Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRƯỜNG THƠ LOẠN (TS. Nguyễn Quốc Khánh)



Cũng như không gian, thời gian là một phạm trù triết học phổ quát. Như một chân lý vĩnh hằng, khi ta nói “tồn tại” hay “vũ trụ”, “thế giới” thì đương nhiên “tại – vũ – giới” là không gian, còn “tồn – trụ - thế” là thời gian. Nói cách khác, không có cái gì (dù là hiện hữu trong thực tế hay trong tâm tưởng con người) là nằm ngoài không gian và thời gian cả.

Thời gian nghệ thuật là thời gian tồn tại trong các tác phẩm nghệ thuật. Nó có cơ sở từ thời gian vật lý nhưng đã được người nghệ sĩ sáng tạo lại. Ý thức về thời gian cũng chính là ý thức về cuộc đời và con người. Khác với thời gian vật chất khách quan, thời gian nghệ thuật phụ thuộc vào cảm giác chủ quan của từng nghệ sĩ. Người nghệ sĩ có thể thay đổi nhịp điệu vận động của thời gian, có thể đảo ngược các chiều vận động của thời gian, có thể dồn nén hay kéo dài thời gian, có thể làm cho thời gian đồng hiện, v.v…

Với văn học nói riêng, thời gian nghệ thuật là một yếu tố thi pháp làm nên chỉnh thể thống nhất của một tác phẩm, một trào lưu văn học. Nghiên cứu thời gian nghệ thuật vừa giúp ta cảm thụ, cắt nghĩa tác phẩm trong tính cụ thể - sáng tạo của nó, vừa giúp ta hiểu được quan niệm nghệ thuật và phong cách của các nhà văn.

Sau đây chúng tôi sẽ đi vào khảo sát, cắt nghĩa hình tượng thời gian của các thi nhân Trường thơ loạn xem nó có những đặc sắc gì và ý nghĩa của chúng ra sao trong việc “giải mã” những bí ẩn của Trường thơ loạn Bình Định.

3.1. Từ nỗi ám ảnh khôn nguôi về quá khứ…

Nếu nhìn một cách tổng quát về ba phạm trù thời gian: quá khứ - hiện tại – tương lai thì văn học hầu hết đều biểu đạt hiện tại nhiều nhất. Bởi vì hiện tại chính là ý thức chủ yếu của các nhà văn khi sáng tác ra các tác phẩm, cũng là ý thức chủ đạo của các nhân vật (sống trong hiện tại). Nếu có nói về quá khứ cũng là để đối chiếu, so sánh với hiện tại, để làm rõ hiện tại. Còn có nói đến tương lai cũng là để làm rõ hơn hiện tại và thể hiện sự kì vọng, sự đợi chờ (chẳng hạn ở đa số các nhà Thơ Mới, hiện tại thường hoặc đẹp đẽ, nên thơ, hoặc u sầu, cô đơn, bế tắc; quá khứ đẹp đẽ, hùng tráng được nói đến chủ yếu để tiếc nuối, để phủ nhận hiện tại; còn tương lai ư? Tương lai thì mờ mịt nên họ thường sợ và rất ít đề cập tới, nói như Xuân Diệu: “Gấp đi em anh rất sợ ngày mai”).

Qua khảo sát toàn bộ thi phẩm của ba nhà thơ tiêu biểu nhất của Trường thơ loạn, chúng tôi nhận thấy: Hàn Mặc Tử và Bích Khê đều ít nói về quá khứ một cách tực tiếp (qua các trạng từ chỉ trực tiếp quá khứ như: thời xưa, thuở ấy, ngày trước, năm xưa,…). Hay nói chính xác, thời quá khứ đã hòa vào không gian của cõi mộng, cõi huyền diệu kì ảo của những chốn “Sông Ngân, sông Trương, Ngọc Nữ, Đào Tiên, Phương Trì, Kim Tinh, Kim Đồng, Xuân Hương, Thôi Hiệu, Tây Vương Mẫu, Cực lạc, Phục sinh, Khải huyền,…” Toàn những địa danh gợi nhắc về các sự tích, các truyền thuyết của quá khứ xa xăm trong sử sách và trong huyền thoại. Chỉ có Chế Lan Viên là công khai, trực tiếp và quyết liệt phủ nhận hiện tại và tương lai để quay ngược về quá khứ, chìm đắm vào quá khứ, dựng quá khứ sống dậy trong hiện tại:

- Tạo hóa hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm Quốc
Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt
Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn

(Những sợi tơ lòng)

- Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời

(Trên đường về)

- Ta nhắm mắt mặc yên cho hiện tại
Biến dần ra dĩ vãng ở trên mi

(Tạo lập)

Theo khảo sát của chúng tôi, trong 36 bài thơ của Điêu tàn thì có tới 31 bài thi sĩ nói về quá khứ. Ngay cả khi hai nhà thơ Hàn – Bích đều nói nhiều về mùa xuân, mùa thu thì Chế đã dứt khoát tuyên ngôn:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau

Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với cả hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo xuân sang

(Xuân)

Các nhà Thơ Mới lãng mạn cũng ít nhiều có nói về quá khứ, nhưng phần lớn đó là cái quá khứ tươi đẹp hơn hẳn hiện tại để mà tiếc nuối, để mà soi chiếu với cái hiện tại buồn tẻ, nhàm chán, cô đơn (cõi “Thiên Thai” của Thế Lữ, thời hùng tráng xa xưa của Huy Thông, thuở “Hạc theo trăng còn ở lẫn với người” của Xuân Diệu, buổi vinh quy” võng anh đi trước võng nàng theo sau” của Nguyễn Bính…). Còn ở Điêu tàn của Chế Lan Viên, đó là cái quá khứ đau thương và uất hận của một dân tộc đã bị chôn vùi vào dĩ vãng. Đó là quá khứ của những đoàn quân Chiêm, của những nàng Chiêm Nữ, của những nấm mồ chứa đầy đầu lâu, xương khô của ma Hời, là những hồn ma vật vờ trong nghĩa địa… Với tư tưởng chán nản, tuyệt vọng, nhà thơ thường ngụp lặn vào quá khứ để quên đi mọi khổ đau trong hiện tại. Nhưng đó cũng chỉ là một ảo tưởng “phi thường” không bao giờ thực hiện được. Làm sao mà quên được hiện tại đang diễn ra hàng ngày, đang diễn ra trước mắt. Cho nên dẫu ông ước ao: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền đau khổ với buồn lo” (Những sợi tơ lòng) hoặc ước muốn “Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa” thì cũng chỉ là một ảo ảnh ngông cuồng trong tư tưởng, tâm tưởng mà thôi. Bởi vậy, thi nhân bỗng cay đắng nhận ra:

Ta vẫn thấy hồn ta buồn ủ rũ
Và cõi lòng ta dày đặc bóng đêm mờ

(Nắng mai)

Nếu các hình ảnh: “Tháp Chàm, Sông Linh, tinh cầu, huyệt mộ, đầu lâu, xương tủy,…” là những hình ảnh được lặp đi lặp lại trở thành những biểu tượng của không gian “kinh dị” thì hình ảnh “đêm mờ” cũng được lặp lại 29 lần và nó trở thành biểu tượng của thời gian quá khứ bi hận. Chỉ có dưới “đêm mờ” thì thi nhân mới tâm sự được với các hồn ma Hời, chỉ có “đêm mờ” thì mộng mới thoả sức tung hoành. Bình minh lên thì giấc mộng tan, hồn ma cũng biến mất.

Tiếng gà bỗng từ đâu vang dội lại
Hồn yêu tinh sực tỉnh giấc mơ nồng
Và vội vã trở về nơi u tối
Quên làn xương trong cỏ đóng sương trong.

(Đêm tàn)

Hồn Yêu tinh, hồn Ma Hời trong bóng đêm mờ vẫn trở lại cõi trần gian nhưng rồi tiếng gà, ánh bình minh báo hiệu, trong khoảnh khắc chúng đẩy thời gian trở về “cõi tịch liêu”, để rồi còn lại: “Các cô hồn lặng ngắm cõi hư vô/ Rồi đua nhau trở lạị nấm mồ sâu”. Ở Điêu tàn, thi nhân đã xóa nhòa thời gian tâm tưởng và tâm linh sâu thẳm đầy ám ảnh. Các cô hồn sợ hãi trần gian cũng là biểu tượng cho tâm trạng của nhà thơ. Thời gian hiện tại, không gian trần thế trong thực tại chỉ đem đến đau buồn, chỉ làm thi nhân “chướng mắt”. Vậy chỉ còn con đường: “Nó thoát hiện tại, nó xối trộn dĩ vãng, nó ôm trùm tương lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lí… và vênh vang, kiêu ngạo, ta lấy mây làm bút, lấy trăng làm mực đề lên nền trời xanh:

Trong thơ ta dân Chàm luôn sống mãi
Trong thơ ta xương máu khóc không thôi.

(Tựa Điêu tàn)

Như thế, chính những ám ảnh dữ dội, khôn nguôi về lịch sử của một dân tộc đã bị tiêu vong, chính nỗi đau buồn “vong quốc”, trước thực tại nước mất nhà tan trong cuộc đời nô lệ đã là lực đẩy cực mạnh cuốn toàn bộ tâm trí Chế Lan Viên khi ấy mới 15, 16 tuổi vào thế giới của Điêu tàn quá khứ. Đó thực chất là tư tưởng của Chế Lan Viên qua tập thơ này: gián tiếp thức tỉnh nỗi đau mất nước và cũng là gián tiếp lay động tinh thần yêu nước trong mỗi con người Việt Nam thuở ấy. Do đó ta mới hiểu điều nhà thơ viết trong cùng lời Tựa nổi tiếng ấy: “Điêu tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu mến của tôi đâu? Kìa kìa nó đang đục sọ chìa anh”. Và cuối cùng, đó là một cách “đi tìm thời gian đã mất” của Trường thơ loạn.

Như ở trên chúng tôi đã khẳng định: đối với Hàn Mặc Tử và Bích Khê, hai thi nhân ít công khai, trực tiếp tuyên ngôn sự phủ nhận thực tại và hiện tại như Chế Lan Viên mà ám ảnh về quá khứ được thể hiện gián tiếp qua các hình tượng thơ thuộc về một quá khứ xa xăm. Đó là thế giới của các nhân vật lịch sử hay truyền thuyết như “Tây Thi, Lộng Ngọc, Điêu Thuyền, Tề Tuyên Vương, Tây Vương Mẫu, Hồ Xuân Hương, đức chúa Giê-su, đức mẹ Maria”,… hoặc các hình tượng về không gian kì ảo, huyền diệu như chốn “Kim Sa, chốn Kim Tinh, bến sông Ngân, sông Tương, nơi Hoàng Hạc, Phượng Trì, Ngọc Nữ, Kim Đồng,…” Chẳng hạn:

- Non nước tâm tình rộng bốn phương
Để em làm nhạc, tôi làm hương
Đêm nay đại yến Lâm Xuân Các
Điêu Thuyền đàn khúc Tề Tuyên Vương

(Hàn Mặc Tử - Nợ duyên)

- Chàng ơi! Đêm nay nín thở
Để hồn biến thành hương
Chập chờn trong Nữ Yêu
Vào ra theo rặng lựu
Chập chờn trong ba tiêu

(Bích Khuê – Ngũ Hành Sơn)

Thì cái thời gian “đêm nay” cũng vẫn chỉ là cái “đêm ấy” xa thẳm của quá khứ mà thôi. Hiện tại và quá khứ có khi “đồng hiện” để thi sĩ Hàn Mặc Tử phải thốt lên: “Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi/ Vẻ đẹp mê tôi vẫn nõn nà” hoặc làm cho Chế Lan Viên phải bàng hoàng: “Ai bảo giùm ta… ta có, có ta không?”

3.2. … Đến thời gian đột biến và gấp gáp trong hiện tại

Ở trên, chúng tôi đã khảo sát, cắt nghĩa về xu hướng vận động của thời gian nghệ thuật Trường thơ loạn. Đó là thời gian từ hiện tại quay ngược về quá khứ, dùng quá khứ để thấu hiểu sâu sắc hơn về hiện tại, đồng thời quay về quá khứ cũng là một con đường để thoát ly thực tại, cũng là con đường giải thoát khổ đau trong hiện tại.

Đến đây, chúng tôi sẽ bàn về nhịp điệu của thời gian nghệ thuật trong Trường thơ loạn.

Như chúng ta đã biết, nhịp điệu nhanh hay chậm của thời gian nghệ thuật cũng là một dấu hiệu thể hiện quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người. Ý thức về sự vận động của thời gian cũng là ý thức về ý nghĩa của cuộc sống và số phận mỗi người. Thơ cổ điển có một quan niệm đặc trưng về sự vận động của thời gian, đó là thời gian lặp lại theo chu kì tuần hoàn: xuân qua rồi hè tới, hè qua thì thu rồi đông tới. và xuân lại về. Nghĩa là thời gian không mất đi đâu cả, nó chỉ vận động tuần hoàn theo năm tháng mà thôi. Con người cũng vậy, sinh – lão – bệnh – tử là quy luật lặp lại muôn đời. Cũng như thời tiết: hết mưa là nắng, hết nóng là lạnh; cũng như sự thay đổi của các triều đại: hết thịnh lại suy, hết suy phải thịnh, v.v… Do đó, các thi nhân cổ điển nắm được quy luật vận động ấy của thời gian lúc nào cũng ung dung, tự tại, rèn luyện cho cái tâm tĩnh trước cái động của ngoại cảnh.

Chỉ đến Thơ Mới, khi các nhà thơ có được ý thức sâu sắc về cái tôi cá thể thì họ mới cảm nhận được điều này: thời gian luôn vận động “như ngọn gió, như dòng nước” không ngừng nghỉ. Thời gian trôi qua là mất đi. Thời gian là vô hạn mà mỗi con người chỉ là hữu hạn, là ngắn ngủi vô cùng. Do đó, để chống lại sự trôi chảy ấy của thời gian, để kéo dài sự ngắn ngủi của kiếp người, chỉ có một cách: tăng cường cường độ sống mãnh liệt “bằng toàn tim, toàn óc, toàn hồn” như Xuân Diệu hằng tuyên bố. (“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Hoặc: “Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi”).

Tất nhiên, không phải nhà Thơ Mới nào cũng hốt hoảng, cũng bị ám ảnh bởi thời gian như Xuân Diệu (“Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi! Tình non sắp già rồi…” Hoặc: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sắp già”…). Chẳng hạn như Huy Cận cùng thời với Xuân Diệu lại chỉ thường khắc khoải bởi không gian luôn buồn sầu, luôn nhớ tiếc không gian.

Đối với các thi nhân của Trường thơ loạn, hoặc do định mệnh số phận bi kịch xô đẩy hoặc do nỗi chán chường thực tại đưa đường, họ luôn có mặc cảm về sự cô đơn, về sự chia lìa vĩnh viễn với cuộc đời này dù họ khôn nguôi lưu luyến:

Ta còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một thời
Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng
Ôi! Giờ tiễn biệt sắp chia phôi

( Hàn Mặc Tử - Trút linh hồn )

Dưới áp lực nghiệt ngã của định mệnh, lại liên tiếp phải uống “những chén đăng của tình yêu”, Hàn Mặc Tử sáng tạo dồn dập, sáng tạo “điên cuồng” để chạy đua với tử thần. Nhà thơ sống trong tâm trạng nhập nhòa giữa cõi thực và cõi mộng, giữa lí trí tỉnh táo và cảm xúc, tưởng tượng vọt trào, miên man. Trong bài tiểu luận Chiêm bao với sự thật, Hàn đã tả lại trạng thái sáng taọ của mình như sau: “Ngoại cảnh đã xâm lấn xác thịt và linh hồn tôi. Bao nhiêu là tinh anh của non sông đều xông vào tôi, rút hết tinh túy tôi. Tôi có thể bảo đây là một lối thần giao cách cảm mà ngoại cảnh hay thâm tâm đồng xáo động… Chiêm bao rã rời trong khi ánh sáng sự thực dọi tới. Bây giờ ngoại cảnh và nội tâm điều hòa, run lên như những nhịp tiêu thiều thanh bai… Tôi cảm thấy hồn tôi mất đi một nửa, và tôi đang sống trong sự mơ hồ”. Trạng thái này Hoàng Ngọc Hiến gọi là “siêu thức”, là nhận thức mà ở đó phải trái không chỉ có sự đối lập mà còn giao hòa vào nhau: hư và thực, tỉnh táo và mơ hồ, gần và xa, hiện tại, quá khứ, tương lai… Và những bài thơ của Hàn, của Bích và Chế ra đời trong các trạng thái như thế hẳn không thể tuân theo logic thông thường. Nói như Chế Lan Viên là: “Tử không làm thơ mà bị thơ làm”. (Thơ là những “tốc ký” tâm trạng đang trôi chảy, chuyển biến không ngừng, dứt gãy không ngừng). Mà đã làm thơ trong tâm trạng bất định như thế thì vấn đề cảm nhận thời gian của các nhà thơ cũng không còn tuân theo logic tuần tự trước – sau thông thường nữa. Chẳng hạn, ở bài Đây thôn Vĩ Dạ, có ba khổ thơ. Ở khổ một, thi nhân đang hồi tưởng, đang say sưa “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”, đang trầm trồ với vẻ đẹp “mướt xanh như ngọc” của “vườn ai” và khuôn “mặt chữ điền” phúc hậu thấp thoáng sau khóm trúc thì vụt một cái, đến khổ hai là cảnh đêm trăng, sông trăng với mặc cảm chia lìa, lỡ làng của “thuyền tình”, “có chở trăng về kịp tối nay?”. Đến khổ ba, lại thoắt hiện lên cảnh sắc âm u, mờ ảo “sương khói” với thời gian mơ hồ. Cả không gian “ngoài kia” (xứ Huế) và “ở đây” (Quy Nhơn), buổi bình minh và đêm đến cứ nhập nhòa trong tâm tưởng nhà thơ.

Cũng như thế, ở bài Mùa xuân chín, thi nhân đang đầy hứng khởi với cảnh sắc mùa xuân trong hiện tại:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi

Thì đột nhiên lại ám ảnh bởi một tương lai chia lìa, tan cuộc:

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Đối với Chế Lan Viên và Bích Khê cũng vậy. Thời gian đột biến, bất ngờ, đứt gãy, nhảy cóc thường xuyên xuất hiện trong Điêu tàn, Tinh hoa và Tinh huyết. Thời gian vận động giữa cõi thực và cõi mộng thường bất ngờ, đột ngột:

- Tiếng gà bỗng từ đâu vang dội
Hồn yêu tinh sực tỉnh giấc mơ nồng
Và vội vã trở về mồ u tối
Quên làn xương trong cỏ đắm sương trong

(Chế Lan Viên – Xương khô)

- Lời chưa dứt bóng đêm đà vụt biến
Tình thưa nồng đã sấp phải phôi pha
Trên trần gian vầng ô kia đã đến
Gỡ hồn nàng ra khỏi mảnh hồn ta 

(Chế Lan Viên – Đêm tàn )

Bỗng khúc dương cầm nấc tiếng thu
Bỗng đôi mắt ngọc hiện xanh mờ
Và châu và báu và thanh khí
Nức nở tan thành vạn giọt thơ

(Bích Khê – Bản đàn thơ)

Nhịp điệu thời gian của các thi sĩ Trường thơ loạn dường như có sự truy đuổi gấp gáp. Chẳng thế mà ở thơ của họ thường xuất hiện khá nhiều từ ngữ diễn tả các cung bậc của tâm trạng dồn dập như: đuổi, chạy theo, bắt, kìm, mau, cho mau, vụt, thoắt, bỗng,…

- Lòng ta rào rạt như làn sóng
Tay ngoắt đám mây dừng lại ngay
Mây vốn hơi sương mà đọng lại
Mau bay vào cuống họng ta đây

(Hàn Mặc Tử - Tiếng vang)

- Đem mau đây chiếc sọ dừa ứ huyết
Chiếc xương khô rợn trắng khí tinh anh
Và rót mau trong hồn ta tê liệt
Những nguồn thơ rồ dại hỡi yêu tinh

(Chế Lan Viên – Điệu nhạc điên cuồng)

- Bỗng khúc dương cầm nấc tiếng thu
Bỗng đôi mắt ngọc hiện xanh mờ
Và châu và báu và thanh khí
Thoắt đưa ta về với nẻo thơ

(Bích Khê – Đây bản đàn thơ)

Trên đây chúng tôi đã tìm hiều về những nét tương đồng của ba thi sĩ tiêu biểu nhất trong Trường thơ loạn. Tuy nhiên, xét về phương diện thời gian nghệ thuật, ba thi sĩ này lại có những điểm khác biệt.

Điểm khác biệt thứ nhất, thời gian trong thơ Hàn có sự đối lập gay gắt giữa sáng và tối, giữa ngày và đêm. Nếu ở tập Gái quê có nhiều bài thơ diễn tả ban ngày với nhiều nắng: “nắng mới”, “nắng chang chang”, “nắng lao xao”,… thì trái lại, từ tập Thơ điên trở đi, phần lớn thời gian lại nghiêng hẳn về đêm với nhiều trăng. Chính bóng đêm và ánh trăng đủ hình đủ dạng, đủ màu này mới tương xứng với những cung bậc cảm xúc tăm tối, cô đơn u buồn, đau thương và ước mơ giải thoát thực tại của Hàn. Đêm trăng vừa hóa giải đau thương vừa là cõi để cho hồn tha hồ vùng vẫy, thăng hoa vào cõi vĩnh hằng.

Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì hết thảy sẽ đi qua

(Thời gian)

Trong khi đó, trong thơ Chế tuyệt đại bộ phận thời gian là bóng đêm u tối: đêm mờ, đêm sâu, đêm sầu, đêm hư – vô, bóng tối, đêm xuân sầu, đêm tàn,… Đó cũng chính là thời gian thích hợp nhất để bóng ma Hời, hồn Yêu Tinh sống dậy và tâm tình với thi nhân.

Điểm khác biệt thứ hai, trong bốn mùa xuân – hạ - thu – đông của một năm, nếu Hàn Mặc Tử là người yêu nhất mùa xuân (“mùa xuân chín”, “xuân như ý”, “xuân đầu tiên”, “cưới xuân cưới vợ”) thì Bích Khê lại là người yêu nhất mùa thu mặc dù đó có thể là thu đau thương (“Mỗi mùa thu ôm ấp một niềm thương”), thu buồn (“chụp hồn ma than vãn giữa đêm thu”), thu gầy (“Như hoa mảnh khảnh xác thu gầy”), nhạc thu đau thương (“Bỗng khúc dương cầm nấc tiếng thu”), màu thu đẫm tình (“Trời lam nhung ứ đặc tình thu”). Trong khi đó, Chế Lan Viên công khai cự tuyệt cả bốn mùa, ngay cả mùa xuân tươi đẹp nhất:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu


Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với cả hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo xuân sang

(Xuân)

Và ở đỉnh cao của chán nản, tuyệt vọng, Chế Lan Viên đã phủ định ba chiều của thời gian:

Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận
Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành
Và hiện tại biết cùng chăng hỡi bạn
Cũng đương chôn lặng lẽ tuổi ngày xanh

(Những nấm mồ)

Điểm khác biệt thứ ba, trong khi Chế Lan Viên quyết liệt phủ nhận cả ba chiều của thời gian, biến thời gian trở thành hư vô thì Hàn Mặc Tử và Bích Khê lại hướng về thời gian vĩnh hằng của cõi tâm linh, đó là thời gian của cõi trời vô thủy vô chung, là thời gian hằng cửu nơi các nàng Tiên từng được hưởng hoan lạc vô biên của Năm muôn năm, Trời muôn trời” Với Bích Khê, đó là thời gian “Hồn tôi đã thoát để tiêu dao”, là thời gian ở “chốn Kim Tinh, chốn Lưu Ly, hội Đào Tiên, Nơi Ngọc Nữ, nơi thanh khí”, là nơi Xuân Hương, Thôi Hộ, Lý Bạch từng sống thuở nào… Đó là nơi thời gian ngừng trôi chảy để thi nhân sống mãi trong cõi trời đầy ánh sáng hào quang, đầy nhạc mê hồn, đầy hương thơm ngào ngạt. Với Hàn Mặc Tử, đó là thời gian “vô thủy vô chung” ở “xứ say mơ, chốn Phượng Trì, Cung Quế, Cung Quảng Hàn”, là cõi của các nàng Tiên đi lễ hội… Đó là thời gian vĩnh hằng của “mùa xuân vô cùng đến ngàn năm ơn phước, là phong vị thái hòa của năm muôn năm, trời muôn trời trên châu lưu thượng tầng thanh khí, bàng bạc cả dải Hà Sa chen lấn vô tận tâm hồn tạo vật” (Xuân như ý). Đó là thời gian của ước mơ, của khát vọng tâm linh tôn giáo sâu thẳm. Và ở khung trời tâm linh ấy, các thi sĩ tin rằng họ sẽ trường cửu:

Ta sống mãi với trăng sao, gấm vóc
Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay

(Hàn Mặc Tử - Trường thọ)./.


TS. Nguyễn Quốc Khánh
Khoa Ngữ văn, ĐH Quy Nhơn
Trích Chương 3 công trình 
Không gian và thời gian nghệ thuật của trường thơ Loạn Bình Định
Dẫn lại theo : Website Khoa Ngữ văn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét