Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm
Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam - Bộ Giáo dục và đào tạo, do Nguyễn Như Ý chủ
biên, NXB Văn hóa – Thông tin, xuất bản năm 1998, văn hóa được hiểu là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng
tạo ra trong lịch sử. Đây
là định nghĩa chung nhất về văn hóa được các nhà nghiên cứu chấp nhận. Cũng
theo quan điểm trên, chúng tôi quan niệm: mọi
thứ thuộc về con người đều là văn hóa, không có bất kì sự phân biệt nào
giữa các nền văn hóa và trong khái niệm văn hóa không tồn tại cổ hủ, lạc hâu,
hay văn minh, tiến bộ. Có chăng, chỉ là sự khác biệt về cách thức thể hiện,
biểu hiện của từng dân tộc, từng tộc người mà các nhà nghiên cứu vẫn gọi là độ khúc xạ văn hóa trong quan hệ lựa chọn. Có thể nói, văn hóa là nét chung của
dân tộc, đồng thời, cũng là tạng riêng của mỗi tộc người. Một dân tộc có nhiều
tộc người, các tộc người có thể phân bố rải rác ở nhiều khu vực khác nhau. Như
người Kinh ở khu vực núi cao có tập quán khác người Kinh ở khu vực đồng bằng.
Vậy, chính tập quán đã tạo nên cái riêng trong văn hóa mỗi tộc người, mỗi mảnh
đất. Tuy nhiên, tập quán lại do đặc trưng tự nhiên quyết định. Nếu xét tường
tận, sự khác biệt văn hóa là do đặc trưng tự nhiên của từng vùng phân định, sau
đó, được con người cải biến thành một nếp riêng truyền từ đời này sang đời
khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác mà thành.
Đặc trưng
lớn nhất của con người sinh tồn trên mảnh đất Tây Nguyên chính là nếp sống
nương rẫy, không ổn định, tạm bợ, nay đây mai đó. Toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Tây
Nguyên gắn liền với núi rừng và nương rẫy – văn
hóa rừng. Nếu thay đổi đời sống nương rẫy là thay đổi gốc gác vốn có của lịch
sử tây nguyên. Văn hóa vùng Trường Sơn –Tây Nguyên là mẫu hình của một trình độ
phát triển văn hóa của các dân tộc Việt Nam ở giai đoạn tiền nhà nước, tiền
giai cấp. Văn hóa rừng quy định từ nếp
nghĩ đến hành xử của con người tây nguyên. Điều ta dễ thấy nhất là nơi lưu trú
của họ: rộng là bon, là buôn, nhỏ là nhà.
Nhà là nơi cư
ngụ của mọi vật, con chim trên rừng lấy tổ làm nhà, con cá dưới khe lấy khe đá
làm nhà, cây lồ ô, cây tre lấy rừng làm nhà. Người tây nguyên dựng nhà những ngôi nhà dài cả một hơi chiêng, một
hơi ngựa chạy, là những ngôi nhà
Rông đêm đêm bập bùng ánh lửa thổi hồn sống cho mảnh đất hoang sơ này. Nhà của
người tây nguyên tồn tại với ba dạng chính với ba chức năng cơ bản: nhà ở - nơi
sinh hoạt hàng ngày; nhà sinh hoạt cộng đồng – nơi phục vụ nhu của cộng đồng;
nhà mồ - là nơi chôn cất người chết.
1. NGƯỜI M’NÔNG R’LÂM – CƯ DÂN VÙNG HỒ LẮK
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Henri Maitre trong Rừng người thượng xác định: Nhóm
người M’nông ở phía Tây gồm các dòng tộc mà phương ngữ mẫu hình là tiếng M’nông
nói trong vùng hinterland kề với Cambodge. Nhóm người M’nông ở phía Đông, nhóm
này gồm nhiều dòng tộc khác nhau sống trong các vùng núi và không phải là bộ phận
của người M’nông ở phía Tây. Rút sâu vào một vùng rất khó thâm nhập và khó
khăn, họ được một nền đất rất khắc nghiệt bảo vệ và khắ chắc chắn là họ còn giữ
được mình gần hơn cả với tình trạng nguyên thủy, do vậy hẳn phải gần các bộ lạc
ở phía Bắc cũng sống ở những vùng tương tự và cũng được che chở bởi núi non
hoang dã mà họ đã trốn vào đấy [1; 146]. Người M’nông ở
Huyện Lắk chủ yếu là người M’nông R’Lâm (Rlam). Người Rlam thường bị gọi sai thành Rolum hay Rlim, họ chỉ riêng sống ở
khi đầm lầy của hồ Tak-Lak và các đầm lầy liền với khu trung lưu sông Kr. Hana,
về phía Tây. Bộ lạc này, tập trung trong một vùng hẹp, có mật độ dân rất cao và
sống trong những làng lớn. Họ biến các đầm lầy thành đồng ruộng và hầu như chỉ
khác người Pih ở sát ngay cạnh về mặt phương ngữ. Hai bộ lạc này có nhiều điểm
chung; đặc biệt là cùng làm nhà sàn theo kiểu như người Radé. [1; 147]
Người M’nông sinh sống tại địa bàn Huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
vẫn giữ những đặc thù của tộc người M’nông cổ. Tuy nhiên, ta vẫn thấy có một số
dị biệt. Một phần, bởi đặc điểm của địa hình cư trú, một phần, bởi sự giao thoa
ảnh hưởng giữa các dân tộc, đặc biệt là người kinh và chịu ảnh hưởng khá rõ nét
của người Pháp trong thời kì bị cai trị. Ví như, ngoài canh tác nông nghiệp cổ
truyền, người M’nông ở địa bàn huyện còn canh tác các loại cây công nghiệp lâu
năm: cà phê, tiêu, điều… (ảnh hưởng của Pháp); hay giao lưu buôn bán; làm du lịch…
Do ảnh hưởng và đòi hỏi để phát triển du lịch họ vẫn duy trì được những sinh hoạt
văn hóa đặc thù của cộng đồng. Bên cạnh đó, lối sống và sinh hoạt hàng ngày
cũng có những thay đổi đáng kể. Nhưng nhìn chung, người M’nông ở huyện Lắk còn
bảo lưu đuợc nhiều nét đẹp văn hóa cổ truyền. Trong đó, nhà truyền thống là nét
văn hóa độc đáo nhất.
Với sự phát triển
của xã hội, người người nhà nhà thay đổi phong tục tập quán của ông cha để kịp
hòa vào lối sống hiện đại thì bên hồ Lắk vẫn thấp thoáng những nếp nhà cỏ tranh
vương khói mỗi sớm mai hay khi tà huy rủ bóng. Tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng
người dân nơi đây đã dần nhận
ra giá trị của tinh hoa văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Buôn cổ
M’liêng, buôn Jun và những buôn làng khác đang được phục dựng để trở thành mẫu
hình của văn hóa M’nông trên địa bàn Đắk Lắk.
2. NHỮNG KIỂU NHÀ ĐẶC TRƯNG CỦA NGƯỜI M’NÔNG R’LÂM
2.1.NHÀ CỘNG
ĐỒNG - NHỮNG CÁNH BUỒM NO
GIÓ GIƯƠNG LÊN GIỮA RỪNG
Buôn làng người Thượng (cách gọi của Henri
Maitre) luôn được định vị hợp lý theo tập quán cổ truyền đều có nguyên tắc
chung là gần nguồn nước sạch, cao ráo, thoáng đãng. Vị trí của làng thường
có chiều hướng bố cục thoi dần về phía nguồn nước thể hiện tín ngưỡng
trọng mẫu của cộng đồng (nước là yếu tố âm tượng trưng cho người
phụ nữ): Ðường vào → cổng làng → đường làng → nhà cộng đồng → nhà sàn → nhà kho → ruộng → sông. Hướng
làng thường là hướng nam hoặc đông, hướng Tây không tốt nên là vị trí đặt nghĩa
địa. Nếu ở những khu vực sông suối nhà phân bố dọc theo chiều của dòng chảy;
nếu ở sườn đồi thì nhà phân bố hàng ngang triền dốc và quay mặt xuống phía
dưới; những chỗ bằng phẳng thì những căn nhà rìa ngoài thường mở cửa chính
hướng vào trong làng. Trong tiếng M’nông buôn làng là boon. Boon thường được bố
trí theo hướng Đông – Tây. Tuy nhiên, tùy vào địa hình, họ có thể chọn cho mình
những hướng thích hợp.
Trong đời sống của đồng bào nơi đây, cuộc sống của mỗi cá nhân luôn gắn với cộng đồng, vì thế
không gian sinh hoạt cộng đồng là không thể thiếu. Nhà cộng đồng vốn là đặc
trưng kiến trúc truyền thống mang những biểu tượng giá trị của làng, thể hiện
tài nghệ của người nghệ sĩ dân gian trong kỹ thuật cất dựng, thiết kế đến
trang trí. Do cả cộng đồng dựng lên, là nơi tiếp khách, xử kiện, tiến hành nghi
lễ thờ cúng, nơi vui chơi, hội hè của cả làng. Trong một boon, ta dễ nhận thấy nhà của tù
trưởng ngay khi vừa bước vào làng, dáng mái cao vút vượt hẳn lên các mái nhà sàn khác. Đó chính là nơi sinh
hoạt cộng đồng của cả boon. Một ngôi nhà ở trung tâm sẽ tạo ra sự khởi đầu mới
cho cuộc sống cộng đồng ở một cái làng phôi thai. Tại nơi đây, lưu giữ những chứng tích
văn hóa nguyên thủy của cả cộng đồng. Đồng
thời, nó cũng là biểu mẫu của sự quy tụ, sự cố kết cộng đồng.
Nhà Rông ở người Bana thì cao cút lên theo hình lưỡi búa.
Nhà gơl của người Cơtu thì mái ở đầu hồi tròn như hình mu rùa, và làm theo kiểu
nhà sàn truyền thống. Còn nhà rông
cổ của người M’nông lại được dựng cao vút cong ở khoảng giữa không khác gì một cánh
buồm đang no gió. Chính vì đặc điểm của ngôi nhà (mái dạng cong, nhà thường thu
hẹp ở sàn như thân của những con thuyền) mà nhiều học giả đã đưa ra nghi vấn,
người M’nông vốn là người ven biển di cư lên vùng tây nguyên, do tiếp xúc văn
hóa với người Lào (thuần dưỡng voi), và người Ê-đê nên hình thàh nên loại hình
văn hóa M’nông độc đáo như ngày nay. Nhà cộng đồng được dựng lên nhờ vào những
chất liệu của rừng, dù gió lốc, hay lũ quét cũng không thể làm tổn hại dù không
hề có một chiếc đinh, một chút gạch vữa hay sự can thiệp của khoa học. Đây ngôi
nhà chung, đẹp, vững chắc và kiên cố nhất boon. Cứ thế, boon này nối liền boon
kia, những ngôi nhà trập trùng nhấp nhô trải dài trên những sườn núi như những
con thuyền đang trườn mình giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi.
2.2. KIỂU NHÀ SÀN SINH HOẠT
Mô hình, kiểu dáng của nhà ở được quy định một phần bởi địa
bàn cư trú. Người M’nông nói riêng và cư dân tây nguyên nói chung, có truyền thống
dựng nhà theo hướng Bắc – Nam để đón gió và tránh nắng nóng. Tuỳ theo vùng và từng nhóm địa phương, họ có thể xây nhà trệt hoặc
nhà sàn. Nhóm Mnông Gar, Mnông Preh, Mnông Prâng... thường
làm nhà trệt có mái tranh gần sát đất, nền đất là mặt bằng sinh hoạt. Nhóm Mnông Kuênh, Mnông Chil, Mnông Bhiêt... thường làm nhà sàn, không chỉ nhằm phục
vụ cho sinh hoạt hàng ngày mà còn giúp phòng tránh những đe dọa của tự nhiên
(thú dữ, lũ quét…). Có loại nhà sàn thấp và loại nhà sàn cao. Nhà có sàn thấp, chỉ
cách mặt đất khoảng 0.70 đến1m, được dựng theo tập quán du cư, sử dụng vật liệu không bền
vững. Riêng nhóm M’nông R’lâm ở vùng hồ Lắk có kiểu kiến trúc nhà sàn
cao giống người Ê - Ðê. Mỗi boon có thể có từ mười đến vài chục nóc nhà.
Dù là nhà sàn hay nhà trệt mái vẫn là cỏ tranh; khung và sườn nhà được kết hợp hai loại nguyên liệu là
tre nứa và gỗ cây thường là cây sao, xe, cà chít
được tạc thô, to đầy vòng tay một người ôm. Các bộ phận được liên kết bằng chạc, ngoãm, dây mây và
dây rừng. Ngôi nhà người M'nông
thường được làm theo kiểu bốn mái, cửa vào nhà mở ở đầu hiên trái tạo nên sự ấm cúng,
kín đáo của ngôi nhà. Trong nhà, hoa văn được trang trí thường mang hình dáng của những dòng
sông, con bướm, hòn đá… vì theo quan
niệm của họ, con người được sinh ra từ nước, đá và con bướm… Các vật
dụng trong sinh hoạt hàng ngày như rìu, cồng chiêng, ché rượu cần… cũng được
chạm trổ những đường nét hoa văn rất đẹp. Bước qua sân rộng lên nhà là cầu
thang. Cầu thang của người M’nông được chia làm hai loại: cầu thang đực – dành
cho nam giới và cầu thang cái được trang trí đẹp và to hơn để phân biệt – chỉ
dùng cho nữ, trong một số trường hợp đặc biệt nếu được sự cho phép của chủ nhà
thì nam giới mới được sử dụng cầu thang này. Đây là minh chứng cho chế độ mẫu quyền trong đời sống cộng
đồng người M’nông. Trong nhà, các kho lúa
đều trổ cửa phía ngoài, mỗi kho lúa có thang riêng để bắt lên khi cần lấy lúa.
Hai bên cửa kho lúa có đặt hai bồ lúa to đựng lúa giống và đựng lúa tiết kiệm,
khi lúa trong kho đã hết mới lấy lúa trong bồ ăn. Nhà của
người Ê-Đê dài cả một hơi ngựa chạy, dài bằng một hồi chiêng thì nhà của người
M’nông chỉ có chiều dài khoảng 30m đến 50m, được chia
thành các gian, đủ cho ba gia đình nhỏ có thể sinh hoạt khá thoải mái. Để làm
được một nhà dài phải tốn hàng trăm cây gỗ lớn. Đó là những ngôi nhà
của ba thế hệ cùng sinh sống chỉ bằng những vách nứa ngăn là đã có một không
gian riêng cho một gia khẩu. Cũng vì thế mà những ngôi nhà này
thường được gọi là nhà sàn hơn là nhà dài.
Đây là kiểu nhà tồn tại khá phổ biến trên thế giới từ xã hội nguyên thủy thời
kì sống kiểu quần cư cộng đồng thị tộc. Ðiểm
chung trong phân chia chức năng không gian ngôi nhà ở chỗ đó là ngôi nhà đa chức
năng, sử dụng không gian sinh hoạt nhiều tầng. Phía trên là nơi sinh hoạt
hàng ngày, nơi ăn, ngủ, vui chơi, nơi những người già dạy chop con cháu truyền
thống, cách trồng hạt lúa, hạt đậu, bắt con thú hoang,… phía dưới sàn, là nơi để
củi, để nông cụ, chăn nuôi,…. Điều đặc biệt trong nhà dài là bếp lửa. Bếp lửa
được xem là vật linh thiêng, là trái tim của ngôi nhà. Hàng đêm, bên bếp lửa bập
bùng con người tây nguyên chìm mình vào những câu hát sử thi, họ kể, họ hát, họ
nói với nhau về truyền thống, về dân tộc mình. Bếp lửa như sợi dây nối kết những
con người lại với nhau. Như thế, nhà rông dài là nét văn hóa riêng của đồng bào
tây nguyên, nó không chỉ là chiếc nôi nuôi dưỡng mỗi cá nhân mà còn là một tiểu
cộng đồng trong đại cộng đồng buôn làng.
2.3. NHÀ MỒ
- NGÔI NHÀ CỦA NỬA CỘNG
ĐỒNG BÊN KIA
Thân xác phải chết nhưng linh hồn vẫn sống. Đây
không chỉ là quan niệm của đồng bào tây nguyên mà còn là sự hiển nhiên trong
quan niệm của mọi nền văn hóa. Người Ai Cập ướp xác, vì họ tin cái chết chỉ là
một hành trình du lãng của linh hồn, sẽ đến một thời điểm linh hồn trở lại với
thân thể của mình. Còn đối với đồng bào M’nông, cái chết là khoảnh khắc của sự
tách rời bản thể và hồn sẽ tìm được một sự hòa hợp mới. Nhà mồ là nơi lưu giữ
thể xác và trú ngụ của các linh hồn. Đây là minh chứng cho nửa cộng đồng thứ hai tồn tại trong đời sống của đồng bào. Khi có người chết, mọi công việc được gác lại để lo mai táng, ma
chay. Thi hài được quàng tại nhà khoảng hai ngày đối với người chết già, chết
vì bệnh tật. Những cái chết đột ngột như: chết đuối, ngã cây, rắn cắn, hổ vồ và
chết do chiến tranh, đâm chém… thi hài không được đem vào nhà mà phải mai táng
tức khắc một cách thầm lặng. Thổ táng là hình thức duy nhất trong việc tang ma,
không có tập quán cải táng. Mọi người chết đều được chia tài sản để mang về lập nghiệp ở thế giới của ông bà gọi là Phan.
Nhà mồ được làm theo hướng Đông – Tây, nhằm tận
dụng gió và nắng lồng lộng xua tan mùi hôi hám. Kiến trúc nhà mồ của người
M’nông mang tính nghệ thuật hình tượng, các hoa văn được chạm trổ công phu, đó
là những khối hình nhìn thoáng qua như búp sen, hay các con vật như rùa, voi,
sóc… với hai màu đặc trưng đen và đỏ. Tại thời điểm hiện tại, trên địa
bàn huyện Lắk đã không còn tồn tại hình ảnh nhà mồ. Theo tìm hiểu chúng tôi
được biết, trước đây, người M’nông R’lâm có nhà mồ. Nhà mồ có hình dáng như cái
nón úp ngược, cũng có một số tượng nhưng chỉ được gọt đẽo thô sơ, có cây nêu
như sợi dây nối giữa trời đất, để người chết theo đó mà lên trời, về với nửa
cộng đồng bên kia của mình. Đặc biêt, nhà mồ của đồng bào không rào khuôn khổ
như người Ê-Đê. Do sự biến đổi của thời gian, những ngôi nhà mồ đã chỉ còn
trong kí ức của những người già nơi đây.
Nhà mồ là
biểu tượng đẹp của văn hóa tâm linh. Không chỉ là đặc trưng văn hóa vật thể mà
còn thể hiện được lối sống nhân văn sâu sắc. Ngoài ra, hiện thân của nhà mồ
chính là hiện thân của đạo hiếu tồn tại trong ý thức của người còn sống.
3. CHIẾC BÌNH CHỨA ĐỰNG VĂN HÓA TÂY NGUYÊN
Trong chủ
nghĩa duy vật ta đã biết “vật chất quyết
định ý thức”, ông bà ta cũng đúc kết một cách thâm thúy “rau nào sâu ấy”, “nồi nào vung ấy”, “xác
nào hồn nấy”… . Như thế, những yếu tố thuộc về văn hóa vật chất đều chứa đựng
những giá trị văn hóa tinh thần riêng. Chúng tôi vẫn gọi chúng là những chiếc
bình đựng văn hóa. Mỗi nền văn hóa có một chiếc bình mang diện mạo của riêng
mình. Chỉ mảnh đất tây nguyên mới có cái hồn của văn hóa rừng đầy những nét chạm khắc thô sơ nhưng rất quyến rũ. Tỷ
như, chỉ chiếc ché tây nguyên tạo hương vị đặc biệt của rượu cần, vị ngọt lẫn
trong chất men đê mê làm say lòng bao con người, bao thế hệ. Những ngôi nhà của
người tây nguyên cũng tồn tại một linh hồn văn hóa như thế. Đó chính là quan niệm
vạn vật hữu linh nơi mảnh đất này. Nhà
Rông không chỉ như những cánh buồm no gió đầy thách thức và kiêu ngạo giữa đất
trời, đây còn là nơi gắn kết những con người lại với nhau tạo nên khối sức mạnh
lớn lao. Từ đó, con người có thể chống chọi với tự nhiên để trường tồn. Nhà ở
là nơi cư ngụ, là cái nôi nuôi dưỡng của mỗi cá nhân.Từ ngôi nhà của nhiều thế
hệ ấy, người dân M’nông học những bài học vỡ lòng đầu tiên và đến khi trở về với
nửa cộng đồng bên kia họ vẫn trở về với
mái nhà ấy của mình với tư cách người bảo
hộ cho thế hệ sau. Những ngôi nhà mồ không chỉ là nơi an nghỉ của những người
đã khuất, trong quan niệm của đồng bào, đây còn là biểu tượng của sự hiếu
nghĩa, một minh chứng cho một nửa thế giới còn lại song hành cũng họ. Trong
ngôi nhà, luôn tồn tại các vị thần, thần bếp, thần chiêng, thần nhà, thần đất…
như thế, đồng bào không hề tồn tại cô độc một mình giữa núi rừng hoang sơ.
Những ngôi
nhà tây nguyên có ba nét độc đáo riêng: Một là, vật liệu là những nguyên liệu
có sẵn từ rừng núi, thô sơ nhưng bền và chắc; Hai là, kĩ thuật xây dựng của đồng
bào rất tinh tế, khéo léo. Về điểm này, chúng ta có thể tự hào khi so sánh với
những công trình kiến trúc như kim tự tháp Ai Cập, tất cả đều được làm thủ
công, không hề có sự can thiệp của máy móc, kĩ thuật hiện đại nhưng có thể trường
tồn cũng thời gian. Ta còn thấy ở cách trang trí và họa tiết được chạm khắc đẹp,
tinh vi và sống động phản ánh năng khiếu thẩm mĩ đặc biệt của đồng bào; Ba là,
mỗi yếu tố sau khi được tạo thành đều mang trong mình linh hồn riêng, đó chính
là cái tâm của người thợ kiến tạo và của những con người nơi đây. Chính cái thô
sơ, sự khéo léo trong nghệ thuật sắp đặt, thổi hồn của con người đã tạo nên sự
độc đáo này. Và chúng ta không thể phủ nhận mỗi ngôi nhà thực sự là một chiếc
bình chứa đựng thứ văn hóa đặc sản của đại ngàn.
4. ĐỂ NHỮNG
NGÔI NHÀ LÀ CON THUYỀN VĂN HÓA ĐẠI NGÀN
Hiện nay,
theo xu thế “bê tông hóa, tôn hóa nhà ở”
những ngôi nhà truyền thống dần mất đi. Khi đến với boon Jun, boon Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk những ngôi nhà mái tranh,
sàn gỗ đã không còn nữa. Có chăng, chỉ vài ba ngôi nhà được phục dựng nhằm phục
vụ nhu cầu du lịch nằm khiêm tốn giữa những ngôi nhà sàn cao đẹp với mái tôn, nền
lát gạch. Boon cổ M’liêng là một trong những boon còn giữ lại được nhiều nét
tiêu biểu của một boon cổ với những ngôi nhà dài cổ và nét sinh hoạt truyền thống
của người M’nông R’lâm. Nhưng ta hẳn cũng sẽ thất vọng khi thấy ngôi nhà cộng đồng
bằng bê tông kiên cố, đẹp đẽ vừa được xây dựng cách đây vài năm thay cho ngôi
nhà Rông mái tranh cao vút. Trong xu thế ấy, liệu rằng giữa màu xanh của rừng
có còn những cánh buồm no gió đầy ngạo mạn và thách thức? Đó mới chỉ là sự thay
đổi bên ngoài. Khi tiếp xúc với các em nhỏ, tôi hỏi các em về Yang, về truyền
thuyết của buôn làng mình mới thực sự đáng buồn khi hiểu rằng Yang đã không còn
tồn tại trong tâm hồn của thế hệ trẻ nữa. Như thế, vấn đề được đặt ra cho chúng
ta bên cạnh việc phục dựng, bảo tồn cũng cần đến giải pháp hợp lí nhất.
Theo chúng
tôi, trước khi tiến hành phục dựng văn hóa chúng ta cần phục dựng môi sinh,
nghĩa là phục dựng môi trường sinh sống của cộng đồng. Nếu rừng không còn, văn hóa rừng sẽ không tồn tại. Cấp thiết
cần bảo vệ những khu rừng già và vốn động thực vật cũng như hệ sinh thái tự
nhiên. Hãy thử đưa ra ví dụ đơn giản nhất, đối với người M’nông R’lâm, voi là một
động vật gần gũi và linh thiêng, nếu rừng không còn loài voi cũng sẽ dần mất
đi. Con cháu không còn được hiểu thế nào là voi góp sức xây buôn dựng bản hay
những nghi lễ cúng voi, mừng tuổi voi… sẽ dần biến mất. Thế hệ sau sẽ chỉ thấy
voi trong sở thú, trong hình ảnh mà thôi. Vậy, một góc văn hóa của đồng bào hẳn
sẽ bị mai một và mất dần. Khi bảo tồn, ta phải tiến hành song song hai phương
án, bảo tồn tĩnh và bảo tồn động. Bảo tồn tĩnh chính là phương án đầu tư tái tạo
và khôi phục những yếu tố văn hóa vật chất theo những mẫu chuẩn cổ xưa. Bảo tồn
động đòi
hỏi chúng ta trả văn hóa về với núi rừng, về
đúng với nơi chúng tồn tại, để văn hóa sống trong cộng đồng. Sự tham gia của
phương tiện truyền thông là cần thiết nhưng cần tế nhị khi can thiệp vào văn
hóa, đặc biệt ở những nền văn hóa sơ khai để tránh sự khô khan, cứng nhắc. Khi
thực hiện một lễ hội, những ý niệm tâm linh không thể tồn tại khi máy ảnh cứ chớp
liên tục, khi người tham gia phải tạo hình đủ tư thế để đẹp trong từng góc
quay. Nghệ thuật không tồn tại ở một bức ảnh đẹp giả tạo, sắp xếp. Bức ảnh chỉ
đẹp khi nó là khoảnh khắc thực, tự nhiên ta chớp được. Văn hóa không phải là một
vở diễn, đó là điều tự nhiên, tự thân của mỗi dân tộc. Và cần có phương án cho
tương lai. Những công trình chúng ta phục dựng sẽ phục vụ cho nhu cầu quảng bá,
du lịch hiện tại rồi tương lai sẽ đi về đâu? Không ít những di tích lịch sử được
phát hiện sau một thời gian phục vụ tham quan, du lịch đã trở thành bãi rác,
thành nơi hoang phế. Điều này đòi hỏi kế hoạch sau phục dựng phải thật chu toàn
và tỉ mỉ, bởi, tạo dựng đã khó, việc giữ gìn chúng còn khó hơn. Tôi đã từng
nghe nhiều người nói: “kinh doanh văn hóa
là kinh doanh có lợi nhất”. Nếu vì lợi nhuận mà tái tạo văn hóa, không khác
gì thèm ăn một thức quả chín nên đem ngâm quả non vào hóa chất. Vẫn là mùi vị
đó, nhưng hậu quả khôn lường cho cả người làm và người ăn. Tóm lại, điều cần nhất
để bảo lưu nét đẹp của văn hóa là cái tâm người làm.
Mục đích
cuối cùng chúng ta hướng đến là duy trì bảo lưu nét đẹp của nền văn hóa cổ cho
con cháu, cho dân tộc. Hội nhập là xu thế tất yếu, tương lai, nước ta sẽ bước
vào ngôi nhà chung của thế giới. Và giữa cộng đồng chung của thế giới, con cháu
chúng ta tự hào khi có khuôn mặt văn hóa của riêng mình. Đại ngàn là chiếc nôi
văn hóa, nền văn hóa ấy được gìn giữ trong những nếp nhà. Liệu rằng những ngôi
nhà – con thuyền ấy, có thể chở theo nền văn hóa độc đáo của dân tộc đến với thế
giới hay không? Điều này, đòi hỏi sự nỗ lực của chúng ta ở hiện tại.
Th.S
Bùi Quang Định
Nguyễn
Thị Lan Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét