Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

LỚP TÌNH THƯƠNG (TRƯỜNG ĐĂNG)



Đó là cách gọi thân thương của giảng viên dạy môn tiếng Anh Nguyễn Thị Thanh Trúc dành cho lớp cao học của chúng tôi ở Trường ĐH Quy Nhơn. Đã dạy hết số tiết quy định nhưng cô vẫn gọi lớp ở lại, tiếp tục bồi dưỡng kiến thức thêm 2 tháng nữa để chúng tôi thi trình độ B1. Việc làm của cô xuất phát từ tình hình của lớp, các học viên học tuy còn yếu nhưng lại rất cần cù, cố gắng. Cô luôn động viên: lớp mình khá hơn nhiều lớp, nhất là không giấu dốt. Phần này cô dạy miễn phí và gọi với cái tên trìu mến là “lớp tình thương”.

Môn tiếng Anh là nỗi “ám ảnh” của những người đã đi làm lâu năm không đụng đến lĩnh vực này. Nhưng chỉ trong vài ngày dạy- học, sự nhiệt tình, tâm huyết và thân thiện của cô đã xóa đi nỗi ám ảnh, sự rụt rè của học viên, tạo được không khí học tập sôi nổi cho lớp học.

Khi giờ học bắt đầu, cô- trò như là những người bạn thân thiện, cởi mở. “Cô cho nói tiếng Việt, nợ tiếng Anh hôm sau phải trả nhé”, cô luôn nở nụ cười cảm thông khi học trò bí từ hay phát âm sai trong những giờ “speaking” (nói). Ai đi học trễ hay lỡ để điện thoại reo trong lớp thì phải trình bày sự việc bằng tiếng Anh, yêu cầu nhẹ nhàng này thay thế cho những cái nhìn “căng thẳng” thường bắt gặp ở các lớp học khác.

Hôm nào đến lớp, ngoài chương trình trong sách “Face to face” cô luôn phô-tô những bài học bổ sung phát cho 50 học viên. Số tiền phô-tô tài liệu khá nhiều nhưng cô kiên quyết không nhận tiền của lớp gởi lại. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, lớp muốn gởi một món quà để bù đắp lại chút ít chi phí cô đã bỏ ra nhưng hôm sau cô gọi cán sự lớp ra, vẫn giọng nhẹ nhàng: “Hoa thì cô nhận nhưng quà thì cô gởi lại cho lớp! Cô chỉ mong lớp học tốt thôi”.

Lâu nay nghe râm ran về chuyện “phong bì” mỗi khi kết thúc bộ môn ở các lớp cao học, nhiều người đi học ở các nơi mách rằng, đây là “học phí” bắt buộc để có thể vượt vũ môn. Tuy nhiên, đến học ở Trường ĐH Quy Nhơn, nhiều học viên đã xóa được nỗi “ám ảnh” đó và người đầu tiên tạo nên hình ảnh đẹp là cô giáo dạy tiếng Anh. Cầm lại chiếc phong bì trên tay, cả lớp nhìn nhau không nói gì nhưng trong lòng mỗi người đã dâng lên niềm cảm phục và sự kính trọng trước tấm lòng, sự ân cần của một người thầy đứng trên bục giảng giảng đường Đại học.

TRƯỜNG ĐĂNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét