Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

" PHẢN BIỆN " VỚI PHỐ CỔ HỘI AN (Tạp bút Huỳnh Thị Diệu Duyên)



Chuyến đi thực tế sưu tầm văn học dân gian ở Hội An - Quảng Nam đã kết thúc từ cách đây một tháng . Dư âm của chuyến đi 2 trong 1 (vừa học, vừa du lịch này) vẫn còn đọng lại rõ nét trong tôi. Dư âm ấy là những tiếng nói đối lập của một cái Tôi có lẽ là “lập dị” với mọi người trong cách nhìn, trong sự cảm nhận về di sản văn hoá thế giới này.

Ngày rời Hội An trở về trường , tôi chào tạm biệt phố Hội với lời hẹn đinh ninh rằng sẽ quay trở lại đây vào một ngày gần nhất có thể . Không phải chỉ để thêm một lần dạo bộ trên những con đường nhỏ, dài và nằm gọn trong lòng phố cổ Hội An hay để được hoà mình vào đêm lung linh phố Hội - đêm 14 âm lịch hàng tháng. Lần trở lại ấy, tôi quyết tâm sẽ đi tìm cho bằng được cái hay của di sản văn hoá thế giới này – cái hay tự bản thân tôi khám phá, công nhận và chiêm nghiệm chứ không phải đọc được từ những lời giới thiệu …để Hội An thực sự là một vùng đất văn hoá đẹp - lạ và hay trong lòng tôi.

Mười ngày được sống trong lòng thành phố Hội An, đó đã là một cơ hội hiếm có. Mười ngày sống ở Cẩm Nam ngay gần khu phố cổ - đó lại càng là một cơ hội hiếm có. Hầu như mỗi ngày, tôi đều dạo phố cổ vào những thời điểm khác nhau để có được cảm nhận đa diện về phố cổ. Một Hội An bình thường trong cái lạ vào ban ngày ; một Hội An đẹp , yên bình về đêm.

Ngày đầu đặt chân đến phố cổ Hội An, choáng ngợp trong tôi là quần thể kiến trúc nhà cổ ở đây. Không có những ngôi nhà hiện đại với những chất liệu, gam màu rực rỡ, nổi bật, phố cổ thực sự khoác lên mình chiếc áo của sự rêu phong, trầm mặc. Thứ nữa, là sự ken dầy những nhà hàng đan xen nét văn hoá Việt- phương Tây. Và lẽ dĩ nhiên, còn là ở sự xuất hiện đông đảo những người nước ngoài đến đây, phần đông là với mục đích chủ yếu để du lịch, vui chơi .

Nhưng rồi khi cái ấn tượng ban đầu qua đi…phố cổ Hội An còn lại trong tôi là…

Đó là một Hội An buồn! Nhịp sống ở đây lặng lẽ, yên bình và trầm tư quá đỗi. Nếu như cái yên bình, cái trầm tư ấy giúp cho tôi tìm được sự tĩnh tại trong tâm hồn khi vừa dạo bước phố cổ thì khi quay trở ra, chợt thấy nặng lòng…chững lại vài giây trước cái sôi động, trước dòng chảy hối hả của những con đường bên ngoài khu phố cổ. Bất giác tự hỏi, người phố cổ có như mình không? Có cái khoảnh khắc thấy mình đứng lại phía sau dòng chảy của cuộc sống hay không? Chắc chắn , có người sẽ bảo tôi đó là điều đáng quý của phố cổ Hội An, nhất là khi cuộc sống hiện đại đang đẩy nhanh tốc độ : tốc độ sống, tốc độ làm việc…Nhưng phải chăng phố cổ sẽ hay hơn nếu trong cái trầm tư, bình yên ấy có cả nhịp sinh động, có cả cái trở mình, có cả hơi thở của cuộc sống bên ngoài kia. Phố cổ Hội An trong hiện tại dường như chỉ dành cho những tâm hồn cũng bình lặng, cũng trầm tư như thế. Những cá nhân, những cái Tôi thích “cựa quậy” như tôi đến với phố cổ lại thấy ý muốn muốn bức ra, muốn thoát khỏi bản nhạc trầm buồn này.

Mỗi ngôi nhà trong khu phố cổ, hấu hết cũng chính là một gian hàng, kinh doanh chủ yếu là các mặt hàng thời trang, mĩ thuật và đèn lồng. Dạo quanh phố cổ, tôi bắt gặp sự đơn điệu trong các mặt hàng bày bán ở đây, mặc dù phải công nhận rằng từ hàng thời trang đến tranh ảnh mĩ thuật hay đèn lồng đều rất tinh xảo và đẹp. Cảm giác hụt hẫng, thất vọng! Tôi đã mong chờ được ngắm những mặt hàng đậm chất Hội An mà không ở đâu khác có. Tôi mong đợi được khám phá nét đẹp văn hoá Hội An thể hiện trong những hiện vật cụ thể và sau đó, hân hoan giới thiệu vẻ đẹp ấy với bạn bè, người thân qua những món quà mang về. Vậy nhưng, thực sự tôi đã lúng túng…Một chiếc áo in hình chùa Cầu ư? Một cái ví có dòng chữ Hội An ư? Đó là những cái bình thường mà bất cứ một địa điểm du lịch nào cũng có, chỉ khác tên mà thôi. Bạn sẽ bảo với tôi “đèn lồng đó”. Ồ khồng! Không hiểu sao nó không ấn tượng mấy với tôi lắm. Tôi đã không mang về từ Hội An một chiếc đèn lồng nào cả.

Thỉnh thoảng bắt gặp hàng tò he từ làng gốm Thanh Hà với đủ hình dáng, với chùa Cầu nhỏ xinh đến ông mặt trời và cả những chiếc đèn lồng nữa. Không hiểu sao tôi thích ngắm những con tò he trong bộ 12 con giáp hay chú bé cưỡi trên lưng trâu…Nó quá đơn giản , quá tương phản với những mặt hàng sang trọng, đài các được bày trong những gian hàng kia nhưng thật thú vị , thật hay.Trong mặt hàng bình dân ấy là cả nét quê, hồn quê, hồn văn hoá Hội An mà không phải nơi nào cũng có được.Tôi không sao quên được cụ già ngồi bên rổ tò he, bàn tay nhăn nheo, ngón tay thô ráp tỉ mẩn nhặt ra bộ 12 con giáp và giảng giải ý nghĩa cho tôi nghe. Trong cái khoảnh khắc ấy, tôi như thấy cả phố cổ đọng lại chỉ nơi này thôi, nơi hàng tò he vỉa hè này…Kề môi, thổi tò he, âm thanh trong trẻo vang lên, âm thanh của đất, của khí trời, của tâm hồn những con người làm ra nó như nâng dậy cả một không gian văn hoá, đánh thức miền kí ức trong veo trong lòng mỗi người. Phải chi Hội An có thêm nhiều những hàng tò he nói riêng và những thức quà đậm nét văn hoá như vậy.

Hội An là một thành phố du lịch - quả không sai. Nhưng điều làm tôi chú ý nhất là thành phần khách du lịch ở đây. Trên mỗi bước chân trong và ngoài phố cổ, tôi đều dễ dàng bắt gặp khách du lịch. Nhưng hiếm hoi lắm mới gặp khách du lịch là người Việt. Thật lạ! Hội An - một di sản văn hoá của người Việt nhưng lại là thiên đường du lịch của người nước ngoài. Một nghịch lý đang tồn tại ở mảnh đất này. Tôi đã thử mang điều thắc mắc, có phần “bất bình” này hỏi những người Việt bán hàng ở phố cổ, và câu trả lời nhận được là những nụ cười. Họ từ chối trả lời hay là nụ cười ấy mang ý nghĩa gì khác? Tôi không rõ.

Nhưng quả thật, phố cổ Hội An - ở một góc độ nào đó, dường như không phải là địa điểm du lịch dành cho người Việt, hoặc thích hợp là nơi dừng chân lâu ngày để tham quan, để mua sắm. Một ngày ở phố cổ - tụi sinh viên chúng tôi- đùa nhau rằng chắc bằng học phí cả năm học của mình nếu mua sắm, thưởng thức ẩm thực…Nhà hàng theo phong cách phương Tây- phục vụ cho người nước ngoài; quần áo thời trang, chất liệu, mẫu mã, kích cỡ và giá cả của người nước ngoài!!! Trong khi đó, khó tìm đâu ra một nhà hàng đậm chất Việt, dành riêng cho người Việtoâi với giá cả Việt ở đây! Tôi không am hiểu lắm về du lịch và bản chất của du lịch nhưng tôi quan niệm rằng, một địa điểm du lịch, hơn thế nữa là một di sản văn hoá của người Việt thì trước hết, phải dành cho người Việt ; phải phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, khám phá, du lịch của người Việt. Vì sao? Vì địa điểm du lịch ấy, di sản văn hoá ấy đã, đang và sẽ sống trong lòng người Việt, được nhân dân gìn giữ, bảo tồn và xây dựng. Chỉ một khi chính người Việt hiểu về nó, biết về nó bằng chính sự cảm nhận của mình thì giá trị của nó mới thực sự là đáng quí, đáng trân trọng. Và cũng chính khi đó, di sản văn hoá ấy, địa điểm du lịch văn hoá ấy mới đến với bạn bè thế giới bằng vẻ đẹp chân thực nhất, sáng nhất.

Thử hỏi bạn, có bao nhiêu người phố cổ Hội An tự tin làm hướng dẫn viên cho bạn nếu bạn nhờ họ giúp đỡ ? Có dám chắc rằng người phố cổ đã đi đến tất cả những di tích văn hóa trong lòng phố cổ hay không? Và họ hiểu hết được ý nghĩa của những di tích ấy ? Câu trả lời là không! Tôi đã không giấu được sự thất vọng khi hỏi một người bạn Hội An mới quen là Bảo tàng di tích văn hóa dân gian Hội An nằm ở đâu. Người bạn ấy ngượng ngùng trả lời không biết. Buồn thay.
Phải chăng, du lịch Hội An đã hướng ngoại quá nhiều mà quên đi những nhân tố ngay trong lòng mình? Và phải chăng văn hóa phố cổ Hội An đang dần trở thành một nền văn hóa không thuần Việt? Khi mà nét văn hóa Việt ở đây đang phải biến đổi để đáp ứng nhu cầu du lịch từ bên ngoài.

Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn cũng như vị trí của phố cổ Hội An trong suối nguồn văn hóa của dân tộc. Không thể phủ nhận sự hiện diện của chùa Cầu- biểu tượng của Hội An, phủ nhận những lễ hội, lễ lệ đặc sắc ở đây, phủ nhận những tác phẩm thi ca, hội họa ghi lại một Hội An đẹp -một Hội An say lòng người. Nhưng có lẽ, Hội An - đặc biệt là phố cổ còn rất nhiều điều phải làm để thực sự trở thành một điểm nhấn, một dấu ấn trong lòng mỗi người khi đến đây, dù chỉ là dừng chân lại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Riêng đối với tôi, Hội An và phố cổ Hội An là một niềm nuối tiếc...

Huỳnh Thị Diệu Duyên
Cao học Văn học Việt Nam K14
Đại học Quy Nhơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét