Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

TRIẾT LÍ NHO - PHẬT - ĐẠO TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN DU

1.  Tư tưởng Nho – Phật – Đạo
1.1.   Nho Giáo
- Nền tảng của Nho Giáo là học thuyết Thiên mệnh coi Thượng Đế (Trời) là một thực tại siêu hình. Còn vua là người thừa mệnh trời cai trị thiên hạ. Vị trí của vua là bất khả xâm phạm, thay trời hành động, để dân có được cuộc sống trật tự, công bằng, ấm no, hạnh phúc. Nếu vua làm trái lệnh trời, mất lòng dân, không còn thích hợp Chính danh, thì nhân dân sẽ phán xét, lật đổ và sẽ tôn xưng một người khác lên, mà không cần thông qua phiếu bầu. Để phụ tá cho nhà vua cai trị nước, sống mẫu mực và đức hạnh, thông qua thi cử triều đình tuyển chọn một đội ngũ quan chức thiện hảo, lấy nền tảng từ các kinh điển: Ngũ Kinh, Tứ Thư. Số quan chức trí thức này cùng với nhà vua sẽ cai trị điều hành đất nước, về mọi mặt. Những người theo Nho Giáo thì:

+ Tuyệt đối tin tưởng cõi trời và một vị thượng đế độc tôn trông nom hành vi và đức hạnh của con người và triều đình.
+ Tin tưởng rằng con người là sinh vật cao quý nhất được tạo ra bằng tinh túy của trời đất.
+ Tin tưởng vào sự thưởng phạt vì điều tốt và xấu.
+ Tin tưởng vào mối quan hệ hỗ tương giữa cõi trời và đức hạnh của con người, việc làm tốt đem đến điềm lành và việc xấu đem đến sự trừng phạt.
+ Tin tưởng ngành thiên văn như là phương tiện để dự đoán mọi sự kiện và giải thích ý nghĩa về các hiện tượng của trời đất.
-           Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí Tín  xem như là hạt nhân của triết thuyết Nho Giáo. Trên nền tảng đó, giới Nho gia đã phát triển thành cả một hệ thống triết học đạo đức, chính trị và lịch sử.
-           Khổng Tử đề xướng một học thuyết quan trọng là Chính Danh. Theo ông, muốn xã hội có trật tự thì trước hết phải chính danh. Trong mối tương quan xã hội, mọi cái danh đều bao hàm một số trách nhiệm và bổn phận, phù hợp với danh xưng ấy, gọi là thuyết Chính Danh. Có thể được hiểu trong câu nói sau Vua hãy cư xử cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, và con cho ra con.
-           Theo Nho Giáo, Đạo Hiếu là nhân tố đạo đức quan trọng nhất trong suốt cả một đời người, có lẽ được biên soạn trước triều đại nhà Hán. Đạo Hiếu, quy định một số điều rất nghiêm khắc về các hành vi của con cái đối với cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời. Đạo hiếu còn mở rộng đến những mối quan hệ xã hội, giữa người trên kẻ dưới, dân và vua, thậm chí giữa con người với nhau, vì ai có thể thương kẻ khác thì không thể ghét bỏ cha mẹ.
-            Đây là đích điểm tối cao của việc tu thân. Tu thân của Nho Giáo bao gồm: Tam cương, ngũ thường, tam tòng, tức đức. Tam cương là nói đến 3 mối quan hệ: Vua và tôi, Quân và thần, Cha và con, Chồng và vợ. Ngũ thường là 5 điều phải có trong đời là: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tam tòng tức là 3 điều mà người phụ nữ phải có là: Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tứ đức là 4 nét đẹp của người phụ nữ: Công, dung, ngôn, hạnh.
-           Hơn hết, đạt Đạo là con đường ứng xử mà người quân tử phải có trong cuộc sống đó là: đạo Vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo bạn bè. Đạt đức là 3 nhân đức phải đạt được là: Nhân, trí, dũng. Nho Giáo đề cao việc hành đạo của người quân tử. Câu nói: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ như là kim chỉ nam cho tất cả những người quân tử. Đó chính là cách thức hành đạo trong Nho Giáo. Sau khi đã tu thân xong phải ra làm quan, làm chính trị, để bình thiên hạ. Việc trị quốc, bình thiên hạ phải được thực hiện bằng nhân trị: là cai trị bằng tình người, yêu người và coi người như mình. Nho Gia phải là người hướng dẫn, lãnh đạo xã hội, giúp cho xã hội được ổn định, phát triển và thăng tiến. Nho Giáo là đường lối giáo dục con người để trở nên bậc quân tử, thánh hiền. Như vậy, Giáo lý cơ bản của Nho Giáo chính là việc Tu thânHành đạo.
1.2.               Phật Giáo
-           Về hệ tư tưởng:
+ Đạo Phật cho thế gian là vô thường, ảo hóa, trong đó có cả bản thân con người. Bước đầu của người tu Phật trong một hình thức nào đó phải xa lìa thế gian.
+ Đạo Phật cho hiện tượng giới là một thể như như tương tự đại dương, do tâm thức phân biệt mà có sai biệt tướng cho mỗi người.
+ Phật Giáo tin vào học thuyết luân hồi rằng con người do tội lỗi của mình có thể phải trải qua kiếp súc vật.
+ Phật Giáo chủ trương cứu cánh là Niết bàn tịch tĩnh
+ Phật Giáo lấy lý tưởng tu hành sống độc thân, còn người Trung Hoa chủ trương nhất âm, nhất dương, giữ đạo hiếu với tổ tiên, với việc nối dõi tông đường là vô cùng quan trọng…
-           Nội dung về Giáo lý gói trọn trong Tứ Diệu Đế hay còn gọi là Bốn Thánh Đế mà Đức Phật khởi xướng: Khổ Đế (Kutai), Tập Đế (Jittai), Diệt Đế (Mettai) và Đạo Đế (Dòtai).
+ Khổ đế: Đời là bể khổ. Sinh, lão, bệnh và tử là những cái khổ chính, được xem là bốn cái khổ vật lý. Từ đó sinh ra bốn cái khổ về tâm lý khác: sống chung với người mình không ưa là khổ, xa lìa người mình thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, rồi cái ngũ uẩn, tức là cảm giác, tri giác, ý chí, nhận thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) … đều gây ra khổ hạnh cho con người. 
+ Tập đế: Sự khổ vốn có nguyên nhân kết tập từ lâu. Nguyên nhân khổ là vô minh, tham, sân, si và vọng động nên con người ham sống, thích vui sướng và càng được lại càng ham, vì những thứ đó không bao giờ thấy đủ nên sinh ra khổ. Đây là nguồn ngốc của sự khổ. 
+ Diệt đế: Muốn khỏi khổ não, phải có phương pháp để trừ sự khổ não. Phương pháp chính là phải hạ cái lòng tham xuống, rồi dần dần bỏ nó đi, cuối cùng phải cố loại trừ nó ra bằng được trong con người của mình. Điều này có nghĩa là con người phải từ bỏ ái dục và những điều liên quan tới ái dục ra khỏi mình để thoát ly phiền não. 
+ Đạo đế: con đường diệt khổ để giải thoát vĩnh viễn kiếp đau khổ, cần phải dùng đến con đường Bát chính đạo, tức chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Cũng vì thế mà nhân gian cho rằng Đạo Phật là đạo giúp ta nhập thế để cứu thế và hoằng dương nhân bản. Đạo phật là đạo của chân lý tình thương. Chân lý và tình thương là hai yếu tố chính cấu tạo thành xã hội nhân bản.
1.3. Lão Giáo
- Nếu triết lý Khổng Mặc quan niệm trời là Đấng tối cao, thì Lão Trang đả phá tư tưởng ấy và thiết lập vũ trụ quan mới của triết học Trung Hoa. Để giải thích bản thể của vũ trụ hay Đạo, Lão Trang thiết lập phạm trù triết học Hữu Vô. Triết thuyết chủ yếu của Lão Giáo bao hàm trong cuốn Đạo Đức Kinh.
-  Giáo lý cơ bản của Lão Giáo là học thuyết Vô vi, khí công, thái cực quyền, dịch cân kinh, tẩy tủy kinh, đó là con đường giải thoát khỏi mọi dục vọng. Từ đó, đi sâu vào cõi chân thân, qua chân thân tới đạo. Chân thân là tấm gương phản chiếu của đạo. ‘Vô vi’ không phải là không mà là nguyên lý của vạn vật, là đặc điểm của ‘Đạo’, có nghĩa là vô cực, vô hình, vô sắc, vô thanh, vô danh, vô trạng… 
-   đối lập với cái Hữu mà vô nó là nguồn mạch của Hữu. Vô là khía cạnh tiêu cực và bất định của hữu. Hữu va chạm vào nhau tạo ra cái khác và cuối cùng trở về với nguồn là vô. Giới ‘đạo sĩ’ khám phá tự nhiên, biểu hiện sự thích thú của họ về sự khám phá ấy và nỗ lực để đồng nhất với tự nhiên mà họ gọi là Đạo.
-  Đạo là ý niệm cao nhất của tư tưởng Lão Trang. Chính Lão tử dùng ‘Vô’ để chỉ thị Đạo hoặc Đức. Theo Lão Tử, Đạo có hai mặt:
+ Thứ nhất, Đạo là bản thể của thế giới, có trước trời đất vạn vật. Do vì Đạo vô cùng huyền diệu, cao thâm, không thể nào diễn đạt được tướng trạng của nó, vì vậy Lão Tử phải sử dụng khái niệm ‘Vô’ để diễn tả “Vạn vật trong thế giới đều sanh ra từ hữu, hữu sinh từ vô”.
+ Thứ hai, Đạo là quy luật biến hóa chung của mọi sự vật, vừa có trước sự vật, vừa nằm trong sự vật. Quy luật hoạt động của tự thân mỗi sự vật gọi là Đức.
2.       Biểu hiện của triết lí Nho – Phật – Đạo trong sáng tác của Nguyễn Du
2.1. Thơ chữ Hán
- Đạo Giáo:
Là một môn đệ của Lão Trang, Nguyễn Du đã để lộ tính cách nghệ sĩ, ưa cuộc đời thần tiên thoát tục qua rất nhiều bài thơ chữ Hán. Những bài thơ biểu lộ chí hướng lão Trang của Nguyễn Du hơn cả có thể là những bài thơ như Ký Hữu, La phù giang thủy các độc tọa, Đại tác cửu thú tư qui I, Mộ xuân mạn hứng.
Thực vật, trong bài Ký Hữu, Nguyễn Du thổ lộ rằng: Bởi con người sinh ra chẳng phải để trói buộc vào nghiệp quan lại cho nên còn sống ngày nào ông ta còn hy vọng có ngày được hưởng thú săn bắn, hay nằm khềnh nơi cửa sổ, buông hồn theo giấc mơ không muốn phải bận tâm vì việc đời:
Hữu sinh bất đái công hầu cốt
Vô tử chung tầm thỉ lộc minh
Tiễn sát bắc song cao ngọa giả
Bình cư vô sự đáo hư linh.
(Sinh ra vốn chẳng mang sẵn cốt công hầu, chưa chết, 
Nhất định có ngày lại làm bạn với hươu nai. 
Rất thèm được như bạn được nằm khểnh bên cửa sổ phía bắc, 
Thảng thích chẳng có gì bận đến tâm linh.)
Trong bài La phù thủy độc tọa, Nguyễn Du nhìn thấy cuộc đời thăng trầm như sóng biển:
Cổn cổn lãng hoa phủ cổ câm
Trần thế bách niên khai nhãn mộng
(Lớp sóng cổ kim chìm nổi mau.
Mở mắt trăm năm trong giấc mộng,)
Trong bài Đại tác cửu thú tư qui, Nguyễn Du có một quan niệm rất đen tối về vinh hoa, danh lợi mà ông cho là áo gấm đi đêm, huyền ảo ở ngoài thân mình, là áng mây buổi sáng mau tan, cho nên ông chỉ ao ước được làm thân lữ thứ trên trường:
Thiên lý ly gia lữ mộng trì
Dạ tú vinh hoa thân ngoại huyễn
Triều vân danh lợi nhản tiền phi
(Nhìn dặm xa nhà giấc mơ lữ thứ còn dài
Vinh hoa chẳng qua lá sắc áo gấm ban đêm như mộng huyễn
Danh lợi trước mắt chỉ là bóng mây bay buổi sớm)
Mà bởi đã nhìn đời bi quan như vậy cho nên ông mau mau được thoát ra ngoài vòng hữu hình để theo học đạo thần tiên:
Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại
Thiên tuế trường ưu vị tử tiền
Phù lợi vinh danh chung nhất tán
Hà như cập tảo học thần tiên
(Tấm thân không thể thoát ra khỏi vòng hữu hình, 
Chưa chết, cứ lo mãi chuyện nghìn năm. 
Danh lợi hão huyền cuối cùng tiêu tan hết, 
Sao bằng hãy sớm theo đạo thần tiên)
(Mộ xuân mạn hứng)
-  Phật Giáo:
Nếu môn đồ của Lão giáo gặp thấy ở Nguyễn Du một tín đồ say mê lý thuyết của Đức Thế tôn: Kinh Kim cương, tức kinh Phật, chẳng những ông tụng niệm, chiêm ngưỡng một hai lần mà có tới hơn vạn lần: Ngã độc Kim cương thiên biến linh (Ta đọc Kinh Kim cương hơn nghìn lần) (Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài)
Thực vậy lòng tôn sùng Phật và thái độ tôn giáo của Nguyễn Du đã được ông gửi gắm rõ ràng nhất ở hai bài ca: một là bài Để động nhị Thanh ở Lạng Sơn (Để nhị Thanh Động) hai là bài Đài phân kinh của Thái tử Chiêu Minh triều Lương (Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài). Ở cả hai nơi, Nguyễn Du đều bộc lộ cái thái độ tôn giáo hướng nội của ông, chống lại cái thứ tôn giáo hình thức, bên ngoài. Trong bài Đệ động Nhị Thanh, Nguyễn Du ca ngợi đạo Phật bao la không bờ bến cho nên không thể hạn định nó vào trong những vật hữu hình chật hẹp: con người Phật tử chân chính là người có tấm lòng thường định:
Mãn cảnh giai không, hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly thiền
Đại sư vô ý diệc vô tận
Phủ thân thành trung đa biến thiên
(Khắp cõi đã là không thì làm gì có tướng? 
Lòng này thường định không xa rời đạo thiền. 
Đạo Phật không tâm, không ý bao la vô tận, 
Cúi nhìn xuống thấy thành có nhiều sự đổi thay mà ngậm ngùi khôn xiết.)
Những tư tưởng tôn giáo hướng nội của Nguyễn Du đã được ông cô đúc nó lại trong bài Đài phân kinh của Thái tử Chiêu Minh triều Lương. Ta có thể tóm lượt đại ý bài này như sau:
Tôi có đến thăm một cái đài cũ, đổ nát tương truyền là đài xưa kia của thái tử Chiêu Minh đời Lương đã phân kinh. Nghe thì biết vậy chứ chẳng thấy kinh kệ gì ở đài này. Tôi thì nghĩ rằng, thái tử Chiêu Minh, vì tính trẻ, ham văn chương mới bày đặt ra chuyện phân kinh nhà Phật, chứ đạo Phật đã là không thì cần gì có kinh mà phân với chia. Đối với hạng u mê, vụ hình thức thì phật chẳng thấy mà rồi chỉ ma…Tôi nghe đức Thế Tôn thuyết pháp ở Linh Sơn.
Nhưng Linh Sơn, ta phải đi tìm nó ở đâu?
Linh Sơn thực chỉ tại lòng ta. Cây Bồ đề không phải là cây. Tôi tụng kinh Kim cương ngàn vạn lần má ý nghĩa thâm trầm đâu có hiểu. Nay đứng dưới đài Phân kinh này tôi mới hiểu kinh “không chữ” mới thật là “Chân kinh”.
-  Nho Giáo:
Mặc dầu mang tính chất Lão và Phật đến một mức đọ sâu xa đến như vậy, Nguyễn Du vẫn được dư luận từ xưa đến giờ coi như nhà Nho chính thống, ấy là chưa nói tới môn đồ Nho giáo đã có thể tưởng Nguyễn Du là một người thuần túy đạo Nho. Thực ra, chẳng những chất Nho giáo được thể hiện trội hẳn ở truyện Kiều về sau này mà ngay ở thơ văn chữ Hán của ông ta cũng thấy ông là một tín đồ thâm tín của Nho giáo. Tản mác qua thơ văn chữ Hán của ông, lập trường Nho giáo của Nguyễn Du được trình diễn khi thì đậm, khi thì nhạt, nhưng rất minh bạch. Như mọi nho sĩ của thời đại, Nguyễn Du cũng lấy Trung Hiếu làm đầu, nhưng khi có sự tranh chấp thì Trung phải thắng Hiếu, tổ quốc phải trên gia đình:
Thiên địa nhất thân trung dịch hiếu
Phong trần vạn lý quốc vong gia.
(Trời đất một lòng trung đổi hiếu 
Gió sương muôn dặm nước quên thân)
(Đại tác cứu thú tự quy)
Vì cho đạo trung là trọng và thiên liêng, cho nên Nguyễn Du lúc nào cũng canh cánh bên lòng tấm lòng ân hận chưa đền ơn vua, trả nợ nước.
Trong bài Giang đầu tản bộ, ông tự lấy làm xấu hổ không đáng sống vì chưa đền trả được mảy may ơn vua chúa: Quyên ai mạc báo sinh hà bổ (Ơn trên chưa đáp thẹn thay)
Trong bài Nam quan đạo Trung, ông phàn nàn rằng ơn vua chứa nhiều như biển cả mà chưa báo đáp được gì: Quân ân tự hải hào vô báo (Ơn vua như biển chưa mảy may báo đáp)
Đã có một quan niệm chân chính về Nho giáo, chẳng những Nguyễn Du sống đời sống hàng ngày của ông theo Nho giáo mà còn dựa vào Nho giáo để thẩm định các giá trị luân lý, xã hội trong xã hội loài người.
Nếu ông đã nhân danh Nho giáo kết án Tào Tháo (trong bài đồng Tước đài) kết án Tô Tần (Tô Tần đình), kết án Tần Cối, thì cũng nhân danh Nho giáo ông đã ca ngợi hết lời những người đã sống theo Nho giáo mà nhất là những người đã chết nhân danh Nho giáo.
Nhân ngắm hòn đá Vọng Phu trong bài Vọng Phu thạch, ông đã ngợi khen tấm lòng trinh tiết của đàn bà:
Vạn kiếp liễu vô vàn vũ mộng
Nhất trinh lưu đắt cổ kim thân
(Muôn kiếp không bao giờ có mộng mây mưa, 
Tấm thân giữ được trinh tiết mãi mãi. )
Nhân đi qua miếu thờ ba người đàn bà, người thì muốn giữ tiết, kẻ muốn giữ trinh cho nên đã liều thân dầm mình dưới nước, Nguyễn Du đã tôn xưng họ lên hàng liệt thánh, ca ngợi họ giữ trọn đạo tam cương ngũ thường:
Thiên thu bi kệ hiên tâm liệt
Vạn cổ cường thương thuộc nhất môn
(Bia kệ nghìn năm tôn thờ ba người đàn bà tiết liệt 
Dưới đất nhìn nhau, sắc mặt không hổ thẹn)
(Tam liệt miếu)
Đến như bọn tu mi mà đã đem thân hy sinh cho đạo cả thì Nguyễn Du không bao giờ tiếc lời tuyên dương họ.
Qua Tương Đàm viếng Khuất Nguyên, Nguyễn Du đã vừa khóc vừa suy tôn Khuất Nguyên: Ông khóc Khuất Nguyên bị rồng cá rỉa ăn hết, nhưng danh thơm Khuất Nguyên còn lưu muôn đời.
Viếng Văn Thiên Tường, Nguyễn Du đã có lời ca ngợi con người bất khuất để đến nổi bị quân Nguyên giết chết:
Tông quốc tam niên bi phóng trục
Sở từ thiên cổ thiện văn chương
Ngư long giang thượng có tàn cốt
Đỗ nhược châu biên hữu chúng phương
(Xa quê ba năm buồn phiền vì bị tống xuất, 
Nghìn đời sau thơ của ông vẫn hay nhất. 
Rồng cá đầy sông cốt tìm chẳng thấy, 
Bên bờ Đỗ nhược có giống cỏ thơm. )
(Tương Tam điếu Tam Lư đại phu)
Ai trung xúc xứ mình kim thạch
Oán huyết qui thời hóa đỗ quyên
(Lòng thơm chạm trổ lời kim thạch, 
Máu hận trào sôi kiếp tử qui. )
( Độ hoài hữu cảm văn thừa tướng)
Nếu ông ca ngợi cái chết hy sinh và anh dũng của Tỉ Can (Tỉ Can mộ) thi ông lại chê thái độ dễ dãi, mập mờ của Giả Nghị, vì ông này khi bị vua mình ruồng bỏ đã muốn đi tìm vua khác để phụng sự:
Giả sinh nhất phú đồ vi nhĩ
Liệt nữ tòng lai bất nhị phu
Hà đắc thê thê tướng cửu châu.
(Bài phú của thư sinh họ Giả chẳng có nghĩa lý gì 
Liệt nữ xưa nay không lấy hai chồng 
Cần gì phải tất tả đi khắp chín châu tìm vua khác )
(Biện giả)
Như thế, ta nhận thấy Nguyễn Du đã thực hiện được ở nơi ông sự điều hòa đến chổ tuyệt với của ba dòng tư tưởng Lão, Phật, Nho. Nếu các đạo sĩ nhìn thấy Nguyễn Du một môn đồ nhiệt tín của Lão, thì người phật tử cũng thấy ở Nguyễn Du một giáo hữu chân chính của Đức Phật và nhà Nho cũng hãnh diện có một Nguyễn Du như là chiến sĩ của đạo kiếp sau.
Có một điều đáng ghi chú là ngoài ba tôn giáo trên, thuộc thành phần trí thức nhiều hơn, còn một niềm tin hoàn toàn bình dân, của quảng đại quần chúng, tức lòng tin vào thần thánh ma quỷ và lòng tin ở cuộc sống ở thế giới bên kia. Như mọi người dân quê Việt Nam, Nguyễn Du cũng là một tín đồ của các niềm tin tưởng cổ truyện dân gian hết sức mầu nhiệm, phức tạp. Có lẽ, những niềm tin bình dân này đã đẩy Nguyễn Du đến những tâm tình lo sợ hoảng hốt khi phải nghĩ đến kiếp sau./.
2.2. Văn chiêu hồn
Văn chiêu hồn của Nguyễn Du hoàn toàn xuất phát từ tư tưởng Phật giáo, là bài văn tế chịu ảnh hưởng Phật giáo sâu sắc nhất. Sau này có người nhận thấy nó được phóng tác từ một khoa nghi của Phật giáo, khoa cúng Du già, nhưng uyển chuyển hơn, gần gũi hơn, lay động lòng người hơn, bởi vì nó đã thực sự chuyển thành tình cảm của chính tác giả, không còn mang tính lễ nghi quy phạm. Bài Văn chiêu hồn thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo của tác giả dành cho tất cả thập loại cô hồn, hay nói đúng hơn là cho tất cả mọi người. Từ ngữ và điển cố Phật giáo xuất hiện ngay câu đầu tiên (bảo sát, phương tiện, siêu tế, từ bi) và trong hầu hết các câu còn lại. Những từ ngữ và điển cố ấy thể hiện đắc lực tư tưởng Phật giáo về vô thường, nghiệp báo, giải thoát. Chưa có bài văn tế nào vượt khỏi Văn chiêu hồn về mức độ ảnh hưởng Phật giáo, cũng như chưa có tác giả nào sánh được với Nguyễn Du về tình yêu thương đồng loại.
-  Trước hết, đối tượng mà bài văn tế hướng đến như nhan đề mệnh danh là Thập loại chúng sinh, nghĩa là mười loại sinh vật theo nhà Phật, vẫn còn biến chuyển của nghiệp, dù là nghiệp thành Phật đi chăng nữa. Phật giáo thường chủ trương tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật. Dầu vậy, tùy theo chỗ mê ngộ cao thấp khác nhau, Phật giáo chia thành 10 loại chúng sinh, hay còn được gọi là Pháp giới: Phật (bậc đã giác ngộ hoàn toàn), Bồ tát (bậc giác ngộ còn thấp hơn Phật), Duyên giác (bậc giác ngộ còn thấp hơn Bồ Tát), Thanh văn (bậc giác ngộ ưu hưởng niết bàn có thể tương đương với Duyên giác, song trí tuệ còn thấp kém), Thiên (trời), Nhân (người), A tu la (quỉ thần), Địa ngục (chúng sinh ở cõi địa ngục đầy sự đau khổ), Ngạ quỉ (ma đói), Súc sinh (các loại súc vật),  
Tuy nhiên, trong bài văn tế này, đối tượng được Tố Như hướng đến là con người lúc còn sống cũng như khi đã chết:
     … Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm.   (câu 8)
Và một khi con người đã chết, hồn phách không được giải thoát sẽ vất vưởng đơn chiếc trong cõi trường dạ u minh. Thêm vào đó, cái chết đến với tất cả mọi người không phân biệt thấp hèn, sang quí, ngu hoặc trí, nếu không được tái sinh vào kiếp khác sẽ vẫn còn:
     Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
     Hương lửa đã không nơi nương tựa,
     Hồn mồ côi lần lữa bấy niên
     Thực ra, đạo Phật ít chú trọng về hồn, hiểu hồn như là một thực tại còn lại sau khi đã khuất. Đối tượng của bài văn tế nhắm đến tuy là cầu kinh giải thoát cho những oan hồn đã khuất còn vất vưởng, nhưng lại còn có mục đích sâu xa hơn hướng đến người còn sống, thức tỉnh tâm hồn của họ đang mải miết chốn u mê:
Nhờ phép Phật uy linh dõng mãnh,
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao
Tố Như tiên sinh là con người đã thấm nhuần sâu đậm tư tưởng và con đường của đạo Phật chắc chắn không thể nào hướng bài văn tế đến những vong hồn kẻ chết theo quan điểm bình dân được. Hoặc giả, tiên sinh chỉ mượn quan điểm Phật giáo bình dân về việc thờ cúng các cô hồn chưa được siêu thoát xem như một thứ phương tiện, tùy duyên hóa độ đúng theo tinh thần khế cơ, khế hợp của đạo Phật trong việc khai mở tâm hồn của lớp bình dân mà thôi. Thêm vào đó, việc Phật giáo tổ chức các lễ trai đàn cúng kiến các vong hồn thực ra không đúng với con đường của đức Phật chủ trương, song các phương tiện phù hợp với lớp bình dân, như thờ cúng kẻ đã khuất sẽ là thứ phương tiện để tỉnh thức họ một cách gần gũi hơn. Cúng kiến người chết chỉ là cách thức làm yên lòng kẻ còn sống, hầu dần dần đưa họ đến con đường chân chính (chính đạo). Trên chiều hướng ấy, Nguyễn Du đã vẽ lại những hình ảnh đau thương của kiếp người với bao nhiêu sự tranh chấp, bao nhiêu mưu toan lừa đảo, bao nhiêu sự sắp đặt danh lợi, bao nhiêu nỗi nhọc nhằn gian lao…để rồi tất cả trả về cho cát bụi, đôi tay buông xuôi, chỉ còn lại nấm cỏ khâu đầu sông bãi nọ. Tất cả đều vô thường, tất cả đều là không, từ không mà có và từ có mà đi.
Kiếp phù sinh như hình như ảnh
Có chữ rằng vạn cảnh giai không
 Bên trong cái vỏ có tính cách bình dân đó, Tố Như đã lồng vào các quan niệm có tính cách tri thức, thể hiện đúng đắn tinh thần nhà Phật hơn. Mỗi người đều chứng đắc được cái tâm, tức là thấy được Phật tính nằm ở cõi lòng của mình sẽ đạt đến cảnh giới giải thoát khỏi vòng luân hồi, tái sinh:
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi
 Chữ ai ai nhắm đến đối tượng chính yếu là con người, người chết cũng như kẻ sống. Thành thử, xét một cách chung, tuy đối tượng của bài văn tế là nhắm đến việc giải oan cho những oan hồn uổng tử, song cũng nhằm khuyến dụ và thức tỉnh những người còn sống nữa.
-  Thứ đến, Nguyễn Du tiên sinh cũng đưa ra nhiều chi tiết trình bày cuộc đời của những kiếp người khác nhau. Đại để, trừ đoạn đầu (1-12) và đoạn cuối (137-184), chúng ta có thể phân thành 14 tiểu đoạn phác họa về người đời và đời người:

+ Câu 22-32:  Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh …
                        Mà cô hồn biết bao giờ cho tan.
+ Câu 33-44:  Cũng có kẻ màn lan trướng huệ …
                    Càng năm càng héo, một đêm một dài.
 + Câu 45-56:  Kìa những kẻ lâu đài phượng các …
                    Nặng oan khôn lẽ tìm đường hóa sinh.
 + Câu 57-68:  Kìa những kẻ bài binh bố trận …
                  Nào đâu điếu tế nào đâu chưng thường.
 + Câu 69-80:  Cũng có kẻ tính đường trí phú …
                 Tuần hương giọt nước biết tìm vào đâu.

+ Câu 81-92:    Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý …
                   Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng.
 + Câu 93-96:  Cũng có kẻ ra vào sông bể …
               Đem thân chôn giấp vào lòng kình nghê
 + Câu 97-100:   Cũng có kẻ đi về buôn bán …
                  Hồn đường phách xá lạc loài nơi nao.
 + Câu 101-108:  Cũng có kẻ mắc vào khóa lính …
               Tiếng oan văng vẳng tới trời càng thương
 +  Câu 109-116: Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp …
                           Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu
 +  Câu 117-120:  Cũng có kẻ nằm đầu gối đất …
               Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan.
 +  Câu 121-124:  Cũng có kẻ mắc đoàn tù rạc …
                        Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi.
 +  Câu 125-128:  Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé …
                        U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
   + Câu 129-136: Kìa những kẻ chìm sông lạc lối…
             Có người sa sẩy, có người khốn thương …
 Mỗi một tiểu đoạn trên biểu trưng cho một thân phận con người, và cũng chính mỗi đoạn trên cho thấy trạng huống đau thương của kiếp người, dù sang hèn, lầu cao cửa rộng hay đầu đường xó chợ, bãi bể hay góc núi .. Tất cả những hình ảnh khổ đau đầy rẫy cảnh bể nương dâu đó, Tố Như đã thu tóm lại trong câu:
Kiếp phù sinh như hình như ảnh,
Có chữ rằng “vạn cảnh giai không”.
 Nói khác đi, tất cả những hoàn cảnh ấy đã trình bày những khía cạnh vô thường như quan niệm của nhà Phật nơi mỗi kiếp người. Đời người như trong bài văn tế phác họa cũng chính là quan niệm về Khổ đế (Dukkha) của đạo Phật: Sinh, Lão, Bệnh, Tử là Khổ, vì vẫn còn trong vòng sinh hóa của luật vô thường. Còn Vô Thường là còn khổ đau, vì vẫn còn trong chốn u mê, vô minh của kiếp người (nhân giới).
-  Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh  hay Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du hơn bất cứ tác phẩm nào khác của tiên sinh đã biểu lộ rõ rệt tinh thần Từ Bi của nhà Phật. Tâm hồn cảm xúc chân thành của một thi sĩ hòa với cảm quan đạo Phật đã khiến tiên sinh có những lời lẽ thống thiết, thương xót thân phận làm người. Và lồng trong những ngôn từ đó, tấm lòng từ bi của tiên sinh được thể hiện và những lời lẽ, những hình ảnh đưa ra ngầm chứa sự khuyên răn, muốn ra tay tế độ, thức tỉnh kẻ còn sống u mê bằng hình thức văn tế dành cho kẻ chết vậy.
Tóm lại, bài Văn Tế Thập Loại chúng Sinh đã có một giá trị thật đặc biệt. Kinh nghiệm mà Tố Như tiên sinh chân nhận được từ cuộc đời xuyên qua bài văn tế là một bài học thiết cần cho sự đào luyện con người của tiên sinh. Vấn đề thời điểm sáng tác trước hoặc sau Đoạn Trường Tân Thanh không quan hệ, điều trọng yếu là tiên sinh đã viết tất cả hai tác phẩm bất hủ ấy bằng cả kinh nghiệm bản thân nới cuộc sống. Và kinh nghiệm đó cũng chính là thứ kinh nghiệm mà đạo Phật, nói một cách chung và Thiền đạo, nói một cách riêng, đòihỏi phải từng trải.
2.3. Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều)
Nhắc đến Nguyễn Du là nhắc đền Truyện Kiều, nói đến Truyện Kiều là đề cập đến nền văn học trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Giá trị của tác phẩm đã được khẳng định qua câu nói Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn (Phạm Quỳnh). Một trong những đặc điểm giúp cho Truyện Kiều thấm nhuần văn hóa Việt, và là biểu hiện của con người Việt đó là mang đậm tư tưởng Nho, Phật, Đạo.
-           Nho Giáo:
+ Thuyết Thiên mệnh, quan niệm Tài mệnh tương đố
Ngay trong những câu mở đầu tác phẩm - đoạn giới thiệu nguồn gốc, đề tài, cốt truyện và cảm hứng chủ đạo của tác giả, Truyện Kiều đã đề cập đến các triết lí:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau.

Đây là thuyết Tài mệnh tương đố của các nhà Nho áp dụng cho mọi người (Nam cũng như nữ). Là con người thì có tài ắt mệnh kém và ngược lại. Quan niệm được nọ mất kia, hơn tài kém mệnh là tinh thần giáo điều dựa theo đề tài, cốt truyện trong các tác phẩm xưa thể hiện khuynh hướng cảm hứng chính thống trong nền văn học trung đại. Khuynh hướng ấy đã được các tác giả kinh điển của Nho gia phát ngôn như qua sách Luận ngữ trong câu Thuật nhi bất tác có nghĩa là: Noi theo, dựa theo (người xưa) mà không sáng tạo.
Nguyễn Du cho rằng mọi khổ đau tủi nhục của Kiều đều do trời định. Trong Truyện Kiều tư tưởng thiên mệnh ấy được tác giả thể hiện dưới dạng tài mệnh tương đố, hồng nhan bạc mệnh. Ở đây, mâu thuẫn giữa tài và mệnh tập trung ở nhân vật nàng Kiều. Tài là tài năng, nhan sắc, là những gì tốt đẹp của con người. Tài là một giá trị thực tại. Số mệnh là một thực thể siêu hình, nó không tồn tại và không có hiệu lực thực tại nhưng ở Truyện Kiều mệnh có một vai trò to lớn: chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Tác giả đã nhận thức nỗi khổ của Thúy Kiều với một ý nghĩa siêu hình, bản chất số phận của nàng là mâu thuẫn giữa tài và mệnh. Bởi theo thuyết thiên mệnh của Nho giáo, người ta giàu nghèo sướng khổ là do trời định trước: tử sinh hữu mệnh, phú quí tại thiên. Người ta bằng kinh nghiệm ở đời, theo hướng duy tâm thần bí để suy ra rằng, sở dĩ có điều bất bình là đạo trời vốn gét cái trọn vẹn (tạo vật số toàn/ tạo hóa kị doanh) :
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quyen thói má hồng đánh ghen.
Tài hoa thì bạc mệnh! Đó là mệnh đề mà tác giả đã chứng minh bằng cuộc đời của Thúy Kiều. Kiều được miêu tả như một người đẹp toàn diện. Sắc đẹp ấy, tài năng ấy đã dự báo một cuộc đời đầy sóng gió bởi: rằng hồng nhan tự thủa nào/ cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu. Hay ẩn trong tài chính là họa: chữ tài liền với chữ tai một vần.
Mệnh đề ấy còn được Nguyễn Du cụ thể hóa ở nhân vật Đạm Tiên. Đạm Tiên cũng là người con gái đẹp, tài năng nổi danh tài sắc một thì nhưng:
Kiếp hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
Nhìn chung, Nguyễn Du cắt nghĩa cái đau khổ của Thúy Kiều hay cái đau khổ của cuộc đời nói chung thông qua nàng Kiều là do mâu thuẫn giữa tài và mệnh. Tư tưởng ấy dường như quán xuyến từ đầu đến cuối tác phẩm và được tác giả khái quát ở phần cuối tác phẩm
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt nhầm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao được mới phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào.
+ Quan niệm Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ Tam tòng tứ đức
Khi phác hoạ hoàn cảnh gia đình của nhân vật chính, Nguyễn Du đã lấy tiền đề từ bối cảnh Nho giáo. Trước hết, Vương Quan, em trai của Thúy Kiều, là hậu duệ của Nho gia. Ta có thể hiểu câu sau đây trong phần đầu Truyện Kiều đã thể hiện màu sắc Nho giáo.
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.
      Ngày xưa, Nho giáo quy định người đàn ông đã trưởng thành thì phải làm đội mũ (Quan lễ) và người phụ nữ đến tuổi trưởng thành thì phải làm lễ vấn tóc cài trâm (Kê lễ). Việc thực hiện những lễ nghi như vậy là sự xác nhận tư cách con người trong cộng đồng. Ta có thể cảm nhận được màu sắc Nho giáo trong câu thơ nói về việc chị em Thuý Kiều đã đến tuổi thực hiện lễ cài trâm.
Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Trong Nho giáo có ba điều mà người phụ nữ phải tuân theo gọi là Tam tòng chi đạo, đó là người phụ nữ khi còn nhỏ thì theo cha, khi lấy chồng thì phải theo chồng và khi chồng chết thì phải theo con. Nói xuất giá tòng phu chính là trong Tam tòng chi đạo mà ra. Ta có thể thấy được nàng Kiều tuân theo Tam tòng chi đạo và coi trọng trinh tiết trong câu thơ sau đây trong Truyện Kiều.
Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Gieo thoi, trước chằng giữu giàng,
Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?
      Hình thái của Nho giáo thể hiện một cách mạnh mẽ nhất thông qua chế độ khoa cử. Thông qua chế độ khoa cử mà ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo càng đi sâu và thấm mạnh vào xã hội phong kiến. Trong truyện Kiều thì Kim Trọng và Vương Quan đã thi đỗ khoa cử. Việc thi đỗ khoa cử có nghĩa là việc xây dựng lại gia môn và có ý nghĩa thành công về mặt cá nhân. Kim Trọng cũng nhờ vào thi đỗ mà tái ngộ với Kiều và  do đó truyện Kiều mới có thể kết thúc có hậu như vậy. Nhờ việc thi đỗ mà sự đảo ngược kịch tính của cuộc đời đã hình thành. Cửa trời đã được mở rộng, con đường công danh trở nên thênh thang.
Chế khoa gặp hội trường văn,
Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày.
Cửa trời rộng mở đường mây,
Hoa chào ngõ Hạnh, Hương bay dặm phần.
      Và ta có thể nói rằng, chế độ khoa cử và sự hiển đạt khoa hoạn của các nhân vật nho sĩ trong Truyện Kiều là những khía cạnh quan trọng tạo nên bối cảnh Nho giáo của tác phẩm.
+ Chữ Hiếu :
Trong vụ án oan thằng bán tơ cả gia đình Kiều bị tan nát, cha và em trai bị bắt và bị tra tấn tàn bạo. Để kiếm số tiền 300 lượng để chuộc cha và em, Kiều đành phải bán mình. Việc này làm cho Kiều phải khó xử với tình yêu vừa mới chớm nở với Kim Trọng:
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thề hải minh sơn,
Làm con, trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình, nặng mới hạ tình,
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!
Rõ ràng, đó là chữ Hiếu cao cả mà Nho giáo đề cập. Với việc khai thác các giá trị có tính Nho giáo như Trung - Hiếu – Nhân – Nghĩa - Lễ - Trí - Tín trong Truyện Kiều có thể có những đóng góp giá trị vào sự phát triển văn hóa truyền thống của xã hội Việt Nam. Tuy nhiên trong Truyện Kiều sự ảnh hưởng của Nho giáo được thể hiện rõ nét nhất trong việc lí giải số phận nhân vật chính- Thúy Kiều bằng thuyết thiên mệnh.
-           Tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều
Bên cạnh việc vận dụng học thuyết Nho giáo, Nguyễn Du còn vận dụng học thuyết Phật giáo vào việc lí giải số phận nhân vật, bỏi vì dường như khi giải thích bằng thuyết thiên mệnh, ông vẫn chưa thực sự thỏa mãn, vẵn bị bế tắc. Vì thế Nguyễn Du đã tìm đến đạo Phật.
+  Quan niệm Đời là bể khổ của nhà Phật
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Chủ ý của hai câu này là từ tư tưởng Phật giáo: Đời là bể khổ, ý chính là đoạn trường (đau đớn đến đứt ruột) cũng là để nêu nhan đề của tác phẩm: Đoạn Trường Tân Thanh (Tiếng mới đứt ruột).
Chữ ở đây dùng để nhấn mạnh một lời than của tác giả đau đớn vì thấy hết được cái đau đớn của nàng Kiều, bởi tác phẩm của ông là một tiếng kêu thương, tiếng kêu đứt ruột không chỉ cho một mà cho mọi số kiếp bị đọa đày.
+ Thuyết nghiệp báo
Giáo lý nhà Phật khẳng định rằng: Nước bao giờ cũng chảy xuống, tham muốn và tình dục sẽ đưa con người vào vòng trầm luân đau khổ.  Vâng, chính tham muốn và tình dục là một sức mạnh đẩy con người vào trong vòng trầm luân đau khổ, hay nói theo triết lý của nhà Phật là nghiệp báo luân hồi. Là một nhà Nho, học vấn thâm sâu, thông hiểu Phật lý, cụ Nguyễn Du đã một cách sâu sắc thuyết nghiệp báo luân hồi nầy.  Cho nên chúng ta thường thấy bàng bạc tản mác trong truyện Kiều những câu thơ như sau:
Kiếp xưa đã vụng đường tu
Kiếp này chẳng kẻo đến bù mới xuôi
Dẩu sao bình đã vỡ rồi
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!
Hay câu:
Người này nặng kiếp oan gia
Còn nhiều nợ lắm sao đà thác oan!
Hoặc là:
Làm cho sống đọa thác đày
Ðoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!
Hay câu:
Cũng là oan nghiệp chi đây,
Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng!
Kiếp này duyên đã phụ duyên
Dạ đài còn biết sẽ đền lai sanh!
Ðã đành túc trái triền oan
Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi!
Dựa vào thuyết luân hồi nghiệp báo của nhà Phật, chúng ta thấy rằng chết không phải là hết, chết chi là một sự thoát xác, thay đổi từ một trạng thái sinh hoạt này qua trạng thái sinh hoạt khác, đau khổ hoặc sung sướng hơn, tùy nghiệp nhân mình gây tạo ra ở kiếp trước.  Người Việt Nam chúng ta nói riêng, các dân tộc Á đông nói chung phần nhiều đều hấp thụ theo tư tưởng nghiệp báo luân hồi này của Phật giáo, nên không bao giờ chúng ta tin rằng chết là hết, chết là mất hẳn. Nàng Kiều cũng đã tin như thế trong lời thơ sau:
Kiều rằng những đấng tài hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh.
Ðể chứng minh cho lòng tin ấy, Nguyễn Du đã cụ thể hóa sự kiện xuất hiện mờ ảo linh thiêng của Ðạm Tiên trong buổi chiều Thanh minh, bên nấm mồ vô chủ của người con gái bạc mệnh ấy.  Sau đó, tiên sinh lại diễn tả thêm những phút ứng hiện gặp gỡ trong mộng và những phút trùng phùng tái ngộ ở sông Tiền Ðường giữa nàng Kiều và Ðạm Tiên.  Ðiều này lại một lần nữa chứng minh cho ta thấy chết không phải là hết là chấm dứt với cuộc đời.  Nhất là những người chết oan, chết bất đắc kỳ tử, chưa trả xong món nợ trần duyên, ở cuộc thế thì lại càng không phải là hết hơn nữa.  Phần còn lại ấy của con người sau khi chết, chúng ta thường gọi là tinh anh, là linh hồn.  Và linh hồn ấy thường tồn tại ở thế giới vô hình, u linh, hiển hách, phảng phất trong hương khói và thường hay trở về trần thế để viếng thăm những nơi có nhiều liên hệ với mình trong khi còn sống, nhứt là ở những ngày húy kỵ, chạp giỗ... Cũng vì tin như thế, nên các gia đình ở Việt Nam và ở các nước Á Ðông thường có tục lệ tổ chức những cuộc tế lễ đình đám linh đình trong những ngày kỵ giỗ.
Cụ Nguyễn Du đã diễn tả tập quán và lòng tin ấy của giới bình dân Việt Nam qua lời căn dặn của nàng Kiều đối với em là Thúy Vân:
Mai sau dầu có bao giờ
Ðốt lò hương ấy so tơ phím nầy
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió là hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rảy xin chén nước cho người thác oan !
Thúy Kiều đã có cái nghiệp nặng nằm sẵn ở trong mình, cho nên từ lời nói cho đến tiếng đàn đánh ra, đều có giọng đau đớn sầu khổ.  Người đã có nghiệp như thế tức đa sầu, đa cảm. Theo triết lý nhà Phật thì ở đời không có cái gì là không có nhân duyên, mà cái nhân duyên ấy kết thành cái nghiệp.  Cái phần tốt, phần hay của Kiều là ở chỗ dù khổ sở thế nào, cũng giữ được tâm trong sạch, lòng nhân nghĩa và sức phấn đấu với nghiệp chướng của mình.  Giá trị của con người ở đời cốt ở chỗ ấy, mà cái nhân cách con người ta rõ rệt là cũng ở chỗ ấy.
Cái nghiệp đã định đi đến đâu mới hết, thi cứ phải đi cho đến cùng, chứ không sao trốn được bởi cái nghiệp là do tự mình gây ra cho mình chứ không phải là cái nghiệp từ đâu gây ra mà bắt mình phải chịu. Vì cái nghiệp bó buộc nàng Kiều chặt chẽ như thế, cho nên cô phải chịu những sự đắng cay, như gặp SKhanh đánh lừa, bị tú bà bắt ra tiếp khách.  Thôi thì cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.  Ðến khi gặp Thúc lang, tưởng thoát khỏi chỗ lửa hồng, ai ngờ lại bị Hoạn Thư hành hạ.  Trốn nhà Hoạn Thư đi ở chùa, tưởng là trút được nợ duyên, không may lai gặp bọn họ Bạc đem về Châu Thai. Cứ hết chìm lại nổi, nổi rồi lại chìm.  Ở Châu Thai gặp được Từ Hải trong mấy năm nguôi nguôi, nhưng lại nghĩ đến việc binh đao hại người, xui Từ về hàng ngờ đâu lại bị Hồ Tôn Hiến đánh lừa đem gả cho Thổ quan, giắt nàng đến sông Tiền Ðường là hết đời cô Kiều.  Nhưng đời cô đến đó hết thì cái nghĩa chữ nghiệp không rõ là cái nghiệp do việc đã làm trước mà thành. Vậy nên tác giả làm nối thêm đoạn tái hợp và đem lời sư Giác Duyên nói chuyện với sư Tam Hợp để định rõ chỗ nghiệp nọ chuyển sang nghiệp kia.  Việc cô Kiều hưởng thụ cái nghiệp khác, đã rõ ra ở lời Ðạm Tiên báo mộng cho Kiều ở sông Tiền Ðường khi mới vớt lên, Ðạm Tiên nói:
Rằng tôi đã có lòng chờ
Mất công mười mấy năm thừa ở đây
Chị sao phận mỏng đức dầy
Kiếp xưa đã vậy lòng nầy dễ ai
Tâm thành đã thấu đất trời
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân
Một niệm vì nước vì dân
Âm công cất một đồng cân đã già
Ðoạn trường sổ rút tên ra
Ðoạn trường thơ, phải đem mà trả nhau
Còn nhiều hưởng thụ về sau
Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào
Khi nàng Kiều còn đang phải chịu cái nghiệp trước, thì từ lời nói đến tiếng đàn, cái gì cũng có cái giọng sầu khổ đau đớn.  Thế mà Kiều đã trút hết cái nghiệp trước, bước sang chịu cái nghiệp khác, thì trong lòng thư thái, không bồn chồn như trước nữa, ngay tiếng đàn có đánh ra lúc ấy người ta nhận ra rằng: Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?
+ Thuyết nhân quả
Theo triết lý của nhà Phật thì ở giữa đời này không có một cái gì tự nhiên mà có, ngẫu nhiên mà sanh.  Nàng Kiều sở dĩ mang lấy nghiệp báo sống đọa, thác đày như thế cũng không phải ngẫu nhiên mà có, tự nhiên mà sanh.  Chính là do một túc duyên tiền định, hay nói đúng theo danh từ Phật học là luật nhân quả tức là gây nhân gì thì phải chịu quả ấy.  Nhân lành thì quả an vui, hạnh phúc:
Luật nhân quả này được Nguyễn Du diễn đạt qua lời báo mộng cho Kiều:
Rỉ rằng nhân quả dở dang
Ðã toan trốn sự đoạn trường được sao?
Số còn nặng kiếp má đào
Người dù muốn quyết trời nào đã cho?
Ở đoạn khác cụ Du lại diễn tả đạo lý nhân quả như sau:
Vả trong thần mộng mấy lời
Túc nhân âu cũng có trời ở trong
Kiếp này nợ trả chưa xong
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau ?
Rồi thì:
Cho hay muôn sự tại trời
Phụ người chẳng bỏ khi người phụ ta
Mấy người bạc ác tinh ma
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương?
Cũng cùng một quan điểm như trên, ở một đoạn khác, Nguyễn Du lại trình bày thuyết nhân quả một cách giản dị và phổ thông hơn nữa qua hai câu thơ sau:
Nàng rằng: lồng lộng trời cao
Hại nhân nhân hại sự nào tại ta?
Ðấy là gì nếu không phải là trình bày một cách khác đi thuyết thiện giả thiện báo, ác giả ác báo (làm lành được quả tốt, làm ác thì chịu quả báo xấu) của Nho học. Có thứ nhân quả trực tiếp dễ thấy, có thứ nhân quả gián tiếp khó thấy, có thứ nhân quả hiển hiện báo ứng trong hiện kiếp và cũng có những thứ nhân quả báo ứng qua nhiều đời cách biệt thời gian và kiếp sống.  Ở đây cũng thế, nàng Kiều dù hiện tại là một người con gái hiếu nghĩa, biết hy sinh cho cha mẹ, gia đình, nhưng biết đâu ở quá khứ nàng đã gây ra các ác nghiệp? Những ác nghiệp ấy đã đến lúc thuần thục thì phải chịu quả báo đau khổ, về sau mới được thoát ly mà hưởng thọ mọi điều an lạc phước báo nhờ nhân thiện ở đời này.  Cho nên triết lý nhân quả của nhà Phật có chia thành nhiều thứ như: nhân quả hiện tại, nhân quả nhiều đời, nhất thế nhân quả, và tam thế nhân quả...
Những câu văn trên, ngoài việc chứng minh thuyết nhân quả hiển hiện báo ứng qua nhiều đời ở quá khứ, hiện tại và vị lai, nó còn có tác dụng chứng minh cho ta thấy thêm một lần nữa về định lý nghiệp báo luân hồi của đạo Phật.
Ở đây có điều chúng ta cần nghĩ rằng: đọc Truyện Kiều và qua những câu thơ đã trích dẫn trên cho thấy quan điểm nhân quả nghiệp báo của cụ Nguyễn Du không những chỉ ảnh hưởng với thuyết Nhân quả nghiệp báo của Phật giáo, mà còn ảnh hưởng mật thiết với thuyết Thiên mệnh của Nho giáo nữa.  Thật ra, Kiều với oan nợ túc khiên do tiền định và với những đọa đày lao khổ muốn chấm dứt cuộc đời của nàng trong một kết luận buồn thảm đau thương và bất công như thế.  Ông đã muốn thể hiện đạo lý thiện nhân thiện báo, ác nhân ác báo của Nho giáo và Phật giáo trong hiện kiếp qua cuộc đời của nàng Kiều chứ không phải chờ đợi đến lai thế như thuyết tam thế nhân quả nữa.
Vì muốn chứng minh một cách rõ ràng rằng thuyết nhân quả báo ứng là một định lý hiển nhiên thật có, và mọi người kể cả nàng Kiều đều có thể được đáp ứng tương ứng với những hành vi, ngôn ngữ và ý nghĩ của mình đã tạo ra trong kiếp sống hiện tại nên tác giả của truyện Kiều đã làm cho Kiều sống lại thoát ly mọi oan khiên tiền định ở sông Tiền Ðường.
Dựa vào sự kiện này ta có thể quan niệm rằng: đối với nàng Kiều, sông Tiền Ðường là một kết chung của cuộc đời hồng nhan bạc mệnh, cuộc đời phó mặc cho rủi may tiền định, bất lực trước mọi hoàn cảnh éo le thử thách, nhưng đồng thời sông Tiền Ðường đối với Kiều cũng là khởi điểm cho một cuộc đời mới, cuộc đời hướng tới tự lực nội tâm, rưới tắt những trần duyên tục lụy và ngày đêm trau giồi đức hạnh giải thoát.  Cuộc đời ấy theo Nguyễn Du là:
Phật tiền thảm lấp sầu vùi
Ngày pho thủ tự đêm nhồi tâm hương
Cho hay giọt nước cành dương
Lửa lòng rưới tắt mọi đường trần duyên.
Ðiểm đặc biệt của đạo Phật là ở chỗ phàm là con người dù tội lỗi bao nhiêu, nhơ nhớp đến bực nào, nhưng nếu biết thành tâm sám hối, ăn năn tội lỗi thì cũng có thể trở thành người lương thiện trong sạch được. 

Tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều còn thể hiện ở quan niệm về chữ tâm. Trong kinh luận, Phật giáo thường chép: tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức (ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới là do tâm, vạn pháp hữu hình, vô hình, tâm pháp, sắc pháp đều do thức tạo ra). Theo đạo phật, tâm là chủ thể của muôn sự muôn vật. Riêng đối với con người mọi vật đều do tâm thúc đẩy. Với Kiều tâm cũng quyết định mọi vui buồn và giá trị của đời sống:
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Đọc Truyện Kiều chúng ta còn bắt gặp cả tinh thần từ bi bác ái, vị tha của đạo phật. Điều đó thể hiện ở cách ứng xử của kiều với những ngưỡi xung quanh. Kiều đã hy sinh tình yêu, hy sinh hạnh phúc riêng tư của bản thân để cứu gia đình ra khỏi cơn gia biến. Đó là lòng hiếu thảo. Mười lăm năm lưu lạc, mười lăm năm chịu kiếp đọa đày, đáng ra nàng phải thương phận mình nhưng lúc nào kiều cũng băn khoan về những người thân, về mẹ cha, về Kim Trọng. Đó chính là sự vị tha.

Đọc Truyện Kiều chúng ta còn bắt gặp âm hưởng của đạo phật qua những thuật ngữ của đạo phật: đoạn trường, am mây, Nhồi tâm hương... Lúc ở "quan âm các" nhà Hoạn Thư, công việc của thúy kiều được Nguyễn Du tả như sau: ngày phô thủ tự, đêm nhồi tầm hương. Ngày phô thủ tự, nghĩa là ngày bày ra chép kinh. Đêm nhồi tầm hương, ở đây là ngũ phần hương, năm thứ hương của pháp thân là: giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Nhồi tầm hương là ngồi thiền để tô bồi năm phần hương của pháp thân

-           Đạo Giáo:

Trong Truyện Kiều, tư tưởng Đạo giáo được lồng ghép, hòa hợp với Phật giáo và Nho giáo. Điều này xuất phát từ quy luật tự nhiên trong đời sống đã có sự dung hòa giữa các tư tưởng.

Ở đây, biểu hiện tiêu biểu nhất thể hiện tư tưởng Đạo giáo trong tác phẩm này chính là quan niệm về tướng số bên cạnh thuyết Thiên mệnh trong Nho giáo. Quan niệm ấy được thể hiện trong việc xây dựng dáng vóc, nhân dạng của các nhân vật. Quan niệm này có sự gần gũi với quan niệm dân gian là Nhìn mặt mà bắt hình dong. Ví như để diễn tả vẻ đẹp phúc hậu và có cuộc sống bằng phẳng êm đềm của Thúy Vân thì Nguyễn Du tả:
Vân xem trang trọng khát vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Các chữ khuôn trăng, đầy đặn, nét ngài nở nang gợi lên một vẻ đẹp căng tròn và báo trước một số phận an lành, trọn vẹn.
Còn Thúy Kiều lại khác. Với những dòng như:
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liều hờn kém xanh.
Đó cũng là một vẻ đẹp rất tươi mới của tuổi xuân thì, hơn hẳn với những vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhưng đó là dấu hiệu báo hiệu cho một số phận bấp bênh, trôi nổi, bi ai. Có thể nhận thấy hai sắc thái so sánh vẻ đẹp của hai nàng với thiên nhiên hoàn toàn khác nhau. Cũng là đều có sự vượt trội khiến cho thiên nhiên phải ghen tị nhưng nếu vẻ đẹp của Thúy Vân khiến cho mây thua, tuyết nhường thì đối với Thúy Kiều lại là Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Ở Thúy Kiều còn có sự ghen ghét báo hiệu một sự trả thù nhan sắc một cách ghê gớm.

Không chỉ có vậy, các nhân vật còn lại cũng được quy chiếu bởi quan niệm tướng số này. Ví như miêu tả về Từ Hải là một anh hùng thì phải là:
Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tất rộng thân mười thước cao
Đó là những nét phác vẽ điển hình để xây dựng về một mẫu anh hùng. Nó khác với vẻ nho nhã của chàng Kim Trọng:
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.

Trên đây lại là dấu hiệu nhận biết của một chàng trai thư sinh, vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.
Còn với Tú Bà, Mã Giám Sinh thì lại được vẽ bằng những nét vẽ khác. Tú Bà thì:
Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao?
Hay như Mã Giám Sinh thì:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Đó là biểu hiện, dáng vẻ của phường gian manh, chợ búa, sống chà đạp lên người khác, là những hình dung cần phải né chừng. Đó là quan niệm tướng số xuất phát từ Đạo giáo nhưng có liên hệ với thuyết Thiên mệnh của Nho giáo.
-           Sự giao thoa của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo
+ Tác phẩm Truyện Kiều vừa tồn tại triết lí của Nho giáo nhưng không tồn tại một cách biệt lập mà có sự kết hợp với tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo. Ví như tư tưởng Thiên mệnh. Nhà thơ giải thích tư tưởng định mệnh của Nho giáo bằng ngôn ngữ của Phật giáo nhưng nó gắn liền với quan niệm tướng số trong Đạo giáo. Mâu thuẫn của tài và mệnh là là biểu hiện tư tưởng định mệnh của Nho giáo thì nguồn gốc sâu xa của nó lại chính là chữ nghiệp theo quan niệm của Phật giáo. Để thủ tiêu mâu thuẫn của tài và mệnh, con người phải tu tâm bởi vì theo đạo phật thì thiện căn - gốc rễ của cái thiện là ở trong lòng mình. đây là những lời của sư tam hợp khi nghĩ về cuộc đời Kiều:
Sư rằng phúc họa đạo trời
cội nguồn cũng ở lòng người mà ra
có trời mà cũng có ta
tu là cội phúc tình là dây oan.
+ Đọc Truyện Kiều, chúng ta bắt gặp rất nhiều câu thơ thể hiện sự giao thoa của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo. Chữ trời có khi được tác giả thay bằng chữ thiên mệnh của nho, cũng có lúc được thay cho chữ nhân quả, kiếp nghiệp của đạo phật. Ngay trong cuộc đời mình, có lúc Kiều cho rằng ngọn nguồn khổ đau của mình đều do trời nhưng cũng có lúc nàng đổ lỗi cho nghiệp, kiếp:
Nàng rằng nhân quả dở dang
Đã toan trốn nợ đoản tàng được sau
Số còn nặng nợ má đào
Người đà muốn chết trời nào có cho


Nguyễn Du dùng chủ nghĩa thiên mệnh để cắt nghĩa cuộc sống mà chủ nghĩa thiên mệnh thì có tính cách siêu hình, trong khi đó ông cũng lờ mờ nhẩn ra rằng con người cũng có vai trò to lớn trong việc cải tạo vận mệnh của mình: xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều, do đó nhiều trường hợp tác giả tỏ ra không nhất quán, bế tắc khi lí giải đau khổ của Thúy Kiều hay đau khổ của cuộc đời nói chung. Vì vậy, Nguyễn Du đã tìm đến đạo phật với mong muốn giải thoát được sự bế tắc ấy. Và ở đây ông đã gặp chữ tâm của đạo phật thiện căn ở tại lòng ta/ chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Sự đan xen của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo trong Truyện Kiều một mặt phản ánh mâu thuẫn trong thế giới quan của Nguyễn Du, mặt khác phản ánh đặc trưng tư tưởng của thời đại bấy giờ.

Nhóm của
Nguyễn Thị Thùy Nhân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét