Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Nghiên cứu : NHÂN VẬT ĐA DIỆN TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN TRÍ (Tiêu Viết Hải)




Nguyễn Trí sinh năm 1956 tại Bình Định, quê gốc Quảng Bình. Ông từng kinh qua đủ nghề như đãi vàng, đá quý, khai thác trầm hương, đốt than, chạy xe ôm… Nhờ những năm tháng bươn chải mưu sinh, Nguyễn Trí có được vốn sống phong phú, độc đáo và đã làm nên một “hiện tượng” lạ trên văn đàn những năm vừa qua với tập truyện ngắn “Bãi vàng, đá quý, trầm hương”. Với ấn phẩm đầu tay này, năm 2013, ông được Hội Nhà văn trao giải thưởng Văn học Việt Nam. Từ đó đến nay, ông đã xuất bản thêm tập truyện ngắn Đồ tể và tiểu thuyết Thiên đường ảo vọng. Tác phẩm của ông mang đến cho người người đọc sự trải nghiệm thú vị về thế giới giang hồ tứ chiếng, đồng thời tạo lập được thế giới nhân vật đa dạng và phong phú.

Trong sáng tác của Nguyễn Trí, với quan niệm con người luôn mang tính đa chiều kích, nhân vật của ông luôn là những con người ngang tàng, lời nói và hành động luôn vượt ra ngoài khuôn khổ của lối sống thường nhật, nghĩa hiệp ra tay bảo vệ cái yếu, lẽ phải và sự công bằng... 

Nhân vật trong tác phẩm được Nguyễn Trí tập trung khắc họa không chỉ ở phương diện hành động bên ngoài mà còn miêu tả đời sống nội tâm sâu sắc bên trong. Điều này tạo nên cho mỗi nhân vật không chỉ có bề rộng mà còn có bề sâu, không chỉ có những nét tính cách phổ quát mà còn có những nét cá tính mạnh mẽ, rất riêng. Có thể nói, khi viết về giới giang hồ, Nguyễn Trí đã thành công trong việc tạo được những nhân vật mang tính điển hình.

Đầu tiên, đó là những nhân vật không có một chốn quê, chốn ở xác định mà lấy chủ nghĩa xê dịch làm lẽ sống ở đời. Tuy không cố định về nhà cửa và nơi nào cũng là quê hương nhưng người đọc không thấy ở họ cái vẻ phiêu bạt “tha phương cầu thực” của những kẻ sa cơ lỡ vận. Trái lại, họ lựa chọn lối sống chủ động dấn thân để thỏa cái chí bôn ba ngao du nơi sông dài bể rộng và sẵn sàng đón đợi mọi thách thức. Nhân vật Thành Bụi trong truyện ngắn Bãi vàng xuất hiện ở Bãi X bằng một vẻ giang hồ đúng nghĩa với tư trang chỉ một cái ba lô cóc. Thành vốn xuất thân là con nhà nòi thượng võ, thuở nhỏ, anh ngang tàng, thích “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nên sớm bỏ bê việc học văn hóa. Biết tính con, cha Thành đến dọa thầy dạy võ rằng: “Nó ăn rồi chuyên đi đập lộn, ông dạy nó có ngày mang họa” [4, tr.11]. Không dạy, nhưng Thành học lỏm. Đến mười bảy tuổi, anh có lịch sử thượng đài đáng nể với bất kỳ tay đấm nào: đánh mười bốn trận, knock-out bảy, sáu ăn điểm, một huề. Nối tiếp cuộc đời Thành là ngót ba năm trong tù vì cờ bạc bịp, trầm luân trong những bãi tìm trầm mà tên gọi đã gợi sự xa xôi trắc trở như Tà In, Suối Ty, Chưprông… Đến Bãi X, nhân vật Thành Bụi cho những “da xanh”, “tóc dài” ở bãi mãn nhãn và cũng để khẳng định vị thế “vua bãi” của mình bằng việc hạ gục nhân vật Đào Ba Lan trong màn đấu võ gây cấn. Cũng như Thành Bụi, nhân vật Minh Tàn trong truyện Giã từ vàng là nhân vật giang hồ từ tấm bé, cũng nhờ đi bụi, nhờ đời dạy mà rèn cho anh khả năng nhanh mắt, nhanh tay chẳng ai bằng, nhất là trong những trận so kè võ nghệ. Minh Tàn cũng uy danh một cõi với thành tích từng chém những đàn anh, đàn chị ở những nơi mình đã qua. Nhân vật Thu Râu trong truyện Đá quý cũng được miêu tả là một “trưởng mâm” vai u thịt bắp, lực lưỡng với võ nghệ kha khá và đủ sức để hơn thua với những gian manh nơi rừng núi thâm u. Nguyễn Trí xây dựng những nhân vật thuộc kiểu “anh hùng” phu bãi không chỉ quan tâm đến vẻ bụi bặm của hình dáng, vẻ cường tráng lực lưỡng của thân thể mà còn đặc tả về tài năng võ nghệ của họ. Võ nghệ là phẩm chất không thể thiếu để các nhân vật tự khẳng định vị thế của mình. 

Ngoài ra, nhân vật trong truyện của Nguyễn Trí còn là những người “nghệ sĩ” thực thụ trong cái nghiệp mà họ đang phải dấn thân. Để khắc họa đặc điểm này, Nguyễn Trí dành nhiều công sức để miêu tả chi tiết sự gian khổ, hiểm nguy của những nghề cần lắm sự công phu, nhất là phu vàng. Để sống được với nghiệp làm phu, họ phải là những “anh hùng” đủ tài, lắm nghề, phải là dân thiện chiến và có nhãn quan nghề nghiệp tinh tường. Giỏi nghề cũng là một tiêu chuẩn để được tôn lên làm “vua bãi”. Nhân vật Thành trong truyện Bãi vàng là một trong những người cầm trịch mang tính lý tưởng đối với những phu vàng khác. Vì vậy, không chỉ có màn “chào” bãi bằng màn võ thuật ấn tượng, nhân vật Thành Bụi được Nguyễn Trí miêu tả là người chuyên giải quyết những “ca” khó như hầm sập hay khui hầm trong mùa mưa bão. Thế nên, mới đến nhưng Thành đã “tay cầm búa và chạm chủ lực trong nhóm Hiếu Râu. Ca đầu tiên ra mắt Thành vung búa mười bao”[4, tr.20]. 

Miêu tả những con người khổ nhất gầm trời, Nguyễn Trí không đẩy xa họ với con người hiện thực đời thường mà xây dựng họ hiện thân là những nhân vật gần gũi với đời thực bằng những tính cách rất người. Nghĩa là bên cạnh những phẩm chất tốt, họ còn có cái xấu, những điểm yếu vốn có của con người nói chung. Điều này thể hiện cho một quan niệm nghệ thuật về con người đa diện của Nguyễn Trí. Ngang tàng, ngạo nghễ, giỏi võ và nghề nhưng họ cũng có những cái sợ rất người, rất đời. 

Nguyễn Trí viết về các “anh hùng” phu bãi như viết về chính cuộc đời mình. Những Minh Tàn, Thu Râu, Thành Bụi… là những hình mẫu minh chứng cho cuộc đời thăng trầm của Nguyễn Trí. Một con người từng trải, “anh hùng” một thời nhưng giàu nghĩa tình và run sợ trước những biến động của cuộc đời. Đúng như nhà văn Lê Minh Khuê đã nhận xét: “Như nhiều truyện ngắn của Trí, đọc rồi mới thấy tác giả là người có tình, nghĩ ngợi thâm sâu, nhân hậu, có cái run sợ khi sống và hành xử với đời”. Đồng thời, qua những nhân vật ấy, ta còn thấy được quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Trí. Đó chính là con người đa diện như chính con người cụ thể, sinh động ngoài đời.

Tiêu Viết Hải
Bài đã đăng trên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét