Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, sinh ngày 2/3/1949, quê ở Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình. Ông nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường B2 năm 1967, về tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng năm 1974. Sau 1975, công tác ở tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng rồi tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1977, ông tái ngũ chiến đấu ở Mặt trận 479, Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng cho tới năm 2010 nghỉ hưu. Ông đã được phong Nghệ sĩ ưu tú của ngành điện ảnh. Cho đến nay, Văn Lê đã có 12 tiểu thuyết, 5 tập truyện, hai trường ca, 3 tập thơ. Ông từng nhận tặng thưởng Văn học Bộ Quốc phòng với tiểu thuyết “Nếu anh còn được sống” (được dịch sang tiếng Hàn Quốc), tập trường ca “Những cánh đồng dưới lửa” (tập này nhận thêm giải Văn học quốc tế MeKong). Đặc biệt, tiểu thuyết “Mùa hè giá buốt” nhận giải B Văn học chiến tranh, cùng giải nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật Tp.Hồ Chí Minh 5 năm. Nói về cuốn tiểu thuyết này, nhà phê bình Ngô Thảo nhận xét: “Nếu viết về sự sòng phẳng trong chiến tranh thì chưa có cuốn nào vượt qua “Mùa hè giá buốt” cả”.
Khi lên nhận giải, Văn Lê đã phát biểu, rằng: Cho đến bây giờ, cho dù chiến tranh đã trôi qua hơn 40 năm, nhưng nhiều đêm nằm nhớ lại những gì đã xảy ra, tôi vẫn còn nghe văng vẳng ở đâu đó tiếng pháo bầy, tiếng bom rơi và tiếng rú của máy bay trực thăng xả đạn… khiến tôi giật mình không sao ngủ được. Dường như đối với tôi, chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Nó cứ lởn vởn ở đâu đó qua những câu chuyện, những bản tin thời sự, qua những di ảnh, những tiếng chuông điện thoại ré lên vào đêm khuya, như điềm báo tai ương, rồi giật mình, hoảng hốt. Nhiều khi tôi mơ thấy bạn bè về. Họ đói khát, tả tơi, nhìn tôi với ánh mắt thật buồn, rồi lặng lẽ bỏ đi, không nói. Không bao giờ nói. Thế rồi tôi lại viết. Viết để tự giải tỏa những uẩn khúc ở ngay trong lòng mình. Viết để được nhớ quá khứ, nhớ về họ, nhắc về họ. Viết cũng giúp cho tôi nhớ lại, chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua, để rồi tự điều chỉnh cuộc sống của mình sao cho lương thiện.
Có lẽ là người lính tham gia trực tiếp ở chiến trường, ở những trận đánh dữ dội nhất, tàn khốc nhất, nên Văn Lê cũng có phần nào giống Chu Lai, Bảo Ninh, tức là có “hội chứng hậu chiến”. Nếu Bảo Ninh thể hiện chiến tranh là nỗi buồn, Chu Lai cũng lật lại chiến tranh bằng cái nhìn quá khứ mất mát, đau đớn (Ăn mày dĩ vãng), thì Văn Lê nhớ lại mùa hè tàn khốc ấy. Mùa hè của năm 1968. Không phải là mùa hè kỳ lạ, mùa hè đỏ lửa mà là mùa hè giá buốt. Nó ám ảnh người đọc bởi cái tên có vẻ như một nghịch lý này.
Tác phẩm viết về sự bạo tàn của chiến tranh. Như Văn Lê từng nói : “Tôi viết về chiến tranh chứ không chỉ đơn thuần viết về chiến thắng”. Chính ý thức về điều này, nên tác phẩm Mùa hè giá buốt hấp dẫn bạn đọc hơn và nó đã thoát khỏi mô típ viết về chiến tranh đã quen thuộc lâu nay. Tức là nó được viết bởi một bút pháp hiện thực nghiêm ngặt nhất. Có gì tả nấy,không né tránh, không tô hồng. Bút pháp này ta từng thấy ở Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Với Bảo Ninh, hiện thực nghiêm ngặt được tái hiện gián tiếp qua kết cấu phân mảnh của quá khứ. Từng phân cảnh rùng rợn của chiến trường được tái hiện qua dòng suy tưởng của nhà văn. Còn Mùa hè giá buốt, Văn Lê đưa người đọc như tham dự trực tiếp từng trận đánh theo trật tự thời gian tuyến tính.
Cốt truyện của Mùa hè giá buốt dường như không mấy phức tạp, bởi cách viết của Văn Lê đi theo lộ trình của tiểu thuyết truyền thống. Mùa hè giá buốt lấy chất liệu từ cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 mà tác giả là người tham dự. Có thể tóm tắt như sau: Tiểu đoàn Bến Nghé được dựng trên nguyên mẫu là tiểu đoàn 505. Nhân vật chính là tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sĩ Việt. Anh là người mưu trí, quả cảm, có nhiều cách đánh sáng tạo. Anh được đề bạt lên chức Tham mưu phó Phân khu. Trong chiến dịch Mậu Thân, vào mùa hè, tiểu đoàn Việt được lệnh đánh vào thành Gia Định. Trong những ngày chiến đấu vô cùng ác liệt, Việt đã yêu Bích Vân - chiến sĩ giao liên của đơn vị mình. Thế nhưng họ đã không sống được đến ngày hòa bình. Việt và Vân hy sinh cùng với hơn bốn trăm đồng chí của họ. Cốt truyện không có gì đặc biệt, nhưng hấp dẫn người đọc vì nhiều chi tiết chiến trường nóng hổi mà Văn Lê đã đưa vào tác phẩm của mình. “Người đọc dường như nhập hồn vào các nhân vật trong truyện, cùng cảm nhận về sự hy sinh và thương xót đến tận cùng số phận con người” [3].
Bút pháp hiện thực nghiêm ngặt trước hết thể hiện ở không gian chiến trường. Đó là không gian của một mùa hè bốn mươi tám năm trước. Mùa hè của năm Mậu Thân 1968. “Đã gần nửa đêm, nhưng trời vẫn còn nóng hầm hập; đến mức lá cây rừng cũng trở nên xác xơ, héo mềm… Liên quân Mỹ – Sài Gòn, sau những đòn choáng váng, đã bắt đầu hồi tỉnh, tiến hành phản kích khắp các mặt trận… Hàng đàn máy bay phóng pháo và máy bay trực thăng lồng lộn trút bom đạn vào những dòng kênh, những đồng bưng hoang sơ… lúc nào cũng rầm rầm bom đạn” [2,tr.18]. “Cây cỏ dường như biến khỏi mặt đất” [2,tr.23]. “Vầng trăng héo hắt , ảm đạm và quái gở”. Trong không gian bom đạn, thỉnh thoảng lại “có tới hàng ngàn con quạ từ trong đám lá tăm tối hoảng loạn bay túa lên bầu trời” ; “bầy kỳ đà bỏ chạy rào rào, làm cho mùi hôi thối bay lên đến ngạt thở” [2,tr.27]. Đã thế, bộ đội lại hành quân vào đúng mùa mưa. “Mưa ở đây phóng túng và dai dẳng. Mưa đến thối đất, thối trời. Mưa làm cho những con đường rừng trở nên lầy lội” [2,tr.29]. Dường như không gian chiến trường luôn căng thẳng, sôi sục, đầy máu lửa và đầy chết chóc. Hơn năm trăm trang sách, trang nào không gian cũng gợi sự dữ dội, đau đớn, buồn thương. Vẫn là tiếng rít lọng óc của phi cơ oanh tạc, tiếng đạn bắn thẳng đanh nhọn, rát bỏng, tiếng bộc phá khối đục trầm, tiếng rên la của thương binh chen lẫn với tiếng hô xung trận đầy sát khí, với những bãi chiến trường ngổn ngang tử thi và sạm đen khói súng. Cho đến những trang gần cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, người đọc vẫn thấy dường như chỉ có một kiểu không gian ấy. “Sau khi chôn cất Bích Vân xong, tất cả ăn vội vàng mỗi người một lưng cơm rồi túc tắc đưa thương binh lên đường. Trời đầy sao. Nhưng gió thì vắng ngắt…Giữa những vì sao dày đặc trông giống như những lỗ thủng bị đạn bắn, một bầy ngỗng trời chấp chới bay qua. Vừa bay, chúng vừa cất tiếng gọi nhau. Tiếng kêu của loài ngỗng về đêm nghe buồn rười rượi” [2,tr.564].
Tuy nhiên, bút pháp hiện thực nghiêm ngặt chủ yếu nhất của cuốn tiểu thuyết thể hiện ở lối mô tả các trận đánh và thương vong của bộ đội. Đó là một hiện thực luôn tồn tại cả mặt phải- trái, tốt - xấu, ánh sáng - bóng tối và cả những điều bất ngờ. Nhà văn không che giấu mặt khuất của hiện thực mà phơi bày trong một cái nhìn trân trọng và tỉnh táo. Trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh viết: “Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khố khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” [2,tr.60]. Còn Chu Lai trong Ăn mày dĩ vãng thì cho rằng: “Chiến tranh… Nó là cái gì nếu không phải là ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà vẫn chưa đến lượt mình” [2,tr.36]. Còn Văn Lê, ở chương cuối của Mùa hè giá buốt : “Hơn chín phần mười quân số của tiểu đoàn đã ra đi. Toàn thể cán bộ Ban chỉ huy tiểu đoàn không một ai sống sót” [2,tr.551]. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sĩ Việt, một cán bộ đầy triển vọng, một hình mẫu người lính lý tưởng, cùng cô người yêu Bích Vân, vốn là một sinh viên Sài Gòn, đều lần lượt hy sinh.
Điều quan trọng trong cuốn tiểu thuyết là Văn Lê không chỉ mô tả trực diện thương vong của bộ đội, mà tư duy viết về chiến tranh của ông không bị sa vào lô gic chủ quan: Ta – Địch (ta cường - địch nhược; ta dũng – địch hèn; ta thắng – địch thua) như cách nhìn của một số tác phẩm viết về chiến tranh trước 1975. Bởi thế , Mùa hè giá buốt đã chỉ ra nguyên nhân gây tổn thất, hy sinh cho bộ đội là những quyết định duy ý chí của cấp trên. Đó là hợp đồng giữa tiểu đoàn chủ lực với lực lượng nổi dậy tại chỗ không thực hiện được. Lực lượng của địch quá đông. Hỏa lực của chúng quá mạnh. Công tác chuẩn bị xuồng cho bộ đội vượt sông của ta quá sơ sài. Kẻ thù đã chủ động tấn công trước. Chúng sử dụng các loại phương tiện hiện đại nhất, từ máy bay trực thăng, xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng, và chúng sẵn sàng dùng bom xăng đốt trụi để thí quân… Cho nên sau những ngày chiến đấu quyết liệt, hết sức quả cảm, liên tục tổ chức nhiều đợt tấn công nhưng ta không chọc thủng được các tuyến phòng thủ của địch [2,tr. 168]. Số thương vong của tiểu đoàn nhiều gấp bội số thương vong của đối phương. Nếu không kịp bổ sung quân số kịp thời, thương binh, tử sĩ không được chuyển đi, tiểu đoàn sẽ không có khả năng tiếp tục đánh vào nội đô theo kế hoạch [2,tr.169]. Tiểu đoàn được phép rút lui. Tư lệnh Mặt trận cay đắng nói: đáng ra, tôi phải chúc các cậu chiến đấu thành công, nhưng bây giờ, đành phải chúc các cậu rút lui thành công [2,tr. 170]. Đợt một của chiến dịch kết thúc, tuy phá được căn cứ Phù Đổng, kẻ thù có lúc chết như ngã rạ, chạy như vịt, nhưng Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sĩ Việt vẫn vô cùng buồn bã… anh đã mất hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, rồi cuối cùng lại quay trở lại nơi xuất phát ban đầu…
Đợt hai của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân vẫn với mục tiêu đánh vào Sài Gòn-Gia Định, nhằm thẳng vào lực lượng Mỹ, làm chúng càng sa lầy hơn nữa về chính trị, ta sẽ giành thế thắng trong đàm phán. Tiểu đoàn Bến Nghé được phân công cùng đánh chiếm Gia Định. Nhưng mọi việc không suôn sẻ. Tân binh bổ sung không đến kịp, hướng hành quân bị cấp trên thay đổi không biết lý do gì. Tiểu đoàn trưởng Việt cảm thấy một điều gì đó bất ổn đã xảy ra từ phía cơ quan chỉ huy [2,tr. 369]. Hướng cơ động bắt buộc mà bộ đội sẽ chuyển qua tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm. Trong khi một cảm giác không an toàn đang xâm chiếm làm Việt chưa định thần thì hàng trăm trái hỏa châu lớn nhỏ vun vút túa lên không trung rồi nở bung giữa bầu trời hấp hối. Cả vùng ven sáng rực như ban ngày… Quân địch đã chốt kín các cửa ngõ vào thành phố… hàng trăm khẩu pháo các loại của địch từ các căn cứ dã chiến trải dài trên tuyến vòng cung phía bắc và tây bắc đồng loạt trút đạn, tiếp theo là những tiếng nổ đùng đùng như sấm sét…Bầy trực thăng chia làm nhiều tốp, nhiều hướng lao thẳng đến những mục tiêu đã được ấn định trước, dồn dập trút đạn [2, tr. 373-374]. Tiểu đoàn bị bao vây tứ phía, đành phải rút lui. Quân số, đạn dược còn lại ít. Phân khu cho phép tiểu đoàn tự quyết định các vấn đề thuộc về tác chiến tùy theo hoàn cảnh. Thêm nữa,cơn bão lửa của pháo binh, tiếp đến là bom xăng, bom hóa học… của đối phương liên tục trút xuống đầu các chiến sĩ tiểu đoàn Bến Nghé. Sau mấy tháng chiến đấu, tiểu đoàn Bến Nghé, từ khi xuất quân với bốn trăm tám chục cán bộ, chiến sĩ, hiện chỉ còn gần tám chục tay súng [2, tr. 512]. Tuy vậy, bộ đội vẫn nhận lệnh tấn công vào nội đô đợt hai. Và thế là một cuộc chiến không hề cân sức. Tiểu đoàn Bến Nghé đánh một trận cuối cùng cực kỳ thảm khốc, Nguyễn Sĩ Việt đã anh dũng hy sinh cùng hầu hết các cán bộ, chiến sĩ dũng cảm và rất có kinh nghiệm chiến đấu của tiểu đoàn.
Như vậy, cuộc Tổng tấn công Mậu Thân là một bản Đại hợp xướng bi tráng của những người lính mang khát vọng Độc lập, Tự do cao cả của dân tộc. Mấy chục tiểu đoàn chính quy cùng với nhiều lực lượng vũ trang phối hợp khác đã bước vào một trận đánh lớn chưa từng có trong lịch sử đấu tranh cách mạng miền Nam, đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc chính quyền Johnson phải hạn chế ném bom miền Bắc. Nhưng để đến được điều đó, cái giá xương máu phải trả là hết sức to lớn, và không phải mặt trận nào, hướng tiến công nào, thời điểm nào cũng trong ánh hào quang của chiến thắng. Gần sáu trăm trang tiểu thuyết, với bản hợp xướng buồn là chủ âm, Văn Lê đã thể hiện một cách cảm động sự bi hùng của những chiến sĩ tiểu đoàn Bến Nghé. Trong đó âm thanh chết chóc của chiến tranh đã lan tỏa, làm xáo trộn tâm hồn người đọc, buộc họ, những ai đã đọc, không thể còn được yên ổn trước một thực tại đã trôi qua gần nửa thế kỷ.
Với bút pháp hiện thực nghiêm ngặt và tỉnh táo, Mùa hè giá buốt đã làm cho người đọc xúc động sâu sắc về sự cao cả của người lính trong một thế đối đầu không cân sức. Dù biết là hy sinh nhưng họ đâu có quản ngại. Lương tâm và phẩm giá làm người đã hun đúc ở bộ đội ta phẩm chất ngoan cường khi đối mặt với kẻ thù, với cái chết. Nhưng họ không phải là công cụ vô ý thức của chiến tranh. Với vị trí của mình, những người lính biết rõ trách nhiệm của họ: chấp hành triệt để mệnh lệnh, thực thi đầy đủ nhiệm vụ, hoàn thành ở mức cao nhất trong hoàn cảnh của mình. Nhưng người lính cũng hiểu những gì là ảo tưởng, là duy ý chí ở chính họ hoặc ở một cấp nào đó một khi xuất hiện những niềm lạc quan không có cơ sở.
Chiến tranh đã qua rồi, nhưng nỗi đau còn đọng lại. Những biến cố, những sự kiện được khảo sát lại với cái nhìn của người trong cuộc. Điều đó luôn luôn có giá trị. Vì lịch sử là không thể thay đổi, song bài học lịch sử lại rất có ích cho tương lai.
Lê Văn Định
Bài đăng trên
Tạp chí Non Nước số 212
(ra tháng 6.2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét