Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

QUYỀN LỰC VÀ GIẢI QUYỀN LỰC (TS. Châu Minh Hùng)

K.Marx (1818-1983)
và F.Engels (1820-1895)



Chu Mộng LongBài viết này xem như một cách diễn dịch và phát triển triết luận về quyền lực theo tinh thần của các nhà giải cấu trúc ảnh hưởng lớn nhất thế giới đương đại, M.Foucault và J.Derrida, trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Tình trạng bạo lực, hỗn loạn vô chính phủ đang lan tràn khắp nơi trên thế giới nhưng thường được ngụy tạo bằng sự dựa dẫm vào những thứ tri thức phản triết học được mạo danh bằng triết học.

Trước hết, cần xác định M.FoucaultJ.Derrida nguyên là những người cộng sản. Họ không chống chủ nghĩa Marx mà tôn trọng, phát triển nguyên lí biện chứng của chủ nghĩa Marx, chuyển cấu trúc luận thành hậu cấu trúc và giải cấu trúc.

Đồng tình hay không là quyền của mỗi người với tư cách là một chủ thể. Đây là triết học phổ quát cho mọi nền thống trị, từ chế độ phụ quyền trong gia đình đến các chuyên chế xã hội.

Triết học luôn có tính xây dựng, trừ phi người ta lợi dụng nó để phá hoại. Dù là chủ nghĩa nào, mọi sự cố tình hiểu sai đều nguy hiểm.

M.Foucault (1926-1984)
1. Trong nhiều trước tác của mình, M.Foucault chỉ ra, quyền lực không phải là một cấu trúc mà là một quan hệ bao gồm sự tương tác hữu cơ giữa quyền lực thống trị(dominant power) và quyền lực phản kháng (resistant power). “Quyền lực không phải là một thể chế, hay một cấu trúc; cũng không phải là sức mạnh thiên bẩm; nó là cái tên được gắn cho một hoàn cảnh chiến lược phức tạp trong một xã hội cụ thể.” (Power is not an institution, and not a structure; neither is it a certain strength we are endowed with; it is the name that one attributes to a complex strategical situation in a particular society) [2].

Quyền lực phản kháng có trước như một bản năng sinh tồn nguyên thủy, và do nó, sinh ra quyền lực thống trị như một sản phẩm xã hội. Quyền lực thống trị sinh ra để kìm nén mọi sự phản kháng. Điều lạ lùng là, con người sinh ra luôn chống lại những hạn chế để được tự do, nhưng khi đoạt lấy tự do nó lại tạo ra các luật lệ như một thứ kinh nghiệm chuyên chế để hạn chế kẻ khác, tức tự nó kiến tạo nên quyền lực thống trị, trong gia đình cũng như xã hội. Đó là nghịch lí mang tính hài hước bởi sự tha hóa của quyền lực trong sự vận động của lịch sử, bắt đầu từ thời kì phụ quyền.

Khi giữ vai trò trung tâm, quyền lực thống trị luôn tìm cách triệt tiêu mọi sự phản pháng để độc tôn vị trí của mình. Nó áp đặt một trật tự chặt chẽ được mệnh danh là tri thức. Công cụ để vận hành thứ tri thức – trật tự ấy cho thế giới không gì hơn là nhà tù, các loại kỉ luật và hình phạt nghiêm khắc. Con người bị coi là “các sinh vật trừu tượng” hơn là con người đúng nghĩa ở thể xác lẫn tinh thần để tất thảy trở thành bầy đàn răm rắp tuân theo trật tự đã được kiến tạo.

Trật tự ấy được biểu tượng hóa thành đạo đức, văn hóa, pháp luật và thể hiện bằng ngôn ngữ.

Quyền lực là một thứ khoái lạc đầy dục tính. S. Freud có nói đến quyền lực nguyên thủy (primary power) nằm ở cái miệng, sau là cái ấy, nhưng ông chỉ mới nói đến khoái cảm bú, ăn uống và tình dục mà không nói đến khoái cảm được nói, tức ngôn ngữ với tư cách là những diễn ngôn thực thi quyền lực.

Trò chơi quyền lực gắn liền với trò chơi ngôn ngữ (language game). Và con người khi đã rơi vào cái bẫy ngôn ngữ, những chuẩn mực xã hội của nó sẽ trở thành nơi giam hãm con người.

Luật lệ, đạo đức, văn hóa thành cái thay thế, cái đại diện (present) của quyền lực mà thể chế phong kiến là một bộ máy hoàn hảo đã từng công phu kiến tạo nên những thứ ấy để thống trị con người cả ngàn năm.

J. Derrida (1930-2004)

Khi đạt được cái gọi là “chuẩn mực” của thứ trật tự như thế, quyền lực thống trị không cần hiện hữu bằng roi vọt, dùi cui hay súng đạn, nó hoàn toàn vắng mặt (absent), bởi vì nó đã hiện hữu ở mỗi cá thể người thông qua sự sợ hãi mà răm rắp tuân theo trật tự như một thói quen, một phản xạ vô điều kiện. M.Foucault ví sự tuân phục ấy giống như một sự cài đặt, một lập trình sẵn vào trong não bộ của từng cá nhân, một thứ “máy truyền tin” được điều khiển bằng một hệ điều hành siêu quyền lực.

Ở trình độ ấy, con người tự kiểm duyệt ngôn ngữ và hành động của mình mà không cần bị kiểm duyệt.

Con người là chủ thể của ngôn ngữ nhưng lại trở thành công cụ của ngôn ngữ là vì thế. Ngôn ngữ sai khiến chúng ta hành động mà chúng ta lại nhầm tưởng đang điều khiển ngôn ngữ. Cái chết của con người bắt đầu bằng cái chết của chủ thể: nó mất tiếng nói để trở thành cái loa phát ngôn và cái máy hành động cho kẻ nắm quyền thống trị .

Chúng ta đã bao giờ nghĩ rằng, cái hộp sọ của chúng ta không còn chứa tất cả sự năng động của não bộ mà lại chứa đầy những hình ảnh của roi vọt, xiềng xích và các loại hình phạt đại điện cho quyền lực nói chung. Những thứ ấy biến con người thành đối tượng của chúng, và mọi hoạt động của chúng ta bị chúng điều hành cho đến chết.

Thực chất, con người hoàn toàn bị cầm tù và bị điều khiển trong luật lệ, nhưng cái quán tính tự động tuân phục làm cho nó cảm thấy hoàn toàn tự do. Con người bị nuốt chửng trong cái không gian ảo – một không gian chỉ có trò chơi của luật lệ mà mọi sáng tạo tự do đều bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Nhà tù, bệnh viện tâm thần trước thế kỉ 19 là những điển hình của khoa điều khiển học ứng dụng trên con người thông qua kỉ luật và hình phạt, chúng là mô hình thu nhỏ của xã hội mạo danh là văn hóa, văn minh. Ở xã hội ấy, một trung tâm của quyền lực được hình thành như một kiến tạo: cái tuân thủ theo trật tự được hợp thức và thừa nhận, còn những cái khác bị loại trừ. Phụ nữ, người điên, người đồng tính được đồng nhất với những kẻ nổi loạn và trở thành Cái Khác (The Other), cái bị cho là “bên lề”, “vô phép tắc”, “hạ đẳng”.

Lịch sử như một cỗ máy tự động từng được hình thành như thế khi nó chỉ thay thế trung tâm quyền lực này thành trung tâm quyền lực khác.

2. Sự thực, không có quyền lực nào trong suốt đến mức buộc tất cả đều xoay vần quanh nó. Tất cả những nhân tố khác, với một quần thể đông đảo, hoặc có thể bị hút vào trung tâm thành một thứ cố định, phục tùng; hoặc li tâm ra ngoại biên với những chuyển di tự do, bất định để hình thành một thứ quyền lực khác, quyền lực của sự phản kháng.

Bộ não con người như một bộ máy
 được cài đặt một hệ điều hành siêu quyền lực

Tư tưởng này không khác quan điểm của Marx: Có áp bức có đấu tranh! Mâu thuẫn là động lực của phát triển!

Trong một điều kiện nào đó, giả định và rất nhất thời, rằng, tất cả bị hút vào trung tâm, toàn bộ thể chế sẽ bị đông cứng lại thành điểm chết (death point), tức quyền lực không có lí do tồn tại, nó phải tự hủy để chuẩn bị cho một cuộc sản sinh đầy đau đớn. Marx không nghĩ đến cái điểm chết ấy nên đã từng mơ tưởng đến một cuộc giải quyền lực bằng một “tương lai cộng sản sống động” – “một xã hội phi nhà nước”, ở đó mọi người đều được tự do, bình đẳng.

Gạt bỏ cái “điểm chết” mà Marx chưa nghĩ đến kia, tư tưởng nhân văn đó không thể chê trách được, dù là viễn tưởng. Cái viễn tưởng ấy nhân loại tiến bộ không thể không đấu tranh để vươn đến.

Trong điều kiện nhân loại chưa thoát ra khỏi sự cám dỗ của quyền lực, phản kháng là tất yếu của tồn-tại-người, một cách thức tồn tại của chủ thể sáng tạo, phát minh. M.Foucault nhấn mạnh, sự phản kháng không những có thể, mà còn là một phần tất yếu của sự quân bình. “Bạn thấy đấy, nếu không có sự phản kháng, sẽ không có những quan hệ quyền lực, bởi vì nó đơn giản chỉ là vấn đề của sự tuân phục. Vì thế, sự phản kháng có trước, và sự phản kháng duy trì thế thượng phong đối với những lực lượng của một tiến trình: những mối quan hệ quyền lực bị bắt buộc phải thay đổi theo sự phản kháng.” [4].

M.Foucault muốn nói, một cái lô cốt trung tâm chỉ biết cố thủ là một lô cốt bị mù lòa bởi hào quang của quyền lực bao phủ, nó không biết tạo ra thế quân bình bằng cách vươn ra ngoại biên, chịu sự tác động của những nhân tố khác để tự điều chỉnh và dung hòa những phản kháng. Cái bản nhạc mà nó muốn là “chủ âm” không thể thiếu những “át âm”, kể cả những “âm bất trị” để duy trì sự vận động và phát triển, cho dù đó là một hệ thống toàn trị.

Trên quan điểm giải cấu trúc, J.Derrida cho rằng, trung tâm thực chất chỉ là một ước lệ giả tạo của một quy trình kiến tạo. Bởi vì, cái gọi là trung tâm luôn là cái nhất thời trong một hệ thống tự trị, khép kín. Trong một hệ thống mở, cái trung tâm lại là cái bên lề và ngược lại, nó bị thay thế liên tục bởi sự chuyển di, nên nó không ổn định mà bất định. Sự thực, lịch sử luôn chứng minh sự thay thế liên tục vai trò thống trị của các nhân tố tự cho là trung tâm. “Trung tâm”, do đó, “không phải là trung tâm.” (“The center”, therefore, “is not the center.”) [1]. (Điều này A. Einstein sẽ mỉm cười khi thấy Tương đối luận có giá trị cho mọi lĩnh vực nhận thức!).

Kỉ luật và hình phạt
là hình thức duy trì quyền lực


Theo phân tâm học, mỗi con người là một cá thể luôn manh nha một thứ quyền lực bên trong để phản kháng, ngay từ thời trẻ thơ. Trạng thái Oedipus là một biểu hiện cực đoan của bản năng phản kháng. Đứa bé phản kháng lại quyền lực cấm đoán của người cha bằng sự nuôi dưỡng trong nó lòng căm thù – một thứ sức mạnh của bản năng nguyên thủy bị kìm nén cho đến lúc trưởng thành. Nó muốn độc quyền hưởng thụ thân xác của người mẹ nhưng lại bất lực, nên phải nỗ lực trưởng thành để đoạt lấy quyền lực. Và như vậy, con đường giải phóng của nó chỉ có thể: hoặc tạo ra thứ sức mạnh tàn phá, dùng bạo lực chống trả bạo lực, hoặc bị trượt theo quyền lực thống trị như một sự dịch chuyển dục vọng từ người cha, kẻ thực thi mọi thứ luật lệ, đạo đức, văn hóa đã được xếp đặt trước.

Cho nên, quyền lực đẻ ra quyền lực như một tất yếu. Quyền lực duy nhất hay tuyệt đối chỉ là ảo tưởng, giống như người ta từng tự tạo ra Thượng đế cho mình để đe dọa kẻ khác. Bằng chứng là một khi có những cá nhân phản tỉnh, đơn giản chỉ cần một tuyên ngôn đầy dũng khí rằng: Thượng đế đã chết (Nietzsche), thói quen công cụ của mọi người dần biến mất và từ đó mỗi cá nhân tự đứng lên làm chủ đời mình.

Giải thiêng, giải huyền, trong nghĩa tích cực của nó, chính là sự phản tỉnh để thoát khỏi trạng thái đồng bóng, đột phá vào hệ thống quyền lực đã được tuyệt đối hóa thành bóng ma đầy ám ảnh đè nặng lên thân phận con người.

Không có quyền lực “vạn tuế”, nó rất nhất thời bởi nguyên lí biện chứng của sự hủy – tạo. Và như thế, cũng không có thiết chế cấm kị nào đặc hiệu cho mọi thời đại. Sự nô dịch chỉ tồn tại nhất thời, dù có khi kéo dài cả ngàn năm, đến lúc các cấm kị bị mang ra chất vấn, phản biện như một nhu cầu tự do, giải phóng của con người.

Trong thế giới cổ điển, một thể chế được cho là khôn ngoan trong việc duy trì quyền lực thống trị khi nó biết sử dụng thứ quyền lực vừa làm cho người ta sợ hãi vừa biết vuốt ve, ru ngủ để người ta bớt sợ hãi mà lo an thân. Đó là một cách triệt tiêu và phát huy hữu hiệu sự phản pháng, nó dập tắt sự phản kháng đồng thời chuyển quyền lực phản kháng thành sức mạnh của chính quyền lực thống trị để phục vụ cho kẻ thống trị.

Sự đầu hàng hay chiêu hồi luôn bị coi thường là ở chỗ đó.

Ngược lại, một thể chế hàm hồ dùng quyền lực thống trị đẩy người ta vào sự sợ hãi tột cùng ắt gia tăng sức mạnh cho thứ quyền lực thứ 2: quyền lực của sự phản kháng. Bởi vì, một khi vượt quá ngưỡng của sự sợ hãi, người ta sẽ không còn sợ hãi và đứng lên phản kháng một cách mạnh mẽ; cũng như khi không còn gì để mất, người ta quyết một phen mất còn, và đấy là lúc lịch sử lại bắt đầu…

Bạo lực, khủng bố luôn là mối hiểm họa khi quyền lực, từ cả hai phía, bị tha hóa cùng cực. Bạo lực, khủng bố phải trả giá bằng chính bạo lực, khủng bố, và con người tự hủy hoại chính mình hơn là tạo dựng nên một nền văn minh đúng nghĩa.

Khác biệt là tất yếu khi con người thoát khỏi bầy đàn để trưởng thành bằng cách khẳng định tư cách cá nhân của mình. Cách duy nhất chống bạo lực, khủng bố là thay đối đầu thành đối thoại. Đơn giản như người cha hay người thầy hiện đại, thay vì dùng roi vọt hay kỉ luật nghiêm khắc là sử dụng một phương cách giáo dục, dạy dỗ cởi mở, thay vì trói buộc vào sự tuân phục là định hướng cho sự tự do sáng tạo.

Sự phản kháng nguyên thủy
 thể hiện qua mặc cảm Oedipus


Trong đời sống xã hội, không có tôn trọng không có đối thoại. Mọi sự áp bức, thù địch hay xuyên tạc, chống phá đều chỉ có thể đi đến bạo lực.

Theo các triết gia hậu hiện đại, để duy trì một thế giới trong trạng thái cân bằng, chỉ có thể giải trung tâm để hình thành một thế giới đa tâm, không chỉ chia sẻ và kiểm soát quyền lực của nhau mà còn tôn trọng để đi đến hòa điệu những khác biệt, chứ không thể duy trì mãi mãi thứ trật tự giả tạo đơn nhất một trung tâm thống trị!

Một thế giới đẹp chỉ có thể là một bản hòa âm của những tiếng nói khác biệt. Không có bản nhạc độc âm.

Thế kỉ 21 sẽ là thế kỉ sụp đổ toàn diện của các đế chế còn sót lại.

Trong bản Phúc âm hậu hiện đại với tuyên bố: dân chủ, tự do chính là “đoạn kết đã được hiện thực hóa” của lịch sử loài người, ông tổ của giải cấu trúc luận, J. Derrida, viết: “Chưa bao giờ bạo lực, bất công, nạn đói và sự chèn ép đến nhiều người như vậy trong lịch sử Trái đất và lịch sử nhân loại… không một mức độ tiến bộ nào cho phép người ta quên rằng chưa bao giờ trên Trái đất này lại có nhiều đàn ông, đàn bà và trẻ em bị áp bức, bị chết đói hay bị tiêu diệt đến như vậy”. Thấm thía với sự phân biệt chủng tộc mà mình là nạn nhân, cùng với chứng kiến thứ quyền lực tư bản đang đè đầu cởi cổ người lao động, cướp bóc và tàn phá tài nguyên, môi trường, triết gia giải cấu trúc này không phủ nhận mình là một nhà hậu Marxist: “Tôi có thể là một nhà hậu Marxist… Nhưng tôi chưa bao giờ là một kẻ chống chủ nghĩa Marx. Tôi vẫn luôn luôn chấp nhận tinh thần phản kháng của chủ nghĩa Marx.” [3].

Không thể phủ nhận cơn địa chấn của phong trào cộng sản đã làm lung lay tận gốc hệ thống đế quốc tư bản, buộc cái hệ thống toàn trị một thời đó phải tự đổi thay để tồn tại, tự nó thoát khỏi sự man rợ, hoang dã để đi đến tiến bộ, văn minh. Phủ nhận chủ nghĩa Marx là một cái nhìn thiển cận, cực đoan, khác nào cổ vũ cho loài người trở về thời kì tư bản man rợ, hoang dã.

Điều đáng nói là, trong lúc thế giới tư bản có những chuyển biến rõ rệt để duy trì sự sinh tồn của nó thì những người cộng sản không thể không đổi thay như một sự tương tác biện chứng để duy trì sức mạnh của mình. Trước sau, quyền lực tư bản chỉ có thể duy trì sức mạnh của nó trong sự bảo kê của hệ thống toàn trị chứ không thể trong sự tương tác cạnh tranh lành mạnh.

3. Giải cấu trúc nguyên nghĩa không phải là chống phá mà là hủy – tạo (deconstruction), nó muốn hủy các hệ thống già cỗi để tạo sinh những cái mới, năng động hơn trong bối cảnh thế giới đã có những đổi thay. Nó đòi hỏi tự do dân chủ nhưng không bằng con đường bạo lực mà muốn vươn đến tinh thần đa nguyên và toàn cầu hóa, tôn trọng mọi khác biệt trong tính đa dạng của thế giới.

Công việc hủy – tạo của giải cấu trúc bắt đầu bằng việc phá bỏ tính chất nhị nguyên bất bình đẳng giữa Trung tâm và Ngoại biên, giữa các phạm trù có tính định kiến, kì thị: Thiêng/ Tục, Công đường/ Vỉa hè, Ảo/ Thực, Cao cả/ Thấp hèn, Thượng đẳng/ Hạ đẳng, Đàn ông/ Đàn bà, Tây/ Đông, Đa số/ Thiểu số, Tĩnh/ Động, Ánh sáng/ Bóng tối … thậm chí cả Chính/ Tà, Tốt/ Xấu, Thiện/ Ác… để hướng tới kiến tạo một hệ thống mới với sự tương tác bình đẳng đa chiều giữa những khác biệt.

Nhưng cũng như mọi triết học, giải cấu trúc và sau đó là chủ nghĩa hậu hiện đại rất nhanh chóng bị lợi dụng bởi những mưu toan phá hoại, bằng chứng là sự đòi hỏi đảo lộn mọi thứ trật tự cần thiết để đi đến một sự tự do hỗn loạn vô chính phủ. Người ta chỉ hào hứng tiếp thu phần hủy mà phớt lờ phần tạo, và trong điều kiện đó, nó không dập tắt bạo lực mà lại sinh ra bạo lực bằng sự khuếch trương chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa bè phái, địa phương lẫn chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Ngay cả cái gọi là đa nguyên kia đôi khi cũng chỉ là một sự ngụy tạo cho sự tranh chấp hay chia sẻ quyền lực mà không phải giải quyền lực đúng nghĩa.

Sự tự do hỗn loạn không mang lại lợi ích cho mọi người mà chỉ làm lợi cho các phe nhóm chính trị xôi thịt.

Tất nhiên, bất cứ sự đổi mới nhận thức nào cũng phải kinh qua một giai đoạn cực đoan tiếp sau sự khủng hoảng cực điểm của cái cũ.

Bản ngã như
sự hư cấu của cái ấy

Điều hiển nhiên phải chấp nhận là, trong một thế giới tự do, dân chủ, hiểu biết và văn minh không còn có thể duy trì một tiếng nói thay cho mọi tiếng nói. Con người nô dịch, con người không tiếng nói (M.Bakhtin) thực ra đã chấm dứt từ Prometheus trong cơn nổi loạn chống lại Zeus. Dù lịch sử liên tục bị kẻ có quyền lực bạo hành, nhưng trật tự thế giới đã phải luôn được xem xét và kiến tạo lại, ngôn ngữ thông hành hiện nay là cải tổ hay đổi mới.

Người Việt có thói quen duy trì tôn ti trật tự truyền thống ư? Có thể, nhưng không phải luôn bằng lòng với những thứ cổ hũ, lỗi thời để mãi mãi là kẻ nô dịch! Một dân tộc đã từng vượt qua thời kì Oedipus sau ngàn năm chống “người cha” Tàu và vùng lên đánh trả “tên cưỡng hiếp” Tây – Mỹ để khẳng định bản sắc (dù chỉ là hư cấu) của mình. Ngay cả phụ nữ, chưa hẳn đã là ý thức về nữ quyền mà chỉ vì đàn ông, như bà Trưng phất cờ khởi nghĩa để trả thù chồng, như chị Dậu nổi cơn thịnh nộ: Mày đánh chồng bà đi, bà cho mày xem! Và như chị Út Tịch với tuyên ngôn: Còn cái lai quần cũng đánh! Sự phản kháng dù là tự phát hay tự giác ấy đã hình thành một thứ sức mạnh từng làm lung lay tận gốc trung tâm phụ quyền của cả ngàn năm phong kiến lẫn thể chế gọi là khai hóa văn minh của chủ nghĩa thực dân, đế quốc!

————————————–

1. Jacques Derrida (1978), “Structure, Sign, and Play in The Discourse of the Human Sciences” in Writing and Difference, trans. Alan Bass. London: Routledge, 351-370 pp.

2. Michel Foucault (1982) “The Subject and Power” in Beyond Structuralism and Hermeneuti, University of Chicago, 208pp.

3. Richard Appignanesi, Chris Gattat… (2006), Nhập môn hậu hiện đại, Trẻ, tr.161.

4. Lydia Alix Fillingham, Moshe Susser, (2006), Nhập môn Foucault, Trẻ, tr.150.

Các tranh minh họa lấy từ các sách 3 và 4

Dẫn lại theo Blog Chu Mộng Long


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét