Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

ẢNH HƯỞNG CỦA THƠ CA PHƯƠNG TÂY TRONG BÀI THƠ VỘI VÀNG (XUÂN DIỆU)


Hà Thị Hoài Phương
Nguyễn Thị Loan Phụng

Xuân Diệu là một trong ba đỉnh cao của thơ Mới. Tiếng thơ Xuân Diệu là tiếng thơ của trái tim lớn, một nguồn tình cảm yêu đời, yêu cuộc sống trần thế thiết tha, luôn khát khao giao cảm với người, với đời. Cội nguồn của hồn thơ đó ngoài cá tính tự nhiên của nhà thơ còn bởi những hoàn cảnh riêng và chung chi phối. “Cha Đàng ngoài, mẹ ở Đàng trong” nên lúc nào Xuân Diệu cũng khao khát được yêu thương. Thêm nữa vẻ đẹp của những miền đất: Quy Nhơn (quê mẹ), xứ Huế mộng mơ và đất Thăng Long ngàn năm văn vật (nơi nhà thơ theo học) đã sớm khơi dậy ở Xuân Diệu một tình yêu đời say đắm. Là một trí thức Tây học, như hầu hết các nhà thơ Mới, Xuân Diệu chịu ảnh hưởng sâu sắc văn học phương Tây, điều đó được thể hiện đậm nét trong sáng tác của ông trước Cách mạng tháng Tám.

“Vội vàng” được xem là bài tiêu biểu nhất cho phong cách thơ Xuân Diệu ở thời kì này. Bài thơ kết tinh tài năng, cá tính sáng tạo của hồn thơ Xuân Diệu. Sinh thời, khi được hỏi về những bài thơ hay và tiêu biểu của mình, Xuân Diệu nói: “Nếu hay, phải kể đến Nguyệt cầm, Đây mùa thu tới, còn tiêu biểu thì phải là bài Vội vàng”. “Vội vàng” là thi phẩm rất Xuân Diệu. Xuân Diệu ở cặp mắt nhìn đời, nhìn cuôc sống “xanh non, biếc rờn”, ở nhịp đập gấp gáp của một trái tim yêu đời cháy bỏng, ở niềm khát khao tận hưởng cuộc sống đến độ cuồng si, ở nhịp thơ hăm hở, cuống quýt và những hình ảnh táo bạo đầy cảm giác, đậm chất Tây phương. Sự ảnh hưởng chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng trong thơ ca phương Tây đã đem đến cho thơ Mới nói chung, thơ Xuân Diệu nói riêng, đặc biệt là bài thơ “Vội vàng” một tinh thần, diện mạo và hơi thở hoàn toàn mới. 

1. Ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn:

Ở cái Tôi trữ tình giàu cảm xúc:

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất, mang đậm dấu ấn riêng của chủ 
nghĩa lãng mạn chính là việc đề cao chủ nghĩa cá nhân, đề cao cái “tôi” rất riêng 
của nhà thơ thay vì cái “ta” chung trong chủ nghĩa cổ điển. Lần đầu tiên, những ý 
thức cá nhân, những quan điểm, khuynh hướng thẩm mỹ, xúc cảm, con mắt cá nhân được đề cao và được coi như là trung tâm của văn chương. Nghệ sĩ mạnh dạn bày tỏ hình ảnh của chính mình, đưa một cái “Tôi” nhân vật rất đậm nét vào trong văn chương.

- Sự ra đời của cái Tôi cá thể là sản phẩm của chủ nghĩa lãng mạn, nó khẳng định và đề cao tiếng nói riêng tư, coi trọng cảm giác, cảm nhận chủ quan của con người. Cái Tôi là cá nhân tự ý thức, là bản ngã đòi khẳng định. Bài thơ Vội vàng bộc lộ một cái Tôi yêu đời và ham sống đến mãnh liệt của Xuân Diệu. Thiên nhiên và sự sống trong bài thơ chẳng khác gì một mảnh vườn tình ái dìu bước nhà thơ đi trong mê ly. Niềm hân hoan và sự say đắm của cái Tôi được thể hiện qua nhịp thơ hối hả, thủ pháp liệt kê, qua cách dùng từ độc đáo, mới mẻ: 

Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất 
Của yến anh này đây khúc tình si...”

- Cái Tôi ấy ý thức cao về sự sống: Sống là tận hưởng mọi vẻ đẹp ở thời điểm hương sắc nhất. Sống là trân trọng từng giây phút, đặc biệt là mùa xuân và tuổi trẻ. Điều này xuất phát từ quan niệm thời gian tuyến tính và thái độ trân trọng tinh túy, chất lượng cuộc sống. Thiên nhiên chỉ đẹp nhất giữa mùa xuân và đời người đẹp nhất là tuổi trẻ. Không thể giữ mãi mùa xuân và tuổi trẻ nên Xuân Diệu đã cuống quýt, đã vội vàng, giục giã: 

Mau đi thôi, mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn 
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu...” 

Sự vồ vập, cuồng nhiệt với sự sống trong những câu thơ cuối bài không chỉ bộc lộ lòng yêu đời, ham sống đến ngất ngư mà còn thể hiện một nhân sinh quan tích cực của Xuân Diệu: Sống một cách mãnh liệt, yêu cuộc đời một cách nồng say. Hầu hết các nhà thơ Mới đều chán ghét thực tại, muốn thoát lên tiên, phiêu lưu trong trường tình, muốn quay về quá khứ tìm vẻ đẹp vàng son đã mất..., chỉ Xuân Diệu là “không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần / Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất”. Chính vì lẽ đó mà dù tiếp thu chủ nghĩa lãng mạn của thơ ca phương Tây, cái Tôi của Xuân Diệu vẫn mang nét đặc trưng riêng, không nhầm lẫn với các nhà thơ Mới. 

Ở sự cách tân ngôn từ, thi phá:

- Hình ảnh thơ tân kì, giàu mĩ cảm: “ong bướm”, “hoa” “đồng nội xanh rì”, “cành tơ phơ phất”, “yến anh”,”ánh sáng chớp hàng mi”,”thần Vui hằng gõ cửa”..Những hình ảnh ấy được sử với mật độ dày tạo nên một thế giới đầy màu sắc, ánh sáng rộn ràng tươi mới. Cuộc đời thực nơi trần thế bỗng trở nên non xanh, mơn mởn đầy sức sống, sinh động và vô cùng quyến rũ.Có những hình ảnh bất ngờ thú vị, chưa từng có trong thơ ca cổ điển: “tắt nắng đi”, “buộc gió lại” “riết mây đưa và gió lượn”, “say cánh bướm với tình yêu”,”thâu trong một cái hôn nhiều”... Những hình ảnh vận động đầy mạnh mẽ khi được ghép cặp với các động từ “buộc”, “riết”,”say”,”thâu”... khiến cho hình tượng thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu đầy tính nhục thể.

- Thi pháp mới lạ, phá cách: Tha thiết với mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu, Xuân Diệu đã đi đến một cách tân đáng kể về thi pháp. Nếu thơ văn xưa, coi tự nhiên là chuẩn mực của cái đẹp thì giờ Xuân Diệu đảo ngược lại: đối với ông, không gì hoàn mĩ bằng con người, nhất là phụ nữ giữa tuổi xuân. Một quan điểm thẩm mĩ như vậy đã tạo nên trong thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu những hình tượng giàu sức sống và đầy “xuân tình xuân sắc”. Vẻ đẹp thiên nhiên được quy chiếu về vẻ đẹp của con người nên thiên nhiên luôn yêu kiều, duyên dáng. Mạch triết luận đan xen với mạch trữ tình khiến bài thơ vừa mang tính luận giải, vừa phô diễn cảm xúc nồng say

- Nghệ thuật điệp được khai thác tối đa, trở thành nét đặc sắc của bài thơ.

Từ điệp từ: 

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Điệp cụm từ:

Chẳng bao giờ,ôi! Chẳng bao giờ nữa..

Đến điệp cấu trúc một câu: 

Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất

Điệp cấu trúc hai câu một:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại 
Cho hương đừng bay đi

Tất cả cùng cộng hưởng tạo nên một thế giới nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn cái tôi chủ quan của cá nhân thi sĩ, xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới. 

2. Ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng:

Sự ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong thơ Xuân Diệu phải kể đến chủ nghĩa tượng trưng của thơ ca lãng mạn Pháp thế kỉ XIX mà đại biểu là Bôđơle, Lamactin...

2.1. Sự tương giao giữa các giác quan:

Các nhà thơ tượng trưng rất chú trọng đến quan niệm tương ứng các giác quan. Quan niệm này đã trở thành một nguyên tắc thẩm mỹ trong sáng tạo thơ ca của chủ nghĩa tượng trưng. Valery đưa ra một định nghĩa về thơ gắn với nguyên tắc tương hợp: “Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa”. Verlaine quan niệm thơ như một bản nhạc mong manh, hư ảo, huyền hồ. Rimbaud lại cho rằng, người nghệ sĩ phải đến với thơ ca bằng con đường thấu thị của một kẻ có thiên nhãn: “Thi sĩ phải làm cho mình thành người có thiên nhãn bằng sự rối loạn lâu dài, rộng khắp và có sự suy tính tất cả các giác quan,…bởi lẽ các giác quan gắn bó ta với thực tại, trở thành tấm màn chắn ngăn ta chẳng thấy được gì xa hơn…Nhà thơ có thiên nhãn cần tìm cho mình một ngôn ngữ thích hợp. Ngôn ngữ này sẽ là của tâm hồn nói với tâm hồn, thâu tóm tất cả mùi hương, âm thanh, màu sắc của tư duy bám riết lấy tư duy và lôi kéo…”. Với quan niệm này, Rimbaud để “sự buông thả vô độ cho các giác quan”, giúp cho nhà thơ nhìn thấu suốt mọi tâm hồn và sự vật. Rất nhiều nhà thơ Mới chịu ảnh hưởng những quan niệm đó của chủ nghĩa tượng trưng. Tuy nhiên, TS. Trần Huyền Sâm phát hiện: “Mỗi nhà thơ ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng ở mỗi phương diện khác nhau, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của mình. Và ngay trong mỗi nhà thơ, tính chất lãng mạn và tượng trưng luôn giao thoa cùng nhau. Xuân Diệu tìm thấy ở chủ nghĩa tượng trưng một bản nhạc huyền diệu giữa ánh sáng, hương thơm và màu sắc. Vũ Hoàng Chương và Bích Khê tìm thấy một thế giới âm nhạc mênh mông, hư ảo. Hàn Mạc Tử tìm trong thế giới vô thức, siêu thực, bí ẩn” . 

Soi vào bài thơ “Vội vàng”, có thể thấy, bài thơ là một bản hợp tấu của hương thơm và mật ngọt, đường nét và màu sắc, âm thanh và ánh sáng. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân được miêu tả như một bữa tiệc trần gian, một thiên đường trên mặt đất, tất cả đang tràn ngập xuân tình, lên men, dậy hương, gọi mời, quyến rũ: 

Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si 
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

Nhìn thiên nhiên bằng cặp mắt luyến ái nên Xuân Diệu đã hưởng thụ thiên nhiên như hưởng thụ ái tình. Vẻ đẹp của thiên nhiên được quy về vẻ đẹp tình ái nên ngọt ngào mê ly khó cưỡng. Hương hoa trở thành tuần tháng mật, tiếng chim ca trở thành khúc tình si, ánh mặt trời tựa rèm mi người thiếu nữ, và thời gian mùa xuân gợi niềm khát khao chiếm hữu như “một cặp môi gần”. Tất cả được nhà thơ cảm thấy, nghe thấy, nhìn thấy, nếm thấy…chứng tỏ một khả năng cảm nhận với sự hòa điệu của các giác quan tương ứng. Hồn thơ thi nhân như một cung đàn đã lên đúng tông độ chỉ cần một làn gió thoảng qua, một mùi hương đưa lại hay một rung động khẽ khàng cũng khiến nó ngân lên những giai điệu giao hòa.

Cả trong sự phai tàn của cảnh vật trong dòng trôi của thời gian, Xuân Diệu cũng có những khám phá vô cùng mới mẻ: 

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi. 

Là người đã tiếp thu ở mức nhuần nhuyễn phép tương giao của lối thơ tượng trưng, Xuân Diệu đã phát huy triệt để sự tương giao về cảm giác để cảm nhận và mô tả thế giới. Thời gian được cảm nhận bằng khứu giác “mùi tháng năm”, bằng cả thị giác “rớm” và nhất là vị giác “vị chia phôi”. Thời gian là đại lượng phi vật chất nhưng lại được cảm nhận đầy tính vật chất. 

Đặc biệt, trong sự tận hưởng thiên nhiên, phép tương giao của thơ tượng trưng đã phát huy tối đa sức mạnh để biểu đạt sự vồ vập, cuồng nhiệt của Xuân Diệu. 

Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều...
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !

Niềm khát khao đến tuyệt đích vô biên, lòng yêu đời và ham sống bồng bột mà nồng nàn, sôi nổi được diễn tả bằng những động thái hưởng thụ tham lam “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn”...Hòa vào dòng cảm xúc dạt dào của thi phẩm, người đọc đã bắt gặp một thứ tuyên ngôn bằng thơ được nói qua cảm giác: Sống là phải tận hiến và tận hưởng, đời người ngắn ngủi nên phải chạy đua với thời gian, sống “huy hoàng”trong mỗi phút giây.

2.2. Tính nhạc:

- Tính nhạc được tạo nên từ cách ngắt nhịp “Thơ là một dạng lời nói có hệ thống ngữ điệu đặc biệt”(Timofeep). Và Xuân Diệu “đã phổ vào thơ lãng mạn Việt nam những giai điệu tân kì đến mê ly”,”họ gọi thơ ông là một thứ âm điệu cực kì du dương”,”một sự tuyệt tác của nhạc cảm”,”một nhạc điệu điếng hồn”. Ông sử dụng linh hoạt các cách ngắt nhịp và liên tục thay đổi cách ngắt nhịp, khi dồn dập gấp gáp hối thúc, khi chậm rãi ngẩn ngơ, tiếc nuối. 

Nói làm chi/rằng xuân vẫn tuần hoàn
Khi tuổi trẻ/chẳng hai lần/thắm lại
Còn trời đất/nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng/tôi tiếc cả đất trời...

- Tính nhạc đươc tạo nên từ sự giao thoa, cộng hưởng của những từ ngữ luyến láy xuất hiện với mật độ dày đặc trong toàn bài. 

3.Kết luận:

Như vậy, trong gần mười năm đầu thế kỷ XX (1932-1945), các nhà thơ của phong trào thơ mới đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng của các nhà thơ lãng mạn Pháp, họ đã tìm đến với thơ ca phương Tây và chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ thơ ca Pháp, đặc biệt là Xuân Diệu. Xuân Diệu trước hết đại biểu cho những con người tiếp xúc với văn hóa phương Tây ngay từ nhà trường, làm nên một thứ nhân tố mới hình thành trong xã hội. Ông đã làm một cuộc hôn phối giữa thơ Pháp và thơ dân tộc. Học tập thơ phương Tây, Xuân Diệu không rập khuôn mà đã có những đóng góp rất riêng về ngôn ngữ, cấu trúc làm nên một phong cách Xuân Diệu rất Việt Nam. Và với “ Vội vàng” Xuân Diệu đã mang đến một thi phẩm mang đậm phong cách tân kì của một nhà thơ Mới. Mới từ tư tưởng, quan niệm đến bút pháp thi ca. Phá bỏ mọi hình thức khuôn sáo, khước từ những mực thước cổ điển. “Vội vàng” xứng đáng là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét