Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

TƯ DUY HUYỀN THOẠI TRONG TẬP THƠ "VỀ KINH BẮC" CỦA HOÀNG CẦM (Học viên Lê Thị Kim Cương)


Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, Hoàng Cầm được đánh giá là một tác giả tài hoa và độc đáo, ông đã dệt được một hồn thơ mang bản sắc riêng biệt và thấm đẫm vẻ đẹp văn hóa vùng Kinh Bắc. Phải nói rằng, Hoàng Cầm đã định vị cho mình một chỗ đứng vững chắc bằng cách chọn cho mình con đường trở về với văn hóa dân gian. Hồn thơ ấy đã góp phần tăng thêm sự phong phú, đa dạng cho nền thơ ca dân tộc thời kỳ hiện đại. Nghiên cứu thơ Hoàng Cầm, thiết nghĩ sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến dấu ấn dân gian mà một trong những phương diện quan trọng hình thành nó là tư duy huyền thoại. Bài viết xin được làm rõ vai trò và dấu ấn của tư duy huyền thoại đối với việc hình thành nét đẹp và giá trị không thể thay thế cho tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm -  một thi phẩm lạ, gồm 8 nhịp, có thể xem như một cuộc tuần du về kí ức, hay một nghi lễ dân gian mà trong điều kiện hạn chế, người viết xin chỉ được trình bày một cách cơ bản nhất những ảnh hưởng của tư duy huyền thoại đối với tập thơ.

1.      Khái niệm tư duy huyền thoại

Theo Từ điển văn học (Nhà xuất bản Thế giới, 2004, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên): Huyền thoại là khái niệm chỉ một hình thức tư duy đặc thù của con người thời nguyên thủy, trong đó cái kỳ ảo che giấu những sự thật, được bảo lưu dưới nhiều dạng thức của đời sống tinh thần nhiều nhóm cư dân trên thế giới và đi vào văn học nghệ thuật. 

Đó là một hình thức nhận thức có tính nguyên hợp bao hàm trong nó không chỉ mầm mống của nghệ thuật, trước hết là nghệ thuật ngôn từ, mà cả những mầm mống của tôn giáo, triết học…

Tư duy huyền thoại chủ yếu tập trung vào những vấn đề siêu hình, bí ẩn, của sự sống và cái chết... các vấn đề mà không phải lúc nào sự giải thích bằng logic khoa học cũng làm cho con người thỏa mãn. Một xu hướng của huyền thoại là dần dần thể hiện cái khó hiểu bằng cái dễ hiểu, cái không thể hiểu được bằng trí tuệ thông qua cái có thể hiểu được bằng trí tuệ. Melentinsky chỉ ra rằng, logic huyền thoại sử dụng rộng rãi các cặp đối lập nhị phân (cặp đôi) những phẩm chất cảm xúc, đồng thời qua đó khắc phục tính liên tục của tri giác về thế giới xung quanh bằng cách tách các khuôn hình riêng rẽ có dấu hiệu mâu thuẫn.  

Theo sự tổng kết của E.M.Melentinsky thì có thể tóm tắt nội dung những cách hiểu về tư duy huyền thoại thành những điểm quan trọng  có liên quan đến bài viết như sau:

Thứ nhất, tư duy huyền thoại có những đặc tính riêng về mặt lôgic và tâm lý. Sự sáng tạo huyền thoại là hình thức tư duy cổ xưa nhất của con người, là một thứ ngôn ngữ tượng trưng mà con người đã dùng để mô hình hoá, phân loại và giải thích tự nhiên, xã hội và bản thân mình.

Thứ hai, những đặc tính của tư duy huyền thoại có sự giống nhau nhất định với những sản phẩm của trí tưởng tượng của con người không những chỉ trong những thời kỳ cổ xưa nhất mà cả trong những thời kỳ lịch sử khác nữa. Do đó với tư cách là phương thức tư duy thống trị toàn xã hội thì huyền thoại vốn là một hiện tượng đặc trưng cho các nền văn hoá cổ sơ, song với tư cách là một “mảnh” hoặc một “trình độ” nhất định nào đó thì huyền thoại vẫn còn tồn tại trong các nền văn hoá khác nhau, đặc biệt là trong văn học nghệ thuật là các hình thái phần nào có những đặc tính chung với huyền thoại.

Như vậy, dù là xét trên phương diện nào, ta vẫn thấy rằng người nguyên thủy tin rằng sự tồn tại của thế giới huyền thoại là có thật. Những vật tổ, những anh hùng truyền thuyết luôn sống và hiện diện ở nhiều dạng thức, hình thù xung quanh con người. Chính vì vậy, thế giới huyền thoại gợi lên trong người nguyên thủy những xúc động linh thiêng hơn là một niềm kinh ngạc, sợ hãi. Để trở về với thế giới huyền thoại ấy, không gì khác là trở lại bằng cầu nối của những giấc mơ, hoặc thiếu vắng những giấc mơ thì người đang sống có thể tìm đến những ông đồng bà cốt. Tư duy huyền thoại khiến con người nhìn thế giới như một thực thể thực ảo trộn lẫn. Thế giới được bao bọc trong một không khí huyền ảo với những vật thần kì, siêu nhiên.

Tuy nhiên, khi xã hội càng hiện đại thì tư duy huyền thoại càng lùi về quá khứ, nó sẽ giống như một sản phẩm của trí tưởng tượng trong thời ấu thơ một đi không trở lại. Trí tưởng tượng đầy lãng mạn và hồn nhiên của loài người dần khuất chìm trong tư duy  khoa học. Sự phát triển của lí tính và khoa học kĩ thuật ở trình độ ngày càng cao khiến người ta ngày càng rời xa, thậm chí quên lãng tư duy huyền thoại nguyên thủy. Cho đến khi học thuyết phân tâm học của Freud ra đời với phát hiện về đời sống vô thức của con người, và đặc biệt, khi C. G. Jung khám phá ra bên cạnh đời sống vô thức cá nhân còn có đời sống vô thức tập thể được bảo lưu trong các cổ mẫu nguyên thủy, huyền thoại hướng về lớp sâu thẳm của tâm lý tập thể như là về cội nguồn của sự tạo lập đầu tiên của vũ trụ con người, về cái khởi nguyên tinh thần, về sự trải nghiệm tập thể cái nguồn gốc chung, cái tổng khởi nguyên, thì tư duy huyền thoại trở lại trong văn học viết. Điều chắc chắn là tư duy huyền thoại này “ ít nhiều đã tách khỏi gốc cây nguyên hợp của văn học dân gian để phát triển về một hướng riêng, phức tạp hơn khi có sự cộng hưởng với tư duy hiện đại”. Như vậy, tư duy huyền thoại của dân gian đã trở thành một lớp trầm tích được lưu giữ và bồi đắp trong suốt chiều dài đầy thăng trầm của dòng chảy lịch sử. Tư duy huyền thoại trở thành một thứ tâm thức cộng đồng và sẽ phóng chiếu vào tâm thức của mỗi cá nhân, mà trong đó các nhà văn chính là đối tượng nhạy cảm đặc biệt, dễ có những thể hiện đặc trưng thông qua sáng tác của mình.

Thông qua việc phân tích cơ chế của tư duy huyền thoại, nhà nhân loại học người Pháp Claude Lévi – Strauss cho rằng tư duy ấy hoàn toàn có tính lôgic và có cả “tính khoa học” nữa, do đó nó có giá trị thao tác và khả năng nhận thức, khả năng khái quát, phân loại và phân tích.

Trong văn học thế kỷ XX, cùng với sự thay đổi trong nhận thức về hiện thực là sự đổi mới về cách diễn tả hiện thực. Từ sự phản ánh theo tiêu chuẩn “giống như thật” văn học đi đến sự phản ánh hiện thực theo hình thức phi lí, biến dạng. Huyền thoại chính là một phương thức nghệ thuật xuất hiện dày đặc trong văn học thế kỷ XX nhằm diễn tả hiện thực với những chiều kích khác với quan niệm mô phỏng trong văn học.
Hoàng Cầm là một trong số những nhà thơ sớm nhất làm sống lại không gian huyền thoại trong văn học Việt Nam. Trong tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, tư duy huyền thoại vừa có vai trò chi phối các phương thức nghệ thuật, là thủ pháp nghệ thuật cũng đồng thời là một biện pháp để cảm thụ thế giới đằng sau thủ pháp đó. Với tư cách là một thủ pháp, huyền thoại chính là công cụ tổ chức văn bản về mặt kết cấu, tổ chức xây dựng hình tượng đem lại cho tập thơ màu sắc huyền ảo, kì lạ, thu hút, lôi cuốn người đọc vào tác phẩm nhằm chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Với tư cách là một biện pháp cảm thụ thế giới, huyền thoại là công cụ tổ chức văn bản về mặt ngữ nghĩa, là phương tiện miêu tả ẩn dụ về thế giới, đem tới cho người đọc những cảm nhận hoặc quan niệm về thế giới thực tại của nhà thơ.

2.      Dấu ấn của tư duy huyền thoại trong tập thơ Về Kinh Bắc

2.1.   Thế giới hòa trộn giữa thực và ảo

Như đã nói ở trên, tư duy huyền thoại có khả năng phóng chiếu vào tâm thức nhà thơ để rồi tạo ra một hệ thống các hình tượng mang đậm màu sắc huyền thoại trộn lẫn với thế giới thực tại. Thế giới thực tại với những hình ảnh vốn gần gũi, quen thuộc, dễ nhận biết nhưng khi được nhuộm màu huyền thoại, chúng sẽ trở nên lung linh, kì ảo, thậm chí thiêng liêng đối với con người. Trong Về Kinh Bắc, ta cũng có thể nhận ra Hoàng Cầm đã tạo lập một thế giới hòa trộn giữa cái thực và cái ảo như một hiển nhiên. Đó là những hình ảnh mưa, gió, hoa, lá, quả, cỏ cây… hằng ngày nhưng qua lăng kính của tư duy huyền thoại bỗng trở nên lạ lẫm: “Ao mưa dằng rịt lá trường sinh”, đi tìm “quả vườn ổi” phải “Qua cầu Bà Sấm bến Cô Mưa”, đi tìm “Cỏ Bồng Thi phải cheo leo mỏm đá”, đi tìm lá diêu bông thì:

Gió quê vi vút gọi 
Diêu bông hời... 
  ...ới diêu bông...!”

Ở đây, Hoàng Cầm đi tìm chiếc lá trong mênh mang đồng chiều, mênh mang một cõi đời, nhưng là lá hay là tình người, hay là hạnh phúc, tìm lá hay đi tìm tình đời?

Chính Hoàng Cầm cũng đã nói: “Cái lá diêu bông là cái lá gì: ở đâu, nào tôi có biết. Thần linh đọc diêu bông, tôi chép diêu bông, thế thôi.” Dù là gì chăng nữa thì cũng chỉ là ảo ảnh, hư vô trong tuyệt mù của cõi sống, nhưng nó lại là cái mong ước có thật, sự tìm kiếm có thật của con người giữa cuộc đời.

Không gian hoà trộn mông lung, thời gian trong tập thơ cũng đậm chất huyền thoại. Hoàng Cầm để thời gian đêm hiện lên ám ảnh suốt tập thơ với những “Đêm vàng Kinh Bắc”, “ Giếng ngọc ễnh ương quát đêm tiền sử”, “Dòng dây vục mãi đêm hồ tinh”, …Thời gian của đêm ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ cứ hiện lên mờ ảo, tạo nên cảm giác vừa mông lung vừa huyền bí  xuyên suốt cả tập thơ, và thế giới trong thơ là sự kết hợp giữa những yếu tố kì ảo hoang đường với những chi tiết của cuộc sống đời thường. Có lẽ vì vậy mà nói về thơ Hoàng Cầm, Thụy Khuê đã cho rằng: “Sa mạc Hoàng Cầm lung linh giữa mơ và thực,... Hiện tại nhập hồn quá khứ gọi nhau trong những vũ điệu bất thường hoang dại”.

2.2.   Phương thức kết nối thực tại và huyền thoại

Mấu chốt của sự hòa quyện thực -ảo suốt tập thơ không phải ở sự xuất hiện dày đặc các yếu tố cuộc sống dưới cái nhìn huyền thoại, mà ở phương thức kết nối của tác giả. Hoàng Cầm đã nối cái thực tại hiện hữu với cái huyền thoại vô thức bằng quãng thời gian lưu chuyển  của đêm, bằng con đường của những giấc mơ, và bằng cách khấn nguyện, gọi đồng, nhập hồn, đúng như Chu Văn Sơn đã nhận ra: Gã chiêu hồn quá khứ. Gọi hồn quá khứ về thăng đồng. Giao tiếp với cõi ảo sinh”. Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ mở đầu với nhịp một “Khấn nguyện” Trong không gian của bóng đêm và hành động “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc”- hành động cầu khẩn từ đáy tâm linh thơ dại. Vũ trụ khởi thủy từ bóng đêm. Bóng đêm gây nên cái ám ảnh của cõi vô thức, là sự khởi phát và tiếp nối cho những giấc mơ. Trong quãng thời gian ấy, Hoàng Cầm như một gã phù thủy chuẩn bị hình nhân:

“Hình nhân má điệp tóc mực tàu
Mắt nghiêng dựa liếp
Mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu
Gấm Song Cầu khoác lại áo ngày xưa”

Rồi thắp lên “đèn nhang”, “rũ bụi gia phả”, rì rầm khấn nguyện. Những cái cúi lạy, những lời khấn vang lên khắp tập thơ tạo nên cảm giác vừa linh thiêng vừa đầy ám ảnh.

“Tóc hất sao mai
Quỳ xuống
Vọng về cửa khuyết
Lạy hai lạy
Lưng vàng rạp cỏ”
“Lá cơm nếp dâng hương ngày giỗ mẹ
Mười lần khấn gửi nước về xuôi”

Người nguyên thủy giao tiếp với cõi siêu nhiên bằng cách khấn vái, gọi hồn, Hoàng Cầm cũng dùng cách ấy để trở về với Kinh Bắc, về với huyền sử, hư vô. Vì vậy, thế giới của Về Kinh Bắc hiện lên với đầy những huyền thoại trong chính cõi thực.

Từ Kinh Bắc thực đến Kinh Bắc ảo, từ một Kinh Bắc trong hiện tại trở về với Kinh Bắc quá khứ là một sự đứt quãng, mà ở đó thực- ảo giao thoa, cọ xát tạo ra một thế giới ngoài thực tại.

“ Chợt thấy mấy hài nhi khăn trắng
Xẵng canh gà thét đuổi đêm đông”
 “Vại bỗng ngất ngư cười cải mả
Bát bỗng lim dim tìm mắt gái muộn chồng”
“Mắt sư nữ chùa Thầy
Thoắt xanh màu xứ Lạng

Tính chất đột biến, vụt hiện cùng  những hình ảnh vừa chồng chất vừa rời rạc, những khoảng trắng, những lời câm, sự liên tưởng tự do… làm thi phẩm giống như một giấc mơ. Những hình ảnh trong giấc mơ khó có thể cắt nghĩa rạch ròi.Trạng thái mơ hồ xuyên suốt quá trình sáng tác thơ Hoàng Cầm, tạo nên những hình ảnh chập chờn, hư thực - sản phẩm của trực giác. Những câu thơ: Mồ tháng giêng mưa sũng/ Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu; Một trẻ sơ sinh đuổi giọng mèo hoang qua miếu mưa phùn; Giếng ngọc ễnh ương quát đêm tiền sử; Nát nhàu thân tố nữ;Dòng dây vục mãi đêm hồ tinh/ Ấp vú mình trần con dế trũi…. tạo nên một thế giới thực mà ảo, gần mà xa, một thế giới không thuần nhất, không thuần dạng mà chao đảo giữa những xu hướng tốt lành và ác độc, linh thiêng và đẹp đẽ huê tình, vô tâm và thèm khát cháy bỏng. Mỗi một hình ảnh như một khúc đoạn trong giấc mơ. Liên tưởng thơ Hoàng Cầm dường như trở về giai đoạn liên kết tự do các ý tưởng, giai đoạn chuyên sử dụng biểu tượng chỉ có ở người nguyên thủy, hoặc trẻ em: lối tư duy gọi là tiền lôgic (Lévy-Bruhl) hay lôgic khác (Lévy-Strauss).

Một số bài viết có đề cập đến thi pháp thơ Hoàng Cầm,và đều thống nhất một nhận xét về thơ ông là lối thơ siêu thực, phạm trù siêu thực, hoặc đi theo hướng thơ phi lý. Đây cũng là một biểu hiện của thủ pháp huyền thoại hóa. Nhà thơ huyền thoại hóa thế giới hiện thực bằng cách đẩy hiện thực sang phạm vi của cái siêu thực hay nói một cách khác là tạo ra một thế giới huyền thoại bằng cách gán cho những yếu tố bình thường của cuộc sống thường nhật những biểu hiện quái lạ, bất thường, cao siêu hơn cái hiện thực trần thế khiến cho việc phân biệt giữa thực và ảo trở nên mơ hồ. Nhà thơ tái hiện một cách trung thành những phút mê sảng của tâm hồn, lối viết tự động dẫn tới sự ghép nối lạ lùng các hình ảnh, sự chuyển kênh đột ngột của cảm giác, những từ ngữ kỳ dị rất khó giải thích.

“Bắn nát chiều mai ráng đỏ
Châu chấu ma vờn cổ yếm xây
Không gặp người quen
Hờ…
Ngõ cũ…

Sự đứt đoạn trong mạch nối các câu thơ, những khoảng lặng, lời câm để lại khoảng trống trên văn bản là những sáng tạo mới của Hoàng Cầm để tạo nên thế giới huyền ảo siêu thực trên cơ sở tư duy huyền thoại của dân gian. Thủ pháp này khó có thể tìm thấy trong cách biểu đạt của dân gian. Con người thời nguyên thủy cũng có sự tư duy như vậy, nhưng họ thể hiện nó qua các hoạt động nghi lễ chứ trình độ ngôn ngữ sơ khai của buổi bình mình trong lịch sử nhân loại chưa cho phép con người biểu lộ tư duy ấy bằng ngôn ngữ. Bởi thế, sự sáng tạo của Hoàng Cầm khi vận dụng tư duy huyền thoại của nguyên thủy ở đây là sự làm mới trong cách viết. “Với chất liệu được lấy từ vùng quê Kinh Bắc: hoa lá cỏ cây, sông hồ, chùa chiền, lễ hội, sử sách,...của quê hương, ông đã tạo nên một thế giới thơ siêu thực thấm đẫm chất huyền ảo dân gian”.Kinh Bắc hiện lên thoắt âm thoắt dương, bán hư bán thực.

Hoàng Cầm là nhà thơ hiện đại nổi tiếng với một phong cách thơ rất riêng biệt, độc đáo, thi pháp thơ mới lạ. Trên con đường nghệ thuật của riêng mình, ông luôn có sự tìm tòi, thể hiện bản ngã nghệ thuật mới. Nằm giữa một cái nôi văn hóa dân gian đậm đà tâm thức tập thể và một chân trời tự do cá nhân hấp thụ từ văn minh phương Tây, nên sáng tác của ông mang dấu ấn của lối kể chuyện và giãi lòng, giữa thực và mộng, lộ và ẩn, hình ảnh và biểu tượng, huyền thoại và thực tế. Tư duy huyền thoại với tư cách như nền tảng chi phối việc xây dựng hình tượng và kết cấu tập thơ đã có vai trò và dấu ấn to lớn trong việc tạo nên một thi phẩm đặc sắc cho phong cách thơ Hoàng Cầm nói riêng và nền văn học dân tộc nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Hoàng Cầm (2011), Thơ, NXB Hội nhà văn

2. Chu Xuân Diên (2005), Thi pháp huyền thoại, nguồn: phebinhvanhoc.com

3. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học, NXB Thế giới

4. Trần Đức Hoàn (2012), Đặc điểm lạ hóa trong ngôn ngữ nghệ thuật thơ Hoàng Cầm, nguồn: vanhien.vn

5. Chu Văn Sơn (2005), Hoàng Cầm- gã phù du Kinh Bắc, nguồn: phongdiep.net

6. Đỗ Lai Thúy (2011), Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm, nguồn: vanhoanghean.com.vn

7. Nguyễn Thị Minh Thương (2013), Tư duy dân gian trong Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, nguồn:nguvan.hnu.edu.vn


Học viên LÊ THỊ KIM CƯƠNG
Lớp Cao học Văn học Việt Nam K16
Bài đăng trong
Kỷ yếu Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên Ngữ văn
năm 2014




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét