Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

CẤM KỴ VÀ GIẢI CẤM KỴ (TS. Châu Minh Hùng)


Chu Mộng Long – Bài viết này không dám tranh luận chuyện “nhạy cảm” với Trần Mạnh Hảo mà từ anh để luận về chuyện khác, mang tính “đời sống” và “văn hóa” phổ quát hơn. Và để tặng/ trao cho Nhã Thuyên biết thêm nhiều điều về Cấm kị chứ không thể hồ đồ…
Trong một bài viết, với tiêu đề mượn từ K.Marx: Sự thật là tiêu chuẩn của chân lí, nghe nói là tham luận tại Đại hội Nhà văn lần thứ VIII, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đòi “Gọi sự vật bằng tên của nó” theo cách ngôn của phương Tây”, nhưng anh lại viết: “Mèo giấu của quý” là sao? Chứng tỏ anh cũng chưa triệt để. Thảo nào anh từng chê Nguyễn Huy Thiệp “ném cứt” vào văn học.
Chẳng lẽ bắt Trương Chi (Truyện Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp) phải suốt đời ngọt ngào “hát ngợi ca quyền lực, tiền tài, danh vọng” trong khi chàng phải đối diện với tình yêu mơ màng lảng xẹt và bất tín của con gái quan tể tướng…

Nếu không cực đoan, cho rằng có những sự thật cần phải giấu kín thì chấp nhận được. Bởi lẽ, không phải thứ gì cũng phơi ra tuốt tuồn tuột. Cấm kị là tất yếu của loài người văn minh, kể từ khi nó biết mặc quần và cởi quần ịa đúng chỗ.
Linga và Yoni
Cấm kị (Taboo) trong nghĩa rộng bao hàm mọi thứ thuộc về luật lệ: chính trị, pháp luật, đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ, trong đó, thuật ngữ Taboo thường khuôn hẹp trong lĩnh vực đạo đức – văn hóa – thẩm mĩ.
Nhưng giữa đạo đức – văn hóa – thẩm mĩ trong đời sống với điều tra nghiên cứu trong khoa học (kể cả sáng tạo) lại khác nhau. Nói cách khác, khoa học và nghệ thuật không có vùng cấm. Có thứ bị cấm trong đời sống nhưng vẫn phải điều tra nghiên cứu hay sáng tạo về nó. Chẳng hạn, cấm cởi quần (nơi công cộng thôi nhé!) nhưng cái trong quần lại là đối tượng nghiên cứu và sáng tạo muôn đời nay. Quan trọng là, khi trở thành đối tượng nghiên cứu và sáng tạo, nó không còn là nhục dục mà là tinh thần.
Trong đời sống, với tư cách là những khế ước xã hội, phàm cái gì đã cấm thì cấm bình đẳng và cấm cái có hại cho cả cộng đồng. Cấm người khác nhưng mình được tự do là bá đạo. Chẳng hạn như luật hóa phụ nữ chính chuyên một chồng nhưng đàn ông thì được tự do đa thê là sự ngụy biện bất lương của chế độ phụ quyền. Thậm chí, việc bắt đàn bà phải ngồi đái nhưng đàn ông thì trọn quyền đứng đái, đàn bà phải khép nép nhưng đàn ông thì được quyền tô hô… cũng hoàn toàn bất công như các nhà nữ quyền luận đã từng mang ra chất vấn. Công, Dung, Ngôn, Hạnh nếu cho là hay thì áp dụng cho mọi giới chứ không chỉ dành riêng cho phụ nữ.
Cái lằn ranh giữa tự do và cấm kị là con đường tất yếu mà nhân loại phải lựa chọn. Lịch sử văn minh của loài người là lịch sử điều chỉnh liên tục để tạo ra sự cân bằng giữa hai cực ấy. Không thể có tự do tùy tiện và cũng không thể tồn tại cấm kị khắt khe, phi lí.
Tranh Picasso
Ở đây nói về quyền phát ngôn, khi đã được mở miệng nói thật thì nên nói thẳng. Đó là bản lĩnh của sự nói. Nếu người nói có nói sai thì người nghe cũng nên lắng nghe và đối thoại, chỉ ra hướng điều chỉnh thích hợp chứ không nên trấn áp thô bạo bằng hành vi mờ ám hay bất cứ sự nhân danh nào.
Từ ngữ, bản thân nó không hay, không dở, không đẹp, không xấu. Hay hay dở, đẹp hay xấu là biết đặt đúng chỗ của nó. Hồ Chí Minh đã từng khuyên thế (khi ca ngợi anh lính trong tiểu thuyết Nga văng cứt vào kẻ thù) chứ không đợi đến các nhà ngữ văn học. Nói nôm na (cho nó thật nhé), cũng giống như chuyện ỉa đái là nhu cầu bình đẳng với ăn uống, không thể cho phép cái này mà cấm cái kia. Đau khổ chi bằng mất tự do/ Đến buồn đi ỉa cũng không cho (Hồ Chí Minh – Nhật kí trong tù). Phàm cái gì đặt đúng chỗ là văn hóa, sai chỗ là vô văn hóa, bất luận là ăn uống hay ỉa đái (và cho cả mọi chuyện). Ỉa đái đúng chỗ khác với ỉa đái tùy tiện chứ không thể quy chung rằng, cứ nói đến ỉa đái là vô văn hóa hay phi văn học!
Đây là đề tài bùng nhùng nhất kể từ sau thời Phục Hưng với hiện tượng François Rabelais: người khổng lồ có khi không làm nên những kì tích anh hùng mà ăn khổng lồ và ịa ra những bãi cứt khổng lồ (Tiểu thuyết trào tiếu Gargantua and Pantagruel). Giữa các tư tưởng cấp tiến và các định kiến về đạo đức – văn hóa đã từng tạo ra những cuộc tranh luận bất hòa giải xung quanh cái khu vực bị cho là “cấm” hay không “cấm” này.
Kiệt tác của Francois Rabelais và tranh minh họa của Louis Icart French
Thực ra, giữa Tục và Thiêng đã là chuyện rối bời kể từ rất lâu, từ khi cái Linga và Yoni linh thiêng trong các điện thờ bị đánh tráo/ném ra vỉa hè thành cái Tục để nhường ngôi vị trung tâm cho Thần thánh. Thần thánh, nói theo Marx, là sản phẩm hư ảo của trò chơi tuyệt đối hóa quyền lực trong cuộc tranh chấp với quyền lực nguyên thủy – sức mạnh của sự sinh nở, phồn thực. Từ đó cái Tục cứ chạy lung tung “bên lề”, mỗi khi bị kìm nén đến độ bức xúc là nó văng ra vô tội vạ, lẫn lộn giữa vưu vật với phế vật (Xin lỗi vì định kiến nên phải dùng từ Hán Việt cho “sang”).
Khái niệm Tục ban đầu không hề mang nghĩa Xấu mà hoàn toàn trung tính: Trần Tục, Thế Tục đối lập với Thiên Đường, nhưng do sự đối lập nhị phân Xấu/Tốt, Tục/ Thanh trong cái nhìn của siêu hình học mà nó bị áp đặt sang nghĩa Xấu.
Sự áp đặt đầy kìm nén này làm cho sự văng tục được sinh ra như là một hoạt động vô thức. Và vì vô thức, không thể kiểm soát được, nên đôi khi người văng tục tưởng hạ nhục kẻ khác nhưng lại tự xúc phạm chính mình. Cái vưu vật (của quý) của mình đôi khi được đem ra đồng hóa với phế vật (chất thải) hay với bộ mặt bẩn thỉu của ai đó. Văng tục là điều khó cấm/ tránh trong một môi trường xã hội đầy kìm nén và ức chế, cho nên cũng cần phải được trang bị hiểu biết về sự văng tục…
Văng tục thường bị quy về kẻ thấp hèn, không phải vì họ thấp hèn mà vì nó thường trút xả từ miệng kẻ yếu thế hay thân phận thấp cổ bé họng. Khi ấy nó tồn tại như là thứ quyền lực thứ hai, quyền lực phản kháng (do sự áp bức của quyền lực thống trị mà ra, và cũng có thể do sự phục sinh hay nổi loạn tự nhiên của quyền lực nguyên thủy) theo cách diễn giải về quyền lực của M. Foucault.
Vì thế, thà để cho người ta trút xả trong điều kiện có thể vẫn tốt hơn là cấm kị, vì có những thứ cấm kị gây kìm nén đến mức dễ dẫn đến hình thức phản kháng nguy hiểm khác: bạo hành, bạo loạn, như S.Freud trước đó đã từng cảnh báo!
Lại phải nôm na rằng, Cấm kị khắt khe đôi khi giống như những khẩu hiệu Cấm đái, Cấm ỉa (tưởng là văn hóa ư?) nhan nhản khắp góc đường, con phố; trong khi người ta không chịu nghĩ, thay vì cấm và cấm, nên xây công trình vệ sinh công cộng để người đi đường không phải bị ức chế mà phóng bừa!
Về ngôn ngữ, không thể không thừa nhận rõ ràng rằng, sự dối trá bắt đầu bằng cái gọi là “nhã ngữ”, sau nó là “xảo ngôn”, “tráo ngôn”. Trong lịch sử ngôn từ, từ ngữ nguyên thủy bị che khuất dần bởi cái gọi là Taboo – Cấm kị. Cấm kị không đơn thuần là khế ước xã hội mà nguyên là sản phẩm được kiến tạo bởi quyền lực thống trị, nó sinh ra thứ diễn ngôn được hợp thức hóa hay mệnh danh là văn hóa – đạo đức để áp đặt trật tự thống trị làm cho ngôn từ bị lệch lạc, dị dạng dần mà người ta cứ tưởng là sang trọng để đánh lừa nhau.
Quyền lực đúng là thứ tạm bợ trong những thời đại phi dân chủ. Chính quyền lực thống trị đã chơi trò chơi Cấm kị để độc quyền thực hiện những điều Cấm kị. Như thể chế phụ quyền hay thời đại phong kiến chẳng hạn. Kẻ thống trị cấm phụ nữ nhiều thứ, từ ăn mặc, sinh hoạt đến tình yêu, tình dục để chúng trọn quyền hưởng thụ thân xác phụ nữ. Cho nên Nhã Thuyên nói Cấm kị chỉ là “tạm bợ”, dù không hoàn toàn thỏa đáng, vì có những Cấm kị văn minh phải được duy trì, như cấm xả rác bừa bãi… chẳng hạn, nhưng không phải không có lí do, vì có những Cấm kị vô lí đã từng và đến lúc phải bị giải bỏ!
Gần đây, người ta hay dùng thành ngữ “đánh đĩ ngôn từ” cho hiện tượng nhã ngữ, xảo ngôn, tráo ngôn thật thỏa đáng!
Đơn giản, khi anh uốn lưỡi quanh co nhiều lần để nói, anh khó nói thật, ngôn từ của anh chỉ còn là tấm áo khoác mĩ miều hay thứ son phấn giả tạo che đậy hết mọi sự thật.
Cái Thiêng, cái Huyền ảo cũng sinh ra từ Taboo vì nó cấm cái Thực để tạo ra cái Ảo, hạ thấp cuộc sống trần tục để tôn vinh thế giới Thần linh. Đến lúc phải chất vấn theo cách của Rabelais: Tại sao người khổng lồ chỉ có làm nên những kì tích phi thường để được ngợi ca? Và bản chất của sự ngợi ca ấy là ngợi ca cái gì, cho ai, hay chỉ mượn Thần thánh để ngợi ca quyền lực, như chính F. Engels đã đặt ra khi luận về Anh hùng ca trong Nguồn gốc gia đình, sở hữu tư nhân…?Phải chất vấn như thế thì có lẽ mới tìm thấy được chân tướng sự thật!
Cho nên, cuộc cách mạng về “nói thật, nói thẳng” phải bắt đầu bằng sự lột trần chiếc mặt nạ Taboo, “khảo cổ” mọi thứ tri thức bằng cách bóc bỏ lớp son phấn đồng bóng thiêng liêng, huyền ảo giả tạo, trả ngôn ngữ về đúng trạng thái ban đầu của nó. Giải thiêng, giải huyền mang nghĩa như thế. Nhưng kẻ có quyền lực nghe đến món này là hơi bị sốc, lập tức nhảy dựng lên chứ dân gian thì… vô tư!
Dân gian hồn nhiên, nên họ có thành ngữ chế nhạo kẻ cầm quyền khắt khe, và cả bọn trí thức hủ nho: “Trịnh trọng như đau ỉa”. Và chính dân gian đã tạo ra Samidazt bằng việc xuất bản miệng những câu chuyện cười “bên lề” để giải thiêng, giải huyền, cân bằng hóa giữa trịnh trọng nghiêm trang và hài hước đùa cợt, đưa cuộc sống con người thoát khỏi ám ảnh của bóng ma huyền hoặc để trở về thế tục, về với sự thật.
Các ấn phẩm có tính chất Samizdat của Nguyễn Ái Quốc
Nói “Samisdat ra đời không phải vì mục đích văn học, mà chỉ là một phương tiện phục vụ hoạt động chính trị chống đối chế độ, nên khi “sứ mạng” xong rồi thì Samisdat cũng bị lãng quên” là cách lập luận thiếu hiểu biết, thậm chí nguy hiểm. Với tư cách là sự tự xuất bản để né tránh kiểm duyệt, Samizdat có nguồn gốc tự phát từ nghệ thuật truyền miệng dân gian và phát triển thành tự giác ở những hoạt động bên lề, trong đó có những nhà cách mạng dân chủ. Phê hoạt động bộc phát, nông nổi có tính gây hấn nhất thời của nhóm thanh niên Mở Miệng thì được, chứ khái quát lên rằng, khi “sứ mạng” xong rồi thì Samisdat cũng bị lãng quên là vô tình hay hữu ý đã coi thường, hạ bệ những trước tác của dân gian, của Hồ Xuân Hương, của các bậc tiền bối cách mạng thời phát xít, thực dân như K. Marx, F. Engels,… Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tố Hữu, Hồ Chí Minh… Những trước tác của những người này trong đêm trước cách mạng là gì nếu không phải là những ấn phẩm mang tính chất Samizdat???
Tôi không xem văn chương của nhóm Mở Miệng là hay, nó gây hấn cực đoan, nhất thời và mang tính tiêu dùng như chính tuyên ngôn của Chủ nghĩa Hậu hiện đại mà họ đã ảnh hưởng, nhưng mọi lập luận chính thống để bác bỏ nó đều phải cân nhắc, thận trọng, không thể hồ đồ, nếu không thành gậy ông đập lưng ông.
Samizdat là hiện tượng phổ biến của mọi thời đại, thể hiện bằng nhiều hình thức: truyền miệng, photocopy, liên mạng… Nó tồn tại bên lề như xưa nay vẫn tồn tại với những tiếng nói khác để đối thoại với tiếng nói trung tâm – chính thống, và đến lúc không còn có thể cấm kị cực đoan hay trấn áp thô bạo. Thay vì phải trấn áp là theo dõi, quản lí và nghiên cứu một cách nghiêm túc. Nếu có cái nhìn tỉnh táo thì Samizdat cho thấy giới hạn và cả tác động ngược của sự kiểm duyệt hơn là tính chất “nguy hiểm” của nó.
K.Marx nói, kiểm duyệt sẽ sinh ra “những chiếc quái thai tắm nước hoa”. Tôi nói thêm, nghiêm túc hơn, nó sẽ sinh ra sự phản kháng cực đoan. Và như thế, cấm kị, mà lại là cấm kị nghiên cứu, tìm hiểu, chẳng khác nào tự bịt mắt, bịt tai mình?
Góc nhìn này được tự do?
Quay lại với cái gọi là sự thật. Nên nhớ, sự thật còn tùy thuộc vào góc nhìn. Nói như F. Saussure trong Ngôn ngữ học đại cương, trong giới hạn của chủ thể, không thể có cái nhìn nào bao quát toàn dãy núi Alpes mà chỉ có thể nhìn thấy một góc cạnh nào đó từ bề mặt của nó. Những người thích vạch trần cái xấu của kẻ khác (kể cả thể chế này hay thể chế kia) cũng chỉ là góc nhìn chứ không là tất cả sự thật. Vì thế, Chủ nghĩa Hậu hiện đại xem cái gọi là sự thật đó cũng chỉ là những diễn ngôn – sản phẩm của ý thức hệ và tri thức, con người đã nhìn thế giới theo cách nghĩ, cách hiểu của mình hơn là như nó vốn có. Cho nên, điều quan trọng là góc nhìn – cách nghĩ trong sáng, minh bạch hay không chứ không phải làthật hay không thật. Thì đấy, trên đời chẳng thiếu kẻ tiểu nhân, chuyên soi mói vụn vặt cái gọi là sự thật để quy chụp, xuyên tạc, bôi nhọ, tạo điều kiện cho đám đông dân trí thấp đánh hùa. Gần nhất, có những kẻ nhân danh đạo đức – văn hóa, săm soi máy ảnh vào tận háng người ta rồi giật tít lu loa lên lộ hàng, lộ hàng không phải là góc nhìn, cách nhìn, cách nghĩ bẩn thỉu ư? Theo các nhà Hiện tượng luận, không ai đủ khả năng nhìn thay cho mọi góc nhìn mà quan trọng là biết “dung hợp tầm nhìn” để tránh sự thiển cận…
——————-
 - Xem bộ sưu tập tranh của Louis Icart French (1890 – 1950) minh họa cho kiệt tác Gargantua and Pantagruel tại đây.
- Tranh minh họa thơ Hồ Xuân Hương của danh họa Bùi Xuân Phái tại đây.

Dẫn lại theo Blog Chu Mộng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét