MỞ ĐẦU
Văn học Việt Nam là nền văn học của nhưng cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Cho nên đề tài xuyên suốt của văn học Việt Nam là đề tài về chiến tranh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hình ảnh người lính luôn là hình ảnh đẹp nhất, đáng ca ngợi nhất và lí tưởng nhất. Cái nhìn về người lính giai đoạn này chủ yếu là cái nhìn lạc quan, ca ngợi và có phần nào lí tưởng hóa. Văn học viết về nguồi lính giai đoạn này không được pháp bi lụy, nếu có buồn thì phải bi hùng, bi tráng. Cảm hứng chủ yếu của văn học viết về chiến tranh giai đoạn này chủ yếu là cảm hứng sử thi, anh hùng ca.
Cho nên hình ảnh người lính trong văn học thời kháng chiến chống pháp và chống Mĩ về cơ bản đã thể hiện được tinh thần của thời đại, có vai trò cổ vũ, động viên rất lớn cho các thế hệ nối tiếp nhau ra chiến trường. Nhưng mặt khác nó cũng có phần nào thiếu sự sinh động và có phần phiến diện. Hình ảnh người lính hiện lên phần nhiều là những con người lý tưởng, không có những biến động lớn về nội tâm. Tuy nhiên trong điều kiện chiến tranh, vấn đề quan trọng là vận mệnh của dân tộc và sinh mệnh của nhân dân chứ không phải là số phận của tưng cá nhân nên người nghệ sĩ phải biết hi sinh nghệ thuật vì lợi ích chung của dân tộc là việc nên làm. Khi cuộc chiến tranh đã qua đi, văn học bước vào một thời kì mới thì vấn đề giữa văn học và hiện thực, quan niệm về con người cần phải xem xét lại. Từ sau đại hội Đảng lần thứ VI (1986), văn học thực sự bước vào thời kì đổi mới. Văn nghệ sĩ thực sự được cởi trói, họ được quyền “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực được nhìn cởi mở hơn, và đặc bệt có những thay đổi lớn trong quan niệm về con người. Văn học thời kì đổi mới miêu tả con người toàn diện hơn và đã đi sâu làm rõ những khía cạnh nội tâm con người. vấn đề về người lính cũng được nhìn lại với một điểm nhìn mới.
Trong công cuộc đổi mới ấy nhiều nhà văn đã thể hiện sự nhạy bén của mình khi đã khám phá ra những vấn đề mới của cuộc sống và những quan niệm mới về con người. Nguyễn Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau; Lê Lựu với Thời xa vắng; Dương Hướng với Bến không chồng; Chu Lai với Ăn mày dĩ vãng.. đã thể hiện những sự đổi mới đó. Đặc biệt Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã thể hiện một cách rất mới về hình ảnh người lính. Hình ảnh người lính không còn được miêu tả bằng cảm hứng sử thi, anh hùng vói cái nhìn đơn giản như trước nữa. Hình ảnh người lính ở đây được tiếp cận ở phương diện tàn khốc của chiến tranh, ở những góc khuất của tâm hồn mà trước đây ta chưa hề đề nói tới hoặc không dám nói tới. Không chỉ nói nói về hình ảnh người lính trong chến tranh, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh còn đi sâu vào khai thác đời sống của những người lính thời hậu chiến với sự ám ảnh của một quá khứ đen tối luôn đeo đuổi họ. Và trong tương quan với tác phẩm này đó là “Số phận con người” của Sô-lô-khôp là cuộc đời đi giữa hai mặt sáng – tối, giữa những lạc quan và bi quan, không thể trở về sống với quá khứ, không thể hòa nhập được với cuộc sống hiên tại, họ như là những người đến từ một thế giới khác. Đây chính là những cơ sở lí luận để khảo sát đề tài này.
I. Khái quát chung
I.1. Lí luận chung về văn học so sánh
Phương pháp so sánh là một phương pháp đã xuất hiện từ lâu trong nghiên cứu khoa học nói chung và trong nghiên cứu văn học nói riêng, bởi lẽ nó xuất phát từ thực tế là so sánh là một yêu cầu rất tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày của con người. Từ cuộc sống, nó được đưa vào trong nghiên cứu khoa học và dần trở thành một phương pháp hữu hiệu. Có thế nói ngắn gọn, so sánh là để xác định sự vật về mặt định tính, định lượng hoặc ngôi thứ trong mối tương quan với các sự vật khác .
Như vậy so sánh là một phương pháp quan trọng trong mọi ngành khoa học trong đó có văn học để từ đó sự vật, hiện tượng hiện ra một cách toàn diện hơn.
Đây là một phân nhánh của so sánh lịch sử. Nó nghiên cứu sự giống và khác nhau giữa các tác giả, tác phẩm cụ thể thuộc các nền văn học khác nhau hoặc nội bộ một nền văn học dân tộc. Theo hướng nghiên cứu này không nên đặt ra mức độ hơn kém mà chủ yếu chỉ rõ sự khác nhau gắn liền với đặc điểm dân tộc thời đại và phẩm chất sáng tạo mang đặc trưng của từng cá nhân.
Trong văn học Việt Nam, cũng có thể có nhiều chủ đề có thể trở thành đối tượng của phương pháp so sánh và văn học so sánh với nhiều cấp độ khác nhau như giữa hai tác phẩm, hai tác giả, hai nền văn học giữa hai quốc gia…
I.2. Khái quát về phong cách Sôlôkhôp qua Số phận con người và Bảo Ninh qua Nỗi buồn chiến tranh
I.2.a. Sô-lô-khốp
Trong quá trình khảo sát cụ thể tác phẩm của Sôlôkhôp, chúng tôi có thể khái quát đôi nét về phong cách sáng tác của ông qua một số điểm chủ yếu sau:
Những trang viết của Sôlôkhôp là những trang viết về cuộc đời của người nghệ sĩ luôn trung thành với sự thật cuộc đời như ông từng tâm niệm: “Cần phải nói với người đọc một cách trung thực, cần phải nói với mọi người sự thật - sự thật nhiều khi là khắc nghiệt nhưng luôn ngoan cường”. Và không chỉ viết về hiện thực như nó vốn có, nhà văn còn luôn khai thác hiện thực ở tầng sâu của nó. “Thế giới nghệ thuật của Sôlôkhôp luôn luôn là tấm gương phản chiếu trung thực thế giới thực tại, nhưng đồng thời đó cũng là một thế giới hết sức kì diệu, độc đáo và hấp dẫn về mặt thẩm mỹ.
Qua tác phẩm của mình, Sôlôkhôp thể hiện niềm tin yêu vào con người. Đặc biệt ông luôn nhìn con người trong sự vận động của lịch sử. Văn phong của ông đượm chất trữ tình với sự xuất hiện của thiên nhiên, giọng điệu trần thuật cảm động tạo nên sức thuyết phục cho hai truyện ngắn trên.
Tác phẩm như một bản tổng kết đầy xót thương về chiến tranh, là sự phức điệu của nhiều trạng thái cảm xúc: căm giận, đau đớn, thương yêu và hy vọng.
Những nhân vật của ông là những con người mang khát vọng sống mãnh liệt, khát khao hạnh phúc dù trong chiến tranh hay sự khắc nghiệt của cuộc đời. Niềm tin yêu vào con người của nhà văn đã làm nhân vật trở nên có sức sống. Cách khai thác tâm lý nhân vật làm nhân vật sinh động, mang gương mặt của cuộc đời. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, nhà văn rất có ý thức khai thác các yếu tố: thiên nhiên, lối kể chuyện, sử dụng môtip truyền thống. Cách xây dựng nhân vật của Sôlôkhôp vừa tiếp nối truyền thống văn học, vừa đưa vào yếu tố mới.
I.2.b. Bảo Ninh
Ông đã tìm được một định nghĩa hoang mang và khốc liệt về chiến tranh:"Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người." (trang 32) Còn hòa bình, hòa bình là gì? Dưới ngòi bút của Bảo Ninh, hòa bình cũng không vinh dự lắm:" - Hừ! Hòa bình! Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình, để chừa lại có chút xương. Mà những người được phân công nằm lại góc rừng le là những người đáng sống nhất." (trang 44)
Nguyên Ngọc kể lại: "Bảo Ninh có lần tâm sự với tôi rằng anh viết vì câu hỏi: Vì sao anh lại còn sống sót đến hôm nay trong khi hàng trăm, hàng vạn bạn bè của anh cũng trẻ trung, cũng phơi phới, rất nhiều người còn đẹp đẽ hơn anh, tài năng hơn anh bội phần... lại đã mất đi? Câu hỏi dày vò anh đến trọn đời như một niềm ân hận vừa vô lý, vừa có thật không nguôi. Và câu hỏi thứ hai: Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy, bây giờ lại như thế này?"
Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy chỉ đem lại một thực tại như thế này? Câu hỏi kinh hoàng về bản chất chiến tranh và cuộc đời, khó giải đáp cho thế hệ Bảo Ninh và cả những thế hệ không có Bảo Ninh, không còn Bảo Ninh. Tiên tri của nhận thức, Phương đã có những hoài nghi rất sớm về bản chất cuộc đời:"Chiến tranh, hòa bình, vào đại học, đi bộ đội khác nhau lắm hay sao? Và thế nào là cuộc đời tốt, cuộc đời xấu? Tình nguyện đi vào bộ đội ở tuổi mười bảy thì cao thượng hơn vào đại học ở tuổi mười bảy hay sao?" (trang150)
Nhưng "Phương lý" sáng suốt ấy, mấy ai chia sẻ? Người ta cuống cuồng xông vào chiến tranh, xông vào lý tưởng, xông vào những đỉnh cao cuộc đời như những con thiêu thân thèm khát máu đèn, loá mắt, loạn thần vì "cao cả", mà quên đi những nhỏ nhặt, tầm thường, những viên gạch, hòn sỏi, hạt cát âm thầm nhào nên cuộc sống!
Qua việc so sánh trên, chúng tôi nhìn thấy sự vận động trên các phương diện: đề tài, nhân vật, cốt truyện, giọng điệu từ Số phận con người đến Nỗi buồn chiến tranh tạo cho tác phẩm mang một màu sắc riêng khi viết về đề tài chiến tranh. Cách khai thác riêng ở một đề tài tưởng như quen thuộc khi cho người đọc những cảm nhận vừa đau xót, vừa thương cảm về cuộc chiến. Nhà văn hé mở những hiện thực chua xót đằng sau ánh hào quang chiến trận cho chúng ta nhiều trải nghiệm về cuộc đời. Điều đó cũng phần nào lý giải sức sống bền vững của tác phẩm trong lòng độc giả nhiều thế hệ.
I.3. Tác giả
I.3.a. Sô-lô-khốp
Sôlôkhôp (1905-1984) là nhà văn Nga lỗi lạc. Ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Rôxtôp thuộc vùng thảo nguyên sông Đông và gắn bó với vùng đất trù phú đậm bản sắc văn hoá của người cô dắc này trong những bước chuyển mình đau đớn và phức tạp của lịch sử. Chưa tròn 17 tuổi nhưng trong cuộc nội chiến Sô-lô-khôp đã làm thư kí uỷ ban xã, xoá nạn mù chữ, trưng thu lương thực chống đói…Năm 17 tuổi, ông lên Mat - xcơ - va làm nhiều nghề vất vả như đập đá, khuân vác, kế toán để thực hiện giấc mơ viết văn. Năm 21 tuổi, Sôlôkhôp đã có hai tập truyện ngắn viết về vùng sông Đông là “Truyện sông Đông” và “Thảo nguyên xanh”. Năm 22 tuổi, Sôlôkhôp trở về quê và bắt đầu viết bộ tiểu thuyết sử thi 4 tập “Sông Đông êm đềm”. Bộ tiểu thuyết hoàn thành năm 1940 lúc Sôlôkhôp 35 tuổi và ngay lập tức được tặng giải thưởng quốc gia.
Chiến tranh vệ quốc chống phát xít Đức bùng nổ, Sôlôkhôp tham gia với tư cách là phóng viên chiến tranh theo sát Hồng quân trên nhiều mặt trận. Sau chiến tranh, ông lại lăn mình vào những hoạt động xã hội ở địa phương.Vốn sống ấy giúp ông viết thành công tác phẩm Số phận con người thể hiện cách nhìn về cuộc sống và chiến tranh một cách toàn diện, chân thực.
Do những cống hiến nghệ thuật to lớn, năm 1965, Sôlôkhôp được nhận giải Noben về văn học.
I.3.b. Bảo Ninh
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Ông vào bộ đội năm 1969. Thời chiến tranh, ông chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 1976-1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984-1986 học khoá 2Trường viết văn Nguyễn Du. Làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.
I.4. Hoàn cảnh ra đời
I.4.a. Tác phẩm Số phận con người
Truyện ngắn Số phận con người của Sô-lô-khôp được công bố lần đầu trên báo sự thật, số ra ngày 31.12.1956 và 1.1.1957. Truyện có ý nghĩa khá quan trọng đối với toàn bộ sự phát triển của nền văn xuôi Xô viết suốt giai đoạn sau này. Bởi, người ta có thể tìm thấy ở tác phẩm này những tìm tòi chủ yếu của văn học Xô viết hiện đại. Đây là tác phẩm đầu tiên trong văn học Xô viết, nhà văn tập trung thể hiện hình tượng con người bất hạnh sau chiến tranh, nhìn cuộc sống và chiến tranh một cách toàn diện, chân thực. Về sau, truyện được in trong tập Truyện Sông Đông. Từ câu chuyện được nghe vào mùa xâun năm 1946, nhà văn Sôlôkhốp đã viết truyện ngắn “Số phận con người” ( vào năm 1975) – mười hai năm sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
I.4.b. Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh
Năm 1991, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (in lần đầu năm1987 tên là Thân phận của tình yêu) được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và đã được đón chào nồng nhiệt. Đó là câu chuyện một người lính tên Kiên, đan xen giữa hiện tại hậu chiến với hai luồng hồi ức về chiến tranh và về mối tình đầu với cô bạn học Phương. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, hùng tâm tráng chí của người lính chiến đấu vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi: "Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới".
Tuy nhiên, có lẽ vì viết quá thật, quá chân thành và quá nhiều cảm thông cho mọi mất mát trong chiến tranh, Nỗi buồn chiến tranh sau khi đạt giải thưởng Hội nhà văn năm 1991 đã bị cấm xuất bản một cách không chính thức tại Việt Nam trong một thời gian dài. Ngược lại, giá trị mà nó mang đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành một trong số ít ỏi các tiểu thuyết Việt Nam ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc thế giới. Trên một khía cạnh nhất định, Nỗi buồn chiến tranh cũng được xem là tiểu thuyết hay nhất của văn học Việt Nam thời kì hậu chiến.
Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo, xuất bản năm 1994 với nhan đề “The Sorrow of War”, được ca tụng rộng rãi, và một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất viết về chiến tranh. Bản dịch này được photo bán rộng rãi cho du khách nước ngoài. Đây là một cuốn sách được đoc rộng rãi ở phương Tây, và là một cuốn sách nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây. Một điều đáng khâm phục là Bảo Ninh đã trình bày quan điểm này mà không không hề lên án phía bên kia. Năm 2005, tác phẩm này được tái bản với nhan đề ban đầu là Thân phận tình yêu; năm 2006 tái bản với nhan đề đã trở thành nổi tiếng: Nỗi buồn chiến tranh
II. So sánh Số phận con người và Nỗi buồn chiến tranh
II.1. Giống nhau
II.1.a. Đề tài
Đề tài là một khái niệm có nội hàm rất rộng, tuy nhiên về bản chất chúng ta có thể hiểu: đề tài là “khái niệm chỉ các loại hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học … là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm”. Đề tài có mối quan hệ hữu cơ với cảm hứng nghệ thuật. Cuộc đời muôn mặt, khi nhà văn đặc biệt quan tâm một phương diện nào đó, một khu vực nào đó, và thể hiện nó theo cách nhìn nào đó: điều ấy tùy thuộc rất nhiều vào cảm hứng nghệ thuật
Cả hai tác phẩm đều cùng chung một đề tài. Đó là viết về chiến tranh dưới góc nhìn của những người lính từ mặt trận trở về trong mối quan hệ người lính – nhà văn.
II.1.b. Cảm hứng
Cảm hứng nghệ thuật là một trạng thái tình cảm ở cường độ đặc biệt, kết tinh thành tư tưởng và xu hướng, nó thúc đẩy nhà văn cầm bút và làm ấm nóng trang viết: “Đó là trạng thái phấn hứng cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả. Sự chiếm lĩnh ấy bao giờ cũng bắt nguồn từ lí tưởng xã hội của nhà văn nhằm phát triển và cải tạo thực tại xã hội”. Trạng thái ấy luôn biến động, chi phối nội dung và thủ pháp của nhà văn. Sô-lô-khôp và Bảo Ninh đã từng là những người lính và cũng là nhà văn. Họ đã trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn của đời lính. Họ không còn là những hình ảnh anh hùng, phi thường như trước mà hiện lên với tất cả nhỏ bé, những khát vọng của cuộc sống đời thường nhìn lại 2 cuộc chiến tranh đã qua với cảm hứng bi kịch
Với độ lùi thời gian năm, mười năm là đủ để nhà văn nhìn lại quá khứ với những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc về số phận con người ở khía cạnh mà trước đây luôn bị “gác lại” trước số phận dân tộc: khía cạnh bi kịch cá nhân. Cảm hứng bi kịch là cội nguồn cho sự xuất hiện của một loại nhân vật mang diện mạo tinh thần hoàn toàn mới trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, nhất là sau 1986 nhờ nỗ lực đổi mới và dân chủ hóa đời sống văn hóa văn nghệ. Cảm hứng bi kịch trong tiểu thuyết hậu chiến có thể được đánh dấu từ Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu. Tiếp theo, cảm hứng bi kịch vẫn được tập trung thể hiện sâu đậm hơn, đa dạng hơn trong những tiểu thuyết hậu chiến. Cắt nghĩa, lí giải, nhận thức lại hiện thực bằng cảm hứng bi kịch, tiểu thuyết hậu chiến đã thực sự đem lại cho người đọc những suy ngẫm sâu sắc: Mảnh đất tình yêu(Nguyễn Minh Châu), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Vòng tròn bội bạc, Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai)… Sự xuất hiện của kiểu nhân vật mới trong tiểu thuyết chiến tranh - con người suy tư, con người bi kịch - là dấu hiệu quan trọng khẳng định sự đổi mới tư duy nghệ thuật tiểu thuyết và xác lập lộ trình mới của văn học VN hiện đại
Với sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, vấn đề nhân vật của tiểu thuyết “Hậu chiến” (chỉ những tác phẩm viết về chiến tranh sau chiến tranh) trở thành vấn đề trung tâm của người sáng tác cũng như giới nghiên cứu, phê bình. Dưới đây chỉ nhìn lại vấn đề này ở những nét lớn với những tác giả nổi bật. Cảm hứng chính của văn xuôi “hậu chiến” là suy ngẫm về chiến tranh trong hoàn cảnh mới, của những con người vừa bước ra khỏi chiến tranh, người còn khét mùi bom đạn, suy nghĩ, hành động còn đậm “chất lính”. Từ trước cao trào Đổi mới, trong bài tiểu luận Viết về chiến tranh (1978), Nguyễn Minh Châu đã đặt ra câu hỏi cho hướng đi của tiểu thuyết đề tài chiến tranh sau chiến tranh. Sự lựa chọn duy nhất là “phải viết về con người” với “tất cả những mặt tính cách đa dạng, phải phơi bày trong đời sống thực” mà đã nhiều thập kỉ qua “tạm thời giấu mình trên trang sách”. Tiểu thuyết chiến tranh không thể để các nhân vật bị sự kiện lấn át, “chỉ đóng vai trò làm đường dây để xâu các sự kiện lại với nhau” (Nguyễn Minh Châu: Trang giấy trước đèn, NXB. KHXH, H,1995).
II.2. Khác nhau
II.2.a. Chủ đề
Số phận con người tập trung khám phá nỗi bất hạnh của con người sau chiến tranh. Song tuy viết về nhưng đau thương, mất mát mà chiến tranh gây ra, tác giả vẫn giữa vững niềm tin ở tính cách Nga kiên cường cũng như lòng tin ở cuộc sống bao dung.
Nỗi Buồn Chiến Tranh viết về cuộc đời một chiến binh với những hồi khứ đứt đoạn hay liên tục, là ánh hồi quang chiếu xuống những đoản đời. Là khúc thương ca, tâm ca, tình ca thơ mộng, tuyệt diệu và tuyệt vọng, hãi hùng và bi thảm; quyến luyện thực tại và ảo giác, cuộc sống và cõi chết, quá khứ và vị lai. Trong những tiểu thuyết viết về cuộc chiến 20 năm, phát xuất từ những nhân chứng phía Nam hay phía Bắc, đây là tác phẩm xâu sa, đớn đau, tàn khốc, bi quan và cũng lạc quan hơn cả.
Truyện viết về đời Kiên, người bộ đội thuộc cánh quân trinh sát, trong mười năm chiến tranh và mười năm hòa bình. Kiên xuất thân từ một gia đình trí thức tiểu tư sản miền Bắc. Cha là họa sĩ, một họa sĩ phạm "tội đồ", bị chối bỏ, người ta phê phán tranh ông thể hiện những chân dung ma quỷ. Người họa sĩ đó, lạc loài giữa xã hội người, đành hội nhập vào xã hội không người, xã hội yêu ma "siêu thực" của những nhân vật bi thảm trong tranh, đắm chìm trong thế giới ảo giác và sau cùng, đã tiêu hủy toàn bộ sáng tác trước khi từ giã cõi đời, để được cùng những đứa con tinh thần của mình bước sang cõi khác
II.2.b. Cốt truyện
Là một trong những yếu tố cơ bản của tác phẩm tự sự, cốt truyện là yếu tố có vai trò quan trọng không thể thiếu trong tác phẩm tự sự, là cái khung để đỡ cho toàn bộ tòa nhà nghệ thuật ngôn từ đứng vững. Đó là một “hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề tư tưởng tác phẩm”.
“Số phận con người” có cốt truyện thuộc loại cốt truyện khung, theo kiểu: truyện lồng trong truyện. Người kể chuyện đóng vai trò là người kể lại một câu chuyện của người khác. Nghĩa là ở đây có sự xuất hiện của hai người kể chuyện, tính khách quan được chú trọng. Mỗi truyện ngắn lại là hai câu chuyện nhỏ: câu chuyện người kể chuyện gặp gỡ nhân vật chính và câu chuyện chính cuộc đời đã qua của nhân vật chính.
Cốt truyện của “Nỗi buồn chiến tranh” được xây dựng bằng một hệ thống sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời của Kiên với thủ pháp dòng ý thức lúc nhanh lúc chậm cùng nghệ thuật đồng hiện giúp độc giả hình dung được rõ nét nhất những cuộc chiến đấu gian khổ, những sự tra tấn dã man, nhục hình, đói rét đe dọa đêm ngày và sự kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, tìm cách trở về với với nhân dân.
Cốt truyện Số phận con người đã có một sự phát triển tương đối rõ ràng trong việc bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Sự vận động trên phương diện cốt truyện được thể hiện trong nỗi buồn chiến tranh biểu hiện cụ thể ở những nét sau:
Thứ nhất, nỗi buồn chiến tranh Kiên đã kể lại những sự kiện xảy ra trong cuộc đời mình từ lúc tham gia chiến tranh cho đến thời điểm hiện tại (hòa bình lặp lai và Kiên đang trong trạng thái đau khổ). Nhưng ở Số phận con người, cuộc đời của Xôcôlôp được kể trọn vẹn hơn, từ trước chiến tranh, trong chiến tranh và cả sau chiến tranh.
Thứ hai, mối quan hệ giữa con người và chiến tranh trong Số phận con người được khai thác ở một tầng sâu mới. Con người và chiến tranh trong nỗi buồn chiến tranh ở thế đối lập hoàn toàn. Chiến tranh với sự tàn khốc của nó khắc sâu vào lòng người ta sự căm thù cũng như nó đã khắc vào người lính Kiên vết thương không bao giờ lành. Vẫn là thế đối lập đó, đến với Số phận con người tác giả người đọc thấy một cái nhìn bao dung, lạc quan và tin yêu của con người có thể vượt lên trên nỗi đau khổ để đi tìm hạnh phúc của cá nhân mình dù hạnh phúc đó thật muộn màng. Người lính Hồng quân không chỉ kiên cường trong thời chiến mà còn là con người bao dung, nhân hậu, giàu khát vọng sống trong thời bình. Cũng chính vì thế, Sôlôkhôp đã thể hiện bức chân dung người lính Hồng quân thật toàn diện và tuyệt đẹp. Và cái hay, cái độc đáo là ở chỗ, câu chuyện được viết tiếp này cũng vẫn chưa phải là kết thúc cuối cùng. Hai cha con Xôlôcốp sẽ đi khắp nước Nga tới bao giờ? Câu hỏi để ngỏ cũng chính là sự khẳng định khát vọng kiếm tìm hạnh phúc của con người sẽ không bao giờ ngừng nghỉ dù cuộc đời có bất hạnh, sóng gió có vùi dập con người đến đâu. Niềm tin bất diệt của nhà văn vào con người đã thổi bừng lên sức sống mới trong hình tượng người lính Hồng quân.
Cốt truyện có nhiều nét vận động, Số phận con người đã khẳng định ý thức khai thác hiện thực ở tầng sâu cuả nó của Sôlôkhôp, ý thức sáng tạo của một nhà văn chân chính.
II.2.c. Điểm nhìn
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì điểm nhìn nghệ thuật là: “Vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ đổi thay điểm nhìn”.
Trong tác phẩm, điểm nhìn của tác giả (cụ thể là người kể chuyện) hoàn toàn trùng khớp với điểm nhìn của nhân vật chính Xô-cô-lốp.Suy nghĩ, nỗi lòng của Xô-cô-lốp cũng chính là của tác giả “Cái chính là ở đây phải biết kịp thời quay mặt đi. Cái chính là đừng làm tổn thương trái tim em bé, đừng để cho em nhìn thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bỏng lăn trên má anh”.
Điểm nhìn trần thuật ấy bộc lộ tấm lòng nhân hậu trìu mến của nhà văn đối với nhân vật nói riêng, đối với con người nói chung. Đồng thời đặt ra vấn đề cần có trách nhiệm quan tâm đối với số phận cá nhân, đặc biệt là đối với trẻ em là những nạn nhân của chiến tranh.
Có thể nói, Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm của văn học Việt Nam khai thác chiến tranh dưới góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Điểm nhìn trong tác phẩm này chính là ở nhân vật Kiên. Với điểm nhìn này sẽ tạo được cái nhìn khách quan, chính xác của một người lính – nhà văn đã từng sống và chiến đấu ở chiến trường. Nếu các tác phẩm ra đời trước Nỗi buồn chiến tranh được viết với góc độ của tập thể, cái riêng cũng đặt trong cái chung, hòa tan vào cái chung, ngùn ngụt ý chí cứu nước như Đất nước đứng lên, Người mẹ cầm súng... thì Bảo Ninh lại có cái nhìn sâu hơn về thân phận con người trải qua trận mạc, sự mất mát của các cá nhân trong thời chiến. Bảo Ninh thể hiện sự bi quan của cá nhân đối với cuộc chiến: Chiến tranh không chỉ có vinh quang, hay đấu tranh vì chính nghĩa - chiến tranh tóm gọn lại là sự chết chóc, sự hủy diệt. Và cho dù nhiều người trở về sau chiến tranh không hề bị thương tích song vết thương trong lòng họ lại vô cùng đau đớn và luôn rỉ máu. Họ, những con người đã đi qua chiến tranh, trở về với cuộc sống hòa bình nhưng dường như họ không còn là họ nữa. Chiến tranh đã lấy đi của họ sự bình yên trong tâm hồn…đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc. Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh trước nỗi đau mang tính phổ quát của những người lính ở mọi bên.
II.2.d. Nhân vật
Nhân vật là linh hồn của một tác phẩm văn học. Hình tượng người lính Hồng quân xuyên suốt trong tác phẩm của Sôlôkhôp. Và độc giả nhận thấy những nét tương đồng trong hình tượng nhân vật của nỗi buồn chiến tranh và Số phận con người.
Thứ nhất, dễ nhận thấy trong hệ thống nhân vật của hai tác phẩm trên là sự đối lập của hai tuyến nhân vật: Ở Số phận con người hình ảnh người lính Hồng quân dũng cảm, yêu nước, sống kiên cường với hình ảnh bọn phát xít tàn bạo, độc ác.Còn nỗi buồn chiến tranh là hình ảnh người lính chiến đấu với quân địch cụ thể ở đây là lính Mỹ và lính ngụy. Hệ thống nhân vật xoay quanh hai tuyến nhân vật đối lập: ta và địch và những người lính đã không thể chiến đấu đến cùng cho tới ngày thắng lợi.
Thứ hai, bên cạnh đó, hai nhân vật chính có sự tương đồng đến kì lạ về số phận.
+ Cuộc sống của họ trước khi tham gia chiến tranh: Về ngoại hình, cả hai người đều đặc trưng cho ngoại hình của những người lao động khỏe mạnh. Còn một điểm đặc biệt nữa đặc biệt nữa trong số phận của cả hai nhân vật là cảnh chia tay rất cảm động khi người lính ra mặt trận.
+ Trong chiến tranh, Kiên và Xôlôcốp, đều chịu cảnh tra tấn, cực khổ, chứng kiến nhiều cảnh đau lòng trong thời chiến. Chính điều đó đã làm xáo trộn đời sống tinh thần của họ, để lại trong lòng người lính những nỗi đau không lành, vẫn đang ứa máu.
Ở “Nỗi buồn chiến tranh”, tình yêu vượt lên trên mọi thù hằn và sự khắc nghiệt của chiến tranh. Bất chấp sự khắc nghiệt của cuộc chiến, Xôlôcốp và bé Vania, vẫn bên nhau trên con đường đi tìm hạnh phúc. Chiến đấu hy sinh và dũng cảm, hình ảnh Atôni – người con trai của Xôlôcốp như sự đối lập lại với kẻ thù tàn bạo.
Đồng thời, để tăng tính chân thực, nhà văn để nhân vật tự kể lại câu chuyện cuộc đời mình với sự hòa điệu nhịp nhàng hai giọng điệu người kể chuyện.
Cùng là hình tượng người lính nhưng “Số phận con người” năm 1956 là sự vận động trong phong cách nghệ thuật.
Trước hết, ở Số phận con người, nhân vật được đặt trong các tình huống tương phản nhiều hơn và đậm nét hơn. Nhà văn rất có ý thức khai thác tương phản để xây dựng và khắc họa nhân vật.
Nhân vật Kiên và Xôlôcốp cùng chịu mất mát đau thương và mang “tinh thần thép” trước sự tàn bạo của cuộc chiến. Nỗi đau mà Kiên chịu đựng là nỗi đau trong chiến tranh. Nhưng nỗi đau mà Xôlôcốp chịu đựng còn là nỗi đau thời hậu chiến. Con người ấy, mất gia đình, bị những cơn đau thể xác vò xé, bị vết thương tinh thần gặm nhấm từng ngày, đau thương chồng chất đau thương. Nhưng ở đó hình ảnh con người trong tư thế hiên ngang đối diện với hiện thực khốc liệt và khát vọng vươn lên tìm kiếm hạnh phúc càng nổi bật hơn. Tương phản đậm nét được sử dụng như một trong những thủ pháp quan trọng nhất để xây dựng và khắc họa nhân vật. Ngay trong từng chi tiết tưởng như nhỏ nhặt, như chi tiết người lính Hồng quân trong doanh trại Đức giết chết tên phản bội, tương phản cũng được khai thác triệt để. Ngoại hình của người lính Hồng quân gầy gò, xanh xao trong khi tên phản bội béo phị.
Nhà văn đi vào miêu tả những góc khuất trong tâm tư con người hơn là đi miêu tả nhiều về hiện thực chiến tranh tàn khốc với một tinh thần nhân đạo sâu sắc. Xôcôlôp là hiện thân của một thời đại “với ý nghĩa sâu sắc về triết học và thẩm mỹ, hình tượng Xôcôlôp trở thành biểu tượng cho số phận con người trong thế kỉ XX”.
II.2.e. Tư tưởng
Tác phẩm vừa tố cáo chiến tranh phát xít tàn bạo, vừa thể hiện sự cảm thông , yêu thương những số phận bất hạnh do chiến tranh gây ra; vừa biểu dương, ca ngợi tính cách kiên cường và nhân hậu,niềm tin vào cuộc sống của nhân dân Nga. Khám phá và ca ngợi tính cách Nga, đó là sự cứng rắn ý chí kiên cường có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và tâm hồn nhân hậu sâu sắc. Đồng thời thông qua tác phẩm, Sô-lô-khốp muốn nhắc nhở, kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội đối với cá nhân con người; khẳng định vai trò của nhân dân tạo nên lịch sử, song cũng nhấn mạnh lịch sử phải có trách nhiệm trước mỗi cá nhân.
Số phận con người của Sô-lô-khốp đã khiến ta suy nghĩ nhiều hơn đến số phận của từng con người cụ thể sau chiến tranh. Tác phẩm đã khẳng định một cách viết mới về chiến tranh: không né tránh mất mát, không say với chiến thắng mà biết cảm nhận chia sẻ những đau khổ tột cùng của con người sau chiến tranh. Từ đó mà tin yêu hơn đối với con người. Số phận con người khẳng định sức mạnh của lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, nghị lực con người. Tất cả những điều đó sẽ nâng đỡ con người vượt lên số phận.
Có thể nói Nỗi Buồn Chiến Tranh là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh và chống chiến tranh vì chiến tranh dưới những góc cạnh bi quan, tàn nhẫn nhất: qua kinh nghiệm mười năm tàn sát, con người học được những gì về lòng nhân ái? về tình người? về nhân tính? Những xa xỉ phẩm ấy, hầu hết đều đã vắng mặt trên thị trường xương máu. Khi phải trực diện với cái chết, chỉ có một chân lý đáng giá và đáng kể: "Miễn là không ngỏm trong mùa khô”. Bảo Ninh đã tìm được một định nghĩa hoang mang và khốc liệt về chiến tranh: "Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người."
II.2.f. Người kể chuyện
Người kể chuyện cũng là một phương diện quan trọng trong tác phẩm văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn. Người kể chuyện chính là cây cầu nối dẫn dắt người đọc đến với tác phẩm, vì vậy giữa người kể chuyện với người đọc bao giờ cũng có những mối quan hệ nhất định
Truyện “Số phận con người” được kết cấu theo lối truyện lồng trong truyện, người kể kể lại câu chuyện được nghe từ người khác.
Người kể chuyện thứ nhất là Xô-cô-lốp xưng “tôi”, tự kể lại câu chuyện của đời mình theo giọng điệu, suy nghĩ, tâm hồn của bản thân. Bởi vậy qua cách kể chuyện, tính cách, tâm hồn của Xô-cô-lốp hiện lên khá đầy đủ. Người đọc biết anh là người bộc trực, cởi mở, có tâm hồn đa cảm, vừa kiên cường, vừa nhân hậu.
Người kể chuyện thứ hai cũng xưng “tôi”. Bạn đọc không biết nhiều về ngoại hình, tính cách của anh. Nhưng qua giọng điệu, một vài cử chỉ đối với Xô-cô-lốp, ta cũng hiểu phần nào tình cảm, thái độ của nhân vật. Anh là người từng trải, giàu tình cảm, dễ xúc động, chân thành bày tỏ mối thiện cảm đối với Xô-cô-lốp.
Người kể chuyện trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” là ở ngôi thứ ba. Người kể chuyện này đứng ở ngoài và là người kể chuyện toàn năng biết hết tất cả các sự việc và kể lại câu chuyện mà mình đã chứng kiến. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh ngả sang một cách viết khác. Trong cuốn tiểu thuyết này, người ta có dịp bắt gặp toàn bộ chiến tranh - một cuộc chiến tranh với đủ những địa điểm và những khoảnh khắc tiêu biểu từ ngày đầu đến ngày cuối (không khí Hà Nội khi thành phố bắt đầu tiễn con em ra chiến trường; những chặng đường từ hậu phương tới mặt trận; những ngày sau tết Mậu Thân; giải phóng Sài Gòn…). Song tất cả đều thông qua ý thức của nhân vật Kiên chứ không phải miêu tả trực tiếp. Tức là ở đây, chiến tranh chỉ được thể hiện qua một con người, tác phẩm từ đầu đến cuối men theo những ý nghĩ của nhân vật, dày đặc vui buồn, hối hận, trăn trở, bất lực của anh ta. Trùm lên tất cả chỉ có một đường dây là từng trải của Kiên, mạch suy nghĩ của Kiên, và bao quát hơn là số phận của Kiên. Thật khó đẩy tác phẩm vào trong vòng tay của những khái niệm như “bức tranh toàn cảnh”, hoặc “một thiên sử thi hoành tráng” mà chúng ta quen nghĩ.
II.2.g. Giọng điệu
Cả hai tác phẩm đều tồn tại một giọng điệu chung đó là giọng trải nghiệm, suy ngẫm với tư cách là những người đã từng một thời tưởng chùng như cái chết đã gần kề, đã nếm mật nằm gai trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách nhưng họ vẫn tồn tại, vẫn sống đến ngày hòa bình.
Giọng xót xa, thương cảm xuất hiện khá đậm đặc trong tác phẩm. Nhà văn Sô-lô-khôp thường di chuyển, mở rộng điểm nhìn để bày tỏ quan niệm, thái độ của mình. Lời nửa trực tiếp và điểm nhìn bên trong trở thành phương tiện hữu hiệu để chuyển tải giọng điệu này. Nhà văn thể hiện thái độ thông cảm, xót xa trước những số phận éo le và trước những bi kịch mà sau chiến tranh người ta mới cảm nhận thấm thía về nỗi đau của những con người thời hậu chiến.
Bằng giọng văn tâm tình, xót thương trôi chảy, đầy cảm xúc, day dứt và vô cùng cảm động ở những tình tiết nổi trội, Bảo Ninh đã không còn nhìn về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ giới hạn trong góc nhìn của một người lính Bắc Việt nói riêng hay một người Việt Nam nói chung mà ông chọn cho mình một góc nhìn cơ bản nhất cũng là cao nhất: góc nhìn của một con người. Chính ông đã viết trong kiệt tác của mình :
“…Tên tuổi anh ta tôi không biết, chỉ biết anh ta là lính của liên đoàn 6 biệt động quân; Người Nam hay Bắc hay Trung cũng chả biết vì anh ta chỉ rên, rên thì dân xứ nào cũng một giọng như nhau. Và ta hay ngụy thì cũng rên như vậy…”.
Nhịp điệu chậm rãi, thong thả của câu văn thể hiện rõ nét chức năng tâm tình thống thiết của nó. Sự có mặt của giọng điệu này ít nhất đạt hai hiệu quả thẩm mỹ: một là tái hiện một cách chân thật không khí bi tráng của thời đại; hai là đánh vào nhân tâm của người đọc, khiến cho họ nhận thấy được chiều sâu và vẻ đẹp của cuộc kháng chiến. Tất cả những điều này chúng ta đã thấy rõ qua hai đoạn văn minh hoạ vừa dẫn.
Giọng điệu chính là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lơi văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm,cách cảm thụ xa gần”…Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc
Mặt khác, truyện xuất phát từ điểm nhìn bên trong nhân vật. Tác giả để cho nhân vật kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Cách làm đó vừa làm tăng tính chân thực cho tác phẩm vì nhân vật cũng chính là một “nhân chứng sống” kể lại cuộc đời mình; vừa tạo cơ hội để nhân vật tự bộc lộ thái độ, tình cảm cuả mình. Lời hai người kể chuyện có đoạn tách nhau, có đoạn lồng vào nhau. Sự xen kẽ này vừa làm cho tâm trạng nhân vật bộc lộ khách quan, chân thực, lại vừa được lý giải sáng tỏ. Nhiều đoạn, người kể chuyện trực tiếp bình luận.
Vì đóng vai trò là người nghe chuyện nên những câu bình luận ấy vang lên không hề tạo cảm giác gượng gạo mà trái lại nó rất tự nhiên, rất đúng với người tâm trạng của một người nghe.
Những điều đó, sẽ cho người đọc thấy được giọng điệu trong tác phẩm.
Xuyên suốt trong hai tác phẩm là giọng điệu mang âm hưởng sâu lắng, đầy chất trữ tình.
Giọng điệu xót xa trước hiện thực chiến tranh tàn khốc: “ Trong chiến tranh, cây cối cũng như con người, mỗi cây có một số phận riêng. Tôi đã nhìn thấy một mảnh rừng lớn bị lửa đạn đại bác của ta thiêu trụi”, “Những làng xóm bị đốt trụi hoàn toàn, hàng trăm đàn bà, trẻ em, người già bị bắn chết, những chiếc thây bất thành nhân dạng của các chiến sĩ hồng quân bị bắt giam làm tù binh, những phụ nữ, thiếu nữ, em gái nhỏ bị chúng hãm hiếp và giết hại một cách dã man", “Chúng đánh mình vì mình là người Nga, vì mình còn nhìn được ánh mặt trời, vì mình phải làm việc cho chúng, những thằng khốn nạn”. Giọng điệu xót xa ngân vang trong tác phẩm, hai người kể chuyện có khi lồng vào nhau, có khi lại tách nhau dể bình luận về cuộc chiến. Vì thế, chiến tranh với sự tàn bạo của bọn phát xít dược bình luận ,nhìn nhận qua nhiều góc độ.
Giọng điệu đồng cảm và thấu hiểu trước nỗi đau mà những người lính như Kiên và Xôcôlôp đã phải chịu đựng.
Giọng điệu cảm phục, ngợi ca mà rõ nét nhất chính là thái độ cảm phục của nhân vật “Tôi” đóng vai trò là người nghe với các nhân vật chính trong các câu chuyện. “Con người này đã bị bao nhiêu thiếu thốn dày vò, nhưng vẫn khỏe mạnh, tráng kiện như một cây sồi. Mái tóc bạc vốn là kết quả của những nỗi đau khổ khôn cùng ấy nom trong trắng đến nỗi một sợi tơ nhện trắng vương trên chiếc mũ calô của anh, khi buông thái dương liền biến ngay mất, và tôi cố nhìn mãi mà không tài nào nhìn thấy được”. “Hai cha con người cô đơn như hai hạt cát bị sức mạnh phũ phàng trước cơn giông tố chiến tranh thổi bạt tới những chân trời xa lạ…số phận của họ sẽ ra sao?Tôi nghĩ rằng con người Nga đó, con người có một ý chí bất khuất sẽ đứng vững trước mọi thử thách. Và cháu bé ấy sống bên bố, khi lớn lên sẽ chịu đựng được mọi thử thách, vượt qua mọi khó khăn trên đường đời
Bên cạnh nét thống nhất về giọng điệu, giọng điệu hai truyện ngắn cũng có những nét riêng thể hiện sự vận động trong phong cách của Sôlôkhôp,và Bảo Ninh
Giọng điệu của người lính nỗi buồn chiến tranh là giọng điệu của con người bị chiến tranh làm cho đau đớn về thể xác và ăn mòn về tinh thần khiến trái tim anh trở nên nhức nhối. Giọng điệu của anh thể hiện sự căm thù tột cùng tội ác của kẻ thù đã gây ra trên quê hương mình.
Giọng điệu trong Số phận con người vẫn là giọng điệu căm thù ấy nhưng còn vang lên giọng điệu yêu thương, giọng điệu khoan dung của người lính Xôcôlôp. Đó là giọng điệu của người lính nhiều trải nghiệm đã nếm đủ mọi cực hình trong chiến tranh và bây giờ đang kiên cường để sống tiếp.
Giọng điệu của anh có đôi chỗ bình thản trước khó khăn của hiện tại vì không còn đau khổ nào anh chưa trải qua “Nỗi buồn không cho phép tôi ở một chỗ. Có lẽ khi nào Vania của tôi lớn lên, cho vào trường, lúc đó tôi mới sống yên một chỗ được. Bây giờ thì hãy cùng nó ngao du khắp đất Nga này đã”. Nhưng đậm nét nhất vẫn là giọng điệu yêu thương, nhân hậu của một người lính Hồng quân. Rõ nét hơn cả là những trang viết đầy thương yêu khi Xôcôlôp ở cùng với cháu Vania: “Ngủ với nó thực không yên, nhưng rồi quen đi, nếu không có nó thôi cảm thấy buồn. Đêm tôi nhìn nó ngủ, hôn lên mái tóc của nó, lòng tôi thấy nhẹ nhàng vì trái tim của tôi đã cứng như đá vì đau khổ…”.
Nói tóm lại, cùng với đề tài, cốt truyện, nhân vật thì giọng điệu trong hai tác phẩm thể hiện sự vận động ở hai thời điểm khác nhau. Tất cả thống nhất để thể hiện cách cảm nhận về cuộc đời, về chiến tranh một cách toàn diện, trải nghiệm sâu sắc hơn của nhà văn Số phận con ngườ ivà nỗi buồn chiến tranh.
Nỗi buồn chiến tranh chủ yếu xoay quanh cuộc đời Kiên. Kiên là một thanh niên Hà Nội giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, nhưng lại sống nặng về khuôn phép. Mười bảy tuổi, Kiên tham gia bộ đội. Sau mười năm tham gia chiến tranh Kiên đã nhận biết được thế nào là sự khốc liệt của chiến tranh, Kiên đã chứng kiến được một số phận nhỏ nhoi của người lính trong trong cuộc chiến tranh. Đối với Kiên, chiến tranh như là trò đùa trên sinh mạng con người. Trong mười năm đó, Kiên đã nhận ra được thế nào là vô nghĩa của chiến tranh, thế nào là nỗi cô đơn. Có những lúc Kiên muốn được chết cho xong cuộc đời mình “anh chỉ muốn được yên thân, chết một cách yên thân, yên với thân phận con sâu cái kiến của chiến tranh”. Sau mười năm chiến tranh thì cuối cùng ngày hòa bình cũng đến, nhưng đối với Kiên nó không còn ý nghĩa nữa. Anh không thể anh nhàn hưởng trọn cuộc sống thời bình khi những quá khứ đau thương cứ cư luôn hiện lên trong kí ức anh. Hình ảnh người lính ở đây đã ddwwocj nhìn dưới góc nhìn phi truyền thống,họ không còn được nhìn voiiws vẻ hào hoa, lãng mạn, anh dũng mà được nhìn nhận như là những nạn nhân của chiến tranh với tất cả những cái khắc nghiệt: cái đói, cái rét, cái chết, và tất cả những thếu thốn: thiếu thốn về vật chất, về tinh thần,…Từ đó Bảo Ninh đưa ra định nghĩa mới về người lính: lính không có quyền lựa chọn số phận của mình; lính nghĩa là gặp đâu hay hay đấy ngẫu nhiên thất thường trôi nổi theo sự đưa đẩy của hoàn cảnh và không bao giờ dám đặt câu hỏi tại sao mình lại như thế này mà không như thế khác; lính nhiều khi đồng nghĩa với bất lực, vô vọng… Chưa bao giờ trong văn học Việt Nam hình ảnh người lính lại được nhìn như thế. Họ không còn là những hình ảnh anh hùng, phi thường như trước mà hiện lên vói tất cả nhỏ bé, những khát vọng của cuộc sống đời thường. Họ vượt qua sự nhàm chán bằng những cuộc bài bạc thâu đêm suốt sáng họ vượt qua hiện thực đau thương của chiến tranh bằng khói hồng ma. Cừ thì mơ về ngày sum họp, đoàn tụ, còn Vĩnh thì chỉ rặt mơ thấy đàn bà, còn Tạo Voi thì lại mơ sự ăn uống. Mỗi người một giấc mơ để quên quên đi hiện thực u tối của đời mình, những giấc mơ thể hiện những nhu cầu, những đời sống bình thường nhất của con người. Nhưng đối với những con người trong những năm chiến tranh thì những cái bình thường đó lại trở nên quá xa vời đối với họ. Hiện thực tàn khốc của chiến tranh cũng đã làm cho lí tưởng của những người lính, lòng nhân ái của những người lính đứng trước những thử thách khủng khiếp. Trong tâm hồn của những người lính đều có những cuộc chiến tranh của riêng mình, nó vừa hào hùng vĩ đại, vừa u tối ảm đạm. Bảo Ninh không né tránh những vấn đề thuộc về vùng cấm của văn học những năm chiến tranh. Hiện thực chiến tranh nhiều khi đã làm suy sụp hoàn toàn tinh thần, lí tưởng của người lính. Họ không còn xem cuộc chiến tranh này là cao quý, Can sẵn sàng bất chấp tất cả để được một tuần ở ngoài Bắc. Đối với Can và ngay cả đối với Kiên cuộc chiến tranh này không có ý nghĩa gì hết. “ Thắng hay thua, kết thúc mau hay hay kết thúc chậm, với tôi chẳng có nghĩa lí gì nữa”. Cuộc đời của họ là là cuộc đời triền miên trong những trận đánh nhau mà không biết ngày nào kết thúc. Họ không còn xem hành động của mình là cao cả, là vinh quang nữa. Họ còn chiến đấu có lẽ có lẽ vì không còn con đường nào khác để đi hoặc là vì không thể nào rời bỏ khỏi với những trò gọi là chiến tranh ấy.
Nỗi buồn chiến tranh còn cho chúng ta một cái nhìn khác về người lính trong thời bình. Tưởng như hòa bình sẽ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho những người lính từng tham gia chiến tranh. Nhưng không, với những người như Kiên hòa bình không có ý nghĩa gì hết. Cuộc chiến tranh của cả dân tộc đã kết thúc, nhưng đối với Kiên vẫn còn nguyên vẹn cuộc chiến tranh của riêng anh. Sau những năm tháng ác liệt của chiến tranh, đáng lẽ Kiên phải được hưởng một cuộc sống hòa bình trọn vẹn, nhưng khi hòa bình đến cũng là lúc Kiên đánh mất những gì cao đẹp nhất. Tuổi trẻ, tình yêu đã bị chiến tranh nghiền nát, ngay cả cuộc sống bình thường như mọi người Kiên cũng không thể có, “ những thằng lính chiến đấu như ông ấy mà ông kiên, chả trở lại thành người bình thường được nữa đâu”. Kiên luôn ám ảnh về cuộc chiến đấu đã qua, lúc nào những cái chết của đồng đội, những cảnh rùng rợn của chiến tranh cũng hiện về trong anh : “ Biết bao kỉ niệm bi thảm, bao nhiêu là nỗi đau mà từ lâu là lòng đã nhủ lòng là phải cố gắng cho qua đi, rốt cuộc đều dễ dàng bị lay thức…”. Bảo Ninh đã cho thấy người lính sau chiến tranh không thể hòa nhập được với cuộc sông đời thường. Khi hòa bình, anh nhận ra tâm tưởng mình đã vĩnh viễn nằm lại trong quá khứ đã qua, thứ đang sống chỉ còn là thân xác mà thôi.
III. Kết luận
Như vậy, những điểm giống nhau và khác nhau về nội dung và hình thức của “Số phận con người” và “ Nỗi buồn chiến tranh” đã cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây, đặc biệt là văn học Nga đối với văn học Việt Nam. Sô-lô-khốp viết “Số phận con người” để mang yêu thương cứu khổ và xoa dịu nỗi đau của những người bất hạnh sau chiến tranh. Và sứ mệnh ấy, không chỉ là sứ mệnh của riêng V.Huygo những nhà văn Nga đương thời mà còn là sứ mệnh chung cho những người cầm bút. Và Bảo Ninh cũng cùng trong một tư tưởng đó
Việc so sánh hai tác phẩm không phải để đề cao hay đánh giá thấp tác phẩm nào mà là để khẳng định giá trị riêng của nó trong bối cảnh xã hội khác nhau của hai nền văn hóa khác nhau mà ở đây là Nga và Việt Nam.
Thông qua 2 tác phẩm ta có thể hiểu hơn về thưc chất của chiến tranh. Tác giả không miêu tả từng diến biến, sự kiện của cuộc chiến mà qua hồi ức của nhân vật ta có thể thấy được những số phận cô đơn, những nỗi buồn về chiến tranh, về tình yêu một thời đã qua không bao giờ trở lại. Chúng ta có thể hiểu con người đau khổ, trăn trở, nhận thức như thế nào về quá khứ, về chiến tranh về tình yêu, về những gì được mất trong cuộc đời. Đó chính là bi kịch tinh thần, không chỉ riêng Kiên, riêng Phương mà là của những ai từng đối mặt với chiến tranh. Tất cả những điều này làm nên giá trị hiện thực cho tác phẩm. Cái mới của tác giả là qua Nỗi buồn chiến tranh đã thấy bức chân dung về con người trong văn học đầy đủ hơn.
Tuy nói về khía cạnh đau thương của chiến tranh nhưng hai tác phẩm không gợi lên cảm giác tuyệt vọng chán chường mà đằng sau những thảm cảnh của chiến tranh là tiếng nói phản kháng chiến tranh một cách mạnh mẽ. Đằng sau những đau thương mất mát của những con người là những giá trị nhân văn cao đẹp của con người.
Nhóm tác giả
Thanh Mai - Thị Mai
Lớp Cao học Văn 16
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét