Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

BÁNH CHƯNG XANH (Tản văn của Lê Thị Kim Cương)


Nhà chỉ có ba má và hai chị em. Mỗi mùa Tết đi qua, số lượng bánh trái trong nhà nghịch dần với số tuổi. Ba má đã ở cái tuổi ngũ tuần, Tết đến lấy sự họp mặt đông đủ của cả nhà làm niềm vui. Hai chị em đã qua đôi  mươi, bánh kẹo mứt chủ yếu để nhìn cho ngọt lòng ba ngày Tết. Nhưng nồi bánh chưng đêm Ba mươi thì không năm nào thiếu, chẳng năm nào vơi, bởi cái ấm áp tròn đầy của thứ bánh truyền thống này đã trở thành một đặc trưng cho cả nước Việt mình.

Bao giờ cũng tất niên trước một ngày, và 30 Tết là cả nhà dành cho những chiếc bánh chưng vuông vắn. Công đoạn chuẩn bị lá gói khởi động từ vài ba ngày trước. Giáp Tết nắng nhạt lại hay mưa, tranh thủ những buổi khô ráo, má rọc lá chuối, chị đem đi phơi. Lá trải đầy sân lẫn ngõ. Nhà mình và hầu như cả quê mình đều gói bánh chưng bằng lá chuối, thứ lá chuối hột, dày, to bản, phơi cho vừa héo đi trở nên dẻo dai, nấu lên lại không chát bánh. Chiều 29, sau khi đã quây quần bên mâm cỗ tất niên, hai chị em lấy lá đã phơi ra lau sạch và xé thành từng bản vừa vặn cho một chiếc bánh. Tối 29, má ngâm nếp đầy trong trong thau nhựa. Hạt nếp ngậm nước mẩy và chắc, nhìn thấy thương.
Hạt nếp là hạt nếp hương
Thơm tho dẻo ngọt mà vương lòng người.

Sáng 30 cả nhà tất bật. Má đi chợ mua sắm buổi cuối cùng cho ba ngày Tết. Ba gom lại mấy khúc củi to nhỏ, chuẩn bị cái nồi to nhất chỉ dùng để nấu bánh hằng năm, kê bếp cho vững vàng chờ lúc sắp từng chiếc bánh. Hai chị em đi hái lá rau ngót, lá càng già càng tốt, đem rửa sạch và giã nhỏ lọc lấy nước. Một bát nước lá đủ xanh cho cả chục kí nếp. Má gói bánh chưng phải có màu xanh của lá ngót, má bảo lúc cắt bánh ra màu xanh bắt mắt, chị hai bảo nhìn bánh nào mà trắng là chị chẳng buồn ăn. Bánh chưng nhà mình ngon trước tiên ở cái màu xanh ấy. Bí quyết của má là đó, và thêm chút muối cho nếp có vị mặn mà.

Nhân bánh là đậu xanh xào chín, nêm nếm đủ đầy gia vị. Nồi nhân đậu mỗi lần chị xào xong là thơm nức mũi, chỉ muốn xúc ăn bằng được. Thịt heo làm nhân ngon nhất là ba chỉ, ướp hành tiêu, nấu lên không nát mà không cứng, vừa bùi lại vừa mềm vừa béo. Thịt và đậu hòa quyện, làm cho bánh vừa cắt ra đã thơm đậm đà.

Giai đoạn gói bánh mới là khó khăn nhất. Cả nhà chỉ có má gói bánh. Gói không cần khuôn mà chiếc bánh cứ vuông vức và góc cạnh rõ ràng. Đây quả là một kì công mà khéo tay và nhẫn nại, tỉ mỉ mới làm được. Nửa chén nếp, một lớp đậu, một lớp thịt, rồi lại đậu, rồi lại nếp, chẳng liên quan gì tới hình vuông, thế mà dưới bàn tay của má, chiếc bánh chưng vừa vặn nên hình. Ba cha con ngồi trầm trồ, vừa buộc thêm dây cho bánh vừa nhìn má làm. Bao nhiêu năm rồi, ai cũng thử và cũng không ai làm được như má. Nhìn cách má gói bánh chưng, chị nghĩ đến cách má vun vén cho gia đình được vẹn tròn êm ấm như bây giờ. Bàn tay má, quả là một phép màu.

Bánh gói xong xuôi là lúc đã qua đầu giờ chiều. Má và chị lại tiếp tục dọn dẹp và chăm chút nhà cửa cho sạch sẽ, tươm tất. Ba và em nhận nhiệm vụ nấu bánh. Canh lửa và châm nước là hai nhiệm vụ cao cả để có được nồi bánh chín ngon đều. Bánh nấu suốt sáu, bảy tiếng đồng hồ. Bên bếp lửa cháy sáng, bên nồi bánh sôi rộn rã, cả nhà ngồi cùng nhau đêm ba mươi, mọi lo toan lắng lại, chỉ còn tiếng nói, tiếng cười chờ ngày mới.

         Bánh nấu xong là gần đến nửa đêm. Pháo hoa rộn ràng, nén hương tỏa dịu, trên bàn thờ tổ tiên đêm giao thừa, những chiếc bánh chưng vẫn còn ấm nóng. Cái ấm áp, ngọt bùi từ năm này qua năm khác đi cùng những chiếc bánh chưng xanh, đi cùng truyền thống ngàn đời nay của đất Việt Nam mình. Tinh hoa của đất trời được hòa trong chiếc bánh, tài hoa của con người cũng gói gọn trong ấy, mang cả hương vị của quê hương đem vào trong chiếc bánh, cho mỗi mùa Xuân lại thơm ngọt lòng người.

Lê Thị Kim Cương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét