Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

CÓ BAO GIỜ BẠN TỰ HỎI... (Đoản văn của Nguyễn Thị Thùy Nhân)


     Có bao giờ bạn tự hỏi: Ai quan trọng nhất trong cuộc đời bạn? Và có bao giờ bạn thắc mắc bạn là tất cả với một ai chưa? Tôi đã từng hỏi, đã từng trả lời. Nhưng rồi tôi cũng quên vì họ đã rời xa tôi. Thấy vui! 

     Năm tôi 5 tuổi, mẹ hỏi: “Con yêu ai nhất?”, con bi bô: “Con… yêu mẹ… mẹ nhất trên đời!”. Ba chỉ cười: “Ừ, con yêu mẹ nhất, nhớ nghe!”. Con toét miệng cười bù cho ba cái hôn hít thật sâu. Con vẫn nhớ.

     Thời gian dần trôi, mẹ không còn hỏi, ba cũng chẳng hay so bì hơn kém. Con ngại nói tiếng yêu mẹ, ngượng khi đặt nụ hôn lên má ba. Con bắt đầu tập cho mình cuộc sống của riêng con. 

     Mười bảy năm cắp sách đến trường, cái thời gian ấy nghe sao mà dài, mà nhớ! Con miệt mài đi tìm chỗ đứng của con. Có những khi bằng lòng với cuộc sống nhưng cũng lắm lúc thấy thật chán nản cái cuộc đời, đó là sự nghiệp của con. Bao nhiêu lần khóc cũng là bấy nhiêu lần cười, đó cũng là tình yêu của con. Chưa một lần con tự hỏi: Ba mẹ là gì trong trái tim con? Bằng lòng hay chán nản? Khóc hay cười? Mãi đến khi ở cái tuổi 21 trong đời, lần đầu tiên con cảm thấy chơi vơi khi đằng trước con là một con đường mà con phải rời tay ba mẹ, tựa như con sắp đi trên một chiếc xà ngang, tự con bước, tự con giữ thăng bằng. Con nhìn thấy ba mẹ nhưng ba mẹ không thể đi cùng con. Bốn năm theo đuổi con đường đi đến cái nghề truyền cảm xúc, bốn năm nói mãi cái câu: “Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc ở xung quanh ta” thế mà đến tận hôm nay, con mới thấy trái tim đau nhói. Phải chăng tóc ba đã bạc, gối mẹ đã chùng? Hay là con đến ngưỡng cửa sắp chấp chới phải rời xa ba mẹ? 

      Ba à! Hôm nay, lần đầu tiên trong đời có người chào con lễ phép: “Em chào cô!”. Con tưởng chừng mình không còn là con nữa. Con đã lớn rồi phải không ba? Đấy là những ngày con đi thực tập ba ạ! Con mặc áo dài, các em nhìn con. Đứa thì cười, đứa thì chào, đứa thì trêu. Nhưng con thấy vui lắm! Nếu ba nhìn thấy con, chắc ba cũng sẽ vui lắm! Thế mà con chưa bao giờ có ý nghĩ muốn ba nhìn thấy con đã lớn. Vì một lí lẽ của riêng con. 

     Mẹ ốm! Con biết mẹ nhớ con, nhớ tiếng chân đi, nhớ từng giọng nói. Con chỉ có thể nấu cho mẹ bữa cơm, ôm lấy cơn đau cho mẹ một buổi tối. Lần đầu tiên con thấy mẹ khóc nhiều vì vắng con. Mẹ yếu đuối hơn con. Nhiều khi con nghĩ mình vô tâm kì lạ! Chưa một lần con mở miệng xin mẹ cho tiền. Mẹ hiểu, mẹ âm thầm nhét ví cho con. Chưa một lần ốm, con mở miệng rên la. Mẹ hiểu, mẹ chỉ dúi cho con chai dầu, vỉ thuốc sốt mỗi đợt con về. Con vùng vằng bảo mẹ khéo lo. Để rồi mỗi khi nằm một mình, con thèm được một bàn tay vuốt nhẹ. 

     Năm cuối của sinh viên tụi con trôi qua chóng vánh quá! Và con biết, điều đó đồng nghĩa với việc con bắt đầu tập tễnh dang đôi cánh của mình, tự bay, tự đậu trên cái thế giới của con. Con không thể hình dung nỗi con của những ngày tháng sau. Những ngày tháng xa gia đình, con đã học được nhiều lắm! Con biết quan tâm bạn cùng phòng khi một lần sốt con chưa được ai hỏi han. Con biết giấu ba mỗi lần bệnh vì một lần đi thăm con mà ba vấp ngã. Con biết mình phải làm trước khi nhắc một ai đó và… và… con biết học là con đường để con thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn như của mẹ ba. 

     Ở cái tuổi 70, nhẽ ra ba phải nghỉ ngơi ở nhà chăm lo cái thú chơi cây vốn có. Thế mà con biết ba vẫn cứ phải leo trèo trên những mái nhà để “sập băng”. Hằng đêm con cứ nghe mãi tiếng bào, tiếng đục, tiếng cưa bôm bốp. Mẹ nhức mình trăn trở chẳng ngủ yên. Con cằn nhằn bảo mẹ sao không đi viện. Mẹ chỉ cười: “Bệnh của mẹ, mẹ biết, con đừng lo”. Con không dám hỏi là vì ai? Bởi con sợ, con trốn tránh cái tình yêu vô bờ bến ấy. Con sợ một ngày, cái tuổi nó bóp chết tình yêu thương. Con chưa kịp một lần dìu ba khi sức yếu, chưa kịp một lần để mẹ nhìn thấy con bình yên thì ba mẹ đã xa con. Con sợ, sợ lắm! 

     Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa thôi, con là một người lớn thật sự. Con thấy mừng vì ba mẹ không phải lo cho con nữa. Nhưng con thấy lạc lõng, không phải là cái lạc lõng khi phải xa ba mẹ những khi học xa mà là cái cảm giác chơi vơi khi con bắt đầu tự lập. Con sẽ yêu phải không ba? Rồi con sẽ lập gia đình, con sẽ trao cho chồng con cái thiên chức của ba. 

      Ba mẹ đừng lo cho con những lúc con ở một mình! Đừng lo khi con chưa có việc làm cũng đừng đau buồn khi con khổ sở vì tình yêu. Con đã là sinh viên năm cuối, con tự biết vực mình dậy rồi ba à! Dẫu cuộc sống của con sau này không như những gì ba mẹ ao ước, cũng đừng vì thế mà lấy làm khổ tâm. Con chỉ muốn nói một điều: Con đã cố gắng, con đã chứng tỏ, tất cả vì con muốn ba mẹ tự hào, con không muốn ba mẹ phải bận lòng vì con.

                     Nguyễn Thị Thùy Nhân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét