Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI CHIẾN SĨ TRONG VĂN XUÔI 45 - 75

Cách Mạng tháng Tám 1945 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cuộc tổng khởi nghĩa vẻ vang này không chỉ có ý nghĩa đánh dấu những mốc sự kiện cách mạng tiêu biểu mà quan trọng hơn Cách mạng tháng Tám còn là bước chuyển mình trong mọi lĩnh vực của đời sống lịch sử xã hội. Sau ngày Hồ Chủ Tịch đọc bản “ Tuyên Ngôn Độc Lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cả quân và dân ta chuyển sang một giai đoạn đấu tranh mới, khốc liệt hơn, khó khăn hơn. Giai đoạn lịch sử 1945 – 1975 với hai cuộc kháng chiến trường kì : kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ.


Có thể nói Cách mạng tháng Tám không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà nó còn là dấu mốc ghi nhận sự chuyển biến của đời sống văn học dân tộc. Cách mạng tháng Tám trở thành cầu nối nhà văn đến với hiện thực cách mạng. Giúp cho các nhà văn trước cách mạng “ nhận đường”, sáng tác phục vụ cho nhiệm vụ làm cách mạng, sáng tác theo quan điểm “ sống rồi hãy viết”. Chính vì vậy mà bức tranh văn học thời kì này có nhiều biến đổi cả về chất và lượng. Quan trọng nhất là văn học thời kì này đã có cùng chung một mục đích sáng tác, một chiến hào chiến đấu, cùng hướng ngòi bút về một tâm điểm của văn học là hiện thực cách mạng.

Từ đó dẫn tới các nhân vật trung tâm trong các sáng tác văn học giai đoạn này cũng có nhiều điểm tương đồng trong các tác phẩm văn học cụ thể. Tuy các nhân vật được xây dựng từ những tiểu tiết khác nhau như quê hương, hoàn cảnh, thành phần xuất thân, các mâu thuẫn và tình huống truyện tạo nên những điểm nhấn trong cuộc đời song tựư chung lại họ vẫn gặp nhau ở một điểm cốt yếu: các nhân vật ấy đều là những đứa con tinh thần lớn lên và trưởng thành trong chiếc nôi cách mạng.

Trở lại khái niệm nhân vật trung tâm, như ta đã biết nhân vật trung tâm là kiểu nhân vật tham gia vào mọi diễn biến, mọi tình tiết của cốt truyện. Nhân vật này là tâm điểm diễn ra các sự kiện, là sợi dây kết nối và chắp dính các sự kiện, các tình tiết lại với nhau tạo nên những hiệu quả thẩm mĩ cho tác phẩm. Nhân vật trung tâm vừa mang cái riêng lại vừa mang cái chung, đồng thời vừa là nhân vật điển hình vừa là nhân vật tâm điểm. Có thể khẳng định một điểu nhân vật trung tâm trong văn xuôi giai đoạn 1945 – 1975 là nhân vật người chiến sĩ. Bởi sống trong hiện thực cách mạng với cuộc kháng chiến trường kì đầy gian khổ như vậy, đề tài cách mạng có một sức hút mạnh mẽ thôi thúc các nhà văn cầm bút. Vì một lẽ đơn giản  văn chương cũng là vũ khí, các văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên các mặt trận văn hoá. Nhà văn nào chưa viết về cách mạng, chưa viết về hiện thực chiến tranh, chưa viết về người chiến sĩ thì tự coi mình như là chưa từng được sống và chiến đấu bằng ngòi bút để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ dân tộc. Chính vì thế mà hình ảnh người chiến sĩ đã trở thành nhân vật trung tâm cho rất nhiều tác phẩm. Các nhà văn bằng những trường liên tưởng, bằng ngòi bút sắc sảo của mình tập trung khắc hoạ biết bao tấm chân dung mà ở đó chứa đựng những nét tinh tuý nhất của con người Việt Nam trong kháng chiến. Tuy rằng mỗi nhà văn lại có những cách khai thác rất riêng, rất đặc trưng cho phong cách của mình, đặc trưng cho từng giai đoạn kháng chiến kiến quốc của dân tộc.

Như chúng ta đã biết, từ xa xưa trong lịch sử, người lính Việt Nam đã có những nét riêng trong hoàn cảnh xuất thân. Lực lượng cách mạng đều bắt nguồn từ mọi tầng lớp nhân dân. Không phân định tuổi tác, nghề nghiệp, dòng dõi. “Khi giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã trở thành một khẩu hiệu quen thuộc. Chính vì thế có rất nhiều ý kiến cho rằng nhân vật trung tâm trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 không phải là người chiến sĩ mà là người lính. Nếu xét về nghĩa, người lính mới là kiểu hình tượng nghệ thuật mang tính cụ thể và đại diện cho “ người bộ đội” theo đúng nghĩa của nó, tức là đó phải là những người sống và chiến đấu trong một đơn vị cách mạng cụ thể. Tuy nhiên xét cho cùng, người chiến sĩ mới là nhân vật trung tâm của văn học giai đoạn này. Bởi hình tượng người chiến sĩ là hình tượng mang tính chất bao quát, nó bao hàm cả hình tượng của người lính trong đó. Bên cạnh các hình tượng khác như: người thanh niên xung phong, dân quân du kích, thanh niên tự vệ, các chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi… Tất cả các hình tượng này góp phần tạo nên hình tượng người chiến sĩ có mặt trên tất cả các mặt trận, các trận địa chiến đấu của dân tộc. Vì vậy, nếu xét nhân vật trung tâm của cả giai đoạn văn học 1945- 1975 có thể tiếp cận nó từ hình ảnh người chiến sĩ.

Văn học thời nào cũng thế, trước hết, đó là câu chuyện về con người, về những dâu bể thăng trầm của lịch sử. Bởi vậy, sự thay đổi của thời đại văn học này so với thời đại văn học khác, ngẫm ra, luôn gắn với sự thay đổi trong cách quan niệm về con người.

Mặc dù cách khám phá về con người trong văn học hết sức phong phú và đa dạng nhưng dường như thời đại văn học nào cũng cố gắng khắc họa nên những nhân vật thể hiện rõ nhất chân dung tinh thần của thời đại mình. Ðó chính là loại nhân vật trung tâm trong văn học mà trước, nay chúng ta thường nói đến.
 
Nếu trong văn học trung đại, nhân vật nổi bật nhất trên sân khấu văn học là những bậc chính nhân quân tử: Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình (Nguyễn Ðình Chiểu) thì nhân vật trung tâm của văn học lãng mạn lại là những con người cô đơn, những cái tôi quá khổ trong mối quan hệ với thực tại. 

Nếu như nhân vật chính trong văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng là những nạn nhân của xã hội như anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo... thì trong văn học cách mạng sau 1945, nhân vật trung tâm của văn học chính là những con người bình thường mà vĩ đại. Họ hiện lên với tư cách là chủ nhân của thời đại mới: Ngực dám đón những phong ba dữ dội/Chân đạp bùn không sợ các loài sên (Tố Hữu). 

            Cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra một trang sử mới đối với lịch sử dân tộc nói chung và đối với văn học - nghệ thuật nói riêng. Gắn liền với thời đại văn học mới là sự xuất hiện của một kiểu nhà văn mới, một nguồn cảm hứng sáng tạo mới và một hệ thi pháp nghệ thuật mới. Các nhà văn luôn ý thức một cách sâu sắc vị thế của mình trong lịch sử: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu” (Xuân Diệu) và luôn luôn nuôi dưỡng một khát vọng: “Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát/Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta” (Tố Hữu). 
            Hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại đã khiến cho văn học cách mạng 1945 - 1975 tràn đầy cảm hứng sử thi và lãng mạn. Trong quầng sáng sử thi, nhân vật trung tâm của thời đại là những con người mang trong mình lý tưởng cao cả, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, luôn luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.


Trong dòng văn xuôi Việt Nam giai đoạn này, do hiện thực cách mạng có những điểm khác nhau trong ba giai đoạn nhỏ : Kháng chiến chống Pháp( 1946- 1954), giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam (1954- 1965), Kháng chiến chống Mỹ ( 1965 – 1975). Để khảo sát được toàn vẹn nhân vật trung tâm của văn học trong giai đoạn này, có thể tiếp cận nó từ những phân đoạn nhỏ hơn.

v     Hình ảnh người chiến sĩ trong kháng chiến Chống Pháp:

Trong giai đoạn này các tác phẩm văn xuôi tiểu biểu viết về người chiến sĩ bắt đầu có những thành tựu cơ bản, các nhà văn sau khi được “ nhận đường” với một đôi mắt nhìn toàn diện về cuộc kháng chiến và ý nghĩa lịch sử của nó đã tập trung tâm huyết của mình vào những trang viết về cách mạng. Hình ảnh người chiến sĩ cũng dần trở thành hình ảnh trung tâm cho các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí với các tác giả tiêu biểu như Trần Đăng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Hồ Phương….

Về cơ bản các nhà văn trong giai đoạn này khai thác hình ảnh người chiến sĩ trong cái nhìn tổng quan với tập thể, các nhân vật được xây dựng trong một bối cảnh tập thể. Tức là hình tượng người chiến sĩ được xây dựng khá chung chung, chưa thực sự đi vào một nhân vật cụ thể và điển hình như các giai đoạn sau. Cảm hứng sử thi trong các sáng tác văn xuôi trong giai đoạn này thực sự chưa đậm đặc và tiêu biểu như trong kháng chiến chống Mỹ. Các nhà văn viết về những người chiến sĩ áo vải, chủ yếu xuất thân từ những người nông dân. Ra trận vẫn còn lưư luyến với hình ảnh “ giếng nước, gốc đa, sân đình” nơi làng quê. Họ sống và chiến đấu như trong cảnh “áo anh rách vai / quần tôi có vài mảnh vá”. Gắn bó với nhau trong hoàn cảnh vô cùng khốc liệt của cuộc chiến.

Các tác phẩm “ xương sống” trong văn xuôi giai đoạn này phải kể đến một số tác phẩm tiêu biểu : Thư nhà của Hồ Phương, Vợ chồng A Phủ ( Tô Hoài), Một lần tới thủ đô ( Trần Đăng ), Trận phố Ràng ( Trần Đăng), Làng  (Kim Lân) , Xung kích ( Nguyễn Đình Thi)…

Thư nhà là một câu truyện hết sức cảm động về cuộc đời người chiến sĩ cách mạng mang tên Lượng. Nhân vật này có một cuộc đời đầy ắp những đau khổ, cha mẹ mất trong một trận càn của quân Pháp, em trai là Lân thì ốm đau,người yêu của anh bị giặc Pháp làm nhục rồi thả về làng. Cô xa lánh và trốn tránh anh, vượt lên những đau khổ tưởng chừng như vô bờ đó, Lượng vẫn sống và chiến đấu trả thù cho cha mẹ ,cho Nhi, cống hiến và đóng góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

     Một lần tới thủ đô của Trần Đăng kể về 4 chiến sĩ từ chiến khu rừng núi về thủ đô Hà Nội, nhưng trước cảnh tráng lệ của Hà Nội họ không hề chú ý tới mà vấn tiến thẳng về quảng trường. Họ đi thẳng theo hàng tiến quân người đi trước giẫm lên bước chân của người đi sau, họ trở về chiến khu không nhớ đến những hào hoa của Hà Nội mà chỉ nhớ cảnh kéo lá cờ đỏ sao vàng vào mỗi sáng.

Xung kích của Nguyễn Đình Thi lại là một câu truyện kể về cuộc tiến công của một đơn vị bộ đội do Sản làm đại đội trưởng với kế hoạch tấn công các đồn bốt địch ở Tam Đảo. Cùng với các nhân vật như Kha, Sản… Xung Kích đã xây dựng nên một hình tượng người chiến sĩ cùng tập thể chiến đấu một cách đầy anh dũng, quả cảm và mưư trí.

Cùng với các nhân vật khác như Mị, A Phủ  ( Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), ông Hai ( Làng – Kim Lân ), Độ , anh thanh niên vác bó tre (Đôi mắt – Nam Cao ), Lượng , Sản, Kha … đã tạo nên một hình tượng đẹp đẽ về hình tượng người chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Đó là một hình tượng đẹp trong văn học Việt Nam, đó là bước tiếp nối với hình tượng sĩ phu yêu nước trong quá khứ và là hình tượng mở đầu cho hình tượng chiến sĩ giải phóng quân kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này. Đó là những tượng đài bất hủ của lòng yêu nước và tự hào dân tộc của nhân dân ta, cũng xin mượn hình tượng người chiến sĩ mà Nguyễn Đình Thi đã miêu tả làm lời kết cho hình tượng người chiến sĩ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp anh hùng của dân tộc : “ Những người lính trẻ với những gương mặt tươi sáng lắm khi cũng lấm lem bùn đất. Họ đi lại với tinh thần xông pha hăng hái, thỉnh thoảng trên gương mặt lại nhoẻn ra một nụ cười. Tôi liên tưởng hình ảnh đẹp đó với hình ảnh của đất nước. Đất nước đang trải qua những cơn thử thách và hình ảnh của đất nước vụt lên từ than bụi lầy bùn và rạng rỡ ánh sáng mới. “ Nước Việt Nam từ trong máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng loà”.

Hình ảnh người chiến sĩ trong văn học Việt Nam  giai đoạn 1954- 1965:

Đây là giai đoạn văn học phản ánh công cuộc xây dựng XHCN ở miền bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Văn xuôi giai đoạn này viết về hình tượng người chiến sĩ tập trung chủ yếu trong các tác phẩm :  Một chuyện chép ở bệnh viện ( Bùi Đức Ái ), Đất nước đứng lên  ( Nguyên Ngọc), Quê hương ( Vũ Tú Nam), Trên mảnh đất này ( Hoàng Văn Bổn), Sống mãi với thủ đô ( Nguyễn Huy Tưởng), Sóng gầm ( Nguyên Hồng), Vỡ bờ ( Nguyễn Đình Thi)….

Sống mãi với thủ đô là một câu truyện Nguyễn Huy Tưởng viết về những người chiến sĩ ở lại Hà Nội, sống và chiến đấu bảo vệ thủ đô những ngày đầu kháng chiến bùng nổ. Trần Văn là một nhân vật như thế, một con người sống có lí tưởng, nhận thấy rõ trách nhiệm của một con dân đất Việt. Lí tưởng của chàng được thể hiện rõ ràng qua những nhận thức cách mạng soi chiếu so sánh với người yêu cũ – Trinh - một người phụ nữ chỉ biết có bản thân mà không tìm thấy lí tưởng của tuổi trẻ. Trần Văn đã nói lên những suy nghĩ cũng như những quyết tâm của bản thân mình: “ Tôi nghĩ lúc này là lúc chúng ta lấp cái nhục bằng gươm súng đấy. Mà nếu vì quân Pháp mà chiến tranh xảy ra thì chúng ta sẽ cho chúng nó biết rằng vì chúng ta không phải là một giống hèn”.

Trên mảnh đất này của nhà văn Hoàng Văn Bổn lại là một câu truyện kể về những lực lượng dân quân tự phát đánh giặc ở miền đông Nam bộ. Với những nhân vật như Ba Râu, Út Nhỏ, Vườn Mười Thơm…họ chưa có một đường lối đấu tranh rõ ràng với sự chỉ huy của Đảng, mặc dù họ là những người chiến sĩ chiến đấu rất  anh dũng và ngoan cường xong phải khi có sự lãnh đạo của chính uỷ Nhẫn họ mới nhận ra được con đường “ kách mệnh” của mình. Câu truyện cũng là những tình tiết hết sức cảm động về lòng yêu nước cũng như ý chí chiến đấu của nhân dân Nam Bộ.

Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc lại là một tác phẩm xây dựng về một hình tượng người anh hùng dân tộc có trong đời thường – anh hùng Núp. Một người chiến sĩ ngoan cường quả cảm, sống và chiến đấu vô cùng quật cường bảo vệ xóm làng, bảo vệ nhân dân.

Bên cạnh đó ta còn bắt gặp hình ảnh chị Tư Hậu đẹp đẽ, ngời sáng trong câu chuyện của nhà văn Bùi Đức Ái với những dòng khắc họa nhân vật đậm nét, đanh sắc. Một người chiến sĩ hậu phương quả cảm, hết lòng vì cuộc kháng chiến trường kì đấu tranh thống nhất đất nước.
Nói chung trong giai đoạn này hình ảnh người chiến sĩ được khắc hoạ có những điểm nhấn và cụ thể hơn so với giai đoạn trước, tuy nhiên so về chất sử thi và anh hùng ca lãng mạn thì cũng chỉ có khởi sắc bước đầu, mới chỉ dừng lại ở một số nhân vật điển hình mang tính chất trung tâm song chưa thực sự đậm nét và tiêu biểu như trong kháng chiến chống Mỹ. Các nhân vật đã có tên , tuổi, đã có những hướng đi và những hướng hành động  phát triển theo tình tiết truyện nhưng cảm hứng sử thi trong văn xuôi vẫn chưa thực sự nổi bật.

v     Hình ảnh người chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ:

Những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ , cả dân tộc tưng bừng khí thế: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “Có những ngày vui sao/Cả nước lên đường”. Lý tưởng, hành động của lớp lớp thanh niên ngày ấy là “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Vì độc lập tự do của Tổ quốc, tất cả đều hướng ra tiền tuyến, quên đi tất cả những toan tính riêng tư, những suy nghĩ cá nhân vì chiến thắng cuối cùng, không sợ hy sinh, gian khổ và bom đạn của kẻ thù.

 Tuy nhiên, chiến tranh vẫn cứ theo đúng quy luật của nó. Chiến tranh là sự tàn phá kinh hoàng, là sự hy sinh, tổn thất to lớn, là máu và nước mắt, sự ly tán đau thương cho mỗi một cá thể, mỗi gia đình và toàn xã hội. Chiến tranh tàn phá về vật chất, tàn phá tinh thần. Nó làm đổ vỡ không chỉ hiện tại, mà còn công phá đánh dấu vào quá khứ và để lại hậu họa cho tương lai của con người.

 Văn học Việt Nam thời kỳ ấy đã có nhiều tác phẩm lớn Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Hòn đất (Anh Đức), Rừng động (Mạc Phi), Trên quê hương anh hùng Điện Ngọc ( Nguyễn Trung Thành), Bão biển ( Chu Văn ), Từ tuyến đầu tổ quốc ( Nguyễn Quang Sáng),  Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm (Đặng Thùy Trâm), Mãi mãi tuổi hai mươi ( Nguyễn Văn Thạc), Sống Như Anh ( Trần Đình Vân)….với những cảm hứng hào sảng, mang đậm màu sắc sử thi anh hùng ca lãng mạn và nhân vật trung tâm là những người lính trẻ.

Tập trung khai thác vẻ đẹp anh hùng của người lính thông qua những trang viết của mình, các nhà văn đã làm sống dậy âm hưởng sử thi hào hùng của cả một thời đại “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.Các nhà văn xây dựng các nhân vật điển hình của mình với những hình ảnh trong các bôí cảnh chiến đấu chống lại bom đạn ác liệt của kẻ thù, trong những bối cảnh thể hiện những xúc cảm, tình yêu và tình đồng đội gắn bó.

Dấu chân người lính của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm tiêu biểu cho hình tượng người lính trẻ trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm viết chủ yếu tập trung vào cuộc chiến đấu của quân ta tại chiến trường Khe Sanh với những nhân vật chủ chốt như chính uỷ Kinh, đại đội trưởng Nhẫn, các chiến sĩ trẻ như Lữ, Khuê…. Đây là cuốn tiểu thuyết thành công vang dội của Nguyễn Minh Châu trong việc kết hợp xây dựng hình tượng người lính trẻ trên hai bình diện của hai yếu tố lãng mạn tiểu thuyết và sử thi anh hùng. Chủ đề cơ bản của Dấu chân người lính là lịch sử dân tộc. Nội dung chủ yếu nói về cuộc hành quân, vây đánh giặc ở núi rừng Quảng Trị. Đề tài chiến tranh chi phối hầu hết cuộc sống của các nhân vật, chẳng hạn như gia đình chính uỷ Kinh. Kinh và con trai Lữ được phân công ra chiến trường trực tiếp chiến đấu bảo vệ đất nước. Vợ Kinh ở lại hậu phương thực hiện vai trò “ người phụ nữ đảm đang” đảm bảo một hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh lớn và thắng lớn. Con trai út đi du học chuẩn bị kiến thiết đất nước trong tương lai. Tiểu thuyết tập trung khai thác các sự kiện lịch sử trong dòng chảy của nó, tập trung khắc họa những vẻ đẹp của người lính trong những trận đánh ác liệt nhưng đầy vẻ vang của dân tộc.

Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành lại là một tác phẩm đề cập đến vẻ đẹp của người anh hùng dân tộc thiểu số trong sứ mệnh của người chiến sĩ giải phóng cho bản mường . Câu truyện xoay quanh cuộc đời Tnú, Dít, Mai, và những khoảng rừng xà nu bạt ngàn tượng trưng cho sức mạnh của người dân Xô Man. Với những tình tiết thể hiện sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường, quả cảm của Tnú, của Mai trước sự tàn bạo của quân thù.

Hòn Đất  (Anh Đức)  và  Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi) lại là những tác phẩm khắc hoạ những người chiến sĩ dân quân du kích Nam Bộ. Gan dạ, mưu trí chiến đấu tới hơi thở cuối cùng để bảo vệ mảnh đất quê hương với một câu nói nổi tiếng của chị Út Tịch “ Còn cái lai quần cũng đánh”.

Nói chung trong kháng chiến chống Mỹ hình ảnh người chiến sĩ đóng vai trò là nhân vật trung tâm được khắc hoạ khá rõ nét với những cảm hứng sử thi anh hùng ca tráng lệ. Đây là một nét khác biệt rất lớn so với nghệ thuật xây dựng nhân vật trung tâm trong các giai đoạn trước, nó góp phần tạo nên những hơi thở riêng cho từng thời kì lịch sử với những cảm hứng bắt nguồn từ hiện thực cách mạng cụ thể. Nó làm sống dậy vẻ đẹp hùng tráng của một thời kì đầy gian khổ nhưng cũng vô cùng oanh liệt.

Nhân vật trung tâm trong toàn bộ mạch vận động và phát triển của dòng văn xuôi 1945- 1975 với hình tượng người chiến sĩ đa diện trên mọi mặt trận đã chi phối toàn bộ đời sống nội tại của văn chương giai đoạn này. Tuy thông qua mỗi thời kì, mỗi phân đoạn nhỏ như trong kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), trong giai đoạn kháng chiến kiến quốc ( 1954- 1965), và trong kháng chiến chống Mỹ ( 1965 – 1975 ) hình tượng ấy lại có những đặc điểm và những nét riêng biệt xong tựư chung lại vẫn mang những đặc điểm lớn của văn học trong cả một giai đoạn kháng chiến trường kì.

Các nhà văn đã sống, đã viết về đề tài chiến tranh với cái “ nhìn nghiêng” về cuộc chiến với những ánh hào quang chiến thắng vì thế nhân vật trung tâm cũng mang những âm hưởng sử thi anh hùng ca rất rõ nét. Một âm hưởng khởi nguồn từ trong văn học dân gian – kho tàng văn học phong phú. Số lượng các tác phẩm viết về người chiến sĩ trong giai đoạn này không thể đếm hết được, nhưng trong những tác phẩm nổi tiếng, có ý nghĩa và giá trị lịch sử, giá trị thẩm mĩ thì hoàn toàn có thể khảo sát được về hình ảnh nhân vật trung tâm. Qua việc phân tích hình tượng này với những lát cắt văn học nhỏ hơn như đã triển khai ở trên, ta thấy nổi lên những đặc điểm sau của hình tượng người sĩ trong văn xuôi hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945- 1975:

Thứ nhất, hình tượng người chiến sĩ được miêu tả rất cụ thể và phong phú về hoàn cảnh gia đình và tầng lớp xuất thân. Trong kháng chiến chống Pháp, người chiến sĩ chủ yếu có nguồn gốc xuất thân từ người nông dân chân chất, mộc mạc. Họ xung phong ra trận với một tấm lòng yêu nước tha thiết mà rất đỗi giản dị của người dân quê. Các lực lượng chiến sĩ trong giai đoạn này còn chủ yếu là nông dân nên mức tinh nhuệ của khả năng chiến đấu còn nhiều hạn chế. Các nhà văn cũng chỉ tập trung vào miêu tả những tình cảm đồng đội, đồng chí, miêu tả vẻ đẹp tinh thần tập thể. Chưa thấy xuất hiện nhiều những tấm gương cá nhân xây dựng theo cảm hứng sử thi như trong kháng chiến chống Mỹ. Trong giai đoạn kháng chiến kiến quốc 1954 – 1965 người chiến sĩ được khai thác từ sự xuất hiện của một lực lượng mới : lượng lực trí thức tiểu tư sản tham gia vào cuộc kháng chiến. Những cung bậc cảm xúc cá nhân cũng bắt đầu trở thành một cảm hứng sáng tác trong văn học giai đoạn này. Đến kháng chiến chống Mỹ hình tượng người chiến sĩ được khai thác toàn diện trên mọi phương diện, họ không chỉ xuất thân là những người nông dân yêu nước, những người trí thức, mà còn là những già bản, những người anh hùng dân tộc thiểu số, còn là những thanh niên xung phong đầy dũng cảm.

Thứ hai, hình tượng người chiến sĩ trong văn học giai đoạn này được xây dựng trên rất nhiều bối cảnh khác nhau. Có khi vẻ đẹp con người họ được toát lên từ trong khung cảnh chiến trận ác liệt như các nhân vật Tnú, Lữ, Khuê, Sản, Kha, ….nhưng cũng có khi là được khai thác từ những bối cảnh rất đỗi đời thường như đọc thư nhà ( Lượng trong Thư nhà của Hồ Phương), trong cảm xúc nhớ thương về gia đình ( Chị Út Tịch trong Người Mẹ cầm súng của Nguyễn Đình Thi, Người cha trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng…), những tình cảm nam nữ, tình yêu đôi lứa như trong Mãi mãi tuổi hai mươi ( Nguyễn Văn Thạc), Mảnh trăng cuối rừng ( Nguyễn Minh Châu)…Nhưng tựu chung lại những bối cảnh đó đều khai thác tới một trung tâm điểm mạnh nhất, chi phối toàn bộ sự vận động của cảm xúc nhân vật đó là tình đồng đội, đồng chí; tình yêu với đất nứơc, quê hương; tình cảm với lãnh tụ và lí tưởng cách mạng ; tình yêu đôi lứa…

Thứ ba, trong hình ảnh người chiến sĩ trong văn học giai đoạn này ta thấy vẻ đẹp nổi bật mà các nhà văn tập trung khai thác đó chính là vẻ đẹp của lí tưởng cách mạng. Ngọn nguồn chi phối mọi cảm hứng lãng mạn, sử thi anh hùng ca trong toàn bộ tiến trình vận động của văn học trong hai cuộc kháng chiến oanh liệt. Vẻ đẹp này đã làm nên sức sống mãnh liệt cho hình tượng người chiến sĩ trong một giai đoạn văn chương hào sảng. Các nhà văn tập trung khai thác vẻ đẹp của các nhân vật trung tâm người chiến sĩ thông qua tinh thần chiến đấu anh dũng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của họ ; thông qua những tấm gương anh hùng hi sinh tuổi xuân cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đó là nhân vật đại đội trưởng Sản trong Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Tnú trong Rừng Xà Nu của Nguyễn Trung Thành, nhân vật trong Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, những nhân chứng sống trong Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong Sống như anh của Trần Đình Vân, Chị Sứ trong Hòn Đất của Anh Đức, Chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Đình Thi…Nhưng có thể nói vẻ đẹp người chiến sĩ với lí tưởng cách mạng tiêu biểu trong trong tác phẩm Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu). Đây là cuốn tiểu thuyết tập trung miêu tả các sự kiện lịch sử trong chiến dịch Khe Sanh – Nam Lào lịch sử. Các nhân vật trong tiểu thuyết được xây dựng trong bối cảnh chiến đấu khốc liệt với bom đạn kẻ thù. Cũng từ đó mà nhân vật trong tác phẩm toát lên một vẻ đẹp hùng tráng, mang đậm cảm hứng sử thi. Chiến dịch Khe Sanh được tác giả Nguyễn  Minh Châu miêu tả vô cùng ác liệt : “…Hàng chục toán thám báo biệt kích thường xuyên hoạt động ráo riết chung quanh các khu rừng già miền Tây Bắc tỉnh Quảng Trị này chả khác nào một hàng phòng tuyến thủy lôi thả ngầm dưới đáy biển. Tất cả đều nhằm cho một chiếc tàu chiến đang thả neo đậu một chỗ. Hãng USIS đã bình luận: “Tầm quan trọng chiến lược của tiền đồn Khe Sanh được coi như một chiếc mỏ neo phía Tây tuyến phòng thủ về hướng Bắc của Mỹ”. Chiếc tàu chiến Hoa Kỳ đang thả neo giữa rừng này chở trong lòng nó một lúc sáu ngàn lính thủy đánh bộ mặc áo cổ da và đội mũ có gắn hình mỏ neo bằng bạc. Đó là con số Mỹ đóng ở Khe Sanh trước khi những người lính trinh sát quân giải phóng xuất hiện. Có lúc con số ấy đã tăng lên tới bốn vạn rưỡi tên, kể cả Mỹ và ngụy, kể cả những tên làm nhiệm vụ đóng chốt và những tên làm nhiệm vụ ứng cứu từ xa đến gần. Rõ ràng con mắt của Giônxơn - Mắc Namara ở tận bên Mỹ, và con mắt tướng Oétmôlen ngồi ở Sài Gòn luôn luôn chú ý theo dõi chiếc tàu chiến đang thả neo ở đây. Đứng vững cuối tuyến phòng thủ bằng điện tử đường số 9, lính thủy đánh bộ đang làm một nhiệm vụ chiến lược quan trọng được coi như một vấn đề sinh tử của nước Mỹ. Theo chúng phỏng đoán, vùng rừng núi bao la ở đây chả khác nào một cái rây đã để cho các sư đoàn chủ lực miền Bắc lọt vào miền Nam. Và nếu theo quan điểm của những tên cầm đầu nước Mỹ, biên giới của Hoa Kỳ bắt đầu từ bờ nam sông Bến Hải thì rõ ràng tập đoàn cứ điểm Khe Sanh đúng là chiếc tàu chiến bọc thép đang giữ nhiệm vụ bảo vệ cho miền biên giới tổ quốc thiêng liêng của nước Mỹ ở phía bên kia địa cầu (!).

Khe Sanh là một thung lũng ngang dọc mỗi bề khoảng chừng mười cây số. Với tầm quan trọng như thế, Bộ Chỉ huy viễn chinh Mỹ đã thiết lập một hệ thống phòng ngự vững chắc bao gồm cứ điểm Tà Cơn, chi khu quân sự Hướng Hóa và cứ điểm Làng Vây. Từ trên đài quan sát mới thiết lập trên các điểm cao 656, 658, v.v… những người lính trinh sát của ta nhìn xuống lòng chảo Khe Sanh thấy ngổn ngang những công sự, trận địa pháo, ra đa, xe cơ giới, máy bay và những con thú - người Mỹ đi lại. Xa hơn về phía bắc, căn cứ Tà Cơn loang lổ đất đỏ, chạy dài khoảng hai cây số và rộng một cây số, Tà Cơn san sát lô cốt, đường hào, kho tàng, máy ra đa với nhiều hệ thống công trình phòng ngự dày đặc như mạng nhện. Quân chiếm đóng gồm năm tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, một số đơn vị quân ngụy, cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng, công binh, trinh sát, thám báo… Giữa căn cứ là đường băng sân bay lát bằng kim loại chạy dài hơn một cây số từ bắc xuống nam. Phía tây nam cứ điểm Tà Cơn bề thế khoảng tám cây số là trại lực lượng đặc biệt Làng Vây, như một cái chốt sơn đỏ ngoài cửa ngõ trung tâm phòng ngự, có một nghìn tên đóng giữ. Đông Làng Vây, dọc theo đường 9 là thị trấn Hướng Hóa có ba đại đội ngụy binh do Mỹ chỉ huy. Đó là khu vực hành chính và chỉ huy chi khu quân sự với nóc nhà thờ, nhà mái tôn, những bức tường phố xá, các hàng rào dây thép gai mắc chằng chịt chung quanh khu vực lính chiếm đóng. Tất cả ba cứ điểm nằm trong một hệ thống phòng ngự yểm trợ hình tam giác, là khu vực rắn nhất của tuyến đường 9 cắt đôi nước Việt Nam và nước Lào. Đó cũng là chiếc tàu chiến chở một canh bạc và một lời thách thức của tướng Oétmôlen...". Chính trong bối cảnh ác liệt đó của cuộc chiến tranh, người lính Cụ Hồ đã thể hiện vẻ đẹp toàn diện của mình. Tình đồng chí, tình đồng đội, tình yêu với đất nước với Đảng, với lí tưởng cách mạng đan xen, hoà quyện với nhau tạo nên một mạch chảy xuyên suốt trong tâm hồn ngươì chiến sĩ. Lữ, Kinh, Nhẫn, Khuê…những người lính đã trưởng thành và những người lính còn trẻ cùng gặp nhau tại chiến trường, ngoài tình cảm ruột thịt còn là tình cảm đồng đội, đồng chí. Họ cùng chung một lí tưởng cách mạng, một chí hướng chiến đấu phục vụ cho công cuộc giải phóng đất nước. Hình ảnh chiến đấu ngoan cường và dũng cảm hi sinh của nhân vật Lữ ở gần cuối tác phẩm tạo nên cho người đọc một xúc cảm mãnh liệt. Người chiến sĩ trẻ, đầy quả cảm đến khi hi sinh trên cao điểm 475 vẫn giữ chặt chiếc vô tuyến điện như bảo vệ một báu vật của cuộc đời mình.


Sự hy sinh ngoan cường đó của nhân vật Lữ cũng như một minh chứng cho sự hy sinh anh hùng của những người chiến sĩ trong cả giai đoạn lịch sử gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc. Như một lời tâm sự của nhà thơ Chính Hữu sau này : “… là chính trị viên,hàng ngày tôi phải chăm nom, chôn cất những đồng đội của tôi đã hy sinh và tôi có nhận xét: bạn tôi không có người nào chết trong động tác nằm ngủ, trong tư thế nghỉ ngơi. Họ đều hy sinh trong khi đang bắn, hoặc ôm bộc phá xông lên…”.


Nhân vật trung tâm trong giai đoạn văn học 1945- 1975 là hình tượng người chiến sĩ - một hình tượng trung tâm có sức thu hút lớn với các nhà văn. Thông qua việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ, nền văn học Việt Nam hiện đại đã có sự trưởng thành to lớn về mặt nghệ thuật và văn chương cũng như khả năng bao quát cuộc sống. Hình tượng người chiến sĩ là sự kết tinh về phẩm chất con người Việt Nam, về lí tưởng, tâm hồn cũng như đời sống tình cảm,lí tưởng. Cũng thông qua hình tượng này, người đọc có thể thấy được cả lịch sử dân tộc Việt Nam trong những năm tháng hào hùng của hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Hình tượng người chiến sĩ là một trong những hình tượng đẹp nhất, rực rỡ nhất, có sức lay động nhất mà văn xuôi Việt Nam đã xây dựng được.Hình tượng này được lột tả trong sự vận động của lịch sử, trong sự vận động của cảm hứng văn chương cách mạng. Nó mang một giá trị vô cùng to lớn : giá trị lịch sử và giá trị thẩm mĩ văn chương trong cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt.

Phạm Anh Tuấn
Sưu tầm


1 nhận xét: