Giải cấu trúc là một trào lưu tư tưởng hậu hiện đại trong khoa học xã hội và nhân văn, xuất hiện ở phương Tây từ cuối những năm 60, kéo dài cho đến cuối thế kỉ XX, nhưng có ảnh hưởng rộng lớn toàn thế giới. Đó là những năm thế giới chìm trong các mâu thuẫn và đảo lộn, đòi hỏi có sự phản tư phản tỉnh về tư tưởng, văn hóa: hệ thống thuộc địa tan rã, chiến tranh Việt Nam của Mĩ đi vào ngõ cụt không lối thoát, mâu thuẫn tư tưởng Trung Xô, Trung Quốc cách mạng văn hóa. Cuối những năm 70 cách mạng văn hóc Trung Quốc kết thúc thì phong trào Cải tổ nổi lên ở Nga cho đến khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Cũng vào khoảng giữa những năm 80 Việt Nam bước vào thời kì Đổi mới. Giải cấu trúc gắn liền với những biến đổi sâu sắc trong đời sống xã hội toàn cầu ở thế kỉ XX.
Tuy có muộn màng, song nếu ai lưu ý thì sẽ thấy ở Việt Nam cũng có chút ít dấu hiệu của giải cấu trúc. Bản thân chúng tôi và một số người khác từ những năm 80 thế kỉ trước đã đề xuất việc thay đổi hệ hình lí luận, tư duy, phê bình, bắt đầu thực hành giải cấu trúc về tính giai cấp, về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chúng tôi đã tiến hành giải cấu trúc lí thuyết điển hình và đánh giá truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, một hiện tượng sáng tác mới mẻ lúc ấy, mà với lí luận cũ, người ta lúng túng mãi không giả thích được. (Xem Tính nhân loại và văn học viết năm 1983[1], Bến quê, một phong cách trần thuật có chiều sâu,1987[2]).Trong những năm gần đây chúng tôi tiến hành giải cấu trúc các lí thuyết cũ, nhận thức tính huyền thoại của chúng (Xem Lã Nguyên. Lí luận Nga xô viết thời hậu kì, Trần Đình Sử. Lí luận văn học: khủng hoảng và lối thoát…). Chính nhờ những hoạt động giải cấu trúc như thế đã góp phần thúc đẩy quá trình giải thiêng các lí luận ngự trị một thời, mở đường đổi mới lí luận văn học, khắc phục các nhận thức trì trệ. Nhưng, như mọi người đều biết, tư tưởng mới khi được du nhập thường có hiện tượng bị hiểu lầm, như có nhà phê bình cho rằng giải cấu trúc là phi cấu trúc, là tự do khỏi mọi cấu trúc, là không cần khoa học, phá hủy tác phẩm…vì vậy thiết nghĩ cần giới thiệu cho rõ.
Giải cấu trúc là trào lưu tư tưởng bao quát một phạm vi rộng lớn, từ triết học, xã hội học, văn hóa học, phương pháp luận cho đến các lĩnh vực cụ thể như chủ nghĩa hậu thực dân, phê bình nữ quyền. Xét về phương diện triết học và thế giới quan thì giải cấu trúc là một thái độ đối với nhận thức, chứ không phải là các biện pháp phân tích văn bản cụ thể. Đối với phê bình văn học thì giải cấu trúc là một lí thuyết đọc văn bản có hiệu quả. Giải cấu trúc hay chủ nghĩa giải cấu trúc trước hết là lí thuyết chống lại sự tuyệt đối hóa của chủ nghĩa cấu trúc, nhưng không chỉ có thế. Trước chủ nghĩa cấu trúc người ta giải thích các tác phẩm văn học bằng quan điểm lịch sử, hoàn cảnh xã hội, tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý đồ của tác giả… Chủ nghĩa cấu trúc ra đời chứng minh rằng ý nghĩa của tác phẩm chỉ nằm trong cấu trúc của văn bản, quan điểm lịch sử bị phế bỏ, điều đó làm cho chủ nghĩa cấu trúc trở thành kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa Mác, và một thời gian dài ở các nước xã hội chủ nghĩa chủ nghĩa cấu trúc là thứ cầm kị và đối tượng phê phán liên tục. Nhưng có điều lạ lùng này. Tuy hai lí thuyết thù địch nhau, song lại giống nhau như lột ở một điểm: đó là tin rằng mỗi tác phẩm văn chương chỉ có một nghĩa, một ý nghĩa xác định, bất di dịch, chỉ cần biết nắm được phương pháp này hoặc phương pháp kia. Chỉ có tin như thế thì có nhà phê bình mới tự coi mình là giỏi nhất, nắm được chìa khóa mở tư tưởng tác phẩm, không chấp nhận hoặc ghét bỏ những người có ý kiến khác với mình. Chỉ có tin như thế thì khi đem một tác phẩm ra phê phán, tác giả của nó bắt buộc phải chấp nhận búa rìu do ý kiến của người phê bình áp đặt cho họ, mà không được nói lại, bởi chân lí chỉ duy nhất có một. Nhưng đến thời giải cấu trúc thì cái quan niệm kia bị lung lay đến tận gốc.
Người khởi đầu cho giải cấu trúc trên thế giới là Jacques Derrida, năm 1966 đã đọc một báo cáo khoa học nhan đề là Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn khoa học nhân văn. Trong bài đó ông chứng minh rằng không có chân lí tuyệt đối, bất biến, các sự kiện chỉ có ý nghĩa tạm thời. Trong đời sống, sự kiện là sự cố đối với quá trình bình lặng, đứt đoạn là thách thức đối với truyền thống, trò chơi là sự phản kháng chống lại các diễn ngôn chuyên chế, độc tôn.
Trong hệ thống triết học phương Tây có một trung tâm mà cấu trúc dựa vào đó để duy trì bản thân. Nó quy định phép tắc, hạn chế hoạt động, mà không bị chế ước, nhưng lại không gì thay thế trung tâm đó được. Ông chỉ ra một nghịch lí là trung tâm vừa ở trong cấu trúc, vừa ở ngoài cấu trúc, do đó, trung tâm không còn là trung tâm nữa. Ví dụ ở phương Tây từ trung cổ đến thế kỉ XVIII thần là trung tâm; từ thế kỉ XVIII dén thế kỉ XIX lí tính là trung tâm; từ thế kỉ XIX đến những năm 60 cái tôi, vô thức là trung tâm…Có thể nói, sau Derrida về mặt lí thuyết cái trung tâm lần lượt bị giải trừ.
Dĩ nhiên không có chủ nghĩa cấu trúc thì không có chủ nghĩa giải cấu trúc. Chủ nghĩa cấu trúc coi ngôn ngữ là hệ thống tự nó hoàn thiện, ổn định, bất biến. Chủ nghĩa cấu trúc coi cấu trúc ngôn ngữ sinh thành ý nghĩa, cấu trúc là trung tâm. Cấu trúc của kí hiệu gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt do Saussure đưa ra như là cấu trúc biểu đạt nghĩa cố định. Derrida chứng minh rằng trong thực tế cái biểu đạt vượt lên trên cái được biểu đạt. ở đó, người ta chỉ có quan hệ giữa cái biểu đạt và những cái biểu đạt khác, còn cái được biểu đạt thì mịt mù, phần nhiều cứ bị trì hoãn mãi. Chẳng hạn khi trong phê bình ta nói tác phẩm A là phản động, thì hai chữ “phản động” cũng chỉ là một “cái biểu đạt” mà người đọc đưa ra mà thôi, còn “cái được biểu đạt”, tức là cái thực chất phản động của nó trên thực tế như thế nào thì có thể được giải thích muôn hình muôn vẻ, mỗi người nói một khác. Mà mọi sự giải thích như thế suy cho cùng cũng chỉ là những cái biểu đạt. Như thế việc tìm nghĩa (cái được biểu đạt) tưởng là giản đơn, hoá ra hết sức phức tạp, nó cứ bị trì hoãn, kéo dài ra mãi, không dứt được. Như thế nghĩa của văn bản biểu hiện trong quá trình chơi không bao giờ dứt. Hóa ra trung tâm của ngôn ngữ không phải là cái được biểu đạt, vì nó không cố định, mà lại là cái biểu đạt. Ở đây Derrida gặp gỡ với nhà phân tâm học Pháp J.Lacan, người cũng chủ trương cái biểu đạt trôi trượt, bởi vì cội nguồn của ngôn ngữ là vô thức, cho nên con người không thể khống chế được ngôn ngữ.
Derrida không chỉ giải cấu trúc “trung tâm nhất nguyên”, ông còn giải cấu trúc “đối lập nhị nguyên” nữa. Triết học phương Tây có truyền thống đối lập nhị nguyên, như tốt/xấu, thiện/ác, trắng/đen…hay phổ biến/cá biệt, bản chất/hiện tượng, tất yếu/ngẫu nhiên, nguyên nhân/hậu quả, nội dung/hình thức…là những cặp đối lập đẳng cấp không bình đẳng, yếu tố trước bao giờ cũng có vai trò quan trọng hơn yếu tố sau. Như thế muốn nhận thức chân lí cần loại bỏ đối lập siêu hình đó.
Tất nhiên trước và sau nhà triết học Pháp cũng đã có lí thuyết đưa đến tư tưởng giải cấu trúc. Với chủ nghĩa đối thoại, nhà tư tưởng Nga M. Bakhtin (1929, 1963) cho rằng trong tiểu thuyết đa thanh (phức điệu), tác giả không phải là người quyết định tư tưởng của tác phẩm, cái quyết định là quan hệ đối thoại của các nhân vật, bởi vì theo ông, mỗi nhân vật tồn tại như một nhà tư tưởng. Tác giả chỉ là người tổ chức đối thoại. Nhưng phải đến Derrida thì giải cấu trúc mới trở thành một xu thế trong tư tưởng khoa học nhân văn. Với lí thuyết ngôn ngữ hành vi của nhà ngữ học Mĩ J. L. Austin, thì khác với truyền thống triết học châu Âu quen nhìn phát ngôn như những mệnh đề mà người ta có thể xác định là đúng (chân) hay sai (nguỵ), theo Austin, những lời hứa, lời thề, lời hẹn… chỉ là ngôn ngữ hành vi, không có cơ sở nào để nói là thật hay giả, đúng hay sai. Muốn biết đúng sai phải chờ thực tế. Xét rộng ra, theo nhà lí luận văn học Mĩ J. Culler, ngôn ngữ văn học thực chất cũng là ngôn ngữ hành vi của nhà văn, nhà thơ. Khi nhà thơ nói: “Tôi đã là con của vạn nhà, Là em của vạn kiếp phôi pha, Là anh của vạn đầu em nhỏ…” hay “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt, Như mẹ như cha, như vợ như chống…” thì trước hết đó chỉ là lời thề, là quyết tâm thư, là những cái biểu đạt, những lời nói hành vi. Nói rộng ra trong xã hội đầy rẫy những ngôn ngữ hành vì mà rất khó phán đoán sự thật/giả, chân/nguỵ.
Một lí thuyết thứ ba có tác động đến giải cấu trúc là là thuyết về ngữ cảnh. Lí thuyết này cùng với việc phủ nhận ý đồ tác giả trong văn bản vốn có trong lí luận phê bình mới Anh Mĩ, làm truyền thống cho tư tưởng giải cấu trúc Mĩ sau này. Ý nghĩa của lời nói tuỳ thuộc vào ngữ cảnh mà xác định chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào cấu trúc nội tại của lời văn. Câu “Anh bê cái bàn ra ngoài sân cho” có thể là lời đề nghị bê bàn, có thể là lời thách thức xem có dám bê không, hoặc là lời mỉa mai, biết tỏng là anh ta không bê nổi. Như thế muốn hiểu nghĩa mà chỉ dựa vào cấu trúc ngôn từ thì không đủ.
Thứ tư là lí thuyết liên văn bản. Lí thuyết này được gợi ý từ chủ nghĩa đối thoại của nhà lí luận văn học Nga M. Bakhtin, nhưng được phát triển bởi nhiều người, từ Kristeva, Bloom, de Man, Miller, Genette, Riffater…Trước đây hễ nói tới văn chương người ta nói đến tính độc đáo, độc nhất vô nhị của sáng tác của tác giả. Nhưng với lí thuyết liên văn bản thì mọi sáng tác đều có sự lặp lại, lấy lại, mượn lại ý tưởng, ngôn từ, kết cấu, cốt truyện… của các nhà văn có trước rồi biến đổi đi, cấu tạo lại để làm ra cái mới. Như thê muốn hiểu nghĩa của tác phẩm còn cần phải so sánh đối chiếu, phân tích nhiều mối quan hệ với vô vàn văn bản khác mới có thể xác định, chứ chỉ riêng cấu trúc của nó thì cũng chưa đủ. Tính độc đáo không tuyệt đối như người ta tưởng.
Đáng chú ý là quan điểm của M. Foucault, nhà sử học, xã hội học Pháp đề xuất lí thuyết diễn ngôn. Trong lí thuyết này ông quan tâm mối quan hệ giữa chủ thể và diễn ngôn. Ông khẳng định rằng tác phẩm không phải là cái vật mang tư tưởng riêng của cá nhân nhà văn. Bởi vì con người với tư cách là chủ thể của diễn ngôn là do diễn ngôn tạo ra. Quan niệm này cũng gióng như tư tưởng của K. Jung, người chủ trương văn học do vô thức tập thể tạo ra, không phải Goethe sáng tạo ra Fauste, mà là Fauste sáng tạo ra Goethe. Trong văn học Việt Nam ta có thể tìm thấy một ví dụ thuyết phục, đó là thơ thế tục của Hồ Xuân Hương, không phải do thi sĩ họ Hồ tạo ra, mà do vô thức tập thể tạo ra. Không phải Hồ Xuân Hương tạo ra hoài niệm phồn thực, mà chính là hoài niệm phồn thức đã tạo nên gương mặt thế tục của bà. Như vậy theo Foucault, một khi tạo ra tác phẩm, tác giả chỉ còn là một bộ phận mang chức năng của tác phẩm.
Toàn bộ các lí thuyết nêu trên làm nên khuynh hướng “giải cấu trúc”, như thế giải cấu trúc không có nghĩa là phá huỷ cấu trúc, không có nghĩa là người ta tự do thoát khỏi cấu trúc để mà muốn nói gì thì nói một cách tuỳ tiện. Giải cấu trúc là giải trừ cái cấu trúc cố định để phơi bày ra cái cấu trúc mâu thuẫn ở bên trong, để thấy ý nghĩa của cấu trúc không ổn định, từ đó phát hiện nhiều ý nghĩa khác “bị bỏ sót”, “bị lãng quên” hay bị “ẩn giấu” mà thường khi tác giả của chúng cũng không ý thức hết. Cấu trúc vẫn còn, bởi cấu trúc là phương pháp tạo nghĩa. Không có khác biệt, cấu trúc, hệ thống không tạo ra nghĩa. Tuy nhiên cái quan niệm cấu trúc như trước đây, ảo tưởng rằng chỉ tìm ra một vài quan hệ chủ chốt nhất, hoặc chỉ với một số lượng yếu tố ít ỏi nhất mà có hiệu lực giải thích phổ biến nhất, chính xác nhất đã hoàn toàn sụp đổ. Cấu trúc của tác phẩm văn học, giống như R. Barthes trong sách S/Z đã cho thấy, hoá ra nó là cả một hệ tinh tú, như một thiên hà, như cả hệ mặt trời với vô vàn yếu tố, hành tinh, định tinh mà trong điều kiện nhất định mỗi người đọc với đôi mắt thịt chỉ biết được một số rất ít mà thôi, và nhà giải cấu trúc với thao tác của mình khám phá ra các “nghĩa bỏ sót”, phá thế của nghĩa độc tôn, tạo thành tính đa nghĩa.[3]
Hiện nay trên thế giới có nhiều khuynh hướng giải cấu trúc. Có thể nêu một số khuynh hướng chính sau đây. Một là lí thuyết đối thoại của Bakhtin. Hai là lí thuyết của các nhà triết học Pháp như Derrida, Foucault và ba là phê bình hậu thực dân của E. Said, Spivac, Homi Bha Bha, phê bình nữ quyền…bốn là trường phái Mĩ ở đại học Yale như J. H. Miller, Paul de Man, J. Culler…Phê bình hậu thực dân bắt đầu với E. Said, chịu ảnh hưởng sâu sắc của các người đi trước như Derrida, Foucault. Ông đã vận dụng tư tưởng giải cấu trúc để giải trung tâm của ý thức hệ, văn hóa thực dân đối với các dân tộc phương Đông, gây một tiếng vang lớn.
Các nhà giải cấu trúc Mĩ dem lại một cách hiểu tích cực đối với giải cấu trúc trong văn học. Paul de Man, nhà giải cấu trúc Mĩ, nhận xét về cách đọc truyền thống có mấy nhận định như sau. Một, cách đọc truyền thống đặc biệt nhấn mạnh đến đọc đúng và đọc sai. Có những người muốn vượt lên đúng sai, thậm chí cho rằng mọi cách đọc đều hợp lí như nhau cả. Nhưng cái lối né tránh đúng sai chỉ đưa người ta vào con đường lầm lạc, bởi bao giờ đọc đúng sai vẫn chiếm vị trí hàng đầu. Nhưng ranh giới đúng sai không cố định. (Nhắc lại ý này J. Culler khẳng định rằng: “Phán đoán phê bình, cho dù bị các loại điều kiện hạn chế như thế nào, dù khiêm tốn tới mức nào, người ta vẫn phải nói về chân lí.”) Hai, do nhu cầu vạch ra cái sai, cái nhầm để khẳng định cái đúng mà người ta hay cho cách đọc này hay hơn cách đọc kia, nhưng thực tế mọi cách đọc đều bị giới hạn bởi cách đọc có trước, bị hoàn cảnh lịch sử trói buộc, phải chỉ ra được các điều kiện đó thì mới chỉ ra được đâu là mù quáng, đâu là sáng tạo. Quả là ranh giới giữa chân/nguỵ, mù quáng/sáng tạo, đọc đúng/đọc nhầm là quan trọng, nhưng sự phận biệt đó dù thế nào vẫn không thể cho phép ta nói như đinh đóng cột về chân lí hay sáng kiến của mình phát hiện. Ba, trong sự đánh giá văn học de Man vẫn nghiêng về phía đề cao các tác phẩm kinh điển, vì đó là bộ phận nền tảng của lịch sử văn học. Tác phẩm càng vĩ đại thì nó càng là cơ sở để người ta chỉ ra lối đọc trước đó là hạn chế và nhầm lẫn. Làm việc với các tác phẩm kinh điển, nhà phê bình có được địa vị ưu tiên, càng có cơ chứng mình cách đọc mới của mình là ưu việt. Nietzsche, Rousseau, Shelley, Baudelaire, Hodeline, Kunderra…đều đã làm như vậy, và do nêu ra được chân lí mà họ được tôn sùng. Như vậy phát hiện cái mới đã là giải cấu trúc cái cũ. Bốn, quá trình phê bình do đó mà không thể tránh được sự lặp lại. De Man đọc lại Rousseau, vạch ra nhầm lẫn mà khẳng định cái mới của ông. Nhưng trong khi đam mê diễn giải cái mới nguời ta lại rât dễ sa vào mù quáng, tức là vấp phải sai lầm mới. Theo de Man, cả Rousseau, cả R. Jauss… đêu không tránh khỏi điều đó. Đó là luận điểm chính của ông trong tiểu luận Mù tôi và bừng ngộ. Tư tưởng của de Man cho thấy đọc nhầm là số phận không thể tránh được của phê bình, nghiên cứu văn học. Nhưng điều đó không phải là để dẫn đến tư tưởng hư vô chủ nghĩa. J. Culler trong lời kết của cuốn sách Bàn về giải cấu trúc (1983) đã viết: “Những lời dối trá cho rằng giải cấu trúc là huỷ hoại văn học, khích lệ người đọc đi tự do tuỳ tiện liên tưởng, xoá bỏ ý nghĩa và nội dung biểu đạt, người ta chỉ cần đọc qua một số ví dụ trong vô vàn mẫu mực của phê bình giải cấu trúc, thì có thể thấy ngay đó là sự bịa đặt đến mức buồn cười. Có lẽ tốt nhất, nên hiểu những lời đồn đại ấy như là một lập trường phòng vệ nhằm chống lại các nhà phê bình giải cấu trúc phơi bày chân tướng của ngôn ngữ và thế giới trong các tác phẩm mà họ phân tích.” Lời kết này cho thấy, giải cấu trúc đâu có phản đối chân lí, cái thiện, cái đẹp. Nó chỉ giải cấu trúc các chân lí phổ quát, nhất thành bất biến.
Giải cấu trúc như đã nói trên là một hệ hình mới trong phê bình nghiên cứu văn học. Hàng loạt căn cứ khoa học tóm lược trên đây cho thấy một quan niệm cấu trúc mới đã hoàn toàn thay thế quan niệm cấu trúc cũ. Việc đoán định ý nghĩa tác phẩm một cách quyền uy, duy nhất, dứt khoát, chỉ theo một hướng vĩnh viễn chỉ là một huyền thoại. Giá trị của sự đọc nói chung, thường là ngắn ngủi và luôn luôn được thay thế bằng những cách đọc mới. Người đọc được lên ngôi, nhưng vị thế của người đọc cũng không hề vĩnh viễn. Họ chỉ là người làm nên đời sống sôi động của văn học, làm cho tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm kinh điển không bao giờ được ngủ yên, chúng cứ bị lật đi lật lại, quay nghiêng rồi quay ngửa và bao giờ cũng nằm trong tầm ngắm của người đọc yêu mến nó. Nhà phê bình văn học cũng có số phận như người đọc, nó cũng tạm thời, rồi bị cách tiếp cận khác thay thế. Không nên mơ ước có nhũng cách hiểu duy nhất đúng, bất biến đối với văn học. Tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm văn học kinh điển vẫn có một giá trị trường tồn. Nhà văn sáng tạo tác phẩm kiệt xuất bao giờ cũng có một vị trí vinh dự trong lịch sử tâm hồn của dân tộc và nhân loại.
Thao tác chủ yếu của giải cấu trúc cũng rất đa dạng. Theo Bakhtin là từ trong từ ngữ hay văn bản mà đọc ra một từ ngữ khác hay văn bản khác, tạo thành một đối thoại hay một liên chủ thể. Theo M. Foucault giải cấu trúc là “khảo cổ” loại hình tri thức làm nên cái nghĩa trong diễn ngôn hiện hành. Theo de Man, người giải cấu trúc từ phía tu từ học, xem hệ thống tu từ vốn được coi như phương thức biểu cảm là một thứ ngôn ngữ dùng để thay cho một ngôn ngữ, hai ngôn ngữ khác nhau nhưng dính nhau, tạo ra khả năng hiểu sai đối với “nghĩa đen”, làm cho văn bản tự giải cấu trúc chính mình, từ đó đi tìm những mâu thuẫn vốn có trong diễn đạt. Đây là một ý rất quan trọng, nó cho thấy trong văn bản có cái cấu trúc mâu thuẫn bị che giấu, nhưng là cái nguồn để làm nảy sinh các cách đọc mới. Miller đi xa hơn, cho rằng ngôn từ từ khởi thuỷ đã là ẩn dụ, không có nghĩa đen nào hết. Người đọc chỉ theo quy ước liên kết mà khám ý nghĩa, tìm ra vô khối nghĩa.
Giải cấu trúc đem lại cái gì mới cho phê bình văn học hôm nay? Giải cấu trúc trước hết là phản tư tính hiện đại. Tính hiện đại từ thời Khai sáng, cùng với tinh thần lí tính, tinh thần nhân văn, sùng thượng khoa học đã đi tới sùng bái tính phổ quát, lấy phổ quát làm trung tâm. Mọi nhận thức cụ thể đều bị chi phối bởi tính phổ quát, khiến cho phổ quát che lấp chân lí cụ thể. Giai cấu trúc là giải cái trung tâm phổ quát, hướng tới phát hiện lại chân lí cụ thể. Đối tượng chủ yếu của giải cấu trúc trước hết chính là phê bình, nghiên cứu văn học, lí luận văn học, văn học sử, phương Đông học, các thứ tiểu luận và các thứ lí luận nói chung…là nơi đầy rẫy những quy luật, những nguyên lí, những nhận định đúng sai chắc như đinh đóng cột hoặc tuỳ tiện, mơ hồ, nói chung mang định kiến “cái phổ quát” của cả một thời. Giải cấu trúc đem lại một ý thức phản tư. Nó muốn soát xét lại tất cả, không trừ một chỗ nào, mọi nguyên lí, định lí, nguyên tắc, phương pháp, nhận định, khái niệm, làm rõ những điểm mù, tìm đến các khía cạnh mới, hợp lí. Giải cấu trúc đòi hỏi phải viết lại văn học sử, viết lại lí luận, đọc lại người trước với tinh thần khoa học, phát hiện mọi ngộ nhận, mọi thành kiến, phát hiện những nhận thức mới, chân lí mới, đưa người đọc vào những tìm tòi mới.
Giải cấu trúc theo trường phái Mĩ giống như phê bình tác phẩm văn học theo lối đọc kĩ (Close Reading), phơi bày những tư tưởng, cấu trúc, ngôn từ “bị bỏ sót”, những “nghĩa đang ngủ yên trong văn bản” nhằm phát hiện ý nghĩa mới… Nó cũng vạch ra những ý tưởng xem ra là mới mà kì tình rất cũ, vạch ra các liên văn bản được lắp ghép khéo léo vào các sáng tác mới, những bắt chước vụng về, những lối mòn quen thuộc.
Giải cấu trúc cũng cần cho nhà trường, từ trung học đến đại học. Bởi vì linh hồn của giải cấu trúc là tinh thần phê phán, là sự phản tỉnh, ý thức hoài nghi khoa học. Văn chương là lĩnh vực giàu tinh thần phê phán, phản tỉnh và phê phán nhất. Thiếu tinh thần phê phán và phản tỉnh về văn chương và xã hôị thì đọc văn, học văn làm sao được?
( Bài đã đăng báo Văn nghệ Hội nhà văn số 34, ngày 21 – 8 – 2010, bổ sung chỉnh lí tháng 6 năm 2013.)
[1] Trước đây nói đến chủ nghĩa Mác ngườu ta chỉ nói giai cấp, đấu tranh giai cấp là trung tâm, nay chỉ rõ tính nhân loại, thì giai cấp không còn trung tâm nữa.
[2] Trước đây đnáh giá văn học người ta chỉ dựa vào điển hình. Điển hình là trung tâm. Với khái niệm đó người ta không đánh giá được sáng tác của Nguyễn Minh Châu thời kì Đổi mới. Nay bỏ khái niệm điển hình ra, không coi là trung tâm nữa, văn học không nhất thiết phải sáng tạo điển hình. Thế là truyện của Nguyễn Minh Châu trở nên dễ hiểu.
[3] Cách đây không lâu, PGS. TS. Nguyễn Văn Dân trong bài báo Roland Barthes đã “giải cấu trúc” như thế đấy, đăng bào Văn nghệ Hội nhà văn số 37, năm 2010, đã chỉ trích học giả Pháp một cách gay gắt, nào là “kì quặc”, “vô tích sự”, nào là làm một việc “vô nghĩa”, “vô ích”, ”vô nguyên tắc”….Ông đã chụp mũ học giả Pháp bằng những lời nặng nề như khi ông khẳng định: “Mục đích của ông là chỉ đi tìm số nhiều của nghĩa một cách tự thân, chính vì thế mà tôi đã có lần nói đó là một xu hướng cực đoan, vô nguyên tắc, phá huỷ tác phẩm văn học.” (TĐS in nghiêng) Phải chăng PGS Nguyễn Văn Dân đã đọc Roland Barthes một cách định kiến, biến một viện sĩ hàn lâm Pháp nổi tiếng thế giới thành một tên ngốc, điên khùng?
Nguồn : Blog Tác giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét