Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

SỰ HƯ CẤU, SÁNG TẠO CỦA VĂN HỌC TRUNG ĐẠI (Học viên Nguyễn Thế Thạnh)



I. THẾ NÀO LÀ HƯ CẤU, SÁNG TẠO ?

1.1 Giai đoạn 1: Hư cấu và sáng tạo không tự giác trong thơ1. Hư cấu: “Tạo ra theo sự tưởng tượng nhằm phục vụ mục đích nghệ thuật của tác phẩm” (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1996)

2. Sáng tạo: “Tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần; Tìm ra cái mới, cách giải quyết mới, không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có” (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1996)

Sáng tạo trong tác phẩm văn học là tạo ra cái mới về hình tượng, ngôn từ, lời kể, lời thoại, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu…

Như vậy, hư cấu nghệ thuật là bước ban đầu của sự sáng tạo nghệ thuật, là một yếu tố không thể thiếu của sáng tạo nghệ thuật. Văn học nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống nhưng không sao chép nguyên nó. Từ những chất liệu thực tế, nghệ sĩ tổ chức, nhào nặn, sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật sinh động, rõ nét và điển hình hơn, tùy thuộc chủ đề của tác phẩm. 

II. KHÁI LƯỢC VỀ HƯ CẤU VÀ SÁNG TẠO TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM

1. Văn học Việt Nam được hình thành từ hai bộ phận Văn học dân gian và Văn học Viết. Văn học dân gian là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc. Khi chưa có chữ viết, nền văn học dân tộc chỉ có văn học dân gian. Nhưng từ buổi ban đầu của nền văn học Việt Nam này đã tạo ra những tác phẩm văn học thật sự có giá trị. Gía trị đó có được một phần cũng nhờ vào sự hư cấu và sáng tạo của các tác giả văn học dân gian. Nếu không có hư cấu và sáng tạo thì làm sao có các vị thần trong các tác phẩm thần thoại; các sự kiện, nhân vật lịch sử đẹp, hùng tráng trong truyền thuyết để lưu truyền đến ngày nay; Các hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng trong sử thi. Không có hư cấu và sáng tạo thì làm sao có được những câu chuyện cổ tích đậm chất nhân văn; làm sao có những câu chuyện ngụ ngôn, truyện cười để răn dạy cho con người sống sao cho tốt hơn…Cũng nhờ sự hư cấu mà bút pháp lí tưởng hóa, ngôn ngữ có vần có nhịp, kết cấu tác phẩm chặt chẽ, tác phẩm giàu chất trữ tình được sử dụng một cách sáng tạo, để lại dấu ấn đậm nét…Như vậy, sự hư cấu và sáng tạo đã có cội rễ từ buổi đầu sơ khai của nền văn học dân tộc

2. Từ thành tựu của văn học dân gian, Văn học viết tiếp tục kế thừa và phát huy lên đến đỉnh cao. 

Trong văn học viết trung đại có những tác phẩm để lại thành tựu rực rõ. Về thơ không thể không kể đến những tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương…. Về truyện thơ không thể không nhắc đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…. Về truyện văn xuôi không thể không nhắc đến Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Thánh Tông di thảo được nhận định là của Lê Thánh Tông…Văn học trung đại có được những thành tựu rực rỡ như thế một phần cũng nhờ vào sự hư cấu và sáng tạo của các tác giả thời kì này

Trong Văn học viết Việt Nam hiện đại lại tiếp tục kế thừa thành quả của văn học dân gian, văn học trung đại và phát huy mạnh mẽ sự hự cấu, sáng tạo để tạo nên những tác phẩm là những mốc son chói lọi trong nền văn học dân tộc. Có thể kể đến Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Thiên sứ của Phạm Thị Hoài … Việt Bắc của Tố Hữu, Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm…

Tóm lại, hư cấu và sáng tạo là không thể thiếu trong tác phẩm văn học nói riêng và trong sáng tác nghệ thuật nói chung. Nhưng ở mỗi thời kì, mỗi giai đoạn của nền văn học dân tộc thì sự hư cấu, sáng tạo có những nét riêng

III. HƯ CẤU VÀ SÁNG TẠO TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

Nhà văn Nam Cao đã từng khẳng định tầm quan trọng đối với một tác phẩm văn học: Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có. Quan điểm của Nam cao về sự sáng tạo trong văn học, một lần nữa đã khẳng định vai trò của sự sáng tạo trong sáng tác văn học. Tuy nhiên, sự hư cấu và sáng tạo trong tác phẩm văn học ở mỗi thời kì có sự khác nhau. Ngay trong mỗi thời kì văn học thì hư cấu và sáng tạo cũng có các giai đoạn phát triển khác nhau. Những biểu hiện đó thể hiện rõ nhất ở Văn học trung đại Việt Nam

Hư cấu và sáng tạo trong văn học trung đại Việt Nam không đồng nhất mà ở từng giai đoạn, ở từng thể loại lại có những đặc điểm riêng

1. Hư cấu và sáng tạo trong thơ trung đại

Việc sáng tạo không tư giác thể hiện rõ nhất ở thơ Lý- Trần

1.1.1 Do quan niệm thơ tỏ lòng (ngôn chí) cho nên các nhà thơ chỉ lấy việc tỏ lòng làm chính. Các nhà thơ trung đại hết sức đề cao cái thực, cái trung hậu, xem cái đẹp, cái điểm tô là cái phụ, cái thêm vào. Chẳng hạn, Nguyễn Cư Trinh viết: Người làm thơ không ngoài lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị. Còn việc điểm tô cho đẹp đẽ, trau dồi cho khéo léo lạ lùng…chỉ nên coi là việc thừa của năm mối. 

Tách bạch trung hậu, giản dị của năm mối ngũ thường khỏi việc tô điểm cho đẹp và khéo léo, lạ lùng, cũng tức là hạn chế bớt phần tưởng tượng bay bổng của thơ. Ngô Thì Nhậm nói: Người làm văn quý ở mực thước, thanh nhã, hồn nhiên, biết lấy cái thực làm cốt từ, rồi dùng đẹp để trang sức thêm, làm thơ cũng phải như thế

Nói như thế không phải là Văn học trung đại ít hư cấu. Những cảnh du tiên, thả hồn trong cảnh mộng, tư duy trong biểu tượng cũng là hư cấu. Thực ra họ thể hiện tình thật trong cảnh hư cấu ở một trình độ chưa được tự giác đầy đủ.

Trong tác phẩm “Thiền uyển tập anh” (lựa chọn những bậc anh tú trong vườn Thiền) cho biết nhà sư Vạn Hạnh đêm ngồi nhập định nghe thấy ở mộ Đại Vương Hiển Khánh (thân phụ Lý Công Uẩn) có tiếng ngâm thơ. Nhà sư cho chép lại bốn bài, ca ngợi đất quê Lý Thái Tổ. Hiện tượng thần nhân làm thơ được ghi chép khá nhiều ở thời Lý- Trần, như nhà sư Đa Bảo triệu thần nhân lên đọc bài Đại đức trong “Việt điện u linh”. Trong “Việt điện u linh” chép việc từ đền Trương Hống, Trương Hát vọng ra bài thơ “Nam quốc sơn hà” mà nay người ta suy là của Lí Thường Kiệt. Trong “Lĩnh Nam chích quái lục” thì bài thơ ấy lại đặt vào đời vua Lê Đại Hành, trước thời Lý. Hiện tượng này chứng tỏ con người đã sáng tác thơ và quy cho thần, phú cho thơ thần tính. Phải hiểu nhân vật trữ tình của bài thơ là thần thì mới cảm nhận đươc sức mạnh lịch sử của nó. Như vậy là thơ đã hư cấu không tự giác. Bởi nếu giả mạo là thần thì đó là hành động dối trá, báng bổ, khó chó thể chấp nhận với đương thời. Song thần nhập vào mình để mình nói lên lời thần lại là điều thường thấy cả cho đến ngày nay theo niềm tin truyền thống.

1.1.2 Ở thơ thiền, nhà thơ thường viết với tư cách người ngộ đạo, làm thơ để biểu hiện thiền lí, thiền thú và thiền cảnh. Các nhà thơ thiền thường làm thơ kệ khi giảng đạo, khi sắp tịch, khi bắt gặp thiền thú. Họ là kẻ đưa tin về cõi thiền. Sáng tạo thơ của họ đồng nhất với hành vi ngộ đạo trong thực tế của tác giả, và điều này tương tự như thể nghiệm thơ, nâng cảm xúc kinh nghiệm lên tầm thể nghiệm tâm linh. Do sáng tạo thơ thiền là sáng tạo của người ngộ đạo, cho nên đó không phải là hư cấu thơ thuần túy nghệ thuật, mà trước hết hàm chứa thiền lí và thiền thú của người tự phát hiện

1.2 Giai đoạn 2: Hư cấu và sáng tạo tự giác hình ảnh cho thơ

Sự sáng tạo tự giác hình ảnh thơ thể hiện rõ ở các sáng tác của các nhà Nho

Văn học Nho giáo không khuyến khích hư cấu, tưởng tượng, không nói chuyện quái lạ thần ma vốn không thuận lợi cho sự phát triển của văn học. Nhà thơ nho gia Việt Nam làm thơ ngôn chí không bao giờ biểu hiện một tình cảm nào khác với tình cảm thật, thân phận thật của mình. Chín mươi chín bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, 254 bài thơ Nôm của ông đều là tâm sự của bản thân nhà thơ. Các nhan đề thơ chữ Hán đều nói lên tình huống, thời điểm có thật khi làm bài thơ như: Sau loạn đến Côn Sơn cảm tác, Đêm đậu thuyền ở Lâm Cảng, Xem duyệt thủy trận…Việc sáng tạo của tác giả là tạo ra ý cảnh khêu gợi cảm xúc. Ví như mấy bài thơ Bến đò xuân đầu trại, Cuối xuân tức sự..

Bến đò xuân đầu trại
Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
Quanh quẽ đường đông thưa vắng khách
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi.

(Khương Hữu Dụng dịch)

Trong bài thơ, Nguyễn Trãi đã tạo nên những hình ảnh thiên nhiên và sự sống tĩnh lặng, đẹp và hài hòa: Cỏ xanh như khói, mưa xuân nước vỗ trời, đường đông thưa vắng khách, con đò gối bãi. Cảnh người thì tỉnh lặng, không hoạt động nhưng cảnh thiên nhiên hiện lên với tất cả sức sống của nó. Cỏ xanh như khói là một màu xanh động đầy sức sống. Như khói là màu xanh lọc qua làn mưa xuân. Nước vỗ trời vì mặt nước rộng tiếp giáp với chân trời trong màn mưa.. Sự sáng tạo những hình ảnh như thế tạo nên sắc đẹp cho thơ và để gửi gắm tâm hồn hòa điệu với thiên nhiên, sự thư thái của tâm hồn, cũng để thể hiện triết lí của đạo Nho.

Ở đây với kinh nghiệm thi ca cổ điển Trung Quốc, nhà thơ Việt Nam đã biết sáng tạo tự giác hình ảnh thơ. Sáng tạo thơ trung đại tuân theo mấy hình thức cảm vật, hứng, kí thác, ngụ ý, chủ yếu là mượn vật, mượn cảnh để nói ý, nói tình. Điều chủ yếu là phải có ý mới, phát hiện ý mới trong thi liệu cũ. Đó là sáng tạo hình ảnh thơ.

1.3 Giai đoạn 3: Hư cấu và sáng tạo một cách tự giác, là ý thức của người cầm bút

Việc ý thức về sự hư cấu, sáng tạo trong thơ thể hiện rõ ở giai đoạn văn học là từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX. Đây là giai đoạn người ta dựa vào kinh nghiệm, cảm thụ và tri thức về đời sống để tạo ra một thế giới sống trong nghệ thuật. Đây cũng là giai đoạn ý thức nhân văn phát triển, nhà thơ thấy được tính phổ biến của số phận con người, sự sáng tạo càng được mở rộng.

Với việc xuất hiện của “Chinh phụ ngâm” và “Cung oán ngâm khúc” vào khoảng nửa đầu và nửa cuối thế kỉ XVIII, những khúc ngâm dài đầy tính sáng tạo càng khẳng định cho ý thức hư cấu, sáng tạo của tác giả thời ấy. Hình tượng chinh phụ, cung nữ, tuy là có sử dụng chất liệu trong thơ nhạc phủ, thơ Đường- Tống để tạo nên nhưng là những hình tượng được sáng tạo mới hoàn toàn trên cơ sở những sự việc, kinh nghiệm và tâm trạng của thời đại, gần như là sản phẩm của hư cấu nghệ thuật thuần túy. 

Như vậy, sự hư cấu và sáng tạo trong văn học trung đại trải qua ba giai đoan. Và qua mỗi giai đoạn thì đã tiến gần đến sự hư cấu nghệ thuật. 

2. Hư cấu và sáng tạo trong truyện trung đại

2.1 Hư cấu và sáng tạo trong truyện thơ Nôm trung đại

Thê loại truyện thơ xuất hiện nhiều trong văn học dân gian. Còn trong văn học viết phải đến thế kỉ XVIII thể loại này mới phát triển mạnh và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Trong truyện thơ Việt Nam thế kỉ XVIII- hết XIX thường viết bằng chữ Nôm. Trong thể loại tự sự bằng thơ này, yếu tố hư cấu và sáng tạo cũng được vận dụng nhưng vận dụng ở các mức độ nhiều ít khác nhau.

2.1.1 Giai đoạn 1: Sự sáng tạo dựa trên cốt truyện cũ

Trong truyện thơ Nôm Việt Nam thế kỉ XVIII đến hết XIX, sự sáng tạo dựa trên các cốt truyện đã có đóng vai trò chủ yếu. Từ các tiểu thuyết, câu chuyện dân gian trước đó, các tác giả đã biến cải nó thành văn vần và có những sáng tạo cho hợp lí, hiệu quả.

2.1.1.1. Sáng tạo theo tính chất diễn ca, sáng tạo lời kể, lời miêu tả dựa trên cốt truyện đã có

Những tác phẩm ra đời từ đầu đến nửa thế kỉ XVIII chủ yếu được sáng tạo theo hướng này

“Truyện song tinh” của Nguyễn Hữu Hào ra đời vào đầu thế kỉ XVIII là truyện diễn Nôm một tiểu thuyết tài tử giai nhân của Trung Quốc là “Định tình nhân” gồm 16 hồi. Biện pháp của tác giả là rút gọn lại. Tác giả rút gọn một số hồi trong tiểu thuyết này để phù hợp với thể loại truyện thơ, và sáng tạo lại lời kể, thay đổi nội dung mấy bài văn trong truyện. Đáng chú ý là tác giả chú trọng miêu tả các thời điểm và thời gian trong truyện và lời văn thì giàu chất chơi chữ, bông đùa hóm hỉnh, nó chứng tỏ sự giao lưu giữa người kể và nhân vật.

“Truyện hoa tiên” của Nguyễn Huy Tự soạn vào giữa thế kỉ XVIII trên cơ sở tiểu thuyết đời Minh có tên là “Hoa Tiên kí” và tiểu thuyết thuyết xướng ở Quảng Đông cũng gọi là “Hoa tiên kí” . Nguyễn Huy Tự hầu như là “chuyển thể một cách trung thành” nguyễn tác, tình tiết hai truyện dường như chẳng khác gì nhau, chỉ sửa đổi một vài chi tiết. Tuy nhiên, Nguyễn Huy Tự không phải dịch thẳng hay dịch ý, mà dựa vào truyện Hán để kể lại, tả lại, tỉa bớt các chi tiết vụn vặt.

Với hai truyện trên, ta có thể nói đến một loại sáng tác mang tính diễn ca, sáng tạo lời kể, lời miểu tả là chủ yếu

2.1.1.2 Sự sáng tạo mới dựa trên cốt truyện cũ

Ở sự sáng tạo này, các tác giả sáng tạo mới dường như hoàn toàn so với cốt truyện cũ. Đó là sự đổi mới về chủ đề tác phẩm, thay đổi trọng tâm hình tượng, đậm tô nỗi khổ nhục của nhân vật, chú ý vào diễn biến tâm lí nhân vật, xây dựng hình tượng người kể chuyện…

Sự sáng tạo này thể hiện qua “ Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đây có thể coi là trường hợp sáng tạo mới trên cơ sở cốt truyện của tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyên” của Thanh Tâm tài nhân. Mộng Liên Đường chủ nhân viết tựa cho “Đoạn trường tân thanh” đã viết: Ta lúc nhân đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như Tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy. Đó là lời nhận định về sự sáng tạo của Nguyễn Du trong tác phẩm.

Nguyễn Du đã đổi mới chủ đề “Truyện Kiều” từ “Tài mệnh tương đố” sang “Thân mệnh tương đố”, từ “tình và khổ” sang tiếng đoạn trường của số phận oan khổ, từ cảm hứng về những việc “bất hủ để được lưu danh” sang tiếng thương, tiếng khóc cho con người, làm cho âm hưởng tác phẩm sâu lắng hơn, vang vọng hơn. Nguyễn Du trên cái nền cốt truyện đã có đã làm thay đổi trọng tâm của hình tượng. Ông không giản đơn là tước bỏ các chi tiết một cách tàn nhẫn, sắp xếp các tình tiết cho hợp lí, mà tận dụng mọi cơ hội để tô đậm nỗi đau của con người. Nguyễn Du còn tưởng tượng lại câu chuyện và tình huống chuyện theo một điểm mới và thay đổi điểm nhìn trần thuật. Ông trần thuật theo điểm nhìn nhân vật, chủ yếu là nhân vật Thúy Kiều. Cách thay đổi điểm nhìn đó đem lại góc nhìn tâm lí, miêu tả tâm lí trong tác phẩm. Cùng với nội dung ấy, Nguyễn Du đưa và tác phẩm một hình tượng người kể chuyện lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ với nhân vật trong mọi niềm vui nỗi hận

Cơ sở của sự sáng tạo là Nguyễn Du có một quan niệm mới về con người. Ông nhìn con người theo quan niệm bình đẳng nhân bản

Như vậy, “Truyện Kiều” thể hiện cao nhất cho ý thức sáng tạo lại trên cái nền một truyện có sẵn, từ quan niệm con người đến điểm nhìn nhân vật, đổi thay điểm nhìn, cảm hứng trần thuật. Đó là sự thăng hoa, lột xác của tác giả.

2.1.2 Giai đoạn 2: Sự sáng tạo dựa trên cốt truyên cũ nhưng xen vào yếu tố tự truyện

Ở kiểu sáng tạo này, các tác giả cũng dựa trên cốt truyện đã có từ tiểu thuyết, cốt truyện dân gian. Nhưng điểm mới là các tác giả đã lồng ghép vào đó yếu tố tự truyện, tức là có những phần tác giả nói chuyện của mình. Đây cũng là điểm sáng tạo trong thể loại truyện thơ trung đại

Tác phẩm “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, Tác giả đã sử dụng cốt truyện của tiểu thuyết “Nhị độ mai toàn truyện” và sử dụng mô típ truyện dân gian. Bên cạnh đó, Nguyễn Đình Chiểu còn đưa yếu tố tự truyện vào trong tác phẩm như chi tiết khóc mẹ bị mù, bỏ thi về chịu tang mẹ. Nhưng sau đó, nhờ vào yếu tố hư cấu mà Lục Vân Tiên được chữa sáng mắt, thi đỗ trạng nguyên… . Như vậy, trong những sáng tác này yếu tố hư cấu nhiều hơn, rõ hơn.

2.1.3. Giai đoạn 3: Hư cấu và sáng tạo từ hiện thực đời sống, mang yếu tố tự truyện

Những tác phẩm này, sự hư cấu và sáng tạo bắt nguồn từ hiện thực đời sống. Nhưng chủ yếu là hiện thực cuộc sống của tác giả nên mang đậm yêu tố tự truyện. Tuy nhiên, nó vẫn sử dụng các mô típ thịnh hành trong các truyện thông tục. Ở những truyện này, các tác giả hư cấu chỉ là lắp ghép các mô típ, thiếu một logic mạch lạc bên trong, nhất là về mặt thời gian. Như vây, sự hư cấu, sáng tạo này nhìn chung vẫn chưa thoát ra được sự hư cấu và sáng tạo trong văn học trung đại

“Sơ kính tân trang” của Phạm Thái là một biểu hiện rõ nét. Đây là một truyện hoàn toàn hư cấu, không dựa vào một truyện sẵn có nào của văn học Trung Quốc. Tên người, tên sự kiện đều xảy ra ở Việt Nam và ít nhiều mang tính chất tự truyện của tác giả. Nhưng điều thú vị là sự hư cấu ở đây vẫn không ra ngoài quy luật trung đại. Phạm Thái chủ yếu lắp ghép các mô típ, thiếu logic.

2.2 Hư cấu và sáng tạo trong truyện văn xuôi trung đại

Trong văn xuôi trung đai, sự hư cấu và sáng tạo được xem xét ở mối quan hệ giữa sự thật nghệ thuật và sự thật lịch sử

2.2.1 Giai đoạn 1: Sự thật lịch sử và sự thật nghệ thuật chưa phân biệt

Sự hư cấu và sáng tạo không tự giác thể hiện rất rõ ở văn xuôi. Các hình ảnh về sự thật lịch sử và sự thật nghệ thuật chưa phân biệt ra... Ý thức văn sử bất phân ấy làm cho các tác giả chép các chuyện truyền thuyết như là sự thực ngụ trong việc quái đản. 

Ví như “ Việt điện u linh” là sách ghi lại lịch sử chư thần ở cõi u linh, mà thần là sản phẩm của sáng tạo vô thức theo nguyên tắc linh hóa, nhưng các tác giả chép với tinh thần “Chép lại sự thực” (Bài tựa của Lý Tế Xuyên). Bài tựa trong “Lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh xem các truyện dân gian được ghi chép “là sử trong truyện chăng”, và sau khi phân tích đi đến nhận định “Việc tuy kì dị mà không quái đản, văn tuy thần bí mà không nhảm nhí, tuy nói những chuyện hoang đường mà tung tích vẫn có bằng cứ”

2.2.2 Giai đoạn 2: Chất sử học đã lùi bước chất văn học 

Trong giai đoạn này, yếu tố quái đản không bị bỏ đi mà bước đầu đã được thừa nhận. Ở đây, nguyên tắc thực lục đã được coi là không nhất thiết, chất sử học đã lùi bước chất văn học. Yếu tố quái đản được xem là tự nhiên, không được gạt bỏ.

Trong “Truyền kì mạn lục” , Nguyễn Dữ nói: cốt là truyện có ý nghĩa khuyến thiện, còn như có hay không có hà tất phải gạn gùng đến nơi đến chốn làm gì. Vậy Nguyễn Dữ đã đề cao cái hư, cái quái đản coi nó là yếu tố của nghệ thuật hay là sự hư cấu, sáng tạo trong nghệ thuật đã được thể hiện một cách tự giác.

Trong “Thánh Tông di thảo”, tác giả bài tựa nói :Trong bốn bể, chín châu,biết bao núi thẳm, đầm to, thì những chuyện quái dị thần kì kể sao cho hết được. Tác giả đã lấy tính vô cùng tận của thế giới để biện minh cho sự hiện hữu của yếu tố quái dị thần kì, tức là biện minh cho sự tưởng tượng hư cấu của người viết

2.2.3. Giai đoạn 3: Sự sáng tạo trong tiểu thuyết chương hồi chữ Hán

Tiểu thuyết chương hồi chữ Hán xuất hiện từ đầu thế kỉ XVIII. Đa phần là tiểu thuyết lịch sử. Nhưng nếu so với việc chép sử ở các giai đoạn trước, chép sử ở giai đoạn trước ít ghi lời thoại nhân vật thì đến đây, các tác giả đều ghi nhiều lời thoại của các nhân vật lịch sử. Đây là lĩnh vực sáng tạo nhăm khắc họa tính cách nhân vật, chứ không giản đơn là ghi những điều mắt thấy tai nghe.

IV. KẾT LUẬN

Tóm lại, văn học trung đại Việt Nam đã có quá trình hư cấu từ không tự giác đến tự giác, mức độ ngày càng cao, tuy nhiên vẫn nằm trong khuôn khổ quy luật của loại hình trung đại- vận dụng cốt truyện sẵn hay mô típ sẵn, rồi tiến hành lắp ghép, biến cải, thêm bớt. Yếu tố thời đại, tự truyện được đưa vào tác phẩm, và biến cải chứng tỏ tác phẩm không phải là tự truyện. Trong tác phẩm thuộc loại sử, mức độ hư cấu thấp hơn. Nhìn chung lại, sự sáng tạo tập trung vào ngôn từ, sáng tạo lời kể, lời thoại, điểm nhìn trần thuật, chứ không sáng tạo lại toàn bộ cuộc sống nhân vật hoặc đưa vào nhân vật hoàn toàn hư cấu./


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét