1. Thể loại tiểu thuyết sử thi ( Roman - épopée ) hình thành ở
Nga vào thế kỷ XIX và sang thế kỷ XX thì phổ biến rộng rãi trong các nước XHCN.
Thể loại này mang trong mình một cấu trúc rất phức tạp, bởi có sự kết hợp hai
tính chất trái ngược nhau như lửa với nước, đó là "chất sử thi" và
"chất tiểu thuyết". Trong lịch sử văn học thế giới, "chất tiểu
thuyết" từng đấu tranh để loại bỏ "chất sử thi" khỏi hình thức
tự sự để từng bước mở đường cho sự thống lĩnh của tiểu thuyết. Đến đầu thế kỉ
XIX, sau khi thắng lợi thì "chất tiểu thuyết" quay lại bắt tay
"chất sử thi" để tạo ra thể loại mới "tiểu thuyết-sử thi".
Người ta đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết trên cơ sở
phá bỏ phong cách cao cả và tính khuôn mẫu của sử thi bằng tiếng cười carnaval.
Nhưng sự dung hòa trở lại hai tính chất này đã tạo nên "bi kịch thể
loại". Trong đời sống văn học Việt Nam thời chiến tranh, diễn ra nhiều
vụ phê bình quy chụp, uốn nắn... làm cho nhiều tác phẩm bị thăng trầm cũng bắt
đầu tư việc xử lý chưa hợp thời mối tương quan giữa chất sử thi và chất tiểu
thuyết của nhà văn. Nhà văn trẻ Anh Đức là một trong số những gương mặt tiêu
biểu của bộ phận văn học miền nam Việt Nam đã từng thành công với các tác
phẩm mà vấn đề xử lí mối quan hệ giữa "chất tiểu thuyết" và
"chất sử thi" một cách hiệu quả trong các tác phẩm của mình. Tiểu
thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện, sáng tác 1957 là một
trong số những tác phẩm như vậy của Anh Đức.
2. Tiểu
thuyết Một chuyện chép ở
bệnh viện kể lại câu
chuyện tác giả quen chị Tư Hậu trong
hoàn cảnh hai người cùng nằm viện. Chị Tư
Hậu bị lao hạch cấp tính.
Đó là một người phụ nữ còn trẻ, giàu nghị lực. Chị đã kể cho tác giả nghe về cuộc
đời mình.
Là một cô gái mồ côi nghèo khổ, lớn lên, chị Tư
Hậu lấy anh Tư Khoa và về
Bãi Sao, thuộc tỉnh Châu Thành, quê của anh Khoa,
để sống. Chị bị tên Tôma, đồn trưởng đồn Hiệp Hưng làm nhục trong một trận càn,
sau ngày chị sinh đứa con gái chưa được bao lâu. Thương con, thương chồng,
thương cha chồng, chị cắn răng chịu đựng, tiếp tục sống nuôi con, nuôi cha. Tư
Khoa về thăm nhà an ủi,
khuyến khích và tỏ tình nghĩa đằm thắm với vợ. Tin dữ đến với chị khi chồng hi
sinh khiến chị bàng hoàng tưởng như không sống nổi. Chị Ba Dương, bí thư phụ nữ
huyện, an ủi, từng bước dìu dắt chị trên đường công tác, đã giúp cho Tư Hậu
hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp về sự hi sinh của anh Khoa. Chị cũng đã chỉ cho Tư Hậu
con đường phải đi tới trong những ngày này để trả thù cho chồng. Cha chồng bị
giặc sát hại. Đau thương chồng chất, nhưng chị không gục ngã. Chị được kết nạp
Đảng ngay trong một đợt chống càn ác liệt. Bọn giặc, do tên phó đồn trưởng Tư
Bửu bày mưu, đã bắt hai con của chị là Ngọc Thủy và thằng Nhã, để buộc chị đầu
hàng. Đau khổ khi thấy con bị hành hạ, đầy đoạ, chị đã sai lầm viết thư cho
giặc dù khẳng định mình sẽ không ra hàng và đề nghị bọn giặc tha, giết tùy
chúng, chứ đừng đánh đập chúng nó tội nghiệp. Chị Ba Dương đã kịp thời vạch rõ
tác hại, Tư Hậu rất hối hận. Vừa lúc ấy, huyện đã bố trí cứu hai cháu đưa về
vùng du kích, và mẹ con lại được sum họp.
Hòa bình lập lại, chị Tư
Hậu và hai con đi tập kết. Các cháu được đưa sang Liên xô học tập. Chị Tư Hậu trở thành một công nhân dệt giỏi. Bệnh
lao hạch bột phát, chị phải vào viện. Được sự chăm sóc nhiệt tình của cả đội
ngũ y, bác sĩ bệnh viện, chị đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Cuộc sống đầm ấm, yêu
thương mà chị đã quên mình vì nó đang chờ đón chị.
Một chuyện chép ở bệnh viện đã khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ dịu hiền,
giàu lòng
yêu thương và đức hi sinh, rất kiên cường trong cuộc sống gia đình và trong
công tác cách mạng.
3. Chủ đề của Một chuyện chép ở bệnh viện là
quá trình giác ngộ cách mạng của một phụ nữ lao động Nam bộ bình thường. Nhờ sự giáo dục
của Đảng, sự giúp đỡ, dìu dắt tận tình của của các đồng chí và nhất là sự phấn
đấu mãnh liệt của bản thân chị Tư Hậu nên mặc dầu qua nhiều khó khăn, cuối cùng
chị cũng tìm thấy chân lí. Bước đầu đến với cách mạng của chị Tư Hậu quả là có
nhiều khó khăn. Đây không phải là những khó khăn khách quan mà chủ yếu là những
khó khăn chủ quan, do trình độ nhận thức chính trị còn non nớt của chị gây ra. Hễ
nghĩ đến "nỗi cay đắng thân thể bị ô nhục, cái đau đớn chồng chết",
chị rất muốn nhận công tác mà chị Ba Dương giao cho. Nhưng nỗi băn khoăn, lo
lắng trước khi nhận làm một cong việc mới lạ cứ xâm chiếm lấy chị, làm chị ngần
ngại, do dự. Sau nhiều đêm uy nghĩ, chị dần dần hiểu, thêm vào đó, lời chồng
dặn văng vẳng bên tai chị: "Cái nghề
của Tư có thể giúp đỡ cho bà con, có thể làm được cong tác, nếu các đồng chí
trên đó đặt vấn đề đỡ đẻ kết hợp với công tác ngụy vận thì Tư cứ nhận".
Chị bắt đầu dùng nghề đỡ đẻ của mình đi sâu vào quần chúng, giác ngộ họ, gây cơ
sở cho kháng chiến, đồng thời làm công tác địch ngụy vận.
Một
chuyện chép ở bệnh viện có một sức truyền
cảm mạnh mẽ, đi thẳng vào tình cảm của người đọc, chính là Bùi Đức Ái đã xây
dựng thành công nhân vật chị Tư Hậu từ khía cạnh đời thường một cách chân thật.
Nhà văn đã đi sâu vào tâm lí nhân vật, miêu tả những đấu tranh, dằn vặt trong
tâm hồn com người. Nỗi căm hờn, tủi nhục xen lẫn xấu hổ, lo sợ của người dàn bà
bị giặc hiếp; giằng co giữa tình yêu mới chớm nở với lòng thương nhớ chồng đã
chết của một người đàn bà góa; suy nghĩ giữa hai còn đường nhận công tác hay
không của một người phụ nữ bước đầu giác ngộ; đấu tranh giữa tinh thần trách
nhiệm của người cán bộ và lòng thương con của người mẹ; để công tác lên trên
hay để tình thương con lên trên
Đề tài của sử thi là lịch sử dân tộc,
là sự kiện đã hoàn kết của dân tộc, là quá khứ tuyệt đối.
4. Nhân vật
Ưu
điểm của tiểu thuyết sau năm 1954 viết về đề tài chiến tranh và cách mạng bước
đầu đã kết hợp bức tranh cận cảnh và viễn cảnh, kết hợp được hình tượng của đám
đông quần chúng với bức chân dung đậm đặc, tạo hình của vài ba tính cách cá
nhân, tiến lên một bước trong quá trình điển hình hóa trong hình tượng người
chiến sĩ chống đế quốc. Quá trình điển hình hóa đó đã giúp cho nhân vật trung
tâm mang vẻ đẹp hình mẫu của thể loại tiểu thuyết sử thi này. Sau khi chị Tư
Hậu bị giăc làm nhục là nỗi đau chồng chị hi sinh. "Tôi gục khóc lặng người. Lòng tôi nặng trĩu cô đơn. Chưa lúc nào
nỗi đau đớn và cô đơn xâm chiếm lòng tôi cách cực mạnh như lúc này. Cha và mẹ
tôi mất hồi tôi chưa biết khóc thương. Lớn lên tôi đã biết thế nào là số phận
mồ côi, cái bơ vơ lạc loài của một đứa trẻ không cha không mẹ. Tôi đã sống qua
những phút tê tái nhục hờn của một người vợ, một người mẹ, bị kẻ địch làm mất
trinh tiết. Song tất cả từng ấy khổ não, chưa cái nào dằn vặt cấu xé tâm hồn
tôi bằng cái tin buồn bất ngờ đến với tôi hôm nay. Là vì người vừa mất hôm nay
chính là người đã dìu dắt tôi ra khỏi chỗ bơ vơ, là người đã làm an dịu được
vết thương tủi nhục trên người tôi". Sau cái đêm mưa gió hãi hùng ấy,
một người đàn ông đánh xe ngựa đến rước chị Tư Hậu đi đỡ đẻ. Bó chồng từ chối
nói con dâu vừa mới có tang không đi được. Người đàn ông thở dài, nói vợ có
thai tám tháng, bị thằng xếp bốt đá vào bụng, không khéo chết cả hai mẹ con.
Chị Tư Hậu thương người vợ bất hạnh cùng cảnh ngộ, nén đau khổ lại, đội mưa gió
ra đi. Đến nơi, chị vợ đã vượt cạn một mình, nhưng thằng bé chưa được ai cắt
rốn. Người đàn bà đau thét, quằn quại vì cuống rốn còn, nhau chưa ra được, nếu
để chậm thì "tính mạng người mẹ mười phần chết chín". Đỡ đẻ ngay
trong lúc súng đạn của giặc nổ chát chúa " Chúng nó bắn lung tung không ngớt.
Đạn bay véo véo trong mưa. Thình lình nhiều viên đạn từ vách lá bên này lọt
sang vách bên nọ, cắm chen chét xuống đất ướt quanh nền nhà. Tôi lúng túng
không biết day trở ra sao. Cái chết kề bên tôi. Muốn sống có thể nhân tiếng
súng vừa ngớt bỏ chạy may ra thì sống. Tôi run lên. Có thể một viên đạn nào đó
sẽ ghim vào người tôi, bắt tôi phải bỏ con tôi được lắm. Mấy phen tôi dậm chân
muốn chạy rồi anh ạ. Mà tôi không chạy được. Cái buộc chân tôi lại lúc ấy là
lương tâm tôi, là người mẹ trên giường và em bé sơ sinh kia. Chị ta còn bị đe
dọa hơn tôi gấp bội phần. Tiếng súng nổ ra giữa lúc cái nhau còn dính trong
người chị. Đứa con chị thân thể vẫn còn nhầy nhụa tanh bẩn, ngóc đầu quờ quạng."
Đáng
lẽ chị Tư Hậu đang cần bấu víu vào một ai khác để vơi bớt nỗi đau khổ cô đơn
của mình thì chị lại phải đứng ra làm chỗ dựa tinh thần cho một người khác. Và
chị thấy nỗi đau này không của riêng ai, những người dân nghèo xung quanh chị
cũng cực trăm chiều khi bị đồn bót giặc o ép. "Trời, như vậy thì có riêng gì tôi đâu. Trên khắp các ngõ đường,
chiến tranh cứ đào thành hào hố thê thảm. Bao giờ thì những hào hố ấy mới được
lấp bằng như cũ?". Tính cách
chị Tư Hậu đên đây chuyển qua một bước ngoặt mới. Người đàn bà từ chỗ nghĩ rằng
phải nhờ người đàn ông giải thoát cho mình khỏi nỗi đau khổ đến chỗ tự mình
đứng dậy giúp người khác vượt qua đau khổ và cuối cùng đi đến chân lý: bị áp
bức thì phải đấu tranh: "Làm thế nào để anh Mười, chị Mười cũng như tôi
hiểu được rằng một con người bị áp bức mà cứ lặng lẽ cam chịu không chống cự
lại là con người ấy là dại. Bản thân tôi trước đã tưng cam chịu đau đớn, nay
cũng chưa phải là thấu hiểu mọi lẽ đâu. Nhưng khi tôi chớm hiểu thì một sức
mạnh trong người tôi trỗi dậy lấn át cả đau thương".
Chị
Tư Hậu nghe lời chị Ba Dương tuyên truyền vợ chồng Mười Hợi, đưa cán bộ Đảng
vào hầm vùng ở hậu địch. Công tác đoàn thể giúp chị dịu dần đau đớn, cảm thấy
mình già dặn hơn sau mỗi lần thử thách: "Tôi
nhận ra giờ đây tôi không đến nỗi trơ trọi, cô đơn. Xung quanh tôi từ ngày này
đã băt đầu có bè bạn, đồng chí. Cộng thêm nỗi lo lắng đối với công việc đầu
tiên, khiến tôi chan hòa mọi thứ cảm giác hết sức mới mẻ". Qua sáu
tháng đưa cán bộ vào nằm vùng ở Hiệp Mỹ, Hiệp Lộ, chị Tư Hậu dần dần có cái bản
lĩnh của một cán bộ phụ nữ vùng địch
hậu. CHị được kết nạp vào Đảng, được ban chấp hành phụ nữ huyện tuyên dương. Bị
lộ, chị Tư Hậu phải gửi hai đứa con, rút vào hoạt động bí mật. Hai người đàn bà
nuôi con chị thì một người bị giết, một người bị giặt bắt. " Thời gian trôi qua thật là nhanh. Trong tám tháng kể từ khi nhà tôi về
rồi đi, đã có bao nhiêu việc xảy đến làm thay đổi đời tôi. Tính cả chuyến đi
này là vừa đúng sáu lần tôi chịu trách nhiệm đưa anh em cán bộ vào các cơ sở mà
tôi xây dựng lên. ở Hiệp Mỹ cũng như ở Hiệp Lộ, nói chung những cơ sở của chúng
tôi đều là tốt. Sáu chuyến qua chưa có chuyến nào bị vỡ lở, tuy cũng có nơi
phải chuyển. Kết quả của công việc ấy khiến tôi càng tin nơi tôi, tin nơi bà
con. Cái công việc mà trước kia chị Ba Dương bàn với tôi, tôi cảm thấy khó khăn
hầu như không gánh vác nổi, giờ đã quen dần với tôi. Chính công việc ấy đã mang
đến cho tôi niềm vui và nỗi sung sướng mới. Đến hôm nay, tôi sắp tạm nghỉ việc
để làm nhiệm vụ sinh con."
Rồi
bọn giặc bắt nhốt hai đứa con chị vào đồn hành hạ "để đánh một miếng đòn ghe gớm vào tâm não tôi, để bức bách tôi vì
các con mà phải ra hàng, khai báo cho chúng
tất cả các cơ sở ở vùng địch hậu". Với bản lĩnh vững vàng của
một Đảng viên đã được dày dạn trong thử thách, chị Tư Hậu đã giữ vững phẩm chất
một người con trung với Đảng, với dân; từ một người vợ, người mẹ hiền, chị đã
trở thành người chiến sĩ. "... Từ đó
về sau bận công tác tôi cứ đi luôn, thỉnh thoảng mới về nhà thím Ba. Nhiều lúc
thấy tình cảnh con cái xa xôi vất vả, tôi cũng lo lắm. Nhưng công tác ngày càng
phát triển, tôi không thể vắng mặt, đành cứ phải gởi chúng nó như thế, cố sao
vừa công tác vừa tranh thủ chăm sóc cho con được từng nào hay từng ấy".
Có
thể thấy rằng tính cách của chị Tư Hậu là sự đan xen giữa con người sử thi và
con người tiểu thuyết. Sau khi đã được giác ngộ cách mạng, chị Tư Hậu một lòng
hết lòng hết sức vì công tác địch ngụy vận, kìm nén nỗi đau riêng vì mất chồng,
mất cha, mất cả nhà cửa để làm cách mạng với một tinh thần cao nhất, tưởng
chừng như không có gì có thể cản nổi nỗi uất ức ấy trong lòng của chị; nhưng
khi hai đứa con chị bị bắt, chị đã yếu mềm "Lúc
ấy tôi nghĩ bụng: "Phải chi mình không đảm nhiệm cơ sở, để lo gìn giữ các
con thì đâu đến nỗi thế này". Chị đã viết thư cho bọn giặc "... Hai đứa đó chính là con tôi, mấy
người có tha thì tha, giết nó thì giết đi, chớ đừng đánh đập nó tội nghiệp. Còn
tôi, tôi không ra hàng đâu..." . Đó là phần yếu mềm trong con người chị
Tư Hậu, cũng vì bản năng làm mẹ, tình mẫu tử thôi. Đó chính là khía cạnh trong
con người tiểu thuyết của chị Tư Hậu. Trong tiểu thuyết sử thi, nhân vật chính
là người anh hùng, con người sử thi có thể chấp nhận trong nó những nhược điểm
nhỏ nào đó của con người tiểu thuyết. Tiểu thuyết sử thi vẫn miêu tả những nét
tự do của con người cá nhân, nhưng vẫn phải phục tùng cộng đồng, nên vẫn phải
chuyển hóa thành con người sử thi của cộng đồng.
Trong
Một
chuyện chép ở bệnh viện, nhân vật chị Tư Hậu có khi đã chớm nở một tình
cảm rất đẹp kiểu tiểu thuyết với nhân vật Dũng. " Vầng trăng đã lấp ló treo trên đầu các ngọn sao. ánh trăng chiếu vô vòm
lá, khiến lá sao lấp loáng như có thoa mỡ. Rặng sao hứng lấy ánh trăng, chỉ
buông rơi xuống mặt đường sỏi vắng vẻ những đốm sáng lỗ chỗ. Lúa tháng mười ở
bên đường thoảng ngát mùi thơm ngọt của sữa gạo mới đọng lại trong vỏ hạt.
Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau. Vẫn chưa ai nói chuyện với ai một câu nào. Kể ra
cái chuyến đi trên xe ngựa từ năm trước có lẽ giữa tôi với anh ấy còn được tự
nhiên hơn nhiều. Chưa quen biết mà lại dễ nói. Chừng hơi quen hơi thân rồi sao
lại khó nói. Người cán bộ trẻ đã làm tôi hơi khó chịu khi mới gặp, lâu nay anh
ta thật là người đáng sợ đối với tôi. Cái bóng dáng của anh cứ xen vào cuộc đời
tôi, muốn tháo gỡ mà tháo gỡ không xong, đành cứ để nó xen vào. Đôi lúc cảm
thấy được an ủi, cảm thấy bớt trống trải. Song lẽ một chốc chi đó tôi lại đâm
lo ngại rồi".
Nhưng tình cảm ấy, chị Tư Hậu và cả anh Dũng đều gác lại, giấu trong lòng chẳng
ai thổ lộ với ai. Họ đã quyết định đặt nhiệm vụ, lợi ích cách mạng lên trên.
Cho đến khi anh Dũng sang Liên Xô học luyện kim, họ vẫn giữ trong lòng thứ tình
cảm trên đồng đội, đồng chí ấy như một sự bỏ ngỏ "Trông qua đôi mắt chị Tư Hậu, lòng tôi lấy làm bồi hồi. Nhận thấy
chị không nhắc gì đến Dũng, tôi mới hỏi:
- Chị Tư, câu chuyện giữa chị và đồng chí Dũng ấy thì sao?
Chị Hậu lặng thinh. Chốc sau, tôi thấy chị mỉm cười. Rồi dập tắt ngay nụ
cười, chị nhìn một nơi khác nói:
- Anh Dũng à? Tôi quên... anh ấy tập kết ngay sau đình chiến, đi trước cả
mấy đứa nhỏ tôi. Từ đó tới nay, tôi biệt có gặp ảnh, nhưng được cái thư từ thì
đều lắm. Dũng đi học về luyện kim ở Liên Xô anh ạ. Tập kết ra, đi luôn tới nay.
Thư nào gởi về cũng nói... - Trong thư, ảnh nói là kiên quyết
không quên tôi. Bạn bè Liên Xô người ta hỏi anh ấy có gia đình chưa, anh ấy bảo
là có rồi đưa người ta xem ảnh tôi. Cái ảnh tôi gởi ảnh hồi năm xưa. Đó là
trong thư anh ấy nói thế, còn thì không biết thế nào... không biết sao nữa...". Như vậy, Bùi Đức Ái đã giải quyết
một cách hài hòa giữa cái chung và cái riêng trong nhân vật anh hùng chị Tư
Hậu, để giữ lại hình ảnh đẹp của một nhân vật anh hùng của sử thi, vừa trọn vẹn
tính cách của một nhân vật tiểu thuyết. L. Martin nói: "Trong thế giới sử thi, không có chỗ cho bất cứ một sự dang dở,
một sự chưa quyết đoán, một sự "có vấn đề" nào hết (...) Tính hoàn
tất tuyệt đối và khép kín là một thuộc tính rất đặc sắc của quá khứ sử thi
(...) Tiểu thuyết tiếp xúc với môi trường cái hiện đại chưa hoàn thành, chính
đặc điểm này không cho phép thể loại ấy bị đông cứng lại. Người viết tiểu
thuyết thiên về tất cả những gì còn chưa xong xuôi". Kết thúc tác
phẩm, người đọc vẫn chưa có kết quả là Dũng và chị Tư Hậu có đến với nhau
không, có kết thúc có hậu như sử thi hay không, tác giả vẫn còn bỏ ngỏ để người
đọc tự phán đoán.
5. Có thể nói tên tuổi Bùi Đức Ái như
một cây bút trẻ có nội lực và hứa hẹn được khẳng định bắt đầu từ truyện ngắn Con
cá song, nhưng thật sự chắc chắn có hứa hẹn là từ tiểu thuyết Một
chuyện chép ở bệnh viện. Giới phê bình đã tìm thấy một giọng điệu, mọt
tiếng nói nghệ thuật mới trong văn xuôi đương thời. Nhìn chung các nhà nghiên
cứu đều đánh giá cao những đóng góp cả Bùi Đức Ái, qua tiểu thuyết Một
chuyện chép ở bệnh viện, đã tạo nên "một
hình tượng mới mẻ của người pụ nữ Việt Nam , chưa từng có trong văn xuôi
cách mạng trước đó" (Phan Cự Đệ). Nhà thơ Trương Viết Lãm nhận định: "Câu chuyện chẳng có gì phi thường cả,
sự việc nối tiếp nhau theo một trình tự
hầu như đã định sẵn. Nhưng dẫu sao chúng tac vẫn phải lo nghĩ, vui, buồn
theo nhân vật, vẫn cứ chờ đợi kết thúc. Chỉ vì một lẽ đơn giản: đó là sự thật
cách mạng, sự sống của nhân dân, đó là những ngày đau thương chúng ta đã từng
biết, những phấn khởi chúng ta đã có"
Quả
đúng như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận xét "Nếu không có sự dung hợp và chứa đựng các thủ pháp "ngoài sử
thi" thì nền văn học này sẽ kém hấp dẫn, lôi cuốn". Điều này cũng
đúng với trường hợp của Một chuyện chép ở bệnh viện. Có thể
nói rằng Bùi Đức Ái tuy vốn sống và kinh nghiệm chưa nhiều nhưng với tình yêu của anh
dành cho vùng đất và con người Nam bộ, đã giúp anh xây dựng thành công nhân vật
chị Tư Hậu như một mẫu người anh hùng của thời hiện đại. Bên cạnh đó, nhà văn
cũng đã biết cách dung hợp thể loại tiểu thuyết và sử thi một cách nhuần nhị để
Một
chuyện chép ở bệnh viện, như nhận định của Thiếu Mai là "một bài thơ ca ngợi tinh thần chiến
đấu dũng cảm của người dân bình thường của miền Nam kháng chiến", phản
ánh đúng bản chất của con người lao động trong quá trình giác ngộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Anh Đức về nhà văn và tác phẩm, Nxb GD, HN 2007.
2. Thiếu Mai, Về một chuyện chép
ở bệnh viện và Biển xa của Bùi Đức Ái, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12,
1962.
Lê Kim Tám
Lớp Cao học Văn K17
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét