Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN PHÚ YÊN (ThS Lê Kim Tám)




NVTPHCM- Nhân vật là một trong những yếu tố rất quan trọng của truyện ngắn. "Nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách nào đó của con người hoặc các phẩm chất, tính cách, đạo đức của một loại người nhất định" (Từ điển văn học - bộ mới, 2003). 

Khác với tiểu thuyết thường miêu tả nhân vật trong một quá trình vận động và phát triển, truyện ngắn vốn ít nhân vật, thậm chí có khi chỉ tập trung vào một nhân vật và tập trung làm sáng rõ tính cách của nhân vật trong một biến cố, một tình huống thay vì chú ý đến quá trình phát triển. Nếu trước 1975, văn học tập trung phản ánh con người công dân, con người xã hội, con người của cộng đồng thì văn học đổi mới quan tâm sâu sắc tới con người cá nhân, con người của đời tư, thế sự trong sự tác động đa chiều của hoàn cảnh và những mối quan hệ nhân sinh, thế sự cụ thể. Khảo sát truyện ngắn Phú Yên từ năm 2000 đến nay, chúng tôi nhận thấy hệ thống nhân vật tập trung ở ba kiểu loại sau: Nhân vật người lính trở về đời thường, nhân vật người lao động nghèo và nhân vật người trí thức.

Nhân vật người lính trở về đời thường

Chiến tranh lùi xa hơn ba mươi năm nhưng đâu đó dấu tích của nó vẫn còn âm ỉ trong mọi người dân Việt Nam. Về thời bình, những người lính từng xông pha trận mạc, lại có khi cảm thấy hụt hẫng, chông chênh giữa thời buổi coi trọng giá trị vật chất. Các nhân vật người lính trong truyện ngắn của các tác giả Phú Yên cũng nằm trong tình trạng chung của người lính thời bình. Nếu người lính trong chiến tranh vệ quốc trước đây được biết đến với phẩm chất anh dũng, kiên cường, sự hi sinh cao cả, thầm lặng được bộc lộ rõ nhất, thì người lính trong cái nhìn thời bình lại được phản ánh ở những góc độ rất đời thường.

Nhân vật Già Tư trong Mưa đang trôi qua sông là trung đội trưởng trung đội đặc công, "sau hơn mười năm ở cứ, hơn ba mươi năm về lại quê nhà, từ một chàng trai vâm váp, nụ cười rộng mở nhưng không cản nổi dòng thời gian đã thành một kẻ già nua, cũ kỹ", về lại thời bình vẫn luôn nhớ da diết đồng đội của mình. "Nhắc đến Quyên, hay nghe ai nói tên Quyên, ngực ông buốt nhói như có vật gì đè nặng. Nặng hơn nhiều khi nghe tin thằng Chiến ngã xuống bên rào thép gai Mỹ, rồi thằng Hạ, thằng Hòa, thằng Dũng cũng hi sinh. Đau hơn nhiều khi nghe tin thằng Phong phải ra tòa và vào vòng lao lí vì tội tham ô". Nhân vật chú Sáu trong Gửi nắng cho sông cũng là lính đặc công. Hai mươi năm sau đận giải phóng, vì mặc cảm thương binh, lại bị nhiễm chất độc Dioxin quái ác, nên chú Sáu lẩn trốn, không dám gặp lại người con gái vì ông mà đợi cả đời. 

Người lính trong Gió đi qua vùng cát phải nếm trải nhiều bi hài của cuộc đời. Anh là lính đặc công, người được ví như cây đào lộn hột chịu được vùng gió cát. "Mỗi mùa hoa nở đậu trái, hạt bật ra ngoài treo lủng liểng chấp nhận cái nóng khủng khiếp", là người đầu tiên đánh vào sân bay Đông Tác, nhưng cũng là "người đầu tiên của xã bị kỷ luật" vì đào phế liệu Mỹ. Nhân vật Già Năm trong Dưới chân Thạch Bi Sơn quê tận Hải Phòng, tham gia vận chuyển vũ khí trên đoàn tàu Không số vào chiến trường miền Nam, yêu tha thiết mảnh đất Phú Yên, xem đây là quê hương thứ hai của mình. Hòa bình, già Năm lặn lội vào ngọn Thạch Bi Sơn xin một chân trong đội "chẻ đá", để tìm lại kí ức và người con gái năm xưa ở nơi đây. "Ông không thể đoán cô gái năm xưa nằm ở nơi nào, nhưng từ cõi sâu thẳm ông biết nàng đang ở đâu đây, gần lắm, như hòa quyện vào chính những con người ông đang gặp mặt, đang sống bình yên dù phải chịu mọi nhọc nhằn ngày ông trở lại". Ông Sinh, người từng "sát cánh bên đồng đội chiến đấu quên mình qua hai lần chống giặc, công lao rất nhiều, nhưng rốt cuộc cũng không bằng bạn bè chỉ vì thiếu chữ" (Làm cha). Một nữ du kích gan dạ trong chiến đấu nhưng bị oan trái và bất hạnh trong tình yêu: “Chị muốn nói hết nguyên nhân vì sao chị không thể ở lại nhà anh, tâm sự với anh sau những năm dài xa cách, song chị cứ nghèn nghẹn. Đâu phải chuyện gì cũng có thể nói ra. Có những chuyện mà con người ta suốt đời giữ trong im lặng mãi mãi”. (Người miền Tây). Một sĩ quan hoạt động trong lòng địch, hòa bình rồi, sau bao đắng cay mới được phục hồi công trạng: “Người sĩ quan quân báo bao nhiêu năm sống trong lòng địch, giờ được công khai mặc bộ quân phục Quân đội Nhân dân Việt Nam sao tay chân cứ lóng ngóng trông tội nghiệp!” (Quá khứ không ngủ yên). Truyện ngắn Sông không trở lại của nữ nhà văn Phương Trà là một tác phẩm hay về người lính. Người lính trong trang văn của Phương Trà lại được nhìn ở góc độ khác. Thay vì ca ngợi phẩm chất tốt đẹp thủy chung của người lính, tác giả khéo léo dựng lên một tình huống hiểu lầm giữa Thanh với Mạnh để tạo kịch tính vừa phải cho tác phẩm và để nhân vật bộc lộ tính cách tự nhiên, giản dị nhất. 

Không chỉ quan tâm đến đời sống của người lính thời những năm 1975, các nhà văn Phú Yên giai đoạn từ năm 2000 đến nay còn thể hiện người lính giai đoạn cứu người dân Campuchia khỏi họa diệt chủng ở góc độ đời thường. Trần và Nguyễn trong Bạn (Y Nguyên) là những người lính từng chung chiến hào, từng "mày tao mi tớ" khi tham gia chiến trường Tây - Nam ác liệt những năm cuối 1983. Sau chiến tranh, số phận nghiệt ngã khi sắp đặt cho họ: Trần là giám đốc, còn Nguyễn là cấp dưới trong công ty của Trần, "vị trí càng gần thì khoảng cách càng xa". Trước mặt vợ, người lo chiếc ghế giám đốc cho Trần, Trần là "sếp", Nguyễn là trợ lí giám đốc; nhưng trong thâm tâm của Trần, anh vẫn xem Nguyễn là bạn, người cùng vào sinh ra tử ở chiến trường, người từng cứu mình khỏi cái chết trước họng súng của bọn Polpot. 

Trở về cuộc sống đời thường, người lính vẫn giữ những phẩm chất đáng quí như thời xông pha trận mạc. Bên cạnh sự trân quý những hi sinh thầm lặng của họ trong chiến tranh, các nhà văn còn băn khoăn về sự bù đắp của xã hội cho những mất mát của họ. Họ có thể bỏ cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường, về thời bình họ cũng không hề đòi hỏi công lao. Viết về những người lính, các nhà văn Phú Yên vẫn luôn giữ ý thức ngợi ca. 

Nhân vật người lao động nghèo

Bên cạnh nhân vật người lính trở về đời thường, nhiều nhà văn Phú Yên còn chú ý đặc biệt đến những người lao động nghèo. Họ là lực lượng đông nhất trong xã hội, là những người dễ bị tổn thương nhất trước những thay đổi của đời sống xã hội, nên sự quan tâm của các nhà văn đối với họ là điều dễ hiểu. Những người lao động nghèo trong Nơi khoảng không bao la ra đi từ các vùng quê hẻo lánh, nghèo khổ của miền Trung tìm đến với thành phố để mưu sinh. Họ làm nghề lau cửa kính cho các tòa nhà cao tầng ở thành phố, cái nghề mà "Ôi chao, lỡ sơ sẩy rơi là nát bét như đống cứt bò. Thằng thợ lặn còn húp chén mắm nhỉ chống lạnh lẫn tăng độ can đảm, tên lau chùi tử thi để nhập quan còn nốc được li rượu mà khử mùi và tăng sức đề kháng. Còn đây hả, cấm chất kích thích, cấm tiệt".

Nhân vật trong các sáng tác của Phùng Hi thường là người trí thức với muôn mặt của đời sống. Tuy nhiên, anh cũng thường chú ý đến những người lao động nghèo khổ với ước mơ đổi đời và bao sự nghiệt ngã của cuộc sống thời đồng tiền "lên giá". Các truyện ngắn Tỵ và Ngọ, Tôi có vợ là những ví dụ tiêu biểu. Tỵ lúc nhỏ "vừa chăn bò vừa học hết tiểu học là nghỉ". Còn Ngọ "cũng nghỉ ngang lớp 10, ở nhà làm ruộng". Tỵ là con quạ hiền lành, Ngọ là con công dễ thương. Họ đến với nhau bằng tình yêu mộc mạc, chân chất, có với nhau hai mặt con. Nhưng vì muốn đỡ đần cho kinh tế gia đình, Ngọ đã xin đi làm phụ hồ ở công trường. Một thời gian, Ngọ bị tên quản công giàu có, lịch lãm quyến rũ. Hạnh phúc gia đình họ bị đổ vỡ chỉ vì một phút yếu lòng của Ngọ. Nhân vật Tú trong Tôi có vợ cứ chần chừ không muốn lấy vợ vì mặc cảm nghèo. Hơn nửa đời người, anh gặp Nụ, người phụ nữ "xấu nhất trần gian", nhưng với anh, đó là người đẹp nhất đời. Đám cưới của họ cũng đơn giản. "Tôi đem 3 chỉ vàng vừa trúng vụ khóm, anh nàng phụ thêm 2 chỉ nữa, nhập lại làm chung cái đám cưới tại trại của tôi. Cái rạp cưới bằng lá dừa vừa dựng lên, mấy chú nhóc con bạn rẫy thấy tôi đi luồng nào chúng cũng chạy theo mừng "chú Tú có vợ, chú Tú có vợ"".

Xã hội thay đổi nên đôi khi tình cảm của những người thân trong gia đình cũng bị chi phối. Nhiều nhân vật người lao động nghèo rơi vào trạng thái cô đơn ngay giữa những người thân của mình. Nhân vật trong Người không có nơi về (Y Nguyên) không được gọi tên, chỉ biết đến với cái tên số 228 là một người lầm lỗi, phải trả giá bằng những ngày tháng "lao động khổ sai, chờ kẻng điểm danh, đồ sọc" trong tù, trở về gia đình lại bị chị dâu nhìn bằng con mắt "ngạc nhiên và gượng gạo". Anh bị cô đơn ngay giữa những người thân yêu nhất của mình. 29 tết mà không có nơi về, muốn thắp cho cha mẹ nén nhang cũng không được. Anh chỉ còn mỗi con chó Sacly là bạn ở "bãi khai thác gỗ vắng ngắt". Nỗi cô đơn ấy, anh chỉ biết đối thoại với chú chó hay đang tự độc thoại với chính mình: "Mày buồn hả? Ừ, tội nghiệp… khổ thân mày, phải chi mày biết nhậu… Gã ngừng lại, rót tiếp - Hay … tao với mày đổi chỗ nhé? Mày làm người, còn tao làm chó…- Ư, ư… - Con Sacly lắc lắc đầu rên rỉ. - Mày không đồng ý à? Khôn thật. Phải, làm người như tao, ai thèm đổi. Thà làm chó quách".

Những người lao động nghèo ở quê, đặc biệt là những người già trong truyện ngắn Ngô Phan Lưu thường là những người cô đơn. Chú Khiêu trong Buổi sáng biến mất cô đơn vì không tìm thấy chút ánh sáng nào vì căn bệnh hiểm nghèo của mình, trở nên cô đơn ngay giữa gia đình mình. Ông Răng (truyện Bộ răng của ông Răng) cảm thấy lạc lõng ngay giữa làng mà mình đang sống, thậm chí con cháu trong nhà cũng nhìn ông bằng con mắt lạ lẫm. Nỗi cô đơn của Lão Tư Cua cũng không kém. Lão thấy mình là người "khang khác với mọi người trong xóm" Trạch Thắng; là người "dám to tiếng với cụ Phiệt, người được kính sợ số một lâu nay" trong làng. Vì lời thách đố của cụ Phiệt và mọi người trong đám giỗ mà Lão Tư Cua đã 69 tuổi dám đánh cả cụ Phiệt, thầy Tào và một mình đi bắt cua đinh Xe Tăng. Khi bắt được con cua đinh cũng là lúc lão Tư Cua thấy "trống vắng đến cực độ. Lòng lão, đầu lão đều trống trơn. Lão nhìn xung quanh như xem ti vi, lão thấy đám đông bao quanh như không có thật, kể cả con Cua Đinh Xe Tăng cũng vậy, tiếng súng nổ cũng vậy. Không những không có thật mà còn vô nghĩa". Trong lời bạt cho tập truyện ngắn Người không giăng câu Kiều, Nguyễn Thị Thu Trang nhận định: "Đằng sau thái độ giận dữ và kiêu ngạo của ông Tư Cua là khát vọng được chiến thắng, được thể hiện mình của một đời người chỉ toàn thất bại; đồng thời cũng bao hàm cả trong đó nỗi cô đơn mà không ai biết". 

Nhiều nhân vật của Ngô Phan Lưu còn cảm thấy bất lực trước thực tại, điều đó đã đẩy họ vào trạng thái cô đơn. Các truyện Bầy người bé nhỏ, Bà thánh của hai người, Làng quê thì mênh mông, Cơm chiều, Trắng đêm để gặp nỗi buồn… là những truyện như vậy. Có khi, người lao động nghèo còn được các nhà văn thể hiện bằng thái độ trân trọng, bằng cái nhìn đồng cảm. Sĩ "máy cày" trong Một lát trưa dò sổ nợ để đòi tiền cày. Trước khi đến nhà chị Bọn góa chồng, anh hùng hổ "Con mẹ góa này trụi ráo nhân cách. Lần này đừng hòng cười duyên ỏn ẻo với tao!" và còn hăm dọa "Liếc mắt, tao móc mắt. Cười cợt, tao bẻ răng!". Nhưng khi đến nhà chị Bọn, chờ chị tắm, nhìn thấy bao phụ tùng của phụ nữ bề bộn trên giường, "anh cảm thấy mình vừa bị trói, lại vừa được thả cùng lúc". Anh giả vờ ra ngoài chờ, nhưng lại "dán mắt vào khe cửa dòm lén", vẻ "Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên" của chị Bọn khiến bản năng trong con người Sĩ trỗi dậy. "Đột ngột, Sĩ ôm ngang lưng chị. Anh đẩy nhẹ và chị đã ngã xuống giường… Căn nhà chao đảo, thời gian biến mất…". Ở đây, người lao động nghèo đâu chỉ lăn lộn với ruộng đồng để mưu sinh, họ còn biết sống với bản năng, khát khao tìm kiếm hạnh phúc. Đó cũng là sự trân trọng đáng quý của nhà văn Ngô Phan Lưu đối với người nông dân chân chất, thật thà. 

Nhân vật người trí thức

Trong văn học Việt Nam, bên cạnh nhân vật người lao động, nhân vật người trí thức cũng không thể thiếu trong hệ thống nhân vật văn học. Các nhà văn luôn quan tâm thể hiện, khái quát hình tượng người trí thức từ hiện thực đời sống vào trang văn của mình.

Nhiều nhân vật người trí thức trong các truyện ngắn Phú Yên thường rơi vào nghịch cảnh giữa khát khao sáng tạo nghệ thuật và thực tế cuộc sống không cho phép. Nhân vật nhà văn trong Những người không có lỗi (Y Nguyên) luôn sống trong tâm trạng bế tắc trước những đòi hỏi vật chất của người vợ: "Nàng bảo: "Tôi chán cảnh ở đợ không lương lắm rồi!". Anh yếu ớt: "Anh đang lo sự nghiệp…". Nàng gào lên: "Anh ở lại, cứ việc ôm lấy cái sự nghiệp ấy mà hôn hít, làm tình với nó. Còn tôi, tôi cần chồng…". Anh hụt hẫng như vừa bước sẩy chân xuống vực. Nàng cần chồng? - Mèn ơi - thì chồng nàng, cái thằng đại ngố là anh đây, vẫn còn sống nhăn; vẫn đang hì hục viết, vẫn một năm "đẻ" sòn sòn vài ba đầu sách" . Họa sĩ Hoàng Hải trong Đổi nghề (Trần Quốc Cưỡng) từng một "thời được giới hội họa tôn vinh với những tác phẩm mỹ thuật mang tính bức phá sáng tạo sâu sắc" thì giờ đây, vì cuộc sống mưu sinh, anh gác bút vẽ, "ngày ngày lùi lũi với bộn bề giấy vàng mã (…) Anh như một kẻ lạc loài, cô độc giữa thành phố ồn ào, xô bồ". 

Nhiều nhân vật trí thức trong truyện Huỳnh Thạch Thảo không thích "văn minh phố phường lai tạp bát nháo". Phần lớn họ là những người bỏ quê ra phố vì chiến tranh loạn lạc. Nhiều nhân vật sẵn sàng rời bỏ phố phường để trở về nông thôn tìm sự yên bình trong tâm hồn. Một vài nhân vật trong truyện của nhà văn Trần Quốc Cưỡng cũng tương tự. Truyện Trưởng tộc đời thứ tám (Trần Quốc Cưỡng) là một ví dụ. Nhiên bỏ lại công việc mà nhiều người ham muốn ở thành phố, cầm tấm bằng cử nhân trong tay về lại quê nhà để làm tròn trách nhiệm của người trưởng tộc.

Ba cô giáo Trực, Thẩm, Diệp trong Nơi không chỉ có khói núi (Đoàn Việt Hùng) chờ đợi mỏi mòn cái quyết định chuyển công tác về xuôi sau bao năm cống hiến tại vùng núi heo hút. Các cô đều "chuẩn bị bước tới cột mốc số "băm"". Nhưng nhìn ánh mắt "ngó chăm chăm về phía khu tập thể" của học trò, lời nói chân chất, đầy cầu khẩn của trưởng thôn Ama Bơk đã chạm tới trái tim của các cô giáo: "Mấy cô mang cái chữ lên cho tụi nó. Giờ mấy cô mang về thì cái đầu của lũ nó sạch trơn (…) Từ ngày có mấy cô về dạy chữ, dân làng mừng lắm. Tụi nhỏ biết được cái chữ, biết tính dạ lúa thùng bắp, biết viết cái chữ cho dân làng vay tiền… Tụi tôi biết được chuyện này chuyện nọ… Bây giờ mấy cô bỏ đi… thì hết ai dám về! Mấy cô mang tuốt cái chữ của tụi nhỏ đi theo…". Các cô giáo đã chọn "chốn này là của những đứa trẻ ấy, không chịu nổi những ánh mắt thất thần như bầy gà con lạc mẹ". Nhân trong Ea Roc (Phương Trà) cũng lựa chọn ở lại nơi rừng núi với "bọn trẻ đen thui đen thít, mặt mũi lấm lem kia", vì "tụi nhỏ tội nghiệp quá, thiếu thốn, thua thiệt trăm bề". 

Nhiều nhân vật người trí thức luôn trăn trở về đời sống vật chất trong thời mở cửa. Đã xa rồi cái thời "áo cơm ghì sát đất" (Nam Cao), "cơm áo không đùa với khách thơ" (Xuân Diệu), thế nhưng, trong thời mở cửa, hội nhập, đâu đó vẫn còn hình ảnh người trí thức vẫn băn khoăn, lo lắng về đồng lương bên cạnh sự cống hiến, yêu nghề. Truyện Thầy giáo uống cà phê của Phùng Hi là một ví dụ. Cứ ngỡ hai ông giáo hẹn gặp nhau ở quán cà phê, sẽ nói về chuyện dạy và học, hay chí ít là về học sinh, nhưng hóa ra họ tranh luận xung quanh đồng lương của giáo viên thời buổi mở cửa. So sánh đồng lương của giáo viên với cầu thủ bóng đá Cristiano Ronaldo, họ nhận ra "Tôi đi dạy một đời chỉ bằng anh ta làm việc nửa ngày, hơi quá trưa một chút, đúng không?"; hoặc khi so sánh đồng lương của giáo viên Việt Nam với giáo viên Hàn Quốc, anh ta cũng chua xót "Họ nhận 1 triệu 80 ngàn đồng trên một giờ làm việc. Còn tôi tính ra được 40 ngàn đồng trên một giờ, lương họ gấp 27 lần lương tôi. Vậy có thể nói họ dạy một năm bằng xấp xỉ tôi dạy một đời". 

Nhân vật người trí thức có khi rơi vào tâm trạng cô đơn do sự sụp đổ của tình cảm con người vì giá trị của đồng tiền. Thạc trong Chuyện nhà Thạc (Huỳnh Thạch Thảo) cũng cảm thấy lạc lõng ngay tại nhà mình. Anh rời giảng đường đại học, tham gia chiến trường Tây Nam. Ngày trở về chứng kiến bao sự thay đổi: cha mất, căn nhà xưa được người anh cả "cho tháo hết, rường kèo cúng quả cho chùa trong đợt bão thỏa ý mẹ lúc còn sống. Sách vở, cây kiểng, câu đối cũ rích để lâu cũng hỏng nên tôi mời các cụ bạn hữu của ông nhân ngày kị, tặng ráo, đỡ công chăm sóc và vừa ý cụ nơi chín suối". Người anh cả kính mến của Thạc giờ thay đổi quá, anh bị "hoa mắt" bởi giá trị của đồng tiền khi thị xã chuẩn bị lên phố. Thạc "tê người" khi phải kí vào tất cả những giấy tờ chuyển nhượng đất. Anh "mơ màng nhớ cha, nhớ bóng mẹ tần tảo đi về, nhớ mảnh sân xưa và những cánh buồm lô nhô nơi bến bãi của dòng sông, nhớ những lần dong trâu cùng bạn bè vượt sông mùa nước cạn". Đó là những nỗi cô đơn nhân thế của con người trước sự ghẻ lạnh, thờ ơ của người thân, hay sự thay đổi tâm tính con người quá nhanh vì vật chất của thời mở cửa.

Nhìn chung, nhân vật trí thức trong truyện ngắn Phú Yên rất đa dạng, tâm tư tình cảm của họ trong thời buổi kinh tế thị trường cũng như bao con người khác, cũng lo âu, suy tư. Có người giữ được bản tính tốt đẹp của mình, cũng có người bị thời buổi kinh tế thị trường "đánh" cho ngã quỵ. Cũng có khi, nhân vật trí thức vì những "tham, sân, si", vì "thèm danh" hay "muốn làm giám đốc" mà tự đánh mất mình, biến mình thành kẻ khác. 

Ðối tượng chung của văn học là cuộc đời nhưng trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm. Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những bức tranh thiên nhiên, những lời bình luận...đều góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho tác phẩm nhưng cái quyết định chất lượng tác phẩm văn học chính là việc xây dựng nhân vật. Ðọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện. Vì vậy, Tô Hoài đã có lí khi cho rằng "Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác". Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn Phú Yên từ năm 2000 đến nay cũng nằm trong mạch chung của kiểu loại nhân vật truyện ngắn Việt Nam đương đại. Thông qua nhân vật, nhà văn gửi gắm những ưu tư về thân phận, kiếp người trong hiện tại. Chưa thể nói bài viết ngắn này đã phản ánh đầy đủ diện mạo nhân vật trong truyện ngắn Phú Yên. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, hệ thống nhân vật trong truyện ngắn Phú Yên từ năm 2000 đến nay vừa đa dạng, phong phú về kiểu loại, vừa sâu sắc, tinh tế về góc độ phản ánh của tác giả. Các nhà văn Phú Yên vẫn đang miệt mài trên hành trình sáng tạo của mình, hi vọng sẽ góp thêm vào văn đàn cả nước những kiểu loại nhân vật mới mẻ trong tương lai.

Lê Kim Tám
Cao học Văn 17 Đại học Quy Nhơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét