Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Văn hóa trung đại Việt Nam với việc hình thành tư tưởng phong cách Nguyễn Công Trứ (Đặng Đình Trương)



1. Văn hóa trung đại với việc hình thành tư tưởng hành đạo Nguyễn Công Trứ

Theo Trần Nho Thìn “Văn hóa là một hệ thống các phạm trù giá trị hình thành trong các mối quan hệ xác định của con người, những giá trị này hoặc là nội sinh hoặc là ngoại sinh. Chúng hình thành bằng hai con đường trước hết là được con người đúc kết thông qua hoạt động thực tiễn của chính mình thứ hai là hình thành trong quá trình giao lưu giữa các nền văn hóa”[5, tr.13]. Văn hóa trung đại hình thành trong sự nội sinh của dòng văn hóa nội sinh của dân tộc và văn hóa ngoại sinh của dòng văn hóa Hán học. Ở đó, những mạch nguồn văn hóa như một tiềm thức ăn sâu vào trong tâm thức của con người Việt Nam. 

Nguyễn Công Trứ là một nhà nho, những tiếp thu căn bản từ vốn văn hóa của đất nước và văn hóa ngoại lai là điều tất yếu. Điều này dễ nhận thấy trong các sáng tác của ông từ việc chọn chữ Nôm  trong sáng tác, cho đến sử dụng những điển cố, điển tích, thi liệu đã nói lên tầm ảnh hưởng vang vọng và lan tỏa của dòng chảy văn hóa trung đại.

Nho giáo Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX không còn giữ được địa vị quan trọng. Mặc dầu, các tập đoàn phong kiến vẫn đưa Nho giáo vào chế độ khoa cử. Cho đến khi thống nhất đất nước, triều Nguyễn mới ý thức việc khôi phục lại vị trí của nho giáo. Bởi lẽ, nhà Nguyễn nhận thấy được vai trò quan trọng của Nho giáo trong việc thiết lập một trật tự xã hội ổn định. Là một hệ tư tưởng hoàn thiện, Nho giáo trở thành một công cụ đắc lực để cai trị xã hội lúc bấy giờ. Hơn thế, các vua quan nhà Nguyễn sau khi thống nhất đất nước đã khai thác triệt để tư tưởng của Nho giáo nhằm củng cố cho vương vị của mình.

Xã hội chuyển thời Nguyễn chuyển dần sang nền kinh tế mới, kinh tế đô thị, với đời sống tinh thần thay đổi đủ để hình thành nên môi trường mới, môi trường thị dân. Điều đó thúc đẩy một hệ tư tưởng mới ra đời với nhu cầu sống của con người gắn với nhu cầu cá nhân càng trở nên mạnh mẽ.

Tư tưởng “hành đạo” theo Nho giáo là đem tài năng ra giúp đời, làm tròn bổn phận nam nhi. Lý tưởng ấy dạy người quân tử phải tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trên con đường công danh khoa cử trở thành một khát vọng thể hiện ướt mơ, hoài bão và cuộc đời áo mũ nhà nho.

Nguyễn Công Trứ xuất thân trong một gia đình khoa bảng trên quê hương có tiếng hiếu học truyền đời. “Huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là một huyện miền biển, ruộng đất ít lại cát pha, trước kia là một huyện nghèo, trông xa phong cảnh rất đẹp, sông bao quanh phía bắc, núi án ngự phía nam” [1, tr.353]. Hơn thế, cha ông Đức ngạn hầu Nguyễn Công Tấn không chịu hợp tác với nhà Tây Sơn, quay về ở ẩn vui thú điền viên cho trọn đạo quân thần. Mẹ là con gái của quan Quản nội thị. Chừng ấy cũng để lại trong ông những dấu ấn cho một tâm hồn nhiều chí hướng và con đường lập thân trong tương lai.

Nguyễn Công Trứ chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng hành đạo của Nho giáo như một lý tưởng sống. Từ nhỏ, ông được cha ông hun đúc cho tư tưởng thánh hiền. Lớn lên trong cảnh chế độ phong kiến suy tàn con đường phò vua của cha ông đi vào bế tắc, những thế hệ trí thức cảm giác bất lực trước cuộc đời. Cho đến khi nhà Nguyễn thiết chế một trật tự ổn định về mặt xã hội thì Nguyễn Uy Viễn không còn phải băn khoăn trong ngưỡng cửa xuất - xử, hành - tàng của thế hệ nhà nho trước. Ông tích cực nhập thế hăng say. Trong chuyến tuần du Bắc Hà của vua Gia Long năm 1919, mặc dầu chưa đỗ đạt gì nhưng ông vẫn đón đường dâng bản điều trần “Thái bình thập sách”. Mặc dầu không được vua quan nhà Nguyễn xem xét nhưng chí ít cũng nói lên chí hướng nam nhi của mình. Chí nam nhi, hay nợ công danh được nói đến rất sớm trong thơ văn trung đại, Phạm Ngũ Lão một danh thần đời Trần từng viết
                   Nam nhi vị liễu công danh trái
                   Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

Tuy nhiên, phải đến thế hệ nhà nho dưới triều Nguyễn chí nam nhi mới được bàn nhiều và coi đó là một lý tưởng sống. Cũng cần bàn thêm một vấn đề tại sao đến thời Nguyễn Công Trứ thì chí hướng nam nhi được ông nói nhiều như thế. Thời trung đại người theo nho học đều coi chí hướng là mục tiêu cho lập thân. Nhưng phải đến Uy Viễn tướng công thì chí hướng ấy mới được thể hiện một cách trọn vẹn. Theo chúng tôi thứ nhất, nhà Nguyễn lấy Tống nho làm hệ tư tưởng chính thống để cai trị xã hội lúc bấy giờ. Thứ hai, khi xã hội trượt dốc trên đường biên của sự ổn định thì chí nam nhi như một tiếng kêu cứu cần thiết để kẻ sĩ gánh vác sự ổn định mong manh ấy.

Nếu hành đạo là cứu nước giúp đời vậy nam nhi phải vẫy vùng trong bốn bể cho thỏa cái nợ tang bồng. Ông cho rằng:
                   Đã mang tiếng ở trong trời đất
                   Phải có danh gì với núi sông

Nguyễn Công Trứ đã tích cực nhập thế hăng say hết lòng đem tài năng ra trả nợ cho đời. Nguyễn Bách Khoa cho rằng: “Có cái quan niệm nào được nhắc đi nhắc lại luôn luôn dưới ngòi bút thi ca của Nguyễn Công trứ lúc thanh niên, đó phải là chí nam nhi” [4, tr.151]. Bởi lẽ, khi xem công danh là chí hướng thì tâm trạng háo hức luôn được thể hiện rất rõ. Hơn thế khi nhà Nguyễn ổn định đất nước các triều vua Gia Long, Minh Mệnh đã xuống chiếu cầu hiền, điều đó thôi thúc chí hướng kẻ sĩ lâp công danh.

Nguyễn Công Trứ luôn hăm hở sôi nổi và nhiệt huyết trên con đường hành đạo. Bởi lẽ “Trong vũ trụ đã đành phận sự/ Phải có danh gì với núi sông”. Xã hội phong kiến chia nghề nghiệp ra làm bốn loại: sĩ, nông, công, thương. Trong số ấy sĩ đứng đầu, điều đó cho thấy xã hội trọng dụng nho sĩ và xem họ là bậc cao quý, danh giá. Vì thế, Nguyễn Công Trứ cũng tự hào khi bản thân là một kẽ sĩ. Ông luôn ý thức tài năng bởi trót sinh trong kiếp nhân gian phải đem sức trai trả nợ cho đời. Mặc dù con đường hành đạo đầy gập ghềnh và chông gai nhưng với ông
                   Nợ tang bồng quyết chí trả cho xong
                   Đã xông pha bút trận thì phải gắn kiếm cung
                   Làm cho rõ tu mi nam tử

Điều ấy cho thấy, Uy Viễn tướng công ý thức cao trên con đường hành đạo. Và chính văn hóa trung đại đã tác động đến tư tưởng ông. Con đường nào cũng có sóng gió, thời đại nào cũng hưng vong nhưng với mỗi nhà nho luôn ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình đó mới là nền tảng làm nên tư tưởg và khát vọng của nhà nho Nguyễn Công Trứ.

2. Văn hóa trung đại với việc hình thành phong cách Nguyễn Công Trứ

Cùng với tư tưởng hành đạo, phong cách tài tử được xem là một trong những nét cơ bản nhất trong con người Nguyễn Công Trứ. Là một nhà nho tích cực nhập thế hăng say ông luôn cho thấy một nhân cách đáng trân trọng. Tuy nhiên, lối sống phong lưu ngạo đời cũng được xem là nét nổi bật nhất của nhà thơ. Xuất phát điểm là quan văn nhưng trên hành trình xuôi ngược ông thành danh với quan võ, có thể nói với ông văn võ luôn song hành. Có nhà nghiên cứu cho rằng ông khinh người ngạo đời bởi ông ý thức tài năng hơn người. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh thời đại, thì phong cách tài tử của ông phần nào chịu sự tác động của xã hội đương thời.

Thời trung đại luôn gò bó mỗi cá nhân nhà nho. Họ chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt của lễ giáo phong kiến mặc định trong đời sống vật chất và tinh thần. Với Nguyễn Công Trứ, mặc dù vẫn tiếp thu nho học một cách sâu sắc, nhưng đi vào nhập thế trong một thời đại mà nho học dường như chỉ là cái bóng cho quyền lực vua chúa. Chính điều ấy càng làm ông tồn tại ít nhiều những khát vọng muốn bức ra khỏi vòng cương tỏa.

Ngoài ra, việc hình thành phong cách tài tử của Nguyễn Công Trứ có những nguyên nhân sâu xa mà theo chúng tôi nó bắt nguồn từ lối sống phóng khoáng của tuổi thơ. Trần Ngọc Vương trong bài viết “Từ hồi quang người anh hùng thời loạn đến khuôn hình một tài tử phong lưu”, cho rằng: “bản tính lạc quan, cương cường và tự tín, từ thời trẻ Nguyễn Công Trứ đã có một lối sống không thể coi là mực thước trong mắt nhà nho chính thống” [7, tr.266]. Trong cảnh nghèo khó ông vẫn sống vô tư, con đường công danh việc thăng giáng ông đều vui vẻ chấp nhận. Với ông sống là để cho mình, thỏa cái chí hướng phong lưu ngạo đời.

Có thể thấy, Hy Văn chọn cho mình một lối sống “ngất ngưởng” cũng là một cách thể hiện “cái tôi” bản ngã của mình. Có lẽ, chính điều ấy làm cho ông khác người và cũng hơn người. Nguyễn Du từng viết “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Tài năng của ông gắng liền với con đường hoạn lộ không bằng phẳng, song sự vịnh nhục không làm ông nản lòng. Nguyễn Công Trứ luôn ý thức được tài năng của mình. Ông được xem là đại diện tiều biểu cho phong cách tài và tình. Chữ tài với ông là ra hành đạo giúp đời. Trên những lĩnh vực ông kinh qua đều để lại những dấu ấn nhất định. Từ việc dẹp yên cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân và Phan Bá Vành... cho đến lập ra hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải, Thái Bình. Tất cả điều đó nói lên tài năng và tầm vóc của Hy Văn. Cho đến cuối đời tinh thần đề cao tài năng cũng được ông thể hiện trong Bài ca ngất ngưởng mà theo cá nhân nhà thơ để tổng kết những tháng ngày vinh liền nhục.

Sống trong môi trường xã hội phong kiến với sự mục ruỗng đã manh nha trong lòng giai cấp với những cuộc khởi nghĩa nổ ra liên miên nhà thơ mong muốn được đem tài năng ra cứu nước giúp đời. Thời đại với những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực như bóng đen chi phối lên đời sống đạo đức con người. Việc nhà Nguyễn xây dựng, thiết chế lại một xã hội, đã cho ông những cảm nhận sâu sắc về thế thái nhân tình. Con đường làm quan đầy chông gai và nước mắt, nên ông thấu hiểu tài năng sẽ làm cho người anh hùng vượt qua những khó khăn và thách thức. Mặt khác, văn hóa trung đại dưới triều Nguyễn bị bào mòn trong sự tha hóa của con người trước xã hội, nhân cách mỗi cá nhân thời đại này là một dấu hỏi. Dể hiều vì sao ông viết “ Đ. mẹ nhân tình cũng gớm ghê”.

Nguyễn Công Trứ là một con người có tài năng không chỉ sự nghiệp kinh bang tế thế mà cả trong địa hạt văn chương. Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX là thế kỷ của những người anh hùng mà Trần Ngọc Vương cho rằng đó là “người anh hùng thời loạn. Cho nên, bên cạnh việc ý thức về bổn phận và trách nhiệm họ cũng muốn bức phát ra khỏi vòng kiêm cô đè nặng lên người anh hùng.

Hơn thế, chủ nghĩa nhân văn giai đoạn này vượt lên một tầm cao mới. Xã hội không còn nền nông nghiệp cổ truyền thay vào đó là nền kinh tế nông nghiệp phi cổ thuyền. Tầng lớp nho sĩ bấy giờ thuộc tầng lớp thị dân. Chính điều đó ít nhiều cũng làm nên một phong cách nhà nho mới, nhà nho tài tử mà Nguyễn Công Trứ là một đại diện tiêu biểu nhất.

Văn hóa trung đại dưới thời Nguyễn đã để lại trong con mắt nhà nho lúc bấy giờ những ý thức mới về tài năng. Nguyễn Công Trứ đã vượt lên trên bản ngã của chính mình để làm nên một phong cách mới đó là con người tài tử. Điều đó cho thấy cho thấy một lý tưởng sống vượt lên trên khuôn phép của nhà nho chính thống lúc bấy giờ.

3. Sự thống nhất và tương hỗ giữa hai tư tưởng hành đạo và phong cách tài tử trong hát nói Nguyễn Công Trứ

Hát nói một địa hạt quan trọng trong gia tài văn chương Nguyễn Công Trứ. Toàn bộ tài năng, tư tưởng và phong cách được ông tập trung, thể hiện một cách sâu sắc trong hát nói. Cuộc đời hành đạo trên chốn quan trường của Nguyễn Công Trứ nhiều thăng trầm và cũng chất chứa nhiều tâm sự. Là một con người ưa tự do, phóng khoáng nên có lẽ ông không chịu dồn nén những tâm sự vào những vần thơ gò bó và giấu kín đầy ẩn khuất. Nguyễn Công Trứ thích nói thật nói thẳng những tâm sự, suy nghĩ của mình.

Giọng điệu trong thể thơ hát nói hòa hợp giữa tư tưởng và phong cách phóng túng của nhà thơ. Thể loại này, diễn tả những tâm trạng phức tạp và mâu thuẫn của con người đương thời. Chính sự tự do không gò bó trong hát nói cho nên, trong mỗi bài thơ chúng ta dễ nhận ra giọng điệu lúc trầm lúc bổng, khi ngương ngạnh nhưng cũng êm đềm. Sự thể hiện ấy là điểm thống nhất của những mặc đối lập trong tư tưởng và phong cách của ông.

Xét về tư tưởng và phong cách trong hát nói Nguyễn Công Trứ chúng tôi nhận thấy môi trường văn hóa trung đại hát nói trở thành một thể loại chuyển tải được yếu tố tự sự và trữ tình, nhằm ca ngợi chí hướng, khát vọng. Với tư tưởng tài tình và phóng túng trong bản thể, nhà thơ cho thấy sự thống nhất và không chịu sự mâu thuẩn. Cuộc đời ông là chuỗi ngày dài của con đường vinh nhục trên chiến trường nhưng thăng chức ông lấy gì làm vinh thì khi giáng chức cũng chẳng có gì là nhục.

Ông từng chán ngán với lợi danh khi:
                   Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
                   Cúc tùng phong nguyệt với vui sao
 hay
                   Trời đất cho ta một cái tài
                    Thắt lưng buộc bụng tháng ngày chơi       

Chữ tài tình và lối sống phong lưu là sự hòa hợp trong con người ông. Có người bảo ông mâu thuẫn khi ca ngợi lợi danh có lúc coi danh lợi là vinh, nhưng cũng có lúc coi là nhục. Nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn cho rằng: “Ông coi trọng tự do cá nhân, do đó cũng luôn chủ trương thực với con người mình. Một phong cách nghĩ và hành động như thế tất nhiên không tránh khỏi va chạm với cơ chế chuyên quyền độc đoán của chế độ phong kiến nhà Nguyễn vốn bắt con người phải tha hóa, phải phân thân” [1, tr.522]. Có thể thấy, mặc dầu sống dưới triều đại khi quyền lực tập trung tay vua nhưng Nguyễn Công Trứ không bị cuốn theo vòng xoáy của sự tha hóa.

Hát nói đã chuyển tải được cuộc đời và con người ưa hành động Nguyễn Công Trứ. Vắt mình qua hai thế kỷ với bao nhiêu biến động, xã hội đảo lộn, Nho giáo trên con đường suy vong. Nhà nho cũng bị những lập trường chính trị đè nén. Bản thân nhà nho dường như trở mình khỏi những cám giỗ của đồng tiền và nhân cách sống. Mỗi thời đại là một tấm gương phản chiếu xã hội. Văn hóa cũng vậy, cho chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn về con người. Với vốn sống phóng khoáng, và một con người ưa hành động cùng với một xã hội đầy những đảo lộn đã hình thành nên một tư tưởng phong cách của Nguyễn Công Trứ chăng.

          Tài liệu tham khảo

1.     Đoàn Tử Huyến (chủ biên, 2008), Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Nxb Nghệ An, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.

2.     Trần Đình Hượu (1998), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.     Nguyễn Lộc (1962), Văn học Việt Nam (Nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4.     Nhiều tác giả (2003), Nguyễn Công Trứ - Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5.      Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6.     Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (1958). Thơ văn Nguyễn Công Trứ. Nxb Văn hóa, Hà Nội.


7.     Trần Ngọc Vương (1998), Văn học Việt Nam - dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Giáo dục (tái bản), Hà Nội.

Đặng Đình Trương
Lớp Cao học Văn k18-ĐH Quy Nhơn
Nguồn: Kỷ yếu Nghiên cứu khoa học Ngữ văn
Trường ĐH Quy Nhơn, 2017


2 nhận xét:

  1. Best Casino in Lake Tahoe - Mapyro
    Find your ideal spot for gaming. Find the best casino, casino, and poker apps on Mapyro. 용인 출장마사지 고양 출장샵 The 군산 출장샵 South 양산 출장안마 Shore at Tahoe Casino is open 경산 출장샵 and excited to

    Trả lờiXóa