Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Tiểu luận : KẾT CẤU CỦA THỂ LOẠI TRUYỆN NÔM




I. Giới thuyết chung

1. Truyện Nôm

Truyện Nôm là một bộ phận văn học khá độc đáo và có giá trị của nền văn học phong kiến Việt Nam. Ðây là một loại hình tự sự có khả năng phản ánh hiện thực với một phạm vi tương đối rộng, vì vậy có người gọi truyện thơ Nôm là trung thiên tiểu thuyết (tiểu thuyết vừa). Bộ phận văn học này được sáng tác bằng chữ Nôm và phần lớn được viết theo thể lục bát- thể thơ quen thuộc nhất với quần chúng. Một số ít khác viết theo thể thất ngôn bát cú (thơ Ðường luật), tác phẩm Lâm Tuyền kỳ ngộ thuộc loại này.

Có thể nói, bộ phận văn học này có một số lượng khá lớn và có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của quần chúng lao động.

Chính vì thế mà giá trị của truyện Nôm đã được khẳng định qua thời gian tồn tại của nó và lòng hâm mộ của quần chúng ở nhiều thế hệ. Khi nghiên cứu bộ phận văn học này chúng ta cần làm rõ một số vấn đề như: Nguồn gốc, sự phát triển, thời điểm sáng tác, đặc điểm loại hình….

2. Kết cấu

2.1. Khái niệm

Một tác phẩm văn học, dù dung lượng lớn hay nhỏ cũng đều là những chỉnh thể nghệ thuật, bao gồm nhiều yếu tố, bộ phận...Tất cả những yếu tố, bộ phận đó được nhà văn sắp xếp, tổ chức theo một trật tự, hệ thống nào đó nhằm biểu hiện một nội dung nghệ thuật nhất định gọi là kết cấu. Nói cách khác, kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động, phức tạp của tác phẩm văn học.

Kết cấu là yếu tố tất yếu của mọi tác phẩm. Nếu khái niệm cốt truyện nhằm chỉ sự liên kết những sự kiện, hành động, biến cố...trong tác phẩm tự sự và kịch thì kết cấu là một khái niệm rộng hơn nhiều.

Cần có sự phân biệt giữa kết cấu và bố cục. Bố cục là sự sắp xếp các phần, các chương, các đoạn, các khổ thơ...Ðây chỉ là sự tổ chức hình thức bên ngoài của tác phẩm. Nói cách khác bố cục mới chỉ là kết cấu bề mặt của tác phẩm. Kết cấu ngoài việc tổ chức, sắp xếp các yếu tố của tác phẩm, kết cấu còn bao hàm sự liên kết bên trong, những mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố thuộc về nội dung và hình thức của tác phẩm, trong đó có cả yếu tố của bố cục.

2.2. Chức năng của kết cấu

Trước hết, kết cấu có nhiệm vụ góp phần thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Trong lao động sáng tạo văn học, có thể coi chủ đề tư tưởng là mục tiêu nhằm hướng tới của nhà văn trong quá trình phát hiện và xây dựng kết cấu. 

Ngoài ra, kết cấu còn có nhiệm vụ tổ chức hệ thống các tính cách nhân vật, sự kiện, các biến cố, hình ảnh, cảm xúc...làm cho những yếu tố đó gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại ngay từ bên trong tác phẩm, làm cho nó trở thành một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn không thể chia cắt được.

Trong đời sống văn học, đôi khi có người cho rằng một số tác phẩm có chủ đề tư tưởng tốt nhưng tác phẩm vẫn chưa được cảm nhận như một chỉnh thể nghệ thuật. Ðiều này có thể do nhiều nguyên nhân nhưng một phần quan trọng là do kết cấu.

2.3. Một số hình thức kết cấu trong tác phẩm văn học

Những hình thức kết cấu trong tác phẩm văn học rất phong phú và đa dạng. Nó có thể chịu sự qui định của thể loại (kết cấu tác phẩm tự sự và kịch với kết cấu tác phẩm trữ tình) của từng giai đoạn lịch sử khác nhau (có những hình thức kết cấu chỉ tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhưng sau đó lại bị loại bỏ hoặc ít sử dụng và thay vào đó là một kết cấu mới phù hợp với giai đoạn lịch sử mới)... Vì vậy, khó có thể xác định những hình thức kết cấu nếu thoát li thực tế sáng tác. Tuy nhiên, ở đây có thể tìm hiểu một số hình thức kết cấu đã từng xuất hiện trong lịch sử văn học và đã tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị:

- Kết cấu theo trình tự thời gian.

- Kết cấu theo hai tuyến nhân vật đối lập.

- Kết cấu đa tuyến.

- Kết cấu tâm lí.

Có thể nói đến nhiều hình thức kết cấu khác nhau và nhà văn khi xây dựng tác phẩm, lựa chọn kết cấu nào bao giờ cũng nhằm nâng cao sức biểu hiện của chủ đề tư tưởng, tăng cường sức tác động thẩm mĩ của tác phẩm đối với người đọc. Các hình thức kết cấu dù phong phú và đa dạng cũng chỉ là hữu hạn trong khi thực tế sáng tác thì vô hạn. Trong từng tác phẩm, nhà văn có thể vận dụng nhiều hình thức kết cấu khác nhau với sự sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, không thể qui những tác phẩm cụ thể vào một dạng kết cấu riêng biệt nào mà cần phải xem xét tác động nghệ thuật của kết cấu đối với người đọc cũng như chức năng cụ thể của nó trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

II. Kết cấu của thể loại truyện Nôm

1. Kết cấu gặp gỡ-tai biến-đoàn tụ

Những vấn đề cốt yếu của thi pháp truyện Nôm là cấu trúc thể loại (hay là kiểu bố cục cốt truyện), các thủ pháp nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ, phương pháp sáng tác, phương thức lưu truyền,…Như vậy, thể loại truyện Nôm cần phải được mổ xẻ cả cấu trúc bên trong lẫn cấu trúc bên ngoài, cả cấu trúc tư tưởng lẫn cấu trúc nghệ thuật. Về mặt thi pháp, truyện Nôm đã hình thành một phong cách thể loại và một khuôn mẫu cấu trúc thể loại khá ổn định.

Nói đến thế giới truyện Nôm chủ yếu là nói đến những cốt truyện, những nhân vật trong từng tác phẩm. Bởi đối với các tác phẩm văn học tự sự thì cốt truyện chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định và chi phối đôí với các yếu tố cấu thành của thể loại. Mà nói đến cốt truyện thì cũng tức là nói đến nội dung hiện thực mà tác phẩm chiếm lĩnh, nhận thức, phản ánh. 

Vậy truyện Nôm phản ánh hiện thực nào? Mối quan hệ giữa truyện Nôm với thực tại ra sao?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải xem xét nguồn gốc của một số tác phẩm truyện Nôm cụ thể. Nguyễn Thúc Khiêm là người đầu tiên công bố truyện cổ tích Dã sử quan Trạng Gầu và cho biết đó chính là nguồn gốc của truyện Tống Trân – Cúc Hoa. Hay theo tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam thì truyện Nôm Mộng Hiền truyện lại lấy cốt truyện từ truyện cổ tích Anh chàng họ Đào, truyện Nôm Chàng Chuối cũng cùng chủ đề với truyện cổ tích Lấy chồng dê. Chúng ta còn có thể dẫn ra khá nhiều truyện Nôm bắt nguồn từ cốt truyện dân gian như thế, Chính vì thế mà nhiều tác giả trước đây đều đã thống nhất rằng truyện Nôm thực chất là truyện cổ tích được diễn lại thành thơ sáu-tám mà thôi. Lẽ dĩ nhiên nói như vậy không có nghĩa là các tác giả truyện Nôm không có sáng tạo gì. Tuy nhiên, dù có sáng tạo đi chăng nữa thì cũng không ngoài mấy biện pháp cải biên, chỉnh lí hoặc lắp ghép các tình tiết, các mô típ vốn có sẵn trong kho tàng truyện cổ dân gian. Đồng thời, việc thêm bớt ấy cũng không thể vượt ra ngoài khuôn khổ của các truyện cũ, tích cũ, và điều ấy được các tác giả truyện Nôm luôn luôn tuân thủ như một phương thức sáng tạo của thể loại này:

Nhân khi thong thả như trai,

Giở xem truyện cũ đặt bài quốc âm.

(Tống Trân- Cúc Hoa)

Lược bày truyện cũ đời xưa,

Câu phiên chắp chảnh lọc lừa nôm na.

(Hoàng Trừu)

Truyện này tích cũ hiểm nghèo,

Có điều đã bớt có điều lại thêm.

(Chàng Chuối)

“Truyện cũ”, “tích cũ” nói ở đây chính là các truyện cổ dân gian hay các truyện đời xưa nói chung, nội dung truyện Nôm đã bắt nguồn từ các truyện cũ, tích cũ thì cái hiện thực được phản ánh trong truyện Nôm dĩ nhiên cũng là cái hiện thực lịch sử của truyện cũ, tích cũ, chứ không phải là cái hiện thực của đời sống thực tại khi truyện Nôm ra đời.

Về vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo ý kiến của Đặng Thai Mai qua bài Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung “Truyện Kiều”, viết năm 1955. Trong Truyện Kiều thì sự kiện, địa điểm, thời gian đều là của Trung Hoa. Tuy nội dung hiện thực được phản ánh trong tác phẩm là như vậy, nhưng cũng có những nét giống nhau, những nét phổ biến trong tính chất của con ngừơi, vì thế, dầu có vay mượn đề tài ở nước ngoài, tác phẩm vẫn nhận được sự đồng tình của độc giả trong nước. Truyện Nôm do chủ yếu lấy truyện xưa tích cũ làm đối tượng miêu tả , diễn ca nên vô hình trung cũng mang theo luôn vào thể loại của mình một số đặc trưng của truyện cổ tích hoặc truyện kể dân gian trong cách xây dựng nhân vật, trong cách miêu tả thời gian không gian, trong hình thái cấu trúc tác phẩm và trong một số biện pháp nghệ thuật khác.

Về mặt xây dựng cốt truyện, hình thái cấu trúc của truyện Nôm cũng vẫn là hình thái cấu trúc của thể loại truyện cổ tích, tức là cấu trúc theo mô hình gặp gỡ-tai biến- đoàn tụ. Mở đầu truyện bao giờ cũng là cảnh trai gái gặp gỡ rồi xảy ra biến cố phải ly tan mỗi người mỗi ngả, sau trải qua nhiều bước gian truân, họ lại được đoàn tụ trong hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình êm ấm. Chính cái mô hình này đã chi phối toàn bộ sự phát triển của các tình tiết cũng như tính cách của nhân vật trong truyện. Bởi thế các tình tiết dù có phát triển và diễn biến éo le, ly kỳ, phức tạp đến đâu cũng vẫn không thể vượt ra ngoài khuôn khổ của mô hình cốt lõi này.

Kiểu kết cấu gặp gỡ- tai biến- đoàn tụ này là kết cấu chung của hầu hết truyện Nôm, kể cả truyện Nôm bác học và truyện Nôm bình dân. Ví dụ, truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng diễn biến theo kiểu kết cấu này. Lục Vân Tiên quê ở huyện Đông Thành, khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ. Nghe tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên từ giã thầy xuống núi đua tài, giữa đường chàng đã đánh tan bọn cướp Phong Lai, cứu được Kiều Nguyệt Nga. Cảm ân đức ấy, Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên và tự hoạ bức chân dung chàng giữ luôn bên mình. Còn Vân Tiên tiếp tục cuộc hành trình, gặp và kết bạn với Hớn Minh, một sĩ tử khác.

Sau khi về nhà thăm cha mẹ, Vân Tiên cùng tiểu đồng lên đường đi thi, ghé thăm Võ Công, người đã hứa gả con gái là Võ Thể Loan cho chàng. Từ đây, Vân Tiên có thêm người bạn đồng hành là Vương Tử Trực, tới kinh đô lại gặp Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Thấy Vân Tiên tài cao, Hâm, Kiệm sinh lòng đố kị, ghen ghét. Lúc sắp vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin mẹ mất, liền bỏ thi trở về quê chịu tang. Dọc đường về, Vân Tiên đau mắt nặng, rồi bị mù cả hai mắt, lại bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Nhờ giao long dìu đỡ đưa vào bãi, Vân Tiên được gia đình ông ngư cứu mạng. Sau đó chàng lại bị Võ Công khinh rẻ và bị Võ Thể Loan gạt bỏ vào hang núi Thương Tòng. Được thần tiên cho thuốc chữa mắt, Vân Tiên may mắn gặp lại Hớn Minh (vì trừng trị công tử Đặng Sinh ỷ thế làm càn mà Hớn Minh phải bỏ thi, sống lẩn lút trong rừng). Hớn Minh đón Vân Tiên về an dưỡng bệnh. Khoa thi năm ấy Tử Trực đỗ thủ khoa, trở lại nhà họ Võ hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ Công ngỏ ý muốn gả Thể Loan, bị Tử Trực cự tuyệt và mắng thẳng vào mặt, Võ Công hổ thẹn ốm chết.

Nghe tin Lục Vân Tiên đã chết, Kiều Nguyệt Nga thề sẽ thủ tiết suốt đời. Thái sư đương triều hỏi nàng cho con trai không được, đem lòng thù oán, tâu vua bắt Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua. Thuyền đi tới biên giới, nàng mang theo bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự tử. Phật Bà Quan Âm đưa nàng dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Công nhận nàng làm con nuôi, nhưng Bùi Kiệm lại nằng nặc đòi lấy nàng làm vợ. Nguyệt Nga phải trốn khỏi nhà họ Bùi, vào rừng nương tựa một bà lão dệt vải.

Lục Vân Tiên ở với Hớn Minh, được tiên cho thuốc, mắt lại sáng, liền trở về nhà thăm cha, viếng mộ mẹ, thăm cha của Kiều Nguyệt Nga. Đến khoa thi, chàng đỗ Trạng nguyên và được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Hớn Minh được tiến cử làm phó tướng. Đánh tan giặc, Vân Tiên một mình lạc trong rừng và gặp lại Nguyệt Nga. Chàng về triều tâu hết sự tình, kẻ gian ác bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga sum vầy hạnh phúc.

Như chúng ta đã biết, trong mô hình cấu trúc của truyện Nôm thì trường đoạn tai biến là trường đoạn có nhiều diễn biến phức tạp nhất của cốt truyện. Tại đây nhân vật chính nhiều khi phải trải qua những biến cố cực kì khủng khiếp, tưởng như vượt quá sức chịu đựng của một con người bình thường. Trong những trường hợp như thế, đành rằng ý chí nhân vật chính giữ vai trò rất quan trọng. Song bên cạnh đó vẫn không thể thiếu sự hỗ trợ của một sức mạnh vô hình của một lực lượng siêu nhiên nào đó. Nhờ vậy nhân vật chính mới có thể vượt qua các tai ách để bước vào trường đoạn đoàn tụ như cấu trúc muôn thuở của truyện Nôm. 

Đoàn tụ là sự kiện hoàn chỉnh số phận nhân vật chính. Các tác phẩm đều kết thúc ở thời điểm nhân vật chính thoát khỏi gian nan đau khổ, hoặc kết thúc thời gian chờ đợi trong chia ly, được đoàn tụ với gia đình và được sống cuộc đời hạnh phúc vinh hiển. Đoàn tụ là giai đoạn sau của chia ly (tai biến). Có chia ly mới có đoàn tụ. Chia ly là xa cách về không gian trong một khoảng thời gian. Không gian, thời gian đó phải hữu hạn, phải có lúc kết thúc. Sự kiện đoàn tụ sẽ diễn ra ngay khi kết thúc không gian và thời gian chia ly ấy.

Theo tiến sĩ Đinh Thị Khang, các truyện Nôm thường được mở đầu bằng lời giới thiệu lai lịch nhân vật chính (tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình), do đó kết cấu cốt truyện nên có thêm phần giới thiệu nhân vật (giới thiệu - gặp gỡ - tai biến -đoàn tụ).Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình việc xem phần giới thiệu nhân vật là một bộ phận của kết cấu cốt truyện. Bởi lẽ:

- Nó chiếm số câu rất ít so với các phần còn lại;

- Nhiều tác phẩm không giới thiệu nhân vật cùng lúc mà xen kẽ nhau, không thể tách thành một phần riêng lẻ được.

2. Kết thúc có hậu

Kết thúc có hậu là quy luật có tính tất yếu và là đặc trưng mang tính loại biệt của thể loại truyện Nôm. Ngay cả những truyện Nôm bác học như Sơ kính tân trang, Song Tinh, Hoa tiên ,Truyện Kiều,… cũng đều không thể không tuân thủ quy luật này. Và đặc biệt, yếu tố thần kỳ được sử dụng trong hầu hết các truyện Nôm là một biện pháp nghệ thuật quan trọng để thực hiện mô hình cấu trúc gặp gỡ- tai biến- đoàn tụ.

Nhân vật Phạm Công sau khi đỗ Trạng nguyên, bị Ngụy Vương ép gả công chúa cho chàng, chàng vẫn từ chối nên bị đày sang Hung Nô. Tại Hung Nô, Phạm Công lại đỗ Trạng nguyên lần thứ hai, rồi chúa Hung Nô cũng ép chàng phải lấy công chúa, nhưng chàng vẫn một mực chối từ, do đó chúa Hung Nô nổi giận: chặt tay, khoét mắt, rứt mày, xé tai, đục hàm…Phạm Công. Ngọc hoàng thương tình, đã sai chư tướng hóa phép cho Phạm Công được lành lặn. Sau đó Phạm Công lại đến Đăng Châu, lại thi đỗ Trạng nguyên lần lần thứ ba, và lần này lại bị Triệu Vương ép gã công chúa cho chàng, rồi chàng cũng vẫn từ chối khiến nhà vua tức giận định bỏ vạc dầu, may nhờ có công chúa xin hộ nên chàng mới được tha về và gặp lại Cúc Hoa, người vợ yêu quý của chàng từ thuở hàn vi. Nhưng rồi Cúc Hoa đã chết khi mới ba mươi tuổi. Vừa lúc đó Phạm Công nhận được lệnh vua phải đi đánh giặc. Vì chưa kịp làm ma vợ, chàng phải mang theo cả thi thể vợ và cõng con ra nơi chiến địa. Tướng giặc cảm đức độ của Phạm Công liền rút binh về nước. Cúc Hoa hiện hồn khuyên Phạm Công nên lấy Tào thị làm vợ kế để trông nom hai con. Phạm Tải phải nghe theo. Sau đó, khi Phạm Công đi nhận chức tận Cao Bằng, Tào Thị đuổi Tiến Lực, Nghi Xuân ra khỏi nhà, tằng tịu với kẻ khác. Cúc Hoa hiện hồn về than khóc, rồi viết thư giắt vào áo con để gửi cho chồng. Phạm Công hết kì hạn làm quan trở về, giữa đường gặp con đang dắt díu nhau đi ăn mày. Chàng chỉ hỏi tội Thị Tào rồi cho về quê quán. Còn Tào Thị là kẻ bạc ác bất nhân nên trên đường đi vẫn bị thiên lôi đánh chết. Phạm Công trở về triều, tuy đã có công chúa Xuân Dung, nhưng vẫn thương nhớ vợ nên quyết tâm xuống âm phủ tìm vợ và được sum họp.

Như vậy, kể từ lúc kể từ lúc mở đầu đến kết thúc, cốt truyện đã được diễn biến và phát triển với biết bao nhiêu tình tiết hết sức ly kỳ, phức tạp. Truyện Phạm Công- Cúc Hoa do đó kéo dài tới trên 4000 câu thơ lục bát, đứng vào hàng những truyện Nôm dài nhất trong hệ thống truyện Nôm Việt Nam. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dù tình tiết có phát triển rắc rối đến mấy, và cốt truyện có kéo dài bao nhiêu đi nữa thì người kể chuyện vẫn phải dừng lại ở chỗ đẹp nhất, viên mãn nhất thì người nghe mới thấy thỏa mãn, mới chịu chấp nhận. Thiện phải thắng ác. Chính phải thắng tà. Đó là triết lí ngàn đời của dân gian. Đó cũng là triết lí thẩm mĩ của thể loại truyện Nôm. Nếu truyện kết thúc ở đoạn Cúc Hoa chết yểu để lại hai con nhỏ thì thật tội nghiệp. Còn chàng Phạm Công đã chịu cực hình chặt tay, khoét mắt. đục rang, vì tình yêu chung thủy thế mà không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn với nàng Cúc Hoa thì thật trái đạo lý. Vì thế nàng Cúc Hoa phải được tái sinh. Điều này không chỉ thể hiện ước nguyện của nhân dân, mà còn thể hiện ý chí đấu tranh mãnh liệt của họ trước mọi thế lực bạo tàn của xã hội. Và đó cũng chính là cơ sở tư tưởng của mô hình cấu trúc theo lối kết thúc có hậu. 

III. Kết luận

Giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX là giai đoạn bộ phận văn học truyện thơ Nôm ra đời và phát triển, thời kỳ cực thịnh của nó là thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX. Phần lớn các truyện Nôm lưu hành hiện nay cũng ra đời trong hai thế kỷ này. Sang đầu thế kỷ XX việc sáng tác truyện Nôm dần dần chấm dứt vì thể loại văn xuôi mới ra đời đã đủ sức thay thế nó. 

Nhưng có thể thấy, kết cấu của một tác phẩm bao giờ cũng tăng cường sức mạnh nghệ thuật của tác phẩm văn học, tạo nên sức hấp dẫn cho người đọc. Qua kiểu kết cấu trên, truyện Nôm đã thể hiện được lý tưởng thẩm mỹ về cái thiện, cái mà con người luôn phấn đấu để đạt được.

Nhóm học viên
Lê Thị Kim Hoa
Võ Thị Hiền





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét