Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

KHỞI NGUYÊN CHỮ QUỐC NGỮ (Nguyễn Ngọc Oanh, Huỳnh Văn Mỹ, Bảo Trung)


1. Dẫn nhập 

Chữ Quốc ngữ là tài sản vô giá trong lịch đại văn minh dân tộc về sự tiện dụng. Gần 400 năm kể từ ngày ra đời, hình thành và phát triển, chữ Quốc ngữ đã trải qua nhiều sự tác động và biến đổi. Đó là việc thay bằng mẫu tự La tinh rất mới mẻ đối với dân tộc.

Ghi âm tiếng Việt bằng con chữ La tinh tiện dụng nhưng cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Cách ghi âm bằng quá trình lắng nghe của người Pháp, Bồ Đào Nha, Ý... với sự khác biệt về ngữ âm nên cũng có không ít bất cập về chính tả, ngữ nghĩa. Tuy nhiên, sự thay đổi con chữ là một bước đột phá sau chữ Hán và chữ Nôm đã dùng hàng trăm năm.

Ai là người có công đầu và đâu là nơi ở nước ta mở ra sự hình thành chữ Quốc ngữ... là những vấn đề còn nhiều nghi vấn. Và nên chăng cần có một ngày kỷ niệm chữ Quốc ngữ?

Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, chúng tôi nêu một số luận cứ về nơi khởi nguyên chữ Quốc ngữ và khái quát giai đoạn đầu của việc hình thành chữ quốc ngữ ở cảng thị Nước Mặn – Bình Định.

2. Nội dung

2.1. Những bản báo cáo của các giáo sĩ

Làm nên chữ Quốc ngữ từ mẫu tự La tinh là một kỳ công khi tiếng Việt từ lâu được ghi âm bằng chữ Hán và tiếp theo là chữ Hán Nôm. Từ nhu cầu cần thiết cho công việc, đầu thế kỷ thứ XVII các giáo sĩ Dòng Tên đạo Công giáo từ phương Tây sang nước ta truyền đạo Hồi đã nghĩ đến việc dùng mẫu tự La tinh ghi âm tiếng Việt để tiện cho việc truyền giáo.

Theo linh mục Đỗ Quang Chính, S.J. tác giả “ Lịch sử chữ Quốc ngữ” (1620-1659), từ đầu thế kỷ thứ 17 các giáo sĩ Dòng Tên đến Nhật Bản truyền đạo đã thành công trong việc dùng mẫu tự La tinh để ghi âm và làm nên chữ Nhật mới romaji - chữ Nhật Latinh hóa - hồi cuối thế kỷ thứ 16. Bởi vậy, khi đến Việt Nam, các giáo sĩ Dòng Tên đã vận dụng cách làm này để ghi âm tiếng Việt và làm nên chữ Việt mới để thuận lợi cho nhiệm vụ truyền giáo của mình. Mặc dù các giáo sĩ đều am hiểu một số ngôn ngữ châu Âu nhưng với họ tiếng Việt rất khó học, vì đã đơn âm lại có dấu thanh, rất khó trong việc phát âm, một âm chỉ cần đọc nặng hay nhẹ là sẽ có nghĩa khác nhau. 

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (gọi tắt là Đắc Lộ) đã nói: “Khi vừa đến Đàng Trong, nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót và tôi đâm thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ học được tiếng Việt”. Giáo sĩ Đắc Lộ kể, một giáo sĩ ở cùng với ông đã nhờ người giúp việc đi chợ mua cá về dùng bữa. Nhưng vì cách phát âm của vị giáo sĩ không chuẩn, bà giúp việc thay vì mua cá lại mua về một thúng cà. Biết mình đã đọc sai từ cá thành cà, vị giáo sĩ liền xin lỗi người giúp việc. Còn một vị giáo sĩ khác thì lại làm đám trẻ trong nhà mình hoảng sợ và bỏ chạy tán loạn khi ông nhờ người trong nhà mình đi chém (chặt, đốn) tre nhưng ông lại đọc là đi chém trẻ! ”. Giáo sĩ Đắc Lộ cho rằng nghe và nói đầy đủ một câu tiếng Việt có nhiều từ hẳn là khó .

Nhưng, vượt qua khó khăn bước đầu, rồi khám phá ra sự “du dương hòa điệu”, “giống như bản nhạc liên hồi” của tiếng Việt - như các giáo sĩ Cristophoro Borri và Đắc Lộ nhận xét, ai có khiếu âm nhạc thì việc học tiếng Việt không khó. Nhờ vậy, miệt mài học hỏi, luyện tập, nhiều giáo sĩ - trong đó có Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha), C. Borri (người Ý) và Đắc Lộ (người Pháp) đã nhanh chóng học được tiếng Việt. 

Linh mục Đỗ Quang Chính đã trân trọng chia lịch sử buổi đầu của việc hình thành chữ Quốc ngữ 1620-1648 thành hai giai đoạn : 1620-1626 và 1631-1648. 

Giai đoạn một (1620 – 1626): nền móng “ngôi nhà” Quốc ngữ đã đặt được “những viên đá tảng” cơ bản bởi các giáo sĩ Dòng Tên .

Năm 1615, khi chỉ mới đặt chân đến đất Quảng Nam (thuộc xứ Đàng Trong) các giáo sĩ đã trải qua nhiều lao đao trong việc lập cư sở truyền đạo. Từ cư sở Hội An năm 1615, rồi đến các cư sở Nước Mặn (tỉnh Bình Định) năm 1618 và cư sở Thanh Chiêm (Quảng Nam) năm 1623, với nỗ lực học tiếng Việt bền bĩ, các giáo sĩ ở đây đã từng bước La Tinh hóa được một số từ tiếng Việt về tên đất, tên người cùng những danh từ bản xứ với chiều hướng ngày càng tiến bộ. 

Bằng chứng của tiến trình này được rút ra từ những báo cáo thường niên của các giáo sĩ ở các cư sở Hội An, Nước Mặn, Thanh Chiêm gửi về vị giám mục Bề Trên cả Dòng Tên ở La Mã, hiện còn lưu giữ ở các thư viện, văn khố các nước châu Âu. Đọc qua các từ Quốc ngữ được Lm Đỗ Quang Chính rút ra từ bảy bản báo cáo thường niên (1620-1626), thật xúc động trước công lao khó nhọc của những người tiên phong làm ra loại chữ cực kỳ thông dụng và khoa học này. Annam (An Nam), Sinoa, Sinuua (Xứ Hóa/ tức Thuận Hóa), Cacham, Cacciam (Ca Chàm/tức Kẻ Chàm hay Thanh Chiêm), Unsai (ông sãi), Ungue, Ungué (ông nghè), Ontrũ (ông trùm), Oundelin (ông Đề lĩnh), Banco, Bancô, Bancò (Bàn Cổ), Nuocman (Nước Mặn), Ainam (Hải Nam),Quanghia, Quamnguya (Quảng Nghĩa), Quignhin,(Qui Nhơn), Bafu (Bà Phủ/tức vợ quan phủ)... những địa danh, những danh từ Việt được La tinh hóa tiên khởi ở những năm 1620-1621. Dễ nhận thấy là các từ luôn được viết liền, hầu hết không có dấu thanh, thi thoảng các thanh dấu huyền, sắc, ngã, ô được sử dụng. 

Nhưng cũng ở những năm tháng xây nền đặt móng này, việc viết rời các từ cũng đã bắt đầu xuất hiện. Sayc Kim (sách kinh), Sayc Chiu (sách chữ); Da, an, nua (đã ăn nửa), Da, an, het (đã ăn hết) - nói về hiện tượng nguyện thực; scin mocaij (xin một cái); Dàdèn, Lùt, Dàdèn Lùt (đã đến lụt), Tuijciam, Biet (tui/tôi chẳng biết), Onsaij di Lay (ông sãi đi lại/tức đi đi lại lại); Muon bau dau christiam chiam (muốn vào đạo Christiang chăng?) được giáo sĩ C. Borri viết trong bản tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong (1621-1622) đệ lên Đức Giáo hoàng Urbano VII là những bước tiến quan trọng trong tạo lập chữ Quốc ngữ bởi đây là bước khởi đầu việc viết rời các từ.

Giai đoạn hai (1631-1648) trong các bản văn và sách của mình, giáo sĩ Đắc Lộ đã viết rời các từ và nhóm từ Việt, đa phần vẫn chưa có dấu, nhưng thi thoảng ông lại cũng viết liền các từ về địa danh, nhân danh cũng như đánh dấu thanh cho một vài từ. Đáng nói là việc đưa các thanh dấu Hy Lạp (huyền, sắc, ngã) vào để tạo dần sự hoàn chỉnh âm vận cũng như thêm chữ “đ” vào bộ mẫu tự Latinh cho Quốc ngữ của giáo sĩ Gaspar d’Amaral (người Bồ Đào Nha). Đàng tlaõ (Đàng Trong), Đàng ngoày (Đàng Ngoài), Đàng tlên (Đàng Trên), nhà thượng đày (nhà thượng đài), nhà huỵen (nhà huyện), oũ Khỏũ (ông Khổng/Khổng tử), đức vương (đức vương), tế kỳ đạo (tế kỳ đạo), chuá tũ, chuá dũ, chuá quành (Chúa Tung, Chúa Dũng, Chúa Quỳnh/tên các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài), Thíc ca (Thích Ca), chợ thũi (chợ Thủy), bà đô đốc hạ (bà đô đốc Hạ), Sãy (sãi/sư sãi), thầy (thầy/thầy giảng), sướng ( thầy giảng Sướng), đôủ thành (Đông Thành/tên một tu sinh) đàng ngoài (Đàng Ngoài)...một ít trong số những từ được linh mục Đỗ Quang Chính trích từ các tường trình về hoạt động truyền giáo ở Đàng Ngoài của giáo sĩ G. d’Amaral viết vào những năm 1632, 1637 cho thấy vị giáo sĩ này đã đưa việc chế tác chữ Quốc ngữ tiến một bước rất dài chỉ trong thời gian rất ngắn.

2.2. Hai sách quốc ngữ xuất bản đầu tiên

Nói đến công trình tạo tác chữ Quốc ngữ, những ai biết được ít nhiều lai lịch của loại chữ này xưa nay cũng nghĩ ngay đến giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ). Công trạng ông gắn liền với hai sách chữ Quốc ngữ đầu tiên được xuất bản là Tự điển An Nam-Bồ Đào Nha-La tinh và Phép giảng tám ngày.

Công lao của giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, linh mục Đỗ Quang Chính, S.J. đã không quên nhắc lại quá trình học hỏi tiếng Việt của vị giáo sĩ thoạt đầu đã ngỡ rằng mình sẽ không bao giờ học được ngôn ngữ này.

Dường như là một chuẩn duyệt đầy ơn phước cho mình, ngay sau khi đáp tàu đến cư sở Hội An (12.1624) giáo sĩ Đắc Lộ được phân đến cư sở Thanh Chiêm mới được thành lập - nơi có giáo sĩ Francisco de Pina làm bề trên, là một người nói thạo tiếng Việt. Đến cư sở Hội An vào năm 1617, qua nỗ lực học tiếng Việt, đến năm 1620, giáo sĩ F. de Pina đã thông thạo tiếng Việt, trở nên là người thạo Việt ngữ nhất lúc bấy giờ trong số các giáo sĩ ở Đàng Trong (gồm các cư sở Hội An, Nước Mặn, Thanh Chiêm). Đến thời điểm 1624, để giảng đạo, một ít giáo sĩ ở các cư sở này vẫn còn nhờ đến thông ngôn. Nhưng những thông ngôn tiếng Việt lúc bấy giờ đa phần là những Nhật kiều thương nhân ở Hội An, vốn tiếng Việt của họ còn hạn chế. 

Ngoài việc học với người thầy đồng môn - giáo sĩ Pina, Đắc Lộ còn học tiếng Việt với các tân tòng - người mới tòng đạo (Công giáo). Đắc Lộ kể: một thiếu niên người địa phương 13 tuổi đã giúp ông nhanh học được tiếng Việt. Thật kỳ diệu, như lời ông kể lại, ấy là chỉ trong ba tuần cậu bé này đã giúp ông vượt qua được phần khó khăn trong phân biệt được các dấu thanh tiếng Việt và cách phát âm mỗi tiếng. Tuy hai người không biết tiếng nhau, nhưng vẫn hiểu nhau được, cũng trong ba tuần này, người thiếu niên thông minh hiểu được rất nhanh những gì ông nói, cả Pháp ngữ và La tinh ngữ. 

Có lẽ giáo sĩ Đắc Lộ sẽ khó mà soạn được Tự điển An Nam-Bồ Đào Nha-La tinh (Dictionarivm Annamiticvm, Livsitanvm et Latinvm) - gọi tắt là Tự điển Việt-Bồ-La, và Phép giảng tám ngày (Cathechismvs pro iis, qui volunt suscipere Baptismvm, in Octo dies diuisus) ở thời điểm sớm hơn và chỉ giới hạn việc học hỏi tiếng Việt ở vài cư sở ở Quảng Nam. Với niềm phấn kích khi đã tự giảng đạo bằng tiếng Việt chỉ sau sáu tháng học tập, khi được điều đến Đàng Ngoài (miền Bắc) từ 3.1627 đến 5.1630, bên cạnh các mối quan tâm khác, ông cố thu thâp, học hỏi những dữ liệu về tiếng Việt. Sau 10 năm ở lại giảng dạy Thần học ở trường dòng Macao - tức Áo Môn (1630-1640), ông nhiều lần đến lại Đàng Trong từ 1640 đến 1645 và đã thu nhận được thêm những hiểu biết cho hai quyển sách Quốc ngữ nền tảng của mình.

Được in và xuất bản tại La Mã năm 1651, Tự điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày, theo linh mục Đỗ Quang Chính, được giáo sĩ Đắc Lộ viết ở Áo Môn khoảng từ năm 1637 đến 1645. Từ năm 1636 về trước, Đắc Lộ viết Quốc ngữ còn sai về dấu, viết các từ liền nhau trong khi hai quyển sách này được viết khá đúng so với cách viết ngày nay. 

Nhận thấy ý nghĩa và giá trị của hai quyển sách cho sứ vụ truyền đạo ở một đất nước có vị trí to lớn trên bản đồ truyền giáo của giáo hội - đặc biệt là qua tường trình của giáo sĩ C. Borri hồi năm 1631, Tòa Thánh La Mã đã cho phép Bộ Truyền giáo - vốn mới được thành lập từ giữa năm 1622 - in ấn và xuất bản ngay. Ấn loát sách chữ Việt lần đầu là một việc làm tốn nhiều công sức. Với các thanh dấu mới, cách ghép vần khác hẳn với chữ viết của các nước dùng mẫu tự Latinh trong vùng vốn đã quen thuộc, để có thể in được chữ Quốc ngữ, xưởng in của Bộ Truyền giáo đã phải đúc khuôn chữ in mới. Và điều chắc chắn là Đắc Lộ phải nhọc nhằn tham gia hầu hết các công đoạn vốn có trong ấn loát cùng với người của xưởng in để cho ra bản in như ý muốn cho hai quyển sách.

Với gần 500 trang, Tự điển Việt-Bồ-La, lúc đầu giáo sĩ Đắc Lộ chỉ soạn bằng hai loại chữ Quốc ngữ và Bồ Đào Nha. Về sau, theo ý các vị bề trên ở La Mã, ông soạn thêm phần chữ Latinh vào để tiện cho người Việt học tiếng Latinh. Về chữ Bồ, vì từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17, đây là ngôn ngữ châu Âu quan trọng, được phổ dụng ở các nước Ba Tây, Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản - là những nơi có thương nhân Bồ, các giáo sĩ phương Tây đến buôn bán, truyền đạo; nhà vua Bồ Đào Nha được hưởng quyền bảo trợ cho những giáo đoàn truyền giáo ở những nơi này. 

Để tiện cho người Âu châu học tiếng Việt, Đắc Lộ đã dụng công viết riêng phần ngữ pháp tiếng Việt bằng tiếng Latinh đặt ở đầu sách. Dẫn giải về chữ và vần, dấu nhấn và các dấu, về danh từ, đại danh từ, động từ, và cả đến cú pháp, phần ngữ phápViệt ngữ đặt ở Tự điển Việt-Bồ-La chắc chắn đã tốn nhiều công sức của vị giáo sĩ này. 

Phép giảng tám ngày - công trình về giảng dạy giáo lý - được Đắc Lộ viết bằng hai thứ chữ Quốc ngữ-La tinh. Nhà nghiên cứu Võ Long Tê dẫn theo linh mục Nguyễn Khắc Xuyên, quyển sách nổi danh về truyền dạy giáo lý này được Đắc Lộ biên soạn hay khởi thảo từ những năm 1627-1629. Điều có thể tin được là sách này được soạn thảo trong kinh nghiệm truyền giáo, được sao chép tay bằng chữ Quốc ngữ hay chữ Nôm để thông dụng trong các giáo đoàn, sau này được Đắc Lộ bổ túc trước khi được in ấn. “Với Tự điển Việt-Bồ-La, Ngữ pháp tiếng Việt và Phép giảng tám ngày, chữ Quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi sáng tác. Một nền văn học công giáo bằng chữ Quốc ngữ chính thức bắt đầu với giáo sĩ Alexandre de Rhodes”, nhà nghiên cứu Võ Long Tê nhận định. 

2.3 Văn bản quốc ngữ sớm nhất của người Việt 

Người Việt Nam đã sử dụng được chữ Quốc ngữ sớm nhất ở thời điểm nào và tiến bộ ra sao? Thật không dễ có đáp án chính xác cho câu hỏi có vẻ đơn giản này nếu không có những bản văn viết tay của hai người Việt được lưu lại đến ngày nay. Đây được coi là những sản phẩm đầu tiên mà người Việt gieo trồng và thu hoạch được trên cánh đồng Quốc ngữ mới vừa được khai mở...

Trong bài viết “Một vài văn kiện bằng quốc âm tàng trữ ở Âu Châu” đăng ở Tập san Đại học số 10, tháng 7.1959 tại Sài Gòn, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết về việc Viện Bảo tàng Dòng Tên ở La Mã (Ý) còn giữ được bức thư và tập lịch sử của Bentô Thiện gửi cho giáo sĩ G. Philippo de Marini đề ngày 25.10.1659 và bức thư của Igesico Văn Tín cũng gửi cho vị giáo sĩ này, đề ngày “mươy hay thánh chính D.C.J. ra đờy một nghìn sáu tram nam muoy chinh (mười hai tháng chín Đức Chúa Jesus ra đời một nghìn sáu trăm năm mươi chín).

Trong sách Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620-1659), linh mục (Lm) Đỗ Quang Chính, S.J. - người tiếp cận nhiều tư liệu gốc cho việc nghiên cứu sự hình thành chữ Quốc ngữ ngay tại các bảo tàng, văn khố ở Âu châu - đã chép lại toàn văn các văn bản của Igesico Văn Tín và Bentô Thiện để người đọc có thể thấy chữ Quốc ngữ ở thời khởi nguyên được viết thế nào. 

Có thể nói những người học và sử dụng chữ Quốc ngữ sớm nhất ở nước ta là một số những tân tòng - người mới tòng đạo (Công giáo) - trẻ tuổi và ham học hỏi bởi họ gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với các vị giáo sĩ truyền đạo vốn là những người đang sử dụng chữ Quốc ngữ buổi đầu. Igesico Văn Tín và Bentô Thiện đều là tân tòng rồi dần trở thành thầy giảng (đạo). Bức thư của Igesico Văn Tín được viết ở vùng Kẻ Vó (Đàng Ngoài/tức miền Bắc) gửi cho giáo sĩ G. P. de Marini - người từng ở địa phận Kẻ Vó khá lâu - khi đó đã rời Áo Môn (Macao) để đến La Mã. Còn bức thư của Bentô Thiện gửi giáo sĩ Marini được viết tại Kẻ Chợ (tức Thăng Long, cũng thuộc Đàng Ngoài), lúc ông đang sống cùng giáo sĩ Onuphre Borgès. 

Bức thư của Igesico Văn Tín gồm hai trang, trang nhất viết trong khổ 17 x 25cm, có 27 dòng chữ cở trung bình, trang hai trong khổ 16 x 9cm có 11 dòng. Thư của Bentô Thiện cũng gồm hai trang, cở chữ nhỏ, viết trong khổ 21 x 31cm. Cả hai bức thư đều là những lời thăm hỏi, kể về tình hình của những tân tòng, công việc truyền đạo trong vùng cũng như bày tỏ lòng tôn kính, nhớ mong của họ với giáo sĩ Marini. “Ơn đức Chúa Blờy blả’ caõ cho thầi đờy đờy. Bấi nhieu mlờy tôy chép tháng mươy ĩ Igreja mà thư nầi thi ngài Lễ Bà Thánh Daria cũ õn Thánh Chrisanto tử vì đạo, tôy lại ơn thầi là cha vì thương đến con cũ tôy xin cha chớ quên làm chi. Từ Đức Chúa Jesu ra đờy cho đến rài một nghìn sáu trăm năm mươy chín năm. Bentô Thiên tôy tá nhà Thầi (Ơn đức Chúa Trời trả công cho Thầy đời đời. Bấy nhiêu lời tôi chép tháng mười Igreja, mà thư này thì ngày lễ Bà thánh Daria cùng Ông thánh Chrisanto tử vì đạo. Tôi lạy ơn Thầy là Cha thì thương đến con cùng. Tôi xin Cha chớ quên làm chi. Từ Đức Chúa Jêsu ra đời cho đến rày một nghìn sáu trăm năm mươi chín năm. Bentô Thiện tôi tá nhà Thầy) - những câu cuối thư của Bentô Thiện. Và câu cuối thư của Igesico Văn Tín “D. C. Blờy blả’ cõn cho Thài đờy nài và đờy sau (Đức Chúa Trời trả công cho Thầy đời này và đời sau). Cả hai cho thấy phần nào cách dùng từ, văn phong và cách viết Quốc ngữ ở giai đoạn tiên khởi. 

Ngoài bức thư gởi giáo sĩ G. P. de Marini, thầy giảng Bentô Thiện còn viết một tập Lịch sử nước An Nam (Tác giả Bentô Thiện không đặt tên cho tập tư liệu lịch sử của mình, nhưng căn cứ vào nội dung tập tư liệu của ông, Lm Đỗ Quang Chính đã đặt tên là Lịch sử nước An Nam – (LSNAN)) gửi cho vị giáo sĩ này. Qua lời trong thư của Bentô Thiện gởi giáo sĩ Marini, rõ là tập LSNAN được Bentô Thiện viết gửi cho giáo sĩ Marini theo đề xuất của vị giáo sĩ này. Căn cứ từ những dữ liệu xác tín, Lm Đỗ Quang Chính khẳng định tập tư liệu này được Bentô Thiện viết ở khoảng đầu năm hoặc giữa năm 1659. Nhờ đích thân Bentô Thiện viết cho một tư liệu lịch sử, giáo sĩ Marini không chỉ nhắm đến năng lực chữ Quốc ngữ mà còn ở vốn kiến thức của người thầy giảng mà giáo sĩ đã từng biết qua thời gian truyền đạo ở vùng Kẻ Vó. 

Với 6 tờ giấy viết chữ cở nhỏ ở hai mặt - tức 12 trang, phần nhiều được viết trong khổ 20 x 29cm, có thể nói, tập LSNAN là văn bản Quốc ngữ “dài hơi” đầu tiên của người Việt được lưu lại. Nhận thức rằng đây là “công trình” có giá trị với người nước ngoài, mà cụ thể là với vị giáo sĩ mình yêu kính, Bentô Thiện đã viết thành hai bản để gửi đến giáo sĩ Marini qua hai chuyến tàu - mỗi chuyến tàu một bản để phòng rủi bị thất lạc ở chuyến tàu này thì còn có bản gửi ở chuyến tàu kia. Bản gửi cho chuyến tàu thứ nhất được tác giả ghi ở đầu thư là 1a via, còn bản gửi ở chuyến tàu thứ hai được ghi là 2a via, tính chu đáo, thận trọng của tác giả thật đáng cảm kích. Và may mắn cho bảo tàng chữ Quốc ngữ, cả hai bản sử lược này (cùng với bức thư của Bentô Thiện và bức thư của Igesico Văn Tín) đều đến tay giáo sĩ Marini, tất cả đều còn được lưu giữ trọn vẹn ở văn khố Dòng Tên tại La Mã.

Chỉ với 12 trang viết, LSNAN được viết hết sức đại lược. Tuy vậy những sự kiện chính yếu diễn ra ở các triều đại đều được tác giả kể ra, cả các chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, Trọng Thủy - Mỵ Châu, Thánh Gióng cũng được ghi lại với những tình tiết hấp dẫn. Ngoài phần lược sử các triều đại, cây bút “viết quốc sử bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên” này còn dành phần nói về văn hóa : phong tục tập quán, việc hành chính, địa lý, điểm qua một số chùa chiền, nhà thờ (Công giáo)... 

“Họ nhà Mạc thì trốn lên Cao Bằng hết, còn có ai ở đâu thì Chúa (tức Chúa Trịnh) lại bắt. Nước Annam đã an hết về làm một nhà Lê mà thôi. Còn ông Đoan là cha ông Thụy ở trong Hóa xưa, thì Chúa Tiên đòi ra ở làm tôi, mà ông ấy thấy chúa chẳng yêu đãi cho đủ bao nhiêu, thì ông ấy lại trốn vào ở Quảng, thì Đức Chúa ngờ là về Thanh Hóa; chẳng ngờ ông ấy đã vào Hóa, thì Đức Chúa theo. Song le chẳng theo kịp, thì lại trở ra Kẻ Chợ mà trị cho đến con cháu bây giờ. Rày lại đánh nhau cùng Kẻ Quảng. Song le chửa biết đời trị loạn, thì chửa có tra vào sách”- đoạn cuối cùng trong phần lược sử các triều đại của LSNAN. 

Trong thời hoàng kim của chữ Việt - Quốc ngữ hôm nay, đọc hai bức thư của hai thầy giảng Igesico Văn Tín và Bentô Thiện, nhất là bản LSNAN – sẽ giúp chúng ta thấy được phần nào tiến trình cùng tài năng, công sức lao nhọc của những người dựng xây ngôi nhà Quốc ngữ buổi đầu.

2.4 Ai là người có công đầu trong quá trình hình thành và phát triển chữ quốc ngữ?

Đây là vấn đề được đặt ra từ vài chục năm nay bởi một số nhà nghiên cứu cùng những người quan tâm đến lịch sử buổi đầu chữ Quốc ngữ. Tập thể hay một cá nhân đã tiên khởi mở ra việc tạo lập chữ Quốc ngữ? Đây đó đã có những câu trả lời nhưng cũng chỉ là những ý kiến, những quan điểm riêng rẻ cần sớm được đúc kết, nhìn nhận một cách khoa học.

Với hai quyển sách Tự điển An Nam-Bồ Đào Nha-La tinh (gọi tắt Tự điển Việt-Bồ-La) và Phép giảng tám ngày bằng Quốc ngữ được Tòa Thánh La Mã cho xuất bản năm 1651, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) từ lâu được coi là người có công lớn trong việc chế tác ra chữ Quốc ngữ. Để tưởng nhớ công lao của Đắc Lộ, năm 1941 một bia kỷ niệm khắc tên ông đã được dựng bên hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội; và ở Sài Gòn vào năm 1955 người ta đã lấy tên Alexandre de Rhodes đặt cho một con đường ngay trung tâm thành phố này, còn mãi đến nay.

Nhà nghiên cứu Võ Long Tê nhận xét: “Đành rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes không phải là người duy nhất đã sáng chế và làm cho chữ Quốc ngữ trở nên hoàn hảo, nhưng lịch sử vẫn xem giáo sĩ là thủy tổ chữ Quốc ngữ vì đã có công thử thách chữ Quốc ngữ trong các lãnh vực soạn sách tự điển, văn phạm, giáo lý, và nhất là phổ biến rộng rãi chữ Quốc ngữ bằng những tác phẩm ấn loát tại nhà in của Thánh bộ Truyền giáo tại La Mã”. Thủy tổ chữ Quốc ngữ là cụm từ do nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm dành cho giáo sĩ Đắc Lộ trong đó có một số luận chứng giống như tác giả Võ Long Tê đã trích dẫn. 

Quan điểm cho rằng giáo sĩ Đắc Lộ là người có công đầu, có công nhiều nhất trong việc làm ra chữ Quốc ngữ cũng đã được nhà nghiên cứu Hoàng Tiến nhắc lại trong đề tài nghiên cứu “Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20” của mình được xuất bản năm 1994 : “...Và nhất là cha cố người Pháp Alexandre de Rhodes là một nhà bác học rất giỏi về khoa ngôn ngữ đã tới Việt Nam và giảng đạo bằng tiếng Việt. Tất nhiên việc này có công sức đóng góp của nhiều người, nhưng ông là đại diện và giữ công đầu” (4). 

Tuy nhiên, mãi đến gần đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương đã phản bác quan điểm tồn tại lâu nay, ông cho rằng Đắc Lộ không phải là người có công đầu trong việc tạo tác chữ Quốc ngữ. Trong tham luận “Hội An-Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ” tại tọa đàm khoa học “Danh xưng Quảng Nam” tại Tam Kỳ hồi tháng 9.2001 của mình, tác giả Nguyễn Phước Tương nhấn mạnh rằng Francisco de Pina mới là nhà tiên phong sáng tạo chữ Quốc ngữ.

Luận cứ mang tính khẳng định của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương trước hết dựa vào tự bạch của giáo sĩ Đắc Lộ trong “Lời nói đầu” ở Tự điển Việt-Bồ-La rằng ông học tiếng Việt lúc đầu với giáo sĩ F. de Pina, rằng ông đã sử dụng các công trình tự điển viết tay An Nam-Bồ, Bồ-An Nam của các giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa - những điều mà bất cứ ai tiếp cận Tự điển Việt-Bồ-La đều biết rõ. Bên cạnh một số luận cứ khác nữa, đặc biệt, nhà nghiên cứu này còn dựa vào phát hiện mới về công trình chữ Quốc ngữ của F. de Pina của nhà ngôn ngữ học Pháp Roland Jacques. Đó là bức thư viết dở dài 7 trang cùng cuốn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài dài 22 trang dạy cho người mới học tiếng Việt của giáo sĩ F. de Pina được R. Jacquecs tìm thấy ở Thư viện Quốc gia tại Lisbon (Bồ Đào Nha). Từ những tư liệu mới tìm thấy này, R. Jacques đã viết chuyên luận “Công trình của một số nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ học Việt Nam” được ấn hành tại Paris năm 1995.

Trong khi đó, một quan điểm phổ quát hơn, từng được nhiều nhà nghiên cứu cùng chấp nhận hơn là : chữ Quốc ngữ được hình thành bước đầu từ công lao của một số giáo sĩ Dòng Tên. Năm 1955, trong cuốn sách về “Công trạng của nước Pháp ở Đông Dương” của mình, tác giả Pháp Georges Taboulet cũng đã đưa luận điểm như trên khi ông viết : “Việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ La tinh điểm thêm các dấu quy ước, là một công lao tập thể mà sự đóng góp chủ yếu của các linh mục Francisco de Pina, Cristophoro Borri, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, còn linh mục Alexandre de Rhodes thì có công hệ thống hóa, chỉnh lý và phổ biến văn tự này...”. Tác giả Võ Long Tê cũng cho rằng: “Căn cứ vào những sử liệu chắc chắn, và những suy luận hợp lý, chúng ta có thể quyết đoán rằng công cuộc sáng chế chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể, nằm trong một khuôn khổ những nỗ lực phiên âm các thứ tiếng có chữ tượng hình ở Viễn Đông do các thừa sai Âu châu khởi xướng từ thế kỷ thứ 16”. Cũng nhắm vào công lao tập thể trong việc tạo lập chữ Quốc ngữ, Lm Đỗ Quang Chính, S.J. đã dùng từ “những ông tổ” để chỉ những giáo sĩ có công trong việc La tinh hóa tiếng Việt buổi đầu.

Theo nhà nghiên cứu Võ Ngọc Liễn, có lẽ vì đặt nặng vai trò chủ động của các giáo sĩ Dòng Tên trong việc tạo tác nên chữ Việt mới từ mẫu tự La tinh do họ “mang tới” vốn hoàn toàn xa lạ với người Việt, các nhà nghiên cứu có phần chậm trễ khi nói đến vai trò của người Việt. Trong một số tác phẩm được xuất bản từ những năm 1960-1970 của mình, các tác giả Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều đã đề cập đến sự đóng góp của người Việt cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Đó là những nho sĩ, những sư sãi, những tân tòng - người mới tòng đạo (Công giáo) mà đặc biệt là những tân tòng trở thành thầy giảng (đạo). Nhưng tiếc rằng đó đều là những đóng góp lặng thầm, chìm khuất, ít được các giáo sĩ thời đó nêu danh tính hay ghi lại cụ thể, ngoại trừ những ghi chép của các giáo sĩ Pina, Đắc Lộ, Borri về công lao của người Việt trong việc bày vẽ cho họ học tiếng bản xứ. “Các thầy giảng Igesico Văn Tín, Bentô Thiện với những tác phẩm Quốc ngữ xuất sắc được lưu lại từ năm 1659, lẽ nào họ đã không cùng với các vị giáo sĩ ở cư sở của mình cùng nhau luyện tập chữ Quốc ngữ cũng như học hỏi ngôn ngữ của nhau” - nhiều nhà nghiên cứu đã nói. 

2.5. Đâu là “chiếc nôi” chữ quốc ngữ?

Giữa lúc chữ Quốc ngữ đi đến tận cùng nấc thang phát triển, một số nhà nghiên cứu cũng như các bậc nhân sĩ, thức giả đã đặt vấn đề về nơi khai sinh ra loại chữ viết này. Những luận cứ khác nhau bước đầu đã được đưa ra, nhưng câu trả lời xác đáng vẫn còn ở phía trước.

Người mạnh dạn cho rằng Hội An và Thanh Chiêm là nơi ra đời của chữ Quốc ngữ là nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương. Bản tham luận mang tên “Hội An-Thanh Chiêm và sự ra đời của chữ Quốc ngữ” của ông ở tọa đàm khoa học về Danh xưng Quảng Nam hồi năm 2001 mặc nhiên nói lên điều đó. Với luận cứ rằng giáo sĩ Francisco de Pina là người mở đầu việc La tinh hóa tiếng Việt tại hai cư sở Hội An (thành lập năm 1615) và Thanh Chiêm (1623), nhà nghiên cứu này đã cho rằng đây chính là nơi chữ Quốc ngữ được làm ra. Giáo sĩ F. de Pina đến Đàng Trong - mà cụ thể là Hội An - vào năm 1617, rồi đến Thanh Chiêm năm 1623, nhưng vẫn thường đi lại giữa hai nơi bởi hai cư sở nay cách nhau chỉ mươi cây số, theo tác giả Nguyễn Phước Tương, đây là những nơi có nhiều thuận lợi để học hỏi, nghiên cứu tiếng Việt cho các nhà truyền giáo lúc ấy. Ông dẫn lời của giáo sĩ F. de Pina viết trong bức thư viết dở của mình : “Đối với tôi,việc nghiên cứu tiếng nói Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình : ở đây, người ta nói rất hay, có sự đổ dồn những người trẻ tuổi đến mà họ là những cống sinh và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy sự giúp đỡ”. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thiếu Dũng lại đặt nặng vai trò của Thanh Chiêm trong sự ra đời của chữ Quốc ngữ bởi đây là đô lỵ của dinh trấn Quảng Nam thời đó. “Đây là nơi hội đủ điều kiện để các giáo sĩ học hỏi ngôn ngữ bản xứ, văn hóa bản xứ, tâm lý người bản xứ để từ đó sáng chế ra chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La tinh...Chính F. de Pina bậc tiên khởi có công khai sinh ra chữ Quốc ngữ đã cho biết vì sao ông chọn Thanh Chiêm là nơi nghiên cứu chữ Quốc ngữ chỉ vì một lý do đơn giản ở đây quy tụ nhiều văn nhân thức giả có thể giúp ông nhiều hơn ở nơi khác, đô thành thì bao giờ cũng có người học thức hơn là nơi thị tứ chỉ có thương nhân...” - nhà nghiên cứu Nguyễn Thiếu Dũng viết. 

Và tác giả Nguyễn Phước Tương đúc kết : “Rõ ràng là ở nước ta trước hết là cảng thị Hội An rồi tiếp đến là dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi ra đời sớm nhất và quan trọng nhất của chữ Quốc ngữ so với Nước Mặn - Quy Nhơn và một địa điểm nào đó ở Nghệ An mà đến nay chưa được xác định cụ thể... Đã đến lúc cần tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về lịch sử ra đời chữ Quốc ngữ để trả lại sự công bằng cho Francisco de Pina như là nhà tiên phong sáng tạo chữ Quốc ngữ chứ không phải là giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes như lâu nay chúng ta vẫn lầm tưởng...”

Với người Bình Định, có lẽ ý niệm về “chiếc nôi” của chữ Quốc ngữ đến với họ sớm hơn. Cũng căn cứ vào những dữ liệu được họ coi là xác tín từ các thư tịch, những báo cáo mang tính biên niên của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong vào giai đoạn sơ khai đầy ấn tượng của chữ Quốc ngữ, từ những năm 1969-1970, một số nhân sĩ, trí thức ở Bình Định đã nghĩ đến việc “làm cái gì đó” để ghi dấu việc chữ Quốc ngữ được khai sinh ở di chỉ Nước Mặn của tỉnh nhà. 

Ông Trần Đình Trắc - cựu giáo viên ở Trường Sư phạm Quy Nhơn (trước 1975), hiện ở tại TP. Quy Nhơn kể, năm 1972, qua bàn bạc, thảo luận, nhóm nhân sĩ, trí thức ở Bình Định - đã chọn phương án dựng tượng Alexandre de Rhodes ở Ngã ba Phú Tài bên QL1 nhưng rồi vì tình hình xã hội bất ổn kéo dài nên chúng tôi chưa thể làm kịp.

Nhà nghiên cứu Võ Ngọc Liễn cho rằng bởi vào năm 1617 chúa Nguyễn trục xuất các giáo sĩ ở cư sở Hội An, họ buộc phải quay về Áo Môn. Vì tàu gặp gió ngược, giáo sĩ Francesco Buzomi không đi được phải quay vào nương náu ở bãi biển, lại lâm bệnh. Cũng vào năm 1617, F. de Pina vừa từ Bồ Đào Nha đến Hội An lần đầu, phải liều lẩn trốn ở nhà các Nhật kiều tại đây. May là nhờ gặp được quan Khám lý Trần Đức Hòa - tri phủ Hoài Nhơn, nhân chuyến ra kinh đô Đàng Trong, gặp giáo sĩ Buzomi bị nạn, trên đường trở về Quy Nhơn đã rước các giáo sĩ F. Buzomi, F. de Pina, Cristophoro Borri và thầy giảng António Dias đưa vào bên cảng thị Nước Mặn, giúp đỡ mọi điều để lập ngay cư sở ở đây vào năm 1618. “Cũng nhờ được quan khám lý Trần Đức Hòa ưu đãi, các giáo sĩ được có cơ hội tiếp xúc với các nho sĩ địa phương, với những người mới vào đạo nhanh nhạy, giỏi giang nên Pina đã sớm học được tiếng Việt tại đây...”, nhà nghiên cứu Võ Ngọc Liễn giải thích.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cũng nhấn mạnh về vai trò “chiếc nôi” Quốc ngữ của cư sở Nước Mặn: “Nước Mặn, với tư cách là cảng thị, lại có cư sở của các giáo sĩ Dòng Tên, thưở phồn vinh không chỉ là một trung tâm thương mại, một trung tâm tôn giáo, một trung tâm thiên văn mà còn là một trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Và cũng là nơi La tinh hóa tiếng Việt”.

Trích dẫn từ các tư liệu có được, Lm. Gioan Võ Đình Đệ - hiện ở tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn - cho rằng cư sở Nước Mặn của các thừa sai dòng Tên chẳng những là một trung tâm truyền giáo mà còn là nơi các thừa sai Dòng Tên nghiên cứu và sáng chế chữ Quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất. “Theo linh mục Joaõ Roiz, năm 1620 đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt đó là cha Francisco de Pina và cha Cristophoro Borri. Trong đó cha Borri chỉ làm việc tại Nước Mặn từ 1618 đến khi ra khỏi Đàng Trong vào năm 1622; cha Pina đến Hội An năm 1617 trong thời kỳ bị trục xuất, cha phải lén lút, cha chỉ tiếp xúc được với người Việt khi làm việc tự do tại Nước Mặn từ 1618-1620. Trong khoảng thời gian từ 1620-1623, cha Pina đi về giữa Nước Mặn và Hội An, rồi năm 1623, cha lập cư sở tại Thanh Chiêm. Ngoài ra, cư sở Nước Mặn cũng là “Trường Quốc ngữ” đầu tiên cho các thừa sai đến sau như Lm Emmanuel Borges -1622, Lm Gaspar Luis, Lm Girolamo Majorica -1624...

Nước Mặn là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên và Cha Bề trên Buzomi ở tại đây. Francesco de Pina sang Việt Nam từ rất sớm (1617) nhưng lại gặp lúc các thừa sai bị xua đuổi, Pina được giáo dân Nhật ở Hội An bảo vệ. Trong thời gian này, Pina khó có điều kiện tiếp xúc và học tiếng Việt. Đến năm 1618, khi ông được quan trấn phủ Quy Nhơn ra đón ông cùng linh mục Buzomi, linh mục Borri và hai thầy Diaz, Augustino về Nước Mặn thì ông có điều kiện tiếp xúc và học tiếng Việt nhiều hơn. Những bản dịch Kito giáo đầu tiên ra tiếng Việt từ năm 1618 chủ yếu do công của Pina. Nước Mặn là nơi được lập giáo đoàn thí điểm truyền giáo tiên khởi do linh mục Buzomi, Borri, Pina đảm nhiệm. Họ là những giáo sĩ Dòng Tên tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ trong thời gian đầu đến Việt Nam nghiên cứu, phiên âm chữ Quốc ngữ ở Nước Mặn.

3. Kết luận

Tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ khởi nguyên đến hoàn thành trải qua khoảng hai thế kỷ và được chia ra bốn thời kỳ: Phôi thai – hình thành – phát triển và hoàn tất. Đây là một quá trình trải qua nhiều khó khăn và sự quyết tâm của các thừa sai, giáo sĩ Dòng Tên trong quá trình cố gắng truyền đạo của họ. Đến năm 1882, chính quyền Pháp ở Việt Nam buộc người Việt ở Nam kỳ “phải dùng chữ Quốc ngữ” trong nghị định ra ngày 6-4-1878 “về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu chữ Latinh” do thống đốc Nam Kỳ Lafont ký. Sự bắt buộc này sau hơn 2 thế kỷ ra đời và phát triển chữ Việt.

Ai có công đầu có thể được xem là thủy tổ và ở đâu là chiếc nôi của chữ Quốc vẫn còn nhiều nghi vấn. Từ những cứ liệu có được, chúng tôi cũng mới chỉ đưa ra một số giả thuyết hy vọng góp phần làm chứng cứ cụ thể hơn trong các nghiên cứu sau này về giai đoạn phôi thai chữ Quốc ngữ.


Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Quang Chính, S.J., Antôn và Đuốc Sáng (2007), Dòng Tên trong xã hội Đại Việt (1615-1773), Texas.

2. Đỗ Quang Chính, S.J., (1972), Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620-1659), Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn.

3. Nguyễn Xuân Nhân (2010), Cảng thị nước mặn và văn hóa cổ truyền, NXB khoa học xã hội.

4. Kỷ yếu hội thảo, Tam Kỳ (2001), Danh xưng Quảng Nam. 

5. Vũ Đức Nghiệu (2011), Lược khảo lịch sử từ vựng Tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam.
Võ Long Tê (1965), Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam, Nxb Tư Duy, Sài Gòn.



Nguyễn Ngọc Oanh -Huỳnh Văn Mỹ - Bảo Trung
(Văn phòng Báo Tuổi Trẻ tại Bình Định)
Bài đăng trong Kỷ yếu Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên Ngữ văn 
năm 2014


1 nhận xét: