Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

DẤU ẤN VŨ BẰNG TRONG "THÁNG BA, RÉT NÀNG BÂN" (Lê Thanh Mai)



Vũ Bằng sinh ra và lớn lên cùng làm báo, viết văn với nhiều nhà văn tên tuổi như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng nhưng số phận không ưu ái ông. Tuy có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà nhưng tên tuổi của ông ít được biết đến, nên tác phẩm Thương nhớ mười hai, đặc biệt là đoạn trích Tháng ba, rét nàng Bân của ông chỉ được đề cập trong chương trình phân ban.

1. Sáng tác ở thể loại nào thì văn chương của Vũ Bằng đều chan chứa ân tình. Vũ Bằng hiện lên là một nghệ sĩ có trái tim nhạy cảm, tinh tế với những biến động của cuộc đời, thiết tha yêu say cái đẹp, ngợi ca nó và cũng yêu ghét rạch ròi; một Vũ Bằng luôn tha thiết hướng về đất, người, cảnh sắc và văn hóa của quê hương xứ sở với tình cảm chân thành, nồng hậu… Dù sáng tác ở thể loại nào đi nữa thì về cơ bản, ngòi bút Vũ Bằng luôn có sự kết hợp giữa cảm xúc tinh tế và vốn văn hóa dồi dào. Điều đó thể hiện rất rõ trong đoạn trích Tháng ba, rét nàng Bân.

Tháng ba với vẻ đẹp đến xao lòng của lá bàng, lá sầu đông. Đầu tháng, lá xanh non màu cốm gió dún dẩy đu đưa một cách đa tình làm cho người đa cảm tưởng tượng như cây cối giơ những khăn tay bé nhỏ xanh xanh vàng vàng ra chào mừng, vẫy gọi (Vũ Bằng). Lá bàng ấy đâu còn là thực nữa mà trong hoài niệm của tác giả, lá bàng mang hơi thở của một khách đa tình và làm say lòng người đa cảm. Trong miền ký ức xa xôi, lá bàng của quê hương luôn vẫy gọi anh về với chính anh.

Cảnh sắc tháng ba thêm huyền diệu bởi dáng hoa sầu đông bé bỏng phơn phớt màu hoa cà êm êm, mùi thơm mát mẻ, dịu dàng níu chân người khách đà xuân tứ. Và giữa cái ân sủng của đất trời như thế, anh thấy tim anh nhoi nhói. Một cảm giác rất thực, rất nhân văn bởi lẽ trái tim nhạy cảm của Vũ Bằng sung sướng quá, yêu si mê quá và bé nhỏ quá trước vẻ đẹp kỳ diệu của đất trời. Nét văn hóa của thiên nhiên trong tiết trời tháng ba là ở chỗ đó.

2. Là người con của vùng đất Hà Nội với bề dày truyền thống văn hóa, Vũ Bằng đã tiếp thu tinh hoa của đất trời ban tặng. Tháng ba, rét nàng Bân là đoạn trích được ghi tên của một người đàn bà, đó là nàng Bân. Tháng ba dịu dàng, tinh khôi và thẳm sâu như tâm hồn của một người đàn bà đất Việt. Giữa thời gian đầy ý vị, không gian thiên nhiên chợt khởi sắc, ngồn ngộn sức sống và tác giả bấu víu nó như niềm an ủi nhỏ nhoi. Rét nàng Bân, cây bàng, cây sầu đông trong một miền thiên lý tương tư của Vũ Bằng như một tình nhân đa cảm, đa sầu và dường như xa nhau đã lâu mà không hề lỗi nhịp trái tim. Tháng ba, tháng của những nỗi nhớ. Có mấy ai xa quê mà cảm được cái đẹp, cái tinh túy của quê hương mình như tác giả.

Đoạn trích được viết bằng cảm hứng lãng mạn, bằng tình yêu và nỗi nhớ cảnh sắc thiên nhiên, nếp sống, con người xứ Bắc. Có thể nói, Vũ Bằng, Thạch Lam và Nguyễn Tuân là ba tác giả viết về Hà Nội hay nhất, bởi lẽ họ đã gắn bó với vùng đất và có vốn văn hóa dồi dào. Từ nhỏ, Vũ Bằng đã được tiếp xúc với nhiều sách báo vì gia đình ông làm nghề buôn bán sách.

Ngoài ra, như cảm nhận của những cây bút bạn bè, Vũ Bằng là người thích tìm tòi thể nghiệm, không bao giờ chịu bằng lòng với những gì đang có. Điều này cho thấy ông là người luôn đam mê học hỏi những điều mới mẻ. Một điều khác trau dồi thêm vốn văn hóa của Vũ Bằng, đó là ông luôn biết tôn trọng và giữ gìn từ những giá trị truyền thống đến những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng đối với tác giả, nó có ý nghĩa to lớn, vĩnh hằng. Trong Tháng ba, rét nàng Bân, ta được nhìn thấy vẻ đẹp giản dị của quê hương từ hoa thơm trái ngọt đến các món ăn, món quà bình dị. Từ bầu trời đến mặt đất, từ triền núi đến suối khe, từ gió mây đến cỏ cây hoa lá…, tất thảy đều như ngà như ngọc, tươi tắn sắc màu, ngan ngát hương vị, man mác thanh âm, vừa thanh tân, trong trẻo vừa thi vị, tình tứ. Có thể nói, đến với đoạn trích này, chúng ta được đến với những cảnh đẹp thiên nhiên trong một không gian nghệ thuật rộng lớn, phong phú đa dạng.

3. Bao trùm lên Tháng ba, rét nàng Bân là không gian cố hương - không gian tâm tưởng - không gian của tình yêu và nỗi nhớ. Chính niềm thương nhớ vời vợi đã tạo ra không gian trang trọng, không gian trìu mến, ôm ấp, vỗ về. Trong ký ức về một quãng đời êm đẹp, người ta thường giữ những gì tươi tắn, đáng yêu nhất. Và hiện lên trong tâm tưởng, trong niềm yêu nỗi nhớ, vẻ đẹp của những kỷ niệm bao giờ cũng được thăng hoa. Nhưng để thể hiện một tình yêu đẹp đẽ với biết bao nỗi nhớ một cách độc đáo và tài hoa như vậy thì phải có một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp.

Trong đoạn trích Tháng ba, rét nàng Bân, với cảm hứng lãng mạn, Vũ Bằng tái hiện, mô tả một miền quê, một thế giới nghệ thuật hội tụ những vẻ đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần Việt Nam: vẻ đẹp của cảnh sắc, vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của di sản tinh thần tổ tiên truyền lại. Đoạn trích là một mạch cảm xúc kéo dài xuyên suốt tái hiện khung cảnh, thiên nhiên, bộc lộ những cảm xúc, chiêm nghiệm, suy tưởng. Chưa ở đâu và chưa bao giờ chúng ta lại bắt gặp một thế giới nghệ thuật tập trung mô tả, tái hiện toàn cái đẹp như thế. Và điều đáng lưu ý là thế giới nghệ thuật ấy mang đậm dấu ấn riêng độc đáo của nhà văn Vũ Bằng - con người luôn mang nặng nỗi ưu tư về việc lưu giữ những nét đẹp của văn hóa dân tộc.

Lê Thanh Mai
Bài đã đăng trên Báo Phú Yên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét