vắng nhưng giữa lúc hạt giống nảy mầm trên luống cày nô dịch thì người gieo giống thành kẻ tù biệt xứ. Phải chăng hành trình đến với tự do của nước Nga cũng là con đường mùa đông khắc nghiệt. Đến với bài thơ, ta gặp được chính con người Puskin, gặp những nỗi lo âu về số phận, sự khắc khoải về hạnh phúc, nhưng những cung bậc của nỗi buồn trong bài thơ không làm ủy mị trái tim mà làm nhân vật trữ tình thêm tha thiết yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, củng cố niềm tin để vượt lên hoàn cảnh, số phận. Nỗi buồn ấy có tác dụng thanh lọc tình cảm, nỗi buồn rất Puskin, rất Nga, “nỗi buồn trong sáng” (Bieelinxki).

Đó là một trong những vẻ đẹp tâm hồn đáng yêu, đáng trân trọng biết bao của nhân vật trữ tình. Bài thơ Tôi yêu em thuộc về một đề tài khác, đề tài tình yêu, đề tài muôn thuở của thi ca. Tuy nhiên, Puskin đã gây một niềm xúc động lớn vì đã vươn tới những giá trị tinh thần chung của nhân loại. Đó là tình yêu chân thành, cao thượng, vị tha và nhân ái biết bao. Bài thơ tràn ngập những nốt nhạc buồn trong trẻo và dịu êm của con tim đã qua thời tuổi trẻ bồng bột, cuồng nhiệt, cả những đớn đau tuyệt vọng, giờ đây đang lắng lại trong những suy tư và chiêm nghiệm: “Vị chua cay nhắc lại. Một bờ bên kia – Một đời bên kia”

Vẻ đẹp tâm hồn nhân vật trữ tình hiện lên qua lời bộc bạch trần tình rất chân thành giản dị ngay trong những dòng đầu tiên của bài thơ:
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai

Lời giãi bày cho thấy đó là một tình yêu tha thiết nồng nàn, cháy bỏng, âm ỉ trong tim từ rất lâu rồi, có lẽ không còn thổn thức như thuở ban đầu nhưng vẫn không thể nguôi ngoai:
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Bất chấp tất cả những con sóng ào ạt của con tim, nhân vật trữ tình chỉ e sự bận lòng, nỗi u hoài dù chỉ là gợn chút thôi của nàng làm muộn phiền lòng người phụ nữ mà anh yêu dấu nên đã chấp nhận rút lui và chối bỏ say mê. Anh coi hạnh phúc của người mình yêu hơn hạnh phúc của chính bản thân mình. Tình yêu đơn phương và dường như tuyệt vọng bỗng vụt lớn lên, tỏa sáng một tình cảm trong sáng, cao thượng đến tuyệt vời. Những dòng thơ tiếp theo như điệp khúc, nhấn mạnh và khẳng định: 
Tôi yêu em, âm thầm, không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Hàng loạt tính từ “chân thành”, “rụt rè”, “hậm hực”, đằm thắm” tái hiện những cung bậc tình cảm cao thấp, những xúc cảm rất thật, rất thường tình của người đang yêu. Giọng điệu nồng nhiệt, chân thành giản dị đến cảm động. Có lẽ trên đời không mấy ai có được tấm lòng đằm thắm và chân thành hơn thế nữa, đó là sự tận tụy quên mình, tìm thấy niềm thanh thản trong sự quên mình hết sức cao thượng ấy:
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

Tình yêu chân thành tha thiết đã hóa thân vào lời nguyện cầu thiêng liêng về sự bình yên và hạnh phúc của cô gái lòng mình. Câu thơ đưa tình yêu lên ngôi, làm chói sáng nhân cách cao thượng, vượt lên những ích kỉ tầm thường của nhân vật trữ tình. Đó là vẻ đẹp thần thánh của tâm hồn, là một tình yêu thấm đượm tinh thần nhân văn cao cả. 

Bài thơ thể hiện nhiều nét nghệ thuật tinh hoa của Puskin. Lời thơ giản dị, giản dị đến mức trong suốt, hàm súc, mực thước, ít dùng mĩ từ mà vẫn gợi cảm. Thơ tình của nhân loại chưa bao giờ được chứng kiến một thiên tình sử trong một hình thức nhỏ bé như vậy. Và cũng chưa bao giờ thơ tình của nhân loại đạt đến sự minh triết của tình yêu sáng chói như vậy. Puskin xứng đáng với sự ngợi ca của nhân dân Nga: là thi sĩ thiên tài và nhà tư tưởng lỗi lạc, người mở đường và đặt nền móng cho tư tưởng nhân văn cao quý trong văn học Nga.

Còn nhiều điều chưa nói hết xung quanh vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong thơ Puskin. Chẳng hạn những tâm tình sâu thẳm của trái tim đơn côi, lòng khao khát tự do của cánh chim bằng non trẻ, hay cao cả hơn là chủ nghĩa ái quốc sâu thẳm và tinh thần phản kháng chế độ nông nô chuyên chế gay gắt chưa từng thấy. Chỉ riêng tấm lòng tha thiết yêu thiên nhiên xứ sở, tha thiết với ngọn nguồn văn hóa dân tộc và tình yêu đôi lứa đầy vị tha, cao thượng đủ để chúng ta trân trọng, khâm phục và ngưỡng mộ tài năng, nhân cách của thi hào vĩ đại người Nga A. Puskin.
 
                 H.T.H.P


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét