Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

BÌNH ĐỊNH: NHỚ CHỢ PHIÊN, NHỚ MỘT HỒN QUÊ (Nguyễn Thị Thùy Nhân)




Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa xuất hiện từ rất lâu đời ở nhiều vùng quê mà còn là một nét văn hóa của dân tộc Việt:

Anh về hái đậu, trẩy cà
Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên
Chợ lỡ phiên tốn công, thiệt của
Miệng tiếng cười người rõ sao nên
Lấy chồng phải gánh giang sơn
Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì?

Hiện nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, chợ phiên vẫn còn được duy trì nhưng không còn đậm đà hồn dân tộc như ban sơ. Nó trở thành một kí ức đẹp trong lòng người Việt Nam.

Chợ phiên là một khái niệm quen thuộc với người, nhất là những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở nông thôn thì chợ phiên không chỉ được xem là không gian sinh hoạt mà còn là một nét văn hóa, dù đi đâu họ cũng sẽ nhớ về.

Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB Văn hóa Sài Gòn 2005), “chợ phiên” có nghĩa là tổ chức trò vui ngoài trời và bán hàng nhằm mục đích lấy tiền làm việc từ thiện hoặc cho công cuộc cứu tế. Tuy nhiên, người dân Bình Định không sử dụng tên gọi “chợ phiên” theo nghĩa đó. Họ dựa vào bản thân nghĩa của từ “phiên” là lần mà mỗi người, theo thứ tự, làm cùng một loại việc như người trước và sau mình để đảm bảo sự liên tục. Vậy nên, chợ phiên ở Bình Định là chợ được họp trong một số ngày cố định trong tháng, thường là 5 ngày sẽ họp một lần.

Tôi được sinh ra từ một miền quê nghèo của tỉnh Bình Định và đã từng theo mẹ, theo chị đi chợ phiên trong suốt một thời gian dài. Thuở ấy, quê tôi không có công viên cho những chiều chủ nhật để trẻ con được cùng mẹ, cùng ba náo nức dạo chơi, không có những shop thời trang, những hàng ăn sang trọng để cùng bạn bè tụ tập những khi chiều về. Tất cả thú vui “shopping” của mấy cô thôn nữ, ham muốn “ăn hàng” của lũ trẻ con hay cơ hội gặp gỡ bạn bè của các bà, các mẹ,… có lẽ dồn về nơi ấy – chợ phiên. Chợ được họp từ rất sớm. Từ lúc gà gáy, các bà các mẹ đã lo chuẩn bị đồ hàng mà gánh đến chờ để chờ cái “sớm mai” may mắn. Chợ phiên ngày ấy thật đúng với cái tên “hội chợ” mà người hiện đại dùng để chỉ chợ lớn, nơi có đủ các gian hàng mang những thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước. Hàng hóa lúc bấy giờ đơn giản nhưng lại có đủ các loại. Đó là những mớ rau hái được ngoài ao, vườn; là con gà, cái trứng; là cái thúng, lưỡi dao, lưỡi cuốc, lưỡi cày;… cũng đa dạng phong phú nhưng hầu như tất cả đều mang tính chất “hộ gia đình” chứ không phải theo công nghệ dây chuyền như hiện nay. Ngày ấy, cá thịt thật hiếm hoi. Dẫu có thì cũng là cá hấp, cá mặn, thịt muối chứ chả có cá tươi sống như bây giờ. Bởi một lẽ vì việc vận chuyển quá khó khăn và mức sống của người dân quá thấp mà họ chỉ có thể mua bán những thực phẩm khô, mặn để có thể bảo quản lâu và đỡ tốn kém.Hàng hóa lúc bấy giờ đều là những thứ nhằm phục vụ cho công việc nhà nông của bà con, ăn để sống, ăn để làm chứ không phải “sống để ăn”.

Người đi chợ thì rất đông. Họ đi chợ không chỉ để bán những món hàng cây nhà lá vườn đổi lấy những thức ăn dự trữ cho 4, 5 ngày không có chợ mà còn là đi chơi. Họ đi chợ là để gặp gỡ bạn bè, buôn những câu chuyện thường nhật đầy lí thú mà 4 ngày trước đó chưa có dịp tỏ bày. Vì thế, nó hình thành một nét gọi là “văn hóa chợ”, văn hóa về việc “thuận mua vừa bán”, văn hóa mời chào, văn hóa ngã giá,… và có cả văn hóa “chửi”. Người bán quan trọng chuyện “mở hàng” gắn với vía nặng hay nhẹ? Người mua thì quan trọng chuyện giá đắt hay rẻ và cân có đủ lạng, đủ cân hay không? Chỉ cần nhầm lẫn, vô ý một tí là có thể chửi nhau. Họ chửi cho thỏa rồi thôi, hôm sau lại mời chào ngọt lịm.

Gái này là gái chả vừa
Gái bán vải tấm, gái lừa vải con.
Gái này là gái chả non
Gái lường chợ Quán, gái buôn chợ Cầu.

Người ta vẫn nói “ồn như cái chợ” hay “cái miệng như mấy người bán cá” là điều không oan uổng chút nào. Khi mà phương tiện truyền thông còn hạn chế, không ti vi, không điện thoại, không phát thanh thì chợ là nơi cung cấp thông tin từ miền ngược đến miền xuôi. Đi chợ còn là để hóng tin tức ở khắp nơi. Chuyện đó thì ngày nay vẫn còn nhưng không còn tính chất “nóng hổi” như xưa. 

Không chỉ vậy, chợ còn là nơi để người người có thể diện những bộ đồ mới. Cuộc sống quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dầm sương dãi nắng, có bao giờ họ biết đến cái gọi là “đi chơi”. Đi chợ cũng được xem như là đi xem hội vậy!

Chiều chiều ra chợ Đông Ba
Ngó về hàng bột, trông ra hàng đường
Nhìn mai, ngắm liễu, xem hường
Cô nào đẹp nhất xin nhường cho tôi

Ở Bình Định có một chợ phiên ra đời từ rất lâu và rất nổi tiếng là chợ Gò Chàm.

Chợ Gò Chàm một tháng sáu phiên
Ai thương ai thì hãy nhớ xuống lên cho đều…

Chữ Chàm đây có lẽ chỉ cho người Chàm, người Hời tức người Chiêm Thành (ngày xưa người Chàm cũng họp chợ ở đây) hay cũng có thể Chàm là loại cây dùng trong công nghệ nhuộm (màu chàm) như trong câu:

Trót vì tay đã nhúng chàm
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?

Ngày nay, chợ Gò Chàm được gọi bằng cái tên chợ Bình Định. Nó vẫn nằm trên quốc lộ 1A, trung tâm thị trấn Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Chợ bây giờ nhiều hàng hóa mà lại ít người mua hơn. Lí do là vì xuất hiện nhiều “chợ xổm”, hàng quán bán lẻ hàng ngày. Họ không cần phải sợ thiếu thức ăn trong những ngày chưa tới chợ phiên. Chợ Bình Định nay không còn là chợ phiên mà ngày nào cũng họp nên không còn đông vui, háo hức như trước đây nữa. Người đi chợ bây giờ tranh thủ ghé qua, mua đồ cần thiết rồi nhanh chóng về làm nốt những công việc dang dở, lắm khi gặp người quen mà không kịp chào dù chỉ là một ánh mắt. Cuộc sống công nghiệp hiện đại cuốn con người vào cái vòng xoay vội vã khiến họ quên dần một nét văn hóa lâu đời của thôn quê là đi chợ phiên. Đó là xu hướng tất yếu mà nhiều khi nhìn lại, chúng ta mới thấy tiếc nuối rằng đã có một thời chợ phiên là một nét văn hóa độc đáo của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bây giờ, nhiều nơi vẫn còn họp chợ phiên nhưng theo năm tháng nét văn hóa “đi chợ phiên” chỉ còn đọng lại trong kí ức của các cụ (mẹ, bà ngày ấy) và những đứa trẻ như tôi năm nào. Một chút hồn quê ngày ấy còn sót lại cho đến tận bây giờ có lẽ chỉ là những phiên chợ Tết. Vì thế, muốn tìm về một chút “hội chợ ngày xưa” thì chỉ có đợi mà đi chợ Tết.

Quả thật, những ai đã từng háo hức đợi mẹ đi chợ về mang theo quà bánh thì hẳn sẽ không bao giờ quên được cái không khí vui tươi, ồn ã, nhộn nhịp của những phiên chợ làng quê. Không khí ấy đã dần trôi xa và chợ phiên hôm nay thì mang nhiều màu sắc mới,màu sắc sinh hoạt hơn là văn hóa. Nó phục vụ cho cuộc sống công nghiệp hiện đại chứ không phải là biểu hiện của một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu mà thắm tình như trước. Tuy nhiên, nó vẫn là một nét văn hóa của làng quê Việt Nam, dù chúng ta không thể giữ trọn vẹn hồn quê ấy nhưng chúng ta cũng rất tự hào và xúc động khi nghĩ về nó.

Nguyễn Thị Thùy Nhân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét