Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

ĐẶC ĐIỂM LOẠI HÌNH CỦA VĂN HỌC TRUNG ĐẠI. VÀ CÁC KIỂU QUAN HỆ CỦA LOẠI HÌNH TRUNG ĐẠI


Võ Thị Hiền
Lê Thị Kim Hoa

I. ĐẶC ĐIỂM LOẠI HÌNH CỦA VĂN HỌC TRUNG ĐẠI

Loại hình văn học trung đại được bắt đầu nghiên cứu từ những năm sáu mươi, và đến nay có thể bước đầu hình dung được đại thể những nét cơ bản được lặp đi lặp lại qua nhiều nền văn học trung đại. Sau đây là những đặc điểm chung của loại hình văn học Trung đại Việt Nam:

1.Văn học trung đại với tư cách là một kiểu (loại) văn học 

Thể hiện ở cách hiểu rất rộng đối với khái niệm “văn học”. Văn học viết trung đại bao gồm các thể loại hành chức, tức là những chức năng đặc thù ngoài văn học, thường là chức năng tôn giáo, nghi lễ hay công vụ. Tên gọi các thể loại thường là tên của chức năng mà nó thực hiện, như cáo, biểu, tế, điếu, lệnh, ký,…Trong hệ thống văn học này vị trí hàng đầu hay trung tâm, tối cao lại thuộc về các thể loại thuần túy “hành chức” như kinh, lịch sử, tác phẩm của các thánh hiền, các tông đồ. Còn các loại nhiều chất văn nghệ, thẩm mỹ, ít tính “hành chức” thì nằm ngòa rìa và không được các nhà lý luận quan phương của hệ thống văn học này thừa nhận. Sau này khi chuyển sang nền văn học hiện đại đã có một bước ngoặt ngược lại: các thể loại trung tâm chuyển ra ngoài rìa, còn các thể loại ngoài rìa lại vào trung tâm.

2. Tính song ngữ trong các thể loại văn học trung đại

Thời trung đại do bị bắt buộc, tiếng Việt chịu ảnh hưởng sâu rộng của tiếng Hán, chữ Hán, văn hóa Hán. Tiếng Hán “trở thành một thứ tiếng nằm trong quỹ đạo của quy luật âm và ngữ âm lịch sử tiếng Việt và văn học chữ Hán của các nhà văn Việt Nam là một bộ phận của văn học Việt Nam”[42]. Hai thứ tiếng, hai bộ phận văn học đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội. tình hình đó tạo nên hiện tượng song ngữ trong văn học. tính song ngữ tạo thành đặc điểm văn học của nhiều thành phần và không chỉ thể hiện trong dòng văn học chữ Hán và Nôm tách biệt, mà còn thể hiện ở sự xâm nhập, pha trộn của văn học Hán và Nôm.

Đồng thời do ý thức hệ trong việc sử dụng ngôn ngữ nên ngôn ngữ được chia thành hai loại: ngôn ngữ cao nhã và ngôn ngữ tầm thường. cũng chính vì thế mà văn học chia thành loại cao nhã, cao thượng với văn học “nôm na”, thông tục mà loại sau nhiều khi không được thừa nhận từ phía học giả quan phương.

3. Văn học trung đại chịu sự chi phối mạnh mẽ của tư tưởng kinh điển, tôn giáo.

Tư tưởng kinh điển và tôn giáo đã cung cấp càm hứng, đề tài, chủ đề và gợi ý các thể loại văn học trung đại. các tôn giáo và học thuyết phật, Nho, Đạo đã ảnh hưởng và tạo nên những nét đặc thù trong quan niệm của người trung đại về bản chất vũ trụ, không gian và thời gian, thiên nhiên, con người. Tư tưởng tôn giáo và kinh điển còn đem lại hệ quả quan trọng như: phân biệt văn học linh thiêng và phàm tục; hạn chế sự biểu hiện cá nhân và ý thức cá nhân; mặt khác đem đến việc đề cao nội dung đạo đức và tính chất giáo huấn, văn học có mối quan hệ trực tiếp với tư tưởng. những quan điểm này có quan hệ đến việc hình thành những đặc trưng về nội dung và hình thức nghệ thuật của văn chương trung đại. vì vậy muốn lí giải những vấn đề thuộc về bản chất của văn chương, cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương thời trung đại tất yếu phải dựa trên những quan niệm nghệ thuật đặc thù về thế giới con người thời trung đại. chẳng hạn, khi tìm hiểu các truyện trong “ Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, chúng ta phải thấy được các truyện được viết chịu ảnh hưởng của quan điểm Nho giáo và Phật giáo, Thuyết “nhân quả” của đạo Phật ảnh hưởng khá rõ trong các kết thúc câu chuyện.

4. Văn học trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian

Văn học viết Việt Nam hay bất kỳ một nền văn học dân tộc nào khác đều phát triển trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của văn học dân gian. Mối quan hệ giữa văn học viết trung đại Việt Nam và văn học dân gian biểu hiện ở chỗ: văn học viết tiếp thu văn học dân gian từ đề tài, thi liệu, ngôn ngữ, quan niệm thẩm mĩ ở khía cạnh ngôn ngữ và thể loại. trong quá trình phát triển hai thể loại luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung lẫn nhau để cùng phát triển. Văn học dân gian là nền tảng của sự hình thành các thể loại tự sự, các tập văn xuôi chữ Hán, các truyện Nôm và các tập thơ ca của tác giả., chẳng hạn với 22 truyện trong “Lĩnh nam chích quái lục” của Trần Thế Pháp, phần lớn truyện có tính chất truyền thuyết. Nguyễn Dữ trong “Truyền kỳ mạn lục” đã đưa motip truyện dân gian như “lấy vợ kì dị”. “gặp gỡ người chết”, “xuống thủy cung”… để tạo ra câu chuyện mới. “Đại Việt sử kí toàn thư” của Ngô Sĩ Liên có nhiều tư liệu dân gian để viết chính sửa của nhà nước, nhiều sự tích vốn có của nguồn gốc từ truyền thuyết dân gian như công cuộc xây dựng thành của An Dương Vương với việc thần Kim Quy trừ tinh gà trắng và cho nhà vua lấy nỏ. thời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh với việc “cờ lau tập trận” và việc rồng hiện lên cứu Bộ Lĩnh qua sông…

5. Tính chất ước lệ nổi bật của hình thức biểu hiện

Văn học trung đại Việt Nam thường cảm thụ và diễn tả thế giới thông qua một hệ thống ước lệ phức tạp và nghiêm ngặt.

Đành rằng bản chất của văn học nói chung là có tính chất ước lệ, song tính ước lệ trung đại có một tính chất khác với văn học cổ đại và văn học hiện đại. Đó là tính chất tập cổ, tính quy phạm, tính công thức, sáo ngữ(trình thức), nghi thức, tính trang trí, gắn chặt với tính truyền thống, nệ truyền thống rất nặng nề. Tính tập cổ, mô phỏng các mẫu mực có trước, thích dùng điển là hết sức phổ biến.

II. CÁC KIỂU QUAN HỆ QUA LẠI CỦA CÁC NỀN VĂN HỌC THỜI TRUNG ĐẠI

Việc xác lập loại hình văn học trung đại cho phép xác định được kiểu các mối quan hệ qua lại của các nền văn học trung đại với nhau, những mối quan hệ khác hẳn với các mối quan hệ qua lại của kiểu văn học cổ đại và cận đại. Đây là vấn đề được các nhà nghiên cứu Liên Xô đặt ra và đã có những thành quả.

Trong các nền văn học trung đại người ta phân biệt hai loại văn học: văn học “già” có quá trình phát triển từ cổ đại liên tục và văn học “trẻ” được phát triển bột phát, nhanh, nhờ kinh nghiệm của một nền văn học “già” mà nó có quan hệ trực tiếp. Loại văn học thứ nhất nói chung rất ít, như Ấn Độ, Trung Hoa…Loại thứ hai rất phổ biến. Quan hệ văn học như vậy chủ yếu diễn ra trong nội bộ khu vực và chủ yếu là quan hệ giữa một nền văn hoc “già” với một nền văn học “già” khác, hoặc nền văn học “trẻ” với nền văn học “già”.

Có 6 kiểu loại quan hệ qua lại của loại hình văn học trung đại:

1.Quan hệ của hai nền văn học già như Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng đây là quan hệ một chiều.

Phật giáo và văn học phật giáo đã truyền bá ảnh hưởng sang Trung Quốc từ thời Đông Hán đến Sơ Ngụy. Truyền thông bắt đầu truyền từ đời nhà Lương, đến đời Đường Huệ năng sáng lập Thiền Tông Trung Hoa.

Văn học phật giáo Ấn Độ đã ảnh hưởng tới sáng tác thơ ca, văn học tự sự, thâm nhập vào triết học, nhưng Nho học Trung Quốc, Đạo giáo Trung Quốc không có ảnh hưởng ngược lại đối với Ấn Độ.

2. Mối quan hệ của nền văn học “trẻ”, đối với nền văn học “già” lại diễn ra một cách khác.

Likhachop đã nói đến quan hệ dịch chuyển, cấy ghép văn hóa Bidantin trên mảnh đất Xlavo. Đó là sự chuyển dịch cả một hệ thống văn học sang mảnh đất mới, hoạt động trong điều kiện mới và nhiều khi trong hình thức mới. Điều thay đổi duy nhất là chuyển từ tiếng Hi Lạp sang tiếng Xlavo đối với văn học Bungari và văn học Nga cổ. Một hình thức cấy ghép khác là chuyển cả một hệ thống ngôn ngữ và thể loại văn học sang môi trường mới mà không cần phiên dịch. Trường hợp này xảy ra với văn học Triều Tiên và Việt Nam, Nhật Bản và được dân tộc hóa theo hoàn cảnh mỗi nước.

3. Ở văn học Triều Tiên và Việt Nam, bên cạnh việc di thực hệ thống thể loại Hán văn bằng Hán văn, còn có việc di thực hệ thống thể loại ấy bằng tiếng dân tộc.

Ở Việt Nam xuất hiện thơ Nôm, phú Nôm, văn tế Nôm, hịch Nôm; khi chuyển sang tiếng Nôm thể loại vừa giữ nguyên, vừa có thay đổi hình thức (ví dụ luật thi pha lục ngôn của Nguyễn Trãi, Ngyễn Bỉnh Khiêm), thay đổi chức năng, nội dung như phú về ẩn cư, phú sinh hoạt. Ở kiểu di thực này hệ thống thể loại ngoại lai lại chịu ảnh hưởng của văn học dân gian: sử dụng tục ngữ, thành ngữ. Sự chuyển dịch thể loại văn nghệ cũng diễn ra, chẳng hạn “Tiễn đăng tân thoại” của Cù Hựu đối với “Kim ngao tân thoại” của Kim Thời Tập (1434-1493) của Triều Tiên “Ngự già tỳ tử” của Asai Ryoi (1611-1690) của Nhật Bản và “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI) của Việt Nam. Sự chuyển dịch thể loại đi đôi với biến đổi nội dung và bố cục.

4. Kiểu quan hệ ảnh hưởng gián cách

Văn học có truyền thống lâu đời tác động đến một nền văn học khác thông qua một nước trung gian. Có thể nói tới ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ vào Việt Nam thông qua Chăm pa và Trung Quốc.

5. Kiểu quan hệ chiều sâu thuộc cơ tầng văn hóa giữa các nền văn học trung đại cũng là một nhân tố quan trọng.

Về mặt này văn học Việt Nam có quan hệ mật thiết với các nền văn hóa Đông Nam Á. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, Việt Nam có mối liên hệ với văn hóa nguyên thủy của vùng như gió mùa, trồng lúa nước.

Có mối quan hệ cơ tầng nằm sâu trong ngôn ngữ. Mối quan hệ tiếng Việt với ngôn ngữ Đông Nam Á, Nam Đảo đã được giới khoa học khẳng định. Mối quan hệ tiếng Việt với tiếng Hán cũng rất sâu sắc, lâu dài trong việc biến tiếng Việt thành đơn tiết tính và thanh điệu tính.

6. Có mối liên hệ hoàn nguyên, kết hợp ảnh hưởng văn hóa cơ tầng và ảnh hưởng văn hóa viết.

Các nhà nghiên cứu văn hóa Bách Việt Trung Hoa thống kê cho biết: trong một số thư tịch cổ Trung Hoa, cấu trúc danh xưng tiếng Việt và cấu trúc danh xưng tiếng Hán dùng song song. Chẳng hạn, cấu trúc danh xưng tiếng Việt như Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Đan Chu, Đế Giang…Thần Nông, Thần Vu Nhi, Thần Thiên Ngu, Thần Giang Nghi, Thần Anh Chiêu…Tướng Khanh, Tướng Do, Tướng Thổ…Hậu Nghệ, Hậu Tắc, Hậu Khải…

Những kiểu quan hệ trên đây chưa phải là đã đầy đủ nhưng trên nét lớn giúp chúng ta hình dung môi trường văn hóa hình thành các nền văn học trung đại.

Từ các mối quan hệ trên đây có thể đi đến việc xác định tính chất của kiểu văn học trung đại Việt Nam thuộc vào phạm vi ảnh hưởng của hai nền văn học và văn hóa lớn: Văn học chữ Hán và văn hóa Đông Nam Á. Sự hòa trộn này tạo thành diện mạo độc đáo của văn học Việt Nam, làm cho nó vừa khác văn học Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Vừ khác với Văn học các nước Đông Nam Á.


Tài liệu tham khảo

1. Trần Đình Sử (2005, tái bản), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội.

2. Tham khảo bài viết trên Internet.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét