Nhóm tác giả :
Lê Thị Kim Cương
Lê Tấn Cường
Lê Văn Định
Nguyễn Thụy Đồng
Tiêu Viết Hải
1.Khái quát về lịch sử của Văn học so sánh
Thuật ngữ “ Văn học so sánh” sinh ra trên đất Pháp, sau đó lan sang các nước Châu Âu khác, là một thuật ngữ ít được nhiều người biết đến. Sau này khi nhu cầu nghiên cứu sự giao thoa ảnh hưởng giữa các nền văn hóa văn học lớn trên thế giới trở thành bức thiết thì thuật ngữ này mới được nói đến nhiều hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1827, nhà văn lãng mạn Đức Gothe đã chủ trương phát triển văn học thế giới: “Nếu người Đức chúng ta không nhìn vượt ra ngoài các khung biên giới hạn hẹp của chúng ta, thì không có gì dễ bằng việc chúng ta rơi vào căn bệnh tự phụ thông thái rởm”.
Đây là cơ sở đầu tiên cho sự ra đời của bộ môn Văn học so sánh. Sau này phương pháp so sánh cũng được nhiều ngành khoa học áp dụng hơn đặc biệt là ngôn ngữ học so sánh.
Trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”(1847), Mác và Angel đã chỉ ra xu thế vận động của nền văn học thế giới. Đó là xu thế thoát khỏi trạng thái “khép kín” “giữ mình” của các dân tộc để hòa mình vào sự phát triển chung của nhân loại. Và hai ông đã đưa ra một kết luận: “ Tính phiến diện và tính hạn chế của dân tộc cũng ngày càng trở nên khó tồn tại và thế là từ nền văn học của các dân tộc và địa phương đã hình thành một nền văn học toàn thế giới”. Kết luận này có tính chất định hướng cho các nhà nghiên cứu sau này.
Như vậy, bộ môn Văn học so sánh đã có một cơ sở vững chắc để tồn tại và khẳng định mình. Không có lí do gì để người ta có thể phủ nhận sự tồn tại của nó. Và chúng ta có thể hình dung quá trình phát triển của bộ môn văn học so sánh qua các chặng đường lịch sử như sau:
- Nửa cuối thế kỉ XIX: là giai đoạn hình thành và khẳng định. Ở giai đoạn này có công lao của các nhà sử gia văn học Anh, Pháp, Đức, Thụy sỹ, Italia.
- Nửa cuối thế kỷ XX: là giai đoạn chủ yếu của sự ảnh hưởng vay mượn. Ở giai đoạn này nổi bật lên một số trường phái thực chứng lịch sử của một nhóm các nhà nghiên cứu so sánh người Pháp, đại diện của nó là Fernaud, Paul van… Đây là giai đoạn mà văn học so sánh rơi vào khủng hoảng vì có những ngộ nhận giữa so sánh văn học và văn học so sánh.
- Nửa sau thế kỷ XX, chúng ta lại chứng kiến một sự phục hồi và phát triển mãnh mẽ của văn học so sánh trên thế giới. Và ngày nay ngành học này đã mang tính toàn cầu và toàn diện hóa, dù rằng vẫn chưa hết những khó khăn song dường như con đường đi ngày càng rõ, càng thoáng, càng mở ra những triển vọng mới. Đây được coi là giai đoạn hoàn chỉnh bộ môn văn học so sánh bằng cách mở rộng đối tượng nghiên cứu của nó sang lĩnh vực các hiện tượng tương đồng.Ở đây phải kể đến công lao chủ yếu của V.zhir munki và R.E’tiemble. Đặc biệt Zhimunsxki đã nhắc đến thuật ngữ “loại hình”. Ông nói khi nghiên cứu các trào lưu tiến hóa văn học quốc tế ,chúng ta cần phân biệt những điểm tương đồng về loại hình với những sự du nhập văn học hoặc sự ảnh hưởng” ( theo Nguyễn Văn Dân).
2.Văn học so sánh và so sánh văn học
Cho đến nay, trên thế giới có hàng trăm định nghĩa về văn học so sánh. Dường như mỗi trường phái, mỗi nhà nghiên cứu dù có ít nhiều liên quan đến ngành khoa học mới mẻ này đều định nghĩa về nó. Những định nghĩa đó có những nét tương đồng, và tất nhiên, cũng có những dị biệt khi cắt nghĩa khái niệm này.
Đại diện cho trường phái văn học so sánh Pháp, trong Tựa văn học so sánh, ông J.P. Carré đã định nghĩa: “Văn học so sánh là một phân ngành của văn học lịch sử. Nó nghiên cứu những quan hệ tinh thần mang tính quốc tế, nghiên cứu những mối liên hệ thực tế giữa Bairon và Puskin vv, nghiên cứu những mối liên hệ thực tế trên các phương diện tác phẩm, linh cảm, thậm chí cả cuộc sống giữa các nhà văn của những nền văn học khác nhau”
Đến trường phái Văn học so sánh Mỹ, họ đã mở rộng đối tượng so sánh của khoa học này ra các môn nghệ thuật khác trong sự tương tác lẫn nhau của chúng. Ông Henry H.H. Remark đã đưa ra nhận định: “Văn học so sánh là sự nghiên cứu văn chương bên ngoài giới hạn của một xứ sở riêng biệt, và là sự nghiên cứu mối liên hệ giữa văn chương một bên với các lĩnh vực tri thức và tín ngưỡng khác, như nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc), triết học, lịch sử, các khoa học xã hội (chính trị, xã hội học, kinh tế học), các khoa học, tôn giáo v.v. một bên khác. Tóm lại đây là sự so sánh một nền văn chương với một hay nhiều nền văn chương khác và sự so sánh văn chương với các lĩnh vực biểu đạt khác của con người” (Văn học so sánh: Định nghĩa và chức năng - dẫn theo Trần Thanh Đạm: Mấy vấn đề về đối tượng và chức năng của văn học so sánh, Tạp chí văn học, số 9 -1997)
Trường phái văn học Nga, với sự đóng góp ở sự so sánh về loại hình, ông Jirmumsky đã định nghĩa: “Văn học so sánh lịch sử là một phân nhánh của văn học lịch sử, nó nghiên cứu những mối liên hệ và quan hệ quốc tế, nghiên cứu những chỗ dị đồng trong những hiện tượng văn nghệ của các nước trên thế giới. Những chỗ giống nhau trên thực tế văn học, một mặt có thể là do sự xúc tiếp về văn học giữa các nước, mặt khác có thể do sự tương đồng về sự phát triển xã hội và văn hóa của dân tộc. Tương ứng với chúng có thể phân thành tương đồng loại hình của những quá trình văn học, cùng những mối liên hệ và ảnh hưởng qua lại về văn học; thông thường cả hai thông dụng lẫn nhau, nhưng không nên lẫn lộn” (Đại bách khoa từ điển Xô Viết, 1976 - Dẫn theo Phương Lựu: Tìm hiểu lý luận văn học phương tây hiện đại, NXB. Văn học, 1995)
Văn học so sánh ở Việt Nam bắt đầu từ thế kỉ XX. Các nhà lý luận đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để bổ sung vào hệ thống lý thuyết, đồng thời áp dụng vào thực tiễn để từng bước thấy được những mối liên hệ giữa văn học Việt Nam với văn học các dân tộc trên thế giới. Từ đó họ cũng đưa ra các nhận định về văn học so sánh của riêng mình. Trương Đăng Dung, trong bài báo “Văn học dịch và những vấn đề lý luận của văn học so sánh”, định nghĩa rằng: “Văn học so sánh là một trong những ngành khoa học văn học, nghiên cứu mối quan hệ qua lại cũng như những đặc điểm tương đồng và khác biệt giữa các nền văn học nhằm tiếp cận tiến trình văn học lớn nhất: Văn học thế giới”. Theo ông Nguyễn Văn Dân, trong cuốn “Lí luận văn học so sánh”, viết rằng: “Văn học so sánh có thể được định nghĩa như là một bộ môn khoa học nghiên cứu các mối quan hệ giữa các nền văn học dân tộc”.
Như vậy, các định nghĩa của các nhà lí luận trên đây có những chỗ không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, các nhà nghiên cứu đều cho rằng văn học so sánh là một bộ môn của khoa nghiên cứu văn học, một ngành khoa học độc lập tương đối, có mục đích, đối tượng đặc thù, có phương pháp nghiên cứu riêng, nghĩa là nó có một cơ sở phương pháp luận riêng.
So sánh văn học là so sánh các giá trị độc đáo, tinh vi của các dân tộc với nhau, so sánh sao cho khách quan, không thiên lệch. Văn học so sánh khởi đầu từ phương pháp so sánh trong lịch sử, phê bình và nghiên cứu văn học, song văn học so sánh không phải là mọi sự so sánh trong văn học, nghĩa là ta phải phân biệt cho được văn học so sánh và so sánh văn học. Trước đổi mới, người ta thường nhầm lẫn so sánh văn học và văn học so sánh. Nói so sánh văn học là nói ở cấp độ phương pháp. So sánh là một thao tác của tư duy để xác định, đánh giá các hiện tượng văn học trong mối quan hệ với nhau. Thao tác so sánh có từ thời cổ đại, gắn với các nền văn hóa cổ như Hy Lạp, Ai Cập, Trung Quốc…; được áp dụng một cách tự phát, đơn sơ, không có một cơ sở khoa học nào. Còn nói tới văn học so sánh là nói trên phương diện bộ môn khoa học, nó hoàn toàn cao hơn cấp độ phương pháp. Phương pháp so sánh và bộ môn văn học so sánh là hai phạm trù hoàn toàn phân biệt với nhau, vì vậy ta không được nhầm lẫn mà đồng nhất hai khái niệm này.
3. Đối tượng của Văn học so sánh
Mục đích của so sánh văn học là từ những đối tượng nghiên cứu rút ra được bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của văn học. Cho nên đối tượng cơ bản của Văn học so sánh là các hiện tượng văn học thuộc các nền văn học khác nhau của các dân tộc khác nhau, hoặc sớm hoặc muộn hơn là thuộc các sắc tộc, các cộng đồng ngôn ngữ – văn hoá khác nhau. Nói chung, Văn học so sánh nghiên cứu sự giao lưu, sự tiếp xúc các mối quan hệ quốc tế, liên dân tộc, giữa các nền văn chương.
Ở đây ta cần nói thêm một chút về các trường phái Văn học so sánh. Buổi đầu của quá trình hình thành và phát triển bộ môn xuất hiện hai trường phái chính, tạm gọi tên là trường phái Pháp, trường phái Mỹ. Sở dĩ ta cần nói qua về các trường phái này vì giữa các trường phái có đôi chút khác biệt về đối tượng. Trong quá trình phát triển của bộ môn, giữa phương pháp và đối tượng của nó có mối quan hệ khăng khít và chặt chẽ với nhau song lại chưa thể có sự ổn định và nhất quán trong quan niệm. Trường phái Mỹ không chỉ nghiên cứu đối tượng là những hiện tượng văn chương ngoài biên giới dân tộc mà còn so sánh văn chương với các lĩnh vực tinh thần khác như Mỹ học, Triết học, tôn giáo. ..
Đối tượng của Văn học so sánh chỉ nên là các mối quan hệ về văn chương giữa các dân tộc mà thôi, đối tượng so sánh chỉ nên là các hiện tượng văn chương qua các biên giới địa lý và lịch sử của các dân tộc. Vấn đề dân tộc cũng cần phải được giải thích rõ vì khái niệm quốc gia và dân tộc không hề đồng nhất. Trong biên giới một quốc gia có thể có nhiều dân tộc, cho nên vẫn có thể có nhiều nền văn học khác nhau. Việt Nam có 54 dân tộc, nên không chỉ có văn học của người Kinh. Các nhà nghiên cứu vẫn có thể so sánh văn học Ireland với văn học Scotland trong văn chương Anh, so sánh văn học Hindi với văn học Bengali trong văn chương Ấn Độ…
Đây là vấn đề cơ bản trong việc xác định đối tượng của Văn học so sánh. Vậy cụ thể hơn, mối quan hệ về văn chương giữa các dân tộc là những gì? Những nhà nghiên cứu đã xếp các mối quan hệ đó vào ba nhóm chính:
3.1.Mối quan hệ trực tiếp giữa các nền văn học dân tộc: khi nghiên cứu ở mặt này, các nhà nghiên cứu xác định các luồng giao lưu, ảnh hưởng, nhất là nếu có hiện tượng vay mượn thì phải tìm ra nguồn gốc vay mượn để đánh giá đóng góp của người vay mượn lẫn người cho vay.
Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du ở Việt Nam và tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 16- đầu thế kỷ 17 ở Trung Hoa. Nguyễn Du đã dựa trên Kim Vân Kiều truyện mà viết thành thiên truyện bằng thơ dài 3254 câu thơ lục bát với tên Đoạn trường tân thanh, hay gọi nôm na là Truyện Kiều. Việc so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện cho thấy nguồn gốc của Truyện Kiều, nhưng chủ yếu cho thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là bản dịch từ văn xuôi sang văn vần, mà là một sáng tạo của Nguyễn Du cả về mặt hình thức lẫn nội dung tác phẩm.
Xét đến sự ảnh hưởng trong văn học thì có rất nhiều kiểu. Có thể là ảnh hưởng do nhân cánh nhà văn, ảnh hưởng về kỹ thuật viết văn, vay mượn tư liệu và chủ đề, ảnh hưởng bằng cách đưa ra một khung cảnh nghệ thuật mới…
3.2. Các điểm tương đồng: nhà so sánh luận Xô Viết Zhirmunsky nhận định: “Các phong trào văn học nói chung và các sự kiện văn học nói riêng – với tư cách là những hiện tượng quốc tế – một phần được xây dựng trên cơ sở những sự phát triển lịch sử tương đồng trong cuộc sống xã hội của các dân tộc và một phần dựa trên những sự giao lưu văn hóa và văn học của các dân tộc đó. (…) Cần phải phân biệt những điểm tương đồng về loại hình với những sự du nhập văn học hoặc sự ảnh hưởng, bản thân những cái này cũng lại dự trên những điểm tương đồng trong quá trình tiến hóa xã hội.” Ví dụ điển hình cho văn học so sánh nghiên cứu các điểm tương đồng là công trình của Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên nghiên cứu về kiểu truyện Tấm Cám.
Việc nghiên cứu các hiện tượng tương đồng có thể được tiến hành theo các vấn đề: đề tài, tư tưởng, tình cảm, thể lọai, loại hình, phong cách, hình tượng, nhân vật v.v… Song điển hình nhất và phức tạp nhất vẫn là hiện tượng tương đồng của các trào lưu và trường phái văn học từ trước đến nay. Có hai loại hiện tượng tương đồng:
3.2.1. Tương đồng lịch sử: bao gồm hiện tượng tương đồng cùng thời và tương đồng kế tiếp. Tương đồng lịch sử là tương đồng của những trào lưu thuộc các nền văn học kế cận nhau (như: nền VH Phục Hưng, cổ điển, Ánh Sáng, lãng mạn, hiện thực.. ở Châu Âu)
3.2.2.Tương đồng phi lịch sử: là sự giống nhau giữa các nền văn học cách xa nhau về không gian, thời gian. Nghiên cứu những điểm tương đồng phi lịch sử sẽ giúp cho các nhà lý luận văn học rút ra những kết luận bổ ích và xác đáng về quy luật phát triển chung của văn học, làm sáng tỏ sự phát sinh, phát triển của một thể lọai, một loại hình văn học cụ thể.
3.3. Các điểm khác biệt độc lập:
Trong thực tiễn, có khi nhà nghiên cứu phải so sánh hai hiện tượng văn học khác nhau để chứng minh cho mức độ khác nhau giữa chúng, qua đó khẳng định thêm cho một yêu cầu nào đó của mình. Việc này không phải để chứng minh đơn thuần cái này khác cái kia, mà nó nhằm phục vụ những mục tiêu cụ thể của nhà nghiên cứu.
Ví dụ: so sánh tiểu thuyết: Robinson Crusoe của Daniel Defoe với Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật để thấy: Quả dưa đỏ chưa phải là tiểu thuyết phiêu lưu.
Đối tượng thứ ba này là để bổ sung cho hai đối tượng đầu. Các đối tượng ấy không hề phủ định lẫn nhau mà bổ sung cho nhau.
4. Chức năng của Văn học so sánh:
Chức năng của văn học so sánh là làm sáng tỏ bản chất của văn học, con đường phát triển và các giá trị của văn học. Vì thế mà nó là phương tiện bổ sung đắc lực cho các bộ môn nghiên cứu văn học còn lại là lý luận văn học, lịch sử văn học và phê bình văn học, gắn bó chặt chẽ không tách rời với các bộ môn này.
Văn học so sánh có chức năng làm rõ cái đặc thù dân tộc và cái quốc tế, từ vấn đề quan hệ văn chương để tìm ra tính chất, quy luật phát triển chung của văn chương trên phạm vi dân tộc và phạm vi thế giới cùng với các phạm vi chuyển tiếp, trung gian khác nữa. Đó chính là chức năng cơ bản của văn học so sánh.
Armand Nivelle cho rằng: “Sứ mệnh của nhà văn học so sánh không chỉ ở sự thiết lập một hệ thống các mối quan hệ ảnh hưởng và song hành giữa các sự kiện văn chương dân tộc và nước ngòai mà hơn thế, chính là ở chỗ phát hiện các đặc sắc văn chương dân tộc bên trong một tổng thể văn chương quốc tế”.
Văn học so sánh bổ sung cho sự nghiên cứu văn chương dân tộc và văn chương thế giới, giúp cho nhận thức của loài người đối với hiện tượng này ngày càng chính xác hơn, phong phú hơn và sâu sắc hơn.
5. Các trường phái văn học so sánh
5.1.Trường phái Pháp
Sự hình thành của trường phái Pháp có thể truy ngược lên công trình: Bàn về lịch sử so sánh văn học của J. Texte cuối thế kỷ XIX và công trình: Lịch sử văn học so sánh của F. Loliéc (1903). Trong bài giảng nhan đề Ảnh hưởng của văn học so sánh Đức đối với văn học Pháp từ thời Phục Hưng đến nay và trong luận văn nhan đề:J. Giắc Rútxô và cội nguồn của chủ nghĩa thế giới trong văn học, đã cung cấp những mẫu mực cho việc hình thành trường phái Pháp – đánh dấu cho sự hình thành của trường phái này lại là các công trình của F. Baldensperger và P. Van Tieghem. Các tác giả này bắt đầu hoạt động từ những năm 20-30 của thế kỷ XX và đặt nền móng cho lý luận và thực tiễn cho trường phái Pháp.
Trụ cột của trường phái Pháp là P. Van Tieghem (1871-1948), J. M. Carré (1887-1958), M. F. Guyard (1921-). Các tác giả này đề xướng việc “nghiên cứu ảnh hưởng”. Van Tieghem trong công trình: Bàn về văn học so sánh (1931) cho rằng văn học so sánh là một phân ngành của văn học sử, có nhiệm vụ khám phá nguồn gốc ảnh hưởng của một tác phẩm cũng như ảnh hưởng của nó đối với sáng tác sau đó. Như vậy văn học so sánh là sự mở rộng kết quả của các văn học sử, liên kết các kết quả văn học sử này lại để tạo thành một lĩnh vực độc lập, có tác dụng “bổ sung cho văn học sử dân tộc”. Văn học so sánh phải nghiên cứu ba yếu tố: người cung cấp, người tiếp nhận, người truyền bá.
Cho đến nay chỗ mạnh của trường phái Pháp là khai phá tư liệu, tìm tòi nhiều con đường nghiên cứu ảnh hưởng. Trong công trình Văn học so sánh là gì? của ba tác giả P. Brunel, Ch. Pichois, A. Rousseau (Paris 1983) vẫn rất coi trọng các phương diện thuộc “môi giới”, có vai trò đem tác phẩm, tư tưởng thuộc một nước này đến cho một nước khác. Sự vận dụng các môi giới trong thực tế là một hiện tượng lịch sử. Chẳng hạn ngôn ngữ giao tiếp như một môi giới phụ thuộc vào chính ngôn ngữ, đặc tính ngôn ngữ và quan hệ cụ thể của các nước và khu vực. Hoạt động du lịch cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử. Đối với châu Âu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX là thời đại hoàng kim của du lịch và Paris luôn đóng vai trò thủ đô của Châu Âu. Người Anh thượng lưu thế kỷ XVIII cho rằng nếu chưa đi du lịch Pháp, Thụy Sĩ, Italia mấy tháng thì chưa coi là người có lịch lãm… Cái sự thực ấy góp phần thuyết minh cho quan hệ giao lưu quốc tế và ảnh hưởng lẫn nhau trong văn học.
5.2 Trường phái Mỹ
Trường phái Mỹ xuất hiện với các tên tuổi như René Wellek, Harry Levin, H. Remak, A. Warren, H. J. Clements, … Họ xuất hiện với tư cách là người phê phán trường phái Pháp, đổi mới phương hướng nghiên cứu Văn học so sánh.
Wellek trong bài luận nẩy lửa: Cơn khủng hoảng của Văn học so sánh (1958) đã chỉ trích các nhà văn học so sánh Pháp là:
- Không xác định được đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu.
- Giới hạn một cách máy móc Văn học so sánh trong vấn đề cội nguồn và ảnh hưởng, như vậy biến Văn học so sánh thành một nhánh nghiên cứu phụ.
- Đặc biệt nghiêm trọng là biến việc nghiên cứu so sánh thành công cụ phục vụ cho chủ nghĩa sô vanh hẹp hòi, cho chủ nghĩa khuếch trương văn hóa dân tộc.
Nếu như các nhà nghiên cứu Mỹ khá nhất trí trong việc phê bình các nhược điểm của trường phái Pháp, thì về mặt xây dựng lý thuyết của văn học so sánh họ lại khó tìm được một quan niệm thống nhất, nhất quán. Cách hiểu và diễn đạt của họ có nhiều điểm khác nhau. Tuy vậy so với trường phái Pháp họ có những điểm chung quan trọng như sau: 1. Chuyển nghiên cứu văn học so sánh từ bên ngoài vào bên trong, chú trọng nghiên cứu tính văn học, đem việc so sánh chất văn học chia làm ba loại: lý thuyết, lịch sử, phê bình văn học. Chủ yếu là so sánh về lý thuyết văn học, lịch sử phát triển văn học, so sánh về sự diễn tiến và nội hàm của phê bình văn học. 2. Chủ trương mở rộng phạm vi nghiên cứu so sánh văn học: một mặt chú ý nghiên cứu so sánh văn học với các loại nghệ thuật, văn học và khoa học xã hội, mặt khác, tiến hành nghiên cứu tương đồng giữa tác phẩm văn học của hai hay nhiều nước mà không có quan hệ ảnh hưởng. 3. Đồng thời đề xướng việc nghiên cứu hàng ngang, đối chiếu song song theo từng vấn đề, như đối chiếu nghiên cứu văn học hai nước trở lên về các mặt thể loại, chủ đề, phương thức biểu hiện…
5.3. Trường phái Nga
So sánh văn học Nga có hẳn một đường lối riêng, có truyền thống lịch sử riêng, có cơ sở lý luận, phương pháp luận và hệ thống thuật ngữ riêng của họ.
Kế thừa di sản văn học so sánh Nga trước 1917 mà đại biểu là A.Veselovsky, Văn học so sánh Nga thời đại Xô viết đi theo con đường của của nghĩa Marx-Lenin trong khoa học xã hội và khoa học văn học. Tính chất đa dân tộc của văn học Xô viết, chủ nghĩa quốc tế trong hệ tư tưởng Xô viết làm cho văn học so sánh sớm trở thành mối quan tâm của các học giả Liên Xô. Tiếp thu với tinh thần chọn lọc và phê phán các thành tựu của văn học so sánh phương Tây, văn học so sánh Xô viết dần dần xác lập quan điểm và phương pháp của mình trên cơ sở triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử với các tên tuổi đầy uy tín như: V.Zhirmunsky, D.Likhatchev, M.Alexeev, I.Anissimov và nhiều người khác. Nổi bật là N.Conrad với tác phẩm: Phương Tây và Phương Đông, biên soạn theo quan điểm văn học so sánh Xô viết. Thành tựu của văn học so sánh Xô viết có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, cho dù hiện nay Liên Xô không còn nữa, song di sản lý luận và phương pháp của nó vẫn đang và sẽ được kế thừa bởi các học giả tiến bộ và trung thực ở Nga và trên toàn thế giới. Có lẽ cống hiến đặc sắc của văn học so sánh Xô viết là học thuyết về văn học so sánh theo loại hình lịch sử, dựa trên triết học nhất nguyên lịch sử mác-xít với học thuyết về các hình thái kinh tế-xã hội, từ đó hình thành khái niệm và quan niệm về các loại hình lịch sử của văn học các dân tộc qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Khái niệm loại hình và loại hình học văn học không phải là sáng tạo riêng của các nhà văn học Xô viết. Học thuyết văn học so sánh theo loại hình lịch sử là một cống hiến lớn cho khoa nghiên cứu văn học mác-xít và cho văn học so sánh quốc tế.
5.4. Các khuynh hướng khác
Bên cạnh các trường phái văn học so sánh hùng hậu nói trên, trong các trung tâm nghiên cứu văn học nhiều nước trên thế giới cũng thể hiện những khuynh hướng nghiên cứu với những định hướng và phương pháp độc đáo.
Hunggari là nước có truyền thống văn học so sánh từ cuối TK XIX và trong năm 1941 và 1962 đã tổ chức những cuộc hội nghị quốc tế về văn học so sánh. Với hoạt động của các nhà khoa học như Istvan Soter, G. M. Vajda, văn học so sánh Hunggari có được một gương mặt rõ nét: nghiên cứu văn học Hunggari trong văn cảnh văn học châu Âu, khám phá cội nguồn châu Âu của văn học Hunggari, đồng thời vận dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp, thay thế nguyên tắc ảnh hưởng bằng nguyên tắc tiếp nhận, làm cho văn học so sánh nước này đứng vào hàng ngũ những nước hàng đầu của ngành nghiên cứu này.
Một số nước khác như Tiệp Khắc, Rumani, Ba Lan… nghiên cứu văn học so sánh cũng có nhiều thành quả, hình thành những tên tuổi có uy tín. Những năm gần đây sau khi khắc phục các hậu quả của thời kỳ cách mạng văn hóa, ngành văn học so sánh Trung Quốc đã hồi sinh. Là những người đi sau, các nhà văn học so sánh Trung Quốc có dịp học tập, vận dụng các phương pháp, quan niệm hiện đại của văn học so sánh, khắc phục các quan niệm cũ, đồng thời họ cũng xác định cho mình một hướng đi riêng. Đó là nghiên cứu so sánh văn học Trung Quốc và phương Tây.
5.5.Văn học so sánh ở Việt Nam
Ở phạm vi Việt Nam, trước kia, bộ môn Văn học so sánh chưa có dịp hình thành và phát triển như là một bộ môn nghiên cứu văn học chính thức. Mặc dù vậy, văn học Việt Nam lại có nhiều thuận lợi và tiềm năng cũng như nguồn đề tài để Văn học so sánh phát triển. Có thể so sánh văn học Trung đại Việt Nam với văn học cổ Trung Quốc, so sánh văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX với văn học Pháp, văn học cách mạng Việt Nam với Văn học xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô… Có thể nói văn học Việt Nam chịu rất nhiều nguồn ảnh hưởng nhưng lại rất đậm đà bản sắc dân tộc, là mảnh đất màu mỡ cho nghiên cứu Văn học so sánh.
Hiện nay, ở Việt Nam, bộ môn Văn học so sánh đã được đưa vào giảng dạy ở bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành văn học. Dựa vào điều này ta cũng thấy được tầm quan trọng của bộ môn này trong công tác nghiên cứu văn học. Song bộ môn này chỉ mới phát triển mạnh về mặt lý thuyết. Văn học so sánh Việt Nam cần có thêm nhiều công trình nghiên cứu những hiện tượng văn học cụ thể. Điều đó mới là thiết thực nhất cho việc khẳng định vị trí của bộ môn này ở Việt Nam.
Văn học so sánh khẳng định vị trí của mình ở Việt Nam hơi muộn. Bước đầu khởi động là hội nghị chuyên đề về Văn học so sánh được tổ chức vào năm 1972 tại Đại học Sư Phạm Hà Nội, với báo cáo của GS. Nguyễn Đức Nam. Từ đó, ngành Văn học so sánh bắt đầu được chú ý và liên tục phát triển cho đến nay. Đã có một số chuyên luận giới thiệu lý thuyết và các công trình nghiên cứu cụ thể về Văn học so sánh xuất hiện trên các báo, nhất là Tạp chí văn học.
6. Một số phương pháp chủ yếu trong Văn học so sánh
Văn học so sánh không phải là một phương pháp mà là một bộ môn cho nên nó có thể được sử dụng nhiều phương pháp. Nhìn chung, mỗi phương pháp đều có thể áp dụng được cho nhiều lĩnh vực. Nhưng trong văn học so sánh, phương pháp có nhiệm vụ giúp nhà nghiên cứu đạt được mục đích đặc thù của mình. Sau đây là một số phương pháp cơ bản trong văn học so sánh:
6.1. Phương pháp thực chứng
Đây là phương pháp thuộc loại lâu đời nhất của văn học so sánh. Vào buổi đầu ra đời của nó, khi văn học so sánh chỉ được coi là khoa học nghiên cứu các mối quan hệ trực tiếp giữa các nền văn học thì phương pháp thực chứng tỏ ra là một phương pháp hữu hiệu. Cách làm của nó là tìm ra những điểm giống nhau giữa các hiện tượng văn học để từ đó rút ra mức độ ảnh hưởng và vay mượn trong văn học.
Phương pháp này thịnh hành ở Pháp những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, đại diện của nó là trường phái lịch sử chủ nghĩa của G.Lanson.
Phương pháp thực chứng lịch sử được sử dụng kết hợp với các phương pháp khác như phương pháp xã hội học hay phương pháp cấu trúc…thì nó sẽ tỏ ra có hiệu quả. Còn nếu tuyệt đối hóa nó thì kết quả nghiên cứu sẽ không đạt tới được chân lý nghệ thuật. Chính vì vậy mà cho đến nay, mặc dù chúng ta đang ở trong thời đại bùng nổ phương pháp, nhưng phương pháp thực chứng cổ điển đôi khi vẫn có giá trị sử dụng, miễn là nó phải được sử dụng đúng lúc, đúng chổ và đúng đối tượng.
6.2. Phương pháp loại hình
Ngày nay, do sự phát triển của văn học so sánh sang lĩnh vực so sánh những hiện tượng văn học tương đồng, do sự chú ngày càng nhiều đến tính khái quát quốc tế của các nền văn học dân tộc nên người ta nói nhiều đến các loại hình văn học và từ đó người ta cũng nói nhiều đến việc áp dụng phương pháp loại hình vào văn học so sánh. Là một phương pháp được xây dựng trên cơ sở của một nguyên tắc về tính cộng đồng của các hiện tượng khác nhau.
Về đại thể, trong nghiên cứu văn học so sánh, phương pháp loại hình có thể có hai phương thức áp dụng:
Dùng phương pháp loại hình để phân loại các hiện tượng văn học, trên cơ sở của việc chứng minh các nhóm hiện tượng giống nhau theo một tiêu chuẩn nào đó.
Từ những đặc điểm chung của một loạt hiện tượng văn học, ta có thể chứng minh cho sự tồn tại của một loại hình văn học nào đó, biện hộ cho quyền tồn tại và hiệu quả thẩm mỹ của nó.
Phương thức áp dụng phương pháp loại hình để phân loại văn học – nghệ thuật đã được sử dụng từ lâu, vì việc phân loại văn học – nghệ thuật là một trong những công việc chủ yếu của các nhà mỹ học. Một loạt các nhà mỹ học kể từ Hegel cho đến nay đã tiến hành công việc này một cách có ý thức.
Sang thế kỷ XX, phương pháp nghiên cứu loại hình ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu văn học nói chung và trong văn học so sánh nói riêng. Và đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian nó đã tỏ ra rất có hiệu quả. Ở đây, người ta có thể kết hợp phương pháp loại hình với các phương pháp “cận cảnh” khác, ví dụ như với phương pháp cấu trúc, có thể gọi là “loại hình học về cấu trúc tự sự”.
Phương pháp này được bắt đầu bằng công trình “hình phái học truyện cổ tích” của nhà nghiên cứu văn học dân gian nổi tiếng người Nga Vladimir Propp, sau đó được kế tục bởi Paul Ginestier, Stith Thompson …Các nhà nghiên cứu này đã rút gọn những yếu tố khả biến thành những yếu tố bất biến nhằm mục đích rút ra được số lượng hạn chế các thông số cho phép phát hiện những hiện tượng đồng hình giữa các tác phẩm tự sự có cấu trúc tưởng như khác biệt nhau, các thông số này cho phép thiết lập những mối liên hệ thao tác nhất định giữa các cấp độ tổ chức khác nhau của một tác phẩm tự sự. Chúng được coi là những yếu tố qui chiếu. Và ở mỗi nhà nghiên cứu thì loại hình cấu trúc lại mang một ý nghĩa khác nhau.
Nhìn chung các công trình nghiên cứu loại hình cấu trúc tự sự có thể được chia làm hai loại: Loại công trình có ý nghĩa mô tả. Và loại công trình có ý nghĩa đề dẫn.
Như vậy, có thể nói phương thức thứ nhất khi nghiên cứu văn học so sánh bằng phương pháp loại hình là một phương pháp rất phổ biến. Tuy vậy, phương thức thứ hai cũng không phải là ít được sử dụng. Người ta có thể nghiên cứu bổ dọc sự phát triển của một vấn đề, của một loại hình văn học cụ thể nào đó.
Phương pháp loại hình không phải là của riêng một lĩnh vực chuyên biệt nào, mà chúng ta có thể sử dụng nó một cách thành công ở những trường hợp khác nhau, miễn là chúng ta không tuyệt đối hóa nó và tiến hành trên cơ sở khoa học đúng đắn.
6.3. Phương pháp cấu trúc.
Đối với phương pháp cấu trúc cũng vậy, chúng ta có thể áp dụng nó như là một công cụ hành động chứ không phải như là một nguyên tắc chỉ đạo về mặt triết học. Việc áp dụng phương pháp cấu trúc gần đây trong giới nghiên cứu macxit được coi như một sự sửa sai cho cái khuyết điểm đã sinh ra từ quan điểm coi trọng nội dung và coi nhẹ hình thức. Ở đây chúng ta cần lưu ý mấy điểm sau:
Khái niệm cấu trúc chỉ mô tả tác phẩm như là một bộ khung, chỉ bao gồm những mối quan hệ chủ yếu chứ không bao gồm tất cả mọi mối quan hệ tương tác nội tại của tác phẩm. Nhưng chính vì thế mà cấu trúc không chỉ bao hàm ý nghĩa cá thể, mà nó còn mang nghĩa tổng thể, đó là khi ta phân tích cấu trúc của một loại hình, một thể loại…Do đó, chúng ta có thể nói tới một tính cao cấpcủa cấu trúc so với hình thức, nói tới sự tồn tại của một cấu trúc tổng thể và thống nhất bao hàm những yếu tố của nhiều hình thức khác nhau. Mặt khác, cấu trúc không quyết định hoàn toàn giá trị nghệ thuật của tác phẩm, thậm chí những cấu trúc gioongd nhau có thể có những giá trị khác nhau. Bởi vì không chỉ có cấu trúc của tác phẩm là cái quyết định giá trị, mà ngoài nó ra còn có các yếu tố khác nữa, những yếu tố có khả năng làm cho bộ khung của tác phẩm có hồn sống. Đây là hạn chế của phương pháp phân tích cấu trúc. Do đó phải nói rằng, phương pháp phân tích cấu trúc có giá trị là một phương pháp cận cảnh cụ thể nhằm đạt tới những kết quả chính xác về kết cấu của tác phẩm chứ không cho ta những giả pháp xác đáng về giá trị của tác phẩm. Tức là nó chỉ có ý nghĩa là một phương pháp cục bộ.
Trong văn học so sánh, người ta có thể kết hợp phương pháp phân tích cấu trúc với phương pháp khác, như phương pháp xã hội học chẳng hạn, để nghiên cứu các hiện tượng văn học quốc tế, đặc biệt là nghiên cứu các thể loại văn học, ví dụ như nghiên cứu cấu trúc tiểu thuyết, cấu trúc truyện ngắn, cấu trúc kịch, thơ…
6.4. Phương pháp ký hiệu học.
Với tư cách là một phương pháp cụ thể gần gũi với phương pháp cấu trúc, phương pháp kí hiệu học cũng là một phương pháp nghiên cứu cận cảnh có thể áp dụng một cách hữu hiệu cho văn học so sánh.
Như người ta có thể nghiên cứu so sánh các kí hiệu ngữ nghĩa của các nhà thơ để góp phần củng cố thêm cho một kết luận đã được rút ra từ các phuwong pháp khác. Hoặc có người dùng phương pháp kí hiệu học để nghiên cứu độ dư của từ(từ láy…). Ngoài ra tiềm năng của kí hiệu học rất lớn và nó cũng thường được áp dụng với phương pháp cấu trúc. Người ta thường dùng nó để phân tích hình thức tác phẩm nhằm rút ra những nét đặc thù có tính cách tân về hình thức nghệ thuật.
6.5. Phương pháp hệ thống.
Đây là một phương pháp vừa mang tính vi mô lẫn vĩ mô. Có thể coi một tác phẩm, một thể tài, thể loại, một nền văn học như là những hệ thống. Cho nên phương pháp này cũng dễ bị trùng với phương pháp loại hình.
Tuy nhiên, cái khác nhau cơ bản giũa phương pháp hệ thống với phương pháp loại hình là trong khi phương pháp loại hình chú ý đến quan hệ cộng đồng giá trị thì phương pháp hệ thống lại chú ý đến quan hệ phân cấp và quan hệ nhân quả. Nghĩa là khái niệm hệ thống sẽ chịu sự chi phối của khái niệm quá trình, và khái niệm quá trình sẽ lại chịu sự chi phối của khái niệm mâu thuẩn. Tất nhiên mâu thuẫn ở đây là mâu thuẫn biện chứng.
Trên đây là những nguyên tắc chung của phương pháp hệ thống. Còn trong văn học so sánh, phương pháp hệ thống sẽ chủ yếu được áp dụng ở tầm vĩ mô. Quan hệ nhân quả sẽ chi phối không chỉ ở trong phạm vi một hệ thống, mà nó còn chi phối giữa hệ thống này với hệ thống khác, khi ấy ta có phương pháp nghiên cứu hệ thống trong hệ thống.
Như vậy, có thể gọi phương pháp hệ thống trong văn học so sánh là một phương pháp tổng quan. Nó được sử dụng hổ trợ cho các phương pháp cận cảnh để giúp cho việc tiếp cận chân lý nghệ thuật được tiến hành thuận lợi hơn. Và được sử dụng một cách hiệu quả cho các đề tài mang tính khái quát như thời kì văn học, các trào lưu, chủ nghĩa, trường phái
6.6. Phương pháp xã hội học.
Đây là một phương pháp đã được áp dụng nhiều và cũng đã đạt được những thành công nhất định. Có nhiều xu hướng nghiên cứu theo phương pháp xã hội học: nghien cứu mối quan hệ giữa xã hội với nhà văn, giữa xã hội với tác phẩm, giữa tác phẩm với độc giả. Có thể nói, từ khi xã hội học chú ý đến khâu tiếp nhận văn học, nó đã phát hiện ra nhiều điều lí thú và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích cho lí luận văn học. Trong tinh thần đó, văn học so sánh có thể áp dụng nó để nghiên cứu nhiều vấn đề rất phong phú: sự tiếp nhận một tác phẩm cụ thể qua các thời đại khác nhau và ở những nước khác nhau; vấn đề thị hiếu thẩm mỹ; nhu cầu thẩm mỹ và giao lưu văn hóa-văn học…
Ở đây, xin giới thiệu một quan điểm xã hội học tiếp nhận đã có nhiều đóng góp cho lý thuyết tiếp nhận trên thế giới. Đó là lý thuyết “mỹ học tiếp nhận” của trường phái Konstanz( CH LB Đức).
Người đầu tiên đưa ra được một mô hình hoàn thiện cho mỹ học tiếp nhận là Hans Robert Jauss, giáo sư giảng dạy văn học tại Trường Đại học Tổng hợp Konstanz. Jauss cho rằng văn học sử từ trước đến nay chỉ chú ý khai thác các sự kiện thuộc về khâu sản xuất văn học, nó không theo dõi quãng đường tiếp theo của văn học trong công chúng độc giả. Do đó văn học sử trước đây chỉ làm công việc thống kê các sự kiện có liên quan đến tác giả và tác phẩm, và ngày nay theo Jauss đã đến lúc chúng ta phải có một nền văn học sử của độc giả, để hoàn thiện các khâu của quá trình văn học.
Đặc biệt, Jauss đã đưa ra một luận điểm rất mới xung quanh khái niệm tầm đón nhận. Ông cho rằng nếu chúng ta gọi “khoảng cách thẩm mỹ” là cái khoảng cách giũa tầm đón nhận có trước với tác phẩm mới mà sự đón nhận nó có thể kéo theo một sự thay đổi tầm đón nhận, đi đến chổ gặp gỡ những kinh nghiệm riêng, hoặc làm cho các kinh nghiệm mới được biểu hiện lần đầu thâm nhập vào ý thức, cái khoảng cách thẩm mỹ này được đo bằng phản ứng và những phản đoán của giwois phê bình. Cái khoảng cách thẩm mỹ đó có thể trở thành một tiêu chuẩn phân tích lịch sử.
6.7. Phương pháp tâm lý học.
Phương pháp tâm lý học đã được áp dụng nhiều trong nghiên cứu văn học nói chung và văn học so sánh nói riêng. Nó cũng có hai khu vực áp dụng: tâm lý học sáng tác và tâm lý học tiếp nhận.
Tâm lý học sáng tác chủ yếu nghiên cứu nghệ thuật xây dựng tác phẩm về mặt tâm lý, góp phần hỗ trợ cho các phương pháp khác. Trong tinh thần này, phương pháp phân tích tâm lý nhân vật là một phương pháp khá phổ biến.
Tâm lý học tiếp nhận chủ yếu nghiên cứu cơ chế cảm xúc thẩm mỹ của độc giả. Áp dụng trong văn học so sánh, phương pháp tâm lý có thể dùng để nghiên cứu so sánh nghệ thuật xây dựng tác phẩm và cơ chế cảm xúc thẩm mỹ của độc giả đối với các hiện tượng văn học.
Tuy nhiên, phương pháp tâm lý sẽ trở nên hữu hiệu hơn cả khi nó được sử dụng kết hợp với các phương pháp khác.
Tài liệu tham khảo:
1.Trần Đình Sử, Các trường phái văn học so sánh, nguồn: Tonvinhvanhoadoc.vn
2. Phan Minh Thùy, Nguyên lí văn học so sánh
3.Cao Thị Hồng, Văn học so sánh ở Việt Nam từ 1986 đến nay, nguồn:vannghequandoi.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét