Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG NGÂM KHÚC


1. Những vấn đề chung
1.1. Thể loại ngâm khúc
           Ngâm khúc là một thể loại cơ bản có vị trí quan trọng trong văn học trung đại Việt Nam. Ngâm khúc là những ca khúc trữ tình dài hơi thể phản ánh những bi kịch trong đời sống nội tâm của con người khi đối diện với hiện thực cuộc sống trong một giai đoạn lịch sử nhất định, được viết bằng thể Song thất lục bát và bằng ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm).
Ngoài ra còn có rất nhiều định nghĩa khác nhau vể thể loại này:


          Theo từ điển thuật ngữ văn học: “ Ngâm khúc là thể thơ trữ tình, dài hơi, thường được làm theo thể Song thất lục bát để ngâm nga, than vãn nhằm bộc lộ những tâm trạng, tình cảm buồn phiền đau xót triền miên day dứt”. Vì thế ngâm khúc còn được gọi là khúc vãn hay thán.

         Theo từ điển văn học (bộ mới): “Khúc còn gọi là tản khúc, một hình thức thơ cả cổ của Trung Quốc, gắn chặt với âm nhạc, có nội dung trữ tình, ra đời trên cơ sở những lời ca điệu hát dân gian đời Kim (1115 - 1234) và phát triển mạnh mẽ ở đời Nguyên  (1280 - 1368) . Khúc gồm hai loại tiểu lệnhsáo số. Tiểu lệnh là những khúc hát lẻ có màu sắc địa phương và phong cách dân gian  khá đậm. Sáo số là những tổ khúc bao gồm  từ hai khúc hát trở lên có cùng cung điệu….”Ở Việt Nam chữ khúc được dùng để chỉ những tác phẩm bằng thơ dài theo thể lục bát hoặc song thất lục bát, có nội dung trữ tình…

        Trần Đình Sử trong “Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam” xác định ngâm khúc “là một thể loại văn học trung đại Việt Nam, tinh thần bi kịch thể hiện ở chỗ tìm lại giá trị nhân sinh mà không được, không cam chịu mất mát giá trị mà đành bất lực và do bất lực mà  mà lòng bất lực ngày càng mạnh thêm, day dứt hơn và nhấn mạnh chức năng của thể loại này như sau: “Có thể nói khúc ngâm có nhiệm vụ phơi trải lòng đau xót, sầu tủi, tiếc hận của mình” .

        Về mặt nội dung: ngâm khúc thể hiện cảm hứng trữ tình, bi thương, qua tâm trạng nhân vật trữ tình, với những trạng thái tình cảm khác nhau như đau xót, sầu tủi, tiếc hận,… với nội dung phong phú, đa dạng: tuổi trẻ tàn phai, tình yêu chia lìa, hanh phúc tan vỡ, người thân qua đời,…Nhân vật trữ tình bộc lộ tâm trạng qua sự hồi tưởng, bằng hình thức kể, thuật, tả, vì vậy nỗi đau buồn, thương tiếc cứ tiếp nối, triền miên, tạo thành một dòng tình cảm bi kịch. Từ tình cảm bi kịch toát lên khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người.

      Về mặt nghệ thuật: ngâm khúc bao gồm một số đặc điểm về kết cấu, hình tượng con người, ngôn ngữ, lời thơ, không gian, thời gian… Trong phạm vi bài làm này chúng tôi đi vào tìm hiều không gian nghệ thuật trong ngâm khúc.

1.2. Không gian nghệ thuật

       Mỗi hiện tượng văn học là một thế giới nghệ thuật rộng lớn, phức tạp nhưng thống nhất với nhau trong một chỉnh thể. Nó phải tồn tại trong một không gian nhất định cho nên không gian nghệ thuật là một yếu tố tất yếu của thế giới nghệ thuật.

Trần Đình Sử cũng đã lí giải: không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại cùng thế giới nghệ thuật. Ông còn khẳng định một cách hết sức chắc chắn:không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không nào không có một nền cảnh nào đó,  không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống.Như vậy không gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, nó vừa là phương thức tồn tại, triển khai của thế giới nghệ thuật vừa là cách thức cảm thụ chủ quan của nhà văn về cuộc đời, về con người. Vì vậy tìm hiểu về không gian nghệ thuật trong văn học cũng là một trong những chìa khóa để giải mã được những bí ẩn của tác phẩm cũng như giải mã được những bí ẩn của phong cách nhà văn.

      Không gian được miêu tả chỉ trở thành không gian nghệ thuật khi nó gắn liền với chủ quan của con người. Và  do phụ thuộc vào cảm giác chủ quan của nhà văn, phụ thuộc vào cảm giác riêng của mỗi người cho nên chúng ta có thể gọi không gian nghệ thuật là không gian tâm tưởng.

    Trong tác phẩm văn học không gian nghệ thuật được chia thành các hình thức sau:
 +  Không gian vũ trụ
 + Không gian sinh hoạt đời thường
 + Không gian lịch sử- xã hội
 + Không gian đời tư….
Có thể nói không gian nghệ thuật được xây dựng hết sức đa dạng qua các tác phẩm khác nhau. Với mỗi ý đồ riêng biệt của từng tác giả mà không gian nghệ thuật có một ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa đó gắn liền với cách cảm thụ và quan niệm về thế giới của người trung đại.

2. Không gian nghệ thuật trong ngâm khúc

Trong Ngâm khúc nhà thơ sử dụng không gian như một biện pháp nghệ thuật hữu hiệu để thể hiện tâm trạng nhân vật và để khai thác một cách triệt để, toàn bộ không gian trong Ngâm khúc đều được lọc qua lăng kính chủ quan của nhân vật. Nói một cách khác không gian trong Ngâm khúc bao giờ cũng xuất phát từ điểm nhìn và diễn ra trong trường nhìn của chủ thể trữ tình.Điểm nhìn là nơi nhân vật ngồi để tự bạch tâm trạng của mình. Ví như người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm là trong căn phòng:
                               Bóng cờ tiếng trống xa xa
                            Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng
  Còn trường nhìn là nhân vật nghĩ đến đâu thì trường nhìn tới đó. Do đó toàn bộ không gian trong Ngâm khúc là không gian nghệ thuật. Nó có một chức năng duy nhất là giúp cho chủ thể trữ tình tự bạch tâm trạng của mình hay nói cách khác không gian trong Ngâm khúc mang tâm trạng của chủ thể trữ tình. Không gian nghệ thuật trong Ngâm khúc được biểu hiện như sau:

2.1. Không gian mơ hồ mang tính ước lệ tượng trưng

         Đây không phải là không gian đặc thù của ngâm khúc mà là của chung thơ cổ phương Đông. Là loại không gian không có thật mà nó chỉ là cái cớ để nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc của mình.

Ở đây không gian mơ hồ được hiểu là không gian không rõ ràng, không cụ thể, chân thực. Đó là một lũng Tây, cầu Hán Dương, bến Tiêu Tương…có thực ở Trung Hoa nhưng đi vào Ngâm khúc chỉ mang ý nghĩa tượng trưng mà thôi.
                        Hẹn cùng nhau lũng Tây nham ấy
                        Sớm đã trông nào thấy hơi tăm
                        Ngập ngừng lá rụng cành trâm
                        Buổi hôm nghe dậy tiếng cầm xôn xao
                       Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ
                    …Bến Tiêu Tương thiếp hãy còn trông
                       Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
                       Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng…
Tất cả cái gì là vật chất, là thực thể, bao nhiêu màu sắc, âm thanh dường như đã bị tác giả xóa nhòa đi trong những nét bút mơ hồ mênh mông. Một con sông, một đoạn đường, một nhịp cầu,…. được gói ghém trong một không gian ước lệ.

      Trong Chinh phụ ngâm cũng có dành một đoạn để mô tả giờ xuất phát của bộ đội. Tuy nhiên bức tranh vẫn chỉ có những nét thông thường như nhạc ngựa, trống hành quân, hàng cờ bay….chứ không hề có một sự chính xác về số lượng, về trang bị bộ đội, bộ mặt của những người lính cũng mơ hồ, không được nói đến. Ngay cả bộ mặt người chồng cũng không được rõ ràng, hình ảnh của chàng được hiện lên qua hai màu sắc:
                                  Aó chàng đỏ tựa ráng pha
                             Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
    Ngay cả cảnh tiễn đưa của đôi vợ chồng cũng không hề có nửa lời than thở, an ủi hay căn dặn nơi cửa miệng mà chỉ còn lại mỗi một cử chỉ:
                                  Nhủ rồi tay lại cầm tay
                             Bước đi một bước dây dây lại dừng
      Cảnh chiến trường chết chóc cũng chỉ còn lại một chi tiết:
                                    Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
                                Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Qua những phân tích trên ta thấy được tính chất mơ hồ, mênh mông, ước lê của không gian trong khúc ngâm này. Không gian này đã giúp người chinh phu bày tỏ tất cả những tình cảm nhớ nhung, mong đợi, hy vọng triền miên. Có thể nói nhân vật trữ tình đã bộc lộ tất cả những cung bậc cảm xúc của mình. Đánh giá hiệu quả nghệ thuật của kiểu không gian ước lệ tượng trong Chinh phụ ngâm, Trần Đình Sử cho rằng Những thời gian, địa điểm mơ hồ, vô định như chỉ nhằm gợi lên những cảm xúc thất vọng, mịt mù trĩu nặng trong tâm hồn người chinh phụ mà thôi.

2. 2. Ý thức đối lập giữa không gian tù túng, ngột ngạt, tăm tối( không gian thực) với không gian phóng khoáng, cao rộng( không gian giả tưởng)

       Sự đối lập này nhằm diễn tả tâm trạng đau buồn, ngột ngạt của nhân vật trữ tình trong hiện tại, niềm hối tiếc quá khứ và hoài vọng về tương lai.

  Không gian thực là không gian nơi mà chủ thể trữ tình đang tự bạch tâm trạng của mình với những nỗi đau, trăn trở. Trong Chinh phụ ngâm, qua ý nghĩ nhân vật ta xác định được không gian thực của chinh phụ ngồi chỉ từ trong phòng ra ngoài sân
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
Trong Cung oán ngâm khúc không gian thực đó chính là tiêu phòng – căn phòng dành riêng cho người cung nữ
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng
Giang tay muốn bứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra…
            Không gian giả tưởng: Trong không gian chật hẹp, tù túng, gắn bó đó con người luôn cảm thấy bức bối, ngột ngạt và muốn vượt thoát ra ngoài . Trong thực tế họ không thể thoát ra khỏi không gian ấy cho nên họn tự giải thoát bằng cách tưởng tượng nên mới sinh ra không gian giả tưởng.Trong Chinh phụ ngâm người chinh phụ thả hồn mình để đến với cảnh chiến trường nơi có người chồng đang chiến đấu, bản thân người vợ không thể ra nơi chiến địa đó được Nghìn vàng xin gửi tới non yên. Chinh phụ cũng nhận thức được điều đó cho nên không gặp được chồng như thế nàng lại quay về tìm chồng trong giấc mơ xưa:
                         Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ
                        Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa
Những Dương Đài, Tương Phố chỉ là những điển tích mang tính ước lệ, tượng trưng chỉ giấc mộng Vu Sơn trong văn học xưa. Chinh phụ đã mơ mộng, khát khao cảnh ái ân với chồng nhưng tất cả đều là cái hư và khi tỉnh lại người chinh phụ nhận thức cái tính chất vô nghĩa của nó
                       Sum vầy mấy lúc tình cờ
                      Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân
Mộng không thành, nàng lại lên cao trông ngóng nhưng vẫn không tìm thấy bóng dáng của người chinh phu. Điều đó khiến người chinh phụ hóa đá
                     Lòng này hóa đá cũng nên
                    E không lệ ngọc mà lên trông lầu

          Tóm lại, trong không gian chật hẹp con người cảm thấy tù túng, ngột ngạt tuy nhiên khi vươn mình ra ngoài không gian cao rộng thì họ lại cảm thấy bơ vơ, choáng ngợp, sợ hãi. Sự tương phản giữa hai loại không gian này xét cho cùng cũng mang một ý nghĩa tượng trưng, một mặt nó gợi lên sự liên tưởng về cuộc sống ngột ngạt tăm tối của thực tại.Mặt khác, nó thể hiện khát vọng của con người muốn thoát khỏi cuộc sống ấy. Nhưng thoát ra để rồi đi về đâu , bầu trời hạnh phúc chỉ còn đọng lại trong hoài niệm còn bầu trời tương lai trong dự cảm lại u ám, não nề đầy khí âm huyền. Đó chính là cái không gian được cảm nhận qua cái tôi trữ tình mang tâm trạng bi quan bế tắc về cuộc đời. Đặng Thai Mai cho đó là một không gian đã thấm nhuần trong màu sắc của tình cảm để mà đúc thành một khối tâm trạng của con người.

 3. KẾT LUẬN

Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của tác phẩm , tác phẩm nào cũng cần có không gian. Vì vậy không gian nghệ thuật có vai trò rất quan trọng, được tác giả sử dụng như một phương tiện đắc lực nhằm phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của mình.Nhìn chung không gian nghệ thuật trong ngâm khúc là không gian được cảm nhận qua cái tôi trữ tình mang cảm quan buồn chán, đau xót, hoài nghi về cuộc đời.

Nhóm học viên
Lê Thị Bích Vân - Trần Thị Yến



1 nhận xét: