Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN NGHÈO TRONG MỘT SỐ SÁNG TÁCCỦA NAM CAO VÀ GORKI


1. Khái quát về tác giả
1.1. Macxim Gorki
1.1.1. Cuộc đời và sự ảnh hưởng của cuộc đời. 

M.Gorki là “người đại diện lớn nhất của của nền nghệ thuật vô sản”(Lê nin). Tên thật là là Alêchxây Măcximôvich Pêscôp, sinh ngày 28.3.1868 tại thành phố Nigiơni Novogod (nay là thành phố Gorki).

Bố và mẹ của Aliôsa không may mất sớm khi chú bé Aliôsa còn nhỏ. Aliôsa trải qua một thời thơ ấu đầy nước mắt và roi đòn trong căn nhà của ông ngoại Vaxili Kasirin. Căn nhà là một môi trường tiểu thị dân lạc hậu, hủ lậu. Ông ngoại là một người keo kiệt, nóng tính. Nhưng bà ngoại Aculina Ivanôpna lại rất mực nhân ái hiền từ, độ lượng. Qua những truyện cổ tích và truyền thuyết dân gian, bà đã sớm khơi dậy trong tâm hồn thơ dại của Aliôsa niềm yêu quí những gì là chính nghĩa, là anh hùng, cao thượng và nỗi căm ghét những gì là phi nghĩa, thấp hèn. Chính người đàn bà đôn hậu đó đã sớm nuôi dưỡng tâm hồn sáng tạo của nhà văn vĩ đại tương lai bằng nguồn sữa lành mạnh của những sáng tác dân gian. 

Chẳng bao lâu, cái xưởng nhỏ bé của ông ngoại bị phá sản. Aliôsa mới hơn 10 tuổi đầu đã bị ông ngoại ném ra ngoài đời, và cậu phải tự lực kiếm sống rất vất vả và gian khổ. Cậu đi ở, bới rác, bẫy chim, vẽ tượng thánh, phụ bếp trên tàu thủy, khuân vác… Aliôsa đã phải trải qua nhiều nghề lao động, lăn lộn chung tay, kề vai với quần chúng Nga lao khổ nhất. Aliôsa có dịp tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều bậc thang xã hội khác nhau, nhiều người khác nhau với những tính cách và số phận rất đa dạng. Điều này có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của ông sau này.

Aliôsa sớm say mê văn học. Trong thời niên thiếu đầy cay đắng, cậu tìm đến văn học nghệ thuật với tinh thần sôi nổi, nhiệt tình như tìm đến một niềm vui lớn, sức mạnh lớn. Gorki đọc những tác phẩm của Puskin, Lermentov, Gôgôn, Shakespeare, HuyGô, Balzac…Chính những cuốn sách của các thiên tài nghệ thuật đó, như sau này ông đã nói: “rửa sạch tâm hồn mình”, giúp mình “vượt cao hơn cái đầm lầy rữa thối” của cuộc sống tư hữu, trưởng giả đương thời.

Sống trong môi trường lao động vất vả, Aliôsa đã không ngừng học tập. Cậu tìm đến những cuốn sách tốt và đọc say mê. Cậu luôn khao khát trở thành một người hữu ích nhưng điều này không phải dễ. Với khát vọng cháy bỏng là được học tập một cách đầy đủ, có hệ thống, năm 16 tuổi (1884) Aliôsa đến Kazan để thi vào đại học và trong hoàn cảnh xã hội Nga bấy giờ hi vọng đó không thể thực hiện được.

Trong cuộc sống, muốn có một mẫu bánh mì và manh áo mặc anh phải lao động nặng nhọc, đêm đến thì vào ngủ trong các nhà trọ tồi tàn giành cho những người du thủ du thực (khi ấy ở Kazan có 2 vạn người du thủ du thực trong tổng số 12 vạn dân của thành phố). Chính ở đây, Pêscôp đã trải qua những “trường đại học của cuộc sống, của thực tiễn lao động, của thực tiễn đấu tranh xã hội”.Ở Kazan, Alêchxây có dịp học cuốn Tư bảncủa Mac, và anh gặp gỡ những nhà hoạt động cách mạng thuộc phái dân túy. Alêchxây có quan hệ mật thiết với Phêđôxêep – một trong những người đầu tiên xây dựng nhóm Macxit cách mạng ở Nga. Alêchxây có cảm tình với những người thợ, những thanh niên sản xuất có tư tưởng cách mạng nhưng anh còn quá xa lạ với họ. Ngày 12.12.1887, trong một tâm trạng cô đơn buồn chán, anh đã tự sát bằng súng lục nhưng được cứu sống.

Trong những năm 1888-1889 và 1891-1892, bị thôi thúc bởi khát vọng tìm hiểu “tôi đang sống ở đâu, nhân dân quanh tôi là những con người như thế nào”, Alêchxây Pêskôp làm hai cuộc hành trình lớn qua nhiều vùng của đất nước. Dấu chân của chàng thanh niên háo hức đi tìm lẽ yêu đời in trên nhiều nẻo đường dọc theo dòng Vônga quê hương, trên những thảo nguyên vùng Cuban, trên những con đường qua nhiều thành phố, thôn xóm vùng Capcado Crưm. Trong hai cuộc thâm nhập thực tế qua những nẻo đường của nước Nga nghèo nàn và đau khổ Pêscôp đã thử qua rất nhiều công việc, chính khoảng thời gian này đã làm giàu thêm vốn sống phong phú, làm chất liệu văn học của cây bút nghệ thuật thiên tài sau này.

Ngày 30.8.1896, Pêscôp kết hôn với Êkatêria Paplôpna Vônjina. Đầu năm 1897 vì bị bệnh lao nặng, ông được quỹ văn học cho vay tiền để về dưỡng bệnh ở Krưm (Hắc Hải).Mùa xuân năm 1897, ông cùng vợ về sống ở làng Manuilôpka thuộc tỉnh Pôntava. Ở đây, ông tiếp tục sáng tác văn học, làm đạo diễn và diễn viên ở một rạp hát do chính ông tổ chức ra cho nông dân. Tháng 10.1897 ông về sống ở Tvêri (nay là thành phố Kalinin). Đầu 1898, ông lại trở về Nijơni novogod. Vì bị nghi ngờ có liên quan đến hoạt động cách mạng nên ông bị bắt và giam ở nhà tù Tiflit từ ngày 11 đến ngày 29.5.1898. Sau đó ông được thả dưới sự “giám sát đặc biệt” của cảnh sát. Ở Nijơni, ông tích cực tham gia hoạt động văn hóa xã hội và có quan hệ với tổ chức Đảng công nhân xã hội – dân chủ (Đảng cộng sản) ở địa phương.

Do viết truyền đơn tố cáo chính quyền biểu tình đàn áp cuộc biểu tình ngày 4.3.1901 của sinh viên nên ông bị bắt giam 1 tháng rồi bị quản thúc tại nhà riêng. Tháng 9.1901 chính quyền Nga hoàng quyết định trục xuất ông ra khỏi thành phố quê hương. Quần chúng căm phẫn biểu tình. Trong bàiBắt đầu những cuộc biểu tình(đăng trên báo Tia lửa ngày 7.12.1901) Lênin đã hoan nghênh những cuộc biểu tình phản đối việc trục xuất Gorki và coi đó là việc trưởng thành ý thức của quần chúng.

Khi M.Gorki công bố truyện ngắn Bài ca chim báo bão (tạp chí Đời sống, 4.1901), ông được mệnh danh là “chim báo bão”, “sứ giả của bão táp cách mạng”. Năm 1902, Nicôlai hủy bỏ kết quả việc viện hàn lâm khoa học bầu Gorki làm viện sĩ danh dự. Để phản đối việc đó, Sekhov và Kôrôlenkô đã quyết định ra khỏi viện hàn lâm. Sự kiện này làm cho danh tiếng Gorki thêm lừng lẫy. Nhiều buổi diễn kịch của Gorki đã làm nổ ra nhũng cuộc biểu tình chống lại chính quyền. Chỉ trong một thời gian ngắn, vở kịch Dưới đáy được trình diễn ở rất nhiều nhà hát Nga và châu Âu. 

Năm 1905 Gorki viết truyền đơn phản đối Nga hoàng xả súng bắn vào đoàn biểu tình tay không làm hàng ngàn người chết và bị thương trên quảng trường cung điện và ông bị bắt. Ngồi trong tù ông vẫn tiếp tục sáng tác, sau 1 tháng giam giữ, chính quyền Nga hoàng buộc phải tha ông với số tiền đặt cọc 1 vạn rúp và giấy cam đoan rằng ông không được ra khỏi Peterburg. 

Hè năm 1905 ông gia nhập Đảng Bônsêvich và ngày 7.12.1905 lần đầu tiên ông được gặp gỡ Lênin, thời gian này ông vẫn tiếp tục viết bài cho báo chí Đảng. Khi ở đây nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang, ông đã giúp đỡ công nhân chiến đấu. Khởi nghĩa thất bại, ông có nguy cơ bị bắt. Năm 1906 Đảng cử ông đi nước ngoài tuyên truyền và quyên góp tiền cho cách mạng. Ông đi qua Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Mĩ. Báo chí phản động Mĩ la ó ầm ĩ đòi ông phải rời khỏi Mĩ, nhưng ông vẫn ở lại tới mùa thu năm ấy, và viết nhiều tác phẩm tố cáo chế độ tư bản.Tháng 5.1907 ông được mời sangLondon(Anh) dự Đại hội lần thứ V của Đảng công nhân xã hội – dân chủ Nga với tư cách là đại biểu dự thính. Ở đây ông gặp lại Lênin và mối quan hệ của hai người thêm thân thiết. Lênin đánh giá cao sáng tác của Gorki, coi đó là “những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại” và ông là “nhà nghệ sĩ vĩ đại”. Tháng 12.1913 lợi dụng việc ân xá của nga hoàng nhân dịp kỉ niệm 300 năm trị vì của dòng họ Rômanôp, Gorki về nước.

Đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ, lực lượng cách mạng bị khủng bố ác liệt. Gorki kiên quyết chống lại tư tưởng Sôvanh mà giới cầm quyền Nga ra sức tuyên truyền, đẩy các dân tộc vào lò lửa chiến tranh. Gorki đứng ra sáng lập nhà xuất bản Cánh buồmvà tạp chí Biên niên nhằm tập hợp, đoàn kết tri thức tiến bộ dân chủ.

Những tháng trước và sau Cách mạng tháng Mười, Gorki tỏ ra dao động, lo sợ cách mạng không thắng lợi. Nhưng Lênin đã thẳng thắng phê bình sai lầm của ông. Sau khi nhận sai lầm của mình, Gorki đã công khai phê bình trên báo chí và thư từ gởi bạn bè để cùng rút kinh nghiệm chung. Sau Cách mạng tháng Mười, Gorki đảm nhiệm nhiều công tác văn hóa xã hội: Giám đốc nhà xuất bản Văn học thế giới, tổng biên tập tạp chí khoa học và những hoạt động khoa học…Do làm việc quá sức, sức khỏe yếu nên ông bị lao phổi nặng.

Theo chỉ thị của Lênin, năm 1921 Gorki ra nước ngoài chữa bệnh. Ông sang Đức, Tiệp Khắc, và năm 1924 trở về Ý. Tuy sống ở nước ngoài để chữa bệnh nhưng ông vẫn không ngừng sáng tác.Năm 1928 ông về nước. Năm 1931 nhân dân Liên Xô trân trọng kỉ niệm 40 năm lao động nghệ thuật của Gorki. Nhân dịp này ông được tặng thưởng huân chương Lênin, thành phố quê hương ông đổi tên là Gorki. Nhà hát nghệ thuật Matxkva, một đại lộ trung tâm thủ đô, một công viên lớn của thành phố được mang tên ông. Viện văn học mang tên Gorki được thành lập. Thực hiện nhiệm vụ Đảng giao phó, Gorki dốc hết sức mình vào việc chuẩn bị Đại hội nhà văn Liên xô lần thứ nhất. Và ông được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Hội nhà văn Xô viết.

Bước vào những năm 30, khi thấy xuất hiện nguy cơ bùng nổ chiến tranh Đế quốc, Gorki đã kịp thời lên tiếng tố cáo chủ nghĩa phát xít, kêu gọi lực lượng dân chủ, tiến bộ đấu tranh ngăn chặn. Cùng với nhiều nhà văn tiến bộ nước ngoài, Gorki đã góp phần quan trọng vào việc triệu tập hội nghị quốc tế chống chiến tranh ở Amxtecđam và Pari. Tuy bận nhiều việc những năm cuối đời, nhưng ngòi bút nghệ thuật của ông vẫn rất sung sức. Ông đã đề xuất sáng kiến và trực tiếp chỉ đạo xây dựng bộ sách Cuộc đời của những danh nhân, Tủ sách của nhà thơ, tham gia chủ trì những bộ sách lớn Lịch sử cuộc nội chiến, Lịch sử nhà máy và công xưởng.

Ngày 1.6.1936 Gorki bị cảm lạnh, bệnh tình lại thêm trầm trọng, đến ngày 18.6.1936 Gorki vĩnh viễn ra đi giữa cơn giông bão. Di hài ông được đặt ở chân thành Kremli, phía sau lăng Lênin, trên Quảng trường Đỏ ở Matxkva.M.Gorki qua đời sau hơn 40 năm lao động sáng tác không mệt mỏi. Ông đã để lại một sự nghiệp văn học vô cùng to lớn cho nhân loại.

1.1.2. Sự nghiệp sáng tác văn học của M.Gorki 

M.Gorki là “ngôi sao mới xuất hiện đã tỏa sáng trên bầu trời văn học Nga với tư cách là nhà văn mở đầu dòng văn học vô sản”. Tác phẩm đầu tay của ông là Bài ca cây sồi già, một bài thơ dài viết bằng lối văn xuôi “có nhịp điệu”. Đây là một bài thơ chẳng có giá trị gì lắm.

- Truyện ngắn

Ngày 12.9.1892 M.Gorki đã bước lên văn đàn với tư cách là nhà văn của quần chúng lao khổ. Truyện ngắn đầu tiên là Markar Tsudra (1892) được đăng trên báo Kafkaz ở thành phố Tiflit, với bút danh Măcxim Gorki (Macxim tiếng Nga nghĩa là cay đắng) và nhà văn giữ bút danh này suốt đời. Truyện ngắn này là một truyện lãng mạn và nó đã mở đầu cho tuyến những tác phẩm lãng mạn của nhà văn trong thời kì đầu như :,Cô gái và thần chết (1892), Bài ca con chim ưng (1895), Bài ca chim báo bão(1901), Bà lão Izecghin, Vợ chồng Orlôp (1897), Tsenkasơ (1895)…Gorki đã nhanh chóng trở thành một tên tuổi được nhiều độc giả cảm mến, được nhiều giới phê bình, nghiên cứu chú ý.

Năm1901-1904 ba vở kịch xuất sắc của Gorki liên tiếp xuất hiện như Bọn trưởng giả (1901), Dưới đáy (1902), Những người đi nghỉ mát (1904).

Sáng tác trong giai đoạn đầu của GorKi phong phú và đa dạng về nội dung tư tưởng cũng như về hình thức nghệ thuật. Nó thể hiện sự tìm tòi căng thẳng, sự phấn đấu thường xuyên liên tục của nhà văn nhằm sáng tạo ra những tác phẩm mới ngày một tốt hơn, phục vụ có hiệu quả hơn cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản vì tự do dân chủ và xã hội chủ nghĩa. “Gắn liền cảm hứng trữ tình lãng mạn của mình với những truyền thống tốt đẹp tiềm tàng trong nhân dân lao động” – đó là đặc điểm nổi bật của những tác phẩm lãng mạn thời kì đầu của Gorki. Tình cảm trân trọng nhân dân, trân trọng những truyền thống tốt đẹp của nhân dân luôn toát ra từ tác phẩm của ông. Sáng tác của nhà văn góp phần chuẩn bị cho “cơn bão táp” cách mạng mà mở đầu là cách mạng Nga lần thứ nhất (1905-1907).

Trong giai đoạn 1905-1916, tiểu thuyết Người mẹ (1906) ra đời, thể hiện một ý đồ sáng tác đã được ấp ủ chín muồi. đó là kết quả của một quá trình tích lũy vốn sống phong phú của nhà văn trong thực tiễn đấu tranh cách mạng.

Những sáng tác của Gorki giai đoạn này không chỉ là tấm gương phản chiếu cách mạng vô sản Nga mà còn là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Nga thời Kì giữa hai cuộc cách mạng.

Trong giai đoạn 1917-1936, bộ ba tự truyện Thời thơ ấu (1912-1913), Kiếm sống (1915, in 1916), Những trường đại học của tôi (1923) được hoàn thành. Bộ ba tự truyện đã dựng lại cuộc đời của Aliôsa trong thời gian từ 1872, lúc chú bé mới bốn tuổi, đến những năm 89 – 90, khi Aliôsa đã là người thanh niên Nga sắp thành nhà văn Măcxim Gorki, ngòi bút xung kích của nền nghệ thuật vô sản.

1.2. Nam Cao

1.2.1. Cuộc đời và sự ảnh hưởng của cuộc đời

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1915, nhưng theo giấy khai sinh ghi thì là ngày 29 tháng 10 năm 1917.Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao. Sinh ra và lớn lên ở một đất nước thuộc địa nửa phong kiến tăm tối và ngột ngạt. Làng Đại Hoàng - nơi ông sinh ra là một hình ảnh thu nhỏ của xã hội ấy. Nằm ở một vùng xa phủ, huyện nên bọn cường hào chức dịch trong làng được dịp hoành hành. Nơi đây, hàng năm, thường xảy ra những vụ kiện tụng lẫn nhau giữa những bọn giàu có, nhiều thế lực, dẫn đến cảnh không ít những người nông dân phải rời bỏ làng quê đi tha phương cầu thực. Những sự việc có thực diễn ra ở đây đã được ghi lại trên trang sách của Nam Cao với dấu ấn nặng nề về một vùng quê đói nghèo và tăm tối.

Ông xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và thầy lang trong làng. Thân mẫu ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải. Đời sống khá chật vật, trong các anh em, chỉ có mình Nam Cao được đi học. Đói nghèo, bệnh tật theo đuổi Nam Cao ngay từ khi còn nhỏ.

Thuở nhỏ, ông học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung. Thi trượt Thành chung, Nam Cao theo một người cậu làm thợ may vào Sài Gòn kiếm sống. Rời bỏ cái làng quê nghèo đói và tù túng, Nam Cao mang theo nhiều mơ ước và dự định lớn lao. Nam Cao ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó sẽ được sang Pháp để được nhìn rộng, biết nhiều, học cao hơn. Những tưởng những miền xa quê hương sẽ mở ra một chân trời mới lạ, nhưng rốt cuộc bệnh tật lại trả Nam Cao về với nơi chôn rau cắt rốn. Cũng là một người trí thức, Nam Cao ham hiểu biết và mơ ước được đi xa, tiếp xúc và học hỏi phương Tây. Nhưng xã hội mà Nam Cao sống đã bóp nghẹt mơ ước của người tri thức tiểu tư sản ấy và đẩy ông ta trở lại với cuộc sống quẩn quanh nơi làng quê đói nghèo, tù túng. Đây là lý do lý giải tại sao các tác phẩm của Nam Cao lại đi vào những chuyện vặt vãnh đời thường, những chuyện tưởng chừng như không muốn viết với những con người cũng hết sức đời thường hiện hữu xung quanh cuộc sống của nhà văn. 

Nam Cao, sau khi trở về từ Sài Gòn, ông thi đậu Thành chung. Nam Cao định xin đi làm công chức, nhưng vì bệnh tật nên không được chấp nhận. Một người trong họ hàng của Nam Cao mở trường tư ở Hà Nội (trường tư thục Công Thanh, Thụy Khuê, Hà Nội) cần một giáo viên có bằng trung học, Nam Cao được mời lên dạy học. Cuộc sống của một thầy giáo khổ trường tư đã giúp Nam Cao hiểu sâu sắc thân phận của người tiểu tư sản trí thức nghèo trong một xã hội ngột ngạt, bế tắc. Khi phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, trường bị đóng cửa, Nam Cao sống chật vật bằng nghề viết văn, làm gia sư, có khi thất nghiệp phải về quê ăn bám vợ. 

Năm 1943, Nam Cao bí mật gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc cùng một số nhà văn như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi… Khi cơ sở Văn hoá cứu quốc và phong trào cách mạng ở Hà Nội bị khủng bố mạnh, Nam Cao trở về quê và tham gia phong trào Việt Minh ở địa phương.

Thời kỳ Cách mạng tháng Tám, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở Phủ Lý Nhân và được bầu làm chủ tịch xã. Sau đó ít lâu, Nam Cao được điều lên Hà Nội và công tác ở Hội Văn hoá cứu quốc. Có thời kỳ, Nam Cao được làm ở toà soạn tạp chí Tiên phong - cơ quan của Hội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nam Cao theo đoàn quân tiến vào Nam Trung Bộ.

Năm 1946, ông lên Việt Bắc. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nam Cao vừa làm biên tập cho các báo Cứu quốc Việt Bắc, Cứu quốc trung ương, vừa làm mọi công việc của một cán bộ thông tin tuyên truyền với việc: viết tin, viết tài liệu giải thích các chính sách, làm ca dao tuyên truyền, viết truyền đơn địch vận…Tại chiến khu, năm 1948 Nam Cao gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam

Năm 1950 Nam Cao chuyển sang làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm việc trong toà soạn tạp chí Văn nghệ. Tháng 6, ông thuyết trình về vấn đề ruộng đất trong hội nghị học tập của văn nghệ sĩ, sau đó ông được cử làm Ủy viên tiểu ban văn nghệ của Trung ương Đảng. Trong năm đó, ông tham gia Chiến dịch Biên giới

Tháng 5 năm 1951, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng về dự Hội nghị văn nghệ Liên khu 3, sau đó hai nhà văn cùng vào công tác khu 4. Nam Cao trở ra tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp, vào vùng địch hậu khu 3. Ông có ý định kết hợp lấy thêm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết sẽ hoàn thành. 

Nam Cao hy sinh ngày 28 tháng 11 năm 1951, khi đang làm nhiệm vụ của một người chiến sĩ cách mạng bảo vệ quê hương. Ông bị địch phục kích và bắn chết gần bốt Hoàng Đan (Ninh Bình) khi trên đường vào công tác ở vùng địch hậu Liên khu Ba.

Sau khi ông mất, mộ phần bị thất lạc. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của ông đến văn học Việt Nam vẫn đáng kể. Đầu năm 1996, một chương trình mang tên "Tìm lại Nam Cao" nhằm tìm lại mộ phần của ông được Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam tổ chức với sự tham gia của 35 đơn vị tham gia như Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Nhân dân... Với sự giúp đỡ của 7 nhà ngoại cảm mà Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) mời dự, một ngôi mộ được cho là của Nam Cao đã được tìm thấy ở nghĩa trang huyện Gia Viễn, (Ninh Bình) và quy tập về quê hương ông (xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam).Cũng trong năm 1996, Nam Cao được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật ngay trong đợt 1.Một Nhà tưởng niệm Nam Cao cũng đã được thành lập từ ngày 30 tháng 11 năm 2004 tại Hà Nam, để tưởng niệm nhà văn.

1.2.2. Sự nghiệp sáng tác văn học của Nam Cao

Sự nghiệp sáng tác của Nam Cao được chia làm 2 giai đoạn chính, lấy cột mốc phân chia là năm 1945 trước và sau Cách mạng.

Ở giai đoạn thứ nhất, Nam Cao có sáng tác đăng báo từ năm 1936, nhưng sự nghiệp văn học của ông chỉ thực sự bắt đầu từ truyện ngắn Chí Phèo (1941). Sáng tác của Nam Cao tập trung vào hai đề tài chính: cuộc sống người trí thức tiểu tư sản nghèo và cuộc sống người nông dân ở quê hương.

Ở đề tài người trí thức tiểu tư sản, Nam Cao có các truyện ngắn: Những chuyện không muốn viết, Giăng sáng, Mua nhà, Truyện tình, Quên điều độ, Cười, Nước mắt, Đời thừa và tiểu thuyết Sống mòn (1944). Trong những sáng tác này, Nam Cao đã miêu tả hết sức chân thực tình cảnh nghèo khổ, dở sống dở chết của những nhà văn nghèo, những giáo khổ trường tư, học sinh thất nghiệp. Nhà văn đặc biệt đi sâu vào những bi kịch tâm hồn của họ, qua đó, đặt ra những vấn đề xã hội có ý nghĩa to lớn, vượt khỏi phạm vi của đề tài. Đó là tấn bi kịch dai dẳng, thầm lặng mà đau đớn của người trí thức, có ý nghĩa sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão lớn về một sự nghiệp tinh thần, nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội đầy rẫy bất công, vô lý làm cho bị chết mòn về tinh thần. Những tác phẩm đó đã phê phán xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống và tàn phá con người. Đồng thời, chúng thể hiện sự vật lộn bên trong của người trí thức tiểu tư sản trong thực tế cố vươn tới một cuộc sống có ý nghĩa.

Ở đề tài nông dân, nhà văn quan tâm trước hết đến những kẻ cố cùng, bị ức hiếp nhiều nhất, những thân phận hẩm hiu, thiệt thòi nhất. Những con người ấy càng hiền lành nhịn nhục thì càng bị chà đạp phũ phàng, và ông càng đặc biệt quan tâm đến những trường hợp người nông dân bị lăng nhục một cách độc ác, bất công mà chẳng qua vì họ nghèo đói, khốn cùng. Bởi vậy, Nam Cao luôn bênh vực quyền sống và nhân phẩm những con người bất hạnh, bị xã hội đẩy vào tình cảnh nhục nhã đó (Chí Phèo, Một bữa no, Tư cách mõ, Lang rận…). Viết về những người nông dân bị lưu manh hoá, nhà văn đã kết án sâu sắc cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác và linh hồn người nông dân lao động. Đồng thời, ông còn phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện đẹp đẽ của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập đến mất cả hình người, tính người. Chiều sâu mới mẻ của ngòi bút hiện thực và nhân đạo Nam Cao chính là ở chỗ đó. Tác phẩm của Nam Cao không những đã vạch ra nỗi khổ cùng cực của người nông dân mà còn thể hiện cảm động bản chất đẹp đẽ, cao quý trong tâm hồn của họ (Lão Hạc, Một đám cưới, Dì Hảo).

Ở giai đoạn sáng tác này, Nam Cao chưa tham gia phong trào cách mạng vì vậy các sáng tác của ông chủ yếu là cách hiểu, cách cảm riêng của nhà văn về thân phận con người trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Giai đoạn này, Nam Cao được đánh giá là một nhà văn hiện thực phê phán, một nhà nhân đạo chủ nghĩa.

Ở giai đoạn sáng tác thứ hai:năm 1945 ở Việt Nam là thời điểm lịch sử quan trọng đánh dấu sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà độc lập sau 87 năm chịu sự thống trị và đô hộ của thực dân Pháp. Nam Cao là một nhà văn chiến sĩ. Vì thế, sự kiện này đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng cũng như lập trường sáng tác của nhà văn. Từ năm 1943, Nam Cao đã tham gia vào phong trào Văn hoá cứu quốc cùng với một số nhà văn khác nên sau Cách mạng tháng Tám, ông lao mình vào mọi công tác cánh mạng và kháng chiến. Năm 1948, Nam Cao viết trên báo Cứu quốc: “Cuộc kháng chiến đã biến đổi hẳn cuộc sống của chúng ta, cuộc sống ở quanh ta, biến đổi từ y phục, ngôn ngữ, cử chỉ của từng người, biến đổi cả đến sự sinh hoạt tình cảm và tư tưởng” (Vài ý nghĩ về văn nghệ). Trong nhiều bài bút kí (Chuyện biên giới, Vài nét ghi qua vùng giải phóng, Trên những con đường Việt Bắc,...), nhật ký (Nhật ký ở rừng), truyện ngắn (Đôi mắt), chúng ta đã thấy rõ những đổi mới lớn lao trong con người Nam Cao, khác với tâm trạng u tối, nặng nề của nhà văn trước Cách mạng. Chúng ta có thể bắt gặp trên từng trang giấy tâm trạng vui tươi, phấn khởi của một con người lạc quan và tin tưởng. Nếu như trước Cách mạng, Nam Cao dùng ngòi bút của mình để tố cáo những mặt đen tối của xã hội thực dân nửa phong kiến thì sau Cách mạng, trải qua thực tế đấu tranh, Nam Cao đã đi đến một quan niệm thực sự đúng đắn về nghệ thuật. Ông chỉ ra mối liên hệ khăng khít giữa nghệ thuật với quần chúng. Những tư tưởng Nam Cao trình bày trong các sáng tác thời kỳ này được đánh giá là “kim chỉ nam” về lập trường tư tưởng cho các nhà văn đương thời. Trên cơ sở những chuyển biến về thế giới quan và quan điểm nghệ thuật, con đường sáng tác của Nam Cao đã chuyển sang một bước phát triển mới. Từ một nhà văn hiện thực phê phán dần dần Nam Cao đã chuyển sang một nhà cách mạng. Ông tự nguyện làm người cán bộ tuyên truyền vô danh của cách mạng, có ý thức rèn luyện lập trường, tư tưởng tình cảm, khắc phục những sai lầm, hạn chế của thế giới quan cũ. Sau Cách mạng, Nam Cao vẫn tiếp tục viết về đề tài tiểu tư sản và tri thức. Đôi mắt là tác phẩm có giá trị trong giai đoạn sáng tác này. Thái độ của nhà văn trong Đôi mắt là thái độ phê phán kịch liệt những phần tử trí thức không chịu chuyển mình theo thời đại. Với Đôi mắt, Nam Cao đã đứng trên quan điểm của một người cách mạng để nhìn nhận và phê phán cái cũ trong con người trí thức. Bên cạnh Đôi mắt, Nhật kí ở rừng cũng là một tác phẩm có giá trị trong giai đoạn sáng tác sau Cách mạng của Nam Cao. Tác phẩm đề cao hình ảnh một người thanh niên tiểu tư sản sôi nổi nhiệt tình cách mạng. Người thanh niên ấy đã không ngừng phấn đấu và rèn luyện với một tinh thần lạc quan, tin tưởng để vươn lên theo kịp thời đại.

Cuộc đời và sự nghiệp văn học Nam Cao và Gorki đều là những cây bút trưởng thành trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động và thay đổi ở hai dân tộc, hai quốc gia châu Á. Bởi vậy, lẽ tất nhiên hoàn cảnh lịch sử, cuộc đời đã có tác động không nhỏ đến sự nghiệp văn học của hai nhà văn. 

1.3. Vị trí của Nam Cao và Gorki trong nền văn học Nga và Việt Nam. 

Trong bức tranh rộng lớn của nền văn chương Việt Nam và Nga, sáng tác của Nam Cao và Gorki là những mảng nghệ thuật rất có ấn tượng trong lòng người đọc hơn thế kỉ qua. Đó còn là những dấu son nghệ thuật có sức tỏa sáng. Bởi vì, Nam Cao và Gorki hơn ai hết đều hiểu sức mạnh của văn chương. Hai ông là những nhà văn chân chính, tiến bộ, giàu tài năng nên đã lấy văn chương thức tỉnh con người, góp phần cải tạo xã hội. 

Nam Cao khởi nghiệp từ lúc 22 tuổi với truyện ngắn “Cảnh cuối cùng” in trên “Tiểu thuyết thứ bảy” số 123 ngày 21 – 10 – 1936 với bút danh Thúy Rư. Chỉ từ khi tập truyện “Đôi lứa xứng đôi” (tên ban đầu của nó là “Cái lò gạch cũ” sau đổi lại thành “Chí Phèo”) ra đời với bút danh Nam Cao thì ông mới chính thức bước vào làng văn. 

Nam Cao có một vị trí đặc biệt, ông không chỉ là đại biểu xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945, mà còn là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam thế kỉ XX. Qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, sự nghiệp văn học Nam Cao càng được khẳng định, càng thử thách lại càng ngời sáng. Tác phẩm của ông qua sự tiếp nhận của nhiều thế hệ đọc giả được phát hiện thêm nhiều tiềm tàng năng lượng, ẩn chứa lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo nên niềm say mê đồng cảm của hàng triệu trái tim. Những tác phẩm của Nam Cao phần lớn được sáng tác trước Cách mạng, đánh dấu bước phát triển của trào lưu văn học hiện thực phê phán trong một thời kì tưởng chừng bế tắc. Là người đến muộn nhưng cây bút “biết đào sâu, biết tìm tòi”, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” này đã nhanh chóng trở thành lá cờ đầu của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Có được thành công này là vì Nam Cao đã“có những chủ đề Nam Cao và có những nhân vật Nam Cao” (Lê Đình Kỵ). 

Trước năm 1940, sáng tác của Nam Cao mang phong vị lãng mạn trữ tình. Từ năm 1940 trở đi, ngòi bút Nam Cao đứng hẳn về trào lưu hiện thực. Sau Cách mạng Tháng tám, Nam Cao tiếp tục sáng tác và tham gia hoạt động kháng chiến. Những tác phẩm hiện thực của Nam Cao đã phản ánh chân thật cuộc sống ngột ngạt, đen tối của xã hội Việt Nam, nhất là cuộc sống của những người nông dân nghèo những năm 1940 – 1945. Viết về những chuyện đời thường, vặt vãnh của những lớp người lao khổ trong xã hội thực dân – phong kiến Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, những vấn đề mà tác giả đặt ra không bị bó hẹp bởi khuôn khổ không gian, thời gian ấy.

Qua những tuyên ngôn nghệ thuật, ví như “Chao ôi! Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than”… chúng ta hiểu Nam Cao là một nhà văn chân chính, luôn thấy rõ trách nhiệm của người cầm bút đối với con người, đối với xã hội, đất nước và dân tộc. Từ một nhà văn tiến bộ trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của cách mạng, Nam Cao đã chiến đấu kiên định cho lý tưởng nghệ thuật cao cả của mình. Đóng góp lớn nhất của Nam Cao là cách tân, hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam. Truyện ngắn của ông là thành tựu xuất sắc về phương diện thể loại. Tiểu thuyết của ông đạt đến đỉnh cao về thể loại mà vẫn đậm đà chất tự truyện. Ngôn ngữ, phong cách sáng tác của Nam Cao cũng là những thành công độc đáo. Văn nghiệp Nam Cao đã làm phong phú thêm những giá trị tinh thần trong đời sống con người, đánh dấu và khẳng định bước tiến của văn học dân tộc trên hành trình hiện đại hóa.

Nếu Nam Cao là cây bút xuất sắc số một của văn xuôi hiện đại Việt Nam thì Gorki là “cây đại thụ của nền văn hóa vô sản”, “bậc thầy của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Xô Viết”, là đứa con ruột thịt, tiền tiến của “đại dương” nhân dân lao động Nga, gắn liền sáng tác nghệ thuật của mình với những biến đổi sâu sắc trong xã hội khi tiến trình lịch sử đang chuyển mình qua giai đoạn cách mạng vô sản. M.Gorki bước lên văn đàn Nga với bản lĩnh riêng của mình, với sức xuân trỗi dậy của hàng triệu nhân dân đang bị thu hút mạnh mẽ vào bước đi lên của đất nước, của xã hội. 

Năm 1892, Aleksei Peshkov ra mắt truyện ngắn đầu tiên với bút danh Macxim Gorki (nghĩa là “cay đắng”). Đó là năm mà những cái tên như Lenin, Trotsky, Stalin hứa hẹn sẽ đưa lại cho người Nga một cuộc đời mới. Năm 1898, khi Gorki xuất bản hai tập truyện ngắn, ông trở thành nhà văn nổi tiếng trên khắp nước Nga. Tên ông xuất hiện nhan nhản trên bao diêm, bưu ảnh và bao thuốc lá. Gorky được coi là nhà văn của “những người cùng khổ”, đại diện của lớp người “Dưới đáy” như tên một vở kịch nổi tiếng của ông. Suốt 2 thập kỉ, Gorki là niềm tự hào của người dân Nga. Ông thậm chí còn được coi là người bảo vệ của nhân dân. Với toàn bộ tác phẩm của ông, văn học Nga trở thành ngọn cờ đầu của văn học thế giới đương đại trong công cuộc thức tỉnh và đấu tranh giải phóng nhân loại cần lao khỏi ách áp bức thống trị của chủ nghĩa tư bản “Toàn bộ những công trình nghệ thuật do chính bàn tay của nhà nghệ sĩ thiên tài ấy sáng tạo nên thật vô cùng lớn lao và hùng tráng. Thiếu đi những cái ấy chúng ta không sao hình dung được bộ mặt ngày nay không những của nền văn học Nga mà cả nền văn học thế giới nữa”

Gorki xuất hiện với “Makarchađra” là một truyện lãng mạn – tác phẩm mở đầu cho tuyến những tác phẩm lãng mạn của nhà văn trong thời kì đầu. Ngoài ra Gorki còn là một cây bút hiện thực lỗi lạc. Ranh giới nghệ thuật trong bút pháp của Gorki khá mong manh “có tác phẩm lãng mạn, rất lãng mạn; có tác phẩm lại rất hiện thực; có tác phẩm đan xen cả hai yếu tố lãng mạn và hiện thực” – quả là độc đáo và “bướng bĩnh” nữa. Con đường hiện thực phê phán đã có sẵn đấy với những nhà văn lớn mà uy tín vượt xa ra ngoài biên giới nước Nga, nhưng vẫn chẳng chịu “yên tâm” đi theo. Sau Cách mạng, Gorki cũng tiếp tục cầm bút và chiến đấu trên mặt trận văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nội dung sáng tác hiện thực của Gorki toát lên hơi thở của một cuộc sống đang trăn trở do sự chuyển mình của đông đảo quần chúng bấy lâu nay vẫn âm thầm chịu đựng trong cái nhà tù khổng lồ là nước Nga Sa hoàng. Khi viết về những điều này, ông ý thức rất rõ rằng mình viết văn không phải để được mọi người ưa thích, mà để tác động tới ý thức của họ, để buộc họ đấu tranh cho một chế độ xã hội cao hơn.

M.Gorki có viết: “Cần phải có những ngôn từ vang lên như những hồi chuông gióng giả, làm rung động lòng người và thúc đẩy người ta tiến lên phía trước. Hãy cứ để người ta ý thức được những sai lầm và xấu hổ vì quá khứ. Hãy cứ để người ta nhức nhối với nỗi chán ghét hiện tại và để người ta khốn khổ với nỗi khát vọng về tương lai”. Gorky đã hiểu ý nghĩa cao cả của cuộc sống và của nghệ thuật là như thế. Và ông thể hiện nó trong những tác phẩm truyện ngắn của mình. 

Mãnh liệt và cường tráng, hai thiên tài ấy ngay từ đầu đã tự khẳng định vị trí của mình trong đại gia đình “những người khổng lồ” của văn học nước nhà và thế giới. Sáng tác của Nam Cao và Gorki không chỉ có ảnh hưởng rộng lớn đến nhiều thế hệ nhà văn kế tiếp của nhân loại, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tư tưởng và ý thức của con người trong xã hội hiện đại.

2. Gặp gỡ giữa Nam Cao và M.Gorki trong hình tượng người nông dân nghèo

2.1. Nam Cao và Gorki đều đồng cảm với thân phận người nông dân nghèo

2.1.1. Đồng cảm với những người nông dân nghèo phải chịu đói khổ 

Nổi bật trong sáng tác ở đề tài người nông dân, cả Gorki và Nam Cao đều xây dựng rất thành công hình tượng người nông dân ở cảnh đời khổ cực, đói kém, tối tăm. Qua đó thể hiện tấm lòng nhân đạo, đồng cảm với những người cùng khổ của hai nhà văn.

Trước hết, hình tượng người nông dân cùng khổ, tối tăm trong sáng tác của Gorki. Như chúng ta đều biết, những năm 90, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở Nga. Nông thôn ngày càng thu hẹp, thay vào đó là các thành phố ngày càng được mở rộng. Dù bấy giờ ở nước Nga đô thị rất phát triển nhưng đời sống của nhân dân Nga rất cùng cực và khốn khổ. 

Ở nước Nga nửa cuối thế kỉ XIX, hằng năm có nạn đói nhỏ, ba năm một lần có nạn đói trung bình, năm năm một lần có nạn đói lớn và mười năm một lần có nạn đói khủng khiếp. Nạn đói năm 1891 – 1892 lan tràn khắp 30 tỉnh, làm cho hàng triệu người chết. Những người còn sống thì phải lênh đênh trôi nổi khắp nơi để tìm việc làm mà sống. Trong những năm 90, số người đi lang thang để tìm cách sinh sống lên đến năm triệu người. Gorki rất quan tâm chú ý đến cuộc sống của những người du thủ du thực này. Trong các truyện Manva, Emelian Pilyai, Chenkats, Hai gã chân đất, Cônôvalôp … phần lớn những nhân vật chân đất của Gorki là những người nông dân bị phá sản, lang thang đi kiếm sống, những người thợ không có công việc ổn định, nay đây mai đó, những người thợ thất nghiệp trôi dạt vật vờ tứ xứ. Đối với họ, ông rất đồng cảm và thương yêu. Bởi vì bản thân ông cũng là người đã từng chung vai với họ nên ông thật sự hiểu được cuộc sống khốn cùng của họ, những “con người dưới đáy” xã hội. Đời sống của người dân ngày càng nghẹt thở. Hơn nữa lúc bấy giờ nạn đói – hậu quả của phong trào vô sản hoá nông thôn – là một nỗi ám ảnh rất đáng sợ đối với nhân dân. Không có việc làm, họ phải lăn lộn với sóng gió cuộc đời để xin việc, nhưng khổ nỗi “trên trái đất này lại không đủ công việc cho người ta làm và con người phải tốn bao nhiêu công sức mới tìm được việc”.

Mùa thu năm 1892, nước Nga bị khủng hoảng kinh tế. Hàng triệu người dân Nga trên những nẻo đường của nước Nga mênh mông phải chịu đói khổ và trôi dạt bốn phương. Ví như hai ông cháu của Lionka trong truyện Lão Arkhip và bé Lionka trên đường xin ăn kiếm sống đã nói rằng, ở nước Nga đói lắm “cả gián cũng chết đói” huống chi là người. Số phận hai ông cháu lay lắt qua những ngày tháng lang thang ăn xin khắp nơi. “Hai bóng dáng rách rưới và co ro nổi lên mờ mờ như hai mô đất thảm hại, hai khuôn mặt phờ phạc, đen đủi và đầy bụi”. Những cơn ho tức tối, ngột ngạt và nặn ra từ hai mắt ông già những giọt nước mắt lớn báo hiệu cái chết đang đến gần. Lão Arkhip có thể dửng dưng trước cái chết đang cận kề nhưng rồi đây bé Lionka phải làm sao. Nghĩ đến đó lòng ông lão rối bời.“Rồi đây Lionca biết nương tựa vào ai?... Ông lão tự hỏi câu này mỗi ngày đến mấy bận, và mỗi bận như thế trong lòng ông lại có cái gì thắt lại, lạnh buốt đi…” Lão Arkhip có thể làm tất cả để cưu mang đứa cháu tội nghiệp. Để chống lại cái đói và lo sợ cho cái chết đang đến gần, lão Arkhip đành đi ăn cắp“… Vì sao tao phải ăn cắp? Vì mày… bấy nhiêu cũng chỉ vì mày cả… Đây mày cầm lấy… cầm lấy… Tao cố góp nhặt để nuôi mày… để mày có tiền mà sống… cho nên tao phải ăn cắp…” và cuối cùng hai ông cháu phải nhận cái chết đầy bi thảm. 

Người ông Arkhip tội nghiệp sau bao nhiêu năm sống khổ sở cưu mang đứa cháu mình, lo sợ khi chết đi đứa cháu bé nhỏ sẽ không có chỗ nương tựa. Tình thương vô hạn của người ông nghèo khổ buộc ông phải đi ăn cắp để có thể dành dụm được nhiều hơn, phải làm cái việc đáng bị người đời nhổ nước bọt vào. Để rồi nhận cái chết bi thảm cùng sự hiểu lầm của đứa cháu về tình thương mà ông đã dành cho nó. “Thôi đi!... Ông im đi! Chết với chả chết mãi… Ông có chịu chết cho đâu… Ông đi ăn cắp!... Lão già ăn cắp!... Ôi dào!... Đi ăn cắp của trẻ con… Chao ôi, thật là giỏi giang!... Già đời rồi mà cũng thế… Xuống địa ngục rồi ông phải đền tội này!..”

Gorki có sự tiếp thu truyền thống là miêu tả những bi kịch của con người, đi sâu miêu tả những bi kịch của những người cùng khổ. Trong mớ hỗn độn của xã hội Nga bế tắc không có lối thoát lúc bấy giờ, M.Gorki đã dựng lên hoàn chỉnh bức chân dung xã hội, bức chân dung của những cuộc đời ảm đạm thê lương, những con người cùng cực trong xã hội ấy. Câu hỏi nóng bỏng vang lên từ trái tim của nhà văn vô sản, do đâu mà có những số phận cùng cực ấy, do đâu mà có những cuộc đời ảm đạm thê lương ấy, một chế độ xã hội đã tồi tệ đến mức sản sinh ra những con người dưới đáy không còn ý nghĩa con người ư. 

Viết về người nông dân, cũng giống như Gorki, Nam Cao thường xuyên đụng chạm đến cái nghèo, cái đói, những vấn đề nhức nhối của dân tộc ta. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, trưởng thành trên vùng quê mà bọn cường hào ác bá chia bè kéo cánh, đục khoét bóc lột người dân, Nam Cao am hiểu khá thấu đáo, thấm thía số phận, cuộc sống nhiều mặt của nông thôn Việt Nam và của những người nông dân nghèo khổ. Khi Nam Cao bước vào làng văn cũng là lúc xã hội Việt Nam chao đảo, ngột ngạt và bế tắc. Các giai cấp bị phân hóa dữ dội. Đời sống người nông dân rơi vào tình trạng khốn cùng trên con đường phá sản: từ quá trình bần cùng hóa chuyển sang bị lưu manh hóa, người sống quẩn quanh, bế tắc trong những “kiếp lầm than”. 

Trong văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, đề tài người nông dân không phải là mới, chúng ta từng bắt gặp những con người khốn khổ, bị dồn đến chân tường và đã chứng kiến không ít những số phận éo le, long đong lận đận trong tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng nhưng đến Nam Cao ông không dừng lại ở những hiện tượng bề mặt mà cố gắng đi sâu vào bản chất của sự vật, bày tỏ thái độ đồng cảm, xót thương đối với những tâm hồn lao khổ. Trong sáng tác của Nam Cao không vang lên những tiếng trống thúc sưu, dồn thuế, cũng không miêu tả trực tiếp những cảnh tranh ruộng cướp đất nhưng vẫn phản ánh chân thật, sâu sắc hiện thực xã hội Việt Nam những năm 1930 – 1945. 

Vẫn là những cảnh thóc cao, gạo kém, con người phải vật lộn để kiếm sống, nhưng trong tác phẩm của ông, cái đói, cái nghèo như một sức mạnh vô hình thít chặt lấy số phận của các nhân vật. Cảnh nghèo đã thấm qua từng trang sách, khắc chạm vào tâm khảm người đọc khiến chúng ta day dứt mãi khôn nguôi về bi kịch của những con người bị đẩy đến tận đáy sâu thẳm của xã hội. Nam Cao không nhìn người nghèo với con mắt khinh bỉ, giễu cợt và cũng không thi vị hóa, lý tưởng hóa họ. “Nam Cao yêu triều mến cái làng khổ sở của anh, anh yêu những bến đò hiền lành, những buổi sáng, buổi trưa của thôn quê Việt Nam. Mỗi khi nói đến cái gốc dại quanh quẩn của những người đau khổ quằn quại, biết bao xót xa, độ lượng trong câu văn của anh” (Nguyễn Đình Thi). Từ một làng quê heo hút của mình, nhà văn đã mở rộng ra cả một thực trạng nông thôn đang trong thời kì lột xác, vươn tới phản ánh cho được cái bản chất, cái có tính phổ biến, quy luật. 

Nông thôn trong tác phẩm Nam Cao là một nông thôn nghèo đói, xơ xác, hoang vắng, heo hút, tiêu điều “Nhà cửa lưa thưa. Toàn những nhà tre úp xúp giữa những khu vườn rộng nhưng xấu lắm: mía như đốt lau hoặc khẳng khiu như chân gà, chuối lè tè như cây rau diếp ngồng, dĩ chỉ đến cây khoai, cây ráy cũng không lên được. Người xấu xí và rách rưới. Cái số trẻ con bụng ỏng mắt tóe ở ngoài đường sẵn lắm” (Quái dị). Đây là hiện thực, là dấu ấn của một thời kì đen tối, của những năm 40 – 45 nạn đói luôn đe dọa, nhất là năm 45 người chết đói đầy đường. 

Làng quê Nam Cao thường là vùng trồng màu (mía, lạc, ngô, đậu). Màu nhiều, lúa ít nên đa phần người nông dân ở đây phải làm đủ nghề để kiếm sống: nghề vườn, nghề bãi, nghề dệt cửi, tằm tang… Nhưng dường như trăm nghề vẫn chẳng đủ sống. Họ bị tước đoạt hết ruộng đất. Bất hạnh gõ cửa từng nhà. Không nhà nào yên ấm, nhà nào cũng tan tác, chia lìa. Người làng li tán khắp nơi tha hương cầu thực: kẻ phiêu dạt ra thành phố tìm đến trú ngụ trong những căn nhà ẩm thấp, tăm tối (mẹ con Hiền trong Truyện người hàng xóm), kẻ phẫn chí bỏ đi làm thuê ở một đồn điền cao su (con trai lão Hạc trong Lão Hạc). Ngay cả một đám cưới cũng là cưới để ly tán gia đình, ly tán để tìm kế sinh nhai (Một đám cưới). 

Đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ, Nhật vào Đông Dương gieo rắc bao thảm họa. Kinh tế Đông Dương khủng hoảng, cả xã hội như trong cơn đảo điên và nhịp độ hoành hành của bọn thống trị càng gấp rút và siết chặt. Số phận người nông dân trong nhiều truyện ngắn của Nam Cao được đặt ở những thử thách khốc liệt của cảnh nghèo. Nhiều câu chuyện thương tâm xoay quanh cái đói và không ít nhân vật bị đẩy vào cảnh chết đói thảm thương, ví như anh đĩ Chuột trong truyện ngắn “Nghèo” đi tìm sợi dây thắt cổ tự vẫn, tìm một cái chết âm thầm và nhanh chóng, như trốn chạy để khỏi phải nhìn những gì chắc chắn sẽ diễn ra cho người thân. Đó là một cái chết tuyệt vọng “Cái bộ xương bọc trong da giãy dụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn giật từng cái chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng”. Có người cha như lão Hạc cương quyết không ăn lấn vào món tiền bán vườn và tiền bán “cậu Vàng” để dành dụm cho đứa con trai đang đi đồn điền cao su. Đó là một cái chết vật vã, đau đớn, gây nhiều xôn xao nhưng lại có phần thanh thản vì cho đến chết, lão Hạc vẫn là người lương thiện và còn hi vọng mong manh rằng con trai lão sẽ trở về, và nó sẽ hưởng được cái vốn liếng còm cõi mà lão để lại. Phúc trong “Điếu văn” chết vì bệnh. Nhưng thực ra đó cũng là một kiểu chết đói. Cả cuộc đời anh là cuộc đời đi làm thuê, và hầu như lúc nào cũng đói “Sáng ngày ra anh uống nước lã cầm hơi. Bữa trưa anh được lùm lùm một bát cơm ngô, hoặc khoai. Buổi tối người ta cho anh vài nắm ngô rang hoặc vài củ khoai, củ ráy… Chỉ có công việc và những lời chửi rủa thì lúc nào cũng thừa bứa, tứa tát, xơi không kịp”, anh chết trong sự thèm khát một bát chè đỗ đen mà không được. 

Lấy truyện ngắn “Lão Hạc” làm điển hình, chúng ta sẽ thấy rõ hơn về số phận nghèo khổ, bất hạnh của những người nông dân và tấm lòng của nhà văn. Trước hết Lão Hạc là người sống trong tuổi già cô đơn đầy lo nghĩ. Cả đời làm lụng vất vả, vợ chồng lão cũng tậu được mảnh vườn, nhưng mảnh vườn ấy cũng không giúp lão lo được hạnh phúc cho con. Đứa con trai duy nhất của lão đã có người yêu- chúng rất mến nhau, nhưng tiền thách cưới quá nặng, mất “cứng đến 200 bạc. Lão không lo được”. Tục lệ cưới xin lạc hậu, lão không làm tròn bổn phận của người cha. Nỗi đau ấy luôn dày vò trong tâm lão.Phẫn chí, anh con trai bỏ đi phu đồn điền cao su để lão sống một mình. Lão xót xa cay đắng khi nhận ra đưa con cứ tuột dần khỏi tay mình “hình của nó người ta chụp, ảnh của nó người ta giữ., nó là người của người ta rồi chứ đâu còn là con của tôi nữa”. Và từ đấy lão sống một mình, bầu bạn với lão chỉ có con vàng. Vợ chết, con đi xa, lão cô đơn làm sao. Đến ông giáo cũng cảm nhận được nỗi cô đơn của lão "già rồi mà ngày cũng như đêm, suốt ngày chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn". ấy vậy mà lão cũng phải bán con Vàng, bán nguồn an ủi động viên, bán người bạn. Giá như ta biết quá trình tính toán, cân nhắc từng bữa ăn của chó, của người, biết được bao lần lão Hạc đã sang kể cho ông giáo nghe việc mình bán con Vàng, ta mới thấy được lão đã day dứt, trăn trở, khổ đau thế nào

Thứ hai cuộc sống của lão càng ngày càng túng thiếu chật vật.Già rồi, đến tuổi vui thú điền viên, được con cháu phụng dưỡng mà lão vẫn phải đi làm thuê làm mướn để kiếm sống. Nhưng ốm đau không chừa lão. Lão đã ốm một trận thừa chết thiếu sống đến hơn tháng trời. Làng lại mất vé sợi, người khoẻ mạnh tranh hết việc, ai thuê người già lão, yếu đau. Lão thất nghiệp, lão sống bằng cái gì đây. không thể tiêu vào tiền của con, lão “chế tạo được món gì, ăn món ấy”, khi bữa trai bữa ốc, khi củ khoai củ dáy đắp đổi qua ngày. Cuộc sống đã khổ ngày càng khổ hơn, bế tắc hơn.

Lão sống khốn khổ như vậy mà có người vẫn không hiểu lão.Vợ ông giáo không phải là người xấu. Cuộc sống cũng khốn khó, nhưng khi thấy chồng giúp lão thì chị cũng khó chịu “Cho lão chết. Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ”. Trong con mắt của chị, lão là người keo kiệt bủn xỉn, keo kiệt bủn xỉn với ngay chính bản thân mình, keo kiệt đến gàn dở. Còn Binh Tư - kẻ sống bằng nghề trộm cắp cũng coi thường lão “Lão làm bộ đấy. Lão tẩm ngẩm thế thôi chứ ghê ra phết”. Binh Tư như tìm được một đồng minh. Trong con mắt của Binh Tư, lão chỉ là kẻ sống bất lương núp dưới bộ mặt đạo đức giả. Mỗi người một cách nhìn khác nhau, nhưng rõ ràng lão trở nên xấu xa, gàn dở, tội lỗi.

Sống đã khổ, đến chết cái khổ cũng không buông tha lão. Ta hãy cùng Nam Cao bước sang nhà lão để chứng kiến những giây phút cuối cùng của đời lão “lão đang vật vã…đầu tóc rũ rượi…hai mắt long sòng sọc…bọt mép sùi ra…”. Tác giả tả thực, tả tỉ mỉ từng cử chỉ, hành động của lão trước khi từ giã cõi đời. Cái chết của lão sao mà đau đớn, dữ dội, bất ngờ và bí ẩn đến thế. Xót xa thay, thương cảm thay cho một kiếp người sống trong túng đói, dằn vặt, cô đơn, chết trong đau đớn vật vã.

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu chung lại đều luẩn quẩn quanh cái nghèo, cái đói, sự ngột ngạt của cuộc sống nghẹt thở đã đến mức tận cùng của sự bế tắc, cái chết của họ đầy thương tâm, mang một ý nghĩa tố cáo xã hội sâu sắc. Chạy đến cùng trời cũng không sao thoát khỏi cái nghèo, cái đói và cái chết. 

2.1.2. Đồng cảm với những người nông dân bị tha hóa, bị lưu manh hóa

Viết về người nông dân, Nam Cao tập trung viết về tình trạng con người luôn luôn bị lăng nhục, bị xúc phạm về nhân phẩm, bị đẩy vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa. Nói cách khác đó là những người nông dân bị dồn đến đường cùng nhưng họ không chịu nhịn nhục. Họ vùng vẫy tìm lối thoát cho mình. Đa số là lối thoát tiêu cực: rượu chè, cờ bạc, trộm cướp, lưu manh. Đó cũng là một quy luật nghiệt ngã của xã hội. Từ đó bộc lộ tấm lòng đau đớn của mình trước số phận của những người nông dân.

Viết về quá trình người nông dân bị tha hóa, lưu manh hóa, Chí Phèo là tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao. Đây là nhân vật tổng hợp những hư hỏng của người nông dân (Tuy rằng trước Chí Phèo đã có Năm Thọ, Binh Chức). Vì vậy, Chí Phèo là nhân vật điển hình, có ý nghĩa khái quát xã hội rộng lớn, là một nhân vật tha hóa với đầy đủ ý nghĩa sâu sắc, chính xác của khái niệm này. Tha hóa ở đây được hiểu là sự biến chất của con người, là tình trạng con người trở thành cái đối địch với bản chất của nó. Cũng như tất cả các nhân vật khác, Chí Phèo bước vào cái tuổi hai mươi của đời mình với phẩm chất lương thiện : hiền lành, siêng năng, có ước mơ, giàu tự trọng… Nhưng vì một lý do không đâu, Chí Phèo bị đi tù. Ở tù ra, hắn trở thành lưu manh, một kẻ khác hẳn với bản chất vốn có của mình: hay uống rượu, chửi bới, rạch mặt ăn vạ, giết người.“Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng cá. Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo đen với cái áo tây vàng. Cái ngực thì phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế, trông gớm chết!”. Gặp Thị Nở, Chí Phèo muốn hoàn lương, nhưng xã hội không chấp nhận. Cuối cùng Chí Phèo phải chết trên ngưỡng cửa của sự tìm về với đồng loại và treo ở đó một khát vọng tha thiết muốn làm người lương thiện.

Qua đề tài này Nam Cao đã đưa ra một quy luật triết lý đầy ý nghĩa trong sáng tác về người nông dân, đó là : những người nông dân trước cách mạng là sản phẩm của hoàn cảnh và trong xã hội cũ, người nông dân không thể làm người lương thiện. Quá trình hư hỏng của nhân vật cũng chính là quá trình tha hóa con người của chế độ xã hội. Nguyên nhân trực tiếp là do xã hội, nhưng một phần cũng là do sự thiếu thốn, nghèo đói và quan hệ giữa người với người không chút tình thân. 

Với Gorki, Grusca Tsencas trong tác phẩm Tsencastừng là một nông dân hiền lành, lớn lên đi lính và là một chàng lính cận vệ khoẻ mạnh, đẹp trai, khéo léo. Nhưng sống giữa cái xã hội ngột ngạt lúc bấy giờ, anh đã trở nên sa đoạ. Suốt mười một năm trời đi du đãng, Tsencas trở thành “một tay nghiện rượu khét tiếng và là một tên ăn cắp khéo léo, can đảm”. “Y đi chân đất, mặc chiếc quần vải bông cũ đã sờn, đầu không mũ, mình vận chiếc sơ mi vải hoa rách cổ, để phô ra những chiếc xương khô, góc cạnh dưới làn da nâu”. Với “mái tóc điểm bạc rối bù và khuôn mặt phờ phạc, dài hoắt như diều hâu”, “đôi mắt xám lạnh lùng, lấp lánh ném ra xung quanh những cái nhìn sắc sảo”, Tsencas biến thành “con sói già bị săn đuổi trên bến tàu” nhưng với bản tính “ngang tàng và táo tợn” nên anh cứ ngang nhiên lấy cắp ở đó để sống.

Tsencas chính là sản phẩm của cái xã hội đầy rẫy những ung nhọt và bất công. Cái xã hội đã làm cho con người bị tha hoá và nó sẵn sàng hất cổ họ ra bên lề cuộc sống một cách tàn nhẫn. Sống trong cái xã hội này, Tsencasơ chỉ là một con người thừa mà nếu bị giết chết thì không ai vì hắn mà làm ầm ĩ lên, bởi vì “hắn là con người thừa trên trái đất! Ai hơi đâu mà bênh vực hắn”. Tsencas ý thức được điều chua chát ấy và anh vẫn cứ ngang nhiên sống trong cái xã hội đó. Sống một cách lầm lì và táo tợn như một con diều hâu thảo nguyên, dáng đi rình mò nhịp nhàng, bề ngoài có vẻ điềm tĩnh nhưng bên trong thì sôi sục và tinh ranh. Cuộc sống của anh ở đó như đám mây đen chập chờn trong mắt bọn lính đoan mà lúc nào chúng cũng muốn dùng những bạo lực của tù đày để xoá tan nó đi. 

=> Xuất phát từ nét tương đồng trong hoàn cảnh lịch sử xã hội, cả Nam Cao và Gorki đều xây dựng thành công hình tượng người nông dân nghèo đói, bần cùng, bị tha hóa, lưu manh hóa. Từ đó ngấm ngầm tố cáo cuộc sống xã hội nghẹt thở trong chế độ đương thời. Đồng thời ở đây còn thể hiện sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa hai tâm hồn, hai nhân cách lớn – Nam Cao và M.Gorki, hai nhà văn hiện thực và nhân đạo chủ nghĩa ở tấm lòng đồng cảm, thương xót đối với những kiếp người nghèo khổ. 

2.2. Nam Cao và Gorki đều phát hiện ra những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nghèo.

2.2.1. Ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, công bằng

Viết về con người nhỏ bé trong văn học không phải Macxim Gorki mới là người đầu tiên. Trong văn học truyền thống Puskin là người khởi xướng nền văn học hiện thực Nga với tiểu thuyết “Epghenhi Onhegin”, tiếp đó là Leptonxtoi với “Anna Karenina”, Shê Khôp với “Người trong bao”… Macxim Gorki đã tiếp nối truyền thống đó một cách xuất sắc và còn khám phá thể hiện con người ở một tầm cao mới, một chiều kích mới. Ông không chỉ nhìn thấy cái khốn khổ của họ, đồng cảm và thương xót họ mà nhà văn còn đồng cảm với những cuộc đời khốn khổ, tăm tối ấy. Khác với các nhà văn cổ điển nhìn trên bình diện đạo đức, Gorki đứng trên lập trường ý thức xã hội, ý thức nhân dân đã chỉ ra phần tốt đẹp tưởng như đã tắt hẳn trong những con người khốn khổ. Trong sáng tác của Gorki hình tượng quần chúng nhân dân được miêu tả như một đám đông đang cựa quậy, đang thức tỉnh, đang tuôn ra từ bóngđêm mà chế độ nông nô chuyên chế ngự trị hàng nghìn năm. Ý thức “xem con người lớn lên như thế nào” của Gorki cho thấy nhà vănluôn chú ý đến phần thức tỉnh, phần nhân tính trong con người dẫu chỉ là khoảng khắc, giây lát. Nét tinh tế và tấm lòng nhân dạo của Macxim Gorki là ở chỗ nhà văn đã nắm bắt và thể hiện được khoảng khắc lóe sáng của tâm hồn, giây phút “đốn ngộ” của nhân tính trong những chuỗi ngày tăm tối của con người để thể hiện, để khám phá trân trọng và ngợi ca. Nhà văn luôn nhìn con người trong phần tốt đẹp nhất, trong sự soi sáng của lương tri, của tình người chứ không phải trong mảng tối của bóng đêm dày đặc. Rõ ràng con người không chỉ có cái tốt đẹp cái thiên lương cao quý mà còn có cả những cái xấu xa, những góc khuất, những rắt rết, ác quỷ. Nhưng có điều Gorki luôn nhận ra sự xuất hiện của thiên thần trong con người tưởng như hoàn toàn xấu xa, hư hỏng kia. Chính lúc ấy họ vụt lớn lạ thường, đẹp đã cao cả lạ thường, không còn cái xấu xa, hư hỏng nữa mà chỉ có ánh sáng của thiên lương. Ông không coi việc miêu tả tỉ mỉ bi kịch của con người ngèo khổ là mục đích chính của mình, mà ông đi sâu vào thế giới nội tâm, tìm hiểu những phẩm chất tốt đẹp, khám phá những khả năng tiềm tàng, những khát vọng để hướng tới một cuộc cách mạng lớn lao trong những con người khốn cùng này. 

Cứ tưởng rằng sống giữa chốn bùn nhơ đen tối thì những “con người dưới đáy” sẽ bị vùi lấp đi bao mơ ước khát vọng của mình. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn ấp ủ bao ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, công bằng và nhân đạo.

Tsencas ngoài cái vẻ của một tên cướp khét tiếng, ghê tợn “Y có cái vẻ hao hao giống con diều hâu thảo nguyên, thân hình gầy gò dữ tướng và dáng đi rình mò nhịp nhàng”, trong tâm hồn anh vẫn có những giờ phút thơ mộng để giao cảm với thiên nhiên. Anh yêu mến ngắm nhìn biển tươi đẹp, và ngắm nhìn không biết chán. Đối diện với biển, anh quên đi bao ý nghĩ tội lỗi:

“Y, một kẻ cắp, y yêu biển. Cái bản tính nóng nảy sôi nổi, thèm khát cảm giác của y không bao giớ biết chán khi ngắm nghía khoảng rộng đen tối, bao la, tự do và dũng mãnh này…”.

Nếu như Gavrila cảm thấy ngợp thở trước cái yên lặng và vẻ đẹp tối tăm của biển thì đối vối Tsencas, biển như là thứ nước thánh thiêng liêng của chúa trời, nó có thể rửa sạch mọi tội lỗi của y:

“Ở ngoài khơi, trong lòng y bao giờ cũng dậy lên một tình cảm rộng lớn ấm áp, tình cảm ấy choán hết tâm hồn y, tẩy rửa hết những cái nhơ nhớp mà đời sống hằng ngày đã in sâu vào tâm hồn”.

Suốt 11 năm trời sống cuộc đời một tên du đãng nhưng trong tâm trí của Tsencase những kí ức tốt đẹp xa xăm không bao giờ mất đi và cái dĩ vãng tốt đẹp của cuộc đời xa xưa luôn hiện về trước mắt y: “Y đã kịp thấy y lúc trẻ thơ, làng quê y, mẹ y – người thiếu phụ má đỏ, mũm mỉm, có đôi mắt sáng hiền hậu – và bố y – người đàn ông cao lớn đồ sộ, có bộ râu cằm hung và khuôn mặt nghiêm khắc. Y thấy mình là chú rể và thấy vợ y, cô Anfixa mắt đen có bím tóc dài, người đẫy đà, dịu hiền, vui tính, và y lại thấy mình là chàng lính cận vệ đẹp trai…Y thấy cả cái cảnh làng xóm đón tiếp y khi y hết hạn tòng ngũ trở về. Y thấy bố y hãnh diện như thế nào trước cả làng về thằng “Grigori của mình“. Những kí ức ấy “đã làm sống lại những hòn đá của dĩ vãng và nhỏ những giọt mật vào chén thuốc độc mà hồi xưa người ta đã uống…Tsencas cảm thấy mình được tắm trong luồng không khí thân thuộc âu yếm, làm cho lòng y dịu lại. Luồng không khí thân yêu ấy đưa đến tai y cả những lời âu yếm của mẹ, cả những lời lẽ trang nghiêm của ông bố nông dân giàu nhiệt huyết, vô số âm thanh đã bị quên lãng và nhiều mùi thơm nồng đượm của đất mẹ vừa mới tan băng, mới cày và vừa được bao phủ một lớp lúa thu óng ả như tấm lụa màu ngọc bích”. Càng thả hồn trong những kí ức hạnh phúc bao nhiêu, thì khi nhìn lại hiện tại, Tsencas càng ý thức được những nỗi bất hạnh, cô độc của mình bấy nhiêu: “Y cảm thấy y là kẻ cô độc, bị vứt ra và vĩnh viễn bị gạt ra khỏi cái cuộc sống đã sản sinh ra dòng máu hiện đang chảy trong mạch y”. Điều đó càng làm cho ta quí mến hơn con người có dáng vẻ dữ tợn này.

Bản chất của tên ăn cướp, kẻ du đãng, con người bị vứt ra khỏi tất cả những gì thân thiết ruột thịt này lại là người có tâm hồn đẹp đẽ và cao thượng. Tuy là một tên lưu manh nhưng Tsencas vẫn là con người biết tự trọng. Anh cảm thấy mình bị tổn thương khi người khác xúc phạm đến thân phận nghèo khổ và danh dự của mình. Tsencas rất đau đớn khi bị kẻ khác dẫm vào lòng tự ái của mình. Nhiều lần Gavrila cho anh là con người mờ ám thì “Tsencase cảm thấy như bị bỏng trong ngực và y hạ giọng, thốt lên với vẻ căm tức lạnh lùng…Y nhảy xuống đất, tay trái kéo ria mép, tay phải nắm lại thành từng nắm đấm rắn chắc, gân guốc, mắt long lên sòng sọc”. Hay anhcàng tức điên lên khi người ta chỉ xem mình là con người thừa trên trái đất “Tsencase đứng thẳng, thân hình khô đét, dữ tợn, nhe răng ra coi đến độc ác, cười khanh khách, tiếng cười đầy vẻ châm chọc và ria mép y nhảy lên một cách nóng nảy trên khuôn mặt góc cạnh, dài hoắt. Cả đời chưa bao giờ y bị xúc phạm đau đớn đến thế và chưa bao giờ y hung tợn như thế”. 

Anh khinh bỉ Gavrila – kẻ hèn nhát, tham lam ti tiện và độc ác đến mức đánh mất cả lòng tự trọng của mình. Khi phát hiện ra việc “làm ăn” cùng Tsencas là đi ăn cắp, Gavrila cho rằng đó là việc đáng nguyền rủa. Nhưng suốt đoạn đường về, trong đầu tên tham sống sợ chết này lúc nào cũng mưu tính nhiều thủ đoạn để lấy được số tiền mà Tsencas lấy cắp được. Thật bỉ ổi hơn nữa là chỉ vì số tiền đó mà Gavrila sẵn sàng quỳ xuống, gục đầu vào gối và nghẹn ngào van xin Tsencas: “Anh ơi!…Anh cho tôi số tiền ấy! Vì chúa xin anh hãy cho tôi!”. Gã trở thành tên nô lệ khúm núm của đồng tiền, tên tham lam, thấp kém và mất tự chủ. Còn Tsencas, một tên cướp du đãng, không vì tiền mà đánh mất nhân cách của mình. Trước hành động van xin hèn hạ của Gavrila, Tsencas “thò tay vào túi, lấy ra những tờ giấy bạc, ném vào mặt gã…ném tiền xong, y cảm thấy mình là anh hùng”. Cho dù Gavrila đã có hành động bất lương đối với anh nhưng Tsencas vẫn sẵn sàng tha thứ cho hắn. Điều đó càng làm cho Tsencas vươn lên cao hơn, đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn.

Với tác phẩm “Chí Phèo”, những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nghèo khổ càng được thể hiện rõ ràng hơn, sâu sắc hơn. Nam Cao miêu tả cuộc đời của Chí Phèo từ khi hắn sinh ra trên đời cho đến lúc nhắm mắt, một cuộc đời bị khép kín trong vòng luẩn quẩn đầy tủi nhục, tăm tối. Chí Phèo là đứa trẻ bị bỏ rơi giữa cảnh màn trời chiếu đất “Hắn trần truồng và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một cái lò gạch bỏ không”. Một anh đi thả ống lươn bắt gặp và đem cho một người đàn bà góa mù. Bà ta lại bán hắn cho một bác phó cối không con, và khi bác này chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Mặc dù bị mua đi bán lại, nhưng ít ra Chí Phèo cũng còn được sống trong vòng tay cưu mang của những người lao động. Sự đùm bọc của những tấm lòng đầy nhân nghĩa ấy phải chăng đã gieo vào lòng Chí những tình cảm tốt đẹp để sau này có đủ sức mà trỗi dậy trong giây phút thức tỉnh của Chí Phèo. Năm hai mươi tuổi, Chí trở thành anh canh điền khỏe mạnh, hiền lành, nhút nhát và chăm chỉ làm ăn. Sau đó y gặp biến cố và trải qua chặng đường đời dần dần bị tha hóa, lưu manh hóa. Tuy nhiên, Nam Cao vẫn phát hiện được trong tâm hồn cằn cỗi đó những nét đẹp đẽ, lương thiện còn rơi rớt lại. Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân như một số người nhận định. Cái sắc sảo của một nhà văn luôn tìm tòi, quan sát giúp Nam Cao nhìn nhận ra vấn đề, phát hiện ra tâm hồn đáng quý ẩn đằng sau những người nông dân bị biến chất. Lòng ưu ái, cảm thông của một tâm hồn nhân đạo đã giữ lại trên trang viết của ông niềm tin về nhân phẩm đẹp đẽ của người nông dân. Trong đáy sâu tâm hồn của Chí Phèo, vẫn còn có những mầm móng tốt đẹp mà hoàn cảnh phủ phàng của xã hội chưa đủ sức làm thui chột hết. Sự gặp gỡ với Thị Nở và bát cháo hành ấm nóng tình người đã đánh thức dậy những tình cảm, những khát khao xưa kia của Chí Phèo. Chí muốn làm người lương thiện, Chí muốn hòa nhập với xã hội chung quanh biết bao. Và Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối đưa Chí Phèo trở về với cuộc sống bình thường “Thị Nở sẽ mở đường cho Chí Phèo. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện…”. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm điên say đập phá, Chí mới trở lại với ước mơ bình thường, giản dị của người lao động “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Và cũng chỉ trong trạng thái thức tỉnh thì những âm thanh của cuộc sống bình thường mới dội vào tâm hồn Chí, từng tiếng chim hót, tiếng người đi chợ trao đổi, tiếng mái chèo đuổi cá trên sông. Tất cả như gợi nhớ, như thức tỉnh và làm nảy nở ở Chí Phèo niềm hi vọng về một sự đổi thay “Tao muốn làm người lương thiện”

2.2.2. Con người có lòng tự trọng, giữ gìn nhân phẩm

Ẩn bên trong những số phận cay đắng của người nông dân nghèo là những phẩm chất tốt đẹp về nhân cách của họ. Nam Cao và Gorki đã khám phá ra được vẻ đẹp của những người nông dân nghèo giàu lòng tự trọng, luôn luôn cố gắng giữ gìn nhân phẩm giữa dòng đời ngả nghiêng.

Đối với lão Arkhip trong Lão Arkhip và bé Lionka, người ông tội nghiệp có thể ăn xin, có thể chịu sự đánh đập, chửi mắng, xua đuổi và thậm chí ăn cắp cũng vì cháu mình. Trong con người tưởng như đáng bị người đời cười chê và phỉ nhổ ấy lại sáng lên tình thương vô hạn. “Vì sao tao phải ăn cắp, tất cả cũng vì mày”. “Tao cố góp nhặt để nuôi mày, để mày có tiền mà sống, cho nên tao phải ăn cắp…”. Trong đêm giông bão ập đến xóa nhòa hình ảnh người ông tội nghiệp, khuôn mặt hốc hác hiện ra trong sấm chớp nhưng tình thương của lão Arkhip vẫn sáng ngời lên, một thứ tình cảm cao thượng của người ông đối với đứa cháu của mình.

Tương đồng với Gorki, điểm đáng quý ở Nam Cao cũng là cái nhìn nhân hậu, đầy cảm thông đối với người nông dân. Các nhân vật của ông dù bị đày đọa, chà đạp nhưng vẫn giữ được nhân cách, phẩm hạnh của mình. 

Trong truyện ngắn “Lão Hạc” Nam Cao đã thể hiện sinh động tính cách nhân vật qua nhận thức của ông giáo hàng xóm. Ban đầu là tình cảm thân thương quý trọng của ông giáo đối với ông bạn láng giềng: “Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó vàng của lão. Lão chỉ còn mỗi mình nó để làm khuây. Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ lủi thủi một mình thì ai mà chả phải buồn ?...”. Một sự lầm tưởng làm ông giáo xót xa, buồn cho cuộc đời, buồn cho sự tha hóa và thấy như mình bị xúc phạm: “Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày lại thêm đáng buồn”. Sự thật đã được bộc lộ với tất cả vẻ đẹp chân xác: lão Hạc là người lương thiện. Lão dám hi sinh cả đời mình vì hạnh phúc của đứa con. Lão là người nhân hậu, thủy chung, bán con chó mà vẫn ân hận là đã phụ bạc, ốm gần chết mà vẫn lo liệu để khỏi làm phiền đến bà con lối xóm. Ông giáo xúc động như mới phát hiện ra một tâm hồn cao cả, một nhân cách cao thượng, trong sáng ẩn chứa trong một con người bình thường: “Nhưng nói ra làm gì nữa! Lão Hạc ơi ! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt”. Vượt lên mọi niềm thương cảm, xót thương, người đọc bị lôi cuốn bởi một sự cảm nhận lớn lao hơn : niềm tin vào phẩm giá những cuộc đời bình thường, những thân phận bé nhỏ, những kiếp sống lầm than, những tâm hồn vượt lên cách sống bản năng, ý thức được mình “chết trong còn hơn sống đục” 

Nam Cao và M.Gorki đã vượt qua thành kiến bề ngoài, “cố tìm mà hiểu” để thấy được cái bản chất đích thực, những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nghèo. 

3. Sự khác nhau trong nghệ thuật xây dựng hình tượng người nông dân nghèo của M.Gorki và Nam Cao

Đều là những nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực, cả hai nhà văn M.Gorki và Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng hình tượng người nông dân nghèo và đã để lại những dấu ấn đậm nét riêng của mỗi nhà văn trong các sáng tác của mình. 

3.1. M.Gorki – “Thiêng liêng hai tiếng Con Người”

Nói tới Macxim Gorki người ta thường nghĩ tới một nhà văn hiện thực – lãng mạn xuất xắc, “con chim báo bão của cách mạng Nga”. Nhưng bên cạnh đó ông còn là nhà nhân đạo lớn. M.Gorki được mệnh danh là “nhà văn của những người chân đất” bởi ông không chỉ có cái nhìn cảm thông sâu sắc với những người nghèo khổ mà còn bởi ông muốn “xem con người lớn lên như thế nào”.

“Con người hai tiếng ấy vang lên thật hùng tráng xiết bao”. Cái nhìn của M.Gorki không chỉ chứa đựng những ý nghĩa nhân văn, nhân bản mà còn hết sức nhân đạo đối với con người. Chính niềm tự hào, niềm tin và tình yêu vô bờ đối với con người đã khiến nhà văn luôn quan tâm đến từng biến đổi dù là tinh vi nhất, nhỏ bé nhất, nhạy cảm nhất trong tâm hồn con người đê từ đó nhận thấy sự lớn lên trong suy nghĩ nhận thức của họ.

Chính vì vậy, khi xây dựng hình tượng người nông dân nghèo khổ trong các sáng tác của mình M.Gorki đã dựng nên những hình tượng con người nông dân hết sức đặc sắc, tiêu biểu. Một mặt, M.Gorki dựng lên bức tranh tăm tối, nghèo khổ với những số phận người nông dân cùng cực, khốn cùng, sống du thủ du thực. Mặt khác, M.Gorki vẫn vạch ra được con đường chân chính đưa những con người nghèo khổ ấy vượt thoát “đêm đen” tư sản để tìm đến với tiến trình đi lên của lịch sử. M.Gorki luôn cố gắng xây dựng hình tượng con người mới, những con người nhỏ bé bị đè bẹp trong trong khổ đau, bế tắc vùng thoát khỏi tình trạng tối tăm, khiếp sợ trước cuộc sống đen tối. Những con người vùng dậy đấu tranh nhằm biến đổi hoàn cảnh, sáng tạo nên một môi trường mới, hoàn cảnh mới và thúc đẩy nó phát triển.

Kế thừa và cách tân những thành tựu nghệ thuật xuất sắc, M.Gorki đặt tính cách và hoàn cảnh trong mối quan hệ tác động biện chứng, làm nổi bật lên sự chủ động, mạnh mẽ của tính cách con người đối với hoàn cảnh môi trường. Và trong chính cuộc đấu tranh với hoàn cảnh, cải tạo hoàn cảnh đó mà con người mới ra đời, lớn dậy. 

Tuy nhiên, chính vì con người có thể làm chủ hoàn cảnh, đấu tranh cải tạo hoàn cảnh, nên trong nghệ thuật xây dựng hình tượng người nông dân nghèo, các nhân vật của M.Gorki không có sự đấu tranh gay gắt, không có những xung đột đỉnh điểm trong tâm lí nhân vật. 

3.2. Nam Cao – Con người bị từ chối quyền làm người

Trên văn đàn Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, Nam Cao là một cây bút hiện tthực xuất sắc. Quãng đời sáng tác của Nam Cao không dài nhưng ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương phong phú có giá trị. Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, Nam Cao đã dựng nên cho nền văn học hiện thực Việt Nam đầu thế kỉ XX những hình tượng người nông dân nghèo khổ hết sức xuất sắc và độc đáo. Truyện ngắn “Chí Phèo” 1941 là một kiệt tác của nhà văn Nam Cao. Truyện ngắn đã xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo, một điển hình cho người nông dân bị tha hóa trước cách mạng tháng Tám.

Nhà văn Nam Cao khi xây dựng những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình đã dựng nên những hình tượng con người là sản phẩm của hoàn cảnh. Tính cách của các nhân vật chống đối lại hoàn cảnh đó, hoặc vùng vẫy chống lại hoàn cảnh nhưng đều bị hoàn cảnh làm cho thất bại, không vượt thoát khỏi hoàn cảnh. Đây là đặc điểm về nghệ thuật xây dựng hình tượng người nông dân của Nam Cao hoàn toàn khác so với M.Gorki. Nói như vậy không phải Nam Cao không tin yêu vào con người, không đưa những số phận con người của ông vượt thoát hoàn cảnh trở thành những con người làm chủ. Mà chính điều đó đã làm nên một nhà văn Nam Cao tiêu biểu của chủ nghĩa nhân đạo, là đại biểu ưu tú của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam. 

Chính vì xây dựng được những điển hình hóa nhân vật mà các nhân vật của Nam Cao luôn có sự đấu tranh nội tâm mạnh mẽ. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật thể hiện xuất sắc khi dẫn dắt nhân vật từ những dằn vặt nội tâm, những xung đột tâm lí gay gắt và đi đến bi kịch. Trong văn học Việt Nam ta đã từng bắt gặp bi kịch tình yêu của Thúy Kiều, bi kịch nghệ thuật của nhà văn Hộ, bi kịch của Vũ Như Tô… nhưng bi kịch lạ lùng nhất là bi kịch “bị cự tuyệt quyền làm người” của Chí Phèo.

Cuộc đời của nhân vật Chí Phèo là một chuỗi những bi kịch và đỉnh điểm của bi kịch chính là bị cự tuyệt quyền làm người. Lời nói của bà cô Thị Nở như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt Chí Phèo làm tắt ngúm ngọn lửa lòng vừa được nhen lên trong Chí. “Ai lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha không mẹ như cái thằng Chí Phèo” đã trở thành định kiến khắc nghiệt lấp mất lối về của Chí. Đó chính là bi kịch của một con người chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống lương thiện. Thật khắc nghiệt khi bản tính con người nơi Chí Phèo trỗi dậy, cũng là lúc Chí Phèo hiểu rằng mình không còn trở về với lương thiện được nữa. Cánh cửa trở về với xã hội lương thiện, xã hội loài người vừa mở ra thì cũng là lúc đóng sầm lại ngay trước mắt Chí Phèo. Và để trở về với hai tiếng Con Người, để được làm người lương thiện Chí Phèo phải chọn cách tự kết thúc đời mình. 

Nếu những con người nông dân nghèo của M.Gorki đấu tranh chống lại hoàn cảnh để vượt thoát hoàn cảnh, vươn lên một xã hội tốt đẹp hơn, hoàn thiện hai tiếng Con Người. Thì trong các tác phẩm của Nam Cao, con người có xung đột tâm lí gay gắt, có đấu tranh, có quẫy đạp hòng thoát khỏi hoàn cảnh nhưng không thể thoát ra được. Là con người nhưng không được làm người, chỉ khi chết đi rồi mới có thể bảo vệ hai tiếng thiêng liêng “Con Người”. Đến đây, sức tố cáo của tác phẩm cao hơn bao giờ hết. Một xã hội thực dân nửa phong kiến tàn bạo, độc ác đã cướp đi quyền làm người của những người nông dân nghèo khổ và vĩnh viễn không bao giờ trả lại. Cái chết bi thảm của những con người khát khao quyền được làm người là lời kết tội đanh thép cái xã hội vô nhân đạo, là tiếng kêu cứu về quyền làm người, cũng là tiếng gọi thảm thiết cấp bách của nhà văn: Hãy cứu lấy con người! Hãy yêu thương con người! 

Chính sự độc đáo, khác biệt trong nghệ thuật xây dựng hình tượng người nông dân nghèo khó đó đã tạo nên sự độc đáo riêng biệt của tài năng Nam Cao. Đồng thời cũng giúp Nam Cao khẳng định được vị trí của mình trên nền văn học dân tộc cũng như trong tương quan gặp gỡ với các nhà văn lớn trên thế giới.

Nhóm tác giả :
1.
2.
Lớp Cao học Văn 16


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét