Tân thắng kít xe lại trước mặt Lan và nhỏ Thùy với vẻ mặt đầy hớn hở:
- Đi ăn chè nhớ đi! Hôm nay tớ mời!
- Nhân dịp gì đây? Lan giọng phớt tỉnh.
- Ăn chè thôi mà cũng phải có lý do sao?
- Nó là vậy đó, một tháng rồi mà cậu chưa biết à, làm gì cũng phải có lý do.
- Ừ vậy thì có lý do đây: Mai tớ về quê chơi mấy ngày rồi ra Đà Nẵng kiếm chỗ trọ trước, làm quen với đường sá để chuẩn bị thi cho nó tốt.
- Ừ, lý do chính đáng, chấp nhận đúng không Lan?
Một cái gật đầu rồi ba đứa cùng đạp xe đi dưới cái nắng hè đang sắp đến hồi gay gắt. Tiếng ve giấu mặt râm ran trên vòm lá xanh vọng xuống. Những con đường trong thành phố giờ đây đã trở nên quen thuộc đối với Tân. Mới ngày nào “ở nhà quê mới lên” cậu còn lóng ngóng bị lạc đường mất hơn ba tiếng đồng hồ vẫn chưa mò về được đến phòng trọ của chị hai (dù phòng trọ cách trung tâm luyện thi chỉ chừng hai cây số). Tân không thể hình dung lúc đó mình ngố đến mức nào? Mồ hôi ướt đẫm áo sau hơn hai giờ đạp xe, vừa đói, vừa khát. Điện thoại cũng chẳng có để mà gọi. Lúc chị hai dẫn Tân đến lò luyện thi đã chỉ đường rất cặn kẽ. Trước khi ra về không yên tâm lắm chị còn quay lại hỏi: - Nhớ đường nổi không đó? - Chị cứ yên tâm, nãy giờ em chú ý kỹ rồi. Ba lần rẽ chứ mấy! Vậy mà chẳng biết rẽ cái kiểu gì Tân cứ đi một hồi lại đạp xe quay lại trung tâm. Bài toán chuyển động với Tân là chất điểm, vật mốc là cái trung tâm luyện thi to tổ bố, quỹ đạo chuyển động là từ trung tâm về phòng trọ thế mà một học sinh giải ba môn lý cấp tỉnh cứ loay hoay mãi không sao giải được. Tân chẳng biết làm thế nào bèn đánh liều cầu cứu hai cô bạn vừa bước ra từ lớp luyện thi môn tiếng Anh:
- Ở quê mới lên đúng hôn? Nhìn cái mặt là biết rồi! - Giọng nhỏ Lan lúc đó nói tỉnh queo đến bây giờ Tân vẫn nhớ như in. Hai đứa cười nắc nẻ khi đưa Tân về tới phòng trọ của chị hai. Tân ngớ người ra vì khoảng cách gần đến đáng ngạc nhiên vậy mà không hiểu sao cậu lại nhầm lẫn đến mức không tìm được lối dẫn vào con hẻm có phòng của chị. Hiện tại chị hai đang học ở giảng đường. Không có chìa khóa để vào phòng, Tân lại một phen lúng túng như gà phải tóc. Cậu chưa biết thế nào thì một trong hai cô bạn tốt bụng lên tiếng:
- Đó, lần sau nhớ đi cho đúng đường nghen! Nhà bọn tớ ở gần đây thôi, không nhớ thì cứ đứng ngay cửa trung tâm bọn tớ dẫn về giúp cho. Mà phải trả công đấy!
- Hả? Tớ phải trả công bằng gì đây? Tân ngượng ngùng và lúng túng đáp lời cô bạn.
- Không có đòi hỏi gì nhiều đâu. Mỗi lần dẫn về cậu trả hai ly chè nhớ là được rồi.
- Chè nhớ á?
- Á cái gì? Cậu chắc chưa ăn chứ gì? Thôi, hôm nay trả luôn đi, tiện thể đi ăn cho biết món chè nhớ ở đây.
Tân rất thích thú trước sự tự nhiên, tinh nghịch của hai cô bạn vừa may làm quen được. Chân ướt chân ráo lên thành phố thấy cái gì cũng lạ lẫm. Cổ đang khát khô, nhắc đến món chè hấp dẫn, Tân không thể từ chối. Cậu cười tươi mời hai cô bạn mới gặp cùng đến quán. Chẳng biết là do đang trong cơn khát hay do món chè lần đầu được ăn mà Tân làm một mạch hết bốn ly trước bốn con mắt tròn xoe ngạc nhiên của hai cô bạn. Hóa ra vì quán đông quá nhiều người phải đợi thành ra có tên là “chè nhớ” (nói lái lại là chờ nhé). Cuộc trò chuyện mỗi lúc càng tự nhiên và rôm rả khi Tân biết cả ba đứa ngẫu nhiên đăng ký ôn cùng một lớp Toán tại trung tâm. Tân đã biết được tên cả hai cô bạn dễ mến. Lan mắt to sáng, mũi cao thanh tú, tóc dài như con gái ở quê. Thùy có vẻ chăm tập thể thao nên nhìn rất khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Tân cũng kịp khoe rằng chị hai mình hiện là sinh viên năm thứ ba ngành sư phạm Anh của Trường đại học Quy Nhơn, nơi hai cô đang muốn thi vào.
- Chị hai tớ học giỏi lắm đấy. Tớ thấy chị được giấy khen sinh viên xuất sắc mấy năm liền.
Việc Tân thông tin mấy hôm nay cậu được chị hai kèm thêm cho môn tiếng Anh để chuẩn bị cho khối thi A1 cùng ba bạn khác trong xóm trọ làm cho hai cô bạn cũng rất tò mò.
- Chị cậu có nhận thêm học trò không? Bọn tớ còn nhiều điểm ngữ pháp chưa chắc lắm mà lớp tại trung tâm đông quá, xem ra khó hỏi giáo viên được.
- Dĩ nhiên là nhận chứ. Với hai người tốt bụng như Lan và Thùy có khi chị hai tớ miễn cho tiền học luôn ấy chứ!
Vậy là thật tình cờ, Tân đã có thêm hai người bạn giữa thành phố đông đúc này. Lan và Thùy đã xin làm học trò mới, đúng như Tân dự đoán, chị hai vui vẻ nhận lời kèm miễn phí. Tân có thêm bạn để cố gắng học tập vì lực học môn tiếng Anh của Lan và Thùy thực ra cũng rất khá. Buổi chiều sau những giờ căng óc cùng giải toán và “nghiền” đám từ mới chị hai giao, cả cô giáo và học trò cùng đạp xe vòng qua những con đường trong thành phố. Tân rất thích cái cảm giác được ngồi phía sau ôm eo chị hai. Ngày xưa học cấp một, chị hai vẫn thường đèo Tân như thế này. Có điều bây giờ chị đang chở Tân ngang qua con đường An Dương Vương - đường đẹp nhất thành phố biển Quy Nhơn chứ không phải đường làng quê mình. Một góc xanh mát mẻ của thành phố với công viên thiếu nhi, với thảm cỏ mát rượi mà các chị em rất thích khi được ngồi trò chuyện về những dự định mỗi đứa trong tương lai. Có khi học trò Lan, Thùy mời chị hai và Tân cùng đi ăn kem, hay ngồi nhâm nhi một ly nước bưởi ép (món khoái nhất của chị hai) trong quán “Góc phố dịu dàng” bên cạnh thư viện tỉnh.
Tân thích làm kỹ sư xây dựng. Đó là niềm mơ ước của cậu từ khi còn rất nhỏ. Công trình đầu tay sau khi ra trường mà cậu ấp ủ sẽ thực hiện là xây lại cái nhà của ba má cho thật khang trang. Căn nhà thời ông bà nội để lại cho ba Tân đã chịu trận không biết bao mùa mưa nắng vẫn chưa được sửa sang gì. Mấy năm nay chỉ với vài sào ruộng, nuôi dăm con lợn, ba má lo cho chị hai và Tân học hành chẳng còn hơi đâu tính đến chuyện sửa nhà. Lan và Thùy có nhiều điều kiện tốt hơn chị em Tân. Nhưng Tân thích nhất hai cô bạn của mình ở điểm là người thành phố nhưng không kiêu kỳ, điệu đà ra vẻ. Cả Lan và Thùy vừa xinh đẹp, vừa hiền lành chất phác và học rất chăm, chẳng khác gì chị hai Tân hồi còn ở quê. Chị hai Tân nhìn người chẳng sai, chị nhận xét tính cách ấy của Lan và Thùy rất hợp với nghề sư phạm.
* * *
- Mai cậu về thật đấy à? Lan hỏi với giọng hơi trầm khác với kiểu đùa giỡn vui vẻ thường ngày Tân vẫn thấy.
- Về thật chứ chẳng lẽ nói chơi. Mà về nhà tớ nhớ hai cậu nhiều lắm đó nghen!
- Ui! Cảm động đậy quá đi mất! Mà có thật không vậy! Không có thì đừng có dối lòng nghen. Cả tháng nay ngày nào cũng nghe cậu rên rỉ nhớ nhà, nhớ má, muốn về nhà chứ có thấy nói nhớ gì hai đứa tụi mình đâu.
- Hì hì, thì giờ sắp về quê nên tớ mới nhớ nè. “Gần nhau thấy cũng bình thường/ Xa nhau mới thấy tình thương dạt dào mà!”
- Trời ơi! Có bị ai nhập không đó. Bữa nay còn bày đặt nói chuyện bằng thơ nữa hả? Thùy tỏ vẻ ngạc nhiên trêu Tân.
- Hôm nay tớ muốn mời cô giáo và cậu về nhà chơi. Cậu thích ăn món gì hai bọn tớ đãi.
- Sướng vậy! Tớ ủng hộ hai tay luôn. Chắc chị hai sẽ đồng ý thôi.
- Nhưng mà có điều kiện đấy!
- Hả? Gì nữa đây Lan, chè nhớ mình đã mời rồi mà…
- Không phải. Ý tớ là sau này thành tân sinh viên của Đà Nẵng rồi cậu không được quên phố biển Quy Nhơn của bọn tớ đâu đấy.
- Tưởng gì. Chuyện đó tớ làm được. Không cần cậu nhắc thì tớ vẫn nhớ mà.
- Chưa hết!
- Nữa hả?
- Ừ! Thi xong, cậu dẫn hai đứa tớ về quê cậu chơi được không? Bọn tớ gặp cậu và cô giáo, tự nhiên thấy thích con người Phú Yên quá đi.
- Hả, có nịnh quá không đó!
- Không hề nha! Bọn tớ nói thật đó. Mà quê cậu có nhiều cảnh đẹp không?
- Có! Nhiều lắm! Hôm nào vào chơi tớ dẫn cho hai cậu đi mỏi chân luôn!
Chiều hôm đó bốn cô trò được mẹ Lan đãi những món ngon lành trong bữa cơm thân mật. Những vòng xe lăn đều theo tiếng cười, tối nay Tân đèo chị hai lòng vòng khắp lượt những con đường cậu đã nhớ tên: Xuân Diệu, Nguyễn Huệ, Lê Hồng Phong, Mai Xuân Thưởng, Phạm Hùng… và dừng lại ngắm Trường đại học Quy Nhơn một lát. Tối nay cậu thấy lòng mình nhiều cảm xúc. Cậu không hề thấy tiếc nuối vì đã đăng ký dự thi vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng chứ không phải đại học Quy Nhơn, nhưng lòng cậu thấy mình đang gắn bó rất sâu sắc với mảnh đất này. Phút bỡ ngỡ, lạ lẫm ngày mới đặt chân đến đã hoàn toàn biến mất để nhường chỗ cho một sợi dây tình cảm đang được thắt chặt. Cậu là một đứa con của quê hương Phú Yên chịu khó đi xa để học thêm nhiều điều hay từ những chân trời mới. Cậu may mắn tìm thấy những người bạn tốt nơi mảnh đất được biển ôm lấy với dáng nằm nghiêng nghiêng, với tên gọi thơ mộng “thung lũng tình yêu”. Cậu tìm thấy tình yêu thương và sự quan tâm của mẹ qua bàn tay chu đáo của chị hai suốt một tháng nay. Ba cậu nói đúng: - Nếu ta có tình yêu, ở đâu cũng sẽ là nhà. Chẳng bao giờ ta thấy lẻ loi, đôi chân ta sẽ đi được xa hơn và sẽ thấy cuộc đời này tuyệt biết bao vì ta đã có những người bạn đồng hành.
- Viết gì trên cát đấy Tân? Tiếng chị hai hỏi dịu dàng trong tiếng sóng biển đang rì rào vỗ nhịp cho bờ yên giấc ngủ.
- Em viết tên chị hai đấy! Mai về nhà rồi nhớ hai quá đi!
- Thôi đi ông tướng! Ráng ôn bài vở mà thi cho tốt, sang năm đậu rồi mỗi lần ra Đà Nẵng học tiện đường ghé Quy Nhơn chơi, chị hai còn học ở đây một năm nữa cơ mà!
- Lẽ ra cậu phải thi vào ngành văn học chứ không phải kỹ sư. Lan nhận xét.
- Ủa sao thế cậu?
- Thì tâm hồn ướt át, bay bổng quá chớ sao! Thấy cậu lúc nào cũng nhớ nhớ, thương thương, có khi nào đầu óc được yên một chỗ đâu.
- Thôi em đừng trêu nó nữa. Nhiều cảm xúc cũng tốt mà. Cảm xúc làm khởi phát lên những ý tưởng hay đấy em à.
Bốn cái đầu ngồi cạnh nhau hướng về phía biển. Họ nghe trong tiếng sóng đang rì rào những ước vọng tốt đẹp của ngày mai.
TRẦN QUANG HƯNG
Học viên Cao học Văn K10, ĐH Quy Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét