Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

SỰ GẶP GỠ HÌNH TƯỢNG NGƯỜI TRÍ THỨC TRONG SÁNG TÁC CỦA NAM CAO VÀ SÊ KHỐP


I. CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.Giao lưu văn hóa Nga- Việt

Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Nga khá mạnh mẽ, tuy mỗi giai đoạn lịch sử có sự tiếp nhận theo những xu hướng khác nhau. Sự giao lưu này diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các hình thức và nội dung đa dạng: văn học, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, giáo dục, đào tạo, xuất bản…

Về văn học thì từ sau Cách mạng tháng Tám, các tác phẩm văn học Nga bắt đầu được giới thiệu rất rộng rãi ở Việt Nam. Chỉ tính riêng từ năm 1945 đến năm 1987 đã có 903 đầu sách văn học Nga và Xôviết được dịch và giới thiệu ở Việt Nam2. Nhờ vậy đông đảo độc giả trong nước đã được thưởng thức các tác phẩm văn học kinh điển Nga, cũng như các kiệt tác văn học của các dân tộc khác trong Liên bang Xôviết. Nhiều đại văn hào và thi hào Nga như L.Tolstoi, Dostoievski, Puskin, Lermontov, Trekhov, Gogol, Solokhov, Paustovski, Sekhov… cũng như các nhà văn người dân tộc: Aimatov, Dumbadze, Gamzatov… đã trở nên quen thuộc với công chúng Việt Nam. Văn học Nga - Xôviết đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu, giúp độc giả Việt Nam cảm nhận và ngưỡng mộ vẻ đẹp của đất nước Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga. Kinh nghiệm của văn học Nga - Xôviết có ảnh hưởng quan trọng đến quan điểm thẩm mỹ và khuynh hướng sáng tác của nhiều nhà văn Việt Nam.

Về phần mình, các tác phẩm văn học Việt Nam cũng được chọn dịch và giới thiệu một cách có hệ thống ở Liên Xô từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước. Hàng trăm cuốn sách tiêu biểu đã được dịch sang tiếng Nga và các thứ tiếng trong Liên bang với số lượng hàng triệu bản. Trong 5 năm từ 1981 đến 1985 Nhà xuất bản Văn học ở Liên Xô đã xây dựng Tủ sách văn học Việt Nam gồm 15 tập với đủ các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ…

Nghiên cứu tiếp nhận văn học, nghiên cứu ảnh hưởng văn học là những xu hướng nghiên cứu không loại trừ nhau trong so sánh văn học. Nếu nghiên cứu tiếp nhận văn học phải chú ý đến hai yếu tố: cái được tiếp nhận và chủ thể tiếp nhận thì nghiên cứu ảnh hưởng cũng phải căn cứ trên tác phẩm có ảnh hưởng và tác phẩm nhận ảnh hưởng. Một số bài nghiên cứu về ảnh hưởng văn học đáng lưu ý ở nước ta như: “Ảnh hưởng văn học Pháp tới văn học Việt Nam trong giai đoạn 1932-1940” (GS Phan Ngọc), “Vichto Huygo và con người Việt Nam hiện đại”, “Những điểm hẹn, những cuộc gặp gỡ” (Phó GS.TS Đặng Anh Đào). Trên thực tế đã có những nhà văn tự nhận mình chịu ảnh hưởng của tác giả này, tác giả khác nhưng cũng không ít nhà văn không thừa nhận hoặc rất ngại nói tới ảnh hưởng, bởi ảnh hưởng văn học không phải là đơn giản. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan rất có lí khi ông cho rằng: “Cùng một nòi giống, cùng một ngôn ngữ, cùng một giáo dục, cùng một văn hóa mà người ta còn không hiểu nhau, vậy không hiểu sao mình chỉ là những kẻ rất xa họ và chỉ mới học mướn lại có thể hiểu đến nơi đến chốn, để…chịu ảnh hưởng. Sự thật ảnh hưởng thơ văn không phải dễ dàng như thế” (Dẫn theo Nguyễn Văn Dân-Những vấn đề lý luận của văn học so sánh, NXB KH-XH, H.1995). Nhà văn Nguyễn Công Hoan phát biểu ông chỉ mới đọc một vài cuốn sách Alphonse Daudet trong khi đó Phan Ngọc khẳng định chắc chắn Nguyễn Công Hoan chịu ảnh hưởng của tác giả này…Phải chăng ngoài ảnh hưởng, tiếp nhận còn có sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa các nhà văn? Một số tác giả lý luận văn học so sánh đã đề xuất nghiên cứu văn học theo mối quan hệ tương đồng, tức là xem xét những hiện tượng văn học giống nhau do cùng trải qua những hoàn cảnh lịch sử như nhau. 

Việc có cách viết giống nhau của các nhà văn Việt Nam và các tác giả văn học phương Tây chủ yếu do sự giao lưu và tiếp nhận. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp trong những điều kiện lịch sử xã hội giống nhau, không trực tiếp chịu ảnh hưởng nhưng vẫn có sự gần gũi nhau đối với một số tác giả, tác phẩm.

Xung quanh việc so sánh Sê-khốp với Nam Cao xuất hiện những ý kiến khác nhau. Gần đây một số nhà nghiên cứu cho rằng Sê-khốp và Nam Cao như hai loại cây khác nhau không thể so sánh.Tất nhiên, sự khác biệt giữa Sê-khốp và Nam Cao là không cần bàn cãi, bởi ngoài phong cách đặc trưng được tạo bởi “cơ địa sáng tác” của mỗi nhà văn, giữa họ còn có sự khác nhau về thời đại, xứ sở, hoàn cảnh sống và môi trường văn hóa. Vả lại, nếu Nam Cao giống Sê-khốp tới độ như hai loại cây cùng loài, cùng thổ nhưỡng, e rằng chúng ta đã không có ông với tư cách một nhà văn dân tộc. Tuy vậy, dù sáng tác của nhà văn có khác nhau như thế nào, theo chúng tôi, việc so sánh họ vẫn có thể, bởi so sánh không chỉ nhằm tìm những tương đồng loại hình, mà còn làm lộ rõ cá tính sáng tạo độc đáo riêng biệt của từng người. Và sự so sánh cũng có nhiều cấp độ.

Từ những lý luận trên, trong một bài viết nhỏ với một thời gian có hạn, chúng tôi tìm hiểu sự gặp gỡ giữa Nam Cao và Sê khốp về hình tượng người trí thức qua một vài tác phẩm tiêu biểu của hai nhà văn.

2. Vị trí của hai tác giả

2.1. Tác giả Sê – khốp

Sê-khốp (1860-1904) nhà soạn kịch, người viết truyện ngắn nổi tiếng người Nga. Thế kỷ XIX A. Sê-khốp được xem là một trong những cây bút truyện ngắn bậc thầy của thế giới.

Hầu hết các cây bút kiệt xuất của thế giới thế kỷ XX (Faulkner, Hemingway, Marquez…) không ai là không tôn sùng và thừa nhận việc học hỏi từ ông. Điều đó chứng tỏ, tính hiện đại và tính luôn mới ở Sê-khốp lớn biết nhường nào. Về phương diện này ta có thể khẳng định, hiếm có cây bút truyện ngắn nào của nhân loại bắt kịp ông.

Sê-khốp là thiên tài trong lĩnh vực nắm bắt và phản ánh thực tại. Chỉ đôi dòng là ông có thể đi sâu vào bản chất sự việc. Văn ông không khoa trương mà bình lặng, đầy suy tư. Ông là bậc thầy trong nghệ thuật khai thác tâm lí, khai thác những rung động tinh tế trong hồn ngưòi. Đọc ông ta ngỡ như chạm phải một cung đàn, tuy khẽ nhưng dư âm của nó vẫn mãi vang vọng, có khi ngân suốt của đời ta.

Sự nghiệp sáng tạo của Sê-khốp rất bền bỉ, đồ sộ về số lượng (ngoài kịch, ông viết hơn 700 truyện ngắn), và rất vĩ đại về chất. Tiếc thay, căn bệnh lao quái ác đã cướp đi tài năng đang ở độ sung sức. Sê-khốp mất ngày 15-7-1904, thọ 44 tuổi.

2.2. Tác giả Nam Cao

Nam Cao, tên thật là Trần Hữu Tri (1917 – 1951). Ông sinh tại làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân , tỉnh Hà Nam ( nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Ông có một vị trí đặc biệt trong văn học Việt Nam giai doạn 1930-1945. Những tác phẩm của Nam Cao phần lớn được sáng tác trước cách mạng, đánh dấu bước phát triển của trào lưu văn học hiện thực phê phán trong một thời kì tưởng chừng như bế tắc. Nam Cao bước vào văn đàn khi trên văn đàn đã có nhiều nhà văn đàn anh nổi tiếng : Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng…Nhưng tên tuổi của Nam Cao không bị lu mờ, trái lại, ông trở thành nhà văn nổi tiếng, là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Có được thành công này là vì Nam Cao đã không giẫm lên lối mòn của những người đi trước trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm của Nam Cao đã phản ánh cuộc sống ngột ngạt, đen tối của xã hội Việt Nam, nhất là cuộc sống của những người nông dân, những người tri thức vào những năm 1940-1945.

Một số tác phẩm tiêu biểu : Chí Phèo, Sống Mòn, Trăng sáng, Đời thừa, Đôi mắt, Đường vô Nam, Nhật kí ở rừng…

2.3. Ảnh hưởng của Sê-khốp đến nhà văn Nam Cao

So sánh Nam Cao với Sê-khốp, các nhà nghiên cứu đều dựa trên cơ sở về mối quan hệ tiếp xúc của Việt Nam với văn học ngước ngoài những thập niên đầu thế kỉ XX như một trong những tác nhân quan trọng đẩy nhanh sự hình thành và phát triển nền văn học mới của đất nước này. Ở đây, sáng tác của Nam Cao không phải một ngoại lệ. Trong quan hệ tiếp xúc ấy, chúng ta biết rằng Sê-khốp là nhà văn được Nam Cao yêu thích và nể phục. Chính vì vậy, trong sáng tác của ông không thể không có những yếu tố ảnh hưởng Sê-khốp nhất định. 

Nam Cao là nhà văn, là một trí thức không được đào tạo ở phương Tây nhưng dưới nhà trường thuộc địa thời bấy giờ, Nam Cao sớm tiếp thu những tư tưởng văn hóa mới. Chính “cơ hội” ấy, Nam Cao đã “gặp gỡ” Sê-khốp, một nhà văn hiện thực nổi tiếng của Nga cuối thế kỉ XIX và là “người đại biểu kiệt xuất cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga”.

Mặt khác, theo hồi kí của Tô Hoài cũng như hồi ức của nhiều nhà văn quen biết Nam Cao, điều thừa nhận rằng, Nam Cao luôn bày tỏ niềm say mê của mình đối với văn hào Sê-khốp. Sê-khốp là nhà văn được Nam Cao yêu thích và nể phục. Vì thế điều chắc chắn, trong sáng tác của Nam Cao không thể không có những yếu tố ảnh hưởng từ nhà văn này. Kế thừa, học tập môt cách sáng tạo những thành tựu, những đặc sắc nghệ thuật của các bậc văn nhân tiền bối trong nước và cả ngoài nước, Nam cao đã trở thành nhà văn hiện thực phê phán vĩ đại của nền văn học Việt Nam hiện đại.

II.NỘI DUNG

1.Hình tượng người trí thứcqua các sáng tác của Sê-khốp và Nam Cao

1.1.Cái chung vềhình tượng người trí thức trong tác phẩm của Sê-khốp và Nam Cao

1.1.1.Bi kịch nhân sinh trong những chuyện đời thường của người trí thức

Thế giới bên trong nhân vật dần được hé mở và thông qua những tự bạch của nhân vật trước mắt người đọc hiển hiện một con người có đời sống tinh thần phức tạp, nhiều khát vọng, muốn sống có ích, để lại cái gì cho đời, song luôn bị những chuyện cơm áo gạo tiền chi phối. Những lo toan về miếng ăn hằng ngày tưởng chừng vặt vãnh, không đáng kể nhưng nó có sức mạnh bào mòn, hủy diệt nhân cách con người, không cho họ ngẩng mặt với đời, sống cuộc sống tự do sáng tạo, tức cuộc sống đích thực.

Ví dụ như nhân vật thầy giáo trong truyện ngắn của Sê-khốp cũng luôn phải kiếm miếng ăn hằng ngày giống như các nhân vật trí thức của Nam Cao.

1.1.2. Bi kịch trong đời sống tinh thần của người trí thức



Trong thời kì cuối những năm 80, vấn đề được Sê-khốp quan tâm đến khá nhiều là sự khủng hoảng của giới trí thức, tình trạng hoang mang dao động,bế tắc, thái độ không can thiệp vào đời sống của những con người thiếu lí tưởng, thiếu nghị lực, hoảng sợ trước thế lực phản động trong thời kì đen tối của nước Nga.

Những truyện của Sê-khốp trong giai đoạn những năm 90 và cuối đời rất đa dạng. Nhà văn tiếp tục phê phán thói tầm thường dung tục, cuộc sống tiểu tư sản ngột ngạt và ngưng đọng với những ảnh hưởng độc hại của nó ( truyện “Người trong bao”, “Cây phúc bồn tử”, “Về tình yêu”, “Giáo sư văn chương”...).Ngoài ra, Sê-khốp đã dành một địa vị quan trọng trong sáng tác của mình cho những chủ đề triết lí, đạo đức như : chống chủ nghĩa Tôn-xtôi ( “Phòng số 6” , “Cây phúc bồn tử”, ), chống thuyết Việt nhỏ ( “Đời tôi”, “Căn nhà có gác xép”), “chống cái bệnh hoạn của thế kỉ” đang thâm nhập vào giới trí thức – thứ triết lí siêu nhân biện bạch cho sự lẩn trốn khỏi cuộc sống (“ Người tu sĩ vận đồ đen” ). Cuối cùng Sê-khốp đã đề cập đến vấn đề thức tỉnh ý thức của con người, ý thức về tính chất vô nghĩa của cuộc sống hiện tại và khát vọng vươn tới một cuộc sống hoàn toàn khác ( “Một trường hợp trong nghiêp vụ”, “Người đàn bà và con chó nhỏ”, “Người vợ chưa cưới” )

Trong truyện Nam Cao, bản thân người trí thức cũng lâm vào bi kịch trong lối sống mòn của bản thân. Nam Cao đã phản ánh trung thực cuộc sống mòn mỏi, bế tắc của tầng lớp trí thức tiểu tư sản , đồng thời phản ánh một xã hội đen tối ngột ngạt trước thảm hại chiến tranh đế quốc. Ông không tô hồng bản chất của tầng lớp mình. Trái lại, ông mổ xẻ, phê phán lối sống mòn thật thảm hại, kéo lê cuộc sống vô nghĩa, tẻ nhạt của mình qua những ngày vô vị, một lối sống mà theo Nam Cao là không xứng đáng với cuộc sống con người. Lối sống này bắt nguồn từ tâm lý yếu đuối, bất lực trước hoàn cảnh ( do điạ vị kinh tế bấp bênh, do tính chất hay dao động, do dự của giai cấp tiểu tư sản Việt Nam trước cách mạng ). Nhà văn cũng vạch rõ ước mơ, tài năng của những người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ là mâu thuẫn với cuộc sống thực tại, mâu thuẫn với chính số phận của họ. Nguyên nhân của bi kịch trên căn bản là do chế độ xã hội và một phần do chính những người trí thức tiểu tư sản chưa có tư tưởng tích cực vươn lên thoát khỏi cuộc sống nghèo đói, bạc bẽo. Qua các sáng tác của Nam Cao , ta thấy một vài đặc điểm của đề tài trí thức tiểu tư sản: đó là, các nhân vật đều là những tri thứ tiểu tư sản nghèo : nhà văn Hộ, nhà giáo Điền, cậu học sinh Lưu, và những nhân vật mà tác giả gọi là “ hắn”, “tôi”, “y”…nhìn chung là những người nghèo. Họ có một gia đình nho nhỏ, một vốn tri thức nho nhỏ, đủ để đứng vào đội ngũ những người tri thức. Họ xuất thân đều từ nông thôn, gần gũi với cuộc sống những người nông dân. Nhưng từ họ đến người nông dân còn một khoảng cách khác xa. Một hình ảnh trung thực về người trí thức trong xã hội thuộc địa phải đến Nam Cao mới xuất hiện. Trước ông, trong văn học hiện thực còn chưa có. Ở đây không nói đến những "hủ Nho" của nền học cũ, trong thơ văn của các chí sĩ đầu thế kỷ. Đó là người trí thức vừa trong chật vật của sự mưu sinh, vừa trong bi kịch của những thất vọng và bế tắc tinh thần. Khơi sâu được vào trong những bi kịch của người trí thức trong xã hội thuộc địa - đó là nét đặc trưng và cũng là đóng góp của Nam Cao trong giai đoạn kết thúc văn học hiện thực Việt Nam trước 1945.

Có thể nói, âm điệu chủ đạo trong sáng tác của Sê-khốp và Nam Cao về người trí thức là sự vùng vẫy của con người tự ý thức về mình, song bất lực trước cuộc đời.

1.1.3. Về nghệ thuật xây dựng hình tượng người trí thức

1.1.3.1. Về truyện không có cốt truyện- một kiểu xây dựng cốt truyện của Sêkhốp và Nam Cao

Nhiều nhà nghiên cứu đã nói tới kiểu truyện không có cốt truyện của Sê-khốp và Nam Cao, coi đây là một trong những cách tân nghệ thuật lớn của hai nhà văn. Các kiểu cốt truyện của Sê-khốp thời kì sáng tác ban đầu cực kì phong phú và thường mang tính hư cấu, tưởng tượng. Ông chối bỏ những kiểu truyện có cốt truyện căng thẳng, xung đột, lộ liễu, kiên cưỡng.

Cũng vậy, cốt truyện mang ý nghĩa quan trọng đối với Nam Cao giai đoạn sáng tác ban đầu. Cốt truyện rộng với những bước chuyển tự do, những kết thúc đột ngột trong các truyện của nhà văn cho thấy ông có năng lực như thế nào trong việc hư cấu những truyện ngắn cuốn hút người đọc.

Miêu tả những bi kịch đời thường của những người tri thức , sáng tác của Sê-khốp và Nam Cao đã mở ra một trang mới cho chủ nghĩa hiện thực mà nguyên tắc sáng tác hàng đầu là tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Trong sáng tác của hai ông không có những anh hùng hay những tội đồ khét tiếng, mà bất cứ con người nào, cho dù là những “y”, “thị”, “hắn”, “gã” đều có thể trở thành những nhân vật điển hình; những sự kiện vặt vãnh : hai người bạn học cũ – một béo một gầy lâu ngày mới găp nhau, anh gầy có hành vi khúm núm , nịnh bợ khi biết anh béo làm quan to ( “Anh béo anh gầy” )

1.1.3.2.Về kết cấu thời gian trong truyện ngắn Sê-khốp và Nam Cao

Để tạo sự hấp dẫn cho những truyện có cốt truyện đơn giản. Sê-khốp và Nam Cao đặc biệt chú ý đến kết cấu tác phẩm nhất là yếu tố thời gian – một yếu tố hình thức quan trọng của văn bản nghệ thuật. Và ở lĩnh vực này một lần nữa chúng ta nhận thấy những tương đồng mang tính cách tân của hai nhà văn.

Kết cấu thời gian có những quy luật xác danh. Mỗi một khâu nối tiếp văn bản mở ra cho người đọc những điều mà trước đó còn chưa được biết tới, và điều đó kích thích trí tưởng tượng. tình cảm và những suy nghỉ cho người đọc. Tác phẩm luôn phải hé mở điều gì đó cho độc giả ở phía trước khiến họ bị lôi cuốn tới cùng. Sự bí ẩn thường là cơ sở để triển khai các sự kiện, tình huống trong tác phẩm văn học hiện thực truyền thống, song trong truyện ngắn của Sê-khốp và Nam Cao đó chủ yếu là bí ẩn tâm hồn nhân vật, bí mật về ý đồ của tác giả và ý nghĩa nghệ thuật của tác phẩm.

Nam Cao có không ít những điểm chung với Sê-khốp. Như là nghệ thuật dẫn dắt người đọc trực tiếp thăm dò vào không khí câu chuyện. Hai nhà văn thường chọn những tình huống có khả năng giúp cho hành động trực tiếp phát triển. Mở đầu truyện ngắn của họ rất linh hoạt, cho dù nói về thiên nhiên hay con người.

1.2. Cái riêng về hình tượng người trí thức trong tác phẩm của Sê-khốp và Nam Cao

1.2.1. Về hình tượng người trí thức trong tác phẩm của Sê-khốp

Dù nhân vật trí thức của Sê-khốp cũng từng lăn lộn kiếm miếng ăn hằng ngày giống các nhân vật trí thức của Nam Cao, song chủ yếu anh ta phải chống chọi với sự nhàm tẻ trong một cuộc sống tưởng chừng đã mãn nguyện, đủ đầy.

Nhân vật chính của truyện “Cây phúc bồn tử” là một viên công chức. Ước mơ lớn nhất của lão là mua được một trang trại nho nhỏ có bụi phúc bồn tử và về an cư ở đó suốt đời. Tất cả mọi việc làm, mọi ý nghĩ của lão đều nhằm một mục địch duy nhất là thực hiện ước mơ này; cuối cũng, lão đã đạt được ước mơ tầm thường đó nhưng lão đã trở thành một kẻ hoàn toàn sa đọa về tinh thần. Trong truyện này, Sê-khốp lại một lần nữa lên án hành động lẩn trốn vào bao của giới trí thức. 

Trong truyện “I-ô-nứt”, Sê-khốp miêu tả một thanh niên yêu đời, muốn làm vệc có ích cho xã hội nhưng do thiếu một thế giới quan tiến bộ, do ươn hèn, yếu đuối nên đã bị môi trường dung tục ở tỉnh nhỏ làm cho tha hóa. Chỉ sau bốn năm ở trong môi trường đó, y đã trở thành một tên bé ị mắt híp, ích kỉ, lạnh lùng, tham lam, chỉ lo lắng tới việc là giàu , sống một cuộc đời tẻ nhạt, chán ngắt.

Nhân vật chính của tác phẩm “Đời tôi” thấy được những mâu thuẫn của chế độ tư bản và tin tưởng rằng lao động chân tay sẽ mở ra cuộc sống mới cho mọi người. Anh đã khước từ địa vị của một người quý tộc, trở thành một người thợ quét sơn, đã cũng với vợ, về nông thôn làm việc nhỏvà tự tu thiện bản thân. Nhưng công việc của anh chỉ là giọt nước trong biển cả; chỉ một thời gian sau vợ anh đã nhận ra điều đó và rời bỏ anh để trở lại môi trường giàu có và ra nước ngoài.

1.2.2.Về hình tượng người trí thức trong tác phẩm của Nam Cao

Người trí thức được nói đến nhiều trong văn học phương Tây, kể cả văn học Nga. Còn ở Việt Nam, sự thật thì người trí thức chưa bao giờ là một hình ảnh nổi đậm và có vai trò riêng trong đời sống xã hội phong kiến và thuộc địa ở Việt Nam, bởi chưa bao giờ họ có đủ tiềm lực để cùng đồng hành hoặc là hậu thuẫn cho các giai tầng cơ bản làm nên một cuộc cách mạng trong lịch sử. Bởi cho đến trước 1945 một cuộc cách mạng như thế trong xã hội Việt Nam là chưa có, mà chỉ có những cuộc khởi nghĩa hoặc bạo động của nông dân mà thôi. Nếu vấn đề người trí thức đã là một chủ đề lớn trong văn học phương Tây, gồm cả văn học Nga, thì ở ta, nó chưa bao giờ trở thành vấn đề, càng chưa là chủ đề quan trọng ngay cả trong văn học hiện đại. Phải vào những năm 40, với Nam Cao, Thạch Lam và Nguyễn Huy Tưởng... vấn đề người trí thức mới xuất hiện, trên một số khía cạnh vừa gắn bó, vừa độc lập với các vấn đề chung của nhân dân và dân tộc. 

Nhân vật trí thức của Nam Cao có đời sống tinh thần phức tạp nhiều khát vọng, muốn sống có ích để lại cái gì cho đời, song luôn bị những chuyện cơm áo gạo tiền chi phối. Những lo toan về miếng ăn hàng ngày tưởng chừng vặt vãnh, không đáng kể, song nó có sức bào mòn, hủy diệt nhân cách con người, không cho họ ngẩng mặt với đời, sống cuộc sống tự do sáng tạo, tức cuộc sống có ý nghĩa đích thực.

Các nhân vật của Nam Cao luôn khao khát có việc làm, có tiền, có cuộc sống đầy đủ, không phải lo đến cơm áo gạo tiền. Thứ và San trong “Sống mòn” là những nhân vật như thế. Họ đã bị hắt ra bên lề xã hội. Từ những ước mơ lớn không thực hịên được. Thứ và San chỉ muốn kiếm đủ tiền để nuôi vợ nuôi con để yên thân , nhưng Thứ làm việc đến kiệt sức, hà tiện đến vắt ruột mà vẫn túng thiếu. Những con người xung quanh Thứ vì miếng cơm manh áo mà trở nên ích kỉ, nhỏ nhen, ti tiện (San ,Oanh, Đích).Đó là hoàn cảnh của một thanh niên trẻ tuổi mang nhiều mơ ước, khao khát có công việc nhưng không tìm ra việc ; trong cảnh thất nghiệp, may mắn tìm được chân một nhà giáo dạy tư để nuôi thân và để vực gia đình; có ước nguyện viết văn khá sớm nhưng vào nghề rất vất vả; nhưng dẫu vất vả vẫn phải hành nghề, vừa để kiếm sống, vừa như thực hiện một lẽ sống.

Nhân vật trong sáng tác của Nam Cao có nhiều ước mơ. Đặc biệt là ước mơ viết văn một cách chân chính với tư cách là một nhà văn chân chính: “ Nghệ thuật là tất cả, sẽ có một tác phẩm làm mờ những tác phẩm khác. Tác phẩm của Hộ sẽ ăn giải Nô-ben và được dịch ra đủ các thứ tiếng trên hoàn cầu.” Hộ cũng đã từng thốt lên một cách cuồng thiệt: “Đói rét không nghĩa lí gì đối với một kẻ say mê lí tưởng. Lòng hắn đẹp, đầu hắn mang một hoài bão lớn.” ( Đời thừa). Đền cũng mơ ước trở thành nhà văn nổi tiếng để có biết bao các bà, các cô ngưỡng mộ Điền và gửi cho Điền “những bức thư xinh xinh ướp nước hoa” (“Trăng sáng”). Thứ ước mơ là một thầy giáo tận tụy với nghề và thay đổi cuộc sống để thoát khỏi cảnh “chết rồi mà vẫn như là chưa sống“ (Sống mòn). Ước mơ của họ cũng đa dạng, xấu có tốt có. Cũng có những người trong số họ mơ ước ăn ngon mặc đẹp, yêu những thiếu nữ tân thời ( Sang và Điền ), nhưng rồi mọi ước mơ của những người trí thức tiểu tư sản đều là ảo tưởng. Từ những ước mơ , những hòai bão, những dự định lớn lao họ không thực hiện được, đến những ước mơ tầm thường là làm việc đủ ăn và được sống yên thân cũng không xong. Họ đã bị cuộc đời nhỏ nhen, tù túng siết chặt và cắt đứt mọi ước mơ, mọi ước muốn. Đó là bi kịch vỡ mộng của cuộc đời họ.



2. Sự gặp gỡ từ tác phẩm “Người trong bao” của Sê-khốp đến tác phẩm “Sống mòn” của Nam Cao

2.1.Nhìn từ phương diện nội dung

Xét về đề tài, chủ đề thì khi đọc “Người trong bao” của Sê-khôp và “Sống mòn” của Nam Cao, chúng ta nhận thấy rằng cả hai tác phẩm đều viết về đề tài người trí thức. Nếu Người trong bao là nhân vật Bêlicôp,một giáo viên trung học dạy tiếng Hi Lạp, thì Sống mòn là nhân vật Thứ, một nhà văn nghèo. Cả hai đều là nạn nhân của xã hội, mà con người không được “làm người”. 

Vốn dĩ là những tri thức, lẽ ra Bêlicôp và Thứ phải được xã hội trọng vọng, tôn vinh hay chí ít, cũng có cuộc sống êm ấm để thực hiện được những ước mơ chính đáng của mình. Song ở đây hoàn toàn ngược lại, , họ là những người “sống trong bao”, sống cảnh “sống mòn” và không còn là chính mình. Từ đề tài người trí thức, cả hai nhà văn đã phản ánh trọn vẹn thực trạng của xã giá trị hiện thực, giá trị tố cáo mà còn thể hiện đuwọc giá trị nhân đạo của hai tác giả hiện thực có “cơ duyên tương hợp”.

Ở Người trong bao, Sêkhôp “vắn tắt” kể lại câu chuyện cười ra nước mắt về cuộc đời một con người mắc chứng bệnh sợ hãi, bạc nhược đến nỗi sống và chết đều thảm hại. Câu chuyện không chỉ phản ánh thực trạng xã hội – môi trường xã hội đã đẻ ra lắm thứ sản phẩm người kì quái, mà còn có ý nghĩa khát quát triết lý sâu xa – tiếng kêu cứu của nhữg con người nhỏ bé, nhu nhược.

Ở Sống mòn, Nam Cao phản ánh một cách chân thực và cảm động “tấn bi kịch tinh thần” của một người trí thức với bao mộng đẹp và hoài bão cao cả đã bọ cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền” ghì sát đất. Thông qua bi kịch nhân vật, ngòi bút của nhà văn đã phanh phui đến tận cùng đời sống quẩn quanh, vô nghĩa, kiếp sống “sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, mục ra” của kẻ trí thức trong xã hội thực dân phong kiến ở Việt Nam thời bấy giờ.

Sự ý thức sâu sắc của nhân vật về hoàn cảnh của chính mình cũng chính là sự khác biệt trong tác phẩm “Sống mò” của Nam Cao. Nếu Bêlicôp sống cuộc sống hết sức nhếch nhác, quẩn quanh, hèn kém và giam mình trong hoàn cảnh xã hội, Bêlicôp “sống đơn độc như con ốc, con sên lúc nào cũng muốn thu mình vào trong vỏ”, với nỗi sợ hãi thường trực “nhỡ lại xảy ra chuyện gì” cũng là một cái bao vô hình khiên Bêlicôp không dám vượt qua một giới hạn nào thì Thứ- ý thức rất rõ về bi kịch của mình: “Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!...Nghĩ thế y thấy nghẹn ngào, thấy uất ức vô cùng! Không! Y sẽ không chịu về quê. Y sẽ đi bất cứ đâu, mặc rủi may…” . Thứ suy nghĩ , trăn trở về cuộc sống trong sự dằn vặt khôn nguôi, th ahóa của nhân cách và lòng khao khát được đổi thay cuộc sống.

2.2.Nhìn từ phương diện nghệ thuật

2.2.1.Nghệ thuật trần thuật

Đọc Người trong bao của Sêkhôp và Sống mòn của Nam Cao, chúng ta bắt gặp một giọng điệu chung của người kể chuyện là giọng điệu lạnh lùng, khâch quan. Người kể chuyện nhập vai vào nhiều đối tượng để tái huện sự việc và làm nổi bật tính cách, số phận nhân vật.

Đây là giọng trần thuật ở Người trong bao : “Từ nghĩa địa trở về, lòng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng, thỏa mái. Nhưng chưa đầy một tuần sau, cuộc sống lại diễn ra như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị, một cuộc sống chẳng bị chỉ thị nào cấm đoán nhưng chẳng được tựdo hoàn toàn, chẳng tốt đẹp gì hơn trước”

Và đây là giọng điệu trần thuật ở Sống mòn :”Y gần như quên hẳn được chính y. Trước mắt y, chỉ còn là một cái nhân loại mênh mông, rất bao la, rộng rãi, cái nhâm loại hỗn độn đang bị đau đớn, điên cuồng vì những lỗi lầm của mọi người, một cái nhân loại đang sống một lối ra tối ưu ích kỉ.”

Nếu Người trong bao, kể chuyện qua cái nhìn của nhân vật phụ, bình luận qua vai nhân vật phụ nhưng từ đó mọi suy nghĩ, diễn biến tâm trạng và tính cách nhân vật chính được bộc lộ, thì Sống mòn kể chuyện qua lời người trân thuật, đặc biệt là Nam Cao để cho nhân vật tự kể về mình để nói lên nỗi lòng, tính cách và số phận của nhân vật.

2.2.2.Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình

Đây có thể được xem là đặc điểm nổi bật và đặc trưng nhất của các tác phẩm hiện thực phê phán. Nó hoàn toàn khác với các tác phẩm ở các thể loại khác như tiểu thuyết hiệp sĩ hay trinh thám. Việc xây dựng nhân vât điển hình trong hoàn cảnh điển hình đã giúp nhà văn tiếp cận với hiện thực xã hội một cách dễ dàng hơn.

Ở Người trong bao, Bêlicôp đại diện cho một kiểu người trong xã hội, kiểu người luôn sống trong sợ hãi, sống trong vỏ ốc của mình. Ở Sống mòn, nhân vật Thứ đại diện cho tầng lớp trí thức ôm những hoài bão, khát khao lớn lao tốt đẹp nhưng bị cuộc sống cơm áo, nhữn gtoan tính vụn vặt làm cho cuộc đời họ lâm vào bi kịch.

2.2.3.Ngôn ngữ nghệ thuật

Một đặc trưng của ngôn từ trong tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực là miêu tả tỉ mỉ, thậm chí là tả chân, cực thực . Hai tác giả gần như miêu tả khách quan và lạnh lùng, thỉnh thoảng xen vào những câu đầy triết lý, đưa ra những câu văn, những lời nói được “định vị” những danh ngôn, những triết lý về đời sống.

Ở “Người trong bao”, Sêkhôp viết : “Cuộc sống làm hắn khó chịu, sợ hãi, buộc hắn phải thường xuyên lo âu và có lẽ như để bào chữa cho thái độ nhút nhát, ghê tởm đối với hiện tại, lúc nào cũng ngợi ca qúa khứ, ngợi ca những gì không bao giờ có thật…”

Ở “Sống mòn :”

2.2.4.Xây dựng cốt truyện

Cả hai truyện đều ngắn gọn, giản dị và không có cốt truyện hay cốt truyện rất đơn giản. Sáng tác của hai nhà văn đềucó cốt truyện đơn giản, ít biến cố, không có những tình huống gay cấn, căng thẳng đầy kịch tính.

Cả hai tác phẩm phản ánh những câu chuyện đời thường vặt vãnh, những chuyện nhỉ nhặt hằng ngày, song hai nhà văn đã khẳng định được giá trị hiện thực và ý nghĩa phê phán trong sáng tác của mình với những vấn đề nhân sinh sâu sắc. Đó là quy luật, là bản chất nghiệt ngã của đời sống mà con người phải đón nhận. Con người sẽ là nạn nhân nếu không có ý chí đủ mạnh để vươn lên hoàn cảnh. Nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh đã nhận xét rất đúng : “Dưới thần bút của hai nhà văn, “bi kịch đời thường” đã nâng thành bi kịch của vĩnh cữu bởi họ bắtnhững điều vặt vãnh nhất cũng phải nói lên tiếng nói của mình về ý nghĩa cuộc sống con người. Chính điều này làm chúng ta không ngần ngại xếp hai nhà văn này đứng ngang hàng với các nhà văn – nhà nhân đạo lớn của mọi thời đại.”

2.2.5.Về nghệ thuật kết cấu

“Người trong bao” của Sêkhôp và “Sống mòn” của Nam Cao đều có hình thức kết cấu theo thời gian. Yếu tố thời gian chi phối mạch truyện. Thời gian trước hết là thời gian của hiện tại nhưng cũnng có thể là thời gian của quá khứ. Đặc biệt từ thời gian “hồi cố” về qua khứ, kết cấu truyện càng cô đọng hơn và số phận nhân vật càng lộ rõ “bi kịch tinh thần”. Cả hai truyện đều có kết thúc mở đã để lại nhiều câu hỏi lớn và gợi lên nhiều suy tư trong lòng độc giả.

2.2.6.Không gian và thời gian

“Người trong bao” và “Sống mòn” đều là kiểu thời gian hiện thực hằng ngày và thời gian tâm tưởng. Trong tác phẩm “Người trong bao” , Bêlicôp được nhân vật phụ kể lại theo dòng hồi tưởng và những suy nghiệm về con người sống quanh quẩn trong cái nhà tù do mình tự tạo ra. Thời gian trong “Sống mòn” là những tháng ngày bươn chải kiếm sống đến mỏi mòn với bị kịch nhân sinh.

Ở tác phẩm “Người trong bao” và “ Sống Mòn”, Bêlicôp và Thứ đều phải sống trong không gian xã hội thường nhật, và đối lập với đó là không gian tinh thần ước mơ.

III. KẾT LUẬN

Mọi sự so sánh đều khập khiểng, và sẽ rất khập khiểng khi so sánh hai nhà văn với nhau. Vì vậy, trong tương đấy, chúng tôi xin trình bày về những điểm “gặp gỡ”, những tương đồng trong sáng tạo của hai nhà văn lớn. Từ đó, thấy được tài năng của hai nhà văn cũng như sự đóng góp của họ cho nền văn học dân tộc.

Nhóm tác giả
Kim Hoa - Bích Vân
Lớp Cao học Văn 16


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét