Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

THIÊN TÍNH NỮ QUA HAI BÀI THƠ “TRANH LÕA THỂ” VÀ “ĐỒ MI HOA” CỦA BÍCH KHÊ (Học viên Hồ Thị Thu Hảo)


Thơ mới ra đời đồng nghĩa với việc mang theo cả những cuộc tranh luận ồn ào và gay gắt vào cho thi giới. Có nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có không ít ý kiến trái chiều phản ứng dữ dội, họ không chấp nhận cho Thơ mới “nhập cuộc”, và chính vì thế mà Thơ mới như một “đứa con ghẻ” phải tự mình vật lộn để tìm cách tồn tại.
Nói như Hoài Thanh, lúc đầu Thơ mới như một đứa trẻ lạc loài bơ vơ nhưng lâu dần nó có nhiều người quen. Khi ấy, nó đã đủ khôn lớn để chiến thắng thơ cũ.
Những năm gần đây, Thơ mới bỗng quay trở lại với tư cách rất đặc biệt. Nhiều vấn đề, nhiều tác giả được đưa ra tiếp tục nghiên cứu để trả lại đúng giá trị văn chương đích thực của họ. Lẽ đương nhiên trong đó có những thi phẩm của Bích Khê.
Thơ Bích Khê mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng cũng đã được nghiên cứu từ rất sớm. Đã có rất nhiều bài viết, có những hội thảo và nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về thơ ông. Thêm vào đó, ở phạm vi bài viết này, tôi xin góp thêm một cái nhìn chưa hẳn hoàn toàn mới nhưng độc đáo: Thiên tính nữ qua hai bài thơ “Tranh lõa thể” và “Đồ mi hoa” của Bích Khê.


I. Giới thuyết về thiên tính nữ trong văn chương

Quan niệm “văn dĩ tải đạo” và “thi dĩ ngôn chí” được ví như như chiếc vòng kim cô siết chặt trên đầu của nền văn học trung đại. Chính vì thế mà vấn đề về thiên tính nữ hiếm khi được đưa vào trong thơ. Mãi đến thế kỉ XVIII, khi quan niệm văn học trung đại bắt đầu rạn nứt, ý thức cá nhân hình thành và yếu tố thiên tính nữ được tập trung thể hiện qua hàng loạt các sáng tác của Nguyễn Du, Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn…
Sang thế kỉ XX, bằng cái tôi với nghĩa tuyệt đối, các thi sĩ của phong trào Thơ mới đã bỏ “bề rộng” đi tìm “bề sâu”. Và khi khai thác tận cùng cái tôi bản thể chắc chắn họ gặp cái siêu thức, tiềm thức và vô thức mang dáng dấp nhục thể thiên tính nữ. Trong số đó đáng kể nhất là hai thành viên Trường thơ Loạn Bình Định: Hàn Mặc Tử và Bích Khê.
Đại thi hào Nguyễn Du là người sớm ý thức và đưa vấn đề thiên tính nữ vào trong tác phẩm của mình, tiểu biểu nhất là qua nàng Kiều:
                              Làn thu thủy nét xuân sơn
                        Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
       Một hai nghiêng nước nghiêng thành
                        Sắc đành đòi một tài đành họa hai
                                                                        (Truyện Kiều)
Qua Thúy Kiều, Nguyễn Du đã cho thấy một người phụ nữ lý tưởng của thời đại với tất cả tài sắc vẹn toàn. Chính vì thế, TS. Lê Thị Lan trong bài “Quan niệm của Nguyễn Du về cuộc đời và thân phận con người” đã cho rằng: “Nguyễn Du đã gửi gắm tất cả niềm yêu thương, xót xa và kỳ vọng vào người phụ nữ khi xây dựng hình tượng nàng Kiều, một phụ nữ đa tài, đa sắc, lại thánh thiện và nhân ái. Trọn vẹn những lý tưởng thẩm mỹ, đạo đức và con người lý tưởng của Nguyễn Du được ông gửi gắm vào nàng Kiều”. [ 3]
            Đến với Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, cũng là người viết nhiều và viết rất hay về thiên tính nữ. Có thể thấy, trong thơ của mình, bà đã ca ngợi người phụ nữ với những vẻ đẹp của cơ thể:
                                    Lược trúc lỏng cài trên mái tóc
                                    Yếm đào trễ xuống dưới nương long
                                    Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
                                    Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
                                                                        (Thiếu nữ ngủ)
Và với cả vẻ đẹp về tâm hồn:
                                    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặng
                                    Mà em vẫn giữ tấm lòng son
                                                                        (Bánh trôi nước)
            Đặt trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, ta mới thấy Hồ Xuân Hương quả là người rất “bạo” khi miêu tả cơ thể của người phụ nữ như thế. Tuy nhiên, bà cũng rất sâu sắc khi miêu tả vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ. Về điều này, trong cuốn “Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương”, GS. Lê Trí Viễn đã viết: “Đức hạnh với lòng kiên trinh, sức chịu đựng và nghị lực của người phụ nữ trong cuộc sống, từ lâu đã thành truyền thống. Cuộc đời đầy ắp những bất công, giăng giăng những trói buộc. Tất cả những điều đó chỉ nhằm để tô điểm thêm cho đức hạnh của người phụ nữ được rèn luyện trong lao động và trong đau thương” [6].
            Đến giai đoạn văn học đương đại, nếu nói đến thiên tính nữ, không thể không nói đến Nguyễn Huy Thiệp. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mang đậm giá trị nhân văn mà thiên tính nữ là hạt nhân cơ bản để làm nên giá trị nhân văn đó. Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, thiên tính nữ được thể hiện rất rõ. Đó là những thiên chức làm vợ, làm mẹ, đó là lòng vị tha, đức hy sinh của người phụ nữ như Sinh trong “Không có vua”, chị Thắm trong “Chảy đi sông ơi”, bé Thu trong “Tâm hồn mẹ”… Mỗi nhân vật nữ của Nguyễn Huy Thiệp đều mang những vẻ đẹp riêng, hiện thân cho những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Như vậy, từ những bước chuyển mình trong quan niệm về thiên tính nữ qua từng giai đoạn, ta có thể thấy: Thiên tính nữ có thể hiểu với hai nghĩa nội hàm, đó là xu hướng nghiêng về tính nữ (“thiên” với nghĩa là nghiêng về) và những thiên bẩm riêng, thiên chức riêng của người phụ nữ. Ở bài viết này, chúng tôi dùng khái niệm “thiên tính nữ” nghiêng về hàm nghĩa thứ nhất.

II. Đặc điểm- biểu hiện của thiên tính nữ qua hai bài thơ “Tranh lõa thể” và “Đồ mi hoa” của Bích Khê
1. Cảm hứng sáng tác

Đến với Thơ mới khi chỉ mới hơn 20 tuổi đời, những năm sau đó, tuy Bích Khê đã mắc phải chứng bệnh lao phổi, nhưng vẫn không thể ngăn nổi tình yêu của thi sĩ giành cho cuộc sống, cho thiên nhiên và cho nghệ thuật. Chính vì đó, tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên và yêu nghệ thuật là nguồn cảm hứng mãnh liệt để thi sĩ sáng tác.
Bị nỗi đau nhân thế và nỗi đau bệnh tật giày vò, nhưng đối với Bích Khê, cuộc sống vẫn luôn đáng yêu. Ông nhìn cuộc sống bằng cái nhìn đầy thiện cảm và đón nhận cuộc sống trong một tâm thế hân hoan, náo nức:
                        Lòng náo nức như hương trầm mới dậy
                        Gió tâm tư say chúi nửa lừng mơ…
                                                                        (Đồ mi hoa)
Bích Khê mở lòng với cuộc đời khi ông đến với thiên nhiên. Vốn mang bản chất của người phương Đông, nhưng lại chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nên Bích Khê đã cảm nhận thiên nhiên theo cách rất riêng của mình:     
                        Trăng thanh tịnh còn lắng trong thơ câm
                        Nhạc vô mình sôi trên hàng nét chữ?
                                                                        (Tranh lõa thể)
Khi cảm xúc tuôn trào, thơ Bích Khê thường hiện ra màu sắc, màu của trăng, màu của lá, của mây, màu của mùa thu, màu của thiên nhiên.. tất cả vừa thể hiện tâm trạng vừa làm tan chảy mọi nỗi buồn trong ông:
                        Ta những muốn sầu thương thôi biểu lộ,
-         Sắc trong màu, màu trong sắc, hân hoan…
Ta những muốn mùa đông nhường lại chỗ
-         Nhạc gây hương, hương gây nhạc, lan man…
Ta những muốn màn đen về cõi mộ
-         Cả không gian là bể sáng tràn lan…
(Đồ mi hoa)
Cảm hứng không chỉ bắt nguồn từ thiên nhiên và giai điệu của cuộc sống, điều dễ thấy là hầu hết các bài thơ của Bích Khê đều lấy cảm hừng từ âm nhạc và hội họa, hay nói cách khác, đó là tình yêu mà Bích Khê giành cho nghệ thuật. Mỗi bài thơ của Bích Khê, là một bức tranh:
                        Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ
                        Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này?
                                                                        (Tranh lõa thể)
Trong thơ của ông, dường như đâu đâu cũng vang lên tiếng nhạc. Tất cả đều vận động theo nhạc điệu: nhạc trong gió, trong nắng, nhạc trong lời nói, trong hơi thở của con người, từ trái tim, lồng ngực, cả da thịt người con gái cũng đều rung động theo nhịp điệu và cung bậc. Quan niệm thơ là nhạc đã khiến cho Bích Khê sáng tạo nên những câu thơ nhạc như một cách tân vể hình thức khiến cho thơ ông nhẹ nhàng như hơi thở, như tiếng nhạc đang lan tỏa và bay bổng trong không gian. Sử dụng thuyết tương hợp, Bích Khê chủ động mở rộng biên độ của thơ, đưa cả âm nhạc, hội họa vào trong thơ, khiến cho thơ ông không chỉ là thơ mà còn là nhạc điệu, bức tranh; ngôn ngữ không chỉ là ngôn ngữ mà còn là âm thanh, màu sắc, đường nét, hình khối..
Như vậy, tình yêu mà Bích Khê giành cho cuộc sống, cho thiên nhiên và cho nghệ thuật là ngọn nguồn cảm hứng vô tận để ông sáng tác. Khi mà đời người không ưu ái cho ông được sống nhiều hơn thì đời thơ vẫn không chấp nhận cho ông sống hoài, sống phí.
Chung quy lại, cảm hứng Bích Khê xuất phát từ cuộc tìm kiếm có ý thức mang tên “đẹp và dâm”.

2. Cách lựa chọn đề tài

Cũng buồn, cũng sầu, cũng đau thương, nhưng thơ Bích Khê hoàn toàn khác với các nhà thơ mới. Nếu các nhà thơ mới giải quyết nỗi buồn, nỗi sầu bằng cách “ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diêu…” [5, tr52] thì Bích Khê đã giải quyết nỗi buồn, nỗi sầu bằng cách tìm đến cái đẹp, cái đẹp của thiên nhiên và của giai nhân.
Có thể thấy, đề tài trong thơ Bích Khê rất lạ, rất độc đáo. Với tư duy nghệ thuật độc đáo, thiên nhiên trong thơ Bích Khê nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực: thiên nhiên đã được hình tượng hóa qua dáng hình, qua vẻ đẹp của người thiếu nữ, và tất nhiên, kể cả qua khoái cảm xác thịt. Nếu thiên nhiên giúp cho Bích Khê mở lòng để đến với thi ca, thì vẻ đẹp của người thiếu nữ giúp cho cảm xúc của Bích Khê được thăng hoa, thăng hoa đến lạ kì:
                        Hai vú nàng, hai vú nàng! Chao ôi
                        Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng
                        Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động
                        Tôi run run hãm lại cánh hồn si..
                                                            (Tranh lõa thể)
Cả bức tranh lõa thể “lồ lộ” hiện ra khiến cho thi sĩ vừa run run, vừa đê mê chới với, vừa miên man ngây dại.
Không nằm ngoài qui luật của thi ca, khi đau thương và bất hạnh đến tột cùng, thi nhân thường kết tụ đau thương và bất hạnh đó, biến nó thành cái đẹp cho đời. Bích Khê cũng thế. Bích Khê đã khám phá cuộc đời từ cái nhìn của chết chóc và bệnh tật. Do đó, mặc dù không nói trực tiếp nhưng ta vẫn thấy cái chết và bệnh tật luôn thường trực trong thơ của ông. Nhưng dù có nói đến chết chóc và bệnh tật, Bích Khê không bao giờ đưa người đọc đến cảm giác đau thương và ão não:
Ta những muốn sầu thương thôi biểu lộ,
-         Sắc trong màu, màu trong sắc, hân hoan…
Ta những muốn mùa đông nhường lại chỗ
-         Nhạc gây hương, hương gây nhạc, lan man…
Ta những muốn màn đen về cõi mộ
-         Cả không gian là bể sáng tràn lan…
(Đồ mi hoa)
            Mắc phải căn bệnh thuộc “tứ chứng nan y” thời đó, Bích Khê biết mình sẽ sớm lìa bỏ cõi đời. Nhưng đời thơ của ông không cho phép đời người chết đi một cách hoang phí. Vì vậy, dù luôn sống trong những chuỗi ngày bị giày vò bởi bệnh tật, Bích Khê vẫn tìm trong đó những giây phút khoái cảm nhất của đời người.
Thơ Bích Khê rất phong phú và đa dạng về đề tài, nhưng có thể thấy độc đáo nhất vẫn là ba đề tài viết về thiên nhiên, về giai nhân, về thế giới của cái chết và bệnh tật. Đó cũng chính là lý do khiến cho Bích Khê tìm đến, gia nhập và trở thành thành viên trung thành nhất của Trường thơ Loạn Bình Định, và cũng đương nhiên là một “người lạ mặt” của thi ca đương thời.

3. Đặc điểm thiên tính nữ qua hai bài thơ “Tranh lõa thể” và “Đồ mi hoa”
3.1.           Hình tượng thiên nhiên mang thiên tính nữ

Thiên nhiên vừa là nguồn cảm hứng cũng vừa là nguồn đề tài trong thơ Bích Khê. Tuy nhiên, thiên nhiên trong thơ ông không chỉ mang vẻ đẹp vốn có của tạo hóa mà nó còn mang nét độc đáo riêng: thiên nhiên mang nét thiên tính nữ.
            -           Lòng nao nức như hương trầm mới dậy
                        Gió tâm tư say chúi nửa lừng mơ…
                        Đêm kim sa hay sao mà run rẩy?
                        Không khí men, trăng liễu mướt đường tơ.
            -           Ngừng hơi thở…ta nép trong bóng lá
                        Để vần thơ theo nhịp điệu thuyền quyên.
                                                            (Đồ mi hoa)
            Dưới cái nhìn tương giao cảm giác. Tất cả mọi sự vật trong thơ Bích Khê được cảm nhận qua các cảm giác về âm thanh, màu sắc tương giao. Vì thế, thiên nhiên ở đây, từ nắng gió, hương hoa cho đến màu sắc đều trở thành kí hiệu của nhạc. Thiên nhiên tràn ngập trong giai điệu du dương, trầm bổng. Cả một không gian mượt mà có hương trầm thoảng nhẹ, có gió tâm tư say cùng với “trăng liễu mướt đường tơ”, rất dịu dàng và nhẹ nhàng, như người thiếu nữ đang e thẹn khi sống trong tâm trạng yêu đương.
Yêu trăng giống Hàn Mặc Tử, trong thơ của mình, Bích Khê thường hay dùng trăng để làm chất liệu cho thơ. Ta có thể thấy ở hai bài “Tranh lõa thể” và “Đồ mi hoa”, trăng xuất hiện ở những câu tuyệt bút:
                                    Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
                                    Vài chút trăng say đọng ở làn môi
                                    Hai vú nàng, hai vú nàng! Chao ôi
                                    Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.
                                                                                       (Tranh lõa thể)
                                    Không khí men trăng liễu mướt đường tơ
                                                                                       (Đồ mi hoa)
Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Mặc Tử và Bích Khê lại gặp nhau tại một điểm: yêu trăng. Nếu Hàn Mặc Tử yêu trăng đến độ nhìn trăng và liên tưởng trăng như dáng hình của người thiếu nữ:
                        Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
                        Đợi gió đông về để lả lơi
                                                                               (Bẽn lẽn)
Thì Bích Khê đã hình tượng hóa thiên nhiên qua hình dáng, qua vẻ đẹp của người thiếu nữ, giữa thiên nhiên và con người đã có sự tương giao:
-         Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ
Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này.
                                                                                            (Tranh lõa thể)
-         Tràng cánh trắng biến ra da thịt tuyết,
                                         Một tiên nương mừa tựa một giai nhân
                                                                                            (Đồ mi hoa)
Nguyên tắc mĩ học của chủ nghĩa tượng trưng là sự tương giao, tương hợp. Baudelaire đã từng quan niệm: Vũ trụ là một thể thống nhất, trong đó tất cả đều tương ứng với nhau. Có sự tương ứng giữa cái tự nhiên với cái siêu nhiên, có sự tương ứng giữa thế giới này với thế giới đằng sau đầy bí ẩn….Nếu tổng hòa các yếu tố trong hai bài thơ “Tranh lõa thể” và “Đồ mi hoa”, ta cũng sẽ thấy rõ sự tương giao đó. Đó là sự tương giao tổng thể, tương giao giữa thiên nhiên, con người, thơ, họa, nhạc, hương, vị và cả mọi giác quan, khó mà phân biệt rạch ròi. Điều này sẽ dễ dàng lí giải vì sao Hoài Thanh nhận xét thơ Bích Khê “đọc đôi ba lần cũng như chưa đọc”[5, tr 228].

            3.2       Thiên tính nữ mang vẻ đẹp hình thể của người thiếu nữ- xác thịt chiếm ngôi thần

Trước đây, phải khó khăn lắm, ngăn trở lắm, Hồ Xuâu Hương cũng chỉ mới đề cập  đến những vấn đề nhạy cảm như chuyện ái ân, chuyện phòng the của người phụ nữ:
                                    Hỡi chị em ơi có biết không?
                                    Một bên con khóc một bên chồng
                                    Bố cu lổm ngổm bò trên bụng
                                    Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.
                                                                        (Cái nợ chồng con - Hồ Xuân Hương)
                                    Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
                                    Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
                                    Quân tử có thương thì bóc yếm
                                    Xin đừng ngoáy ngó lỗ trôn tôi.
                                                                        (Ốc nhồi - Hồ Xuân Hương)
Thơ Hồ Xuân Hương bị coi là dâm nhưng thực chất bà chỉ ca ngơi vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ và đòi quyền sống cho thân xác của con người, cho nhu cầu muôn đời của nhân loại.
Ngày sau, Bích Khê cũng đã đề cập đến “dâm”. Nhưng, táo bạo hơn, Bích Khê đã đặt “dâm” ngang hàng với “đẹp”. Chính vì vậy, đề cập đến “đẹp” thơ Bích Khê đã phản ánh ở một phạm trù hoàn toàn mới lạ, độc đáo: phạm trù thơ lõa thể, thơ xác thịt đã chính thức lên ngôi.
            Trong thơ của mình, bằng tên gọi phím chỉ về những người thiếu nữ khác nhau, có lúc Bích Khê gọi người thiếu nữ là nàng, có lúc ông gọi là tiên nương, là giai nhân. Dùng những tên gọi mĩ miều như thế, bởi người thiếu nữ mà ông phát họa mang những vẻ đẹp của tạo hóa:
                                    Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ
                                    Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này?
                                    Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
                                    Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm?     
                                    Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
                                    Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
                                                                        (Tranh lõa thể)
                                    Tràng cánh trắng biến ra da thịt tuyết
                                    Một tiên nương mừa tựa một giai nhân
                                                                        (Đồ mi hoa)
            Dưới cái nhìn tượng trưng, siêu thực, nàng thơ của Bích Khê mang vẻ đẹp của “tiên nương”,“da nàng tuyết điểm”, nhan sắc nàng lên hương, mắt nàng long lanh “ngời châu rung”, một “tiên nương” hiện ra “mừa tựa một giai nhân”. Đứng trước “tiên nương”, Bích Khê chỉ biết thốt lên trước tấm thân yêu kiều, trong trắng của nàng sau khi được trút bỏ qua lớp xiêm áo: “Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động”.
Ít nhiều từ văn hóa phồn thực, kết hợp với yếu tố thiên tính nữ, thi sĩ coi vẻ đẹp của người thiếu nữ là vẻ đẹp thiên phú, là sản phẩm vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng. Bích Khê đã lấy vẻ đẹp tinh túy của đất trời, của thiên nhiên để thổi hồn vào tuyệt tác giai nhân khiến cho tuyệt tác như sống động, uốn éo. Trong không gian huyền diệu, hương quyện lâng lâng, trang tuyệt thế giai nhân càng thêm quyến rũ.
Bút trong tay, mắt đắm chìm trên cơ thể của người thiếu nữ, chợt “danh họa” Bích Khê dừng lại nơi tuyệt đẹp nhất của giai nhân, đó là đôi vú người thiếu nữ. Đường cong nhạy cảm của người thiếu nữ được phát hiện. Bằng cái nhìn lõa thể, Bích Khê thường hay nói nhiều đến đôi vú của người thiếu nữ, chẳng hạn như trong một số bài thơ khác:
                        Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ
                        Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh
                                                            (Sắc đẹp)
                        Vẻ chi mãnh liệt nhưng êm ái
                        Trong cặp tuyết lê ướm dậy thì
                                                            (Châu)
Với thi sĩ Bích Khê, đôi vú của người thiếu nữ là nguồn thơ. Chính vì thế, chàng thi sĩ làm thơ, tức là “nút” vú, chàng muốn “nút”, muốn “nư”, nút cho đến no nê, cho đến tràn trề, cho thỏa mãn tinh chất của người thiếu nữ. Liên hệ với một số bài thơ khác, ta sẽ thấy rõ điều đó:
                        Anh tính ôm chầm lấy mắt mơ
                        Lấy môi lấy má…lấy ngây thơ
                        Để anh nút ớn mùi hương ấm
                        Của một tình yêu giận hững hờ
                                                            (Ảnh ấy)
                        Tôi chợt ôm cô trong giấc mộng
                        Nút bao thanh khí, đã nư thèm…
                                                            (Cùng một cô đào hát bộ)
Có thể thấy, vẻ đẹp hình thể của người thiếu nữ là một tín hiệu nghệ thuật rất độc đáo mà Bích khê thường hay nhắc đến. Bích Khê muốn lấy vẻ đẹp trong trắng để hóa giải cho quan niệm khiêu dâm truyền thống mà thơ ca xưa vốn lên tiếng đả kích. Do đó, thơ Bích Khê không hề dâm như một số người đã nhận định. Thiên tính nữ khiến cho thơ Bích Khê đạt đến ngưỡng đặc biệt như thế!
Như vậy, vẻ đẹp thiên tính nữ đậm chất Á Đông, được kết tinh rõ nhất trong thơ Bích Khê. “Tiên nương” của Bích Khê có đầy đủ tất cả những vẻ đẹp của người phụ nữ Á Đông. Nàng đẹp ở tài hoa, ở thiên hương, ở phẩm tiết. Nàng đẹp từ ngoại hình cho đến phẩm chất bên trong, nàng là hiện thân cho cái đẹp toàn mĩ mà nhân loại đang hướng đến. Cuộc đời và số phận của Bích Khê quá nhiều đau thương và bất hạnh, chính vì thế mà càng đau thương, càng bất hạnh ông càng khát khao, càng mơ ước được chiếm hữu những cái đẹp như thế!
Bằng những nét bút rất thật, rất đời, rất trần thế, “Tranh lõa thể” của Bích Khê tưởng chừng như sẽ rất thô, rất tầm thường, bởi nó trần truồng. Nhưng thơ Bích Khê chỉ “ca ngợi vẻ đẹp cơ thể của người thiếu nữ”, “sự trần truồng dâm đãng đã nhường lại cho ý vị nên thơ của hương, của nhạc, của trăng của tuyết” [5, tr 228].  Nếu thi sĩ đã thổi hồn cho thi ca một sự sống, thì chính sự cảm nhận của độc giả sẽ cho thi ca một đời sống. Cảm nhận thơ Bích Khê không phải dễ dàng. Không phải vô tình khi nói “Tranh lõa thể” là một tuyệt tác thi ca. Và chắc chắn, không phải vô tình khi Hoài Thanh nhận xét: đó là “những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam”[5, tr 227].
     
3.3. Ngôn ngữ, giọng điệu

Thơ Bích Khê là sự dấn thân cho một phong cách mới, mở rộng địa hạt của thơ sang phạm trù thơ lõa thể, thơ xác thịt. Ảnh hưởng bởi lối thơ tương trưng kết hợp với việc nhận thức được những giá trị văn hóa vốn ăn sâu trong tâm thức của người Á Đông, Bích Khê khiến cho thơ của mình vừa trở thành một “đóa hoa thần dị”[4], lại vừa được người đọc đón nhận với thái độ “kính nhi viễn chi” [5]. Làm được điều đó, là vì thơ Bích Khê mang đậm nét thiên tính nữ, từ ngôn ngữ, cho đến giọng điệu.
Phác họa trong “Tranh lõa thể”, ngôn ngữ của Bích Khê là ngôn ngữ của thân thể. Bởi, nếu đã nói đến vẻ đẹp hình thể của người thiếu nữ, thi si biết rằng, không thể né tránh được thứ ngôn ngữ này, chỉ có ngôn ngữ thân thể mới có thể diễn tả được đầy đủ nhất và hoàn hảo nhất vẻ đẹp hình thể đó:     
                        Hai vú nàng, hai vú nàng! Chao ôi
                        Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng
                                                            (Tranh lõa thể)
Sử dụng ngôn ngữ thân thể, nhưng ngôn ngữ của Bích Khê không thô bạo, “trần truồng”, mà trái lại hết sức nhẹ nhàng, nữ tính:
                        Đêm này đây ngời ngọc ngà sa gấm
                        Sắc đẹp vừa hiện giữa đóa đồ mi
                                                            (Đồ mi hoa)
            Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Thơ Bích Khê đọc đôi ba lần cũng như chưa đọc”[5, tr 228]. Điều đó có nghĩa là, thơ Bích Khê khó hiểu. Đọc thơ Bích Khê, nếu đọc đôi ba lần, có thể sẽ chưa thẩm thấu được, bởi thơ ông mang màu sắc tượng trưng siêu thực, hệ thống âm thanh, hình ảnh, màu sắc vô cùng phong phú, đa dạng lại có sự tương giao tương hợp với nhau. Thi sĩ luôn biết khai thác thế mạnh của nhạc điệu để làm cho thơ của mình thăng hoa. Chính vì thế, giọng điệu trong “Tranh lõa thể” và “Đồ mi hoa” rất yểu điệu, rất nữ tính:
                                    Ngừng hơi thở…ta nép trong bóng lá,
                                    Để vần thơ theo nhịp điệu thuyền quyên
                                    ……
                                    Ta những muốn sầu thương thôi biểu lộ,
                                    - Sắc trong màu, màu trong sắc, hân hoan…
                                    Ta những muốn mùa đông nhường lại chỗ
                                    - Nhạc gây hương, hương gây nhạc, lan man…
                                    Ta những muốn màn đen về cõi mộ
                                    - Cả không gian là bể sáng tràn lan…
                                                                        (Đồ mi hoa)
            Sắc trong màu, màu trong sắc. Nhạc gây hương, hương gây nhạc. Hình ảnh duyên dáng, giai điệu du dương. Tất cả dường như đều rất nhẹ nhàng và nữ tính. Thơ Bích Khê tựa như một bức tranh thơ hòa trên nền nhạc du dương, êm dịu ngọt ngào. Thơ Bích Khê đẹp như thế đó!
Từ những phân tích đã đưa ra, có thể khẳng định rằng thơ Bích Khê mang đậm nét thiên tính nữ. Giải thích điều đó, có thể căn cứ vào những lí do sau:
Thứ nhất, Bích Khê chịu ảnh hưởng rất nhiểu bởi Baudelaire - một nhà thơ lớn của Pháp ở thế kỉ XIX, thuộc trường phái tượng trưng chủ nghĩa. Theo Baudelaire, cái xấu cũng như cái đẹp, cái thiện cũng như cái ác, một khi được đưa vào tác phẩm nghệ thuật đều có thể gây nên những rung động thẩm mĩ ngang nhau. Baudelaire đã xóa nhòa ranh giới giữa cái đẹp và cái ghê tởm, ca ngợi xác thịt với những câu thơ nặng nhục cảm. Mĩ học của Baudelaire vừa đề cao cái thanh cao của đời sống tinh thần, vừa giành chỗ cho khoái lạc xác thịt. Bích Khê đã tiếp nhận quan niệm về cái đẹp đó của Baudelaire.
Thứ hai, Bích Khê đã học tập thơ Tượng trưng Pháp để duy tân thơ Việt: Để tìm ra sợi dây liên hệ giữa thế giới vô thức và thế giới hữu thức, giữa thế giới vô hình và thế giới hữu hình, Bích Khê đã có một cái nhìn “thấu thị” xuyên suốt các sự vật nhằm tìm ra giá trị đích thực của cái đẹp. Thế giới nghệ thuật trong thơ Bích Khê là một cấu trúc hoàn chỉnh mang tính tượng trưng. Bởi ta gặp trong đó một cõi đời đầy mộng ảo xa lạ với cuộc sống, nơi tồn tại phiêu diêu của phần tâm linh bí ẩn, một cõi trời huyền bí của thế giới cái đẹp, thế giới thi ca, trong sự hòa điệu nhịp nhàng tương ứng của mọi màu sắc, hương thơm với những âm thanh và biểu tượng kì lạ. Điều này khiến cho yếu tố thiên tính nữ trong thơ Bích Khê trở nên độc đáo, tinh tế, thoát khỏi sự dung tục tầm thường.
Thứ ba, theo phân tâm học Freud, bản năng tính dục là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Vấn đề tính dục có tác động đến sáng tạo nghệ thuật, vì đó là một hoạt động thuộc bản năng sinh tồn của mọi giống loại mà con người không thể là loại biệt. Chính vì thế, trong thơ Bích Khê, vấn đề tính dục được đề cập rất nhiều. Có lẽ, sau những mối tình đẹp nhưng dang dở của mình (đặc biệt với cô học trò Song Châu), trong ông vẫn nguyên vẹn những khát khao nồng cháy.
Như vậy, với ba lí do trên, ta có thể lý giải vì sao yếu tố thiên tính nữ lại đậm nét trong thơ Bích Khê.
Nhiệm vụ của nghệ thuật nói chung và của thi ca nói riêng chính là tìm kiếm cái đẹp. Và như vậy, thơ Bích Khê đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và chức năng của nó.

Kết luận

Có thể nói, xuyên suốt toàn bộ những sáng tác của Bích Khê, là vẻ đẹp của thiên nhiên, của người thiếu nữ mà trong đó tất cả đều chứa đựng yếu tố thiên tính nữ. Do vậy, thiên tính nữ là điểm tựa cho những sáng tác của Bích Khê. Soi sáng qua hai bài thơ “Tranh lõa thể” và “Đồ mi hoa” từ khía cạnh thiên tính nữ, Bích Khê đã làm thức tỉnh trong lòng độc giả những rung động thẩm mĩ, hướng người đọc đến Chân- Thiện-Mĩ.
Chứa đựng yếu tố thiên tính nữ, thơ Bích Khê cũng đã chứa đựng giá trị nhân văn. Điều này góp phần không nhỏ vào việc đưa Bích Khê ngồi đúng vào vị trí của mình trong thi giới.Vượt thời gian và vượt cả không gian, thơ Bích Khê đã có được vị trí xứng đáng. Hàn Mặc Tử thật chính xác khi nhận xét: “Một bông hoa lạ nở hương, một thứ hương quí trọng, thơm đủ mọi mùi phước lộc…Ta có thể sánh văn thơ Bích Khê như đóa hoa thần dị ấy”[4].
Như vậy, với ý thức cách tân mạnh mẽ và với cách dốc hết “tinh huyết” và “tinh hoa” của tuổi trẻ cho thơ ca dân tộc, Bích Khê “vừa làm thơ, vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước” (Chế Lan Viên). Và chính vì thế Bích Khê đã cống hiến cho thơ Việt Nam nhiều vấn đề, trong đó có thiên tính nữ, điều độc đáo mà ở nhiều thi sĩ cùng thời không có được.



DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Văn Bổn (1997), Thi ca Việt Nam chọn lọc- Thơ Bích Khê, NXB Đồng Nai.
2. Đỗ Đức Hiểu (2004), Từ điển văn học, NXB Thế Giới
3. Lê Thị Lan (2011), Quan niệm của Nguyễn Du về cuộc đời và thân phận con người,
4. Hàn Mặc Tử (2007), Những bài thơ huyền diệu của Bích Khê.
5. Hoài Thanh, Hoài Chân (2000), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn Học, Hà Nội.
      6. Lê Trí Viễn( 1987), Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương



Học viên Hồ Thị Thu Hảo
Lớp Cao học Văn học Việt Nam K16
Bài đăng trong
Kỷ yếu Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên Ngữ văn 2014
Khoa Ngữ văn - trường ĐH Quy Nhơn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét