Hồ Thế Hà là tác giả của 4 tập thơ: Khoảnh khắc (1990), Nghìn trùng (1991), Xác thu (1996) và Thuyền trăng (2013).Ông là giảng viên Trường Đại học Khoa học Huế. Cả trên bục giảng lẫn ngoài đời, Hồ Thế Hà là người rất say thơ. Thơ, với Hồ Thế Hà, như một tôn giáo thẩm mỹ. Hồ Thế Hà có thể ngồi cả ngày để đọc thơ, nói về thơ mà không biết chán. Nghe ông đọc, người ta khó lòng mà dứt ra cho được.
Ông chủ yếu đọc thơ người, ít đọc thơ mình. Nhưng khi nghe Hồ Thế Hà đọc những bài thơ tâm huyết của mình, thì tôi nhớ đến cái cách mà người ta gọi thân mật: Ồ thế à! Thơ Hồ Thế Hà cũng bất ngờ như cái cách người ta thân thiết nhại âm họ và tên ông vậy.
Trong lời tựa tập thơ Khoảnh khắc (1990), nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận xét: “Hồ Thế Hà là người trai đắm đuối mà nhút nhát trong các cuộc tình và bởi vậy, thơ, chính là phương tiện để anh giãi bày chính xác và bạo dạn những mê đắm thật sự của mình. Đấy là sự thức nhận sau mỗi lần thất vọng; và rốt cuộc, người thơ thường đau buồn tự trách mình ngu ngơ, vụng dại”. Và cái cõi tình “ngu ngơ, vụng dại” ấy trong thơ Hồ Thế Hà thường được ông đẩy lên đến tầm vũ trụ:
Bốn chiều không gian khép lại
Lạc giữa màn đen hai ngôi sao xa
Trôi trong bồng bềnh hư ảo
Thành chiếc thuyền trăng neo giữa thiên hà
Bỗng hiện ra hai bóng trắng
Nhấp nhô như những thiên thần
Và một đóa hồng dịu êm mở cánh
Thuyền trăng thành thuyền ái ân
(Thuyền trăng)
Chẳng biết vì lý do gì mà trăng luôn là hình tượng đầy ám ảnh với các nhà thơ Bình Định. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử vừa kỳ dị lại vừa gần gũi. Trăng của Bích Khê thì rực rỡ và sang trọng. Trong thơ Yến Lan, trăng lại mơ màng và có màu sắc ma mị, Liêu Trai. Ma quái nhất là hình ảnh trăng trong cõi “Điêu tàn” mà Chế Lan Viên đã vẽ ra trong “niềm kinh dị”. Với Hồ Thế Hà, trăng cũng mang vẻ đẹp kỳ ảo nhưng nó đã gần gũi hơn, hiện sinh hơn. Trăng trở thành phương tiện chuyên chở tình ái: “Thuyền trăng thành thuyền ái ân”. Trăng trong thơ Hồ Thế Hà nhẹ nhàng và bảng lảng, trăng hao gầy, trăng khuyết... với các trạng thái nhớ thương, chứ không đớn đau như trăng của các nhà thơ thuộc Trường thơ Loạn Bình Định. Viết về tình yêu, Hồ Thế Hà đã sáng tạo ra những hình tượng thơ như: nụ yêu, nụ nhớ, biển tình yêu, thuyền ái ân:
Tặng nhau nụ nhớ làm gì
Hoa tròn búp đợi còn chi đêm dài
Người đi lạc hút hình hài
Mơ tàn canh mộng ra ngoài tàn canh
(Nến tình)
Có chỗ Hồ Thế Hà như một họa sĩ chuyên vẽ ký họa, chỉ cần vài nét phác là có được một chân dung:
Sự rung cảm nào như định mệnh
Cho ông thành nhà thơ áo nâu guốc mộc
Hát ca một đời chưa hết khát khao
Ông viết trên giấy có kẻ dòng niềm vui, nỗi đau
Dù tình ca, du ca, bi ca hay hùng ca cũng thế
Một niềm tin da diết con người…
(Cảm thức Phùng Quán)
Hồ Thế Hà tìm được tiếng nói tri âm với tác giả “điêu tàn”:
Ông tồn tại và ra đi như chính đời ông
Sống. Và viết. Và tư duy, sáng tạo
Chỉ có vậy mà một đời giông bão
Cái còn lại là mùa, là vĩnh cửu thi ca
(Ngẫu cảm Chế Lan Viên)
Rồi có lúc lại xót xa cho Hồ Xuân Hương: “Nhớ người thuở ấy Lưu hương ký/ Tìm đến Tây Hồ tôi hỏi trăng/ Đáy nước thẹn thò đêm tái mặt/ Đoạn trường sao nỡ mấy trăm năm!” (Hồ Xuân Hương).
Ở một chỗ khác, ông cũng chạm đến cái làm nên hồn cốt Trịnh Công Sơn:
Người du ca qua không gian thời gian
Người ru mưa xám hạ trắng mây hồng
Bốn mùa mê lộ còn tìm cố nhân
Cho ai ngồi khóc tình buồn mênh mông
Thiên thai, Địa đàng giờ đã hư không!
(Cảm thức Trịnh Công Sơn)
Với Whitman, cũng không ngoại lệ, tác giả tìm thấy tư tưởng triết mỹ sâu xa của một nhà thơ vĩ đại từ hình tượng cỏ nhân bản, vĩnh hằng cần cho con người hơn là cần cho chính bản thân lá cỏ:
Có gì đâu! Chỉ vì ông biết khóc
Biết quỳ trước thiêng liêng lá cỏ nguyện cầu
Cho trái đất mãi màu xanh huyền thoại
Tình yêu nào cũng từ cỏ sinh sôi!
(Gửi Whitman - Lá cỏ)
“Lá cỏ” đã làm nên một Whitman. Và lá cỏ cũng hết sức gần gũi với Hồ Thế Hà như những ám ảnh tuổi thơ:
Ta ra đi từ một triền sông
Có còn nhớ bài ca con dế nhỏ
Là tuổi thơ ta thân trần, tóc đỏ
Những cơn mơ cỏ mượt chỗ ta nằm
(Với cỏ)
Phải chăng điểm tương đồng này đã thu hẹp khoảng cách thơ ca của hai tâm hồn đồng điệu?
Thơ Hồ Thế Hà thể hiện nhiều cảm nghiệm về thời gian: “Tờ lịch mang vác số phận mình/ Mỗi ngày một đầy - vơi/ Mỗi ngày một buồn - vui/ Mỗi ngày một được - mất/ Tờ lịch rơi vô thức chính mình!”. Tờ lịch đánh mất mình trong vô thức, hay con người đánh mất mình, đánh mất thời gian mà không hề hay biết? Con người mảnh vỡ, thế giới mảnh vỡ là những hình ảnh thường thấy trong thơ Hồ Thế Hà. Từ đó, nhà thơ khao khát một sự hoàn nguyên tròn đầy. Cái thế giới hoàn nguyên tròn đầy trong tình yêu thương, mơ ước:
Những mảnh vỡ thiên thạch
Những mảnh vỡ vũ trụ
Những mảnh vỡ tâm trạng
Những mảnh vỡ ký ức
Sao con người không nhặt và ghép thành trái tim?
(Những mảnh vỡ)
Thế-giới-mảnh-vỡ trong thơ Hồ Thế Hà đẩy chủ thể trữ tình vào nhiều trạng thái khác nhau. Đó là sự đồng cảm mộng mơ:
Ta đi trong lá, tìm trong mộng
Thơm thảo mùa hương ngát Tây Hồ
Đào Nguyên gặp chốn Thiên Thai cũ
Người xưa tương ngộ bến trăng mơ!
(Bến trăng mơ)
Đó là sự phân thân trong khát vọng:
Lại dìu em trong vòng tay chiêm bao
Hoa sữa nồng nàn hôn tôi bằng hương
Hồ Tây ảo huyền ôm tôi bằng đêm
Tình yêu muộn phiền có tôi bằng em
(Phân thân)
Và tiếp đến là sự hoài nghi, dẫn đến cảm thức phản biện những hiện hữu song trùng ý nghĩa và tồn tại đối lập:
Vậy mà biển chiếm đến ba phần tư trái đất
Để làm chi hay chỉ để mênh mông
Nếu không có con người tặng cho tư cách biển
Thì dù đại dương vẫn mãi mãi thiếu linh hồn.
(Phản biện biển)
Từ phản biện thế giới hiện tượng, nhà thơ quay sang phản biện chính mình để rồi lạc vào mê hồn trận của những câu hỏi treo trước mặt. Những câu hỏi chưa có câu trả lời:
Không thể áp trái tim mình trên mặt biển
Khi biển không một giây phút bình yên
Không thể áp vành tai mình trên mặt đất
Khi mặt đất hỗn tạp những tiếng động
Tôi đành áp nỗi thao thức vào giấc mơ
Trong mơ bật lên thành tiếng
Tiếng của vô thức hiện về
Nghe như chính âm thanh của mình
Từ tiền kiếp, từ cõi vô minh
(Những câu hỏi)
Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch có lý khi cho rằng: “Có thể nói Thuyền trăng là sự quyến niệm cảm xúc tha nhân và là sự phóng chiếu tâm hồn của chủ thể sáng tạo. Nơi ấy, trong trường năng lượng của nó cũng hư ảo đơn thầm như trong lòng giếng, ôm bóng trăng mà cứ ngỡ là trăng” (Lời bạt). Trạng thái nửa hư nửa thực được đẩy đến chỗ miêm viễn nhất ở cõi hư vô:
Bỗng vụt hiện niềm thiên lương vụt sáng
Phải giấc mơ nâng cánh giấc mơ
Ta lênh đênh trong sáu bề khải ngộ
Vừa tỉnh cơn mơ hồn đã hư vô!
(Hư vô)
Đến đây, tư duy lý tính của nhà khoa học Hồ Thế Hà đã phải nhường chỗ cho tư duy hình tượng của nhà thơ đa cảm và bất ổn:
Rồi sẽ một ngày Hà Nội ơi day dứt
Em đã xa tôi đã dại khờ
Tôi lỡ đánh rơi vầng trăng vào đáy nước
Để bây giờ mắc nợ với bơ vơ”
(Mắc nợ)
Cái mặc cảm mắc nợ với bơ vơ của nhà thơ do lỡ đánh rơi vầng trăng vào đáy nước là hết sức mơ hồ, khó giải thoát. Phương cách tốt nhất lúc này là chờ cuộc đời cứu rỗi mà thôi: “Tôi muốn tìm lại gương mặt mình vô ưu/ Nhưng đã trễ rồi/ Những nếp nhăn không thể là chứng chỉ để tôi tự lừa dối mình/ Rằng tôi đã sống bình thản và nhẫn nại/ Nhất quyết là không phải/ Bởi vì những giấy thông hành đã hết hạn vượt biên qua miền giả dối/ Tôi đành làm người lặng im/ Chờ ân huệ cuộc đời cứu rỗi!” (Cứu rỗi).
Thơ Hồ Thế Hà ít lên gân, cầu kỳ làm duyên làm dáng mà lắm dư ba. Đúng như nhận định của Đỗ Lai Thúy: “Một giọng điệu thơ như thủ thỉ với chính mình, một ngôn ngữ thơ chỉ một chữ mà nhiều bóng chữ (bóng sáng, bóng sẫm và cả bóng thức), một ngữ nghĩa không tầng mà đa tầng… Tất cả tạo nên một thi- cách- Hồ- Thế- Hà, vừa quyến rũ vừa gây ngạc nhiên: Ồ thế à!”.
Phạm Học
(Đọc tập thơ Thuyền trăng, NXB Văn học, 2013 của Hồ Thế Hà)
Dẫn theo : Văn học quê nhà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét