Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG SÁNG



Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã về trời lúc 16h 15′ ngày 13/02/2014). ( Nhằm ngày 14 tháng giêng năm Giáp Ngọ), hưởng thọ 82 tuổi. Bữa trưa anh làm vài chén rượu rồi đi ngủ và ngủ thẳng đến ngàn thu. Đi thế thật khỏe. Trời thương lắm mới cho đi khỏe nhẹ như vậy.

Lễ viếng: Từ 10 h ngày Thứ Sáu, 14.2,2014, tại Nhà tang lễ tp.HCM – 23 Lê Quí Đôn, Quận 3.
Lễ truy điệu và động quan: 13h ngày Chủ nhật, 16.2.2014.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là cây bút truyện ngắn bậc thầy của văn chương Việt, Chiếc lược ngà là truyện ngắn mẫu mực cho nhiều thế cầm bút nước nhà; ông còn là nhà biên kịch lớn của điện ảnh Việt Nam, Cánh đồng hoang là kịch bản hay nhất từ xưa đến nay ở Việt Nam, chưa ai có thể vượt qua được.

Mới cách đây một tháng còn được nắm tay anh, còn được nghe anh nói “Nhậu mày!”, bây giờ anh đã về trời. Vĩnh biệt anh. Cầu cho anh an lành nơi cõi Phật, cõi ấy không cần giải Hồ Chí Minh, những ai sống vì dân viết vì dân chắc chắn sẽ được Phật cho hưởng lộc./.

***

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn có bút danh Nguyễn Sáng, sinh ngày 12-1-1932, tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Từ tháng 4 năm 1946, ông xung phong vào bộ đội, làm liên lạc viên cho đơn vị Liên Chi 2. Đến năm 1948 được bộ đội cho đi học thêm văn hoá ở Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 1950, về công tác tại phòng chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ, làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo và Hòa Hảo).

Năm 1955, ông theo đơn vị tập kết ra Bắc, chuyển ngành với cấp bậc chuẩn úy, về làm cán bộ Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1958, công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ biên tập nhà xuất bản Văn học, cán bộ sáng tác.

Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam, làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng. Năm 1972, trở ra Hà Nội, tiếp tục làm việc ở Hội Nhà văn.

Sau ngày đất nước thống nhất tháng 4.1975, ông về TP.HCM, giữ chức Tổng thư ký (về sau đổi tên gọi thành Chủ tịch) Hội Nhà văn TP.HCM các khoá l, 2, 3.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957; Ủy viên Ban Chấp hành Hội khoá 2, 3 và là Phó tổng thư ký Hội khoá 4.

Tác phẩm đã xuất bản:

* Văn xuôi:

- Con chim vàng (truyện ngắn, 1957);

- Người quê hương (truyện ngắn, 1958);

- Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, 1962 );

- Đất lửa (tiểu thuyết, 1963);

- Câu chuyện bên trận dịa pháo (truyện vừa, 1966);

- Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1968);

- Bông cẩm thạch (truyện ngắn 1969);

- Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa, 1975);

- Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975);

- Người con đi xa (truyện ngắn, 1977);

- Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985);

- Bàn thờ tổ của một cô đào (truyện ngắn, 1985);

- Tôi thích làm vua (truyện ngắn, 1988);

- 25 truyện ngắn (1990);

- Paris – tiếng hát Trịnh Công Sơn (ký, 1990);

- Con mèo Fujita (truyện ngắn – 1991).

* Kịch bản phim:

- Mùa gió chướng (1977);

- Cánh đồng hoang (1978),

- Pho tượng (1981);

- Cho đến bao giờ (1982);

- Mùa nước nổi (1986);

- Dòng sông hát (1988);

- Câu nói dối đầu tiên (1988);

- Thời thơ ấu (1995);

- Giữa dòng (1995);

- Như một huyền thoại (1995).

Giải thưởng văn học:

- Ông Năm Hạng – truyện ngắn giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959);

- Tư Quắn – truyện ngắn, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (1959);

- Dòng sông thơ ấu – giải thưởng Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam (1985);

- Con mèo của Fujita – tập truyện ngắn, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1994;

- Cánh đồng hoang (kịch bản phim)- bộ phim được tặng Huy chương vàng Liên hoan Phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng Liên hoan Phim quốc tế ở Moskva (1981);

- Mùa gió chướng (kịch bản phim)- Huy chương bạc Liên hoan Phim toàn quốc (1980)

- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2001.


Quan niệm văn học:- Có những nhà văn quê mình không có núi, không có biển. “Đi nơi này lại nhớ nơi kia”, nhờ đi nhờ nhớ vẫn có tác phẩm về biển, về sông và núi. Lòng luôn xao động, ngọn lửa sáng tạo luôn luôn âm ỉ trong lòng mình.


Dẫn theo





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét