Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

VĂN KẾT HỢP BÁO TRONG TIỂU THUYẾT "PA RI 11 THÁNG 8" CỦA THUẬN (TS. Lê Thị Hải Vân)


Sự kết hợp này thật ra đã rất hiệu quả trong văn chương nước ta từ trước 1945 với những tác giả Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân. Thời hiện đại, báo chí ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Ở nước ta hiện nay đã có gần 700 tờ báo và tạp chí với nhiều hình thức phong phú: báo in, báo hình, báo nói, báo ảnh và báo mạng điện tử. Trong công cuộc đổi mới nền văn học dân tộc cuối thế kỷ XX, báo chí đã có vai trò hết sức to lớn. Ngoài sự khích lệ tinh thần dân chủ, báo chí còn kịp thời cung cấp cho văn chương một kho tư liệu với những thông tin cập nhật quý báu mà các nhà báo đã tốn bao công sức để thu thập rồi đưa lên mặt báo. Đó là những con số quý giá, những dữ liệu quan trọng để các nhà văn tài năng, từ đó sáng tạo nên những tác phẩm văn chương có giá trị. Nhiều khi, báo chí giữ vai trò dẫn đạo, đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, nóng hổi, để văn chương tiếp tục triển khai ở chiều sâu nhân bản. Và như vậy, sự xâm nhập của báo chí vào lĩnh vực văn chương nhất là tiểu thuyết, thiết nghĩ cũng là một sự tất yếu, nhất là ở thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Thể hiện rõ nhất kiểu kết hợp này là nhà văn Thuận trong cuốn tiểu thuyết Pari 11 tháng 8. Cái mới và cái độc đáo nhất củaParis 11 tháng 8 là “văn kết hợp báo” như Thuận đã từng lý giải. Cuốn tiểu thuyết gồm 22 chương, mỗi chương đều bắt đầu bằng thông tin hoặc trích đoạn bình luận của các tờ báo xung quanh trận nóng cao độ ngày 11 tháng 8 ở nước Pháp. Chính nhà văn cũng cho rằng: “22 trích đoạn báo chí về trận nóng ngày 11 tháng 8 năm 2003 phải được đọc như một phần không thể thiếu của tiểu thuyết. Chúng đã được chọn lọc kỹ càng giữa một khối lượng thông tin khổng lồ. Nhưng sử dụng chúng thế nào, sắp xếp chúng ra sao, đó mới là công việc của nhà văn. Các trích đoạn báo chí này đi vào Pari 11 tháng 8 phần lớn theo từng cặp, thường mâu thuẫn, thậm chí xung khắc. Có thể nói, những thông tin mà chúng mang lại đã đập nhau chan chát, làm sao để người đọc bàng quan nhất cũng trở nên nghi ngờ. Đối với tôi mỗi câu hỏi mà người đọc đặt ra là một thành công của người viết. Tôi muốn đề nghị một lối đọc không thụ động” (1). Trong 22 chương ấy, mỗi chương chia làm 2 đoạn: đoạn một là sản phẩm có sẵn, đoạn hai là sản phẩm hư cấu. Trong cái cấu trúc đều đặn ấy, chi tiết, sự việc, nhân vật dính vào nhau bởi những trích đoạn báo chí về một sự kiện duy nhất - trận nắng nóng 2003…

Trong cả cuốn tiểu thuyết, Thuận không có ý định tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến hậu quả của trận nóng đó. Nhà văn đưa những trích đoạn báo chí vào để xây dựng một cấu trúc đa tầng cho tiểu thuyết, đề nghị độc giả một cách tiếp cận thông tin đa chiều về cùng một chủ đề. Nhiều thông tin đối chọi nhau, trong đó độc giả có nhiệm vụ phải lý giải chúng.

Chẳng hạn, các trích đoạn đầu mỗi chương được Thuận sắp xếp theo từng cặp, mâu thuẫn, xung khắc với nhau. Ví dụ, trận nắng nóng tháng 8 năm 2003 đã gây ra cái chết của các cụ già, nhưng thông tin tỷ lệ người chết không khớp giữa các báo: “Các cụ già là nạn nhân đầu tiên: 70% có số tuổi từ 75 trở lên”(theo báo Quest- France ngày 26/9/2003) (2). “Nạn nhân phần lớn (81%)ở lứa tuổi 75 trở lên (theo báo France2 ngày 25/11/2003”(2).

Nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cũng được các báo lý giải, bình luận không giống nhau: “Đó là kết quả của việc sống cách biệt. Nhiều cụ già rơi vào hoàn cảnh bơ vơ. Khoảng 60 người chết ở thủ đô trong thời gian từ mồng 1 đến 21/8/2003 không được thân quyến biết đến” (2). Nhưng ngay lập lức một bài báo khác đã phản ứng lại: “Người ta cố giải thích rằng người cao tuổi bị tử nạn vì đã sống biệt lập. Thực ra, chỉ có 16% trong số họ từng sống độc thân và 1% vô gia cư. Số còn lại: 20% ở với gia đình, 63% sống trong các nhà dưỡng lão, , các trại định cư, bệnh viện, trạm xá và trung tâm chữa bệnh chuyên khoa”(2).

Ngoài nguyên nhân nắng nóng, các báo chí còn đưa ra nhiều lý do khác dẫn đến sự tử vong ở người già:

-“Hậu quả của trận nắng nóng gắn liền với y tế kém cỏi của các cơ sở tư nhân lẫn nhà nước.” (Báo Le Figaro 7/11/03) (2).

-“Sự vắng mặt của các nhân viên dưỡng lão bên cạnh các cụ chính là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch xảy đến hè vừa qua”(Báo Nhân đạo 27/2/2004) (2).

Nhưng ở đầu chương 9 một tờ báo khác lại khen ngợi trách nhiệm của nhân viên y tế: “Sau thảm họa gây nên cái chết của 15000 người vừa qua, chính phủ Rajja không nhắc lời nào đến sự vắng mặt của mình, đã lên tiếng ca ngợi lòng tận tụy đặc biệt của các nhân viên y tế …” (2).

Lại có những nguyên nhân khác ngoài ngành y tế:

-“Những công việc hữu ích và cấp bách đầu tiên là báo trước hạn hán, cung cấp hơi mát và nước uống. Đó là vấn đề xuất phát từ trách nhiệm chung của nhiều người, nhiều ngành khác nhau chứ không chỉ nhân viên y tế”(Báo Les Echos 22/8/2003)(2).



-“Tổng công ty điện lực không đáp ứng đòi hỏi về hơi mát. Có hai nguyên nhân: khoảng 15 trong số 58 lò phản ứng nguyên tử không hoạt động vì lý do bảo trì, công suất điện của các nhà máy thủy điện giảm mạnh vì thiếu nước quá lâu”(Báo Le Monde diplomatique 28/2/2004) (2).

“Chính phủ bị kết án trách nhiệm, bị lên án là không có khả năng nhìn xa trông rộng, thậm chí cả tội vô ý sát nhân”(Tạp chí IFRAP.09/2003)(2).

Sự nhìn nhận về hậu quả trận nóng của các bản tin báo chí cũng được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau: “không chỉ 15000 người chết mà còn khoảng 3,4 triệu gia cầm đã chết…” (2). Có cả những thảm cảnh của: “Rất nhiều cụ già rơi vào cảnh bơ vơ…”(2), ảnh hưởng đến cả những ngôi nhà của dân chúng: “Những vết nứt trong 154 ngôi nhà gây nên bởi trận nóng 2003” (2)… Thuận đã cố tình đưa ra những thông tin trái chiều về cùng một sự việc để độc giả tự phán đoán, suy xét. Đó là những thông tin phong phú của báo chí mà Thuận đã dùng lối “tung hỏa mù”, tạo một sự “bội thực” tin tức. Đây cũng là cách quấy rầy độc giả mang phong cách riêng của Thuận, nhằm nói lên một sự thật khủng khiếp hơn: tình trạng sống bất an, đầy bất trắc rủi ro, xét cho cùng là vô nghĩa của biết bao thân phận bèo bọt, đâu chỉ là gia cầm, cây cỏ, cụ già mà vô số thanh niên, trung niên đang sống vật vờ, vô hướng. Có ai bận tâm không? Như vậy, sự kết hợp báo chí trong tiểu thuyết không chỉ khẳng định khả năng cập nhật của tiểu thuyết mà còn nhấn mạnh tinh thần phản biện của nhà văn trước những vấn đề của xã hội hiện đại. Sự xuất hiện của báo chí như định hướng mạch trần thuật trong tiểu thuyết, đồng thời đem lại một sự sáng tạo về cấu trúc của tiểu thuyết.

Người đọc bị lạc vào mê trận của thông tin mà không dám tin vì các con số, các nguyên nhân đều tỏ ra mâu thuẫn, tranh cãi, tranh luận. Thuận “cắt dán” nhiều thông tin như thế, đương nhiên không phải đi tìm, phân tích nguyên nhân, diễn biến, kết quả của trận nắng nóng như một nhà xã hội học. Cái chính là người đọc phải ngờ vực nhiều điều, nhất là thế giới hiện thực được phản ánh bằng các phương tiện thông tin đại chúng có hoàn toàn chính xác không? Bức tranh toàn cảnh của truyền thông có đáng tin không hay chỉ là ngụy tín? Thuận giễu cợt nước Pháp hào hoa bằng cách cho người đọc xem thêm bức tranh biếm họa, trong khi cả nước đối diện với nắng nóng thì : “Người ta nhìn thấy thủ tướng Raffarin đi nghỉ hè vội vã bỏ lại một bà già cằn cọc và đau khổ ngồi trong xe lăn…Thủ tướng nghỉ trên núi. Bộ trưởng bộ y tế bị phỏng vấn đang mặc áo thun, sau lưng là màu xanh lá cây, tổng thống thì nghỉ mát cách đất nước hàng nghìn cây số”(Tạp chí Cybergeo 24/11/2003)(2).

Đưa báo chí vào tiểu thuyết để phản ánh hiện thực hay tạo ra một cách đọc ? Bản thân Thuận đã nói về điều này: “Tôi cũng muốn độc giả phải đối đầu với thế giới ngày nay - thế giới của thông tin: tiếp nhận thông tin là quan trọng, nhưng phân tích thông tin còn quan trọng hơn. Có thể mỏi mệt, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi.”(http//vietbao.vn). Phạm Xuân Nguyên thật có lý khi cho rằng: “Hai mươi hai chương của Paris 11 tháng 8 đều bắt đầu bằng một bài báo Pháp nói về trận nóng 2003, có vẻ không ăn nhập gì với diễn biến câu chuyện sau đó. Nhưng lồng thông tấn vào văn học, hai thể loại văn bản đối lập nhau, Thuận khiến độc giả bất ngờ như thể xem một bộ phim màu có xen những đoạn tư liệu đen trắng. Động tác lục lưu trữ của Thuận, đọc săm soi nỗi đau giấu kín dưới tầng tầng lớp lớp của thời gian và thông tin, nhưng không một lời bình luận, thể hiện một thái độ vừa thẹn thùng, vừa khiêu khích”(3). Bằng việc đưa tư liệu báo chí vào tiểu thuyết, Thuận đã làm nên một nét mới độc đáo cho thể loại này. Thêm nữa, nguyên nhân và hậu quả của trận nắng nóng trên lại được viết bằng ngôn ngữ “cực thực”, thể hiện cảm quan tỉnh táo trước hiện thực, nhất là nó mang tinh thần chối từ thứ ngôn ngữ hoa mỹ, trang trọng quá nhiều ở thời trước. Chính Thuận đã từng trả lời phỏng vấn : “Mỗi nhà văn có những cách riêng để đưa hiện thực vào văn học. Nguyên tắc của tôi là tránh càng xa càng tốt sự hoài cổ và lãng mạn.” (4). Dùng những từ ngữ giản dị nhất để nói những khái niệm phức tạp nhất, không diễn văn không tu từ không ẩn dụ, đó là nỗi đau của Thuận. Đằng sau những dòng chữ là im lặng, âm vang từ khoảng trống, là những điều không thể nói thành lời. Ngôn ngữ “cực thực” lại được viết ra với giọng giễu nhại, khôi hài đã đem lại sự hứng khởi của bạn đọc khi tiếp nhận thông tin từ tác phẩm.

Nói chung, với lối viết “văn kết hợp báo” của Thuận trong Paris11 tháng 8, Thuận đang “cởi bỏ những bộ đồng phục” để đưa tiểu thuyết Việt Nam tiệm cận với thế giới. Với cảm thức thời đại nhạy bén và tinh thần cách tân triệt để, cố tình ly khai lối viết tiểu thuyết truyền thống, Thuận đã chứng tỏ tài năng của mình. Tuy nhiên, cách viết mới của chị liệu có tạo ra bước đột phá trong khi đi tìm những cách tân mới trong tiểu thuyết hay không, song các sáng tác của chị chắc chắn là chiếc cầu nối đến những sáng tạo khác của văn chương Việt Nam hiện đại trong một tương lai không xa.

Quy Nhơn tháng 1/2012

CHÚ THÍCH :

1.Thuận – Tôi đề nghị một lối đọc không thụ động- Báo Văn nghệ trẻ, số 38/2005


3.Thuận, Pari 11 tháng 8, Nxb Đà Nẵng, 2005



LÊ THỊ HẢI VÂN
Dẫn theo : Văn chương Việt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét