Tích hợp trong dạy học là huy động những kiến thức, kĩ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng có quan hệ gần gũi rồi kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống, nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, qua đó hình thành những kiến thức mới, những kĩ năng mới. Dạy học Tiếng Việt theo hướng tích hợp là một hướng đi mới, hiệu quả: Giúp giải quyết tình trạng quá tải, trùng lặp kiến thức gây lãng phí thời gian, đồng thời phát huy vai trò chủ thể tiếp nhận, chủ thể sáng tạo và phát triển tư duy tổng hợp cho học sinh (HS). Dạy học hợp phần Lý thuyết chung về ngôn ngữ và tiếng Việt cũng hứa hẹn nhiều thành công khi đi theo định hướng này. Để đảm bảo hiệu quả tích hợp, chúng tôi xin đề xuất một số phương hướng tích hợp sau đây:
1. Tích hợp liên bộ môn
Tích hợp liên bộ môn (tích hợp ngang) là kiểu tích hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều phân môn, bộ môn và lĩnh vực khác nhau để soi chiếu, làm sáng tỏ phần nội dung kiến thức và kĩ năng đang dạy.
Ba phân môn Văn học, Tiếng Việt và Làm văn có sự khác nhau cơ bản về tính chất nội dung tri thức. Tuy nhiên, đứng trên phương diện tổng thể, không thể phủ nhận mối liên hệ mật thiết và sự tương tác giữa ba phân môn này trong việc hình thành kiến thức và kĩ năng cho HS. Ngoài sự gắn bó giữa các phân môn trong cùng một môn học, các bài học trong môn Ngữ văn nói chung, phân môn Tiếng Việt nói riêng còn có sự liên hệ với những bộ phận kiến thức thuộc các môn học khác: Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Toán, Lý, Hóa, Sinh… nhất là những môn khoa học xã hội và nhân văn.
Vì vậy, dạy học hợp phần Lý thuyết chung về ngôn ngữ và tiếng Việt, cần tích hợp với kiến thức của hai phân môn Văn học, Làm văn và cả những môn học khác với những bộ phận kiến thức liên quan để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
1.1 Tích hợp với Văn học
Nếu không có những tri thức và kĩ năng sử dụng tiếng Việt thì khó có thể phân tích, bình giảng thành công một tác phẩm văn học. Ngược lại, không có năng lực đọc – hiểu, lĩnh hội ngôn từ nghệ thuật thì cũng không thể có được khả năng sử dụng tiếng Việt văn hóa, hiệu quả. Do đó, dạy học Tiếng Việt không thể tách rời dạy Đọc văn.
Các bài học trong hợp phần Lý thuyết chung về ngôn ngữ và tiếng Việt cung cấp những kiến thức lý thuyết khái quát về ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Việc giảng dạy những nội dung kiến thức này sẽ được hỗ trợ đắc lực bởi những kiến thức Văn học. Tác phẩm văn chương chính là nơi chưng cất vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc, là nơi tiếng nói dân tộc được kết tinh để trở nên đẹp đẽ nhất, rực rỡ nhất và bộc lộ hết bản chất của mình. Do đó, sẽ rất hiệu quả nếu dùng văn bản văn học làm ngữ liệu trực tiếp cho việc dạy tiếng Việt.
GV có thể lấy một đoạn văn ngắn trong các tác phẩm như Làng (Kim Lân), Lão Hạc (Nam Cao), Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)… vừa học ở THCS hay là những bài ca dao mà các em vừa được tìm hiểu ở các tiết học trong chương trình Ngữ văn 10, tập 1 làm ngữ liệu cho việc phân tích những đặc điểm ngôn ngữ viết ở bài Đặc điểm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết (Ngữ văn 10, tập 1). Lấy ngữ liệu từ văn bản đã học sẽ gợi nhắc cho HS về văn bản ấy đồng thời giảm bớt thời gian và công sức cho thao tác phân tích ngữ liệu.
Mặt khác, những tác phẩm trong phân môn Văn học cũng là nơi kiểm chứng hiệu quả nhất cho những lý thuyết ngôn ngữ mà HS đã được tiếp thu. Để sử dụng tiếng Việt hay và đạt hiệu quả giao tiếp cao, “khi nói và viết, chẳng những cần sử dụng tiếng Việt đúng theo các chuẩn mực của, mà còn cần sử dụng một cách sáng tạo, có sự chuyển đổi linh hoạt theo các phương thức và quy tác chung, theo các phép tu từ để cho lời nói, câu văn có tính nghệ thuật và đạt hiệu quả giao tiếp cao” [2; tr. 68]. HS hoàn toàn có thể tìm thấy cơ sở thực tiễn của nhận định này qua các tác phẩm ngôn từ. Văn bản văn học chính là một mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ để HS gặt lấy những giá trị tu từ, giá trị phong cách của ngôn ngữ…
1.2 Tích hợp với Làm văn
Mục đích cuối cùng của việc dạy và học Tiếng Việt là giúp HS có thể sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo, có khả năng tạo lập các loại văn bản (nói, viết) đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hằng ngày. Tiếng Việt được xem như là phân môn cung cấp những phương tiện, cơ sở cho việc dạy học Làm văn. Ngược lại, phân môn Làm văn cũng có những tác động nhất định, hỗ trợ cho việc dạy học Tiếng Việt.
Làm văn rèn luyện cho HS tư duy logic, khoa học, sự chính xác, chặt chẽ trong lập luận và trình bày vấn đề. Do vậy, nó sẽ bổ trợ đắc lực cho việc dạy và học bộ phận kiến thức đầy tính khoa học trong phân môn Tiếng Việt. Hơn nữa, thông qua việc tạo lập các loại văn bản, những tri thức tiếng Việt mà HS tiếp thu trong hợp phần Lý thuyết chung về ngôn ngữ và tiếng Việt sẽ được đưa vào ứng dụng thực tế từ đó giúp các em hiểu sâu sắc hơn. Chỉ trong quá trình sử dụng, HS mới thực sự thấy được sự khác nhau giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, nắm vững được những yêu cầu để sử dụng tiếng Việt đúng và hay, nhận thức được đặc điểm loại hình của tiếng mẹ đẻ, sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc và trên cơ sở đó mới có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
GV có thể đưa ra các bài tập mang tính tích hợp tri thức Tiếng Việt và Làm văn để HS luyện tập. Chẳng hạn như cho HS viết một đoạn văn ngắn và chỉ ra hiệu quả của hư từ và trật tự từ trong đoạn văn ấy khi dạy bài Đặc điểm loại hình tiếng Việt (Ngữ văn 11, tập 2). Hoặc như yêu cầu HS phân tích và chữa các lỗi về chính tả, từ vựng, ngữ pháp, cách diễn đạt, kết cấu của bài làm (nếu có) trong bài làm văn gần nhất mà HS vừa thực hiện (bài viết số 4) khi dạy bài Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt (Ngữ văn 10, tập 2).
1.3. Tích hợp với các môn gần gũi (Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ…)
Ngôn ngữ nảy sinh và phát triển gắn liền với lịch sử phát sinh, phát triển của một dân tộc, một xã hội. Dạy học Tiếng Việt, do đó, không thể không vận dụng kiến thức về lịch sử của đất nước Việt Nam để lí giải về đặc điểm và sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Khi dạy bài Khái quát lịch sử tiếng Việt (Ngữ văn 10, tập 2), không tích hợp với kiến thức lịch sử, GV sẽ khó để lý giải một cách thấu đáo vì sao tiếng Việt lại có quan hệ gần gũi nhất với tiếng Hán, vì sao sau khi giành được độc lập, tự chủ (thế kỉ X) nhưng nhà nước phong kiến vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc dạy, học và sáng tác bằng chữ viết của người Trung Hoa.
Cũng trong bài Khái quát lịch sử tiếng Việt, GV có thể vận dụng những kiến thức địa lí nền tảng để giải thích về nguồn gốc của tiếng Việt - tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ Nam Á. Người dạy có thể kết hợp với bản đồ để chỉ rõ nơi phân bố của họ ngôn ngữ này một cách trực quan, sinh động.
Cần lưu ý, những kiến thức gần thuộc các môn học gũi này HS đã được tìm hiểu kĩ ở nội dung môn Lịch sử, Địa lý nên khi dạy học, GV chỉ cần gợi nhắc chứ không cần và không nên đi quá sâu, dành thời gian nhiều hơn để hình thành kiến thức mới. Vận dụng kiến thức Sử - Địa để dạy Tiếng Việt không chỉ giúp nội dung các bài học Tiếng Việt trở nên sinh động, sáng tỏ mà còn góp phần ôn tập, củng cố kiến thức về Lịch sử, Địa lý – những kiến thức vốn rất quan trọng nhưng HS lâu nay lại không mấy quan tâm.
Kiến thức về ngoại ngữ cũng rất quan trọng trong dạy học hợp phần Lý thuyết chung về ngôn ngữ và tiếng Việt. Cụm bài này không chỉ nghiên cứu về tiếng Việt nói riêng mà còn cung cấp những kiến thức về ngôn ngữ nói chung. Đặt trong thế đối sánh giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài, kiến thức về ngôn ngữ của HS sẽ được mở rộng, tri thức về tiếng Việt cũng trở nên sâu sắc hơn. Hiểu biết về ngoại ngữ, trước hết là tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh … rất cần thiết khi dạy Đặc điểm loại hình tiếng Việt (Ngữ văn 11, tập 2) hay Khái quát lịch sử tiếng Việt (Ngữ văn 10, tập 2).
Tích hợp kiến thức liên môn trong dạy học Tiếng Việt nói chung và hợp phần Lý thuyết chung về ngôn ngữ và tiếng Việt nói riêng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải GV nào cũng ý thức được điều này nên chưa vận dụng hợp lý để tăng cường hiệu quả dạy học.
2. Tích hợp nội bộ
SGK Ngữ văn được biên soạn theo chương trình mới không chỉ thể hiện sự tích hợp giữa các phân môn, tích hợp với các môn học khác mà còn thể hiện sự tích hợp theo hướng củng cố và nâng cao những bộ phận kiến thức đã học để hình thành tri thức thức mới. Trong các năm học trước, HS được tiếp xúc với bảng chữ cái, các quy tắc kết hợp tiếng Việt, các yêu cầu cơ bản khi sử dụng tiếng Việt... Những kiến thức ấy được hình thành và tích lũy dần trong tâm trí các em, chúng sẽ là cơ sở quan trọng để dạy học hợp phần Lý thuyết chung về ngôn ngữ và tiếng Việt.
2.1 Ngữ âm
HS THPT nhìn chung đã nắm bắt được các quy tắc ngữ âm tiếng Việt và sử dụng chúng một cách hợp lý trong giao tiếp hằng ngày nhưng đa phần là những kiến thức thiếu tính hệ thống. Tuy nhiên, phải thấy rằng, đó là nền tảng để GV dạy những bài Lý thuyết tiếng Việt có liên quan đến phương diện ngữ âm. Đây cũng là cơ hội để GV ôn luyện lại kiến thức ngữ âm cho HS một cách có hệ thống.
Bài Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt (Ngữ văn 10, tập 2) đưa ra những yêu cầu cơ bản để sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn mực và đạt hiệu quả giao tiếp cao. Phương diện đầu tiên mà HS cần phải lưu ý là phương diện ngữ âm và chữ viết. Nếu không có những kiến thức cơ bản về ngữ âm thì HS khó có thể phát hiện ra những lỗi vi phạm chuẩn mực và rút ra các quy tắc để sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn. Những kiến thức ngữ âm này, HS đã dần được hình thành qua thời gian học ở bậc Tiểu học, THCS và quan trọng hơn là nhờ quá trình giao tiếp thực tế hằng ngày. Dựa vào những kiến thức đã có và thói quen sử dụng ngôn ngữ, GV có thể nhắc lại và phân tích mô hình cấu tạo âm tiết tiếng Việt:
THANH ĐIỆU
| |||
Âm đầu
|
Vần
| ||
Âm đệm
|
Âm chính
|
Âm cuối
|
Dựa vào mô hình này, HS dễ dàng phát hiện ra các lỗi sai cơ bản về mặt ngữ âm: sai âm đầu, âm cuối hay thanh điệu... và từ đó hướng tới sử dụng đúng chuẩn mực.
2.2 Từ ngữ
Ở bậc tiểu học, HS đã được tiếp xúc với những kiến thức về từ vựng, bắt đầu từ những bài học mở rộng vốn từ theo các chủ đề quen thuộc với các em như Gia đình, Nhà trường, Quê hương, Đất nước, Nhân dân, Bác Hồ... Lên THCS, những kiến thức về từ vựng, ngữ nghĩa được đào sâu hơn trên cơ sở kế thừa những kiến thức mà HS đã được tiếp thu ở bậc tiểu học. Đến bậc THPT, kiến thức về từ vựng tiếp tục được trau dồi chủ yếu ở phương diện thực hành, luyện tập trên cơ sở những kiến thức lý thuyết đã được tiếp thu ở lớp dưới.
Dựa vào những kiến thức đã có, GV dễ dàng định hướng cho HS phát hiện ra các lỗi sai như sai về cấu tạo từ, sai về kết hợp từ… Tại sao không thể dùng từ Truyền tụng trong câu Những học sinh trong trường sẽ hiểu sai các vấn đề mà thầy giáo truyền tụng [2; tr. 65] mà phải thay bằng truyền đạt hay truyền thụ? Bằng trực cảm ngôn ngữ, HS có thể nhận ra lỗi sai của câu và chọn được từ thay thế phù hợp nhưng các em thường không thể giải thích được lí do một cách cụ thể và thuyết phục. GV phải giới thiệu nghĩa chính xác của từ (dựa theo từ điển) để giúp HS nắm được cốt lỗi của vấn đề. Truyền tụng : (từ Hán Việt) có nghĩa là truyền miệng rộng rãi, mang sắc thái ca ngợi; truyền thụ: truyền lại tri thức, kinh nghiệm cho người khác, truyền đạt : làm cho người khác nắm được để chấp hành.
2.3 Ngữ pháp
Nếu ở lớp 1, lớp 2, HS chỉ mới làm quen với những kiến thức về ngữ âm, từ vựng thì đến lớp 3, các em đã được cung cấp một số kiến thức đơn giản về ngữ pháp. Đó là những kiến thức về câu, các thành phần câu, từ loại, dấu câu, các kiểu câu chia theo mục đích nói hoặc theo cấu tạo ngữ pháp. Về cơ bản, kết thúc bậc học THCS, HS đã nắm tương đối đầy đủ những kiến thức nền tảng về ngữ pháp tiếng Việt và có thể sử dụng tốt các kiến thức ấy trong giao tiếp, học tập. Ngoài việc được học ở nhà trường, kiến thức về ngữ pháp cũng dần được hình thành và rèn luyện trong quá trình giao tiếp hàng ngày. Không nắm chắc cách cấu tạo của cụm từ, cấu tạo câu, liên kết câu… thì không thể sử dụng ngôn ngữ để tư duy, để giao tiếp đạt hiệu quả cao. Khi cung cấp những kiến thức khái quát nhất, khoa học nhất cho HS về hệ thống ngôn ngữ thì SGK Ngữ văn THPT cũng dành một dung lượng khá lớn để cung cấp những tri thức liên quan đến phương diện ngữ pháp cho HS.
Khi giới thiệu về đặc điểm loại hình của tiếng Việt, có ba đặc điểm trọng tâm cần cung cấp cho HS và cả ba đều liên quan đến những kiến thức ngữ pháp:
- Tiếng là đơn vị cơ sở của ngữ pháp.
- Từ không biến đổi hình thái.
- Ý nghĩa ngữ pháp được biểu hiện bằng trật tự từ và hư từ.
Ở mỗi đặc điểm GV đều phải giải thích, làm rõ, cho ví dụ minh họa… Tiếng là gì? Tại sao tiếng là đơn vị cơ sở của ngữ pháp? Cơ sở nào cho thấy từ tiếng Việt không biến đổi hình thái? Hư từ là gì? Trật tự từ là gì? Tại sao nói: Ý nghĩa ngữ pháp được biểu hiện bằng trật tự từ và hư từ?... Không tích hợp với những kiến thức ngữ pháp mà HS đã có thì GV không thể giảng giải ba đơn vị kiến thức này trong khuôn khổ thời gian theo quy định. GV cần phải biết bộ phận nào là kiến thức mới, phải phân tích sâu; bộ phận kiến thức nào HS đã nắm chắc chỉ cần gợi nhắc và tích hợp.
2.4 Phong cách – tu từ học
Trong hợp phần Lý thuyết chung về ngôn ngữ và tiếng Việt có một bộ phận kiến thức không nhỏ liên quan đến tu từ học và phong cách học. Khi dạy những kiến thức đó, GV ít nhiều phải tích hợp với những hiểu biết liên quan về lĩnh vực này mà HS đã có sẵn: So sánh, Nhân hóa, Ẩn dụ, Hoán dụ (Lớp 6); Điệp ngữ, Chơi chữ, Liệt kê (Lớp 7); Nói quá, Nói giảm, nói tránh (Lớp 8); Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (Lớp 10), Phong cách ngôn ngữ báo chí, Phong cách ngôn ngữ chính luận (Lớp 11), Phong cách ngôn ngữ khoa học và Phong cách ngôn ngữ hành chính (Lớp 12).
Mỗi phong cách chức năng có một lớp từ riêng, có những từ chỉ được sử dụng ở phong cách này mà không thể sử dụng ở phong cách khác. Đó là lý do tạo nên lỗi sai về phong cách trong các ví dụ sau:
- Trong một biên bản về một tai nạn giao thông:
Hoàng hôn ngày 25 – 10, lúc 17h30 tại km 19 quốc lộ 1A đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông.
- Trong một bài văn nghị luận:
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã nêu cao một tư tưởng nhân đạo hết sức là cao đẹp [2; tr. 66].
Tuy chưa được học hết sáu phong cách chức năng thuộc hợp phần Phong cách học trong chương trình THPT (chỉ mới được tiếp xúc với Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt) nhưng với những kiến thức về phong cách học đã được trang bị ở lớp 9 cũng như những kinh nghiệm khi sử dụng ngôn ngữ hằng ngày, HS khi học bài Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt sẽ nhanh chóng nhận ra sự bất hợp lí trong các ví dụ trên. Hoàng hôn là từ thường được dùng trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, không được dùng trong văn bản hành chính; Hết sức là mang tính chất khẩu ngữ, không thích hợp dùng trong một văn bản nghị luận. Nhiệm vụ của GV là phải dẫn dắt sao cho HS tích hợp được kiến thức đã có để vận dụng vào nội dung bài học mà các em đang học.
Nhìn chung, những kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách học… được giảng dạy cho HS một cách có hệ thống và khoa học nhằm cung cấp những kiến thức nền tảng, tạo điều kiện cho HS thực hành, ứng dụng trong giao tiếp hằng ngày. Những kiến thức đó là cơ sở quan trọng để giảng dạy Tiếng Việt ở THPT nói chung và hợp phần Lý thuyết chung về ngôn ngữ và tiếng Việt nói riêng. Nếu biết tích hợp một cách hợp lí thì GV có thể dạy những bài được đánh giá là khó và khô này một cách có hiệu quả, sinh động.
Trong dạy học Tiếng Việt ở THPT nói chung và dạy học hợp phần Lý thuyết chung về ngôn ngữ và tiếng Việt nói riêng, quan điểm tích hợp được thể hiện trên cả hai hướng là tích hợp ngang và tích hợp dọc. Mỗi hướng tích hợp có một đặc điểm và tầm quan trọng riêng. Nếu tích hợp ngang giúp HS có một cái nhìn sâu sắc, toàn diện về vấn đề thì tích hợp dọc lại giúp các em tiếp thu kiến thức một cách có hệ thống, logic. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, hai hướng tích hợp này thường không tách biệt mà luôn đi liền với nhau trong quá trình dạy học một bài nào đó. Hiếm khi thực hiện một bài học nào mà GV chỉ sử dụng duy nhất hướng tích hợp ngang hay tích hợp dọc. Hai hướng tích hợp này có mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau cùng làm nổi bật nội dung của bài, đồng thời giúp HS hoạt động tích cực hơn, liên tục vận dụng, củng cố kiến thức đã học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Ngữ văn 10, tập 1, (Cơ bản), Nxb Giáo dục, H.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Ngữ văn 10, tập 2, (Cơ bản), Nxb Giáo dục, H.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Ngữ văn 11, tập 2, (Cơ bản), Nxb Giáo dục, H.
4. Đỗ Ngọc Thống (2006), Tìm hiểu chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn THPT, Nxb Giáo dục, H.
5. Lê A, Nguyễn Quang Ninh, Bùi Minh Toán (2009), Phương pháp dạy học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H.
6. Nguyễn Kỳ (chủ biên, 1995), Phương pháp giáo dục tích cực lấy người học làm trung tâm, Nxb Giáo dục, H.
7. Nguyễn Văn Đường, Tích hợp trong dạy học Ngữ văn bậc THCS, 2002
8. Phan Thiều (1983), Giảng dạy từ ngữ ở nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, H.
9. Trần Thị Diệu Nữ (2007), Dạy học Tiếng Việt theo quan điểm tích hợp, Báo cáo khoa học, khoa Ngữ Văn, ĐH Quy Nhơn.
Quy Nhơn tháng 4/2014
NGUYỄN THỊ HƯƠNG LÀI
Lớp Cao học Văn K17
Bài đã đăng trên
Tạp chí Dạy và học ngày nay số 5/2014
Tuyệt vời
Trả lờiXóa