Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

HUỲNH THẠCH THẢO - NHÀ VĂN ĐI TÌM HOÀI NIỆM TRÊN QUÊ HƯƠNG (Học viên Lê Kim Tám)

Tác giả Lê Kim Tám



Huỳnh Thạch Thảo là cái tên quen thuộc với độc giả cả nước trong hơn hai mươi năm nay. Anh đến với văn chương như một cơ duyên. Lúc đầu, anh học y "theo ý nguyện của nội", sau đó chuyển sang học Đại học Bách Khoa theo "mong muốn của cha". Mãi đến những năm cuối thế kỷ XX, Huỳnh Thạch Thảo mới đặt chân vào nghề văn. Năm 1994, Huỳnh Thạch Thảo được cử đi tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc. Bốn năm sau, anh lại được tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ lần hai. Bằng sự lao động chăm chỉ và những tác phẩm có giá trị của mình, nhà văn chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2001).

Huỳnh Thạch Thảo là một trong những cây bút viết khá đều tay. Tác phẩm của anh được đăng đều đặn trên báo chí trung ương và địa phương, các tác phẩm cũng đều đặn ra đời. Trong hơn một phần tư thế kỉ cầm bút, nhà văn đã xuất bản 14 tác phẩm bao gồm: Mắt phượng (NXB Đà Nẵng, 1998), Gió trên đồi hoang (NXB Hội nhà văn, 1999), Đất còn phù sa (NXB Hội nhà văn, 2001), Tiếng vọng đồng rừng (NXB Quân đội nhân dân, 2003), Bên dòng sông Ba Hạ (Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Yên, 2004), Những mùa hoa cỏ(NXB Lao động, 2004), Chuyện trăm năm (NXB Thanh niên, 2005), Vực con gái (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006), Bạn cùng thời (NXB Phụ nữ, 2006), Người mang tên dòng sông (NXB Công an nhân dân, 2007), Thuyền hoa (NXB Văn nghệ, 2008), Gửi nắng cho sông (NXB Quân đội Nhân dân, 2011), Người con bên một dòng sông (NXB Trẻ, 2014), Sông xuôi về biển (NXB Phương Đông, 2014). Anh cũng có mặt trên 30 tuyển tập in chung, tiêu biểu như: Truyện ngắn hay và đoạt giải Tạp chí Văn nghệ quân đội (tập 3) (1998), Viết cho giao thừa thiên niên kỉ (tập 1 và 2) (2000), Những gương mặt văn xuôi trẻ cuối thế kỉ XX(2000), Truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới (tập 3) (2001), Truyện ngắn xuất sắc về chiến tranh (2002), Tuyển tập truyện ngắn hay cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ(2004), Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam (1945-2005) (quyển 4) (2005), … Trên con đường văn nghiệp, anh đã đạt được một số thành tích đáng kể như: giải thưởng văn học của tổ chức Raddo Bamen và Bộ Giáo dục - Đào tạo (1991), giải thưởng "Tác phẩm Tuổi xanh" của Báo Tiền phong (1997), giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác Văn học "Tầm nhìn thế kỷ" (1999 - 2001) của Báo Tiền phong, giải thưởng Văn học tỉnh Phú Yên lần thứ nhất (1975 - 2000), lần thứ hai (2000-2005), lần thứ ba (2005-2010). Nhà văn sáng tác cả truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, mạn đàm, tản văn, ở thể loại nào anh cũng để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc.

Đề tài quen thuộc và là sở trường của Huỳnh Thạch Thảo là chiến tranh và thế sự. Huỳnh Thạch Thảo tái hiện chiến tranh từ cách tiếp cận gián tiếp qua việc tiếp xúc với các nhân chứng, những người lính từng tham chiến và trực tiếp từ những dấu ấn của miền ký ức tuổi thơ trong cuộc chiến nên trong trang viết của mình sự khốc liệt của chiến tranh được Huỳnh Thạch Thảo “ẩn” vào trong các ký ức, những kỷ niệm, những câu chuyện hồi tưởng về quá khứ, qua thân phận các nhân vật.

Viết về chiến tranh, Huỳnh Thạch Thảo không sa vào miêu tả cặn kẽ từng chi tiết, từng trận đánh, mà là những "lát cắt" cuộc chiến từ những hoài niệm của người lính. Trong truyện ngắn cùng tên tập truyện Gửi nắng cho sông, hình ảnh ông già Sáu cà lết đăm đắm một đời về một người con gái như cái duyên trời cho đã cưu mang và nuôi giấu những ngày bị thương trong căn hầm bí mật. Hay trong truyện Chị May, hình ảnh người lính, cha của chị May, nói đúng hơn chỉ là người cha nhưng không mang dòng máu của mình, chỉ vì để quên gói ni lông trong đó có hình ảnh cùng chiếc lược bằng vỏ đạn đồng và bộ đồ của đứa con gái bị lính Mỹ bắt đem đi mà chấp nhận hy sinh. Hình ảnh của người ông, người cha mỗi độ xuân về, mang dao vào rừng tìm cành mai chơi tết nhưng thực ra là đi vận chuyển hàng cho chuyến tàu Không số (Thương nhớ hoàng mai). Suốt 40 năm, bốn mươi năm chấp nhận lặng lẽ mà không một lời kêu ca, không một tính toán, không một so bì hơn thiệt. Họ không mặc áo lính, họ không mang sắc phục, họ lặng lẽ làm, lặng lẽ hy sinh như đất trời đã sinh ra làm vậy. Chiến tranh dù đi qua, nhưng di chứng của nó để lại cho con người là còn mãi. Chỉ một chi tiết nhỏ trong Vùng cỏ tranh, nhưng Huỳnh Thạch Thảo đã cho thấy khả năng quan sát và cái nhìn chia sẻ với những mất mát, đau thương của người lính thời bình cứ ám ảnh mãi sự tàn khốc của chiến tranh: "Tư Lành đã trở về bên mọi người, sau thời gian trầm uất thì mọi chuyện đã bình thường. Nhưng chỉ có một điều, phải, một điều không thể quên là khi cô ấy giặt giũ lại lên cơn co giật. Mãi sau tôi mới biết, lúc đánh tan bọt xà phòng trong chậu nó luôn phát ra tiếng kêu giống như cánh quạt lúc máy bay sà thấp. Nó làm hiện lên những gì của ngày cũ, cảnh ngoài sân bay, cảnh thằng Mỹ tra tấn, cảnh hỗn loạn của khu Đồng Tre bị tập kích. Do vậy, khi chiều mọi người gặp tôi đang vác chiếu từ hồ sen là vậy. Và tôi cũng không hiểu thế nào, khi về toàn thân Tư Lành hằn nổi những vết sần sùi như vỏ trái mãng cầu…" 

Bên cạnh phản ánh hình ảnh người lính cách mạng sau cuộc chiến, Huỳnh Thạch Thảo, tuy không dụng công, chủ tâm viết về những người lính phía bên kia trận tuyến. Song, dù chỉ là đôi ba hình ảnh dường như thoáng qua, bạn đọc cũng đủ để nhận ra một “khuôn mặt” khác, không giống theo lối tư duy duy ý chí, rằng, phàm đã là kẻ bên kia trận tuyến đều là những người hung ác, tàn bạo, mất hết nhân tính. Cái nhìn về những người lính phía bên kia trận tuyến của Huỳnh Thạch Thảo được phản ánh trong câu truyện về cha mẹ của Côi (Bóng nắng đổ dài), trong khi chạy loạn, để thất lạc mất con song suốt hàng chục năm vẫn đau đáu đi tìm đứa con bị thất lạc trong chiến tranh. Đến khi tìm lại được, họ vẫn chấp nhận để người con rứt ruột đẻ ra nhưng không có công dưỡng dục ở lại với người lính phía bên kia trận tuyến, người đã nhặt được đứa con của họ, đã nuôi nấng dạy dỗ ở lại như một sự trả nghĩa cho đời. Ở đây, không chỉ là thân phận một con người cụ thể mà nó chính là cái nhìn, tính nhân văn của con người về quá khứ và về hiện tại. Bởi, có lẽ, trong môi trường xã hội lúc đó, những người lính phía bên kia, họ không có con đường lựa chọn khác. Đó cũng là góc nhìn nhân văn và hàm chứa một sự chia sẻ, cảm thông, cái nhìn “khép lại quá khứ để hướng tới tương lai”, vì một sự hòa hợp của dân tộc.

Ở đề tài thế sự, Huỳnh Thạch Thảo không đi sâu vào phản ánh những khuất tất, những ngang trái, hay sự đổi thay của đời sống xã hội đã tác động vào con người, khiến con người thay đổi trong thời hiện tại như các nhà văn khác. Anh hay nhìn cuộc sống hiện tại bằng cái nhìn soi chiếu từ quá khứ, để từ đó bật lên "tấc lòng" của nhà văn. "Huỳnh Thạch Thảo thường viết về những "vết thương đã lành da" trong tình cảm con người vì thế anh cố gắng chắt chiu tất cả những gì có cơ giúp con người trở nên mạnh mẽ và trong sáng hơn" (Bùi Việt Thắng). Những truyện ngắn Tri kỷ, Hoài niệm trên sân là cảm giác ưu tư của nhân vật khi tết đến vắng người bán hoa quen cũ, hay khi nhìn nhữn cây bonsai của già Năm được đưa ra hội chợ bán mà già Năm thì không còn. Nhiều truyện ngắn khác của anh như muốn phán ánh nỗi nhọc nhằn của người lao động nghèo phải bươn chải trong cuộc sống. Nơi khoảng không bao la, Sào chỉa, Người đìa tôm, Bạn trên biển, … như những kí sự - truyện về người lao động. Họ có thể vất vả, cực nhọc trong cuộc sống nhưng vẫn luôn hướng về phía ánh sáng, với mong muốn đổi đời bằng chính sức lao động của mình. Đó cũng là cái nhìn đa cảm nhưng đầy chất nhân văn của Huỳnh Thạch Thảo.

Nhận định về truyện ngắn Huỳnh Thạch Thảo, Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng: "Huỳnh Thạch Thảo khá tiêu biểu cho khuynh hướng gắn bó chặt chẽ với cuộc sống, cuộc sống lớn, cuộc sống thật của nhân dân đại đa số còn đang chịu cảnh nghèo khó (…) Huỳnh Thạch Thảo không nhăm nhăm "khái quát hóa" hoặc rút ra một bài học nào đó. Anh chỉ dựng lên những nhân vật, những cảnh đời hết sức chân thật, với một thiện cảm không hề che giấu". Với anh, chất liệu và cảm hứng sáng tác không cần phải tìm đâu cho xa, mà ngay chính trên quê hương mình. Trên quê hương ấy, dù đất có bạc màu, sông có sạt lở, dù nhiều mưa nắng, bão lũ thì cũng là quê hương, xứ sở. "Cội nguồn luôn là điểm xuất phát và quay về của anh (…) Tác giả trải lòng mình với đất, với người, tìm trong cay đắng, mặn nồng của cuộc đời chút hương vị phù sa" (Nguyễn Thị Thu Trang). Chính vì lẽ đó, anh đã viết về quê hương bằng tất cả tấm lòng của một người con với đất Mẹ. Nhà văn Ma Văn Kháng, thành viên ban giám khảo cuộc thi viết truyện ngắn "Tầm nhìn thế kỉ" (1999-2001), nhận xét về truyện ngắn Bên dòng sông Ba Hạ như sau: "Những ghi chép đã khắc học một cách chân thực, sinh động, có chiều sâu về một cuộc sống hoang dã, gan góc, khổ ải ở một vùng sông nước với thiên nhiên và đời sống mang đặc trưng riêng biệt; trong đó nổi bật là hình ảnh hai con người còn lại sau nhiều mất mát, thiệt thòi, còn nguyên khối, chưa phân thân, thô ráp, khôn ngoan và tràn đầy sinh lực. Khung cảnh, tình tiết lựa chọn chính xác, mang hơi thở tự nhiên của đời sống".

Những truyện ngắn Đầu nguồn cuối sông, Con mèo hoang lông trắng, Cọp về làng, Chuyện bây giờ mới kể, Mùa săn, Chuyện rừng, Đàn chim di trú trở về, Gã điên ở ngã ba làng cát … là những câu chuyện kể về chất hoang dã, dữ dội và bí ẩn của thiên nhiên nhưng cũng là góc nhìn đầy sự lo lắng, lòng trắc ẩn của một nhà văn từng trải về việc con người tàn phá thiên nhiên. Gã đồn trưởng trong Cọp về làng "ước mơ có tấm da hổ dâng cho quận trưởng vào dịp tết" để được cất nhắc, được chuyển về thành phố nên đã bắn chết con cọp cái, bắt sống cọp con. Nhưng rồi, toán lính phải trả giá cho sự giận dữ của cọp đực, nhiều tên lính bị vồ nát, riêng "gã lính bị cọp vồ nơi vườn ổi đã thành dân ngụ cư của xóm khi vài năm sau cấp trên cho hắn giải ngũ vì những cơn điên đột phát". Gã Thực trong Gã điên ở ngã ba làng cát phải trả giá bằng cái chết của đứa con trai và chính gã cũng bị điên sau khi phát hiện người cha của mình cũng bị con dông chúa trả thù. Cách giết hại khỉ kiểu của thằng Sát "dùng dao bén gạt phăng chỏm tóc trong tiếng thét dài, giần giật giãy giụa bắn vọt cứt đái giữa tràng cười khoái trá. Máu và óc khỉ nhầy nhậy trộn lẫn đỏ hồng khi từng thìa muỗng chọc vào kèm bên rượu, rau, hành, tỏi, tiêu xanh" (Chuyện bây giờ mới kể) cũng khiến cả gia đình hắn từ lớn chí bé hoặc chết thảm hoặc điên loạn. Đặt con người trong mối quan hệ với thiên nhiên, Huỳnh Thạch Thảo hay nhìn cuộc sống dưới quy luật "nhân - quả" của triết lí Phật giáo. Điều này được anh thể hiện ngay trong tác phẩm của mình: "Những gì bền vững sẽ bền vững còn những gì bất biến sẽ bất biến, mà không phải, phải nói thẳng ra rằng cuộc đời có vay ắt có trả, trả không hết đời này thì sang đời sau, không thể khác được".

Hegel nói: "Trở về với quá khứ là tiến lên phía trước". Điều này có lẽ đúng với những trang viết của Huỳnh Thạch Thảo. Hiếm thấy có nhà văn nào bị ám ảnh bởi thời gian quá khứ nhiều như ở Huỳnh Thạch Thảo. Truyện của anh có đến "90% tác phẩm dùng loại thời gian hoài niệm để kể chuyện quê nhà" (Phạm Ngọc Hiền). Các lớp từ chỉ thời gian lặp lại với tần suất rất cao trong các sáng tác của anh, như: thuở trước, tôi nhớ lúc ấy, dần đi vào năm tháng lãng quên, nhiều năm tháng trôi qua, hơn mười lăm năm, nơi mà gần ba mươi năm trước, … Thời gian trở thành nỗi ám ảnh trong từng trang viết của anh. Tác giả nuối tiếc tất cả nhừng gì tươi đẹp của quá khứ, nên thường đặt quá khứ và hiện tại để so sánh những gì còn - mất: "Ngày xưa, tóc mẹ còn xanh, cũng vào tối đông giá rét đưa cha vượt trảng vào núi đồi trùng điệp. Còn bây giờ tóc mẹ đã vương nhiều sợi bạc, bàn tay khô gầy vuốt tóc tôi khi tôi cúi nhìn bàn chân mẹ. Gần hai mươi năm, tôi chưa hề thấy mẹ mang đôi guốc mộc từ lúc theo cha về vùng đất mới". Có lẽ nhận định của nhà văn Bùi Việt Thắng đã khái quát được phần nào sự ám ảnh về thời gian của Huỳnh Thạch Thảo trong từng trang viết: "Một lối văn như thế là phải được chắt lọc kỹ càng từ sự trải nghiệm đời sống không đơn thuần là quan sát mà là chuyên nghiệp, không phải là nhờ vào lý tính mà nhờ vào trực giác nhạy bén".

Nếu thời gian trong văn Huỳnh Thạch Thảo nghiêng về quá khứ thì không gian trong các tác phẩm của anh thường là không gian làng quê, nơi gắn bó với những con người chân chất, thật thà. Ngoại trừ một số ít tác phẩm lấy bối cảnh là rừng núi Tây Nguyên (Vào đời,Đầu nguồn cuối sông, … ) hay Gửi nắng cho sông có dòng sông Hàm Luông ở Bến Tre thì đa số các tác phẩm còn lại của Huỳnh Thạc Thảo là hình ảnh quê hương gần gũi, nơi anh sinh ra và lớn lên. Hình ảnh dòng sông Ba hiền hòa không ít lần xuất hiện trong truyện của anh như một khắc khoải của hoài niệm. Các tập Đất còn phù sa, Gửi nắng cho sông, Sông xuôi về biển không gian chính là những làng quê cạnh con sông Ba trải dài từ Tây Nguyên đổ ra biển Đông. Ngọn Thạch Bi Sơn - niềm kiêu hãnh của người Phú Yên, tháp Nhạn - một thắng cảnh của vùng đất đầy nắng và gió và vùng biển trù phú cá tôm với những làng mạc hoang sơ, thường xuyên chịu gió bão đều đi vào trang văn Huỳnh Thạch Thảo bằng tất cả sự nâng niu, trìu mến của tác giả. Đúng như anh từng bộc bạch: "Tôi nghĩ bất kì một người viết nào cũng cần một mảnh đất để gieo cấy con chữ. Quê tôi còn nghèo, chịu bao nhọc nhằn, vất vả vì nằm lọt thỏm giữa hai ngọn đèo là đèo Cả và đèo Cù Mông, nhưng tôi vẫn yêu, vẫn quý … Tôi viết bằng cả tấm lòng chân thật của mình với quê. Có sao viết vậy… Tôi chưa hề nghĩ mình sẽ "bật gốc" khỏi đất Mẹ, vì tôi chỉ có cây viết và đề tài nguyện suốt đời gắn bó là những người nông dân thời chiến và thời bình". 

Ngay từ tập truyện ngắn đầu tay Mắt phượng ra mắt độc giả năm 1998, nhà văn Thanh Quế đã "bắt mạch" phong cách văn xuôi của Huỳnh Thạch thảo: "Huỳnh Thạch Thảo viết truyện như kết cấu một bài thơ, nhẹ nhàng, buông lửng ở đoạn kết làm cho người đọc càng bâng khuâng, day dứt… Tôi hình dung khi anh viết, không phải như một người đánh vật trên trang giấy mà như một nhà thơ bất chợt được quả tim kêu gọi và ngồi xuống bàn viết một mạch". Từ đó đến nay, Huỳnh Thạch Thảo vẫn trung thành với phong cách nhẹ nhàng, sâu lắng, gợi nhiều suy tư trong lòng độc giả qua mỗi câu chuyện của anh. Huỳnh Thạch Thảo "đã biết tựa vào cảm hứng trong lành để sáng tác, cái cảm hứng này sẽ là động lực giúp anh đi xa hơn, vượt ra được phạm vi hẹp "vùng", "địa phương", trở thành một nhà văn trong tương lai với ý nghĩa đích thực của nó" (Nguyễn Hoàng Sơn). Chính cảm hứng đó tạo nên chất thơ trong truyện của anh. Vực con gái, Phía sau đình Thành Hoàng, Gã điên ở ngã ba làng cát, Con của biển, Đêm nơi tháp cổ, … là những truyện hay có yếu tố kì ảo. Người đọc sẽ biết thêm loài ốc "vú nàng" từ sau huyền thoại về Vực con gái. Người đọc cũng khó có thể lí giải về sự xuất hiện của Ngân trong Con của biển. "Chỉ biết rằng, chiếc thuyền mang đứa bé vào ngày biển động đã mục nát chỉ còn mảnh ván của khung sườn đặt trang trọng trong ngôi miếu thờ thần Nam Hải, chiếc vỏ ốc gọi hồn năm nào được đem về và người thổi lên tiếng kêu vào những đêm trăng sáng lại chính là Ngân". Yếu tố kì ảo trong truyện của Huỳnh Thạch Thảo vừa lý giải cho hiện thực vừa tạo chất lãng mạn trong từng trang viết, là "chất men" làm say bao độc giả. 

Nhận định về phong cách văn xuôi Huỳnh Thạch Thảo, nhà văn Thanh Quế cho rằng: "Anh không lần theo những tính cách nhân vật dữ dội, những giọng văn lạnh lùng, tàn nhẫn, bất cần đời,… Anh lặn lội đi tìm một hướng khác, như người nghệ sĩ nhiếp ảnh, muốn miêu tả những tâm hồn thuần hậu của những con người dễ bị bỏ quên nhất trong cuộc sống. Bằng giọng văn ấm áp, chân thật, đầy chất thơ, anh làm nhiệm vụ khêu gợi cho ta những kỷ niệm ta luôn mang theo trong tâm hồn mình nhưng hằng ngày bị khuất lấp giữa những lo âu vật vã đời thường". Đó là điểm nhất quán trong phong cách văn xuôi Huỳnh Thạch Thảo trong suốt thời gian cầm bút của anh từ trước đên nay. Và có lẽ, phong cách này sẽ theo anh mãi về sau, cùng với những tác phẩm sắp được trình làng của anh. Sức viết của anh vẫn đang sung mãn, nội lực vẫn tràn trề nhựa sống, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều "đứa con tinh thần" về sau, góp vào kho truyện ngắn hay của Văn học Việt Nam.

Lê Kim Tám
Học viên lớp Cao học Văn K17


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét