Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Nghiên cứu : PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN THI (Phạm Anh Tuấn)




Ngôn ngữ là một trong những phương diện bộc lộ đặc điểm văn hóa vùng miền. Do vậy, tìm hiểu những đặc trưng ngôn ngữ là một vấn đề quan trọng trong nghiên cứu văn hoá vùng miền.

Theo Từ điển tiếng Việt, phương ngữ “là biến thể theo địa phương hoặc theo tầng lớp xã hội của một ngôn ngữ”. Như vậy, phương ngữ là một chuỗi các nét biến dạng địa phương từ một ngôn ngữ toàn dân, do những tác động địa lý, xã hội mà dần hình thành. Phương ngữ Nam Bộ là tiếng nói của người dân Nam Bộ, là biến thể địa lý của ngôn ngữ toàn dân. Ở Nam Bộ, phương ngữ thể hiện khá rõ trong các tác phẩm văn học, trên các phương diện ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa và phong cách diễn đạt.

Tuy sinh ra ở đất Bắc nhưng phần lớn cuộc đời Nguyễn Thi gắn bó sâu sắc với mảnh đất Nam Bộ. Vì vậy, phương ngữ Nam Bộ được nhà văn sử dụng một cách thuần thục vào việc thể hiện ngôn ngữ trong lời ăn tiếng nói thường ngày, trong từng ngữ cảnh cụ thể của nhân vật. Bởi ông là người am hiểu về đặc trưng ngôn ngữ Nam Bộ: “Anh hùng Nguyễn Thị Út lên diễn đàn. Chị mặc áo bà ba màu đất. Giọng nói của chị mang những vần không cong lưỡi của quê Trà Vinh” [4, tr.52]. Bằng cái tài và cái tâm của người cầm bút, Nguyễn Thi đã cố gắng, nỗ lực mang "hương vị" ngôn ngữ Nam Bộ đến với người đọc qua từng trang viết. Màu sắc ngôn ngữ Nam Bộ trong sáng tác Nguyễn Thi được thể hiện rõ qua ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật.

1. Ngôn ngữ dẫn truyện mang màu sắc dân gian Nam Bộ

Một trong những yếu tố đem lại thành công, đặc sắc của các tác phẩm chính là ngôn ngữ của tác giả. Bằng tất cả những vốn sống, am hiểu về văn hoá Nam Bộ, đặc biệt là phương ngữ, Nguyễn Thi đã tạo cho mình phong cách dẫn truyện, cách dùng từ ngữ đậm chất Nam Bộ.

Chất văn hoá Nam Bộ trong ngôn ngữ tác giả trước hết thể hiện ở những lớp từ ngữ đậm chất Nam Bộ. Viết về miền sông nước nên Nguyễn Thi cũng đã sử dụng lớp từ ngữ sông nước đặc trưng. Lớp từ ngữ phản ánh địa hình, cây cối, sông nước của miền sông nước Nam Bộ xuất hiện trong hầu hết những sáng tác của Nguyễn Thi như: sông, kinh, rạch, bờ mẫu, bưng, cồn, cù lao, lằn sông, nước lớn, mùa nước rong, sóng lưỡi búa, ghe, xuồng... hay các loại cây đặc trưng như: tràm, đước, bần, trâm bầu, … Việc sử dụng lớp từ này không chỉ góp phần làm nổi bật lên những nét đặc trưng của vùng sông nước mà còn góp phần làm phong phú thêm vốn từ vựng tiếng Việt trong các tác phẩm. 

Lớp từ phương ngữ Nam Bộ cũng được nhà văn vận dụng tối đa trong tác phẩm. Đó là các từ xưng hô, từ đệm, cách sử dụng các thành ngữ đậm chất Nam Bộ. Trong cách nói của người Nam Bộ có một hiện tượng đáng lưu ý. Đó là cách xưng gọi, và cách dùng từ xưng gọi. Người Nam Bộ có thói quen gọi tên kết hợp với thứ bậc hay đặc điểm của nhân vật. Nhiều nhân vật trong các tác phẩm cũng được Nguyễn Thi đặt tên, gọi tên theo cách xưng hô như vậy, như: Việt (Những đứa con trong gia đình) được anh em gọi thân mật là Cậu Tư, Chú Năm, thằng Hai con chú Năm; chị Út Tịch, ông Sáu Hò, bà Sáu Hò, ông Chín Đà, Tám Thế...trong Người mẹ cầm súng; anh tư Râu, anh Sáu Trớ, chị Hai Chung trong Những sự tích ở đất thép; chị Ba, chị Tư, anh Ba Cừ, anh Năm huyện đội trưởng trong Ước mơ của đất; cô Ba, anh Mười trong Cô gái đất Ba Dừa; ông Tư Trầm, chị Năm Bưởi, lão Ba Sồi trong Ở xã Trung Nghĩa... Trong văn hoá ứng xử của người Nam Bộ, kiểu xưng hô này làm người nghe cảm thấy gần gũi, có sự kết nối với nhau, thân thiết như những thành viên trong gia đình, cho dù đó là những người lạ với nhau. Điều này xuất phát từ xa xưa, khi khai phá vùng đất mới, lúc ấy đất rộng người thưa, con người cảm thấy cô đơn lạc lõng nên cần được chia sẻ, quan tâm nhau bằng tình cảm chân thật, thân thiết. Do vậy, lối xưng hô này trở thành một nét văn hoá giao tiếp của người dân. Nguyễn Thi cũng rất am hiểu lối xưng hô này khi ông đã có những giới thiệu, lý giải về các tên gọi chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng): “Cô bác lớn tuổi quen gọi chị là con Út Trầu, vì chị hay ăn trầu. Lại có người đặt danh chị là "Bà Hồng” vì chị đánh giặc rất giỏi. Xóm giềng theo tục địa phương, ghép tên chị với tên chồng, cứ kêu là Út Tịch.” [4, tr.209].

Ngôn ngữ dẫn truyện cũng mang đậm màu sắc Nam Bộ khi tác giả thường xuyên sử dụng những phương ngữ Nam Bộ. Nhà văn hay sử dụng các tính từ của phương ngữ Nam Bộ như: cái bụng chang bang, nón rộng lểnh lảng, nhìn lom lom, ngồi chồm hổm, trọng trọng, việc thỏn mỏn, mình mẩy tèm lem, không lỏi một con, thiệt ngon, nói đỏ đẽ... Những động từ như: thẩy ra, dòm chừng, đương lọp, thọc lét, dừng lại buồng, thả giỡn sóng, giả đò, chườn ườn, giang xuồng... Các danh từ đặc trưng như: má, sắp nhỏ, sanh mạng, miểng... Dùng các từ đệm như: cũng lóng này, riết rồi, nửa chừng... Có khi trong một câu văn, nhà văn sử dụng hàng loạt phương ngữ: “Bỉnh đeo súng cây, bụng chang bang, một tay máng vào dây súng có kẹp theo trái ổi, một tay cầm mấy miểng bom, chàng hảng chân, đứng dòm” [4,tr.198].

Đặc biệt, Nguyễn Thi cũng rất thành công khi đưa thành ngữ vào trong ngôn ngữ dẫn truyện một cách linh hoạt, theo đúng phong cách Nam Bộ. Đó là những thành ngữ được đưa trực tiếp vào lời văn: “đi tréo trả như gà mắc nhợ” [4, tr.38]; “Từ đó, hai tiểu đội dụ kích nữ và nam đi đâu cũng như hình với bóng.” [4, tr.265]; “Vợ Hàm Giỏi cao, mập. Ngay thằng chồng đứng cạnh mụ cũng chỉ như “lóc nói mà ôm cột dừa” [4, tr.212]; “Tỏi lao theo những cái đó, như gà non ngứa cựa” [5, tr.9]. Và đa số đều được nhà văn vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo làm cho lời văn trở nên gần với cách nói hàng ngày hơn: “Có lúc Việt còn bỏ về nhà ăn cơm, nhưng chị Chiến cứ ngồi một góc ván, lông mày cau lại, chéo khăn hở ngang miệng, đánh vần hoài. Chị đọc tiếng đặng tiếng mất, chữ mẹ đẻ chữ con, từ trưa tới xế, rồi từ xế tới chiều, bỏ ăn, quên cả trời chạng vạng” [58, tr.100]; “Thằng nhỏ càng gỡ, con Anh càng ôm chặt, mặt hai đứa đỏ lơ đỏ lưởng” [4, tr.149]. Hay đó là những thành ngữ góp phần thể hiện rõ cảm xúc, thái độ trong từng lời kể: “Anh lẹ tay thiệt! Việt rượt theo thằng thứ hai lụi nó đến mấy cái mà lụi không tới, tức như bò đá” [4, tr.90]; “Út lại chạy sang. Người mệt, chân muốn bẻ lái ra sau” [4, tr.291]... Với sự vận dụng những thành ngữ có tính chất khẩu ngữ và có sự biến đổi về hình thức phát âm theo tiếng nói, phù hợp với tính cách của người dân Nam Bộ, Nguyễn Thi đã tạo được một cách rõ nét sắc thái dân gian Nam Bộ trong các sáng tác của mình. 

Phong cách diễn đạt là phương diện thể hiện rõ lối tư duy của người Nam Bộ. Qua tác phẩm của Nguyễn Thi, ta dễ dàng nhận ra cách diễn đạt rất đặc trưng của người miền Nam. Đặc điểm dễ nhận ra ở phong cách dẫn truyện của Nguyễn Thi là phong cách diễn đạt bình dân, có nhiều yếu tố từ ngữ giản dị và mộc mạc, những câu ngắn gọn, từ ngữ đặc trưng. Đặc điểm này phù hợp với đời sống và tính cách của người Nam Bộ. Đó là lối văn điển hình của “văn phong Nam Bộ”. Phong cách này không chỉ có trong văn học mà ta có thể bắt gặp ở ngay cả những lời ca mộc mạc như ở trong bài hát Anh Ba Hưng của nhạc sĩ Trần Kiết Tường: “Có anh Ba Hưng; Vốn thiệt nông dân; Đi lính hơn năm trường; Vừa mới được huân chương...”. Người Nam Bộ rất thích tiếp nhận với phong cách diễn đạt như thế.

Để tạo không khí dẫn truyện, dẫn dắt như những lời kể chuyện hàng ngày giữa những người dân Nam Bộ, Nguyễn Thi đã tạo cho mình phong cách dẫn truyện mang phong cách Nam Bộ. Ví như, khi giới thiệu về chị Út Tịch, tác giả kể về xuất xứ, lai lịch tên gọi nhân vật rất dễ hiểu, cụ thể: “Tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có một người đàn bà đã sáu con tên là Nguyễn Thị Út. Dáng người nhỏ gọn, chị có khuôn mặt tròn và đôi mắt to, sáng” [4, tr.209]. Hay cách nhà văn giới thiệu, miêu tả hình dáng, điệu bộ của một nhân vật: “Con Bé, con gái lớn của Út, đã tám tuổi. Nó ốm nhách, mà nhanh, cha mẹ đi công tác, ba em ở nhà nó bao hết. Nó chạy đầu này ru đứa nhỏ ngủ, chạy đầu kia lôi đứa lớn đi tắm. Nhà hết gạo, nó dắt em sang ăn cơm bên hàng xóm. Những việc gì nó không làm nổi: Sửa lại mái dột, hoặc bện lại cặp dây võng, người mẹ về làm cho nó. Mỗi buổi mẹ về, nó lại biết thêm vài việc.” [4, tr.241]. Hay đó là cách dẫn dắt đầy hình ảnh của nhà văn khi nói về suy nghĩ của người nông dân: “Trong bộ óc không quen tính toán của ông già...những số tiền kia nhảy nhót mơ hồ như cá lòng tong gặp mưa” [5, tr. 258]. Người đọc dễ dàng hình dung được những gì nhà văn miêu tả từ những thông tin ngắn gọn nhưng rất đầy đủ đó mà nhà văn nói đến.

Phong cách kể chuyện của Nguyễn Thi cũng mang dáng dấp phong vị dân gian Nam Bộ, như trong những truyện kể của bác Ba Phi. Đó là nhiều lúc người kể cũng tham gia trực tiếp vào câu chuyện, bày tỏ cảm xúc chủ quan của mình. Có khi người kể chuyện đóng vai trò như một nhân vật trong truyện để trực tiếp kể lại những gì mình mắt thấy tai nghe: “Sáng, cà nông giặc rống lên. Nó bắn riết tới trưa, không thấy đi bố, con nít khóc nhoi nhói dưới hầm. Út dặn chị em rồi ra thị trấn, nắm tin. Hỏi ra mới biết hai cây cà nông nó mới chở tối hôm qua. Năm trăm thằng đã rút còn sáu chục thằng với bốn thằng Mỹ ở giữ. Nó bắn như vậy để cầu may coi ai sợ thì chạy ra cho nó gom ấp chiến lược, còn đi càn vào Tam Ngãi lùa dân như trước thì nó xin chịu. Thì ra nó đem hai cây ông nội nó về đây là để làm như vậy! Tam Ngãi đã có người chết. Đó đây nổi lên tiếng khóc đám ma” [4, tr.302]. Rất nhiều đoạn nhà văn vừa kể chuyện vừa nhập thân vào nhân vật để miêu tả cảm xúc của nhân vật: “Bà mẹ liếc nhìn con gái, chợt nhận ra rằng thường ngày không nghe nó nói như thế. Ở nhà, bà ra cách cho nó làm, giờ nó đi, nó ra cách lại cho bà” [4, tr.32]. Đặc biệt, trong Những đứa con trong gia đình, tác giả đã “hợp nhất” ngôn ngữ dẫn truyện với ngôn ngữ nhân vật: “Thằng chạy chết mà còn láo! Việt thoáng nhìn thấy nó, đầu nó bự như cái lư, tức mà tiếc… Chà! Cả bọn Mỹ nhà mày! Mày cũng định xô lên người tao mà chạy nữa à?... Thật là rầy! Buông à? Tết tao mới buông! Mày cũng chỉ là một cái xe Mỹ chớ cái cóc gì?” [4, tr.92].

Cũng như phong cách kể khan đặc trưng của sử thi Tây Nguyên, phong cách kể chuyện của dân gian Nam Bộ mang đặc trưng riêng: đề cao lối kể ngắn gọn, dễ hiểu và tạo cảm xúc lôi cuốn qua sự kết nối giữa người kể và người nghe. Những đặc điểm này phù hợp với lối sống thích đơn giản, ngắn gọn và chân tình của người Nam Bộ. Tạo được một phong cách dẫn truyện mang đậm chất dân gian Nam Bộ như thế trong các tác phẩm là một thành công của Nguyễn Thi.

2. Ngôn ngữ nhân vật đậm nét đời thường

Sử dụng thuần thục phương ngữ Nam Bộ nên Nguyễn Thi đã thành công khi đưa ngôn ngữ của đời sống vào tác phẩm của mình một cách tự nhiên. Và cũng chính vì thế nên nhân vật của Nguyễn Thi luôn tạo cho người đọc sự gần gũi thân thuộc. Điều đó được thể hiện qua phong cách khẩu ngữ đời thường trong ngôn ngữ các nhân vật. 

Phong cách khẩu ngữ sinh hoạt trong ngôn ngữ nhân vật được thể hiện qua lối xưng hô, đối đáp mang đậm nét văn hoá Nam Bộ. Người Nam Bộ chuộng lối xưng hô thân mật, dân dã, suồng sã cũng như chính lối sống của họ vậy. Đối với những người bằng vai phải lứa, hay đối với người nhỏ tuổi hơn, người Nam Bộ thường xưng “mầy – tao” để tỏ sự thân mật như cách xưng hô của Chỉnh đối với Bỉnh (Chuyện xóm tôi): “Vô đi. Mầy không vô hả?(...)Tao đánh à!” [4, tr.9]; hay lời báo tin của cha Mận (Ước mơ của đất) với chị Tư: “Tư à, tao nghe súng nổ rần rần rồi nghe họ nói chồng mầy làm sao đó!” [4, tr.577]. Nhưng đối với kẻ thù thì họ xưng “mày – tao” để bộc lộ sự khinh bỉ, khi Bác Ngảng (Trên đường xóm) chỉ vào mặt thằng Mỹ: “Quân mặt rắn! Chúng tao tha mày không phải chúng tao dở, không biết giết mày! Dòm à?” [4, tr.203]. Ngoài ra, người Nam Bộ còn gọi tên kết hợp thứ bậc như: Bác Hai Ngảng, chị Út Tịch, chị Tư,... hay đơn giản là xưng “tôi”, “tui” và gọi tên người khác khi giao tiếp. Tuỳ vào đối tượng, tình huống giao tiếp mà các nhân vật có những xưng hô khác nhau. Lối xưng hô này có thể được xem như là sản phẩm của môi trường sống. Mỗi người đều có thể nhấn mạnh đến cái tôi cá nhân của mình và ý thức được vai trò xã hội của mình. Mặt khác, lối xưng hô này một phần cũng đã phản ánh thái độ phóng khoáng, bình đẳng như chính thiên nhiên nơi đây đã có. Và quan trọng hơn, qua cách xưng hô đó, người Nam Bộ luôn đề cao sự thẳng thắn, bộc trực trong giao tiếp.

Cách đối thoại, đối đáp của nhân vật trong sáng tác Nguyễn Thi cũng bộc lộ những nét riêng trong lối sống và cách cư xử của người dân Nam Bộ, thể hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử của họ. Người Nam Bộ cũng đề cao cái tôi cá nhân, không quá xem trọng những từ ngữ xưng hô phép tắc như trong văn hoá giao tiếp của miền Bắc. Dưới đây là một đoạn đối thoại giữa anh Cần và Đực Cò (Những sự tích ở đất thép):

- Theo thiệt hay chơi?
- Thiệt!
- Đánh Mỹ phải cứng nghe mầy!
- Hả? Chớ sao! Ông già ổng nói chừng nào Mỹ tới thì cho tui đi du kích. Phải thằng Mỹ vô thiệt không anh? [4, tr.340].

Ngôn ngữ rất ngắn gọn, nhưng thông tin đối thoại đầy đủ. Cách nói của Đực Cò với anh Cần bình thường còn được gọi là nói “trổng trổng”. Nhưng người Nam Bộ chấp nhận cách nói đó trong giao tiếp hàng ngày. Trong đời sống, để vơi đi những khó khăn, gian khổ, người dân Nam Bộ cũng rất chuộng lối nói hài hước. Chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng) với tính cách mạnh mẽ qua câu nói “Còn cái lai quần cũng đánh”, nhưng cũng là một người đầy hóm hỉnh đối với chồng mình. Nguyễn Thi đã giúp cho người đọc “bắt gặp” con người hóm hỉnh đó của chị Út Tịch qua những lời đối thoại:

Út nói:
- Anh tính không cho tôi đi sao?
Anh Tịch nói:
- Em đi để đẻ dọc đường à?
Út nói, nửa cười nửa mếu:
- “Đồng chí” đã hại người ta, giờ lại còn cản nữa [4, tr.245].

Việc vận dụng lớp từ khẩu ngữ đã giúp Nguyễn Thi miêu tả thật sinh động, chân thực về cuộc sống, về nét sinh hoạt thường nhật của người dân Nam Bộ xưa. Nhà văn đã đưa vào trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật với những từ phương ngữ đặc trưng, như: mầy, bây, mấy ảnh, bả, méc, bịnh, đảo chánh, bi lớn, rán chừng, nhứt trí, nhứt định, bận quần áo, đặng, mần, in như, dòm, biểu, biên thư, sớm mơi, hổm rày... Đây là lớp từ vựng Nam Bộ có hiện tượng biến âm so với lớp từ vựng chung toàn dân. Sự biến âm này được hình thành từ khuynh hướng phát âm đơn giản hóa của người dân Nam Bộ. Chẳng hạn, trong một lời nói của anh Việt (Chuyện xóm tôi) đối với Bỉnh và Đực có sử dụng rất nhiều từ phương ngữ:

- Rán chừng tổng khởi nghĩa anh cho em đi lấy chợ Mỏ Cày. Má cũng đi nữa. Tao yểm hộ cho hai đứa vô ngả lò heo đánh dinh quận. Giao thằng Mỹ ăn mắm ruốc cho bây đó, chịu không? Nhứt trí nghen! Nếu nhứt trí thì bận quần vô rồi đi ăn cơm, nào... [4, tr.22].

Ngôn từ trong giao tiếp của người Nam Bộ cũng ưa chuộng cách nói ví von, giàu hình ảnh. Cùng chỉ về cái chết nhưng người Nam Bộ có nhiều cách nói ví von khác nhau. Trong lời nói của mình, chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng) đã sử dụng những từ lóng để chỉ về cái chết:

Út bắn một phát, một thằng chết nhảy dựng, Út lại la:

-Nó "lâm thôn" rồi! Đánh tới, anh em ơi! [4, tr.242].

Lâm thôn là một điệu múa dân gian của người Khơ-me. Ở đây “lâm thôn” được dùng với ý nói là giãy chết. Một ví dụ khác:

“Út hỏi:
- Con vợ thằng sếp bót kia. mày đi không ?
- Không!
- Không đi thì "cấp đất" liền tại chỗ!” [4, tr.288].

“Cấp đất” dùng với nghĩa là bắn chết tại chỗ. Đây là một cách nói rất dân dã của người Nam Bộ.

Nguyễn Thi cũng đưa thành ngữ vào trong lời nói của nhân vật như: “quẹt mỏ như gà” [4, tr.213], “còn gà mái thì còn gà giò” [4, tr.247]. Việc vận dụng thành ngữ đã tạo nên lối nói đầy hình ảnh trong ngôn ngữ nói của người Nam Bộ.

Một nét đặc trưng trong ngôn ngữ giao tiếp của người Nam Bộ đó là hệ thống từ đệm trong câu nói. Các từ đệm kết hợp với ngữ điệu sẽ tạo ra sắc thái địa phương rõ rệt của từng vùng miền. Nguyễn Thi thường dùng các từ đệm trong lời nói như: hả, à, ha, há, heng, chịu không, nghen, mừ, riết, hoài... Sự có mặt của các từ đệm góp phần làm tăng sắc thái biểu cảm cho cách diễn đạt. Đây cũng là một đặc điểm của phong cách khẩu ngữ Nam Bộ. Chỉ qua một câu nói của chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng), ta thấy được tình cảm của chị đối với dân làng như thế nào: “Tôi đi đánh giặc được Mặt trận thương, cô bác thương nên cứ đánh hoài. Bây giờ trên cho làm xã đội phó tôi cũng đánh hoài” [4, tr.259]. Từ “hoài” đệm cuối câu tạo cảm giác rất gẫn gũi, thân thiết đối với người nghe. Nhà phê bình Hoài Thanh cùng bàn luận về từ “hoài” này như sau: “Chỉ một chữ “hoài” mà câu nói nghe ngọt lịm. Làm sao chỉ trong một chữ mà có thể gói ghém được nhiều đến thế? Hình như trong đó có cả màu trời, sắc nước, những cánh đồng, những rừng cây, những nét mặt, những tình thương, cả không khí miền cực Nam của Tổ quốc” [1, tr.272].

Cũng như người Nam Bộ, ngôn ngữ Nam Bộ rất chân quê, giản dị, nhưng lại cực kỳ phong phú, đa dạng. Nguyễn Thi đã đưa những sắc thái ngôn ngữ thường nhật của người Nam Bộ vào trong lời nói các nhân vật. Thông qua đó được tính cách, tâm lý ứng xử của người Nam Bộ. Đó là sự bộc trực, mộc mạc, dân dã, hào hiệp, trọng nghĩa,…của con người Nam Bộ. Đó cũng là thể hiện nét riêng trên phương diện ngôn ngữ giao tiếp của văn hoá Nam Bộ.

Với tình yêu đối với đất và người Nam Bộ, Nguyễn Thi đã “chuyển tải” thành công “chất Nam Bộ” qua ngôn ngữ trong sáng tác của mình. Chỉ bấy nhiêu thôi ta cũng có thể khẳng định: Nguyễn Thi xứng đáng là nhà văn của người dân Nam Bộ.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Vũ Tiến Quỳnh (1998), Phê bình bình luận văn học: Nguyễn Văn Bổng, Phan Tứ, Đinh Quang Nhã, Nguyễn Thi, NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh

2. Huỳnh Công Tín (2007), Từ điển từ ngữ Nam Bộ, NXB Khoa học xã hội.

3. Huỳnh Công Tín (2013), Đặc trưng văn hoá Nam Bộ qua phương ngữ, NXB Chính trị Quốc gia.

4. Ngô Thảo (1996), Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập, tập 2, NXB Văn hóa Hà Nội.

5. Ngô Thảo (1996), Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập, tập 3, NXB Văn hóa Hà Nội.


Học viên Phạm Anh Tuấn
Bài đã đăng trên Tạp chí Văn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét